Đoàn Việt Bắc: Sinh nhật mình năm nay lạ lắm/ Năm trăm rau muống luộc nhai suông/ Em không còn thuở tết tóc đuôi sam/ Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
   

Say cùng “Tà vạt” Đông Giang
Cập nhật: 9:13:00 29/11/2010

Ông già Tà vạt
(Vanvn.net) “Có ai mua thì già bán , không có ai mua thì già uống. Cả ngày ngồi miết ở đây, uống miết Tà Vạt , say miết cả ngày.” Ông già “Tà vạt” nói xong, lại nhấc cái ly nhựa đã xỉn đục , hớp một hơi rượu rồi cười sảng khoái. Cái tên “ông già Tà vạt” cũng là ông tự gọi mình. Ông là Bnướch Gói ,ở thôn Rà-Vả , xã Ating , huyện vùng cao Đông Giang , Quảng Nam.

Từ một ông già như thế

Vẫn cười , rung rung chòm râu bạc trắng , ông già “Tà vạt” vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về “tiểu sử” hơn 20 năm sống cùng “Tà vạt” - Loại rượu đặc sản của người Cơ tu. Ông bảo , ông sống lâu quá rồi , cũng không nhớ là bao nhiêu tuổi nữa. “Chắc cũng được gần 90 mùa rẫy rồi” , ông chỉ bảo thế. Con của ông, một trai, một gái, đều đã lập gia đình ra ở riêng. Hai vợ chồng già sống với nhau dưới mái nhà tranh dột nát. Đã ở tuổi “cổ lai hy”, ông tự hào sinh ra trong mùa rượu Tà vạt , lớn lên cùng hương Tà vạt thoang thoảng khắp nẻo làng. “Mùi Tà vạt ngấm vào trong tóc, trong da, trong cái thân già này bao năm, không ngửi thấy, không nhấm lấy vài ngụm rượu là không chịu được”.

Ông già vui vẻ trả lời. Rồi ông được truyền lại bí quyết làm rượu, từ chuyện chọn cây, chọn buồng, cả cách ngâm vỏ cây chuồn sao cho rượu không chua mà vừa thơm, vừa ngọt . “Không có ai trong làng này làm rượu nhiều năm như tao đâu” , ông già kể.

Trong căn chòi xập xệ bằng đủ thứ chất liệu : tre, vài cành cây, mấy tấm ni lông, áo mưa cũ, chiếu rách được ông chắp vá làm chỗ che nắng che mưa,ông già vừa uống rượu, vừa nhấm nháp con ếch nướng mà ông vừa chộp được bên đường lúc sáng. Có ai ghé mua thì ông bán,có khi một ly rượu, có khi bằng cái chai nước suối đã dùng, hay bằng đốt tre tươi dựng bên lều, miễn là đựng được rượu. Ai uống thử thì ông cho, ai mua thì ông nhận tiền. 5 ngàn, mười ngàn, dăm chục, ai đưa bao nhiêu ông lấy bấy nhiêu. Không kì kèo mặc cả, thậm chí không lấy tiền, miễn là có người cùng uống rượu  với mình, không ngày nào mà ông già kì lạ ấy không chếnh choáng về nhà trong hơi men Tà vạt còn đang say nồng…

Đến bí quyết làm Tà-vạt của ông già kì lạ.

Tà vạt là một cây thuộc họ dừa, thân có đốt, quả kết thành buồng. Đến độ tháng 2, tháng 3, Tà vạt kết hoa, hoa nở muộn sẽ rụng đi, hoa nở sớm kết thành quả, mọc thành 4, 5 buồng dài có khi cả mét. Phần cổ buồng sẽ được cắt đi, nước từ cổ buồng rỉ xuống được hứng lấy để làm rượu Tà vạt. Phải chọn đúng thời điểm Tà vạt kết trái, cắt bỏ phần hoa, dùng cây gỗ mềm đập quanh thân cây ba đến bốn  lần, cách nhau vài ngày thì Tà vạt mới cho nhiều nước. Nhưng muốn lấy được loại rượu Tà vạt vừa ngọt đậm vừa tinh khiết, quan trọng nhất là bí quyết ngâm vỏ cây chuồn vào nước Tà vạt. Rượu ngon hay kém ngon là phụ thuộc vào liều lượng cũng như loại vỏ cây chuồn dùng ngâm rượu. Vì đó chính là thứ men quý nhất để rượu Tà vạt trở thành “đặc sản” của đồng bào Cơ tu vùng cao.



Tà vạt chủ yếu mọc ở vùng thung lũng sâu, nên muốn lấy được rượu, phải đi bộ có khi 3, 4 tiếng đồng hồ mới đến được chỗ lấy rượu. Nhưng vì trót “nặng nợ” với thứ đặc sản truyền thống này mà không ngày nào ông già Tà vạt không lên rừng lấy rượu. Vì rượu Tà vạt không để được lâu, chỉ có thể giữ từ 1 đến 2 ngày nên ngày nào ông già cũng phải lên rừng lấy rượu cho ngày hôm sau. Rượu không “bán” hết thì ông mang về trong làng chia cho mọi người cùng uống.

Nặng nợ với “Tà vạt”

Những người thường xuyên qua lại đoạn đường TL 604 đoạn qua thôn 4, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam hẳn ai cũng đã quá quen thuộc với ông già có chòm râu bạc trắng ngồi gật gù trong cái chòi rách nát cạnh đường vào bãi khai thác đá của Công ty Khai thác đá Bình Định. Nắng, mưa ,sáng chiều gì ông già cũng ngồi ở đó . Ông kể , sáng ông phải dậy từ rất sớm, cuốc bộ cả chục cây số xuống “cửa hàng” của mình. “Ai cho đi nhờ thì đi, không có thì đi bộ. Dọc đường bắt được con ếch, con nhái gì là mang theo nướng, làm “mồi nhậu”. Rồi một mình ngồi nhắm rượu, đến gần chiều ông già lại cuốc bộ về để lên rừng lấy rượu cho ngày hôm sau. “Có ngày thì bán được ba, bốn chục ngàn, đưa bà mua gạo, có ngày thì vài ngàn thôi.” Dù thế , ông vẫn đều đặn ngồi bán Tà vạt như để trả nợ cho món đặc sản truyền thống của quê hương mình. “Quen rồi, ngày mô ở nhà thì cái chân, cái bụng thấy khó chịu lắm”, ông già cười khà khà rồi lại nhấc cái ly rượu xỉn đục làm thêm một hớp rượu.

Ông bảo, bây giờ ít người làm được Tà vạt lắm. “Bọn trẻ bây giờ chỉ ham chơi, ham mấy thứ xe máy, quần áo của người Kinh, không biết bữa sau ai làm rượu Tà vạt cho tụi nó uống nữa. Buồn lắm”, đang chuyện trò, người “nghệ nhân” Tà vạt già bỗng lắng giọng, chia sẻ với chúng tôi. Trăn trở của ông già tưởng “chưa bao giờ tỉnh” ấy không ngờ lại khiến chính chúng tôi giật mình, mai này, liệu còn có bao nhiêu “Ông già Tà vạt” giữa đại ngàn Trường Sơn...

Nguyễn Thành Công

1
Tin mới