Văn học với đời sống

14/10
5:15 PM 2018

THẾ KỶ XX CỦA IL'JA ERENBURG

SERGEI MNASAKANJAN-Erenburg suốt đời làm thơ, nhưng ngay từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ trước thỉnh thoảng ông mới cho in. Đối với nhà văn, thơ ca chỉ là một phương tiện phòng vệ. Xét về thực chất, ông viết những bài thơ chân chất mà không dùng kỹ xảo, chẳng hạn, khác với Kirsanov hoặc Sel'vinski. Thơ của ông là lời tự thú bí mật của một người có văn hóa, lực bất tòng tâm trước thời đại của mình.

 

Từ thành phố Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo gọi điện ra tòa soạn nói rằng anh rất quí số tạp chí kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (11&12/2017) cũng như riêng ấn tượng với chùm thơ của Il'ja Erenburg (1891-1967) do Thanh Hiền chuyển ngữ. Tác giả của Bão táp, Pari sụp đổ, Tuyết tan, Con người, năm tháng, cuộc đời... đã mất cách đây hơn nửa thế kỷ... Có vẻ như đã có những mưu toan muốn dìm nhà văn vào lãng quên. Nhưng liệu có thể lãng quên tác giả mà biết bao chúng ta từng thuộc nằm lòng những trang viết thấm đẫm chất thơ của tùy bút Lòng yêu nước (trong nguyên tác có tên Thử lửa) từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp chúng ta học được tình yêu và hiểu thế nào là sức mạnh của tâm hồn, có lẽ góp phần không nhỏ giúp chúng ta trưởng thành và đứng vững trong những thử thách của cuộc chiến tranh vệ quốc để giành và bảo vệ độc lập tự do cho Dân tộc.

Thỉnh thoảng từ trong quá khứ lại hiện ra những ngày kỷ niệm đáng nhớ. Giờ đây là ngày sinh nhật của Il'ja Erenburg. Chúng ta hãy bắt đầu từ ngọn nguồn. Il'ja Grigorevich Erenburg sinh ngày 14 tháng 1 năm 1891 tại Kiev và mất ngày 31 tháng 8 năm 1967 tại Moskva. Giữa hai ngày đó là cuộc đời 76 năm vô cùng phong phú về những ấn tượng, những cuộc tiếp xúc, những sự đụng độ và vô cùng sôi nổi trong sáng tạo nghệ thuật của một trong những cây bút tài năng nhất và chói sáng nhất của thế kỷ XX.

Sau khi cậu con trai sinh được mấy năm, gia đình đã chuyển đến Moskva. Mới 15 tuổi, Il'ja Erenburg đã phải vào tù vì những quan điểm xã hội chủ nghĩa của mình và vì hoạt động tuyên truyền. Sau nửa năm thì được tha do đã đóng một số tiền ký quỹ rất lớn, ông đến Paris, nơi ông bắt đầu cuộc sống của mình với tư cách là một con người lưu vong chính trị.

Chàng thanh niên lưu vong Il'ja Erenburg đã gặp Lênin mà hồi đó cũng sống lưu vong ở kinh đô nước Pháp. Vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga đã đặt tên cho chàng trai có mái tóc không cắt tỉa là "chú Il'ja tóc xù". Nói chung, mối quan hệ cá nhân với Lênin vào những năm đầu của chính quyền Xô Viết có thể vừa là bản án tử hình vừa là tấm hộ chiếu phòng thân. Đối với Erenburg, việc làm quen đó tất nhiên là tấm hộ chiếu.

Ngay từ hồi đó ở Paris, Il'ja Erenburg đã bắt đầu làm những bài thơ thấm đượm nỗi nhớ quê hương xứ sở. Tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản ở Paris năm 1910. Tiếp đó lần lượt là những tập thơ Tôi đang sống, Khóm bồ công anh, Tuổi thơ, Lời nguyện cầu về nước Nga (1918) vốn bị các nhà đương cục Moskva ra lệnh cấm, và nhiều tập thơ khác. Thấy vậy, ông bắt tay vào dịch các thi sĩ Pháp. Những bản dịch của ông về Fran#ois Villon đã trở thành tác phẩm kinh điển của thơ ca Nga. Một bài thơ tứ tuyệt của Villon vốn từng bị kết án bằng treo cổ qua bản dịch của Erenburg đã được Vladimir Majakovski yêu thích và nhiều lần nhắc tới:

Tôi là Franỗois, không vui vì cái nỗi gì?

Hỡi ôi, cái chết của tên ác ôn đang được chờ đợi

Và cặp mông kia cân nặng bao nhiêu

Lát nữa, cái cổ sẽ được biết.

Erenburg suốt đời làm thơ, nhưng ngay từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ trước thỉnh thoảng ông mới cho in. Đối với nhà văn, thơ ca chỉ là một phương tiện phòng vệ. Xét về thực chất, ông viết những bài thơ chân chất mà không dùng kỹ xảo, chẳng hạn, khác với Kirsanov hoặc Sel'vinski. Thơ của ông là lời tự thú bí mật của một người có văn hóa, lực bất tòng tâm trước thời đại của mình. Chỉ có những vần thơ bảo vệ ông:

Em bảo rằng anh lặng thinh

Với nỗi ghen tuông và với sự oán hờn

Paris không phải là khu rừng và anh không phải là con sói

Nhưng ta không thể gạt bỏ cuộc sống ra khỏi đời mình.

Vào những năm xa xưa, nhà thơ trẻ đã bắt đầu viết một cuốn sách về các thi nhân và cuốn Chân dung các nhà thơ Nga đã gây được tiếng vang. Nhưng té ra là tất cả công việc đó chỉ là sự chuẩn bị cho một cuộc sống phóng khoáng rộng lớn trong văn học Nga.

Trong tháng 6 và 7 năm 1921, tại một thị trấn nhỏ La Pann của nước Bỉ, Il'ja Erenburg đã viết một cuốn tiểu thuyết đặc sắc Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Xulio Xurenito và các học trò của ông. Danh tính nhân vật chính của ông được hình thành bằng hai mẫu tự XX – đó là sự biểu thị thế kỷ XX. Trong lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách có lời đề tựa của Nikolai Bukharin, một đồng môn của nhà văn. Sau này, cuốn sách được tái bản không có chương về Lênin nói rằng XX và Il'ja Erenburg viếng thăm vị Đại pháp quan của giáo hội (tức Lênin) trong tòa dinh thự của ngài ở điện Kremli. Mãi đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước chương này mới được phục hồi trong văn bản cuốn tiểu thuyết.

Tôi xin nhấn mạnh: chuyện này đã được viết vào năm 1921, cách đây gần 100 năm. Một trong những nhân vật của cuốn sách, ngài Kul, một doanh nhân Mỹ khi nói về một thứ vũ khí mới chưa từng thấy, đã bảo rằng loại vũ khí này được dành cho người Nhật – trước khi thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử 35 năm.

Sau đó ít lâu đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết đả kích Công ty D.E. Lịch sử suy vong của châu Âu (1923). Trong cuốn tiểu thuyết này có một chương như sau: Hàng đoàn người đông đúc mắc bệnh truyền nhiễm và bị chi phối bởi bản năng không giải thích nổi, đang đi về phần cuối phía Tây của lục địa với tiếng gào thét "Cho chúng tôi đến châu Âu với". Đoàn người trong cuốn sách của Erenburg không đi tới được châu Âu, nhưng ở đây có một sự tiên đoán tuyệt vời: phải chăng với lời gào thét "Cho chúng tôi đến châu Âu với" trước mắt chúng ta đang rùng rùng chuyển động hàng triệu người di tản từ Bắc Phi và Cận Đông đến những nước thuộc vùng đất hứa. Những đoàn người này đang xâm chiếm Cựu thế giới, không thể nào trục xuất được họ, thậm chí không thể ngăn chặn bước tiến của họ, mỗi ngày số người di tản càng đông thêm. Trong những trại tập trung dành cho họ không còn đủ chỗ nữa. Họ tràn ra khắp quảng trường của các thành phố châu Âu cổ kính với mục đích duy nhất: cướp bóc, cưỡng bức, đòi cuộc sống no đủ cho mình mà những người đứng đầu Liên minh châu Âu đã hứa hẹn với họ. Tôi nghĩ rằng chính Erenburg, một nhà tiên tri vĩ đại của châu Âu mang tấm hộ chiếu Xô Viết, đã tiên đoán được điều đó.

Kiệt tác tiếp theo của nhà văn là tập truyện với nhan đề Mười ba cái điếu ống. Đó quả thực là câu chuyện về 13 cái điếu ống và những người chủ của chúng, và mỗi một câu chuyện có nét độc đáo riêng. Chất hài hước, chất châm biếm mỉa mai, triết lý bi đát về số phận con người – không thể dùng lời để kể lại những chiếc điếu ống ấy: cần phải trực tiếp đọc những câu chuyện đó.

Tiềm lực sáng tạo của nhà văn quả là không ai sánh kịp. Il'ja Erenburg đã trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của nước Cộng hòa Xô Viết trẻ tuổi và hơn thế nữa, ông là một trong số ít người có quyền tự do di chuyển tuyệt đối. Ông lúc thì ở Paris, lúc thì ở Nga.

Ngay từ hồi đó, Erenburg không chỉ có những người hâm mộ mà còn chuốc lấy cả những kẻ ghen ghét đố kỵ. Nhiều người không thể tha thứ cho ông bởi cái ý thức về sự tự do nội tại vốn được thể hiện trong các tác phẩm của ông và sự tự do mà ông được quyền sử dụng trong cái thế giới bị phân chia thành những châu lục.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, Erenburg đã đến rất nhiều nơi ở châu Âu và bạn đọc chờ đợi những thiên tùy bút tuyệt vời của ông từ những nơi ấy. Cuốn Viza của thời đại thấm đượm cảm giác sắc bén về thời đại bấy giờ đến nỗi ngay cả hiện nay nó được đọc như một tài liệu đích thực về những năm ấy. Erenburg đã tham gia các sự kiện ở Tây Ban Nha, và những bài thơ, văn xuôi, văn chính luận hừng hực lòng căm thù của ông đối với chủ nghĩa phát xít đã dành cho thời kỳ đó.

Năm 1939, Erenburg sống ở Pháp và ông là người chứng kiến sự khởi đầu của cuộc đại chiến thế giới lần II. Hồi đó ông đã viết cuốn tiểu thuyết kinh điển Paris sụp đổ. Mấy năm sau, ông trở về Tổ quốc và trở thành một trong những nhà chính luận chống chiến tranh, chống Hitler mãnh liệt nhất. Không phải ngẫu nhiên những tên thủ lĩnh của đệ tam đế chế hứa sẽ treo cổ ông khi nào quân đội của Đức quốc xã chiếm được Moskva. Song chúng không thực hiện được điều đó. Tiếp theo là những trận chiến thắng của quân đội Xô Viết. Trong những thắng lợi ấy có sự tham gia không nhỏ của những thiên chính luận của Erenburg là người đã dùng những ngôn từ chính xác để buộc tội bè lũ phát xít xâm lược Đức.

Có những nhà văn đã làm nên cả một thời đại. Erenburg đã thực hiện được điều ấy. Qua nhan đề của một tác phẩm có lẽ nổi trội nhất của nhà văn – thiên truyện Băng tan – đã khắc họa được cả một thời đại của đời sống Liên Xô sau Stalin. Đó là một trong những điều bí ẩn đã đi theo nhà văn suốt cuộc đời. Ông đã tìm thấy trong cuốn sách của mình cái mà xã hội đã hưởng ứng, không lệ thuộc vào chính quyền. Có lẽ vì thế cho nên chính quyền không mấy ưa chuộng Erenburg, nhưng buộc phải công nhận uy tín lẫy lừng của ông trên văn đàn.

Hiện nay ít người còn nhớ được rằng vào những năm 60 của thế kỷ XX, việc tập hồi ký Con người, năm tháng và cuộc đời của nhà văn được công bố trên tờ tạp chí Thế Giới Mới đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt. Tác phẩm này là ô cửa sổ mở ra cuộc sống nhân loại mà nhiều người không hay biết. Công trình gồm 3 tập của nhà văn, tất nhiên, là một trong những thiên kiệt tác hồi ức sáng giá nhất của thế kỷ trước. Erenburg không hù dọa các đồng bào của mình bằng những trại cải tạo, không bịa đặt những số liệu thống kê về hàng chục triệu người bị xử bắn, không ca ngợi sự phản bội của viên tướng Vlasov. Ông viết về những con người lương thiện tốt đẹp mà ông đã quen biết trong cuộc đời, đã kết bạn, đã gặp trong Liên bang Xô Viết và ở nước ngoài. Mà những nhân vật như thế thì rất nhiều – từ Mođiliani và Picasso đến Einstein và Diego Rivera, Marina Svetaeva, Osip Mandelshtam, Ernest Hemingway, Boris Paslernak, Maksimilian Voloshin đến hàng trăm nghệ sĩ xuất sắc của nhân loại. Không thể bịa ra được cái số phận đã rơi vào Erenburg.

Nhiều người không thể tha thứ cho ông về việc dường như Stalin đã ủng hộ ông. Điều đó không đúng – nhà văn chưa từng có một cuộc gặp riêng nào với ông chủ điện Kremli, mặc dầu, lẽ tất nhiên, chính quyền đã sử dụng nhà văn vào mục đích tuyên truyền, vả lại bất cứ một chính quyền nào cũng làm như thế với những nghệ sĩ sáng tạo. Cái chủ yếu, theo cách nhìn của tôi từ hiện tại đối với quá khứ, là việc người ta không tha thứ cho ông về sự đi lại tự do và sự thành đạt trong cuộc đời.

Tuy thế, ông là một người can đảm, ông từng hỗ trợ Svetaeva và Mandel'shtam trong những ngày khó khăn nhất, từng giúp đỡ các nhà văn chưa thành danh trong khắp cả nước. Ngay cả Nadezhda Mandel'shtam, một người phụ nữ nghiệt ngã, bất khuất và chua chát, luôn luôn bảo vệ Osip Mandel'shtam, cũng tỏ thái độ ân cần quý trọng đối với Erenburg.

Có đến hàng chục cuốn sách viết về cuộc đời và sáng tác của Erenburg, song chưa có một cuốn sách nào có thể phản ánh đầy đủ nhân cách của thiên tài kỳ lạ này. Hơn nữa, gần như sau nửa thế kỷ từ khi ông qua đời, những kẻ nhỏ nhen, xấu bụng định rắp tâm thanh toán với ông. Chẳng hạn trong lời đề tựa cho cuốn sách Cuộc đời bão táp của Il'ja Erenburg của nhà nữ nghiên cứu Pháp Eva Bernre vốn có nhiều chi tiết không chính xác, tác giả lời đề tựa, một phần tử bất đồng chính kiến Xô Viết là Efin Edkind, từng sống ở Paris, đã táng tận lương tâm viết rằng: "Il'ja Erenburg là một nhà văn xoàng xĩnh và một thi sĩ non kém, không thể gọi bộ sách nhiều tập mang tính chất tiểu sử của ông mà ông đã dành những năm cuối đời để viết, là mẫu mực của thể loại, bộ sách đó mang những dấu ấn của sự vội vã, ăn xổi ở thì, khiến độc giả không thỏa mãn, họ tìm thấy trong đó nhiều câu hỏi hơn là những lời giải đáp, nhiều chân dung cẩu thả, nhiều ý kiến hời hợt, nhiều kết luận thiếu căn cứ, đáng ngờ, đôi khi làm độc giả hoài nghi về tính trung thực và thiện chí của tác giả".

Nhưng chính phần mở đầu bài viết của một nhà Slavơ học không lấy gì làm nổi tiếng, nơi vị giáo sư lưu vong trút nỗi bực dọc vô căn cứ xuống đầu nhà văn, đã khiến người ta hoài nghi về tính trung thực và thiện chí của bản thân ngài Edkind. Ông ta là ai vậy? Ông ta đã nhận được bao nhiêu đồng euro để bôi xấu Erenburg? Một trăm? Hay một trăm năm mươi? Vị tất có thể nhiều hơn...

Tôi nghĩ rằng đoạn trích dẫn trên đây từ Lời tựa cho cuốn sách về cuộc đời của Erenburg đã phản ánh tất cả những mặc cảm mà nhà văn cho đến nay đã làm dấy lên ở cái được gọi là "giới tri thức tiên tiến", kể cả giới trí thức lưu vong: thói đố kỵ ghê gớm đối với sự thành đạt của người khác và lòng căm ghét mù quáng đối với tài năng của người khác. Những cảm xúc này đã ám ảnh Erenburg trong suốt cuộc đời chói lọi và gian truân của ông.

Có thể gọi ông là người được số phận cưng chiều – ngay từ cuối những năm 20 đã xuất hiện toàn tập tác phẩm gồm 10 tập của ông. Vào quãng thời gian sau chiến tranh, ông đã trở thành tác giả của những bộ tác phẩm gồm 5 tập, còn vào năm 1961 bắt đầu được ra mắt bộ toàn tập tác phẩm gồm 10 tập của nhà văn gồm những cuốn sách không được tái bản hàng chục năm như XX, Công ty D.E, Kẻ hám lợi, Mùa hè năm 1925, Trong ngõ thông nhau, nhưng chủ yếu là những thiên hồi ký của ông, mặc dầu bị cơ quan kiểm duyệt cắt xén đáng kể nhưng vẫn là những ô cửa sổ mở ra nền văn hóa thế giới vốn rất cần thiết đối với người Xô Viết. Đây là bộ toàn tập tác phẩm sau cùng khi ông còn sống mà may mắn thay, ông đã kịp nhìn thấy nó trong cuộc đời mình.

Năm 1991, ngay trước khi chính quyền Xô Viết tan rã, người ta đã bắt đầu xuất bản bộ toàn tập tác phẩm mới gồm 8 tập. Ở đây lần đầu tiên sau nhiều năm đã xuất hiện cuốn Truyện thiếu nhi của Il'ja Erenburg, những tiểu thuyết Xulio XurenitoKẻ hám lợi không bị kiểm duyệt cắt xén, nhưng cái chính là văn bản đầy đủ của những thiên hồi ký của nhà văn. Nhưng thời đại đã thay đổi hẳn – độc giả không còn mặn mà với những kiệt tác và nhà văn tuy không phải đã bị lãng quên nhưng càng ngày càng ít được nhắc đến nữa...

Khi linh cữu với thi hài nhà văn quá cố Il'ja Erenburg được quàn tại Trụ sở Hội Nhà văn để mọi người đến viếng trong năm 1967, những nhà đương cục dường như đang chờ đợi những cuộc bạo động của dân chúng. Những vòng vây, những hàng rào chướng ngại vật, cảnh sát, mật vụ dày đặc... Các đồng nghiệp, giới trí thức thủ đô và các độc giả đã đến vĩnh biệt Erenburg. Theo ước tính có từ 4 vạn đến 5 vạn người lặng lẽ đi ngang qua linh cữu.

Năm 2011, tại bảo tàng Svetaeva, khoảng gần 100 người đã tụ tập để tưởng nhớ ngày sinh thứ 120 của nhà văn. Trong buổi lễ kỷ niệm đó đã vang lên những bài thơ của Erenburg, không hiểu sao số các diễn giả đã không chú ý tới mảng văn xuôi hùng hậu và hoạt động xã hội của ông. Thôi thì đó cũng là xu hướng của thời đại. Tại đây, tôi có dịp lần cuối cùng trao đổi những suy nghĩ về Erenburg với Benedikt Sarnov (tác giả cuốn sách lý thú Trường hợp Erenburg) và với những nhà văn quen thuộc.

Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người sẽ đến tưởng niệm nhà văn Xô Viết và người công dân Xô Viết vĩ đại nếu hôm nay chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của ông?

Nhưng điều chủ yếu là liệu có thể khôi phục một tập quán văn hóa tốt đẹp – đón đọc những tác phẩm vĩ đại mà Il'ja Erenburg và các nhà văn Xô Viết ưu tú khác đã sáng tác trong nhiều thập kỷ? Chắc là có thể. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải dạy nước Nga đọc sách lại từ đầu.

(Theo Literaturnaja gazeta, số 1+2, tháng 2/2016)
(Lê Sơn giới thiệu và dịch)

Nguồn: Tạp chí Thơ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *