Hoàng Trần Cương: Bữa cơm hắt ra tiếng cười thằng em út vụt chó gãy đũa/ hả hê ngồi mút lại mẩu xương/ Lửng bụng rồi ôm cún con oà khóc
   

Trên đường thiên lý tôi đi
Cập nhật: 9:13:00 31/12/2010

VanVn.Net - Sống giữa Sài Gòn, vậy mà những miền đất xa cứ vẫy gọi tôi. Những năm gần đây, ý thức ranh giới mong manh giữa được và mất, giữa phù du công danh và sự bền vững của giá trị sống đời thường, tôi bắt đầu can đảm vượt qua những ràng buộc “những mối lợi nho nhỏ” để dấn thân vào những chuyến đi…

Đó là những chuyến đi do mình chủ động, không vì sự chỉ đạo của ai, chỉ có sự thôi thúc của trái tim mình, chỉ có niềm an ủi, rằng ở một nơi gió nắng xa xôi kia còn có những ẩn số về cuộc đời, số phận, còn có ai đó đang chờ đợi, hy vọng mình đến để chia sẻ, dù chỉ trong vô thức. Vậy là chất lên xe chiếc ba lô, máy ảnh, máy quay phim, thùng nước lọc lên xe, tôi ra đi…

Trên đường thiên lý, tôi gặp những bông hoa, đẹp đến nao lòng. ẩn trong vẻ đẹp của những bông hoa bình dị, thôn dã ấy là những số phận trĩu nặng lòng người. Đó là chị Võ Thị Phục - cựu nữ TNXP Hòn Đất, một người ngỡ như đã chết 40 năm nay chợt sống dậy. Qua Ban liên lạc TNXP 1C, tôi được biết chị Phục hiện đang sống tại ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Tôi gửi xe ngoài ủy ban xã, đi xe ôm xuyên qua cánh đồng dây thuốc cá mênh mông, qua những lùm rau mui, rau muống biển… Một ngôi nhà lá lụp xụp mọc lên bên rìa đất miền duyên hải nắng gió. Ngôi nhà ấy mấy mươi năm đã che chở cho một số phận bị quên lãng, hẩm hiu. Mười hai  tuổi, cô bé Võ Thị Phục, quê xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang mồ côi mẹ tham gia TNXP 1C. Trong một trận càn khốc liệt ở rừng tràm Nam Thái Sơn (Hòn Đất), chị Phục đã dũng cảm lao dưới đạn lửa cứu đồng đội, bị lạc đơn vị. Sau thời gian điều trị vết thương, ban lãnh đạo đơn vị mới làm lại giấy tờ, thay tên đổi họ, quê quán, với ý định đưa chị làm trinh sát công khai. Cuộc sống đưa đẩy, chị gặp anh Danh Văn Trật - một TNXP người Khơme. Tổ chức tạo điều kiện cho họ thành vợ chồng… Rồi chiến tranh kết thúc. Chị Phục theo chồng về sinh sống ở ấp Hồ Thùng. Cuộc sống khó khăn, vật lộn với mưu sinh, nuôi đàn con 8 đứa nheo nhóc, bệnh tật hoành hành, trí nhớ bị giảm sút dữ dội. Anh Danh  Văn Trật nhiều lần lỡ hẹn đưa vợ về quê ngoại. Họ không hay rằng ở quê nhà, bằng liệt sĩ ghi công mang tên chị được đặt trang trọng trên bàn thờ…

Đứng bên thềm ngôi nhà rách nát, lòng tôi thắt lại vì sự trớ trêu của số phận. Người con gái đẹp năm xưa giờ bị dạt vào một góc của sự quên lãng. Chị không muốn trở về quê xưa, bởi sự trở về của chị chắc chắn không được người mẹ kế đón nhận, khi nhiều năm bà đã hưởng chế độ liệt sĩ của chị. Với chị, cái tên Võ Thị Phục đã chết 40 năm rồi. Còn giờ đây, chị là Nguyễn Thị Thắm… Tôi biết mình chỉ là người đi tìm lại những câu chuyện trong quá khứ, không có quyền gì để can thiệp về sự chọn lựa của chị. Nhưng tôi biết mình có thể giúp chị làm được một điều thiết thực nhất. Đó là qua sứ mạng của ngôn từ, là cầu nối để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hão tâm. Chỉ vài tháng sau, ngôi nhà tình nghĩa đã được dựng lên nơi góc trời miền  duyên hải nắng gió. Ngày khánh thành ngôi nhà, tôi thấy đôi mắt đen nhức của chị Phục rưng rưng nhìn đứa con trai út đen trùi trũi của mình treo lên trước nhà lá cờ Tổ quốc. Tổ quốc nằm ngay chính ngôi nhà mình. Một mạnh thường quân cũng đã tặng chị vài triệu đồng khoan một cây nước để trồng tỉa. Đất và nước!  Ngày tôi trở lại áp Hồ Thùng xa xôi mừng ngôi nhà mới của chị Phục, chợt nhận ra những đóa hoa dại nơi miền duyên hải lần này dường như nhuận sắc hơn xưa…

Đi, lắng nghe và viết, đó là hạnh phúc của đời tôi. Tôi gõ lên máy tính: “Ngày mai, về miền Tây, gặp gỡ các nhân chứng “Con đường 1C huyền thoại”. Con gái tôi tròn mắt hỏi: “Mẹ lại đi công tác nữa rồi. à, mẹ ơi, đường 1C là gì?”. Tôi dừng lại, ngẩn ngơ trước câu hỏi của con. Đường 1C là gì, tôi biết khá rõ vì đó là một con đường lịch sử. Lịch sử hào hùng, bi tráng khiến tôi luôn bị ám ảnh, tìm mọi phương tiện để kết nối. Nhờ vậy mà ngày mai tôi sẽ về Cần Thơ để gặp gỡ các nhân chứng con đường lịch sử ấy. ở ngôi  nhà của chị Tuyết Thu (Tô Thị Thanh Xuân) và út Mảnh- Trưởng ban liên lạc cựu TNXP miền Tây Nam bộ đã có nhiều chị từ nhiều tỉnh miền Tây đổ về. Giờ này, các chị đang đợi tôi. Còn tôi đang sắp xếp nhiều thứ chuẩn bị cho một chuyến đi. Vậy mà giải thích cho con đường 1C là gì, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để nói lên tầm vóc to lớn của một con đường mà chính những người trong cuộc đã thốt lên: “Tôi chắc chắn không anh chị nào nhớ và ghi chép hết, cũng không bút mực nào viết hết sự gian khổ, hy sinh của TNXP 1C Con đường huyền thoại”. Để giải thích câu hỏi của con, tôi chỉ có cách duy nhất là bắt đầu chuyến đi về miền Tây. 

Nhưng không chỉ có một chuyến đi mà rất nhiều chuyến đi xa. Con gái con trai mới hơn 10 tuổi của tôi cần mẹ biết bao, đặc biệt trong hoàn cảnh tôi phải vừa làm cha vừa làm mẹ. Nhưng nếu không ra đi, tôi thấy mình mắc nợ. Tôi mắc nợ dòng sông, mắc nợ cánh đồng, mắc nợ những cánh rừng, mắc nợ mùa nước nổi… Những nơi ấy vẫn còn biết bao nhân chứng chiến tranh với những phận đời nổi nênh, sóng gió, đói khổ, với bầu tâm sự trĩu nặng, những chiến tích, uẩn khúc, hy sinh đang chờ đợi tôi. Những chuyến đi giúp tôi khám phá những bí ẩn một “Trường sơn giữa đồng bằng”- con đường vận chuyển vũ khí từ miền Đông Nam bộ năm ấy về đến mũi Cà Mau  phần lớn đã được làm nên bởi những bờ vai con gái. Địch dùng sức mạnh chiến tranh tàn khốc, nghĩ ra mọi cách, mọi biện pháp, dùng đến những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao nhất, huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường, quyết hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi, Ba Hòn mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều - Tràm Dưỡng - Đồng Cừ - Gộc Xây… đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Những bờ vai con gái, con trai lại bước  vào cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra mỗi ngày, đặc biệt ở lòng chảo Gộc Xây và kênh Vĩnh Tế. Suốt 10 năm liền, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau, bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử.

…Những chuyến đi đã khiến những quyển sổ ghi chép của tôi dày lên mãi, rồi nhiều quyển sổ tay khác. Sau chiến tranh, những người tham gia khởi xướng con đường còn sống trở về, ngồi lặng trước những tổn thất. Trong số 800 TNXP tuyến đường 1C đã có 400 người hy sinh. Số còn lại hầu hết đều kiệt sức. Đường 1C giải tán sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Ngay cả đơn vị chủ trì là Khu đoàn miền tây Nam bộ cũng giải thể, số cán bộ phụ trách được phân tán về các tỉnh. Lực lượng TNXP phần đông trở về địa phương, với số tiền trợ cấp ít ỏi. Hòa bình, hòa bình! Những người con trai, con gái năm ấy trên tuyến đường được mệnh danh “Trường Sơn giữa đồng bằng” hân hoan trở về quê hương. Nhưng cũng từ đó, họ bước vào cuộc chiến đấu thời bình, với cuộc mưu sinh nghiệt ngã.

Hàng trăm chị em đã tìm đến các lãnh đạo Khu đoàn thời trước nhờ xác nhận danh sách liệt sĩ, thương bệnh binh. Đến lúc đó, những “cựu lãnh đạo” không khỏi giật mình khi được biết vẫn còn nhiều gia đình TNXP trên tuyến đường 1C chưa làm được chính sách liệt sĩ, thương bệnh binh. Số TNXP Liên đội 1 còn lại chỉ khoảng 400 người, đang sống rải rác các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… Đó là món nợ chung cho những người đang được sống, bởi hàng trăm hài cốt các đồng đội còn nằm rải rác trên tuyến đường, chưa quy tập được về nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều nơi các anh chị ngã xuống nay chẳng còn lại dấu vết. Không ít chị em phải vay nóng tiền đi tìm lãnh đạo nhờ xác nhận thương tích, khi trở về lặng lẽ lau những giọt nước mắt ngậm ngùi, thương mình, thương đồng đội, bởi từ ngày Khu Đoàn giải thể, Liên đội 1 TNXP cũng chìm trong quên lãng… Đội quân vận chuyển anh hùng năm xưa giờ rả rời như những cánh bèo trôi trên dòng sông cuộc đời.

Tháng 10 năm 2010, tôi về ấp Hòa Hiệp, xã Hòa tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, dự khánh thành căn nhà tình nghĩa, do công ty Golf Long Thành tài trợ, qua cầu nối của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Và ở đây, tôi vô tình chạm vào nỗi đau của một người mẹ đã gần 30 năm đằng đẳng làm lụng, đơn thân nuôi con. Chị là Thanh niên xung phong hỏa tuyến của tỉnh Đồng Tháp. Đôi chân chị đã từng rã rời vượt qua cánh đồng nước lũ mênh mang, trên vai oằn nặng “hàng”, khiêng thương. Chị trở về sau cuộc chiến tranh, đầu mùa bông điên điển chớm yêu một cán bộ tập kết từ miền Bắc chuyển về để rồi. Cuối mùa bông điên điển ông bỏ chị đi biền biệt. Chị sinh con, đặt tên là Hoài Hận. Vậy mà Hoài Hận không hận cha. Nghe tin ông hấp hối, cậu bé chạy qua mấy quãng đồng, lội qua mấy con sông. Cậu bé đến nơi, ông vừa trút hơi thở cuối cùng, mắt không nhắm được. Những đứa con của ông ôm lấy cậu bé òa khóc... Mùa xuân này, mẹ con Hoài Hận được ăn tết trong ngôi nhà mới. Có nhà mới, Hoài Hận sắp cưới vợ, mong được làm người cha tốt, không giống như người đã sinh ra cậu…

Đi, viết, lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ, một năm miệt mài, chồng sổ tay ghi chép của tôi dầy lên mãi. Và mặc nhiên tôi tự gánh trên đôi vai mình trách nhiệm của người kết nối những phận người trong quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình. Nơi có những người mẹ sinh ra những đứa con bị nhiễm chất độc da cam đang ngày đêm sống với nhọc nhằn, trách nhiệm, yêu thương; nơi có những người phụ nữ sau chiến tranh trở về sống trong đói nghèo, quên lãng. Họ cần lắm lời thăm hỏi, sẻ chia, cần lắm một mái nhà tình nghĩa. Đọc những dòng này, các con tôi hiểu năm mới, mẹ vẫn còn tiếp tục những chuyến đi. Hai đứa trẻ động viên tôi: “Không sao đâu mà, tụi con hứa học giỏi, mẹ cứ yên tâm đi công tác. Đi để năm mới còn có chuyện kể cho tụi con nghe…”.

Trầm Hương

1
Tin mới