Từ đời vào văn

31/5
8:26 AM 2017

NGUYỄN ANH NÔNG, TRỌN ĐỜI VỚI THI CA

Lê Tuấn Lộc-Đại tá Nhà thơ Nguyễn Anh Nông sinh năm 1959 tại Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hoá. Từ năm 1975 là công nhân mỏ Crômit Cổ Định Thanh Hóa. Tháng 2 năm 1979, từng chiến đấu ở biên giới Cao Bằng Binh đoàn Pác Bó. Biên kịch phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Điện ảnh Việt Nam, Hội viên Nhà báo Việt Nam, Hội viên Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các tác phẩm chính: Về trường ca:  Trường Sơn, 2009. Gửi Bill Gates và trời xanh, 2011. Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn, 2012. Lập Thành, 2012. Các tập thơ:  Bàn tay lá cỏ, tập 1, 1993. Bàn tay lá cỏ, tập 2, 1995.  Kỵ sĩ ngựa gỗ, Sở 1998.  Mây bay, 2000. Những tháng năm ở rừng, 2005. Lững thững xanh, 2010. Hà Nội và Em, 2011. Giải thưởng thơ: Bàn tay lá cỏ (tập thơ) Giải B về Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hòa Bình lần thứ Nhất(1999). Mây bay (tập thơ), Giải B, Báo chí tỉnh Hòa Bình 10 năm sau đổi mới (1991 - 2000). Kịch bản đạt Giải B Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch năm 2007, Giải C - 5 năm của Bộ Quốc phòng, 2004 – 2009, và nhiều giải thưởng khác .

 

CHỒI NON BẮT ĐẦU TỪ MỎ CROMIT CỔ ĐỊNH THANH HÓA

Những năm 70 của thế kỷ trước, khi tôi tham gia dạy văn bổ túc văn hóa cấp 3 cho công nhân mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa, tôi quen một anh công nhân tên là Nguyễn Anh Nông. Anh đến lớp không thiếu buổi nào và bao giờ cũng từ tốn ngồi bàn cuối cùng. Lớp học bổ túc văn hóa tổ chức vào buối tối nên tôi chỉ nhớ mang máng là anh có dáng dong dỏng cao, ít nói. Một lần sau buổi học tối, anh gặp tôi và đưa tôi một tập bản thảo rồi nói: Biết anh Lê Tuấn Lộc là nhà thơ, em gửi một số thơ em tập viết để xin ý kiến anh. Nếu được, nhờ anh sửa hộ. Những bài thơ ngô nghê lúc ấy bắt tôi đọc, thật khó xử cho tôi. Nhưng tôi đã kiên trì sửa cho Nông từng câu và tôi phát hiện một Nguyễn Anh Nông có năng khiếu thơ. Lúc ấy tôi mới là một nhà thơ tỉnh lẻ, Hội Văn nghệ Thanh Hóa, nhưng với Nông, tôi như một thần tượng để anh noi theo. Anh thuộc hầu hết những bài thơ tôi về mỏ và xứ Thanh thời ấy. Tôi rất cảm phục Nông là con người trẻ có chí lớn, yêu thơ và biết tầm sư học đạo.

Sau đó mấy năm xa nhau, tôi không có tin gì về Nông. Một sáng chủ nhật, tôi về thăm vợ con ở quê nhà Nông Cống thì không biết bằng cách nào Nông tìm được đến nhà tôi ở xã Tân Khang. Lúc ấy làm gì có điện thoại di động. Tôi hơi bất ngờ nhìn thấy Nông trong bộ quân phục mới nghiêm chỉnh. Nông khoe là đã nhập ngũ và mới ở mặt trận biên giới Cao Bằng về thăm quê. Dáng rụt rè, bẽn lẽn, Nông làm quà cho con gái tôi 3 tuổi một gói kẹo bột. Tôi nhớ, con gái tôi mắt sáng lên, tay ôm gói kẹo bột, nhìn chú bộ đội vẻ thích thú vì chú cho kẹo. Vợ tôi làm cơm để tôi đãi khách thơ. Tôi được Nông gửi tặng bài thơ được đăng báo. Nông cầm hai tay, đưa tôi tờ báo, trân trọng như là một vật quí tặng tôi. Tôi biết, Nông đã tiến bộ cả về thơ, cả về đường đời.

Bẵng đi đến 15 năm, anh em không  gặp nhau. Khi tôi về công tác Tuyên Quang thì nhận được một tập thơ của Nông có bài giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa về tập thơ mới của Nguyễn Anh Nông đã in thành tập riêng. Tôi đọc và biết thêm nhiều bài thơ về lính, về miền núi và dân tộc rất lạ, Nguyễn Anh Nông đã tiến xa rất nhiều. Thơ có chất thơ hơn và đầy chất lính. Sau này, tôi đọc anh rất nhiều, nhưng bài thơ Cảm tác đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi: Hai chàng từng là địch thủ/Choảng nhau có lúc mẻ đầu/Bây giờ xanh hai nấm đất/Khói hương thi thoảng thăm nhau. Những câu thơ ấy cứ ám ảnh tôi, day dứt tôi không nguôi mỗi khi tôi nghĩ đến Nông. Chỉ cần thế thôi. Những câu ấy là thơ, những câu thơ gan ruột của đời người.

Sau 2003, tôi chuyển về Hà Nội. Trong đại hội các Dân tộc thiểu số VN, tôi gặp lại Nguyễn Anh Nông, lúc bấy giờ anh đã là thượng tá quân đội.Áo quần nề nếp và quân sự hóa, nhưng vẫn dáng từ tốn và ít nói, Nông tặng thơ mới cho tôi. Tôi vui mừng nhận thấy ở Nông, sự nghiệp chững chạc hơn, văn chương gỏi giang hơn. Nông không phài là cậu học trò của tôi ngày xưa nữa rồi.

Tình cờ, tháng 3 năm 2017, trong dịp soạn lại các thư từ và những kỷ vật gia đình tôi từ những năm giữa của thế kỷ XX để chuẩn bị cho phòng trưng bày về thân thế sự nghiệp của bố mẹ tôi mới mất, tôi tìm thấy một tập bản thảo thơ viết tay màu mực tím của nhà thơ Nguyễn Anh Nông  gửi từ biên giới Cao Bằng năm 1980 và một loạt bản thảo của Nguyễn Anh Nông từ 1977 -1979 gửi tôi khi tôi còn công tác ở Mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa. Lại một sự bất ngờ cho tôi khi tôi soạn lại thư từ cũ từ 1980 thì tìm thấy rất nhiều thư Nguyễn Anh Nông gửi cho tôi từ chiến trường biên giới phía Bắc. Tôi xếp những thư của Nông thành một tập dày và gói lại để hôm nào khoe với Nông. Những kỷ vật này thật quí cho mối tình anh em giữa tôi và Ngyễn Anh Nông. Tôi điện cho Nông, định nói về tập thư cũ. Nông nói qua điện thoại: - Em đang trong viện Quân y 108. Bác sĩ  bảo em bị ung thư giai đoạn 4 rồi. Anh gửi những thư cũ qua email cho em. Tôi chụp tất cả ảnh, thư cũ và gửi qua email cho Nông để cho Nông vui. Thì ra mối quan  hệ , tình bạn vong niên tôi và Nông đã 40 năm.

MỘT NHÀ BIÊN KỊCH PHIM QUÂN ĐỘI ĐÃ TRỌN ĐỜI VỚI THƠ.

Công việc của Nguyễn Anh Nông là biên kịch và đạo diễn phim nhưng cái để lại của đời anh vẫn là thơ. Tôi thán phục anh với 4 tập trường ca:  Trường Sơn, 2009. Gửi Bill Gates và trời xanh, 2011. Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn, 2012. Lập Thành, 2012. Trường ca là một thể loại rất khó viết vì nó phải có tư duy thơ liền mạch trong một thời gian dài. Thơ hiện nay đã ít người đọc, trường ca càng ít người đọc hơn. Nguyễn Anh Nông không quan tâm đến việc có người đọc nhiều hay ít, đam mê anh cứ viết, cứ viết và ngoái lại đã thành nhà thơ viết về trường ca có uy tín.  Đại học Thái Nguyên có luận văn thạc sĩ văn chương của Lê Hồng Phong về đề tài: Trường ca Nguyễn Anh Nông, Sinh viên Đại  học Thái Nguyên Hà Thị Liên có luận văn tốt nghiệp về Nguyễn Anh Nông: Thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Anh Nông.

Tôi đã đọc những bài viết của nhà thơ Nguyễn Bao (2009), Trường ca Trường Sơn – ngọn lửa và tiếng hát, báo Giáo dục và Thời đại. Trong bài viết tác giả đã có những nhận định về trường ca Trường Sơn. Tác giả viết: Trường ca Trường Sơn này xứng đáng là một đóng góp mới, phát hiện mới vào kho tàng văn học đương đại khi muốn tái hiện một phần lịch sử chưa xa của dân tộc ta. Trần Mạnh Hảo (2000), trong bài viết: Mây bay đi thơ đậu lại, in trên báo Văn nghệ trẻ và báo Quân đội Nhân dân. Tác giả đã đánh giá khách quan về tập thơ Mây bay của Nguyễn Anh Nông.  Khánh Văn (1993), Nỗi niềm trong bàn tay lá cỏ, có những cảm nhận về nỗi niềm, những cảm xúc tinh tế của Nguyễn Anh Nông trong tập thơ Bàn tay lá cỏ. Đặng Văn Toàn (2013), Thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông – lung linh qua bạn bè. Nhìn một cách khái quát, thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông ngày càng đến gần với bạn đọc và khẳng định vị trí của mình trong nền thơ ca cả nước.

Về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Anh Nông, TS Đỗ Thị Thu Huyền đã nghiên cứu và tuyển chọn, in thành tập những bài giới thiệu, nghiên cứu tiêu biểu: Nguyễn Anh Nông, đi từ miền lá cỏ. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2013. Sách có dung lượng 272 trang. Có thể nói tập nghiên cứu tuyển chọn đó là những tổng kết, đánh giá có tính tổng thể, trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Nguyễn Anh Nông.

Say mê với thơ ca, khiêm tốn học hỏi và tìm mọi cách để vươn lên nhằm đạt mục tiêu của đời mình là trở thành một nhà thơ thực thụ. Nguyễn Anh Nông đã làm được điều đó trọn đời mà không phải ai cũng làm được.

NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU VỚI BỆNH TẬT HIỂM NGHÈO

Bất ngờ, khi tôi điện cho đại tá,  nhà văn Bùi Thanh Minh bàn về cuộc vận động viết về thương binh liệt sĩ nhân chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Thương Binh Liệt Sĩ 1947-2017, thì Bùi Thanh Minh bảo tôi: Đang ở bệnh viện 108 thăm nhà thơ  Nguyễn Anh Nông. Nông bị ung thư nặng giai đoạn cuối rồi. Tôi đã biết Nông bị ung thư nhưng chưa biết khẩn đến thế. Tôi và nhà văn dịch giả Lê Bá Thư, nhà thơ Trịnh Xuân Thu đến thăm anh ở viện thì biết tin anh đã được đưa về nhà riêng tận quận Long Biên Hà Nội. Chúng tôi đến thăm anh. Trông Nguyễn Anh Nông gầy yếu,  sức sống đã giảm đi nhiều, nhưng nụ cười và đôi mắt thì vẫn hồn nhiên thế. Dáng đi khó nhọc hơn và cái đáng lo nhất là anh không ngồi được lâu, mà ngồi cũng phải tựa gối. Để tiếp chúng tôi, anh phải uống thuốc giảm đau. Anh bảo anh vẫn viết, vẫn đọc và khi chúng tôi về, Nguyễn Anh Nông còn tặng thơ. Anh rất bình tĩnh  xác định tư tưởng cho vợ con, sống chết cũng như qui luật sinh, lão, bệnh, tử là không thể khác được để rồi người ta vẫn yêu cuộc sống đang có của mình hơn, vẫn làm việc để lại cho đời sau những di sản trí tuệ của mình cho dù là đời ta ngắn lắm. Tôi tin, với tầm sáng tạo lớn, thơ ca Nguyễn Anh Nông và tâm hồn trong sáng của anh vẫn sống mãi trong lòng những người yêu thơ, vợ con thân yêu và bạn bè.

Nguồn Văn nghệ số 21/2017

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *