Từ đời vào văn

18/9
8:07 AM 2020

BƯỚC LÊN KHÔNG GIAN MẠNG: BÂY GIỜ HAY BAO GIỜ?...

Minh Hằng-Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực Văn hóa, nghệ thuật do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện cho thấy: hiện cả nước có gần 47 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính đủ lớn để có thể tự xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng.

Ngoài ra, còn có các tổ chức văn hóa - nghệ thuật hoạt động độc lập cũng đang chịu tác động của dịch Covid-19 khi phải hoãn, hủy các xuất diễn, nhưng chi phí thuê địa điểm của tư nhân không được miễn, giảm... dẫn đến không có nguồn thu và buộc phải đối mặt với việc cắt giảm chi phí, nhân công và mức lương của người lao động.

Để văn hóa, nghệ thuật phát triển bền vững, thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh, thích ứng với nhu cầu hội nhập văn hóa cũng như phát triển bền vững, giới chuyên gia và các nhà xã hội học cho rằng: Việc cung cấp các sản phẩm/ dịch vụ văn hóa trên môi trường online là một xu thế tất yếu. Và là hướng đi đúng và trúng của ngành văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng.

 

THÍCH NGHI ĐỂ KHÔNG RƠI VÀO THẾ KHÓ

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ có Việt Nam mà cả thế giới đều hối hả bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng kỹ thuật số tiên tiến, hiện đại, hướng đến sự tối ưu hóa mọi ứng dụng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội mà con người là chủ thể. Tại Việt Nam, nền tảng trực tuyến cũng đã sớm được Chính phủ hoạch định, nghiên cứu và phát triển. Cho đến thời điểm hiện tại, trên 1.000 dịch vụ công đã được xử lý trên nền tảng trực tuyến, không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, người dân.

Không thể phủ nhận những lợi ích của nền tảng số mang lại cho cuộc sống. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, đây còn là phương tiện để nhiều người có thể thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của bản thân khi không có điều kiện về kinh tế. Người ta có thể ngồi tại nhà, lên mạng, tìm thông tin, ảnh chụp và lưu giữ thông tin cho bản thân, thậm chí có thể tự do sáng tác, công bố tác phẩm của mình cho bạn bè, người thân và cả thế giới, chỉ trên một chiếc điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet. Những ứng dụng của công nghệ số đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội con người. Đến nỗi nhiều người lo ngại, chúng ta đang có một thế hệ ăn số và ngủ số, hay nói như người Nhật: Rất có thể một thế hệ chỉ biết cúi đầu (nghiện dùng điện thoại thông minh) đang hình thành.

Nhưng nói gì thì nói, việc ứng dụng nền tảng trực tuyến cũng đem lại những lợi ích thiết thực rất đáng được ghi nhận. Đặc biệt, khi đứng trước làn sóng đại dịch Covid-19, những nhu cầu thiết yếu về văn hóa, nghệ thuật vẫn được đảm bảo, giúp con người tìm được bến đỗ và sự bình yên trong tâm hồn. Nhờ có nền tảng số, nhiều bộ phim bom tấn, chương trình hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật... thay vì biểu diễn trực tiếp đã chuyển sang biểu diễn online, với chất lượng âm thanh, hình ảnh và nhiệt huyết của người nghệ sĩ đạt đến độ hoàn hảo.

Tại Việt Nam, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần có những thay đổi trong việc thưởng thức nghệ thuật từ xa”. Dịch bệnh Covid-19 có những tác hại lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở khía cạnh tích cực khác, dịch bệnh là lúc để mọi người nhận thức lại, rõ hơn về vị trí, vai trò của những hoạt động văn hóa, nghệ thuật trực tuyến.

Thực tế, khi những căng thẳng lên đến đỉnh điểm của dịch Covid-19 lần thứ nhất dịu xuống, nhiều ý tưởng nghệ thuật trực tuyến đã ra đời và được thực hiện thành công. Có thể kể ra đây dự án “24h Music Marathon” - chương trình biểu diễn toàn cầu trực tuyến, do nhóm nghệ sĩ Trang Trịnh, Phan Đỗ Phúc, Vũ Phương khởi xướng, mang thông điệp “Hãy ở nhà, tôi sẽ đàn cho bạn nghe”; Music Home của truyền hình FPT mùa 2 đầu năm 2020... đã phần nào thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc chất lượng cao tại nhà của khán giả. Music Home ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác với tính năng tuỳ chọn góc nhìn (multi-cam) giúp khán giả làm chủ được màn hình với thao tác lựa chọn góc máy cùng trải nghiệm không gian chân thật như đang theo dõi trực tiếp tại buổi diễn. Không những vậy, nền tảng trực tuyến còn cho phép người nghe, xem tương tác trực tiếp với cá nhân biểu diễn, nhà tổ chức... tạo nên sự hưng phấn cho tất cả những người tham dự chương trình, với cảm giác không khác nhiều so với việc được xem, nghe và tham gia trực tiếp. Cho thấy đây là hoạt động nhanh, nhạy và rất cần thiết để đời sống văn hóa, nghệ thuật không bị gián đoạn bởi lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội thời dịch bệnh.

 

SỐ HÓA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT: BÂY GIỜ HAY... BAO GIỜ?

Trên thực tế, tại nhiều quốc gia, các di sản nghệ thuật quá khứ đều đã được số hóa và dễ dàng truy cập trên mạng qua Google và nhiều địa chỉ mạng xã hội khác. Do tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới đều có website cho phép mọi người có thể tự do truy cập trên mạng và có thể lấy ảnh tác phẩm qua mạng. Không chỉ có tác phẩm mà ngay cả những thông tin về tên tuổi nghệ sĩ cũng được tích hợp nhằm giúp người truy cập dễ dàng tra cứu. Nhưng tại Việt Nam, hầu như chưa có bảo tàng nào thực hiện số hóa nguồn tư liệu hiện có một cách đầy đủ và bài bản. Đó là với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, còn với các loại hình nghệ thuật khác cũng không có sự khác biệt. Nguyên nhân được chỉ ra (tại Báo cáo) với 4 lý do căn bản cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến thực trạng phương tiện truyền thông mới/ kỹ thuật số vẫn còn ít được ứng dụng trong việc đưa những sự kiện, chương trình nghệ thuật, văn hóa trong nước tiếp cận với công chúng: thiếu kinh nghiệm; trình độ kỹ thuật, nền tảng trực tuyến còn hạn chế; khán giả chưa có thói quen; và quan trọng là do nhận thức chưa đầy đủ từ phía nhà quản lý cho đến những người thực hành văn hóa, nghệ thuật.

Cũng chính từ những hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông, đã có những đề xuất riêng của Bộ với Chính phủ Việt Nam về gói cứu trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật - sáng tạo. Song song với đó là gấp rút đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng Nhà hát Online, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ. Tuy nhiên với những đơn vị nghệ thuật nhỏ, độc lập... thì việc nhận hỗ trợ từ Nhà nước hay cá nhân tự vận động vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách. Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí duy trì hoạt động nghệ thuật được cho là khó càng thêm khó khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, sự vận động, tìm ra hướng đi trên nền tảng số của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật được cho là hết sức cần thiết. Và nếu làm tốt, có thể sẽ đem đến những thành công hơn cả mong đợi. Dự án phim chiếu mạng Phượng khấu có thể xem là minh chứng tiêu biểu cho sự thịnh hành và phát triển của văn hóa phẩm mạng. Trong khi nhiều hãng phim, nhà hát còn chưa sẵn sàng chuyển đổi số hóa các tác phẩm điện ảnh thì Phượng khấu đã thành công khi sở hữu tỷ lệ người truy cập mỗi ngày đều tăng lên chóng mặt và đôi khi nghẽn mạng.

Và, trong khi mỹ thuật, bảo tàng, điện ảnh, sân khấu... còn khá dè dặt với nền tảng trực tuyến thì âm nhạc đã đi tiên phong. Nhạc số đã thắng thế khi lần lượt cho các hãng ghi âm, băng đĩa lùi vào dĩ vãng. Đồng thời mở ra thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ giữa các website nhạc số. Thay vì biểu diễn để ghi âm, phát hành trực tiếp ra thị trường, hệ thống rạp hát, bưu điện thì các nghệ sĩ, ca sĩ chọn phát hành các tác phẩm âm nhạc theo hình thức trực tuyến. Và đây cũng là mảnh đất hình thành nên những gương mặt nhạc sĩ, diva, ca khúc độc quyền; thu hút những nhà cung cấp dịch vụ nhạc số trong nước và quốc tế.

Văn hóa, nghệ thuật cần bước lên không gian mạng là điều vốn không cần phải bàn, nhưng bây giờ... hay bao giờ, vẫn còn là câu hỏi mà câu trả lời không phải ở phía người thưởng thức nghệ thuật, mà từ chính các nhà quản lý, các nghệ sĩ đang gánh trên vai trọng trách cung cấp món ăn tinh thần cho người dân không chỉ trong thời covid-19, mà còn cả ở thời kỳ phía sau đại dịch. Hay nói như Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch): “Văn hóa, nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân trong bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ, thực hiện các hoạt động, chương trình hấp dẫn trên không gian mạng để phục vụ công chúng rất đáng khuyến khích. Hy vọng, trong thời gian tới, các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy, tạo không khí văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, khơi dậy tinh thần lạc quan đẩy lùi dịch bệnh”.

Về lý thuyết mong muốn là vậy, trên thực tế cơ sở vật chất và yếu tố con người vốn đang trở thành lực cản ở không ít đơn vị nghệ thuật, do đó, để văn hóa, nghệ thuật có thể phát triển bền vững trên không gian mạng, hơn lúc nào hết cần có những chính sách để hỗ trợ cho những tổ chức văn hóa, nghệ thuật, hay những đơn vị làm về truyền thông số, để họ cùng liên kết tạo ra cơ chế, từ đó thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật theo hướng bền vững.

Nguồn Văn nghệ số 37/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *