Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Phẩm Tam Quốc - Khai mở những bí ẩn và ngộ nhận chết người thời Tam Quốc
Cập nhật: 10:12:00 31/12/2010

VanVn.Net - Lần đầu tiên những bí ẩn và ngộ nhận chết người về một thời Tam Quốc bi hùng được khai mở một cách hệ thống nhất chính là nguyên nhân khiến bộ sách “Phẩm Tam Quốc” – 2 tập của tác giả Dịch Trung Thiên trở thành cơn sốt văn hóa tại bất cứ nơi đâu từng có mặt của “Tam quốc diễn nghĩa”...

Theo học giả Vương Hồng Sến trong tác phẩm “Thú chơi sách” thì kiệt tác “Tam quốc diễn nghĩa” chính thức được dịch và giới thiệu vào Việt Nam với bản dịch đầu tiên của Lương Khắc Ninh năm 1902. Hơn 100 năm trôi qua, Tam quốc diễn nghĩa đã đóng đinh vào tâm khảm của biết bao nhiêu thế hệ đọc giả Việt với những hình tượng nhân vật mặc định như một Tào Tháo gian hùng độc ác, một Lưu Bị nhân nghĩa xuất chúng, một Gia cát Lượng tính toán như thần…Bằng những chứng cớ đầy thuyết phục từ những tác phẩm chính sử nổi tiếng như “Tam quốc chí”, “Hậu hán thư”, “Tam quốc sử thoại”…và những suy luận logic đến kì lạ, lần đầu tiên một nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đã dày công viết cả nghìn trang sách “lật tẩy” nhà tiểu thuyết La Quán Trung để trả lịch sử trở về với lịch sử. Lần đầu tiên những bí ẩn và ngộ nhận chết người về một thời Tam Quốc bi hùng được khai mở một cách hệ thống nhất chính là nguyên nhân khiến bộ sách “Phẩm Tam Quốc” – 2 tập của tác giả Dịch Trung Thiên trở thành cơn sốt văn hóa tại bất cứ nơi đâu từng có mặt của “Tam quốc diễn nghĩa”.


Tác phẩm: Phẩm Tam Quốc

Tác giả: Dịch Trung Thiên

Sách do Công ty Phương Đông và NXB Công an nhân dân ấn hành

 

Chỉ riêng ở Trung Quốc, số lượng phát hành của “Phẩm Tam Quốc” đã lên đến hàng triệu bản. Lấy bộ tiểu thuyết đồ sộ “Tam quốc diễn nghĩa” làm đối tượng nghiên cứu, nhà sử học Dịch Trung Thiên đã dựng lại cả một thời Tam Quốc sinh động trong trọn vẹn một ngàn trang “Phẩm Tam Quốc”. Điều khiến cho hàng triệu người choáng váng là lần đầu tiên họ đã thoát ra khỏi sự mê hoặc của tiểu thuyết gia kiệt xuất La Quán Trung để đối mặt với những sự thật lịch sử. Hàng triệu người phải nhận thức lại lịch sử là công lao vĩ đại nhất của “Phẩm Tam Quốc” và cũng là công lao lớn nhất của Dịch Trung Thiên với các bậc tiền nhân. Đọc công trình của Dịch Trung Thiên mới thấy kinh hoàng về khả năng làm việc của ông. Để chuẩn bị “vạch trần” mỗi một thi tiết lịch sử bị tiểu thuyết hóa của nhà tiểu thuyết La Quán Trung, Dịch Trung Thiên đã trích dẫn hàng loạt những chi tiết chính sử đáng tin cậy nhất đòi hỏi một sức đọc phi thường và những suy luận logic nhất đòi hỏi một khả năng tư duy vô cùng mạch lạc.

Dịch Trung Thiên đã dội một gáo nước lạnh xuống tất cả những đọc giả hâm mộ cuồng nhiệt “Tam quốc diễn nghĩa” khiến cho họ phải bàng hoàng vỡ mộng mỗi khi lật giở từng trang sách của ông. Phần nghiên cứu có giá trị và hấp dẫn nhất trong bộ sách phải nói đến trên 200 trang sách nghiên cứu về nhà quân sự Tào Tháo. Dịch Trung Thiên đã khẳng định rằng “những việc Tào Tháo làm chứng tỏ Tào Tháo không hổ là một chính trị gia nhìn xa trông rộng, một đại anh hùng chống trời đạp đất trong thời đại thiên hạ đại loạn”. Dịch Trung Thiên đã đưa ra hàng trăm luận cứ lịch sử  để chứng minh cho quan điểm của mình và minh oan cho Tào Táo trong “Tam quốc diễn nghĩa”.

Ví như Tào Tháo luôn vờ hồ đồ, nhập nhằng bên nào cũng được. Đó là đạo “trung dung” mà mọi người thấy khó hiểu và Tào Tháo đã đạt đến cái tinh túy của đạo Trung Dung. Chính vì vậy, cho đến lúc chết, số mưu sĩ hạt nhân, mưu sĩ quan trọng của Tào Tháo có đến 102 người. Nhiều mưu sĩ danh tiếng ngay từ thời kỳ đầu như Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Quách Gia và Trình Dục. Điều đáng nói là các vị này đều chủ động đến với Tào Tháo. Dịch Trung Thiên đã đưa ra những chi tiết mà Tam quốc diễn nghĩa đã “lờ” đi không nói về Tào Tháo như: Trương Tú đã hai lần làm phản nhưng khi nghe lời Giả Hủ ra hàng, Tào Tháo đã vui mừng đón Trương Tú, mở tiệc đón mừng còn phong ngay làm Dương Võ tướng quân thể hiện Tào Tháo là người rất biết dụng người hay ngay cả việc vợ Tào Tháo xuất thân từ con hát nhưng lại có đức độ thể hiện ngay Tào Tháo rất thực tế, không trọng hư danh, Tào Tháo cũng đã từng khóc tướng Tào Ngang chết trận trong trận chiến với Trương Tú, đã từng đưa dân lành chạy cùng mình khi thua trận…Chân dung Tào Tháo qua Phẩm Tam Quốc là một vị dũng tướng đầy mưu lược, một nhà quân sự tài ba lỗi lạc nhưng cũng đầy phức tạp. Dịch Trung Thiên đã khẳng định rằng “Tôi không gọi Tháo là anh hùng mà là gian hùng” bởi lẽ “Tào Tháo đại khí, thâm trầm, phóng khoáng, hào sảng, siêu thoát, nhạy bén, hòa hợp, quỷ quyệt, xảo trá, lạnh lùng, tàn nhẫn đúng là một nhân vật cực kì phong phú”.

“Nghi án Xích Bích” là một chương nhỏ trong tập I đã khẳng định những chi tiết đầy bất ngờ trong trận chiến được cho là ác liệt nhất trong lịch sử quân sự Trung Quốc. Dịch Trung Thiên đã lý giải hoàn hảo các “Nghi án Xích Bích” xoay quanh 4 câu hỏi cốt lõi “chiến tranh của ai?”, “quy mô thực sự thế nào?”, “thời gian địa điểm” và “nguyên nhân thắng bại”. “Nghi án xích bích” cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối, liên tục khiến người đọc thốt lên kinh ngạc và quan trọng hơn giúp người đọc có một cái nhìn xác thực vào lịch sử.

Là một tác phẩm nghiên cứu sử học nhưng “Phẩm Tam Quốc” được Dịch Trung Thiên viết hết sức sinh động về hình tượng nhân vật từ đời sống nội tâm đến đối thoại khiến người đọc không những không cảm thấy khô khan, nhàm chán mà bị cuốn vào từng sự kiện, từng trận đánh, từng ý đồ, mưu lược của nhân vật. “Phẩm Tam Quốc” trước hết còn hấp dẫn ngay ở chỗ cung cấp cho người đọc những bí ẩn và khai mở những ngộ nhân lịch sử. Điều đó có nghĩa với thành công cốt lõi ngay từ lượng thông tin đặc biệt độc đáo cùng với khả năng diễn đạt lịch sử bằng văn phong tiểu thuyết đủ để khiến Phẩm Tam Quốc có được một vị trí sánh ngang giữa những tác phẩm lịch sử và văn học kiệt xuất thời Tam Quốc.

Trong phần “Lời sau cùng”, nhà sử học Dịch Trung Thiên viết: “Lời chưa hết và cũng không thể nói hết được. Vẫn phải nói lại một câu: Biểu dương, phê bình đều rất hoan nghênh, hiểu về tôi, trị tội tôi xin tùy các vị”. Thế mới biết viết về các bậc tiền nhân, hậu thế phải có tâm lắm. Và để hiểu được tác giả cuốn sách cũng còn phải trông đợi rất nhiều ở những người đọc có tâm.

 

Nguyễn Anh Thế

1
2
3
4
5
6
Tin mới