Văn học với đời sống

9/12
10:55 AM 2017

NGƯỜI CHA GẠC MA

Trương Thu Hiền-Lòng tự dặn lòng “Ra Hải Ninh thì nhất định phải đến thăm cụ!”. Nhà cụ chỉ cách bờ biển một rặng phi lao già. Bên ngôi nhà cấp bốn cũ, mái ngói rêu xanh thấp lè tè là ngôi nhà vừa mới xây cao ráo và thoáng mát. Trung đoàn 83 Vùng 3 Hải quân và Công ty TNHH địa ốc Hoà Bình đã ủng hộ gia đình cụ xây ngôi nhà mới này. Trong nhà chưa có gì ngoài một chiếc tủ thờ.

Khi tôi đến cụ đang lom khom đứng bên chiếc tủ ấy, ngước đôi mắt mờ đục nhìn lên di ảnh của người lính hải quân trẻ. Cụ tên là Hoàng Nhỏ, cha của liệt sĩ Hoàng Văn Túy hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma - quần đảo Trường Sa năm 1988. Có vẻ quen với cuộc viếng thăm bất ngờ của những người xa lạ, cụ không hỏi tôi là ai, đến làm gì  mà lặng lẽ ra ngồi trên chiếc chiếu cũ trải ngoài hiên nhà, nhìn ra biển. Buổi trưa nắng chát,  ngồi ở nhà cụ tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng sóng đều đều ập vào bờ rồi rút ra xa. Tiếng biển ì ầm giữa không gian rất yên ắng làm dâng lên trong tôi nỗi buồn hoang vắng.  Mặc dù thấy rằng cụ đã yếu, lưng còng và chân đứng không vững nữa nhưng tôi vẫn mở lời hỏi thăm sức khỏe của cụ thay lời chào. Cụ không nói gì,  hất đầu ra phía biển: “Bọn hắn đang ở ngoài nớ!”. Tôi hiểu ý cụ, anh Hoàng Văn Túy - con trai cụ và đồng đội của anh vẫn đang nằm ngoài biển, đó mới là điều luôn đau đáu trong lòng cụ.

Năm 1985, anh Hoàng Văn  Túy -  con trai thứ tư của cụ Hoàng Nhỏ bước sang tuổi 19. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc anh rời quê hương thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh lên đường nhập ngũ. Là trai làng biển khỏe mạnh và bơi lội giỏi, Hoàng Văn Túy vui mừng được biên chế vào Lữ đoàn công binh E83 Bộ đội Hải quân chuyên nhận nhiệm vụ xây dựng các công trình trên đảo. 

- Hắn đi bộ đội được gần ba năm, đến Tết năm 1988 thì hắn về. Thấy con về vào giữa đêm giao thừa, tôi hỏi “Răng con về muộn?”. Hắn trả lời: “Đáng lẽ ra con ở lại trực nhưng con nhớ nhà, nhớ cha mạ, con báo cáo với chỉ huy: Sắp tới cháu ra đảo rồi, không biết khi mô mới trở về nên chú cho cháu về nhà đón giao thừa một lần nữa rồi cháu vô đơn vị làm nhiệm vụ”. Tôi im lặng, hắn lại nói: “Không can chi mô cha à, chú chỉ huy còn hẹn con ở lại chờ đến mồng 4 thì về với xe chú ấy luôn, nhưng con nói con nhớ cha mạ lắm nên chú ấy cho con về. Con không trốn về mô mà cha lo”. Khi đó tôi mới thực sự vui mừng, nhìn đứa con lâu ngày không gặp, hớt hải chạy bộ từ ngoài quốc lộ I về nhà trong đêm giao thừa mà thương đứt ruột. Hồi ấy từ quốc lộ ra Hải Ninh chưa có đường sá chi, lũ thanh niên cứ bươn động cát mà chạy thôi. Ở với tôi một đêm giao thừa, một ngày mồng 1, đến sáng mồng 2 có xe vô là hắn lại khăn gói đi. Hắn hẹn “Đợt ni con ra đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ là con cũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Con sẽ về với cha mạ luôn. Ở nhà đi biển thôi, không đi mô nữa!”. Hẹn rứa đó mà đến chừ vẫn không thấy hắn về. 29 đêm giao thừa, không đêm nào tôi không ngồi đợi… đợi mãi… mà không thấy mô. Không biết giao thừa năm nay có đợi được nữa không? Tôi đã gần 9 chục rồi…”.

Sau mấy ngày ngắn ngủi ăn tết cùng gia đình, Hoàng Văn Túy trở về đơn vị  nhận lệnh ra làm nhiệm vụ xây dựng các công trình trên các bãi đá Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, tại cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa, cách đất liền gần 500km. Anh được biên chế lên tàu HQ 604 cùng lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Tối ngày 11 tháng 3 năm 1988, tàu HQ604 nhổ neo rời cảng Cam Ranh - Khánh Hòa nhằm thẳng hướng Trường Sa. Gần hai ngày sau, chiều 13/3, Hoàng Văn Túy và đồng đội có mặt tại Gạc Ma bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người lính: Cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền và tiến hành xây dựng đảo. Trận chiến không cân sức bắt đầu xảy ra ngay sau đó. Các chiến sĩ bảo vệ đảo và công binh Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ có trái tim yêu nước  và tinh thần dũng cảm cao độ kết vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc. Người này ngã xuống, người khác xông lên. Lính Trung Quốc vũ khí  trong tay hung hãn xả đạn. Trận chiến này được coi là một cuộc thảm sát. 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. Một người trở thành một cột mốc linh thiêng của Tổ quốc giữa mênh mông trời nước Trường Sa. Sự hy sinh oanh liệt ấy như  lời nhắn nhủ: Ở đâu máu xương của người Việt Nam đổ xuống, nơi ấy là đất mẹ Việt Nam. Năm đó, anh  Hoàng Văn Túy tròn 22 tuổi. Nằm lại với biển, anh lỡ hẹn với cha mạ kể từ bấy đến nay. 

- Thằng Túy không về. Vậy mà hắn lại nuôi tôi. Mỗi tháng tôi có một triệu tư lương liệt sĩ Nhà nước cấp. Nhiều tổ chức đơn vị và nhà hảo tâm thường xuyên quan tâm đến tôi. Họ cho tôi tiền xây nhà, cho tôi tiền sinh sống. Tiền triệu chứ không ít. Cuộc đời tôi chưa bao giờ có nhiều tiền như thế. Nằm mơ cũng không tin mình có tiền triệu trong tay. Tôi chừ không đói như người ta thường gọi nữa, nhưng tôi già rồi, ăn uống có bao nhiêu mà tiền với bạc. Càng được quan tâm tôi càng nhớ thương mấy anh em thằng Túy đang dầm mình ngoài biển thôi!

Nói với tôi như vậy rồi ông lại ngoảnh mặt nhìn ra biển. Phía ngoài rặng phi lao cao vút là bãi cát trắng đang ngời lên dưới nắng trưa. Tôi có cảm giác ông nhìn ra ngoài ấy để ngóng đợi một điều kỳ diệu và bàng hoàng khi nghe ông thổ lộ:

- Nhiều đêm tôi vẫn thấy hắn về. Hắn ở trần, vác một vàng lưới nặng chạy từ ngoài biển vô. Da đen. Mắt sáng. Cao to cường tráng như tôi hồi trẻ. Chừ ri tôi cũng nghĩ hắn đang về, rứa mà ngoảnh ra lại không thấy…

Trên khóe mắt cụ Hoàng Nhỏ ứa ra hai giọt nước đục mờ. Nước mắt của người già khóc con bao giờ cũng quánh đặc, như thể nỗi đau không bao giờ chảy trôi đi được. 

*

Cụ Hoàng Nhỏ vốn quê ở làng biển Lý Hòa, huyện Bố Trạch. Năm 1945, sau khi cha mẹ chết vì nạn đói, mấy anh em cụ phải dắt díu nhau phiêu bạt khắp nơi. Cụ đi từ làng biển này sang làng biển khác Lý Hòa- Đức Trạch - Nhân Trạch - Quang Phú - Bảo Ninh, cứ như vậy cho đến khi vào Hải Ninh. Ở đây, cụ dừng lại làm thuê kiếm cơm ăn, áo mặc. Cái tên ông Đói bắt đầu từ khi đó. Ai có việc gì khó khăn cũng thuê ông Đói làm.  Được người Hải Ninh yêu thương đùm bọc, cụ Hoàng Nhỏ nhận nơi đây làm quê hương thứ 2, lấy vợ và sinh con. Cụ bảo rằng, thời trai trẻ cụ rất khỏe nên có thể làm đủ việc. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia làm liên lạc cho cách mạng. Chỉ bằng đôi chân trần của mình, công văn, tài liệu từ Hải Ninh vào vùng  Gia - Võ - Duy - Hàm, huyện Quảng Ninh đều được cụ vận chuyển đi trong đêm. Chuyến đi nào cũng an toàn tuyệt đối. Đến kháng chiến chống Mỹ, cụ tiếp tục tham gia đoàn tàu vận tải trung chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ biển Cẩm Nhượng - Hà Tĩnh vào Quảng Bình, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời tham gia các đội tàu đánh cá của Hợp tác xã đánh cá Hải Ninh. “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, không phải là người lính nhưng cụ thực hiện nhiệm vụ như người lính và chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi chế độ ưu đãi này nọ. Ngay cả khi được ủng hộ để xây dựng ngôi nhà và tiền để dưỡng lão thì cụ vẫn không quen với cảm giác những thứ đó là của mình. Cụ luôn nói với mọi người về ngôi nhà mới rằng:  “Đây là nhà của Bộ đội Hải quân và công ty Hòa Bình làm cho tôi ở”, cụ không nhận nhà của cụ. Cụ cầm đồng tiền ủng hộ của các tổ chức đơn vị và nhà hảo tâm nhưng không hề tơ hào một cuộc sống sung túc. Cụ luôn nghĩ đến những đứa con đang nằm lại ngoài đảo xa.

Người con dâu út của cụ nói rằng, hôm nay nghe đài báo sắp có mưa bão, bọn em dỗ dành mãi cụ mới chịu lên nhà mới, bình thường cụ vẫn ở dưới nhà cũ. Hỏi tại sao, cụ nói rằng cụ không dám rời khỏi ngôi nhà xưa cũ ấy vì sợ anh Túy về sẽ không biết đâu mà tìm. Anh Túy ra đi từ đâu thì sẽ trở về nơi ấy. Vả lại ở dưới nhà cũ cụ vẫn còn cảm thấy hơi ấm của anh Túy, hơi ấm của bà vợ già suốt đời cam khổ cùng cụ. Bây giờ họ đi cả rồi, chẳng lẽ cụ phụ bạc nơi đã ôm ấp che chở gia đình mình suốt mấy chục năm qua mà vứt bỏ nó. Cụ bảo, nếu có chết cụ cũng muốn được chết trong ngôi nhà cũ của mình. Nhà xây đã gần 4 chục năm, nay đã mục nát, có người bàn nên giải tỏa để đảm bảo an toàn, nhất là khi mưa bão. Cụ nhất định không cho: “Rứa răng được. Nhà thằng Túy làm thì để lại cho thằng Túy ở. Phá đi rồi, lỡ hắn về hắn biết ở mô?”. Con cháu dắt lên nhà mới được một lúc, cụ lại lần lữa trở lại, ngồi bên bậu cửa thăm thẳm nhìn ngược lên con đường trước nhà ngóng đợi. Nếu có về thì anh Túy sẽ đi về từ hướng ấy.

- Mấy năm gần đây nhiều người đến thăm tôi. Họ ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khắp cả nước. Con tôi và đồng đội của hắn hy sinh ngoài đảo nên người ta biết đến tôi. Tôi chỉ là ông già nghèo làng biển thôi mà. Ai cũng mang theo nhiều tiền và quà cáp tặng tôi. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người đã dành cho tôi sự quan tâm rất thiết thực. Họ thay thằng Túy chăm sóc tôi. Không có họ tôi không có cuộc sống như hôm nay. Nhưng tôi cầm tiền mà băn khoăn, đời trai của các con thì chìm trong lòng biển lạnh, tôi lại sống đây để hưởng sung sướng sao đành. Đáng ra chúng nó còn cống hiến được nhiều hơn nữa cho đất nước và được dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, được sống một cuộc đời tươi đẹp. Đằng này lại vậy! Hy sinh cho Tổ quốc là sự hy sinh vẻ vang nhất nhưng chẳng có cái chết nào chẳng để lại nỗi đau. Quảng Bình mình có 14 chiến sỹ hy sinh trận ấy, chỉ có 2 chiến sĩ tìm được xác thôi… Trong 12 chiến sĩ mất tích có thằng Túy của tôi…

  Liệt sĩ Hoàng Văn Túy vẫn nằm trong lòng biển gần 30 năm nay. Anh đã hóa thân vào cánh chim hải âu trắng chấp chới  bay trên biển trời Tổ quốc. Nhớ thương con, sợ con lạnh lẽo cụ Hoàng Nhỏ dùng gỗ xoan đào khắc chạm hình hài anh, làm lễ hú gọi hồn anh về quê nhà và an táng trong Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Ninh. Đó là công việc có tính tượng trưng nhưng lại làm ấm lòng người cha già. Cụ không nghĩ ngôi mộ của con trai mình trong nghĩa trang liệt sĩ chỉ là ngôi mộ gió, cụ bảo tôi rằng: “Thằng Túy về rồi. Chính tôi đặt hắn nằm xuống đó chứ ai?!”.

Hải Ninh là xã miền biển bãi ngang thuộc huyện Quảng Ninh. Nhiều năm trước, nơi đây là ốc đảo giữa vùng cát. Người dân Hải Ninh chỉ biết đi biển và trồng các loại cây rau màu ngắn ngày trên cát, như khoai lang, hành, nén, dưa… Mùa biển động nhiều ngày liền cả làng ăn khoai trừ bữa. Đời sống thanh bần, đến bữa giỗ chạp cũng đạm bạc. Bây giờ mọi điều đã khác. Hải Ninh rộn ràng như phố biển và tất cả đều thành đặc sản. Hải sản đánh bắt được thì nhập cho thương lái để xuất khẩu. Khoai trồng ra được chế biến thành khoai deo xuất bán đi khắp cả nước. Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, cụ Hoàng Nhỏ  băn khoăn tại sao anh Túy không về để được sống cuộc sống của ngày hôm nay. 

- Thằng Túy hy sinh ngày 14-3-1988 nhằm ngày 27 tháng Giêng âm lịch. Nhưng mỗi năm tôi làm giỗ 2 lần, ngày 27 tháng Giêng âm lịch và ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7.  Ngày xưa nghèo, bữa giỗ chẳng có chi. Mấy năm gần đây khá hơn nhờ có tiền của nhiều người ủng hộ, nên tôi làm giỗ chung cho cả 64 liệt sĩ. Anh em sống chết có nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường hà cớ chi đói no không chia sẻ. Tôi coi tất cả là con tôi.

Hàng năm cụ Hoàng Nhỏ vẫn làm lễ giỗ chung cho 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma năm ấy. 64 chiếc bát, 64 đôi đũa, 64 bộ quần áo, một mâm cơm đạm bạc và người cha già lưng còng tóc bạc, ứa lệ cúi lạy những hương hồn thanh tân bên bờ biển Hải Ninh gió cát. Tôi hình dung ra khung cảnh 64 người lính ngực thấm máu, phơi phới môi cười, đang nắm chặt tay nhau rẽ sóng, rẽ gió bước lên từ biển trở về dự buổi hội ngộ hàng năm. Hình ảnh ấy bóp nghẹt trái tim tôi!n

Nguồn: Văn Nghệ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *