Sao Mai: Cái thu về trọ sao trời biếc/ Nắng còn vàng biêng biếc đã sang sông. Hữu Thỉnh: Vạt mảnh bờ con cua mất quê/ Rau đay làm lẽ buổi anh về
   

Những vấn đề cử tri quan tâm
Cập nhật: 17:37:00 7/6/2010

Sáng ngày 20/5/2010, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc. Ngoài những nội dung chính như đánh giá tình hình Kinh tế - Xã hội, các giải pháp điều hành nền kinh tế, thu chi ngân sách, các dự án, công trình quan trọng của quốc gia, xem xét một số dự án luật… là những vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được đặt lên bàn nghị sự trong kỳ họp lần này, thì một nội dung khác trong chương trình làm việc của Quốc Hội cũng đang hết sức được cử tri cả nước quan tâm, đó là những vấn đề đặt ra trong Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7, mà ông Huỳnh Đảm, thay mặt Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp.
Những nội dung chủ yếu mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm kiến nghị lên Quốc hội có thể tóm lược lại trong các vấn đề sau:
1. Về công tác xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội, cử tri cho rằng Quốc hội cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, tránh tình trạng một số dự án luật đã phải rút ra khỏi chương trình lập pháp do nguyên nhân chất lượng chuẩn bị chưa tốt, hoặc một số đạo luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi; khắc phục tình trạng luật khung, phải chờ hướng dẫn của Chính phủ mới triển khai thực hiện, và kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án luật, chưa đáp ứng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.   
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có nội dung giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân...
2. Về việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Việc giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu liên tục tăng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường cũng làm ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội. Chính vì vậy mà đông đảo cử tri đã có kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với nguồn vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
3. Vấn đề lao động và việc làm cũng là vấn đề có nhiều ý kiến. Mặc dù cử tri đều xác định những yếu tố khách quan, như tình trạng suy thoái của nền kinh tế thế giới đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động nói chung, nhưng về phía chủ quan, cử tri cho rằng trong thời gian qua các cơ quan chức năng chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về lao động. Chính vì vậy mà đã có kiến nghị cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lao động trong thời gian tới nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Nhiều cử tri cũng có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta, để vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc.
4. Vấn đề giáo dục, đào tạo mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên cử tri vẫn cho rằng chất lượng giáo dục đào tạo ở ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tình trạng xuống cấp về đạo đức trong học sinh, sinh viên, việc cho phép thành lập một số trường đại học, cao đẳng tràn lan ở các địa phương, trong khi chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết phục vụ cho việc giảng dạy, học tập cũng gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Đông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về chất lượng của ngành giáo dục. 
5. Công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này. Việc một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Dương… cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng đã từng được dư luận hết sức quan tâm trước đây, tuy đã được Chính phủ đã ra quyết định đình chỉ, nhưng cử tri thấy vẫn cần phải tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có vi phạm và sớm có các giải pháp khắc phục hậu quả. Nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát về vấn đề này.
Vấn đề quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch Hà Nội nói riêng và Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh cũng là những vấn đề được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài của đất nước, nên Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi phê duyệt đồ án.
Đông đảo cử tri cũng có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, về khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ rừng trước rất nhiều hiện tượng tiêu cực do buông lỏng quản lý diễn ra trong thời gian gần đây.
6. Về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuy đã được tăng cường và đẩy mạnh, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa bởi những diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn của tình trạng này. Đặc biệt vẫn còn một số vụ xử lý chưa thoả đáng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Cùng với những kiến nghị nêu trên, cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn những nội dung đã kiến nghị tại các kỳ họp trước. Theo báo cáo tại ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6, cử tri cả nước gửi tới cơ quan này 1.687 kiến nghị, trong đó có 1.171 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Tính đến ngày 10.5.2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị của cử tri do ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời.
Gửi ý kiến của mình lên Quốc hội không chỉ là bày tỏ những bức xúc, kiến nghị của cá nhân và cộng đồng về những vấn đề liên quan đến Quốc kế, dân sinh, mà đây còn là tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là sự phản ánh đời sống chính trị của đất nước. Hy vọng những ý kiến này sẽ được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, xem xét và xử lý thấu đáo.
PV


Tắt Telex VNI

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Tên của bạn

 

Email

   

Ý kiến của bạn

 

1
Tin mới