Hoàng Trần Cương: Bữa cơm hắt ra tiếng cười thằng em út vụt chó gãy đũa/ hả hê ngồi mút lại mẩu xương/ Lửng bụng rồi ôm cún con oà khóc
   

Tản mạn cuối năm với TS Nguyễn Sĩ Dũng (*)
Cập nhật: 15:26:00 29/12/2010

TS Nguyễn Sĩ Dũng
VanVn.Net - Thỉnh thoảng, qua phố Ngô Quyền, Hà Nội (trụ sở làm việc của Văn phòng Quốc Hội, nơi TS Nguyễn Sĩ Dũng làm Phó chủ nhiệm Văn phòng), tôi thấy ông “lọ mọ” cầm thẻ ra cây ATM rút tiền. Tôi thấy lạ lắm. Người như ông, hàm thứ trưởng, chỉ cần ngồi vỗ tay thì thiếu thứ gì, tội chi lóc cóc đi rút mấy đồng tiền lẻ...

Chuyện bình thường ở xứ khác nhưng ở xứ mình lại bị cho lạ lẫm, vì sao? Tôi đoán chắc không chỉ mình tôi nghĩ vậy. Tôi đem thắc mắc hỏi TS Dũng trong câu chuyện cuối năm, ông tủm tỉm cười. Và, có lẽ chính những lần đi rút “tiền lẻ” ấy khiến ông hiểu rõ hơn giá trị của nó trong thời buổi lạm phát. Lạm phát cũng là hai từ mà TS Dũng trả lời câu hỏi đầu tiên của chúng tôi về những trăn trở, quan tâm nhất của ông trong năm 2010. TS Dũng nói về lạm phát, về mức độ nguy hiểm của nó đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với người nghèo, dễ hiểu và có cảm giác nó rõ ràng đến mức chúng tôi có thể cảm nhận như đang sờ vào chiếc cốc nước trước mặt. Nhưng, chúng tôi nghiệm ra, bao giờ nói chuyện với TS Dũng cũng trở về câu chuyện trí thức và cán bộ.

Về trí thức, hẳn nhiên trong năm 2010 vừa qua, không thể không nhắc tới sự kiện GS Ngô Bảo Châu làm rạng danh trí tuệ Việt khắp năm châu. Chuyện này ai cũng biết, đến con nít cũng rành; chả thế mà GS Châu trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng trong năm qua. Nhưng, chúng tôi lại hỏi về chuyện tặng nhà cho GS Châu, nghe đâu căn nhà đó giá trị 12 tỷ đồng. Điều này, khiến nổ ra một cuộc tranh luận xôn xao, kéo tận đến dịp cuối năm 2010. Về chuyện này, TS Dũng nói:

- Có ý kiến khác nhau, tôi cho, cũng là chuyện bình thường. Xã hội càng dân chủ, thì các ý kiến càng đa dạng. Trong cuộc sống, việc xác định đúng sai nhiều khi không dễ. Và trong những lúc như vậy, cách tốt nhất là phải chấp nhận ý chí của đa số. Bởi dân chủ chính là việc chính sách pháp luật được hình thành theo ý chí của đa số, chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Trong quá trình tranh luận, có người cho rằng tặng nhà cho GS Châu là đúng đắn, nhưng cũng có người cho rằng việc đó là không cần thiết. Đại loại, người Việt chúng ta đang mỗi người mỗi ý: có người ủng hộ việc tặng nhà, có người đến chết vẫn cho rằng việc đó là không cần thiết. Nhưng chính kiến của xã hội ta hiện nay là gì? Tôi nghĩ, nếu tổ chức điều tra dư luận xã hội thì cũng có thể đo đếm được.

Về việc này, tôi không biết ý kiến GS Ngô Bảo Châu thế nào, nhưng không khéo chúng ta đang làm khó cho GS Châu. Với trình độ và danh tiếng như hiện nay, nhà ở không phải là vấn đề của GS Châu. Nhưng anh ấy đang bị đặt vào một tình thế khó khăn: từ chối thì phụ lòng người đề xuất, mà nhận nhà thì bận lòng vì ý kiến vào, ý kiến ra. Vì vậy, nếu có gì phải nói ở đây, thì tôi chỉ muốn nói rằng, tôi thông cảm sâu sắc với GS Ngô Bảo Châu.

Chuyện “đẽo cày” trong phòng kín

Nhân việc ông vừa nói đến tranh luận xã hội, hay phản biện xã hội, tôi nhớ rằng, trong năm 2010, có lẽ là năm “bùng phát” những phản biện xã hội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, đều được tranh luận, phản biện. Ông bình luận gì về hiện tượng trên?

Tôi thấy đây là hiện tượng đáng mừng. Phản biện xã hội không làm cho công việc quản lý đất nước dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn nó làm cho công việc này minh bạch hơn. Phản biện xã hội cũng giúp các cơ quan nhà nước có được những điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế cuộc sống và với lợi ích của các bên liên quan.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng phản biện xã hội có thể làm chậm trễ quá trình ban hành quyết định và có thể gây ra sự phân tâm xã hội. Vì vậy, phản biện phải có văn hóa. Và tiếp nhận phản biện cũng cần phải có văn hóa. Trong văn hóa phản biện, điều quan trọng là thiện chí và tinh thần xây dựng. Không nên chỉ phản biện để chống đối và chê bai. Và cũng cần phải biết phản biện cho đúng lúc. Trong văn hóa tiếp nhận phản biện, điều quan trọng là phải biết lắng nghe, biết tiếp thu những ý kiến hợp lý, biết tranh luận trở lại trên cơ sở của chứng cứ và lôgic. Nên tránh thái độ quy chụp và bất hợp tác. Đồng thời, nên thiết kế công đoạn tham vấn ý kiến công chúng trong quy trình ban hành quyết định.

Ngoài ra, một chế độ thông tin đầy đủ về vấn đề đang được đặt ra là rất quan trọng để các bên có thể tranh luận vào thực chất của vấn đề và đi đến việc thống nhất ý kiến. Các “thầy bói xem voi” đã cãi nhau tóe lửa chỉ vì không ai có được thông tin đầy đủ về con voi.

Trong cuộc sống, nhiều khi có được sự đồng thuận là khó khăn. Lý do là vì chúng ta có thể có những viễn kiến khác nhau và đặc biệt là có những lợi ích khác nhau. Trong trường hợp này, sự quyết đáp của những người lãnh đạo rất quan trọng. Cuối cùng, họ phải là những người dám quyết và dám chịu trách nhiệm. Có như vậy, công việc mới được đẩy tới. Các quyết định đúng thường trước hết phải là các quyết định đúng lúc.

Thưa ông, trong dân gian có mẩu chuyện về anh đẽo cày giữa đường. Lúc thì anh nghe người này một tí, lúc lại chịu sức ép của người kia một tí và rốt cuộc anh ta đẽo ra cái cày không sử dụng được. Năm qua, không phải không có địa phương rơi vào tình trạng của anh đẽo cày giữa đường; nhiều khi muốn làm cái này nhưng lại sợ sức ép nên không làm nữa cho êm chuyện. Ông vừa nói đến vai trò của người thủ lĩnh, tôi muốn ông nói hơn về điều này…

“Đẽo cày giữa đường” đúng là một việc làm rủi ro. Nhưng “đẽo cày” trong phòng kín không phải là không có những rủi ro của nó. Trường hợp thứ nhất, rủi ro nằm ở năng lực tiếp thu ý kiến đóng (cụ thể là năng lực này bị hạn chế). Trường hợp thứ hai, rủi ro nằm ở trình độ hiểu biết về việc “đẽo cày” (cụ thể là trình độ này cũng bị hạn chế). Phương án tốt nhất là vẫn “đẽo cày giữa đường”, nhưng chỉ nghe theo những ý kiến đóng góp hợp lý. Người lãnh đạo nên biết nghe cả hai tai, nhưng phải dám quyết theo những gì lợi nhất cho dân, cho nước. Tất nhiên, dám quyết thì dám chịu tránh nhiệm. Quyết sai thì phải sẵn sàng từ chức.

Nghĩa khí “từ quan” mai một rất nhiều

Nhân nói đến chuyện từ chức. Năm qua, hẳn nhiên không phải không có lãnh đạo nào mắc khuyết điểm, sai phạm, nhưng có một người không thấy nói đến khuyết điểm lại xin từ chức, đó là chuyện của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc thường trực VTV (hàm thứ trưởng). Chuyện từ chức của ông Tuấn gây xôn xao. Về chuyện này, ông có bình luận gì không?

Tôi chỉ nghe về lý do anh Tuấn từ chức qua những lời đồn đại. Mà bình luận trên những lời đồn đại là điều không nên. Tuy nhiên, tôi tin một người tự trọng có thể từ chức vì những lý do khác nữa.

Lâu nay, người ta hay nhắc đến cụm từ văn hóa từ chức, nhưng có lẽ nó ở đâu đó xa lắm…

“Nó ở đâu đó xa lắm…” thì có thể, nhưng chắc chắn nó không phải là xưa lắm. Trước đây, vào thời của cha ông chúng ta, kẻ sĩ “treo ấn từ quan” là chuyện khá bình thường. Mặc dù, có thể, “từ quan” không phải là để nhận trách nhiệm, mà chủ yếu là để bày tỏ sự bất mãn. Thời thế thay đổi, thói quen “từ quan” ngày một ít dần. Có thể, khả năng bất mãn của chúng ta bây giờ ít hơn, cũng có thể môi trường kinh tế-xã hội và văn hóa cho chuyện “từ quan” cũng không được thuận lợi như trước. Ngày xưa, từ quan thì về quê dạy học hoặc làm ruộng hoặc vợ nuôi. Thế nhưng, sau này, trong thời kỳ bao cấp, “từ quan” thì không biết làm gì để sống. Gần đây, khi kinh tế thị trường bắt đầu phát triển, “từ quan” đã có thể kiếm sống bằng nghề khác. Nhưng tiếc thay, nghĩa khí từ quan đã bị mai một đi rất nhiều.

Ngoài ra, chuyện “từ quan” ở ta khó khăn còn vì sự kỳ thị của xã hội. Ngay cả người có chức về hưu mà còn đầy hụt hẫng: “Tưởng mình là chú, là ông- Về hưu mới biết mình không là gì”, thì người từ chức sẽ cảm thấy nặng nền đến đâu! “Từ quan” cũng khó là vì già thì chưa già, chết thì chưa chết, nhưng bắt đầu một sự nghiệp mới là hoàn toàn không dễ.

Còn “ở đâu đó xa lắm…”, người ta từ chức dễ dàng vì văn hóa từ chức đã có. Từ chức cũng không có nghĩa là chấp dứt sự nghiệp của một con người. Ngoài ra, cũng phải thấy, không phải nước nào cũng có văn hóa từ chức. Và những nước người đứng đầu chính phủ từ chức thường xuyên thường gặp phải không ít khó khăn của việc mất ổn định và thiếu nhất quán trong đường lối.

Ít xin liêm, chính vì ít hữu dụng

Nhân nói đến câu chuyện cán bộ. Trong năm qua, NNVN thực hiện loạt bài “Nông dân cần gì ở cán bộ?”, khi phóng viên khảo sát một số địa điểm cho chữ, thì phải phát hiện ra rằng, chữ Liêm, chữ Chính rất ế ẩm, không ai xin. Theo ông con chữ có phản ánh thời cuộc không?

Có thể phản ánh một mức độ nào đó. Vấn đề là ai đứng ra xin chữ. Nếu những người nông dân đã không xin chữ Liêm, chữ Chính, thì, có lẽ, không có vấn đề gì quá lớn ở đây. Nếu bức xúc vì thiếu những “đầy tớ” liêm chính thì họ đã xin. Nhưng nếu cán bộ vẫn ít xin những chữ ấy thì có thể đang có vấn đề không nhỏ ở đây. Ít xin, có lẽ vì ít hữu dụng. Và cũng có thể đó là những phẩm chất không được đánh giá quá cao trong thời chúng ta đang sống.

Nếu hai phẩm chất đó được coi là bắt buộc để được đề bạt, và chúng ta thiết kế được thệ thống công cụ để đo đếm chúng, thì chắc chúng lại sẽ trở nên thịnh hành hơn.

Thưa ông, qua theo dõi thì trong thời gian gần đây, trong các văn bản hay lời kêu gọi xuất hiện dầy đặc hai từ “đồng thuận”. Nhiều người lý luận theo kiểu, thiếu cái gì thì cần cái đó, quan điểm của ông ra sao về điều này?

Tôi thấy lý luận trên chỉ đúng một phần. Đồng thuận là rất cần thiết để triển khai thành công các chính sách lớn của quốc gia mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đồng thuận chỉ nên có sau khi đã có tranh luận xã hội đầy đủ, và chính sách đã được ban hành theo đúng quy trình thủ tục.

Vị thế khác nhau

Xin hỏi câu hỏi có thể là riêng tư. Trước đây, ông hay có những bài viết, phát biểu sắc sảo, những phản biện quan trọng, nhưng lâu nay độc giả thấy không ít xuất hiện hơn. Vì sao vậy?

Trước đây, tôi là nhà nghiên cứu còn nay tôi là quan chức. Vì vậy, tôi hôm nay và tôi trước đây có vị thế rất khác nhau. Từ xưa, Khổng Tử đã từng dạy rằng, quân tử thì phải hành xử cho chính danh. Tôi rất tâm đắc với lời dạy này và cố gắng nghe theo.

Nhưng sự thẳng thắn thì luôn luôn còn chứ ạ?

Tôi nghĩ đó là chuyện chết không chừa.

Nói ra sự thực thì thường mất lòng. Ông là người hay nói thực, có khi nàon ông gặp phiền hà không?

Nói không thì không phải, nhưng cũng chưa đến mức phải khẳng định là có.

Dự cảm năm 2011 của ông là gì?

2011 là năm của khởi đầu. Vấn đề quan trọng đầu tiên là Đại hội Đảng, sau đó là bầu cử Quốc hội, rồi tháng 7 có các cơ quan nhà nước mới. Những người lãnh đạo mới sẽ có điều kiện thực hiện được những gì mình ấp ủ cho năm năm tới. Một chuyển biến mới về kinh tế có thể bắt đầu từ năm 2011. Người Việt mình có câu “đầu xuôi đuôi lọt”. Nếu năm 2011 “xuôi” thì những năm sau sẽ tốt hơn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!

 

Là người có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển trong khu vực. Khi về Việt Nam, thấy những người nông dân còn gặp vô vàn khó khăn, ông suy nghĩ điều gì?

Cảm nhận của tôi là băn khoăn. Bởi vì công bằng là một giá trị. Nhưng công bằng là rất khó. Khoảng cách giầu nghèo là vấn đề lớn của nhiều nước. Không ai có thể thịnh vượng trên cái nền khốn khó của những người xung quanh. Ngay cái việc bảo vệ tài sản của anh đã khó, đó là chưa nói đến chuyện bất bình, hay to tát hơn đó là chuyện cách mạng xã hội.

(*) TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

Mai Xuân Nghiên thực hiện
(Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra đầu năm 2011)

1
2
3
4
Tin mới