Nguyễn Phan Quế Mai: Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Gió trao tôi đôi cánh/ Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ 
   

"Đi về nơi hoang dã" trong tương quan văn xuôi 20 năm đổi mới
Cập nhật: 16:22:00 12/6/2010
Văn Chinh Mấy năm trước, trong bài Văn xuôi Nam bộ nhìn từ xa, tôi có nhắc qua về cuốn sách quan trọng của nền văn học còn chưa nhiều đỉnh chúng ta: “Đầu thập kỷ 80, văn xuôi Nam bộ dường như đã một lúc có tới ba nhà văn lớn: Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn mà báo chí đương thời coi là “tam Tuấn kiệt” trong văn xuôi. Thế rồi cũng báo chí với tập quán chỉ lăng xê những cuốn sách gần với nó, biến văn học thành cận văn học (para literatur) rồi thản nhiên cho qua hai rưỡi “tam Tuấn kiệt”. Nửa còn lại nền “phê bình có vấn đề” cũng cho qua nốt, đó là sự im lặng trước một tiểu thuyết hay Đi về nơi hoang dã.”

Mấy năm trước, trong bài Văn xuôi Nam bộ nhìn từ xa, tôi có nhắc qua về cuốn sách quan trọng của nền văn học còn chưa nhiều đỉnh chúng ta: “Đầu thập kỷ 80, văn xuôi Nam bộ dường như đã một lúc có tới ba nhà văn lớn: Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn mà báo chí đương thời coi là “tam Tuấn kiệt” trong văn xuôi. Thế rồi cũng báo chí với tập quán chỉ lăng xê những cuốn sách gần với nó, biến văn học thành cận văn học (para literatur) rồi thản nhiên cho qua hai rưỡi “tam Tuấn kiệt”. Nửa còn lại nền “phê bình có vấn đề” cũng cho qua nốt, đó là sự im lặng trước một tiểu thuyết hay Đi về nơi hoang dã.”

Đi về nơi hoang dã chỉ có cái mới đóng góp cho văn Việt: Tiểu thuyết gần 300 trang, có năm nhân vật chính, hầu như không có tên; “năm thằng đực rựa” gọi nhau bằng tục danh căn cứ vào tính cách hay nghề nghiệp: Ông toán trưởng, thằng cấp dưỡng, thằng hộ pháp, thằng học giả và tôi – người dẫn chuyện. Lối suồng sã hoá này vốn không mới đối với tiểu thuyết - đứa con hoang của ông bố quý tộc bất mãn với bà goá thị dân xô bồ. Nhưng ở Việt Nam, ngoại trừ Xuân Tóc Đỏ, tiểu thuyết luôn ý thức để các đứa con mình có một huyết thống minh bạch. Đến Nguyễn Huy Thiệp, sự suồng sã xuất hiện nhưng mới chỉ dừng ở lời ăn tiếng nói nó làm nên không khí truyện mà có người gọi là ma quái. Cái vô danh mới mẻ này ngay lập tức đạt được hiệu quả nghệ thuật: Các tính cách của toán công nhân phát tuyến (ngày nay ta gọi là khảo sát thiết kế) ăn ở tập thể, no đói thèm ăn như nhau, thèm gái cũng như nhau nốt, do vậy mà mặc dầu mỗi anh một tính cách nhưng rồi nhoè dần sang nhau. Thậm chí, thằng học giả vốn đầu têu ghét, khinh, chống ông toán trưởng mà rồi dần dà hắn lại giống ông ta nhất. Những kẻ vô danh, làm cái việc mở tuyến nhưng do trình độ, thiết bị và núi non hiểm trở đã khiến công việc của họ suốt mấy tháng trời thành công cốc, phải lấy cái đích giả định thay cho đích đến, nghĩa là cũng vô danh nốt. Riêng tôi, tôi vẫn thèm viết về các tính cách nhoè dần, nhoè cơ học mà không cưỡng được, cứ tiếc ngẩn ngơ. Nhưng vẫn còn có thể an ủi: Nhoè, che kín tính cách, nghĩ thế nọ mới phải nhưng lại nói thế kia là con người của hiện đại mà cuộc khám phá kỳ thú của các nhà tiểu thuyết mới là những nhát phát tuyến sơ khai bởi Nhật Tuấn.

Tiểu thuyết bắt đầu từ chỗ toán mở tuyến giao thông lâm vào đói ăn: “Bữa ăn cuối cùng trong ngày còm cõi đến độ biến đâu mất …và giấc ngủ khó mà tới khi trong bụng có tiếng than vãn của cái dạ dày đang co bóp vào chính nó.” Và khát: “Mỗi lần thay quần áo, thấy tôi cứ ngập ngừng mãi, thằng cấp dưỡng lại cười diễu: “Nhịn đánh răng rửa mặt đi, năm ngày có năm bi đông nước là đủ giặt quần áo đấy.” Đói khát là kẻ thù vật chất nên để chống lại, ông toán trưởng dùng sức mạnh tinh thần, mỗi tuần nghĩ ra một khẩu hiệu mới, bắt anh em viết dán vào mũ, chẳng hạn: “Lấy cây làm nhà, lấy lá làm chiếu, lấy sương làm màn…Quyết tâm chiếm lĩnh đỉnh cao phía trước.”Công việc thì lâm vào bế tắc. Nhóm khảo sát đi theo bản đồ do cấp trên chỉ đạo qua cái máy vô tuyến điện với ông toán trưởng, có la bàn trong tay. Nhưng con đường tương lai gặp núi đá dựng đứng, không thể có hàng triệu tấn thuốc nổ phá núi cho nó đi, họ gọi về báo cáo sự thật và nhận được chỉ thị: Phải tìm cách khắc phục, cấp trên không bao giờ sai. Sợ phát sinh “tư tưởng”, toán trưởng lại phải dùng biện pháp muôn thủa là họp quán triệt anh em với các bài cũ rích về đạo đức và tinh thần cách mạng. Lại xoay anh em như chong chóng: mờ đất toét còi tập thể dục, xong là vây xung quanh chậu cơm đang bốc khói, rồi ra ngay hiện trường, khẩu hiệu dán trên mũ, không hở phút nào cho sự “phát sinh.” Năm thằng đực rựa, các mối tình đầu đều đã là thì quá khứ. Ông toán trưởng có vợ con ở quê, trong khi dự học lớp chính trị dành cho quy hoạch cán bộ, ông giúp đỡ cô gái quá lứa học tập và khi “kiến thức của bà có được nâng cao nhưng không bằng cái bụng mỗi ngày một lùm lùm lên của bà.”Bà đành giải quyết nó bằng biện pháp tuyệt vọng là thắt lưng buộc bụng lại. Thế nhưng, đúng như điều ông vẫn giảng cho bà “quy luật khách quan tồn tại bên ngoài ý muốn chủ quan của con người” cuối cùng, tổ chức cho bà đi Nam còn đưa ông lên Bắc”. Cô vợ tay xã đội trưởng vì mê cái thân thể thằng hộ pháp, cứ rủ bằng được gã vào nhà nhân hôm chồng đi vắng, thế rồi trong lúc hai đứa đang cuốn lấy nhau thì tay chồng về, hộ pháp nhảy đại qua cửa sau rồi chuồn tuốt luốt lên Việt Bắc mở lối. Liệu ta có thể gọi hai “cuộc tình” ấy là tình yêu được chăng? Ngay như cuộc đáng “mặt” tình yêu hơn là cô hàng xóm với gã học giả. Gã con nhà tư sản, yêu cô hàng xóm thị dân vô sản và được cô ta giác ngộ. Gã từ bỏ giai cấp, chỉ chỗ cha gã giấu vàng cho đoàn cán bộ cải tạo tư sản khiến ông bố treo cổ tự tử. Bà mẹ gã bảo mày tên là Hiếu mà bất hiếu, gã biến lên rừng với một mớ kiến thức không đâu vào đâu trong đầu, còn đống sách vở thật thì gã đã đốt trong một lần lên cơn ghét tri thức tư sản! Những trang gã nhấm nháp ký ức yêu đương khiến cho đám đực rựa phần nào đỡ thèm khát thật ít ỏi, còn ra là sự cay nghiệt với việc cô ta đi lấy chồng làm gã biến đổi tâm tính ghê gớm. Từ chỗ gã đầu têu diễu cợt ông toán trưởng giáo điều, maois đến chỗ gã lân la nịnh bợ ông như Vũ Tán Đường tận tuỵ với Lý Đạo Thành rồi, gã được cử thay làm toán trưởng với tất cả sự láu cá xung quanh đỉnh Hua Ca là đích đến của hành trình. Tại chỗ khép lại này tiểu thuyết mở ra một ẩn dụ ghê gớm: Cái ấu trĩ, thô sơ và thậm chí còn đạo đức giả của ông toán trưởng ít ra còn có niềm tin chân thực mãnh liệt biện minh, những “tai hoạ” do ông đem lại cho anh em nhiều khó chịu nhưng vô hại so với gã học giả dám đánh tráo đích đến dù hôm nay trên đỉnh Hua Ca giả định, trước nấm mộ ông toán tưởng không bát cơm quả trứng, không cả khói hương, gã “Viện trưởng kính trắng tương lai” còn rỏ được giọt nước mắt chân thực. Trực cảm nghệ sĩ đã trở thành tiên cảm. Trong khi cái ấu trĩ thô sơ quá tả đã trở thành quá khứ, thành bài học hài hước tuy vẫn còn ám ảnh chúng ta thì sự chuyển đổi lại nẩy sinh một mầm hoạ mới để rình rập tương lai, mầm hoạ này sẽ không còn hài hước đáng yêu nữa, nó ác và khôn lường với những gã học giả không còn coi trọng và tin yêu con người.

Trong toán mở đường có thằng cấp dưỡng không lên đây bởi tình yêu và cũng vô tích sự hơn cả. Gã là con cầu tự, gọi ông toán trưởng là cậu; ông thấy gã sống ru rú xó nhà đã nói với chị cho nó đi theo để lập nghiệp nam nhi. Sau này cả bọn hỏi gã, sống khổ thế này sao không về với mẹ, gã đã hồn nhiên trả lời, gã phải ở lại vì thương mẹ, để mẹ gã còn có ảo tưởng rằng thằng con đang làm nam nhi sự nghiệp. Gã sẽ nhon góp tiền lương để về làm cho mẹ ngôi nhà mà thỉnh thoảng gã lại hỏi cả bọn là nên làm mái bằng hay lợp ngói, có bể ngầm chứa nước mưa thì nền cao bao nhiêu để khỏi lụt như năm ất Dậu. Bi thảm là gần cuối con đường gã bị mất bọc tiền, hai ngày giời gã phát quang rộng mênh mông để tìm mà không thấy, gã như thằng mất hồn, tuyệt vọng nhưng nó cho thấy khoang chứa bên trong con người tưởng như đơn giản và vô tích sự ấy sâu rộng và ám ảnh xiết bao!

Cái chỗ kết của ái tình giữa thằng hộ pháp với vợ tay xã đội lại bi thảm theo một cách khác. Thật lạ, yêu nhau hồn nhiên, dù rặt trò xác thịt nhưng các chuyện đều do hộ pháp kể lại, được lọc qua giọng kể của tôi giữa những thằng đực rựa đói tình, tôi lại chưa từng được yêu được ân ái nên những chuyện ấy lại ánh xạ lên thành đẹp, thành khát vọng. Hộ pháp chôm tiền của tay liên lạc về quê, với một ý đồ không thể coi là không lớn lao: “Ừ thì anh sắp đem em đi biệt khỏi cái làng này đây, đi thật xa, đi về nơi hoang dã để không ai còn dòm ngó, quấy rầy tình yêu mình nữa…”Thế nhưng, trớ trêu và cũng thật giản dị, vợ tay xã đội lại đang mang thai với chồng. Cuộc âm mưu “nổi loạn” chưa bùng lên đã tắt ngấm để rồi nổi lên cơn phẫn uất ghê gớm trong con người tưởng như cực kỳ đơn giản là hộ pháp. Gã bải hoải bò lên đến “bản doanh” cũ và bất ngờ thấy ông toán trưởng nằm chết trong hang. Gã gầm lên hung hãn: “Thằng nào quyết định bỏ ông toán trưởng nằm lại? thằng nào?” Giọng nó vang lên như một tràng súng bắn vào sự lắng im của rừng chiều. Tác giả chỉ viết thế nhưng người đọc hiểu rằng những viên đạn kia đã trộn diêm sinh với than xoan của tình yêu cháy rụi tạo nên sức công phá ghê rợn đến thế.

Mối tình duy nhất ở thì hiện tại trong tiểu thuyết là của tôi và Sao, cô mậu dịch viên người Thái. Tôi là kẻ duy nhất đi mở đường chỉ vì mở đường, gặp tình yêu mà còn chưa dám tin, đã bỏ chạy khỏi nó với tải gạo năm chục ký trên vai đi suốt ngày đường. Tả về tình yêu, cái lãng mạn còn sót lại từ Trang 17, từ những tiểu thuyết cho nữ sinh tỉnh lẻ chợt trở nên là nốt nhạc hoa mỹ hiếm hoi tương phản với khung truyện xô bồ trần trụi và trần tục mà thành hiệu quả thẩm mỹ. Sao tin rằng trên đỉnh Hua Ca, tiếng dân tộc có nghĩa là cái mỏ quạ từ đó chảy ra dòng nước nguồn, hai người yêu nhau mà uống nước trong trẻo ấy thì sẽ được trăm năm đầu bạc. Tiểu thuyết kết thúc trên đỉnh Hua Ca giả định, do căn cứ vào la bàn của thằng học giả mà phát tuyến, cuối ngày tôi lại trở về đúng nơi xuất phát, nên gã kết luận vậy còn tôi thì cũng không thể cãi rằng đây không phải Hua Ca. Nào có ai trong toán phát tuyến đã biết đỉnh núi Hua Ca bao giờ mà bảo đấy không phải là nó? “Tôi thầm hứa sẽ đưa được cái gói nhỏ của ông toán trưởng đến tận tay hai mẹ con bà Trưởng phòng dạo trước mà ông đã dặn dò…” Tôi không thể lấy được nước nguồn trong trẻo trên cái đỉnh núi xác xơ vàng mù sương… Sáng mai tôi sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên không phải vì thế mà con người không thể thực bụng yêu nhau…”

Cái mới đóng góp vào diện mạo văn xuôi đã nói trên như nét bút bay bướm vượt khỏi những dòng kẻ cổ điển mà tiểu thuyết tự nguyện tuân thủ. Với một tay nghề vững vàng viết truyện ngắn xuất thân, Nhật Tuấn bố cục cuốn sách tài đến mức khiến cho độc giả bị hấp dẫn vừa bởi cốt truyện chi tiết của truyện ngắn vừa bởi các tính cách nhân vật ngoắt ngoéo liên tục với sự vạm vỡ xô bồ vốn là đặc trưng của tiểu thuyết cổ điển. Tài tình nhất là tư tưởng thẩm mỹ xoắn bện hồn nhiên với chùm nhân vật ít mà phong phú, với cốt truyện giản dị nhưng không dễ kể hết, chuyện hết thì tính cách cũng phát triển đến đỉnh điểm và những gì tác giả muốn nói cũng đã thấm thía rất sâu trong lòng người đọc.

Đặt tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã trong thành tựu 20 năm đổi mới của văn xuôi Việt, tôi thấy nó là một trong mấy cái đỉnh nhô lên khỏi nền chung đã không ngừng cao lên. Không có tên trên bản đồ tiểu thuyết với những Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma v.v. nhưng tôi thấy Đi về nơi hoang dã là tiểu thuyết hay hơn cả. Bạn có thể bảo tôi ăn nói bặm trợn, nhưng trước đó hãy làm ơn nhớ cho rằng tôi thích tất cả những cuốn sách vừa kể, cho nên không thể quy cho gu đọc của tôi bị bệnh. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến thuê tôi đọc để tư vấn cho chị bỏ vốn in hai cuốn sách khó bán là Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Tôi thuyết phục chị rằng, có thể ít lãi nhưng nó hay, nó sẽ làm nên thương hiệu cho Luyến. Văn Bảo Ninh hay, nhìn chiến tranh tương đối khách quan, không ta tốt địch xấu như thói thường. Tiếc rằng nó có chỗ giống Remarqe, có chỗ lại giống Nghệ nhân và Magarita của Bungacop. Cái anh Giang Minh Sài rất hay, là một nhân vật sống bật ra khỏi được tã lót văn chương; tiếc rằng về cuối, anh ta lại không được làm theo ý mình là ở lại thành phố và quậy; khiên cưỡng trở về quê đốt gạch để lại dấu vết chủ quan khá đậm của cái thời văn trước đó. Bến không chồng cũng được nhân vật Vạn. Tuy chưa vạm vỡ bằng Sài, nhưng chứa đựng hết được tư tưởng thẩm mỹ hơn: Có một loại người, dẫu đầy thiện ý can dự cho đồng loại sống tốt hơn, nhưng Vạn động vào ai kẻ đó bại. Đi về nơi hoang dã trỗi vượt lên ở chỗ chỉ tả về lao động, lam lũ, đói khát của mấy thằng đực rựa sống lủi thủi trong rừng sâu mà đọc rất hấp dẫn. So với các cuốn trên, nó đã là một chỉnh thể nghệ thuật, cái mới mà tác giả đóng góp cho văn xuôi làm diện mạo cổ điển chợt lung linh sáng.

Hà nội 2005


Tắt Telex VNI

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Tên của bạn

 

Email

   

Ý kiến của bạn

 

1
Tin mới