Từ đời vào văn

31/7
11:40 AM 2020

MẦU XANH "SA MẠC TRẮNG" QUẢNG BÌNH

Bút ký Đỗ Hoàng- Không phải thời trước mà ngay đầu thế kỷ 21, ven biển từ Đèo Ngang (Hà Tĩnh) đến Hạ Cờ (Quảng Trị) vẫn còn chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình! Từ thuở khai thiên lập địa tạo hóa đã cho Quảng Bình một miền cát mênh mông như sa mạc Xahara bên Châu Phi. Con người chỉ biết sống trong cát chết vùi trong cát mà chưa tận dụng tiềm năng của cát để phục vụ cho đời sống của con người.

 

  

Làng quê tôi cách biển Ngư Thủy độ chừng 5, 6 cây số đường chim bay.  Đêm biển động nằm ngủ nghe sóng biển đập ầm ì!  Thuở nhỏ chăn bò cát cỏ nhiều  lần đi qua sa mạc cát trắng rợn người ấy.  Người sống ở đây không biết moi (bới) gì trong cát trắng tinh mà ăn!

            Vùng cát ven biển Quảng Bình có diện tích gần 36 nghìn ha, chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong những năm qua, địa phương đã đầu tư trồng rừng chắn cát, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả đáng mừng! .

                                         

   Dải cát ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân Ðèo Ngang ( tiếp giáp Hà Tĩnh), đến  Vĩnh Thái (nối Quảng Trị) với chiều dài 126 km, đi qua 18 xã, trong đó diện tích lớn tập trung tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Chịu sự tác động lớn của gió và nước, vì thế vùng này thường xảy ra hiện tượng cát bay, cát chảy lấp đồng ruộng, đường giao thông, gây khó khăn cho sản xuất và đi lại. Chính vì sự khắc nghiệt đó cho nên trong bốn vùng sinh thái của tỉnh (đồng bằng, đồi, núi cao và vùng cát), thì vùng cát chưa được khai thác nhiều, dù nơi đây ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

  Mấy năm vừa rồi có dịp trở lại vũng cát quen thuộc ngày trước như  Sen Thủy, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, Hải Ninh, Võ Ninh, Bảo  Ninh, Lộc Ninh, Nhân Trạch...tôi chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của quê cát!

   Trên quốc lộ 1A, từ bắc vào nam, gần đến cuối địa bàn huyện Lệ Thủy,  nơi giáp giới với huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, trước mắt du khách hiện ra một hồ nước ngọt, trong xanh, tĩnh lặng. Đó là Bàu Sen.

     Bàu Sen còn có tên gọi là Nhị Hồ có thể là để chỉ hai hồ thuộc địa phận xã Sen Thủy là Bàu Sen thuộc Thủy Liên Thượng và Bàu Đơm thuộc Thủy Liên Nam. Bàu Sen hay Hói Sen, Kênh Sen là tục danh dân gian thường gọi, tên chữ xưa là Thủy Liên Cảng (Cảng Lan) thuộc làng Thuỷ Liên, nay thuộc xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

     Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết: “Cảng Lan ở huyện Lệ Thủy tiếp giáp châu Minh Linh... Trong cảng có suối nhỏ, dòng nước từ phía Bắc hợp lưu chảy vào đây. Nước trong xanh và mát, cùng một loại nước ở Đông Tân”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Giáp Thân (1404) Hồ Hán Thương cho đào Kênh Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa nhưng “vì bùn cát đùn lên, khai không được”. Dấu tích Kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng đông, rồi vòng hướng tây. Khi đào đến một cồn cát phía tây làng thì cát đùn lên không đào được, dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương, nhà Hồ đành bỏ cuộc.

Đến đời nhà Lê, Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến phương Nam cũng lại cho đào thông kênh Sen nhưng đào không được.

 Cuộc sống của dân ở đây  muôn đời đói khổ. Từ ăn cơm "bữa diếp - ăn cơm từ ngay kia, cách ngày) đã nói lên cơ cảnh khốn cùng của người dân Sen Thủy! Việc dân "sa mạc trắng" thoát nghèo tiến lên làm giàu là một việc làm ngỡ như thần thoại!

Màu xanh thay màu cát trắng

  Vấn đề tưới tiêu trông cây, chăn nuôi trên cát vô cùng khó khăn từ xưa đến nay! Thế mà nhiều hộ ở Sen Thủy đã làm được Mấy năm trước, vợ chồng anh Hoàng Thái Chở và chị Lê Thị Viên ở thôn Sen Đông, xã Sen Thuỷ (Lệ Thuỷ) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại để phát triển kinh tế gia đình.

Anh chị đã huy động vốn của gia đình và mạnh dạn vay ngân hàng trên 100 triệu đồng để đầu tư trang trại rộng hơn 2 ha ở vùng cát phía đông Sen Thuỷ theo mô hình VAC. Trong đó 1 ha anh chị đào ao nuôi cá, 1 ha rau màu. Riêng trong vườn nhà, anh Chở tập trung trồng cây hồ tiêu và cây ăn quả. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà vịt được xây dựng khá quy cũ. Từ những kinh nghiệm đã có và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi từ các buổi tập huấn do xã tổ chức nên trang trại của anh chị bước đầu cho thu nhập khá. Đầu năm 2009, anh chị đã bán được gần 1 tạ gà thịt thu được gần 9 triệu đồng và 3 lứa lợn thịt, bình quân mỗi lứa 100 con, thu lãi 25 triệu đồng/lứa. Có thể nói trang trại của anh Chở, chị Viên là mô hình đầu tiên trong việc lấn cát để phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động ở Sen Thuỷ. Đến nay Sen Thủy đã có hàng chục chủ trang trại ăn nên làm ra như anh Chở, chị Viên. Vùng phía Nam huyện Lệ Thuỷ có các xã Sen Thủy, Hưng Thủy, Thái Thủy, Ngư Thủy... không còn cơ cảnh "ăn cơm bữa diếp"!

 

 

 Vùng cát ven biển thay đổi nhanh chóng

   Trước năm 1995, phần lớn cư dân sống bên triền cát trắng ven biển Lệ Thủy và Quảng Ninh không mấy ai biết đi xe đạp. Phương tiện duy nhất giúp họ vượt qua những đồi cát trắng là đôi dép tông, thậm chí hai miếng ván có ba lỗ để xỏ dây.

Nhà thơ Ngô Minh quê ở Ngư Thuỷ Trung có viết, đại ý:

"Đôi guốc vượt cát mẹ đi là hai mảnh thuyền hỏng cưa ra dùi ba lỗ buộc dây chặt

Mẹ bước đi

Một bước lên

Hai bước thụt (lùi lại)"

Gió Nam (gió Lào) tháng năm thổi bầm (tím)ngọn khoai!"

    Trăn trở trước thực trạng ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình quyết tâm mở đường ra vùng cát. Với sự nhập cuộc tích cực của ngành giao thông và nhờ một dự án phi chính phủ, đường ra Ngư Thủy được hình thành, rồi thêm tuyến đường chạy dọc xã Bảo Ninh đến Hải Ninh. Hơn 10 năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng cát ven biển. Các tuyến đường được trải nhựa rộng rãi, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc và các công trình khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cát ven biển với các thị trấn huyện lỵ.

   Bây giờ, cả vùng cát rộng lớn ven biển phía nam Quảng Bình đã xanh rợp rừng phi lao. Dưới bóng rừng, có gần 50 trang trại nuôi tôm, cá, bò, lợn rừng, gia cầm và kỳ nhông. Người tiên phong lập trang trại trên cát và làm giàu từ cát ở Quảng Bình là vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ và Nguyễn Thị Hạnh, chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Năm 1995, con đường từ quốc lộ 1 chạy ra xã biển Hải Ninh chỉ mới là cấp phối vắt qua những đồi cát, đủ một làn xe... đạp, ấy thế mà vợ chồng họ đã mạnh dạn xin đất, lập trang trại ngay bên đường. Hôm tôi ghé trang trại sinh thái Cát Ngọc, anh Lễ đi vắng. Gợi chuyện, chị Hạnh nói: "Rứa (thế) mà đã 19 năm vợ chồng tui (tôi) bám triền cát này làm ăn. Cũng còn nhiều khó khăn và lắm khi thất bại, nhưng trang trại này đã giúp gia đình tui đổi đời. Giờ đường ra Hải Ninh được trải nhựa rộng hơn 15 m, trong tương lai, vợ chồng tôi sẽ xây dựng thành khu trang trại sinh thái".

  Một điều thú vị nữa là có hai anh em người Nga ở ngay Mạc Tư Khoa  góp vốn về đầu tư làm hồ nuôi tôm thương phẩm trên cát trắng cùng chủ trang trại!

    Dẫn khách đi một vòng, chị Hạnh kể tiếp chuyện vợ chồng họ bỏ ra cả năm trời trằn lưng "đánh cát" trồng cây. Từ những ngày đầu nhọc nhằn đó, vợ chồng anh đã phủ xanh 250 ha vùng cát. Năm 2001, khi rừng khép tán, anh Lễ, chị Hạnh đầu tư làm trang trại. Hiện nay, trang trại đang có 40 con bò, hàng trăm con lợn, hơn 300 con gia cầm, 500 m2 đất cát nuôi giun quế, 1.000 m2 nuôi kỳ nhông, gần 2 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt. Mỗi năm trang trại thu lãi hàng trăm triệu đồng.

 Anh  Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Quảng  Bình  cho biết: "Tiềm năng lớn nhất của vùng cát ven biển đang được địa phương phát huy hiệu quả, đó là nuôi thủy sản. "

    Sớm nhận thấy tiềm năng này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư thuê đất cát để nuôi tôm thâm canh, trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng cả trăm ha nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, hoặc làm trang trại tổng hợp. Trong đó tiêu biểu là trang trại của "Sao Thần Nông" Võ Ðại Nghĩa ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Toàn bộ khu trang trại rộng 34 ha, trong đó có 30 hồ tôm (khoảng 15 ha) chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch mỗi năm gần 400 tấn, số còn lại dành cho khu trại lợn, trại gà, trại cá... Các khu được quy hoạch khá riêng biệt bởi những khoảng rừng xanh ngắt. Trại lợn quy mô 200 lợn nái và 1.000 lợn thịt. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 120 tấn lợn hơi. Khu nuôi gà hiện có 6.500 gà Ai Cập đẻ trứng và hiện cho 3.000 trứng mỗi ngày. Doanh thu mỗi năm từ 20 đến 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động.

   Dưới thảm xanh của rừng và từ trong núi cát, dòng nước trong vắt tuôn chảy quanh năm tưới mát cho những làng quê bên triền cát bỏng rát. Từ đó tạo nên những làng chuyên trồng rau nổi tiếng, như Cam Thủy, Võ Ninh, Bảo Ninh, Ðồng Trạch và Quảng Long. Trong đó, xã Cam Thủy là địa phương đi đầu trong khai thác vùng cát để phát triển kinh tế.

   Cam Thủy cũng là xã cùng nằm trong rốn "sa mạc trắng" Quảng Bình ngay bên chân núi cát chạy từ biển Bảo Ninh Đồng Hới đến Hạ Cở Quảng Trị. Thuở bé, thơi chưa phủ xanh đồi cát, đứng ở đồng làng của tôi, tôi nhìn thấy đồn binh Hòa Luật Nam của Pháp xây trên đỉnh núi cát cao dài!

           Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Bá Trọng cho biết: "Ba năm gần đây, xã đã chuyển đổi 30 ha đất cát kém hiệu quả sang trồng rau xanh thương phẩm, nâng diện tích trồng rau chuyên canh toàn xã lên gần 100 ha, thu nhập 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm."  Nghề trồng rau đã giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ thành công đó, Ðảng ủy xã Cam Thủy đã ra nghị quyết tiến ra vùng cát, xem đây là tiềm năng mới. Sau năm năm thực hiện, Cam Thủy đã đưa được 70 hộ đến định cư, phát triển được gần 45 ha nuôi cá nước ngọt, với thu nhập bình quân mỗi năm đạt 80 đến 100 triệu đồng/ha. Bây giờ về Cam Thủy, đường nối đường chạy thênh thang ra những cánh đồng rau, trảng cát trắng giờ được khoác lên mầu xanh tươi mới.

           Từ Cam Thủy, theo con đường trải nhựa chạy về phía biển khoảng 15 phút là đến Ngư Thủy. Xã anh hùng với đại đội nữ pháo binh anh hùng năm nào giờ chia thành ba xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Ðây là những xã bãi ngang cho nên không có tàu lớn, cuộc sống nghề biển chỉ bám vào những thuyền nan cho nên còn nhiều khó khăn. Song giờ đây, nghề nuôi cá nước ngọt trong ao cát đã mang lại cho người dân nơi đây một hướng làm ăn mới, khấm khá hơn. Trên đường đến trung tâm xã Ngư Thủy Bắc, tôi ghé lại thôn Bắc Hòa tìm hiểu nghề nuôi cá lóc. Trưởng thôn Trần Quang Quyền hồ hởi: "Thôn tui có hơn 200 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng có ao nuôi cá lóc, rộng khoảng 100 m2. Sau mỗi vụ cá, trừ chi phí, mỗi ao cũng thu gần 20 triệu đồng". Theo ông Quyền, cách nuôi cá lóc của bà con ngư dân ở đây cũng khá đặc biệt. Trước đây, khi đánh bắt gặp các loại cá nhỏ giá trị thấp không ai chú ý, nay mang về làm thức ăn cho cá lóc trong ao. Chính nguồn thức ăn dinh dưỡng cao này nên cá lóc ở vùng cát lớn nhanh, thịt chắc và thơm như cá tự nhiên.

  Môi trường xanh sạch đẹp

    Gần đây, vùng cát Quảng Bình trở nên sôi động, hấp dẫn nhà đầu tư nhờ những lợi thế về giao thông, nguồn nước và nhất là có nhiều bãi tắm đẹp. Vì thế, dọc theo triền cát đã có hàng chục dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn để thu hút khách du lịch. Vùng này cũng đang được tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Dệt may khảo sát, thử nghiệm trồng bông theo công nghệ hiện đại của I-xra-en, để hướng tới hình thành vùng nguyên liệu bông cho các dự án dệt may tại miền Trung.   Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo tâm tình:" Việc phát triển kinh tế trên vùng cát bước đầu mang lại hiệu quả. Song, xét về tổng thể, việc khai thác đang manh mún, chưa phát huy được tiềm năng. Các doanh nghiệp, hộ gia đình thấy ở đâu thuận lợi, xin thuê đất lập trang trại ở đó, còn chính quyền thì khá thụ động trong việc này"

   . Tương tự như vậy, trước đây thành phố Ðồng Hới cho nhiều doanh nghiệp thuê hàng trăm ha đất cát để nuôi thủy sản mà chưa tính tới định hướng phát triển của đô thị. Nay, thành phố Ðồng Hới đang được quy hoạch phát triển về phía đông thì số ao, hồ nuôi thủy sản sẽ trở thành các khu đô thị mới, khu du lịch nên việc thu hồi đất sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nuôi tôm trên cát là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng cát ven biển Quảng Bình. Tuy nhiên, một số nơi đã xuất hiện tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi tôm và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để lĩnh vực này phát triển bền vững, cần làm tốt công tác quy hoạch và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái vùng cát.

      Trong các giải pháp phát triển bền vững vùng cát ven biển Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, bởi theo ông nếu để xảy ra ô nhiễm thì rất khó khắc phục. Ông cho biết, tỉnh Quảng Bình có chủ trương không cấp phép các dự án nuôi tôm công nghiệp mới và các dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn phát triển một số loại cây trồng mới trên vùng cát trắng để bảo đảm phát triển hệ sinh thái bền vững, quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái ven biển để thu hút du khách. Tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm điện gió ở vùng cát Lệ Thủy và Quảng Ninh. Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai ven biển từ Quảng Ðông đến Ngư Thủy Nam kết hợp với hệ thống đê biển, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội vùng đất này.

    Nhiều năm trước, nạn cát bay, cát chảy là nỗi lo của người dân 18 xã vùng cát Quảng Bình. Nhưng giờ đây, họ đã biết chinh phục để làm giàu từ cát. Dải cát ven biển Quảng Bình đang chuyển mình đi lên trong sự tự tin của hàng vạn con người đổ nhiều công sức gieo mầm xanh cuộc sống trên cát.

 

Nuôi tôm thương phẩm 

 

   Hơn 10 năm qua, mô hình nuôi tôm trên cát cho năng suất, sản lượng cao, được nhiều ngư dân xã bãi ngang Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) tập trung đầu tư. Với nhiều ưu điểm như chủ động được mùa vụ, thu hoạch dễ dàng, rủi ro thấp... nên được nhiều hộ gia đình chọn phát triển theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Thế Lanh, sinh năm 1977, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh đã đưa lại lợi nhuận hàng năm trên 1,5 tỷ đồng.

 

       Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của gia đình anh Nguyễn Thế Lanh vào một buổi sáng, khi anh đang chăm sóc, kiểm tra tình hình phát triển của tôm nuôi. Đây là năm thứ 9 anh Lanh gắn bó với nghề này. Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, làm việc trên các tàu câu cá ngừ đại dương, năm 2008, anh trở về quê hương lập nghiệp. Lúc bấy giờ phong trào nuôi tôm ở địa phương đang trong giai đoạn phát triển, anh đã cùng với bạn bè thuê đất hồ ở xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) để làm ăn. Khi đã có được lưng vốn, cuối năm 2012, anh mạnh dạn vay thêm nguồn vốn từ ngân hàng để đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng hệ thống ao hồ nuôi tôm trên cát khá hiện đại ở xã Hải Ninh với tổng diện tích khoảng 06 ha, gồm 17 ao hồ các loại (khu vực giáp ranh với huyện Lệ Thủy). Những năm đầu, công việc làm ăn khá thuận lợi nên đã đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Hơn 01 năm trở lại đây, anh quyết định không đầu tư nuôi dàn trải mà chú trọng nuôi thâm canh, số ao hồ còn lại anh cho thuê. Trên 02 hồ nuôi với diện tích khoảng 4.000m2, mỗi năm nuôi 02 vụ, bình quân mỗi vụ thả nuôi từ 50 - 75 vạn con tôm giống thẻ chân trắng.

            Anh Nguyễn Thế Lanh cho biết “Trong quá trình nuôi tôm, hai yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công vụ nuôi đó là con giống và môi trường nước. Thực tế trong những năm qua, cùng với việc mua con giống ở những công ty có uy tín, chất lượng, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm quy trình xử lý hồ nuôi, hệ thống cấp nước trước khi dẫn vào hồ nuôi phải qua hồ lắng, nước thải trong các hồ nuôi cũng phải có một hệ thống riêng biết để đề phòng dịch bệnh cho tôm nuôi. Nếu như trước đây, tôm giống sau khi mua về được thả trực tiếp vào hồ nuôi đến khi thu hoạch thì từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã xây dựng được hệ thống hồ nuôi khá hiện đại. Để nuôi một vụ tôm, ngoài các hồ lắng, tôi xây dựng 03 hồ nuôi. Đầu tiên, tôm giống sẽ thả nuôi ở hồ thứ nhất (hồ ương vèo) khoảng 01 tháng, sau đó chuyển sang hồ thứ hai cũng khoảng 01 tháng rồi chuyển toàn bộ sang hồ thứ ba để nuôi cho đến khi thu hoạch. Với hình thức này, tôm nuôi ít bị bệnh, người nuôi quản lý tốt môi trường nước vì vậy cho năng suất, sản lượng khá cao”.

           Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm trong nghề nên tôm nuôi của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, đạt mức bình quân từ 70 - 100 con/kg; thu hoạch mỗi vụ được khoảng 10 tấn tôm thương phẩm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh có lãi ròng từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, từ mô hình nuôi tôm này, anh còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động trên địa bàn với mức thu nhập khá ổn đinh. Anh Nguyễn Quang Phi, quê ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh đang làm việc tại hồ nuôi tôm của anh Lanh cho biết “Năm 2018, sau khi tốt nghiệp THPT, vì điều kiện gia đình nên tôi không tiếp tục theo học Đại học, được sự giới thiệu của người quen, tôi đến làm việc ở hồ nuôi tôm của anh Lanh. Ở đây tuy có gò bó về thời gian nhưng đổi lại có nguồn thu nhập khá ổn định và tôi học hỏi được nhiệm kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm từ anh Lanh để sau này nếu có điều kiện tôi sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng ao hồ nuôi tôm, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình”.

    Hiện nay, tôm nuôi vụ thứ 2 của gia đình anh Nguyễn Thế Lanh đã được hơn 1 tháng tuổi. Dự kiến đến tết Nguyên đán cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ đưa lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiệu quả đưa lại từ nghề nuôi tôm thương phẩm trên cát đã giúp gia đình anh Nguyễn Thế Lanh có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang và điều quan trọng đối với anh là có vốn để đầu tư cho con cái đi du học nước ngoài.

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết “Trên địa bàn xã Hải Ninh có hơn 100 hộ nuôi tôm trên cát, UBND xã cũng đã quy hoạch và cấp đất nuôi trồng thủy sản cho 396 hộ xây dựng mô hình nuôi tôm. Đây là điều kiện cần thiết để các hộ gia đình ở xã Hải Ninh đầu tư xây dựng các mô hình nuôi tôm thương phẩm trên cát, góp phần vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Trồng khoai lang trên cát cho thu nhập cao

           Gần đây, người dân vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Bình đã chọn khoai lang làm cây chủ lực trong vụ đông xuân. Đây là loại cây dễ trồng, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác.

     Chúng tôi đến xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi có nhiều hộ dân thu nhập cao nhờ cây khoai lang. Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Đồng cho biết, cuối năm 2013, xã ban hành nghị quyết chuyển đổi 160 ha đất trồng dưa hấu, đậu các loại sang trồng giống khoai lang đỏ Chuồn xuất xứ từ Đà Lạt. Chủ trương, nghị quyết phù hợp với lòng dân cho nên ai cũng đồng tình, thống nhất cao. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ diện tích trồng đậu, dưa hấu phía sau làng được thay thế bằng những cánh đồng khoai ngút ngàn.

          Ông Nguyễn Văn Thuyết, ở thôn 2 Thanh Tân chia sẻ, để trồng cây khoai lang, bà con lấy lại một ít củ trồng tại vườn nhà làm giống. Đến vụ thì cắt phần ngọn giống đó đưa ra ruộng trồng. Khoảng 15 ngày sau, khoai bén rễ, bắt đầu phát triển thì đánh luống hai bên, vùi rơm xuống rồi bón lân, ka-li để cây sinh trưởng phát triển. Sau bốn tháng, cây khoai lang cho thu hoạch. Một héc-ta cho năng suất bình quân đạt từ chín đến 12 tấn củ, với giá bán trên thị trường là từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thuyết có 1,2 ha đất trồng khoai lang, cho thu nhập gần 125 triệu đồng. Trong khi trước đây, cũng với diện tích này, ông trồng đậu và dưa hấu, mỗi năm hai vụ nhưng chỉ thu được khoảng 35 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Tái ở thôn 2 Thanh Tân được bà con coi là “triệu phú khoai lang” bởi với một ha trồng khoai lang, gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng, con số lớn nhất ở vùng cát Lệ Thủy từ trước đến nay. Gặp chúng tôi, ông phấn khởi cho biết, năm nay khoai lang được mùa, lại được giá nên mới có hiệu quả lớn như vậy.

Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Hoàng Quang Đồng nói thêm: "Trước đây, cây khoai lang được xem như loại cây trồng để chống đói và làm thức ăn chăn nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai lang đã được “nâng tầm” và trở thành loại cây cho thu nhập chính, cao gấp ba, bốn lần so với trồng lúa và các loại cây nông nghiệp khác".
     Năm năm trước, xã Thanh Thủy có 25% số hộ nghèo, thì nay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chủ yếu trồng khoai lang, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 4,5%. Xã Thanh Thủy đã cán đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2019.

   Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh trồng gần 2.000 ha cây khoai lang, chủ yếu là giống khoai lang tím Nhật Bản, khoai lang đỏ Chuồn. Ưu điểm của các giống khoai lang này là rất hợp với đất cát, khả năng kháng bệnh tốt và chất lượng củ thơm ngon, được thị trường ưa chuộng cho nên giá bán cao. Đặc biệt, khoai lang còn là nguyên liệu để làm nên sản phẩm khoai deo độc đáo và riêng có của miền gió cát Quảng Bình.

Không chỉ ở Thanh Thủy mà ngay tại vùng vốn ít đất cát để trồng khoai lang là xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cũng đã tạo được thương hiệu “khoai deo Hải Ninh” có tiếng trong cả nước. Bình quân mỗi vụ, xã Hải Ninh chế biến 700 tấn khoai tươi, tạo ra 175 tấn khoai deo thành phẩm, với giá bán hiện nay là 100 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu 17,5 tỷ đồng.

      Với hiệu quả mà cây khoai lang mang lại, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

  Với một dải cát mênh mông trắng tinh bao đời, nay vùng "sa mạc trắng" Quảng Bình đã có một màu xanh ngút ngàn bất tận ,cuộc sống của người dân được cải thiện được ấm no. Đó là điều đáng mừng vô cùng!

                            Đồng Hới, Quảng Bình - Hà Nội 7- 2020

                                                       Đ - H

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *