Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Bút ký Võ Bá Cường
Cập nhật: 9:11:00 4/1/2011

Nhà văn Võ Bá Cường
VanVn.Net - Võ Bá Cường là một nhà văn khá nổi tiếng về các thể loại bút ký, phóng sự. Gần đây nhất, tập ký "Chảo lửa" của ông viết về cuộc chiến chống ma túy đã nhận được giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh tổ quốc - Vì bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu hai bài bút ký mới nhất của ông...

Cô gái Mông và khẩu AK cưa báng

A Say được đưa về nơi giam giữ. Lúc bắt nó, Hảo đập mạnh nó xuống đường, mặt và cùi tay bị sớt da, chảy máu đỏ lòm. Máu nó chảy ngay cột cây số 17 nơi nó cùng Lý A Va, Sình A Páu gây ra vụ án mạng. Bắt kẻ gây án mạng ngay chỗ nó thực hiện tội ác chuyện nghe có vẻ huyền thoại, nhưng đúng là trời xui đất khiến hay linh hồn Phạm Văn Cường, Lò Thị Inh, Bùi Thị Nhung gọi nó đến để nhận tội.

Như linh tính điều gì chẳng lành, việc thằng thợ đá lừa nó để mua máy có gì đáng nói? Lúc bắt nó mới hiểu, được mọi người cho biết Lý A Va ở trong nhà đá đã khai nó là hung thủ giết ba nhân mạng.

Bị khoác cho trọng tội, nó biến thành con chó điên, gặp ai cũng sủa, cũng muốn cắn. Khi trinh sát dẫn nó qua phòng giam quét màu vàng có cửa sổ to bằng cái bàn vuông con con, thằng Lý A Va đứng đó nhìn ra lối đi mắt như nhíp lại nhìn A Say vào trại, mồm nó há ra kêu lên "Nỉa ơi, chía ơi" (trời ơi đất ơi). Có người bảo: "Thiên đường của thằng Lý A Va đấy", nó đang nằm đó chờ mày vào vạch tội. Thế là thằng Say điên lên, cơn điên thật dữ dội, cơn điên như ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn bùng cháy. Nó xông vào cửa sắt đập cái còng số 8 vào cửa phòng giam Lý A Va kêu rầm rầm. Mấy đồng chí cảnh sát cố sức mới lôi ra được. A Say gào lên: "A Va, "a tùa" (đểu nhất), mày là thằng a tùa… Mày là thằng lừa tao. Tao đang yên đang lành ngồi nhà uống rượu, mày cho con Tông vén váy bước vào kêu tao, lôi kéo tao vào vụ đập lộn này…". Càng chửi mặt A Say càng đỏ lên, càng vặn vỏ đỗ, càng méo mó. A Say lại gào lên như chó điên: "Tao đến mày đang uống rượu, mày ngồi xếp bằng trên cái phản gỗ nghiến xẻ nguyên cây, bên cạnh mày là bát cháo gà nấu bảy vị thuốc Bắc. Mày có động đến đồ nhắm đâu, rượu mày nốc cạn hết bát này đến bát khác. Mày không hề nói với tao về việc giết người cướp của. Mày chỉ kích động tao việc bị Công an truy đuổi, muốn có tiền, muốn trả thù cho anh thì phải nghe mày, theo mày tham gia vụ này…"

Đưa được A Say vào nơi giam giữ rồi, Dự mới có thì giờ điện cho anh Chín báo cáo. Nhận được tin vui, anh Chín đề nghị: "Tranh thủ lấy lời khai ngay, tấn công nhanh không để nó kịp hoàn hồn".

Lúc ấy, cùi tay, mặt A Say còn chưa được lau rửa vết máu đã bị Đinh Tiên Hoàn truy gắt:

- Anh biết anh bị bắt vì tội gì không?

A Say vẫn giả tỉnh:

- Tôi mắc tội đang có lệnh truy nã vì đã dùng súng AK bắn lại lực lượng Công an hôm các anh bắt anh tôi. (Tên này rất cáo già, nó khai quanh co thế mặc dù đã biết Lý A Va trút tội vụ máu chảy trên đỉnh dốc San Mứn  vào đầu nó).

Hoàn đập mạnh tay xuống bàn:

- Không đúng, anh nói láo…

A Say vẫn giả tỉnh:

- Tôi bị bắt vì tội tiêu thụ của gian, chiếc máy khoan đó bọn lưu manh bán cho tôi.

- Anh mua máy của ai?

A Say chưa chuẩn bị được tình huống này hay nó tính bài lỳ mà im lặng cúi đầu.

Hoàn thay đổi chiến thuật nhanh:

- Về chuyện ăn cắp máy móc, về chuyện anh có lệnh truy nã tạm thời để đó. Bây giờ chúng tôi hỏi, yêu cầu anh trả lời thẳng vào vấn đề.

A Say giả bộ ngô nghê:

- Ngoài những chuyện trên tôi đã khai ra, tôi không biết chuyện gì nữa hết.

 Hoàn nghiêm mặt:

- Anh hãy giải thích về chuyện anh vừa chửi Lý A Va lúc thấy nó ở phòng giam kia và từ 16 giờ ngày 6 đến 7 giờ sáng ngày 7/10/2001 anh đi đâu? Làm gì? Ai biết?

A Say giật thót người, cái mặt vặn như lưỡi cày đúc hỏng càng cúi gằm xuống.

Hoàn bồi thêm:

- Kìa anh trả lời đi chứ?

A Say lí nhí:

- Tôi ở nhà, có vợ tôi làm chứng.

Đinh Tiên Hoàn nhếch mép cười, hạ giọng:

- Thế mà có người gặp anh lúc hai giờ chiều đi với Sình Thị Tông sang nhà Lý A Va. Sau đó đi bộ đến dốc hang đá cùng Lý A Va đến cột cây số 17. Hôm đó anh cũng mặc cái áo phông trắng này.

Đầu óc quay cuồng suýt ngã, A Say phải bám chặt vào mép bàn gỗ, nó nghĩ bụng: "Thì ra họ đã biết hết rồi…". Đinh Tiên Hoàn lại ra đòn tiếp:

- Chính Lý A Va, Sình A Páu đã khai anh là thủ phạm hạ sát Thiếu úy Phạm Văn Cường và hai người dân vô tội vì anh thù Công an, Công an truy nã anh, bắt anh em các anh vào tù… Chúng khai chính anh xả súng AK, chính anh ném mìn giết người…

Như chiếc lò xo bị nén lâu ngày giờ mới được bung ra, A Say gào thét tựa con chó điên kể vanh vách:

- Con Tông gọi tôi đến nhà. Lý A Va bảo: Buôn bán vặt vãnh vài bánh vài tép hô rô in cũng không có nhiều tiền bằng ăn cướp. này có bọn người Kinh ở Hà Nội lên đem rất nhiều tiền và đô la, cả vàng nữa. Chúng hẹn mua của tao mấy cặp hê rô in. Tao phải chặn đường cướp tiền. Nếu chúng chống cự thì nổ súng thị uy. Thưa cán bộ, Lý A Va nói rõ đây chỉ là dân buôn hê rô in thôi chứ không phải Công an. Nếu biết những người bị giết hôm đó là Công an tôi đâu dám tham gia… Đêm hôm 6/10 đúng lúc 19 giờ 30 đã diễn ra cảnh giữa người mua người bán hỏi nhau gay gắt. Tôi đứng cảnh giới từ xa không nghe rõ. Rồi sau đó Lý A Va xả súng vào họ. Họ đã chết nó vẫn chưa yên tâm, bắn thêm mỗi người một viên đạn rồi lệnh cho thằng Páu ném mìn. Sau khi gây án, chúng tôi chạy vào rừng về Na Ư. Túi tiền thằng Lý A Va lật người thanh niên lên lấy được giao cho tôi và thằng Páu giữ. Thằng A Va đi dấu khẩu AK cưa báng ở đâu tôi không biết. Lúc về nhà nó, tôi đưa túi tiền lại, nó thủ luôn vào lòng không nói gì việc chia chác. Thấy nó chưa chia chác gì, tôi sang nhà hàng xóm ngủ. Anh em nó ở lại đấy ăn uống, nói nhau những gì tôi không rõ. Mấy hôm sau thấy nó đi mua xe máy, mua ti vi cho thằng Páu, tôi hỏi tiền của tôi. Lý A Va bảo cứ từ từ. Tôi dọa nó: "Nếu không chia tiền cho tao, tao sẽ nói cho dân Na Ư về tội anh em mày giết người ở San Mứn…". Hôm sau Lý A Va đưa cho tôi mười bảy triệu đồng tiền ngân hàng và tám trăm đô la. Số tiền này tôi còn gói dấu ở đống củi nhà ngang chưa dám dùng đến.

Phòng bên Lý A Va láo quá, nó chối đây đẩy. Đòn "bộ" của nó xưa nay là thế. Dính tội, suổi tay, miệng la lối kêu oan… có lúc lại dãy lên đành đạch. Lý A Va nghĩ giá hôm đó xong việc cứ thủ tiêu ngay thằng A Say thì hay hơn. Muốn giữ lấy giang sơn Na Ư mà họng súng mình còn thương người quá. Giết nó, bọn Công an càng mừng, cả thằng Páu cũng mừng. Đã là việc bí mật thì chỉ mình biết. Đây ba thằng đều biết có thằng non gan như thằng Páu, thằng ác độc như A Say thế nào chẳng bại lộ, hỏng việc. Tiền thì chúng nó tiêu, tội thì mình chịu. Đầu A Va như muốn vỡ tung ra, nó đưa hai tay ôm đầu, kêu xin gàu nước dội lên. Đầu tóc nó ướt đẫm, nước chảy lênh láng ra nền nhà. Nó nằm vật xuống như một con chó bị cắt tiết kêu ư ử… ư ử. Lúc nãy ông cán bộ bảo ngày mai cho ba thằng đối chất. Thật là xui xẻo, xui xẻo nhất trong đời nó. Bây giờ nó mới nghĩ thương con vợ nó. Nhớ những đêm trăng ngồi dưới gốc cây lim hát với con Tông. Nhớ đến cồn cào gan ruột. Thằng em vợ nó là hạng bét, nó khai bố láo bố toét thôi. Còn thằng A Say chắc chắn là chỉ mặt họ Lý mình vạch tội để Công an trị…

Xin được gàu nước nữa, nó rửa mặt qua loa đã bị gọi lên phòng, lúc đó là 19g30 ngày 29/10/2001.

Lý A Va sầm mặt, vặc: "Mẹ chúng mày không cho tao yên lấy một lúc. Buổi chiều quay tao như quay lợn trên lò không chán ư? Bọn mày không thích bạc, thằng nào cũng hăm hở lập chiến công, lập thành tích… chắc chúng mày không có vợ con phỏng? Con tao mới được tám tháng tuổi, ai trông nom đây. Đã tham gia "con đường máu chảy" nghĩa là làm ăn không hợp pháp cho nên từ cách chơi, cách ứng xử phải đúng sách "ai sao tao vậy". Cán bộ xã, bản mấy "lít" một tháng mình quên mất nên họ gọi Lý A Va này là thằng "ăn bẩn". Vấp vụ này chắc chết. Bọn Công an chẳng thằng nào ra giá với mình, mà có gặp được "sếp" của nó đâu. Độc bọn lính "lít nhít" việc gì tung tiền qua cửa.

Đang lan man nghĩ nó đã bước vào phòng lấy cung. Ngồi kia là thằng A Say mặt đỏ tía ria, vặn vẹo như lưỡi cày đúc hỏng, thằng A Páu không có kẹo nhai đang chóp chép miệng như con trâu nhai không rỏ rãi. Còn cán bộ công an bu bám gì nhiều thế? Ai cũng quân hàm quân hiệu nghiêm chỉnh, mặt mày nghiêm trang khó coi quá. Vẫn là cái ông hỏi mình khi chiều ngồi băng đầu. Vừa thấy Lý A Va bước vào, A Say đã vùng đứng dậy. Trần Văn Thực ấn vai hắn xuống, mãi hắn mới chịu ngồi. Ngồi xuống rồi, Say vẫn lồng lộn chỉ tay vào mặt A Va:

- Chính mày bắn một băng AK tới hai mươi viên đạn, cũng chính mày đưa mìn cho thằng Páu ném. Mày chê tao chỉ giỏi võ mồm, sai tao gác trên đỉnh dốc.

Thằng Lý A Va im lặng hồi lâu rồi chỉ mặt A Say:

- Mày bắn, vì mày thù Công an. Mày mới có súng AK, mấy ngày gần đây đi đâu mày cũng mang theo khẩu AK đó. Mày còn nói nếu thằng nào dụ được Trung tá Đặng Xuân Ưu, Thiếu tá Sùng A Hồng và Trần Xuân Minh những người đã bắt bốn anh em mày đi tù. Cứ dụ được một người thì mày thưởng mười nghìn đô còn gì. Mày còn chối à?

Lê Văn Bảy thay đổi kế hoạch quay sang đối tượng Sình A Páu:

- A Páu, hai người này cãi nhau, đổ vấy cho nhau, anh biết gì nói ra để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước…

Sình A Páu lấm lét nhìn anh rể, lúng búng:

- Lý A Va bắn, anh ấy đưa mìn cho tôi ném. Anh sai A Say canh gác trên đỉnh dốc…

Cái đầu bướng bỉnh của Lý A Va bây giờ mới thực sự rũ xuống. Hắn lúc lắc đầu rồi tự nhiên "óe" lên như tiếng con lợn bị chọc tiết, chỉ tay vào mặt A Say:

- Mày là thằng khôn nhất núi rừng Na Ư! Mày lấy tiền của tao lại đổ tội chết cho tao. Còn thằng Páu kia nữa, mày muốn nói gì, làm gì tao cũng được. Mày còn con chị Sình Thị Tông vợ tao, con tao cháu mày mới mấy tháng tuổi. Vậy là từ nay đến lúc chết tao có quyền nói ầm lên với dân Na Ư mày là con chuột chết. Sống cũng không được uống nước Na Ư, chết cũng không được chôn ở đất Na Ư…

Sau khi ký vào biên bản nhận tội chủ mưu, trực tiếp giết Phạm Văn Cường và hai người dân, khi bị trinh sát dẫn về nhà giam, Lý A Va suy sụp hẳn, không còn to tiếng gân gổ như trước. Nó khóc lóc kêu ư ử ư ử như con lợn ốm, gục xuống không bước nổi, chiến sĩ áp giải phải xốc nó mới bước được. Nó lảm nhảm nói súng tôi để trong hang, lúc lại nói súng tôi dấu trong rừng, cán bộ cho tôi dẫn đường đi lấy súng về. Lê Văn Bảy tranh thủ lúc nó không tính toán liền phản công:

- Anh cứ vẽ bản đồ nơi dấu súng. Chúng tôi sẽ tới tìm…

Lý A Va ngồi hý hoáy gần tiếng đồng hồ mới đưa ra mảnh giấy dập dập xóa xóa. Tuy nét vẽ nguệch ngoạc, dập xóa lem nhem nhưng anh Bảy nhìn qua cũng biết khu rừng đó thuộc địa phận Na Ư giáp với xã Pa Thơm, cách biên giới Lào khoảng 4km.

Đây là một khu rừng rậm già và nguy hiểm, ta phải có lực lượng đông người mới tìm được. Để nhanh chóng tìm được khẩu súng gây án, anh Bảy đưa cho A Va chiếc bút bi đỏ:

- Anh hãy đánh dấu nơi cất súng bằng vòng tròn đỏ. Vẽ đường cắt từ quốc lộ 279 vào chỗ đó cũng bằng màu đỏ. Suối anh tô màu xanh nhạt, rừng thì tô xanh đậm.

Để cho A Va vẽ bản đồ, Dự quay sang anh Bảy trao đổi:

- Việc Na Ư sáng mai rất nặng nề. Cùng một lúc phải đi hai nơi, khám nhà A Say để thu tiền nó dấu, đến bản Na Hai thu chiếc máy khoan đá. Anh có nhớ chi tiết lúc khai báo A Va vô tình nói đến một cái hang nào đó. Tôi truy hỏi về hang thì sau nó lại phủ nhận. Đây có thể là cái hang chúng vẫn lẩn trốn khi ta truy bắt gay gắt việc vận chuyển buôn bán hê rô in, thuốc phiện. Trong hang chắc còn nhiều tiềm ẩn, bí mật. Chỉ khi nào tìm ra cái hang đó chúng ta mới hiểu được nó… Tới Na Ư, anh Bảy phải tiến hành hai việc cùng một lúc.

Trần Văn Thực chen vào:

- Tôi đã từng khảo sát các hang ở Na Ư. Na Ư có tới năm cái hang đá, những hang này đều có thể là mật phủ của bọn buôn lậu. Nhưng theo tôi, cái hang gần bản Kon Ka, Ka Hâu có vấn đề nhất. Các đồng chí cho tôi số trinh sát hình sự đi lục soát mấy cái hang này…

Anh Bảy đứng ngồi không yên vẻ sốt ruột, đưa ra ý kiến:

- Dồn tất cả vào Na Ư, lấy đâu người đi tìm thu súng. Đây là khẩu súng gây án. Ta mới có nhân chứng và lời khai còn vật chứng chưa có. Chưa có đủ nhân chứng vật chứng thì tính thuyết phục chưa cao khi ta tiến hành xét xử bọn chúng.

Nguyễn Huy Dự lại tỏ ra bình tĩnh hơn, mọi kế hoạch bài binh bố trận thế nào đã có trong đầu rồi. Anh ôn tồn nói với mọi người:

- Dốc sức vào Na Ư đi anh Bảy, nhất là tìm, khám phá ra một số hang động của Na Ư. Còn việc tìm súng, tôi xin anh Chín điều động trung đội cảnh sát đi rừng cùng tôi.

Mọi người nhất trí kế hoạch của Nguyễn Huy Dự rồi quyết định cho việc sáng mai vào trận. Lúc ấy đã là mười giờ đêm. Dự nhìn dáng người bước đi của từng chiến sĩ ngày đêm lăn lộn với mình, bỗng lòng anh thấy thương mến từng con người họ. Bây giờ họ đi về nhà, ăn gì, nói gì với những ánh nhìn ái ngại của vợ con họ…

Sáng nay 31/10/2001 bầu trời Điện Biên mơ mộng, cảnh vật mùa thu trên miền biên viễn nuôi dưỡng tâm hồn các chiến sĩ. Nơi này các anh sống một ngày, ăn một bữa, ngủ một đêm với Điện Biên đều muốn mang lại điều gì tốt đẹp cho sự sống Điện Biên, anh Nguyễn Huy Dự đã có lần tâm sự với các chiến sĩ của mình.

Cuộc "thiên di" của người Hơ Mông từ phương Bắc đổ về đây dầm chân với đất đá, đưa vai đỡ lấy gầm trời "Bàn chân của thần đá phẫn khí, đạp xuống non xanh, làm con rồng đang ngủ bật dậy quẫy mình bỏ chạy hóa thành dãy Hoàng Liên Sơn, có đỉnh Phăng xi păng cao 3242m ù ù gió tuyết.

Hoàng Liên Sơn là mái nhà chung của nước Việt, tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai với đỉnh Ô Quy Hồ, tên chữ là Ngũ Quy Hà cách Sa Pa 20km. Bình Lư đầu nguồn sông Mường Bo, ở đây đầu núi quanh năm mây ngủ. Ngọn Phăng xi păng hứng chịu cái rét dưới 40C, nơi có mưa tuyết, gió cấp 10, cấp 11 không bao giờ ngừng.

Na Ư cũng nằm trên Hoàng Liên Sơn đó, nó đã làm vấy bẩn con rồng dân tộc. Đảng và Nhà nước đang dốc sức cho Điện Biên. Người ta đã đào đường hầm đặt đường ống bê tông vào tua pin nhà máy điện Na Lơi trong lòng đất dài 1.837m, xuyên qua hai dãy núi và quốc lộ 279 với đường kính 2m8. "Đúng là vùng đất thức", công trình thủy điện Na Lơi là công trình xuyên hai thế kỷ. Tương lai công trình sẽ kết hợp với nhà máy thủy điện Thác Bay làm nên tổng công suất 11.200kw.

Nguyễn Huy Dự đã có lần leo lên đỉnh Pu Huối Lóng cao 2.719m và đỉnh Pu Tha Thoong 1.793m. Con đường ống dắt qua hai đỉnh núi dài 16km. Trong chiến dịch Điện Biên, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã hoàn thành trong một ngày một đêm để kéo pháo lên trận địa nhả đạn vào lòng chảo. Trong chiến dịch ấy, người Mông, người Thái, người Khơ Mú, người Xá nhiệt tình tham gia. Họ coi sông núi như mạng sống của mình. Họ giữ lấy sông núi. Bây giờ thế hệ các anh phải giữ lấy sự trong xanh ngọt ngào của Tây Bắc…

Bảy giờ sáng Dự đã quăng mình lên chiếc xe cùng trung đội cảnh sát vào rừng Na Ư. Đến km 25 đường đi Tây Trang thì dừng lại. Theo bản đồ Lý A Va vẽ thì không có một lối mòn nào đến nơi hắn dấu súng. Từ đường 279 cắt vào chỉ khoảng 6km, mặc dù các chiến sĩ đã cố gắng hết sức cũng phải hai tiếng sau mới có mặt ở cánh rừng A Va khoanh tròn. Họ dàn hàng ngang, sục sạo khắp nơi, lật từng bụi cây, leo từng ngọn núi, trèo lên cây cao… Đến tận chiều tối mà vẫn chưa thấy súng. Dự cùng các đồng chí chỉ huy trung đội giở bản đồ ra xem lại kỹ càng xác định vẫn không ra được nơi dấu súng. Khi sương chiều phủ trắng núi rừng, bầu trời như thấp xuống, như muốn cài then đóng cửa. Ông mặt trời không ló mặt ra nữa. Dự đành cho trung đội cảnh sát cùng mình quay về trong nỗi buồn sâu thẳm.

Dự cùng mọi người lặng lẽ bước. Có cậu lính trẻ làu bàu: "Thằng Lý A Va chết tiệt lừa chúng ta, lừa được cả ông Dự… ". Câu nói đó làm cho lòng Dự quặn đau. Anh không ăn uống gì, vội vào nhà giam lớn tiếng quát:

- Mày khai láo. Lý A Va, mày lừa chúng tao.

Lý A Va mặt không còn giọt máu, nó nghĩ từ hôm vào đây chưa thấy cái ông này nổi nóng bao giờ. Lúc bực tức nhất chỉ thấy mặt ông rân rân đỏ, hai gò má giật giật rung rung từng thớ thịt. Hôm nay ông ta quát mắng thế này chắc việc chẳng lành. Lý A Va cúi đầu mắt lấm lét nhìn Dự:

- Dạ, tôi không nói sai, tôi dấu súng ở đó mà.

Mặc dù Lý A Va thề sống thề chết nhưng Dự vẫn bắt nó vẽ lại bản đồ. Hơn chục phút sau, Lý A Va lại đưa ra cho Dự bản vẽ như tấm bản đồ trước.

Dự đang ngồi vật vã với bản đồ A Va vẽ lại và khẩu súng AK thì anh Bảy và Hảo gõ cửa. Hai người nói việc thu được máy khoan và gói tiền 17 triệu đồng cùng 800 đô la của A Say một cách dễ dàng, nhanh chóng. Khám nhà A Say còn xem xét rất kỹ, không thấy súng và lựu đạn. Nhưng thu được ba tờ giấy bóng mờ in hình hai con sư tử vờn cầu gói vừa một bánh hê rô in. Soi kỹ thấy bột trắng dính ở túi, đem xét nghiệm thì đúng là chất hê rô in.

Thực với giọng say sưa kể về cái hang đá cách nhà Lý A Va chừng hơn km:

- Cửa hang cao chừng ba mét, tôi cho anh em chặt cây, cắt dây buộc lại làm bậc thang leo rồi mấy đồng chí tình nguyện "vào hang cọp" với súng lưỡi lê tuốt trần. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Tất cả chỉ thấy lạnh giá sâu thẳm và tuyệt không có người. Giữa hang ông trời như nới rộng ra bằng mấy gian nhà. Đúng, ở đây quanh năm gió rét mưa giông đều tránh được. Tôi đã phải kêu lên "cái hang tuyệt quá, lý tưởng cho việc lẩn trốn". Vào sâu nữa là cái khe dài, những thạch nhũ chảy xuống vặn như vỏ đậu. Cái khe có lỗ thông lên trời, gió lùa thổi u u. Gió trời luồn vào thổi mát như người quạt. Ngay chỗ ấy chúng đặt một cái máy dập bánh hê rô in còn mới cùng các loại khuôn ba con 9, bốn con 9, loại khuôn hai sư tử vờn cầu, loại khuôn không số. Đây là loại được con nghiện trong nước, thế giới ưa chuộng. Như vậy bước đầu chúng tôi nhận định bọn chúng nhập hê rô in dưới dạng bột đem về cho thêm tạp chất, ép thành bánh mới. Căn cứ vào hai túi giấy bóng thu được ở nhà A Say chúng tôi suy đoán bọn này mua hàng từ khu tam giác vàng về pha thêm tạp chất. Mà tạp chất rất có thể là bột sắn vì chúng tôi thấy nhà A Say có một số lát sắn khô vụn đã mốc meo. Bên cạnh cái máy ép bánh hê rô in có khẩu AK một băng đạn lắp sẵn 18 viên, một viên đã lên nòng. Sâu vào bên trong chút nữa là một cái máy phát điện hiệu Trung Quốc loại 2kw. Chắc chắn cái máy điện này chúng dùng cấp điện áp cho máy ép, và bóng đèn 25w. Trong hang còn có bếp ga, mỳ tôm, nồi cơm điện, xoong nồi bát đĩa cái gì cũng có. Rượu, thực phẩm bát đĩa có thể cung ứng cho đủ một tiểu đội ăn ở nhiều ngày. Đặc biệt trong hang còn có nhiều ổ trải bằng cỏ khô hấp dẫn và khêu gợi, những cái ổ ấy mà chúng đưa đàn bà con gái vào đấy hú hí thì đúng là "thiên đường". Những cái hang ổ như thế, trừ Công an cố công truy tìm ra dù quỷ thần nào che dấu cũng không nói hết được sự chuẩn bị phạm tội của chúng.

Một cái hang khác gần bản Kon Ka bên trong chúng kê sạp nứa, có chiếu chăn, thực phẩm lương khô nước uống… hang này có thể trú ngụ lâu dài tránh được truy quét…

Thành tích của mũi thứ nhất như thế là lớn nhưng Dự coi vấn đề mấu chốt vẫn là khẩu súng. Chưa thu được khẩu súng gây án, Dự rất buồn. Khẩu súng gây án là sự im lặng là một bí mật chưa giải mã được của vụ án.

Trăng sáng, sương giăng giăng mờ ảo núi rừng Điện Biên, anh nhìn về phía rừng Na Ư, rừng núi nhấp nhô, bát ngát. Anh thầm nghĩ chắc núi rừng mảnh đất ấy đang vẫy gọi anh phải trở lại lần nữa. Đuổi hươu, bắt ngựa trên núi còn khó, giờ đây đối mặt với tên gian tặc quỷ quái dấu khẩu súng gây án ở đâu là một thách thức không nhỏ. Đừng đi theo dấu chân con sói, sói đi hay xóa dấu vết trên tuyết. Phải tìm cách đột phá vào gia đình Lý A Va. Đột phá vào tình cảm người con gái Mông đối với chồng. Đây là việc làm táo bạo. Đối mặt với sự thật không lẩn tránh được. Lý A Va không bao giờ chịu nói. Nó có thể chỉ nói với vợ nó. Nếu đưa Thị Tông vào gặp chồng, chắc chắn việc làm này sẽ bị nhiều người phản đối và không có vụ phá án nào cho phép… Nghĩ vậy nhưng trong đầu Dự vẫn lóe lên những ý nghĩ biết đâu thằng họ Lý gian ngoan này lại chẳng còn có chút tình người dành cho vợ, con hắn. Con người Lý A Va có lộn xộn, máu lạnh đến đâu cũng thích người con gái Mông, cũng thích những lúc vợ chồng ân ái. Dự tính đi tính lại việc này xem mình có phải làm "ẩu", làm "đại" không? Trước tiên mình phải nghĩ cho thấu đáo rồi bàn với anh Bảy. Trên bàn cờ, người chơi mỗi nước đi phải tính việc thua, ở đây việc thắng thua nhìn vào người con gái Mông…

Sình Thị Tông hôm trước được vào ngó chồng qua cái ô cửa sổ nhỏ, không được gặp gỡ thị như thấy thiêu thiếu một cái gì và trong thâm tâm thị như đang có cái gì khó tả…Bữa đó không được gặp chồng thị đã thất vọng,

 

khi về đến lối dốc về Na Ư gặp một thằng cũng dân buôn lậu nhưng ở đường dây khác chặn lại hỏi:

- Nghe tin họ Lý vừa phất lớn, cả hai thằng kia nữa… Anh Lý A Va chơi vậy là chơi đẹp. Nhưng đất này đâu chỉ có một A Va, còn Lý Giống Minh và nhiều người khác nữa… Chồng mày làm thế tụi tao bây giờ có còn gì liếm láp nữa đâu. Bà chị cũng phải cho bọn này chấm mút một tí.

Nói vậy rồi thằng chó đểu sán lại kéo váy bẹo má con đàn bà đang nuôi con mọn và nhe bộ răng vàng như cứt ngựa cười nhăn nhở với Sình Thị Tông. Thị Tông biết đây là lời chọc ghẹo đe dọa khi chồng thị vắng nhà. Máu thị uất lên tận cổ. Từ đường vào nhà qua con dốc rất ngắn mà thị như thấy nó dài đằng đẵng. Thị nhìn căn nhà nền đất vững chãi còn đấy, cột kèo thưng ván đều bằng gỗ nghiến đẹp, mà cột kèo thì vuông hòm sắc cạnh. Nhà thị rộng hai sào đất chứ ít đâu, chung quanh nhà, vườn chôn cọc sắt chữ V rào lưới B40 cao tới ba mét chắc chắn. Cái khóa cửa vẫn im lặng chờ thị. Vợ chồng thị nuôi đàn chó hung dữ to như những con bê xích ở hiên nhà thấy chủ về bọn nó chồm lên rên nhẹ. Thị vỗ vào đầu chúng rồi xúc cho mỗi con một bát cơm nguội trộn bột cá khô. Cho chó ăn xong, thị khóa cổng thả chúng ra, thủ sẵn con dao rồi mới đi ăn uống qua loa lên giường. Nằm mãi không ngủ được, thị cứ thấy chập chờn hình bóng thằng răng vàng như cứt ngựa nhăn nhở nói cười gặp lúc nãy ở đầu dốc. Thị Tông nghĩ thầm tối mày mò đến thì đàn chó kia, con dao quắm này sẽ cho không có đường ra. Thị quyết "thủ tiết" với chồng.

Thị thương chồng phải lãnh tội nằm nhà giam không tránh khỏi cái chết. Một mình thân anh ấy khổ… Mọi ngày vào giờ này thị đã đi đun nước đổ vào thùng gỗ cho chồng tắm. Rồi thị tắm. Thị cọ rửa thân thể sạch sẽ mới lên giường với chồng. Đêm nào cũng vậy. Từ ngày sinh con, da thịt thị nở ra, bầu vú căng lên tạo ngực thị thành rãnh nhỏ thơm tho và ngọt ngào. Thị nhớ đến cảm giác chồng tranh bầu vú với con nhỏ, đùa chơi nó. Thị nhớ nhất là những lúc A Va rúc đầu vào lòng vợ rúc đầu vào vú vợ. A Va cắn cắn rứt rứt núm vú, bầu vú căng sữa, A Va hôn, véo… A Va bảo giờ anh là con cún con của em. Em bảo gì anh cũng nghe. Lạ thế. Lúc có chuyện làm ăn thì hung dữ như con thú, gặp vợ mặt lì lì, nhe răng trắng nhởn ra trông thấy mà ớn lạnh đến sống lưng. Vậy mà những lúc hú hí với vợ thì hiền như con ngan con ngỗng. Vuốt đầu một cái là nằm im.

Rồi thị vùng dậy húp bát nước cháo múc từ cái vạc để trên bếp. Thị quằn quại trong nhớ thương luyến tiếc cái ngày mới gặp nhau. Anh nằm gối đầu vào hai cái đùi mình êm mềm như chăn gối mùa đông. Mình hát cho anh nghe những bài “Gầu – Plềnh gaux Plenhx” ( Tiếng hát tình yêu)

 

 

“… Mặt trời đứng dậy trêu ghẹo mặt trăng

Đường tình duyên trai gái sinh ra

Trước cửa nhà em có cây lanh mọc

Ong mới tìm về đậu…”

Anh ấy nhe răng cười rồi hát theo mình.

 “… Anh đã đến bên vách

 Em có nhà hay đi cùng ai?

 Có nhà thì hé cửa ra cùng anh

 Để anh nói lời con tim

 Anh đã đến sát cửa

 Em thức hay đang mơ nghĩ về ai

 Thức thì mở của bước ra cùng anh

 Để anh giãi bày nỗi lòng…”

Anh thật đúng như câu hát khỏe trẻ đẹp như đứa trẻ trên núi cao, trước bé bằng con nghé, giờ đã thành trâu mộng, có cái lá gan to, có chí sống, để người Mông không khinh thường.

Rồi một ngày anh đã làm lễ cúng Giàng, cưới Sình Thị Tông. Có người gặp hỏi anh bên bếp lửa cháy ngoài nương hỏi lỡm lờ:

- Ngày xưa anh không biết làm nhà, bây giờ anh đã biết làm nhà. Làm nhà xong anh lại ra rừng, gặp cây gỗ thẳng hơn tốt hơn thì anh nghĩ thế nảo?

            - Xưa tôi không biết làm nhà. này tôi biết làm nhà. Ngôi nhà này là của tôi, gỗ tốt gỗ xấu cũng là của tôi. Tôi phải quý nó, gỗ kia có thẳng tốt cũng là của người ta, tôi không màng.

            Anh kể chuyện đó với mình vào một đêm mưa. Chính đêm đó anh đã cho mình một đứa con… Nghĩ tới đó Thị quay mặt vào con hôn lên má chùn chụt. Bây giờ nếu anh ra đi, đời mình chông chênh không còn chỗ dựa, trống vắng, giữa mênh mông trùng điệp của núi rừng.

            Giàng không tốt lấy mất hồn vía chồng tôi. Cánh tay này để gối đầu ai cơ chứ? Thân thể, da thịt này để ai liếm láp hôn hít nữa. Cặp đùi non, cặp vú căng này để ai bú mớm. Rồi Thị khóc, khóc mỗi lúc một to, quăng quật cái thân mình cho đên tàn tạ, khốn khổ, khiến mấy con chó xích đầu hè cũng tru lên sủa: “gâu..gâu..gâu” 

 

 

Thị nhớ lại cái đêm hôm mưa to, Lý A Va thức trằn trọc mãi mặc dù sau một ngày leo rừng lội suối về được nằm bên chăn ấm ôm vợ. Lý A Va kể lại chuyến đi ngày hôm đó. Thị biết đây là chuyện ngoại lệ của Lý A Va. Lý A Va nói: này anh đi ba tiếng đồng hồ, vượt sáu cánh rừng, mười con suối cạn đến huyện Pa Hốc, Mường Mày Phong Sa Lỳ mò vào nhà Và A Tếch mua hàng. Anh tìm ra con đường duy nhất, đến con nai con hoẵng cũng chưa đặt chân tới, nói gì đến bọn tuần đường đồn Biên phòng 241. Từ cột G1 đến cột G3, có dân quân xã đi cùng dẫn lối ít nhất chúng cũng phải đi hết một ngày cả đi lẫn về. Có lần gặp nó anh cứ như con cáo rúc vào bụi, chờ nó đi qua rồi mới rón rén đi sau. Nhưng lần này anh quan sát động tĩnh từng tí từng tí, có lúc anh cười sằng sặc một mình vì bọn tuần đường ngu quá không biết đu qua cái cây này lên núi để đi tắt. Lúc anh huýt sáo lẩm nhẩm hát bài ca cùng với em hát dưới gốc cây lim đêm mới gặp nhau. Đi một đoạn anh lấy dao chặt cây làm dấu, có lúc vạt đi hẳn một miếng vỏ, có lúc vạt ba nhát. Cũng có lúc phải vạt sâu vào đến lõi gỗ. Đến đường biên anh nằm phục hàng tiếng xem có "tuần đường" 241 không rồi mới băng qua. Sang bên kia vượt qua ba quả núi nữa mới đến nhà Và A Tếch để xem nó chuẩn bị đủ hàng cho cậu chủ Hà Nội chưa. Chúng nó lấy tới mười cặp…

Sáng có mặt Na Ư, trưa uống rượu ở Pa Hốc, tối nằm trong buồng vợ, bố thằng nào ở Na Ư này làm được như anh.

Lý A Va nói câu đó khi nằm trên người vợ. Lúc ấy thị Tông chỉ biết oằn người lên hứng nhận hết cảm giác đê mê rồi rú gọi, rồi nói: Bé đã ngủ rồi, bây giờ là của anh, của anh tất cả…

Mới thế có mấy ngày mà cuộc sống hôm nay đã thay đổi như sương sớm đầu núi lúc gà gáy, thoáng mặt trời lên đã tan hết chỉ để lại vòm cây sẫm lá. Sình Thị Tông miên man trong giấc ngủ thì có tiếng chó sủa. Thị vùng dậy nắm cán dao nấp sau cánh cửa. Chỉ cần đứa nào thò cổ vào thị sẽ bổ vào đầu nó bằng sức con gái Mông từng kéo cung bắn nỏ trên núi như bổ quả dưa đỏ.

Trời sáng hẳn, hôm nay thị dậy sớm đồ xôi, cắt tảng thịt trâu khô nướng lại để chuẩn bị đồ nhậu cho Lý A Va. Ngày người nhà được vào trại chăm thăm nom, nhưng thị lo không biết có được giáp mặt chồng không nhỉ… Thị gửi đồ cho chồng và được phép gặp lãnh đạo Công an. Thị lo nhiều hơn mừng vì cái án của Lý A Va gây ra lớn quá, tội nó to như quả núi trước nhà.

Nguyễn Huy Dự bước vào, Thị Tông ngồi trên chiếc ghế băng đợi. Thị liếc nhìn người lãnh đạo Công an. Anh này vừa uy nghiêm, vừa hiền hậu. Mặt anh vuông vức, vai rộng, tóc đen, đẹp hơn trai Mông mình nhiều, thị nghĩ bụng. Giọng anh ta lại nhẹ và ấm. Động tác của cán bộ ân cần quá. Anh rót nước mời Tông. Anh hỏi thăm cháu bé rồi anh kể chuyện mẹ liệt sĩ Thiếu úy Phạm Văn Cường hôm bị Lý A Va bắn. Khi nghe con chết mẹ Phạm Thị Lan tay run run nâng tập sách, chậm rãi vuốt từng đồng tiền cũ của Cường như một báu vật. Tập sách này con trai mẹ hàng ngày miệt mài ôn luyện để đi thi. Còn gói tiền hai triệu kia nó định Tết đến mang về cho mẹ đỡ đần các em ăn học. Người mẹ ấy vẫn tưởng như con mình còn đó, chưa đi xa, Tết về thăm dúi cho mẹ mấy đồng. Nhưng mùa xuân này là của mọi nhà…

Tối 6/10 là nỗi đau định mệnh trong đời bà mẹ ở Hải Phòng.

Dự nhìn thẳng vào đôi mắt Sình Thị Tông, đôi mắt đỏ chơm chớm nước mắt. Thấy vậy anh hỏi thêm:

- Cháu bé ở nhà thiếu sữa ai trông?

Tông cảm kích nhỏ nhẹ:

- Dạ! Có người cho nó bú. Nó nhanh lớn mập như quả bầu non ở trước nhà rồi cán bộ ạ.

Dự quan sát kỹ nét mặt người phụ nữ Mông có chồng vướng trọng tội với giọng như an ủi, thương cảm:

- Có gì chị cứ mạnh dạn trình bày, chúng tôi sẽ xem xét giúp đỡ nhưng anh Va chồng chị phải thành khẩn…

Sình Thị Tông cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi ngước cặp mắt đã khóc đỏ lên nói nhỏ với Dự:

- Thưa cán bộ, đúng chồng tôi có tội, tội vận chuyển buôn bán hê rô in là nặng lắm. Tôi thân phận làm vợ, vợ người Mông chỉ biết vâng lời chồng, hầu hạ chồng. Vợ người Mông cũng như thân con ngựa cho người ta cưỡi, thân con trâu chỉ biết kéo cày. Chồng nó làm gì tôi có dám ngăn, mà ngăn cũng không được. Nó làm nuôi vợ, nuôi con mà. Nó không cho vợ làm rừng từ nhiều năm nay rồi. Cả dân Na Ư cũng thôi cưa cây rừng, chọc lỗ cấy lúa, gieo ngô trồng sắn còn có ai làm nữa đâu? Cuộc sống hàng ngày có các ông trùm lo cho. Thằng chồng tôi lôi kéo cả thằng em trai tôi theo nó, nó cũng muốn trở thành ông trùm. Nó còn nói: Bao giờ kiếm được nhiều tiền thì mua cái xe cho vợ lái đi chợ Điện Biên chơi. Nhưng nó đi giết người cướp tiền thì quả tôi không biết. Tôi chỉ biết nó bảo lấy xe máy chở ba đứa ra cột cây số 17 rồi đuổi tôi về… Nếu biết việc đổ máu thì tôi phải can nó dù nó lấy cây đập chết tôi. Khi nó giết người rồi, về nhà ngồi lì ở phản ăn cơm nguội, uống cả một bình rượu. Chồng ngồi đó, đi đâu về vợ không dám hỏi chỉ nép sau cửa nhìn ra. Thưa cán bộ! Tội tôi thế nào tôi xin kể chỉ xin cán bộ con bé mới tám tháng tuổi đừng bắt tôi đi tù, dù tôi biết tội tôi to lắm.

Dự xoay xoay ngọn bút trong lòng tay, tin vào người phụ nữ Mông có một con mà lại thật lòng. Xét về luật pháp chị cũng là một tòng phạm song có thể châm chước. Dự nói nhẹ như gió:

- Cái đúng cái sai chị đã hiểu, tôi mở cho chị một hướng đi được giảm nhẹ tội nếu chị tìm ra nơi dấu súng của Lý A Va.

Sình thị Tông cúi đầu, hai vai thon của cô gái Mông rung lên, chớp đôi mắt to nhìn Dự:

- Vâng! Tôi làm được. Hứa với cán bộ như vậy. Người Mông cũng không thích nói sai. Nếu cán bộ cho tôi vào hầu hạ chồng một đêm. Tôi sẽ vỗ về anh ấy. Anh ấy nghe vợ, nghe tiếng khóc của con anh xót lắm. Cây nào bị chặt rễ chẳng đau. Trồng chuối phải biết dẽ con. Các anh cũng phải mất đi nguyên tắc một chút đối với gái Mông. Cái kẹo mềm dễ nhai, cái kẹo cứng khó nuốt lắm…

Dự chưa trả lời, cho Đinh Tiên Hoàn dẫn Sình Thị Tông ra phố ăn phở, thị từ chối nói đã có nếp nương mang theo, có nước suối rồi. Tiên Hoàn nói: "Đây là thủ trưởng mời…". Tông còn ngần ngại mới chịu theo Hoàn ra phố.

Lúc về mặt cô gái Mông đỏ lự, đỏ như mận Hậu Bắc Hà. Dự mời Tông uống nước và nói lãnh đạo đã đồng ý để cô được ở với chồng một đêm. Ngay lúc ấy Tông được đi nghỉ ngơi tắm giặt. Cô nhân viên phục vụ dúi vào tay Tông bánh xà phòng thơm có cái vỏ vuông vắn in chữ Fa.

Sình Thị Tông bẽn lẽn, hồi hộp nhìn Dự, thị cũng biết xấu hổ rồi thị đòi vào ở với chồng luôn chiều hôm đó.

Lý A Va được nhốt riêng, nước non không có, các anh quản giáo cho thị mượn đôi xô xách nước. Tông quẹn quạy cửa buồng xách nước, cái váy hoa thi thoảng lại tốc lên bởi cơn gió núi thổi thốc tháo. Sình Thị Tông bảo chồng:

- Nếu ở Na Ư, ở bếp nhà mình em sẽ đốt củi đun nước cho anh tắm, ở đây không có anh chịu khổ một chút.

Trong cái lù cở thị đeo trên vai ngoài tảng thịt trâu khô, gói nếp nương còn thêm hai chai nước lọc. Người trực buồng đã "kiểm tra" kỹ mà không phát hiện được gì. Chồng tắm xong thị ngồi xé thịt trâu cho chồng nhai, đưa nước cho chồng uống. Vừa tợp vào miệng mùi thơm của rượu men lá đã làm Lý A Va bừng tỉnh. Hắn rung lên từng thớ thịt trên mặt. Thị nhòm chồng khoái khẩu hà hít hơi rượu, cười khinh khích. A Va bảo:

- Giỏi. Gái Mông giỏi lại biết thương chồng, chiều chồng mang được "rượu lậu" vào nhà giam cho tử tù nữa. Tội em đâu có nhỏ.

- Thì đã là vợ chồng với nhau chết sống có nhau…

Nghe vợ nói, nước mắt A Va ươn ướt. Hắn bảo với vợ giọng hối hận:

- Thế mà cái hôm uống rượu với mấy thằng Lào, anh tức em cầm chai rượu ném suýt đập vỡ mặt em. Anh nóng quá phải không Tông?

Tông chỉ ỏn ẻn bảo chồng:

- Bé nhớ anh, nó lớn như quả bầu quả bí trông ngoan lắm, mỗi ngày một khác. Nhiều đêm nó quấy khóc, biếng ngủ làm em cũng sụt sùi. Lần sau em xin cán bộ gùi con vào với anh một ngày nhé.

- Không được đâu! Nhà tù con trẻ không ở được…

Nói thế nhưng Sình Thị Tông biết chẳng bao giờ có ngày đó. Tông cởi váy xống để vào góc nhà, ngồi ăn với chồng, đôi lúc còn nắm xôi chim chim từng nắm nhỏ đút cho A Va ăn. Thị cho chồng ăn như cho trẻ ăn. Thằng A Va đang ăn bỗng đè phắt vợ xuống nền nhà, nó cắn vào đôi vú gái một con đầy sữa làm dính những hạt nếp nương mềm thơm mùi cối giã. Tông cứ để chồng làm sao thì làm. Nó mặc kệ, nó chả tiếc giữ gì… Chỉ có đêm này nữa là đêm cuối cùng. Con trâu nó đói, mặc nó, cỏ xanh là của nó, rơm khô là của nó, nước Na Ư là của nó. Nó mệt mỏi bây giờ mới lấy lại sức…

Khuya lắm hai đứa không ngủ, chúng cứ chuyện, rồi hát, rồi ngồi ca cẩm. Hai đứa không hề oán trách, không kể lể chi về tiền bạc, không hờn giận nhau như xưa. A Va cứ vuốt vuốt cái lưng ong của Tông hiền như con lợn con trong nhà khi được lợn mẹ cho bú no lăn ra ngủ. Nhưng con lợn A Va không ngủ, con mắt nó thức như hai bàn tay nó, nó hết đè lên vợ, lại bắt vợ đè lên nó. Con người là thế. Lý A Va bảo Tông:

- Em ngon như quả đào Quý Châu mà anh không biết giữ, giờ hối cũng không kịp.

Sình Thị Tông hỏi chồng:

- Sao cán bộ tốt thế mà anh lại nói dối nơi dấu súng?

Lý A Va trợn mắt chuột lên nhìn vợ rồi không biết tại sao lại nhanh chóng cụp ánh nhìn xuống:

- Tao vẽ đúng đấy. Nhưng chúng nó làm sao tìm được, chỉ có mày đi với chúng mới tìm ra cây lim ấy. Cây lim to bên dưới là những bụi cây chó đẻ ấy.

Tông bảo:

- Em biết rồi! Anh dấu súng ở cái nương chỗ chúng mình đã ăn ngô non, uống rượu lá và hát. Hôm đó em hát câu mà anh sướng lên rồi cắn em như cắn quả đào chín vậy. "Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau".

Sáng ra Sình Thị Tông chia tay chồng, Lý A Va cứ bám vào cái song sắt nhìn theo cái váy hoa vợ mà tự tay mình mặc cho lúc nãy. Thi thoảng Tông ngoái lại nhìn chồng mắt ướt chượt.

Gặp lại Dự, Tông hứa sẽ đưa đi lấy súng ngay buổi sáng nay. Dự đưa ra bản vẽ nói nhanh:

- Đúng. Đúng rồi ở đây có cây lim to và những bụi cây chó đẻ um tùm. Đường vào đó khó đi. Súng để ở đây này.

Tông chỉ vào cái  vòng đỏ mà Lý A Va đã khoanh tròn lại. Để chắc ăn, Dự hỏi lại:

- Chị có chắc anh ấy để súng ở cái chỗ hai người có nhiều kỷ niệm đó không?

- Cách đây mười một năm, tôi và Lý A Va yêu nhau, vài mùa măng mọc thì cưới, anh ấy là chàng trai Mông mạnh khỏe, đẹp trai. Anh ấy hát hay, thổi khèn hay nhất vùng biên giới Việt Lào. Anh ấy thường dạy em hát nữa. Anh đưa tôi đi phát rừng làm cái nương nhỏ. Chúng tôi chọn cây lim to có bóng mát là ngôi nhà không có cửa sổ. Anh ấy ví cây lim là ngôi nhà không có cửa sổ làm tôi thích lắm. Hồi ấy rừng Na Ư đâu cũng là nương lúa, nương ngô. Bây giờ người ta bỏ rừng, xa rừng không làm bạn với đất đai mà làm bạn với hê rô in. Gốc cây lim ấy chúng tôi kiếm mấy hòn đá bắc làm bếp, kiếm củi về đốt lửa nướng ngô, nướng sắn. A Va bắn được con gì tôi cùng anh mổ thịt rồi hơ trên lửa bằng cành cây tươi. Uống rượu, thổi khèn, cây lim làm bạn với chúng tôi suốt bao mùa trăng, mùa rẫy. Ngày nào anh cũng cõng tôi qua mấy con suối lên đây.

Lặn mặt trời anh leo lên cây cất khèn, cất súng săn trên cành cây cao nữa. Khi tôi đi ra đường gặp các cô gái Mông Na Ư, đứa nào cũng bảo nương của Lý A Va tốt lắm, bắp ngô to, quả bầu lớn, củ khoai tròn, con nai con hoẵng cũng muốn đến. Chúng nó bảo nương nhà Lý A Va, Sình Thị Tông có tiếng khèn, tiếng hát của hai đứa, có mồ hôi nước mắt của vợ chồng nên cây mau lớn, quả mau to.

Nghe Sình Thị Tông kể, Dự rất mừng, nói lại việc này với anh Bảy cùng mình dẫn năm trinh sát lên núi. Dự bảo:

- Anh em lên núi lần này phải lấy được khẩu súng AK sát hại Phạm Văn Cường về, có vậy nhân dân mới tâm phục, khẩu phục.

Mọi người đã ngồi cả lên xe. Dự vẫn còn nghe thấy tiếng thở dài và ánh mắt nghi ngờ của chuyến đi.

Sau một giờ, để lại ô tô trên đường 279, tất cả tổ công tác theo Sình Thị Tông lên núi. Bàn chân cô gái Mông thoăn thoắt bước, tay vạch lá, chân đạp đá, bước nào cũng vững, cũng dẻo, cũng nhanh. Trông thị chẳng khác gì một con sóc chuyền cành. Sức trai mấy anh lúc đầu còn phăm phắp theo thị, sau phải chạy mới kịp.

Do quen đường, đi tắt, nửa giờ sau Tông đã đưa anh em đến gốc cây lim. Cây lim to chiếm cả vùng rừng, nhiều cành nhiều lá rậm rạp. Dù có người ngủ ở trên đó cũng không ai nhìn thấy. Thị Tông vui vẻ nói với Dự:

- Cây đó, anh cho người lên mà lấy súng. Nó không nói sai đâu. Nó nói với vợ nó trong lúc nó hú hí, thì chả có câu nào sai cả.

Thực và Hoàn nhanh nhẹn leo lên cây. Đến lưng chừng các anh đã nhìn thấy cái bọc ni lông màu xanh lá cây treo trong lùm cây rậm rạp. Các anh hạ xuống, mọi người mở ra, trong đó gói khẩu AK cưa báng một băng đạn 18 viên, một viên đã lên nòng. Trong bọc còn cái túi thổ cẩm gói gọn 17 triệu đồng tiền ngân hàng và 1700$. Đó là số tiền còn lại trong vụ giết người đêm 6/10/2001 Lý A Va đã chia nhau. Ai cũng nở nụ cười vui vẻ nhìn Sình Thị Tông và tổ chức lập biên bản theo lệnh của Dự.

Tông tự nhiên bưng mặt khóc, thị khóc nức nở tru tréo rồi ôm bụng lăn lóc. Tông luôn mồm gọi Lý A Va, gọi con thị. Tông bảo:

- Tất cả đã hết. Đến cây măng rừng gặp kẻ ác cũng chả sống được nữa nói chi người.

Sình Thị Tông nhìn khẩu AK cưa báng với những viên đạn đồng vàng chóe nguyền rủa kẻ nào đã nghĩ ra cái thứ giết người kia. Ngày mới lấy nhau nhà làm gì có súng đạn thế này ngoài mấy cái nỏ, cây cung, khẩu súng kíp. Lý A Va chỉ biết đi đào cây, bắt con ong, làm rẫy… Trên tường nhà là lộc nhung treo, là gạc nai, là da hổ, da báo, là mỡ thịt lợn rừng… Lúc nào chồng cũng ngồi cùng vợ uống nước, hút thuốc, hai mắt sáng long lanh. A Va ngày ấy là người của rừng núi chứ đâu người của ma túy. Thị ngồi dậy rồi chạy vòng quanh gốc lim khóc. Trông tóc tai, váy xống thị tả tơi, không ai muốn dỗ dành thị. Để thị khóc vơi đi nỗi đau sầu muộn… Thị Tông ngửa mặt nhìn trời khóc to:

- Ông trời sao xui chồng tôi làm điều độc ác. Làm con quỷ giết người. Sao không để chồng tôi ngồi hát dưới gốc cây như hôm cõng tôi lên rẫy… Cái vai chồng tôi khỏe, cái chân chồng tôi cứng, leo bao núi cũng được, khổ mấy cũng chịu được… Thế mà… Nỉa ơi, chía ơi… con ơi!

Dự đứng như trời trồng giữa khoảng đất trống nhìn núi non trùng điệp sương tuyết lung linh bát ngát màu xanh vô tận. Sau trận chiến gay go quyết liệt lần đầu tiên anh ngắm phong cảnh Na Ư với tâm hồn thanh thản. Nhưng anh biết cuộc chiến chống ma túy chưa đến hồi kết…    

 


Phơ phất hồn lau

Đỉnh đèo San Mứn lúc nao gió cũng thổi, sương cũng bay. Sương và gió ở đây làm cho cảnh vật núi rừng đại ngàn Na Ư như được giát tuyết vào những cây to, núi cao vực thẳm. Khoảng ba giờ chiều ngày 6 tháng 10 năm 2001 một thằng mặt săn lại như cái lưỡi cày đúc hỏng, sùm sụp mũ vải thô đen che đi gần hết khuôn mặt lì lợm. Gã mặc áo phông trắng, đi giày, cặp kính đen thô lố làm cho người đối diện không còn biết ánh nhìn của nó. Gã khệnh khạng với cặp kính đen, cái mũ vải sùm sụp bao nhiêu thì thằng đi cùng lại tỏ ra tinh ranh hơn nhiều với cặp mắt chuột, ti hí, luôn liếc ngang liếc dọc và mái tóc hơi xoăn.

Hai thằng cứ đi đi lại lại vẻ sốt ruột. Km 17 đường 279 một phía xuôi về San Mứn, phía ngược về Na Ư, đây là đoạn đường hiểm dốc, bên tay trái là tà luy dương có vách đất cao vài mét. Mưa, gió, nắng vùng này đã bào nhẵn tà luy dương như tường nện. Trên cái tà luy như tường nện này cây rừng chằng chịt dây leo, sát mặt đường là rãnh thoát nước sâu ngang bụng. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những cái hố ga sâu lút đầu người. Phía tay phải kể từ Điện Biên lên là tà luy âm không có lề đường, hàng cọc bê tông đầu quét sơn đỏ chân trắng chôn cách nhau vài mét nằm xen kẽ với những bụi cây lơ thơ càng tăng thêm cái vẻ nguy hiểm cho vực sâu thăm thẳm bên cạnh.

Chỗ cua tay áo nơi có cột cây số 17 phơ phất những thân lau trắng. Gió núi thổi làm thân lau bạc gù xuống, ai đi qua đều không quên dáng lau trắng miền biên viễn xa xôi như bờm con ngựa chiến ở đây. Thật đúng với câu thơ của một thi nhân khi qua đây cảm khái: "Sa trường kiếm kích thân ngựa chiến / Gió thổi tung bờm lau trắng bay" (VBC). Địa hình Cường đang đi đến có lợi cho việc mai phục tấn công. Kẻ nào bị đánh hoặc bị săn đuổi cách duy nhất là bỏ chạy thục mạng xuôi xuống dốc về Na Hai. Bỏ chạy thục mạng nhưng vô phúc cho nó vì những loạt đạn xối xả khó tránh khỏi cái chết.

Thằng mặc áo phông trắng tên là Vàng A Say đang có lệnh truy nã đặc biệt. Hắn là em ruột của Vàng A Tú ở bản Kon Ka xã Na Ư cầm đầu một đường dây buôn lậu lớn đã bị Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy Lai Châu bắt năm 2000. Trong đêm truy bắt đó, chính tên mặc áo phông trắng đeo kính đen thô thố kia đã liều mạng lăn từ trên cao xuống vực thăm thẳm lởm chởm đá tai mèo trốn thoát, đón đường dùng súng AK kéo cò hết một băng đạn nhằm uy hiếp Công an giải vây cho anh trai nhưng không thành.

Khẩu AK đó A Say mua của Lý Chờ Dĩnh ở bản Pa Hốc, huyện Mường Mày với giá một triệu rưỡi tiền Việt Nam. Sau chín tháng sử dụng nhằm dọa nạt, gây tội ác với nhân dân hắn bán lại cho Lý A Va con nghiện khét tiếng độc ác và tên trùm ma túy Na Ư. A Va chính là thằng tóc xoăn mắt ti hí. Súng đã tháo bỏ báng gỗ để được gọn nhẹ hắn thủ trong chiếc áo khoác rồi cùng với A Say dòm dòm ngó ngó sắp đặt cho "cuộc đánh" sắp tới.

Lý A Va lên dây cót tinh thần cho A Say: "Đừng có hoảng sợ, tao nói mày có nghe không?"

- Đừng có trấn an tao. Tao dù bị truy nã đặc biệt nhưng cái lệnh đó đâu có hiệu lực ở Na Ư, tao đâu có sợ. Địa hình mày chọn được đấy, tao thuộc lắm!

Thằng A Say lộ vẻ bộ xăng xái trả lời trong lúc hắn đưa tay xỉ mũi, rồi cười nói tiếp:

- Trong vụ "đập lộn" này, tao được gì chứ?

- Mày là thằng liều lĩnh như con hổ rừng, bọn Công an truy nã gắt thế mà khi con Sình Thị Tông vợ tao đến kêu đã thấy mày vẫn ngồi giữa nhà nốc rượu như nốc nước lã đấy thôi.

- Tao đang bực mình, lâu nay không có tiền, thằng A Páu em vợ mày lúc tao ngồi ở nhà bếp của mày nó chọc tao đấy. Nó bảo tao: "Hãy dấu bớt cái mặt vặn vạy như lưỡi cày đúc hỏng của mày đi". Tao đã toan cho nó một cái tát, nhưng nghĩ cho cùng sắp làm ăn lại cãi lộn nhau thì hay gì. Tao nín là nín Lý A Va, chứ cái thằng chó chết suốt ngày nhai kẹo mới hơn chục tuổi đầu thì chịu được mấy cái tát kia chứ. Thằng khốn nạn! Thằng đó thế nào cũng có lúc tao đập cho nó "biết" thế nào là A Say. Cái lúc tao đứng chờ mày ở dốc quạ (hang đá) vì muốn tránh đồn Biên phòng 241 tao đã định cho thằng ranh con một cú đá, nhưng thôi để dành đó. Tao tìm con đường tắt thật ngắn ra đây là mày biết tao đang quyết tâm làm vụ này với mày.

Quả thực đúng như nó nói, khi Lý A Va đến đó thì hắn đã lù lù đứng trên đỉnh đèo phì phèo điếu thuốc.

Lý A Va khôn như con mèo, nó cẩn thận dẫn từng đứa ra những chỗ ẩn nấp, nhắc đi nhắc lại hiệu lệnh, cách thức rút lui. Nó chỉ cho bọn đàn em con đường xuống dốc hai trăm mét về phía Na Hai là an toàn nhất. Lý A Va như vẫn chưa yên tâm, nó nhắc: "Chúng mày phải nhớ kỹ, nhảy bộ, leo đá, đu cây theo con suối cạn về Na Ư thì bố chúng nó cũng chẳng làm gì được".

A Say tán thành cách đánh của thằng A Va. Hai thằng lo lắng, hồi hộp khi nhìn thấy một người thợ săn từ dốc đi lên. Khi chúng nhận ra đó là lão thợ săn già ở bản Na Hai xã San Mứn thì chúng yên tâm. Lão già này chỉ có tài hái nấm, bắn con cáo, con cầy về đổi gạo, đổi rượu cho dân bản chứ không mấy khi ra khỏi địa phương. Hồi còn trẻ, lão thổi khèn, hát hay lắm. Cả đời lão chỉ có biết rừng Na Ư, San Mứn, lão thuộc cây rừng, thuộc hang động ở vùng này như con chồn con cáo thuộc hang hốc, bãi ngô nương sắn. Thằng A Va ghé tai A Say bảo nhỏ: "Lão thợ săn già có đứa cháu gái hay lắm. Lúc nào rỗi, mày ngó thử cháu gái lão xem sao. Tao biết tính lão, lão không bao giờ thóc mách, không lắm chuyện, việc đâu bỏ đó, người Mông mà". Hai thằng nhìn theo lão già khập khễnh bước, trên vai vác cây gậy đeo một con cáo vừa bẫy được máu còn nhỏ từng giọt xuống đường. Thằng A Va dùng cánh tay thúc vào mạng sườn thằng A Say: "Thôi đi mày, đừng có mải nghĩ đến con bé cháu gái lão nữa. Hãy để cây rừng Na Ư, San Mứn nuôi nó lớn thêm lên đã. Một năm nữa thôi. Cây không đẵn còn đứng trong rừng, vội gì mày". Lý A Va chui xuống cái rãnh nước bên đường ngồi thử, hắn như thằng lính tập dượt mọi động tác cho thuần thục. Thành thục như khi nó đóng bánh hê rô in giả trong hang đá vậy. Hai thằng đi đi lại lại quan sát kỹ địa hình địa vật. Lên dây cót tinh thần cho A Say, A Va khéo léo nói lại chuyện hôm anh trai nó bị Công an bắt:

- Mày còn nhớ vụ bắt Và A Tú, anh ruột mày không? Bọn Công an lại dám đưa ra cái giá tử hình cho anh mày cơ đấy. Còn mày thì sao, mày bị cái lệnh truy nã đặc biệt sống chui lủi đến ngày nào đây. Tao thấy mày suốt ngày ở trong hang, chui trong buồng núp váy vợ, khác gì con thú trong rừng. Cái thằng Công an đóng giả người mua hàng đợt này mà tao với mày không thanh toán được thì mối thù giết anh, vây bắt em bao giờ trả xong?

- Tao quên sao được. Lúc chui trong rừng, lúc lội suối nước lạnh, lúc ngủ trong hang, lúc trong buồng vợ, lúc nào cũng nung nấu mối thù này.

Lý A Va đúng là một thằng ma mãnh, nó biết kích động lòng căm thù của thằng trai Mông, cho người bị kích động tức đến sặc máu mũi lên đã. Lý A Va chưa hề nói đến mục đích thực của trận "đập lộn" này là cướp tiền. Nó khôn khéo tìm mọi cách đào xới cái lòng hận thù để biến nó thành tên mù quáng và vâng lời, tuân lệnh Lý A Va.

Hai thằng quan sát địa hình kỹ lưỡng rồi đèo nhau về đến nhà đã thấy Sình Thị Tông ngúng nguẩy cái váy hoa quen thuộc của người phụ nữ Mông bê lên bát thịt thỏ rừng nấu với riềng mẻ thơm lựng. Nhìn thấy Sình A Páu (em vợ Lý A Va) cũng có ở đó, mặt thằng A Say nặng như mặt thớt. Nhưng rượu, thịt thỏ rừng nấu riềng mẻ thơm lựng và những lời tâng bốc của A Va làm cái đầu A Say lạnh lúc nào không biết.

A Va rót một cốc rượu đầy sủi tăm đưa tận tay A Say, lừ mắt nhìn em vợ nói:

- Muốn sung sướng, muốn làm đại vương Na Ư như Vàng Chái Cậy trước kia thì trong túi phải có tiền, nhiều tiền, bàn tay không sợ tắm máu. Con vợ phải xinh đẹp, biết nghe lời mới được. Con vợ tao, chị mày đó, nó xử sự như thế làm tao mất mặt, như bữa tao đang ngồi uống rượu với mấy thằng bên Lào sang là không được đâu. Mấy thằng Lào đó là bạn hàng tốt, mối làm ăn lớn tìm đến với mình, chị mày đã không biết chăm sóc lại không cho tao uống nữa. Tao tức quá cầm cái chai ném thẳng vào mặt con Tông, chị mày. May mà cái chai đập vào cột nhà vỡ toang, rượu đổ lênh loáng chứ hôm đó chai rượu trúng mặt chị mày thì toi đời. Làm đại vương trên núi sướng lắm chứ A Say, luôn được bọn đàn em mời làm chủ yến tiệc. Lúc ấy chỉ mong cho cái dạ dày to ra để đánh chén cơm, rượu thịt… Bao nhiêu thức ngon vật lạ, bao nhiêu của béo bở phải vào tay chúng mình. Chúng mình sẽ hơn hẳn đời thằng Lý Giống Minh.

Nhướn cái mắt chuột ti hí nhìn hai thằng đang hào hứng với chai rượu, bát thịt thỏ, A Va hạ giọng thân mật dụ dỗ:

- Tối nay xuống núi một chuyến. Chúng mày phải gắng sức và làm theo đúng lời tao dặn. Cái đầu của thằng Páu còn đần độn lắm. Chỉ ăn là nhanh, lúc nao cũng nhai kẹo, lúc nào mày cũng nghĩ đến rượu thịt. Chúng mày phải năng động lên, phải động não một chút, cái chân cái tay phải thành thục, nhanh nhẹn lên mới được. "Cơm ngon không sợ muộn".

Lý A Va ngửa cổ dốc cạn bát rượu rồi nhanh nhẹn đứng dậy trước. Vợ hắn ngúng nguẩy váy hoa lặng lẽ như cái bóng vào dọn mâm bát. Sình Thị Tông liếc đám mâm bát chỏng chơ sặc mùi rượu cúi đầu dọn mà như không biết mình đang làm gì. Thấy hai thằng đàn em nhanh như con sóc luồn ra khỏi nhà, Lý A Va vào buồng lấy khẩu AK dấu trong bao tải xác rắn ra buộc vào yếm xe máy bảo vợ chở đi. Khi vợ chồng A Va đến gần hang đá thì gặp hai thằng kia đang đi bộ. Hai thằng cứ lầm lũi đi mà chẳng nói năng gì. A Va bảo vợ dừng lại cho hai thằng lên. Cái xe nặng nề cõng bốn con người lao đi. Tới ki lô mét 17, đường ra Điện Biên A Va bảo vợ cho xe dừng lại lấy khẩu AK ra khỏi xe rồi giục vợ về nhà. Thấy anh rể giục chị về nhà, Páu hỏi thành thật:

- Hôm qua hẹn ông chủ Hà Nội ở cây số 15 cơ mà?

- Câm ngay! Mày biết cái gì?

Đợi cho vợ đi khỏi A Va mới nói nhỏ với hai thằng đàn em:

- Tao biết Công an đóng giả ông chủ Hà Nội lên mua hàng của tao, hẹn trả tiền và giao hàng ở cột cây số 15. Nếu tao tin nó, đến đó sẽ bị bắt ngay như chúng nó đã bắt anh mày ngày trước. Vì thế tao mới đón chúng nó ở km 17. Đón chúng ở đây, vừa lấy được tiền, vừa giết được chúng nó trả thù. Để cho chúng biết anh em họ Lý tao ở bản Ka Hâu - Na Ư. Vụ này làm một ăn hai, trả được thù lại có tiền, rất nhiều tiền là đằng khác. Mày muốn rửa được hận lại có tiền thì phải theo tao.

Nghe rõ chuyện, Và A Say mới hiểu sự nham hiểm, độc ác dữ dằn của A Va hơn cả Vàng Chái Cậy, ông Chủ tịch Na Ư.

A Va chỉ cho thằng A Say chui xuống cái hố xây ven đường có rãnh thoát nước, có cây che. Lý A Va và thằng em vợ trèo lên phía tà luy dương chọn bụi cây chó đẻ nấp cho thật kín đáo.

Trời chưa tối hẳn, bọn chúng vừa xong công việc mai phục thì thấy ba chiếc xe máy năm người từ bản Na Hai ngược lên dốc. Bọn chúng không để ý đến vì vào giờ này bọn đầu nậu mua đá dăm cho các công trình mở rộng đường 279 đoạn Thị xã Điện Biên Tuần Giáo thường vào bãi Na Ư hợp đồng mua hàng để sáng mai có xe về công trường sớm. Ngồi trong bụi rậm kín đáo A Va mới tính lại từmg chi tiết để "chơi đẹp" cậu chủ Hà Nội như chiều hôm qua đã giao kèo đôi bên xem hàng và kiểm tra hàng. Nó nhớ lại câu nói của nó với "cậu chủ Hà nội": "Giờ này, đoạn đường này dân Na Ư làm chủ" cho nên dù nó có cho thêm một con đàn bà nữa cũng chẳng ăn nhằm gì, của "sề" mà! Ta sẽ làm cái "rụp" một cái nhanh như phảy tay là xong. Người rừng, chơi rừng đố đứa nào đánh lại được. Đợi xe của "cậu chủ Hà Nội" dừng lại, ta sẽ quất thẳng một băng đạn vàng chóe này vào mặt nó. Bọn nó sẽ lãnh đủ. Chơi thế là ngon rồi, sao có lỗ nặng được. Trời ơi, phải làm thật lẹ, thật kỹ từng đứa. Phải bất thần nhảy ra trước, đừng để nó đánh hơi thấy. Nó mà ra đòn trước thì mình toi đời. Bất thần A Va quay sang thằng em vợ:

- Mìn đâu?

Thằng Páu vỗ vào bụng bồm bộp:

- Để đây này!

- Mày biết ném chứ?

- Có gì mà không làm được, hàng ngày vẫn đem mìn đi ném cá dưới suối mà, quen rồi…

 

***

 

Phía bên này, từ lúc ngồi lên xe, Cường vừa đi vừa nhớ lại hình ảnh hôm gặp chị Lò Thị Inh đến hôm qua giáp mặt thằng trùm ma túy ở Na Ư cùng thằng Páu em vợ nó. Tất cả mọi chi tiết từng ngày diễn ra Cường hồi tưởng lại như một thước phim quay chậm. Anh không bỏ qua một chi tiết, một mắt xích nhỏ. Tất cả giúp cho Cường có thêm dũng khí vào cuộc hôm nay.

Trưa nay, Trung tá Trưởng phòng Đặng Xuân Ưu tổ chức bữa ăn tươi cho anh em. Mọi người đến cụm ly chúc Phạm Văn Cường sẽ chiến thắng trận này như bao trận trước đó. Anh sẽ đem về cho đồng đội những vinh dự lớn. Câu nói của đồng đội cách đây độ một giờ trước như còn vọng lại.

Phạm Văn Thiện như một người anh trai vỗ vai Cường thân mật:

- Chuyến ra quân này không ít khó khăn. Cường hãy vượt qua. Cố gắng lên. Lúc nào chúng tôi cũng ở bên Cường.

Cường nhìn anh Thiện với cặp mắt trẻ trung của đứa em nhìn anh mình và cũng nói câu nói đã hứa với Trung tá Sùng A Hồng mấy hôm trước:

- Em xin hết sức cố gắng. Muốn bắt cọp thì phải vào hang.

Hai anh em đang tâm sự thì Cường thấy chị Thủy đang đi lại phía mình. Thiếu tá Ngô Thị Thủy chăm sóc Cường như chăm sóc đứa em trai trước lúc đi xa. Hôm Cường đi gặp Lý A Va lần đầu, chị lo cho cậu em làm sao ra dáng một "cậu chủ Hà Nội", một đại gia Hà Thành nhưng lại không quá sang trọng. Làm sao cho Cường hóa thân thành một người bình thường từ Hà Nội lên thăm anh em ở Điện Biên nên chị đã sắm cho Cường cái áo sơ mi kẻ sọc to, màu tím nhạt. Cái quần Zin màu tro lại được cái áo ghi lê đồng màu với quần Zin thật hợp. Chị Thủy "trang bị" cho Cường đôi giày mõm ngóe đánh xi bóng nhoáng thay cho đôi giày đen quen thuộc trong ngành. Túi áo ngực thò ra bốn tờ giấy bạc dùng để hít hê rô in và một cái bật lửa ga sẵn sàng cho việc thử thuốc. Càng nhớ lại, Phạm Văn Cường càng thấy yêu quý đồng đội.

Gặp đoạn đường xóc, ba người trên xe cùng bám chặt vào nhau. Chính lúc ấy Cường nhớ lại hôm trước anh đã học đi học lại cách đi đứng của đồng đội và người chị, xem cách bắt tay, cách rút bao thuốc ba số cho đến cách bật lửa đốt thuốc sao cho điệu nghệ, thực sự là dân ăn chơi, dân nghiền hê rô in, cách mà cả giá hàng. Đến cả việc hỏi chủ hàng bố trí địa điểm giao nhận, cách nói sao cho kiệm lời nhưng phải "đắt" khiến bọn nó phải phục và tin. Thấy Cường vào vai "cậu chủ Hà Nội" rất đạt, chị Thủy cười:

- Em vào vai khá lắm. Giỏi lắm!

Cuối giờ chiều hôm nay, 6 tháng 10 năm 2001, chị Thủy thuê chiếc xe Min màu đỏ còn mới đổ đầy bình xăng đỗ trước cửa phòng. Anh Thiện lần nữa kiểm tra máy móc, phanh, đèn, còi để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối về phương tiện phục vụ cho trận đánh. Cường lần lượt bắt tay anh em trong đơn vị rồi nhanh nhẹn ra cửa sau. Khi qua phòng lãnh đạo, Cường ghé lại nắm tay người chỉ huy, hai chú cháu nhìn nhau. Cường nói nhanh:

- Cháu hứa với chú đêm nay sẽ bắt được đối tượng, thu được tang vật.

Lãnh đạo và anh em đồng đội rất tin vào tính năng động và bản lĩnh của Cường. Cường đã làm là tấn công tội phạm đến cùng. Những ánh mắt của lãnh đạo, của đồng đội như truyền sang Cường ngọn lửa ấm áp, trìu mến tin tưởng…

Bầu trời như tối hẳn lại, thoảng có cơn gió lạnh cuối thu thổi về. Lát sau Cường đã có mặt ở ngã ba Mường Thanh đón chị "người nhà" Bùi Thị Nhung. Hôm trước Cường đã nói với Lý A Va "có bà chị làm ăn ở Điện Biên" nên nó đồng ý cho chị lên kiểm tra và cùng nhận hàng. Đón được chị Nhung rồi, Cường lại chạy lên Pon Lót cách đó hai km đón chị Lò Thị Inh.

Cửa hàng của chị Inh nằm trên đường Pon Lót - San Mứn. Anh lái xe nào cũng thích dừng ở quán đó nghỉ xả phanh, uống nước, tán gẫu. Khách là những anh tài xế chịu chơi, chịu kiếm tiền. Mà "con đường vàng", "con đường máu Na Ư" như những miếng mồi ngon thì sao không dính vô nên chị Inh quen biết nhiều. Lò Thị Inh trước khi được giác ngộ cũng đã từng là đối tượng bán lẻ hê rô in. Lần một tép, lần vài tép. Những anh tài chơi hàng trắng thường lần đến cửa hàng chị thỏa mãn cơn nghiền. Chị Inh có người chồng ốm yếu, bệnh tật. Gánh nặng đời sống gia đình như hòn đá ép xuống đôi vai nên chị mới nhắm mắt làm liều. Đã có lần chị tâm sự với Cường như vậy. Biết hoàn cảnh và điều kiện của chị, Cường báo cáo lãnh đạo rồi tiếp cận chị. Cái quán nhỏ chơ vơ, ngó trước ngó sau chỉ thấy cây và gió với một anh chồng ốm đau xập xệ nằm đó thế mà ở cái ngã ba Pon Lót - San Mứn này bọn tội phạm, cánh lái xe nghiền hàng trắng lại coi nó như một thiên đường, một lữ quán đáng nhớ. Mấy cây sồi, mấy cây lim, cây bạch đàn già, vài bụi chó đẻ ai đem từ đâu đến đã tạo cho địa điểm này những bóng tối âm u tịch mịch. Những vệt ánh đèn pha từ cửa khẩu Tây Trang chạy về màu vàng cam chiếu lấp loáng dưới ánh nước bạc làm cho nơi đây hoang vắng như sa mạc. Có khác với cảnh sa mạc là mấy ngọn núi lù lù đứng lặng lẽ.

Trong quán bà chủ lúc nào cũng bận. Có những lúc cả một "ê kíp" giữa hai bên mua bán hê rô in gặp nhau ở đây. Có ông khách im lặng, có ông khách lè nhè giọng rượu. Lại có những khách bất chợt quơ tay hỏi nhau bằng vỏ chai, mâm bát: "Mày là thằng nào, băng nhóm nào? Có biết đây là đâu không?" Khách trong quán thật đa dạng. Có kẻ bặm trợn, lỗ mãng, nhưng cũng không ít người ăn nói dẻo quẹo, giọng thật "chuyên nghiệp" mềm mỏng được việc. Phạm Văn Cường là một người khách đặc biệt của quán. Anh ngồi bên cái bàn nhựa nứt toác cạnh cửa sổ với bát nước chè xanh lặng lẽ như một cái bóng. Đợi khách ra về hết, Cường mới bắt chuyện với chị chủ. Chẳng biết Cường nói những gì mà thấy chị chủ quán sụt sùi khóc. Sau một vài lần Cường uống nước ở quán, chị Inh thành người của chuyên án phá ma túy. Thật đúng là quả đất tròn.

Chị Lò Thị Inh đã mách nước cho Cường đi vào đường dây ma túy để phá án và chính chị cũng là người giới thiệu Cường với đường dây Na Ư và trở thành "cậu chủ Hà Nội". Để giúp Cường hoàn thành nhiệm vụ, chị Inh dấn thân vào con đường vàng, con đường máu ma túy Na Ư. Có lần chị Inh nói với Cường:

- Để tôi xem thử. Tôi biết ở Na Ư có một thằng choai rất hay ra đây mua kẹo. Nó nhai kẹo tóp tép suốt ngày mà. Mà kể cũng lạ, thằng choai này chỉ thích kẹo Hải Châu Hà Nội thôi. Hết thứ đó nó không chịu dùng thứ khác đâu.

Nghe chị Inh kể chuyện thằng choai ở Na Ư, Cường nghĩ: "Chuyện đã đến nước vậy, chỉ có sự dũng cảm mưu trí mới giải quyết dứt điểm đường dây này." Hôm đó Cường đi xe về đơn vị, chị Thủy đã lấy cơm từ nhà ăn lên phòng ngồi chờ. Chị coi Cường như em trai, những bữa ăn như thế gợi cho Cường nhớ hình ảnh người chị chờ em đi học về muộn sợ mẹ mắng.

Xe càng tăng tốc về phía Na Ư, Phạm Văn Cường càng hồi tưởng lại chuyện tối hôm qua khi gặp thằng choai nhai kẹo Sình A Páu và một thằng nữa che mặt. Cường nhớ lời chị Inh dặn mình: "Tôi đã nói với bọn Na Ư về cậu. Bọn Na Ư nói đã chuẩn bị hàng làm ăn lần đầu với cậu chủ Hà Nội. Bọn chúng hẹn sẽ đón cậu ở cây số 19". Cây số 19, điểm ấy thật bất lợi nhưng mình vẫn phải đến, Cường nghĩ thầm trong bụng. Đến cây số 19, thấy tín hiệu của bọn Na Ư, Cường dừng lại giữa đường, đá chân chống dựng xe rồi nhanh nhẹn bước lại chỗ A Páu. Anh đưa mắt nhìn cột cây số bên đường, đèn xe Min sáng đủ để Cường đọc con số "Tây Trang 19km". Chị Inh hỏi to:

- Anh Páu, người hôm nọ đi với anh đâu?

A Páu bấm đèn pin nhìn thấy hai người không đem theo bọc tiền liền hất hàm hỏi:

- Các người có mang tiền để chúng tôi kiểm tra chưa? Chúng tôi đã đem hàng đến, các người không đem tiền mua định ăn cướp à?

"Cậu chủ Hà Nội" sải bước vẻ oai vệ kẻ cả đến trước mặt A Páu:

- Ai bảo anh là tôi hẹn tối nay đem tiền đến lấy hàng. Hôm qua người của tôi chưa thỏa thuận xong địa điểm giao nhận. Hôm nay tôi phải đích thân đến đây. Địa điểm do các anh đặt ra, tôi chưa biết, nay ông chủ của anh không gặp tôi thì việc sao thành.

Lý A Va đứng trong bụi cây bị một con vắt hút no máu ở cổ, nó đang tức giận mà không dám động mạnh, nghe thấy "cậu chủ Hà Nội" nói vậy liền nhảy thốc ra giữa đường:

- Tôi đây! Mới gặp nhau mà người Hà Nội đã sai hẹn.

Cường phản ứng ngay:

- Tôi chưa hề gặp anh tại sao nói tôi sai hẹn.

A Páu dàn hòa:

- Các đại ca gặp nhau là việc hiếm có. Xin đừng căng thẳng, vào việc ngay đi.

Lý A Va ngả ngớn giọng rượu:

- Anh nói trước đi. Tiền hàng sao đây?

Cường nhanh trí:

- Tiền chủ hậu khách!

A Va giả đò thân thiện:

- Gần bằng tuổi nhau, gọi nhau là anh em cho dễ, người Hà Nội.

Chị Inh chen ngang:

- Cậu chủ tôi tuy trẻ tuổi nhưng vẫn là ông chủ. Anh không thể gọi như thế, các anh đừng ăn nói như đối với bọn cửu vạn thồ hàng thuê cho các anh được.

Lý A Va thanh minh:

- Chúng tôi gọi anh theo tuổi tác. Còn cậu chủ là chủ của chị, chủ bên mua, tôi là chủ bên bán. Rừng nào có hổ đó, không thua không kém.

Thấy nó trả lời như vậy Cường mừng rơn. Thế là mình đã biết mặt biết tên thằng trùm đường dây này, công mấy tháng nay không uổng chút nào.

Cường nhớ lại tối qua lúc nào anh cũng phải nói nước đôi: "Đúng là tôi đang cần hàng, phải nhờ bà chị ở Điện Biên quen biết chị đây là trung gian mới gặp được các anh. Bước đầu như thế là thuận rồi. Trước lạ sau quen, anh phát giá loại ba con chín, loại bốn con chín, loại hai sư tử ôm quả cầu, loại không số, giá mỗi cặp từng loại bao nhiêu. Hàng tôi nói đây là hàng xịn, hàng trắng chứ không phải loại hàng màu ngà. Hàng phải nguyên đai nguyên kiện, không lẫn tạp chất.

- Tôi có đủ bốn loại đó. Hàng ở đây đều xịn vì loại tạp chất chỉ có công nghệ đóng ép ở khu tam giác vàng mới làm được.

A Va ranh ma như con chồn hôi, miệng nó nói vậy nhưng nhưng bụng biết thừa ở trong hang gần nương ngô nhà Sình A Pó là nơi chúng đóng hàng giả. Hôm trước nó đã định cho khách xem hàng ở đó thì thằng Páu em vợ ngăn lại:

- Đưa khách đến xem hàng ở lán coi nương nhà A Pó gần hang đá lỡ nó nhìn thấy ánh điện và tiếng máy trong hang vọng ra lộ chuyện thì sao?

- Không phải lúc nào trong hang máy cũng hoạt động, vả lại máy tao để tít trong cùng làm sao có ánh đèn và tiếng máy vọng ra được.

A Páu tỏ ra cẩn trọng:

- Cẩn thận vẫn hơn anh à! Tại sao ta lại cho nó vào nhà để nó thông tỏ đường đi lối lại. Ta nên cho nó xem hàng ở cây số 21, ở đấy xa dân lại thuộc địa phận Na Ư.

A Va gật gù khen:

- Khá lắm! Thế mà tao vẫn coi thường mày. Thôi được, nghe mày. Mày cứ hẹn nó đến cây số 13 nơi bắt đầu xuống dốc Na Ư lại gấp cua tay áo bên vực bên núi. Chỗ ấy rất tốt, chúng nó có giở trò gì với ta cũng không kịp, ta cũng không sợ…

Thấy thằng chủ Hà Nội cẩn trọng, còn trẻ đã vững tay nghề, Lý A Va nghĩ thầm không thể xem thường được. Nhưng gì thì gì bọn chúng mày cũng không học được chữ “ngờ” đâu. Nó nghĩ và cười thầm trong bụng. Lý A Va lại ngả ngớn giọng rượu nhưng không che dấu được con mắt của Cường một chiến sĩ phá án dày dạn kinh nghiệm:

- Anh đã nói vậy, tôi phát giá bán chứ không nói thách. Hàng ba con chín giá 5000$ (năm nghìn đô), hàng bốn con chín 5500$ (năm nghìn năm trăm đô), hàng hai sư tử vờn cầu giá 5700$ (năm nghìn bảy trăm đô).

- Anh phát giá cao hơn sông Mã, Sơn La, Mướng Xén, Nghệ An là những nơi gần Hà Nội lại có nhiều đường vận chuyển. Tôi trả một câu, mỗi loại bớt một trăm đô, nếu chấp nhận thì hẹn ngày giờ địa điểm giao nhận. Nếu không ưng thì ai đi đường nấy.

Lý A Va nghĩ nhanh: "Nom mặt vậy mà già dặn gớm. Loại này khó bắt nạt được đây". A Va nói gọn nhưng không thừa không thiếu câu nào:

- Người ta không được nhưng với anh thì được. Tôi chấp nhận giá đó. Anh thanh toán bằng đô hay tiền ngân hàng, hay vàng?

- Một nửa là tiền ngân hàng, một nửa thanh toán bằng đô.

A Páu chen ngang vẻ tinh ma:

- Tiền đô loại đầu to. Tiền ngân hàng phải là loại năm mươi nghìn và một trăm. Không phải những loại đó chúng tôi không giao hàng đâu.

Cường phảy tay sành điệu:

- Chuyện vặt, sẽ đúng, đủ loại đã quy định. Chúng tôi đi ba người để bảo vệ tiền, hàng.   

A Va xua tay:

- Không được. Mỗi bên chỉ có hai người. Hai người là quá đủ rồi.

Chị Inh thấy hai bên có vẻ găng nhau liền nói:

- Đâu có được. Các anh ở đất các anh, chúng tôi lại khác, nếu khi đi, khi về chúng tôi gặp cướp thì chịu sao nổi.

Cường nghĩ bụng: "Bên ta đã có một tổ công tác trang bị vũ khí đầy đủ hỗ trợ thì không đáng ngại lắm". Lý A Va cướp lời chị Inh:

- Sao anh không đưa bà chị ở Điện Biên đi. Tôi tin chị ấy rành về hàng đấy.

Phạm Văn Cường ra vẻ xuống thang, vui vẻ gật đầu còn nơi giao hàng thì sau một hồi gay gắt tranh cãi đi đến quyết định ở cây số 19. Địa điểm này Cường nghĩ hai bên đường đều có bụi rậm thì tốt cho việc mai phục chứ cây số 13 thì bất lợi hơn.

Thực hiện chuyên án 9/2001, đúng giờ G một đồng chí lãnh đạo dẫn một tổ công tác cắt rừng đến cây số 19 mật phục. Tất cả những chuyện trên là một chuỗi hồi ức chậm chậm trong đầu Thiếu úy trẻ Phạm Văn Cường khi anh tăng ga vượt lên phía trước về gần cây số 17 (còn cách điểm hẹn 2km).

Chiếc xe Min chở hai người phụ nữ càng tăng ga leo dốc càng tỏ ra ì ạch. Sương nằng nặng phủ kín núi non cây cỏ. Rừng Na Ư chìm trong màu bàng bạc. Núi cao gió lạnh, đôi lúc thấy ớn sống lưng. Tất cả im ắng. Nhìn ra xa hơn, hay ngó xuống lòng vực đều thấy sương trắng một màu. Không tiếng chó sủa, không tiếng gà kêu, không một ngọn lửa, không một mái nhà… Tất cả đất trời như đóng băng lại, không có sinh khí của cuộc sống thường nhật. Trong đêm tối chỉ nghe thấy tiếng xe máy rú ga… Đèn pha chiếc xe Min chỉ đủ quét một vùng sáng trước mặt vì làn sương dầy của núi rừng Na Ư. Đến đoạn gấp khúc vắng tanh, Cường liếc cột cây số, km 17, anh cho xe chạy chậm lại để bảo đảm an toàn. Bỗng hai bóng người từ lề đường nhảy ra chiếu đèn pin thẳng vào mặt anh. Cường nhận ra kẻ cầm đèn pin chiếu vào mình khoác khẩu súng kíp là thằng Páu. Còn thằng cắp khẩu AK kia Cường đã gặp hai lần là ông chủ bán hàng. Bên kia đường, phía tà luy dương còn một thằng nhỏ con mặc áo phông trắng đang ôm khư khư một bọc đen đen. Thoáng trong đầu Cường ý nghĩ không lành, anh quyết tâm tấn công. Khi hai người phụ nữ quăng mình khỏi xe, Lý A Va quát lớn:

- Tiền đâu bỏ ra?

Thấy đối phương tập trung vào hai người phụ nữ, Cướng rú ga lao thẳng vào thằng A Va. Nhanh như con báo vồ mồi, Lý A Va nhảy né sang một bên rồi mím môi siết hết băng đạn vào mặt Cường. Nhận trọn băng đạn AK, người chiến sĩ dũng cảm Phạm Văn Cường gục xuống, máu xối xả chảy ướt đẫm vạt cỏ xanh. Thân anh đè lên chiếc xe Min chị Thủy vừa đi thuê khi chiều. Cường nằm bất động, không một tiếng rên rỉ cách cột cây số 17 khoảng chừng 12 mét. Chị Lò Thị Inh đầu còn chụp mũ bảo hiểm ù tai chưa dứt tiếng nổ cũng nhận những loạt đạn xối xả vào mình ngã vật xuống lòng đường. Chị Nhung trúng đạn nhưng vẫn cố chạy sang bên tà luy dương chới với hai tay bám vào tường đất. Lý A Va trút hết băng đạn về phía người phụ nữ đã gục xuống.

Lý A Va còn nhắc hai tên tay chân: "Đập rắn phải đập cho kỹ". Rồi nó dí súng vào đầu từng người bắn thêm mấy phát đạn nữa. Bắn xong Lý A Va như sực nhớ ra túi tiền, hắn chạy lại nâng thi thể Cường lên lấy túi tiền sau lưng anh rồi cả ba thằng sải bước về bản Na Hai xã San Mứn. Đi chừng được hai mươi mét, thằng A Say lấy trong túi áo phông trắng ra gói thuốc mìn TNT mà Lý A Va giao cho lúc ở nhà, hắn bình tĩnh bật lửa châm dây cháy chậm ném về phía ba người chết cùng chiếc xe Min màu đỏ. Một tiếng nổ chát chúa vang lên giữa rừng xanh núi đỏ làm chấn động cả vùng đất đỉnh đèo San Mứn. Cả ba thằng A Va, A Páu, A Say nằm bẹp xuống mặt đường nhưng cũng nhìn thấy rõ ba thi thể được nâng lên khỏi mặt đất rồi lại rơi xuống vũng máu đỏ trên vạt cỏ xanh cuối thu.

Chúng nó chạy bộ ba trăm mét đi xuống cái khe nhỏ ở đầu bản Na Có, nhảy bộ về Na Ư. Về gần đến nhà, Lý A Va đi giấu khẩu AK, đưa túi tiền vừa cướp được cho A Páu, A Say bảo cầm giữ hộ.

Gây án xong chúng về đến nhà khoảng gần nửa đêm. A Say đưa túi tiền cho Lý A Va rồi lầm lì sang hàng xóm ngủ. A Va và A Páu xuống bếp lục cơm nguội, uống rượu. Ăn uống xong, A Va lấy tiền đút vào cái túi của nhà ném cái túi đẫm máu của Cường vào bếp lửa phi tang. Mùi củi cháy, mùi lửa bắt vào máu tươi xèo xèo, khét lẹt. Hai thằng nhìn lửa, nhìn máu, nhìn cái túi đang đỏ lên trong lò than mà mắt đứa nào đứa nấy cũng đỏ vằn như máu người vậy.

Hai thằng ngồi nhìn bếp lửa rồi không chịu được mùi tanh lợm, dợm đít đứng dậy dập lửa, đóng cửa bếp lặng lẽ ra sân. Sình Thị Tông thấy chồng và em trai về, mặt chồng lạnh tanh, thị biết máu giết người trong người chồng có nhiều. Tông biết vậy cứ đứng nép sau cánh cửa buồng nhìn trộm chồng và em trai, không dám hé răng hé lợi. Khi thị bắt gặp ánh mắt chuột ti hí của chồng dù nó đang cười thì thị cũng thấy ớn lạnh xương sống. Cảm giác ớn lạnh chạy từ sau lưng đến đỉnh ót Tông không sao cưỡng được khi nghe A Va nói bâng quơ: "Thằng nhãi ranh mới hôm qua ăn nói “lộng” quá. Nếu để nó sống bọn Công an vồ chúng mình tức thời. Mình tù tội, mình chết, vợ con chết hết…". Lý A Va đánh mắt chuột nhìn vợ rồi nắm tay thằng Páu vẻ thân mật lôi đi. Anh em nó kéo nhau lên hang đá nơi có đặt máy nổ ép hê rô in và ở lì trong đó vài hôm…

Võ Bá Cường

1
2
3
4
5
6
7
Tin mới