Làng văn ta ai cũng biết nhà văn Bão Vũ tên thật là Vũ Bão. Đó là cái tên do ông nội anh đặt cho từ lúc mới chào đời. Khi bước vào làng văn, thấy tên mình trùng với bút danh của bác Phạm Thế Hệ (tức cố nhà văn Vũ Bão) nên anh phải đảo đi như vậy. Nhưng dù là Vũ Bão hay Bão Vũ thì cũng là mưa gió cả, mưa to gió lớn chứ không thường. Và quả thực hai nhà văn này, tuy thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng đều đã từng làm mưa làm gió trên văn đàn Việt.
Còn nhớ cách đây dăm năm, khi nhà văn Vũ Bão còn sống, có lần về Hạ Long (nơi tôi từng gắn bó nhiều năm) dự trại sáng tác do Chi Hội nhà văn Công an mở, đúng lúc Bão Vũ vừa từ Hải Phòng sang, tôi và Nguyễn Đình Chính cùng một vài người nữa cũng vừa chân ướt chân ráo đến. Cả bọn xúm vào trêu hai ông “mưa to gió lớn”, rằng sự có mặt của họ ở trại này khác gì cửa hai lần khóa, như vế đối cực hay của cụ Trạng Trình, chả ai đi đâu được. Qua cuộc trò chuyện tùm lum, tôi thấy Vũ Bão có vẻ quý chàng nhà văn có bút danh “đối chọi” với mình, bèn nảy ra ý định thăm dò xem ông đánh giá thế nào về hắn. Để ông nói thật vô tư, tôi dùng mẹo vòng vo tam quốc, hỏi về chuyện bếp núc trong nghề. Quả nhiên ông say sưa nói một hồi rồi kết luận:
- Tóm lại là viết gì thì viết, tác phẩm hay phải đạt được hai điều: Có vấn đề và có văn. Thiếu một trong hai cái đó thì chưa đạt.
- Em lại thấy nhiều tác phẩm không có vấn đề gì nhưng đọc vẫn rất thích?
- Đó là tác phẩm loại hai. Nó chỉ làm người ta thích tức thời nhưng không đọng lại điều gì cả.
- Còn tác phẩm chỉ có vấn đề, chắc anh xếp loại ba?
- Không có loại ba. Những người viết văn mà không có văn, chỉ có vấn đề thì tốt nhất là bảo họ nên chuyển sang nghề khác.
- Nhưng em lại thấy khối tác phẩm có vấn đề nhưng văn chương ngô ngọng chả ra sao mà vẫn được trao giải thưởng?
- À, đấy là vì nó ra trúng thời điểm đang cần, đáp ứng một yêu cầu gì đó. Nó như hàng chợ, tính làm gì.
- Vậy Bão Vũ thì sao? Hắn ta xuất hiện vào đúng thời đổi mới và liên tục giành giải thưởng, liệu anh có xếp vào dạng “trúng thời điểm” không?
- Không, không! Cậu chưa đọc hắn sao mà lại hỏi tôi như vậy? Tay này khá chứ, rất khá đấy! Truyện ngắn, tiểu thuyết đều được cả. Văn hay và tỏ ra có học. Còn truyện thì cái nào cũng nêu được điều gì đó khiến người ta phải ngẫm. Không tin cậu cứ đọc xem. Riêng mình rất sướng một điều là do sự trùng tên với hắn mà những năm gần đây cái tên mình liên tục được người ta nhắc đến. Nói về hắn bao giờ người ta cũng nhắc đến mình, thậm chí còn phải mở ngoặc để nói tên cúng cơm của mình ra nữa chứ. Hà hà! Không ngờ sự xuất hiện hơi muộn mằn của hắn lại làm mình vớ bở.
Rõ rồi! Thế nghĩa là Vũ Bão đánh giá rất cao Bão Vũ. Nhưng ông đã nhầm khi nghĩ tôi chưa hề đọc của anh, cứ dặn đi dặn lại là phải đọc. Ông không nhớ rằng Quảng Ninh - Hải Phòng vốn là hàng xóm của nhau, từ lâu cánh văn chương hai tỉnh đã thân thiết như anh em một nhà. Riêng tôi với Bão Vũ thì đã từng tâm sự, từ chuyện văn đến chuyện đời, hiểu nhau lắm lắm.
Xuất hiện vào thập kỉ cuối cùng của thế kỉ hai mươi, Bão Vũ đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của bạn viết và bạn đọc cả nước với một loạt truyện ngắn liên tiếp được giới thiệu trên báo Văn Nghệ, liên tiếp giành được giải cao nhất trong các cuộc thi về thể loại này, liên tiếp được xếp vào topten truyện ngắn hay trong các tuyển tập của các Nhà xuất bản. Và trong mươi, mười lăm năm trở lại đây, anh liên tiếp cho xuất bản gần 10 đầu sách, trong đó có tập Mây núi Thái Hàng giành Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 2000 và được đề cử giải thưởng Văn học ASEAN. Một số truyện của Bão Vũ đã được dịch ra tiếng Anh, như "Vết thương trong không gian; Cô gái không biết khóc; Đào nương,... và có đến gần chục truyện được dựng thành phim khiến tên tuổi anh nổi như cồn, trở thành một hiện tượng văn học thời mở cửa.
Bão Vũ sinh năm Nhâm Ngọ (1942). Ngày anh sinh đúng lúc trời nổi cơn bão lớn kéo dài suốt ba ngày liền, ông nội anh bèn đặt tên là Bão. Nhưng cụ vốn là một nhà nho, từng đỗ khoa thi Hương cuối triều Nguyễn, không thể chỉ dựa vào ngoại cảnh mà đặt tên cho cháu mình như vậy. Chữ “bão” ở đây theo nghĩa chữ Hán là "no đủ" còn là "ôm ấp", tức có hoài bão lớn.
- Trong hai điều ông nội nói, mình nghiệm ra chỉ đúng một điều. - Bão Vũ nói với tôi - Hoài bão thì có nhưng sung sướng no đủ thì không hẳn.
Bão Vũ ôm mộng văn chương từ nhỏ và rồi đã góp mặt vào hàng ngũ văn nhân nước nhà. Nhưng về đời sống vật chất thì quả là vất vả. Anh mồ côi bố từ năm lên bốn tuổi, đến năm chín tuổi thì mẹ đi bước nữa, phải ở với bà ngoại, nghèo, không chỉ luôn thiếu ăn mà thiếu cả tình mẹ nữa. Chính điều này đã khiến anh tìm đến văn chương như một chỗ dựa tinh thần. Năm 11 tuổi, học lớp Nhất trường tiểu học thời Tây, anh đã đọc khá nhiều văn học Pháp, từng được thầy giáo chấm điểm cao khi dịch bài thơ Con hươu cái của một nhà thơ Pháp sang tiếng Việt: Con hươu cái kêu gào dưới ánh trăng/ Và nó khóc đến hòa tan cả đôi mắt/ Con hươu nhỏ xinh ngoan của nó/ Đã biến mất trong đêm sương mù/ Nó kể nỗi đau thương của nó/ Với khu rừng vắng lạnh lẽo/ Không một tiếng trả lời/ Và cổ nó vươn mãi lên trời thẳm...
- Thực ra cả nước mình trước đây đều nghèo khổ. - Tôi nói - Các cụ cũng chỉ hi vọng thế thôi, chứ cái tên người làm sao thay đổi hoàn cảnh được. Nhưng mà này, sao ông viết văn từ rất sớm mà trình làng muộn vậy. Nếu tôi không nhầm thì khi bước vào tuổi 50 ông mới cho in truyện đầu tay?
- Không phải 50 tuổi mới cho in mà là 50 tuổi mới được in. Năm 1961, khi mười chín tuổi, tôi có gửi một truyện ngắn mang tên Những đám mây lên báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ bây giờ) nhưng không có hồi âm. Sợ bản thảo bị thất lạc, tôi đã hai lần chép lại cái truyện ấy và gửi tiếp, vẫn không thấy gì. Một cái tin nhắn trong mục Hộp thư bạn đọc cũng không. Đó là cú thất bại đầu tiên. Nhưng tôi vẫn tin những gì mình viết ra cũng không đến nỗi nào, nên tôi cứ viết. Cứ hùng hục viết nhưng không gửi đi đâu cả, cũng không hề có tham vọng gì ngoài việc nghĩ rằng mình viết được.
- Kiên cường nhỉ? Đáng mừng là bây giờ ông đã được đền bù xứng đáng.
- May mà như vậy! Phải chờ đến ba mươi năm sau, những gì tôi viết mới được ghi nhận. Riêng truyện ngắn Những đám mây đúng 40 năm mới được trình làng. Đó là năm 2001, tình cờ tìm lại trong đống bản thảo truyện này, đọc thấy vẫn thích, bèn chỉnh đốn đôi chút rồi gửi lên báo Văn Nghệ, đổi tên thành Truyện ngắn đầu tay, bởi vì nó đúng là truyện ngắn đầu tay thật. Truyện được in trang nhất. Sau đó còn được giải thưởng truyện ngắn hay của báo và được đưa vào tuyển tập. Thế đấy, cũng tác phẩm ấy, tác giả ấy, ngày xưa gửi mãi chẳng in cho, giờ lại đánh giá là xuất sắc, ông thấy có lạ không?
- Lạ thật đấy! Nhưng là ông lạ chứ không phải Ban biên tập báo.
- Nghĩa là sao?
- Bởi vì có thời người ta chỉ chấp nhận những tác phẩm viết theo đề tài, như kiểu Công nông binh chẳng hạn. Nếu ai đi trật ra khỏi đường ray ấy thì dù tác phẩm không hề phản động hay có ý chống đối gì cũng bị loại ngay. Tầm cỡ như cụ Nguyễn Tuân chỉ viết về sự thưởng thức các món ăn Hà Nội thôi mà còn bị người ta trì chích kia mà. Cho nên đối với Ban biên tập báo thì đó là chuyện phải làm, không có gì lạ cả. Còn ông mới là người kỳ lạ. Viết không cần in, không cần gì cả mà cứ viết. Cứ thầm lặng thế suốt mấy chục năm trời với gần chục cuốn sách không xuất bản thì quả là đáng nể!
Sự mở cửa hội nhập của xã hội đã khiến trong văn học chấp nhận nhiều khuynh hướng sáng tác, chấp nhận cá tính sáng tạo của nhà văn, và sự xuất hiện của Bão Vũ vào lúc này là rất hợp thời. Tuy nhiên trong làng văn, tôi thấy anh quả thật khác người, rất bản lĩnh, rất tự tin, nếu không chắc hẳn đã buông bút lâu rồi. Anh vốn là kiến trúc sư giỏi ở thành phố Cảng, từng được đi nhiều nước châu Âu, châu Á hợp tác trong nghề kiến trúc, từng được mời sang xứ sở Champa giúp thiết kế những công trình dân sinh. Nghề kiến trúc cũng thuộc lĩnh vực sáng tác, giá anh dồn tâm huyết vào những tác phẩm loại này, vừa có tiếng tăm vừa có cơ hội trở nên giàu có, sẽ sướng hơn nhiều, việc gì phải chúi đầu vào viết văn cho khổ đời ra?
- Mình yêu nghề kiến trúc. - Bão Vũ nói - Nhưng ông biết đấy, thời buổi này, để một đồ án thiết kế thành hiện thực có quá nhiều phiền toái, thậm chí còn gặp quá nhiều chuyện phi lý, những chuyện ngán ngẩm thường gọi là “tiêu cực” làm mình mệt mỏi, mất đi cảm hứng sáng tạo. Văn chương ít ra khi sáng tác cũng được hoàn toàn độc lập, chỉ mình đối diện với mình, không lệ thuộc vào ai cả.
- Nhưng giả sử những cái ông viết ra người ta cứ không dùng, liệu ông có đi với văn chương đến hết đời không?
- Tôi sẽ cứ viết và để đấy, như trước kia tôi đã từng như vậy.
Bão Vũ nói một cách quả quyết. Và tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Nhà văn đích thực là người luôn ý thức về sự sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu bền. Một mình một hướng bay, một tầm bay, ngay từ đầu Bão Vũ đã tự khẳng định cho mình một lối đi riêng biệt để không bị sa vào cái dòng chủ lưu tưởng chừng không ai cưỡng nổi của thứ văn chương thời vụ. Cố nhiên điều này không phải chỉ mình anh nhận thấy, nhưng anh tránh được để không phí sức vào trong những sự đua chen vô bổ hão huyền. Tác phẩm của anh vì vậy mà trụ được với thời gian, một mặt vẫn phản ánh rõ nét thời mình sống mặt khác vẫn mang tính phổ quát, gợi mở cho người đọc suy ngẫm về những vấn đề thuộc về muôn thuở, đúng như nhận xét trên Website của Hội Nhà văn khi giới thiệu về anh: "Tác phẩm của Bão Vũ có cái biến hoá của một người trải qua lắm cung bậc đời thường mà tâm hồn có khát vọng thẩm mỹ; có cái lịch lãm của người sống nhiều, sống kỹ và, nhất là, có niềm trân trọng cuộc sống vì ông chỉ chia sẻ với bạn đọc những điều thú vị với giọng văn anh ánh lên niềm sang trọng ngay cả khi tác giả kể về những kẻ bụi đời hay những cảnh huống dưới đáy...”.
Có thể thấy rõ điều này trong các truyện ngắn Trầu têm cánh phượng, Thung lũng Ngàn Sương, Hậu thân của Đêgavati, Lãng tử, Người đi chuyến taxi cuối ngày, Vết thương trong không gian, Ván bài Tỷ điểm tử... và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Vĩnh biệt vườn địa đàng hơn 500 trang viết về thân phận của những người Việt trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người thời hội nhập.
Đọc Bão Vũ, dù ngắn hay dài, đều rất thích. Cốt truyện lôi cuốn, vấn đề hay, văn phong đẹp. Với tên tuổi anh hiện giờ, khen anh khác gì khen phò mã tốt áo. Bởi thế tôi không muốn nói nhiều về cái được của anh, chỉ muốn lưu ý một điều rằng anh nên cảnh giác với chính mình, với văn mình, đừng có mải mê trau chuốt quá, sang trọng quá, nếu không rất có thể nó sẽ dẫn anh trở lại con đường cũ, con đường của văn chương lãng mạn Pháp ngày xưa.
Bão Vũ chơi khá thân với Nguyễn Đình Chính. Bà cô của Chính rất quý Bão Vũ, khi còn khỏe bà vẫn đến nhà Bão Vũ thường xuyên. Đọc tiểu thuyết Online...Ba lô của Chính, Bão Vũ rất thích, nhận xét rằng Nguyễn Đình Chính đã tự vượt thoát một cách mãnh liệt và bắt được nhịp thở của thời đại.
Bão Vũ mà chẳng thế. Nhưng văn phong anh có phần chậm rãi hơn, thậm chí hơi cầu kì. Giá mà nhịp điệu nhanh chút nữa, bụi hơn chút nữa... Nói thế vì tôi nhìn về phía trước chứ không nhìn lại phía sau, những gì anh đã có. Và vì tôi nghĩ rằng Bão Vũ còn đủ sức tiếp tục đi và sẽ đi rất xa trên đường văn nghiệp của mình. Phải vậy không?
Hà Nội hè 2010
B.V
Bến Văn