Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng
Cùng bay nào cho trái đất quay
Cùng bay nào
Cho trái đất quay...
Không chỉ trẻ em, người lớn ai cũng thuộc bài hát đó. Không chỉ đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 hàng năm mà bất cứ cuộc vui lớn nhỏ nào của các em, bài hát ấy lại vang lên rộn rã. Giai điệu, lời ca mới đẹp làm sao, trong trẻo làm sao, tươi sáng làm sao. Khăn quàng đỏ tung bay, tiếng hát lan xa khắp mọi miền đất nước, khắp bốn phương trời, khắp năm châu bốn biển. Tiếng hát làm cho trời xanh hơn, biển xanh hơn, trái đất cũng xanh hơn.
Một nhà kinh doanh kiêm họa sĩ nước ngoài, một lần đi du lịch ở Hạ Long, được nghe các em thiếu nhi vùng này hát bài hát đó, và sau khi nghe dịch lại lời ca, đã thốt lên rằng: “Người Việt Nam giỏi quá. Bài ca này có thể sánh ngang với bức tranh áp phích Chim hòa bình của Pi - cát - xô.”.
Một cán bộ lão thành ở khu phố tôi, một hôm nghe bài hát này vang lên từ một ngôi trường gần đó, cũng thốt lên rằng: “Đúng là giới văn nghệ sĩ luôn đi trước thời đại. Bây giờ ta mới mở cửa hội nhập, chứ họ đã kêu gọi mọi người hội nhập từ lâu lắm.”
Tôi hỏi bác có biết ai là tác giả bài hát đó không. Bác ta lắc đầu, không biết. Không riêng gì bác ta, rất nhiều người như vậy, nhưng ai cũng thích bài hát đó. Và tôi nghĩ đó là phần thưởng vô hình nhưng hết sức lớn lao cho người sáng tác.
Vâng! Đó là bài thơ của nhà thơ Định Hải viết từ những năm bẩy mươi của thế kỉ trước, và ngay sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quang Lục, tác giả ca khúc Vàm cỏ đông nổi tiếng một thời, phổ nhạc.
Anh Hải có lần tâm sự với tôi: “Cậu nói đúng. Trong cuộc đời sáng tác của mình, mình đã được nhận khá nhiều giải thưởng, cao nhất là Giải thưởng Nhà nước. Nhưng có lẽ không có giải thưởng nào cao quí bằng được hàng triệu trẻ em hát bài hát đó. Cậu biết không, có lần mình được mời đi dự một buổi liên hoan văn nghệ dành cho thiếu nhi, được cô Hiệu trưởng nhà trường quàng khăn đỏ cho mình trong khi các cháu đồng thanh cất tiếng hát, chính bài hát này, làm mình cảm động đến rơi nước mắt.”.
Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu. Bút danh Định Hải là lấy tên làng quê anh ở Thanh Hóa. Anh sinh năm 1937, tính ra đến nay đã trên 70 rồi. Nhưng anh vẫn được mọi người gọi bằng anh, thậm chí có nhà văn ít tuổi hơn còn cố tình gọi là em, vì thỉnh thoảng thấy anh vẫn quàng khăn đỏ.
Có thể nói trong số các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, nhà thơ Định Hải là người xuất hiện sớm nhất và trụ lại với các em lâu nhất. Từ năm 1956, sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra công tác tại ngành giáo dục rồi chuyển sang làm biên tập viên NXB Kim Đồng, anh đã viết truyện làm thơ cho các em và chỉ viết cho các em cho mãi đến bây giờ. Nếu có tác phẩm nào anh viết về người lớn thì cũng chỉ nhằm phục vụ các em thôi, như truyện thơ Nắng xuân trên rẻo cao viết về cô giáo người Tày Tô Thị Rỉnh, hay truyện ký Thăm Bắc Lý, truyện vừa Bàn tay gieo hạt cũng là viết về những ngôi trường của các em, nơi được xem là hình mẫu của ngành Giáo dục lúc bấy giờ. Cố nhiên, những tác phẩm được các bạn đọc nhỏ tuổi, và cả cao tuổi nữa, đều yêu thích là những bài thơ xinh xinh nho nhỏ của anh. Những bài thơ tưởng chừng hết sức đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, thậm chí ai cũng có thể làm nhưng khi thử làm mới biết là cực khó.
Con chó và con mèo
Hai đứa khác xa nhau
Một đứa hay nằm đất
Một đứa thích leo cao
Con chó và con mèo
Hai đứa rất thân nhau
Khi ra sân vào bếp
Lúc tha thẩn bờ ao
Con chó và con mèo...
Chỉ thế thôi mà thành bài thơ đấy. Đọc đi đọc lại chả có gì lạ cả. Thế mà ai cũng thích. Ai cũng nhớ. Vậy cái hay của nó ở chỗ nào? Ở chữ “đứa”, phải không? Có khi thế thật. Chữ “đứa” đặt vào đây khiến người ta thấy hai con vật nuôi ấy hơi giống hai bạn trẻ, tính nết khác xa nhau nhưng lại rất thân nhau. Các em đọc, nghĩ: “Y như mình với một thằng bạn cùng lớp.”.
Hóa ra bài thơ hay chỉ vì một chữ! Chỉ có điều cái chữ ấy không phải ai cũng tìm ra được, phải là người có tâm hồn đồng điệu với các em mới có được thôi. Mà cái này thì anh Định Hải của các em giàu có lắm, phong phú lắm, lại luôn biến hóa, lúc thế này, lúc thế kia, như chiếc kính vạn hoa muôn sắc muôn màu, thích lắm!
Hươu cao cổ
Có móc câu
Gật gật đầu
Trông ngộ nhỉ?
Cho nắm lá
Hươu không ăn
Hươu vẫn chăm
Làm việc nặng...
Hươu gì mà lại có móc câu, lại không ăn lá nhỉ? Lại chăm làm việc nặng cơ, không chạy nhảy khắp núi rừng như những con hươu khác. Lạ thật! Thử đọc tiếp xem nào.
Yêu bến Cảng
Có bầy hươu
Sớm lại chiều
Câu...
Hàng hóa!
À, thì ra đó là những chiếc cần cẩu trên sông, trông giống hình những con hươu cao cổ. Hàng ngày mình vẫn đi qua mà không thấy. Anh nhà thơ Định Hải này hóm thật!
Chồng chồng nụ
Chồng chồng hoa
Cao cao là
Ai nhảy nhỉ?
Và:
Đứng chờ nhảy
Nụ cao vời
Nhảy qua rồi
Ồ, nụ thấp!
Lạ thật đấy. Lúc chưa nhảy thì thấy nó cao, hơi sờ sợ. Nhưng khi nhảy qua rồi thì hóa ra nó cũng thấp thôi. Nó thấp thôi hay là mình đã cao hơn một chút? Cũng chẳng biết nữa, nhưng mà cứ thấy vui, vui suốt cả ngày. Hay thế nhỉ!
Rất nhiều bé gái, và cả các cô giáo của các em nữa, cũng rất thích bài thơ này. Bởi một lẽ giản đơn là chính họ đã từng một thời như thế. Cuộc đời ai mà không có tuổi thơ, cái thời trong trắng vô tư nhất của con người.
Anh Định Hải còn rất nhiều, rất nhiều những bài thơ như thế nữa. Viết cho bé trai, viết cho bé gái, viết về cây trong vườn, chim làm tổ, rồi ong bướm, rồi hoa, rồi ông bà, cha mẹ... Viết về cái gì nhà thơ cũng tìm ra cái đẹp, cái ngộ nghĩnh, đáng yêu dành cho trẻ nhỏ, và cũng chỉ các em mới có. Đọc anh có cảm giác mỗi khi cầm bút, anh lại nheo nheo mắt, hấp hay mắt y như mình là một cậu học trò cấp một. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng vậy. Và anh giữ được cách nhìn trong trắng tươi vui ấy trong suốt cuộc đời. Dù cuộc đời có biến động thế nào, có khiến người ta nghĩ nghĩ ngược nghĩ xuôi, thay tâm đổi tính, thì anh, cũng như những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, vẫn vậy. Phải rồi, đây là cả một thế giới riêng, thế giới của những gì đẹp nhất trên đời, không ai và không gì có thể xâm phạm được.
Bởi thế tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe nói có lần nhà thơ Định Hải đã tự nguyện xin rút một tác phẩm của mình ra khỏi sách giáo khoa vì người ta nói anh là “bồi bút”. Sao lại có chuyện bồi bút ở đây? Tôi nghĩ rằng trong các lĩnh vực xã hội khác còn có sự tranh đấu giữa các luồng tư tưởng hoặc bất đồng quan điểm này kia, riêng trong lĩnh vực văn học cho thiếu nhi thì không hề có chuyện này. Cả thế giới, cả năm châu, thậm chí cả bà Đất ông Giời nữa, đều chỉ có duy nhất một quan điểm, một chí hướng, một góc nhìn, đó là tình thương yêu đối với các em, là sự nâng niu vun đắp cho những mầm non cuộc sống. Bất cứ con người nào, ở đất nước nào, phương trời nào cũng vậy. Từ thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại, từ thời xa xưa cho đến hôm nay, và mãi mãi sau này, điều đó không bao giờ thay đổi.
Hạnh phúc lớn của các nhà văn viết cho thiếu nhi là ở chỗ này. Nếu là tác phẩm hay, dù tác giả của nó mang quốc tịch nào, ở chiến tuyến nào, nó sẽ lập tức trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.
Và tôi nghĩ rằng nếu nhà văn nhà thơ viết cho thiếu nhi ở bất kì quốc gia nào đến Việt Nam, chắc họ sẽ được quàng khăn đỏ như nhà thơ Định Hải.
Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trờ xanh
Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng
Cùng bay nào cho trái đất quay
Cùng bay nào
Cho trái đất quay...
Nguyễn Đức Huệ