Tin tức

12/4
10:30 PM 2016

Ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba của Phạm Thị Bích Thủy

Tin và ảnh: TUYÊN HÓA

Chiều 12-4-2016 tại Thư viện Quốc gia (52 Hai Bà Trưng-Hà Nội) đã tổ chức buổi ra mắt tiểu thuyết “Đáy giếng” của tác giả Phạm Thị Bích Thủy do NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp cử nhân văn chương và tiếng Nga tại Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petursburg), Liên bang Nga; Tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 1986 đến 2000 là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 2000 đến nay làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.

Tác giả Phạm Bích Thủy

Ngoài hoạt động giảng dạy và kinh doanh, Phạm Thị Bích Thủy còn là một cây bút mới xuất hiện được dư luận chú ý. Chị đã xuất bản 1 tập truyện ngắn “Chạy trốn” (2013) và 2 cuốn tiểu thuyết “Đồi cát bay” (2014), “Tiếng sáo lạc” (2015). “Đáy giếng” là cuốn tiểu thuyết thứ ba của chị. Buổi ra mắt sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và đồng nghiệp. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học uy tín đã đến dự và phát biểu về cuốn tiểu thuyết này, như: Nhà phê bình Văn Chinh, nhà phê bình trẻ Hoài Nam, PGS-TS Vũ Nho, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn Chu Lai, nhà văn Phạm Quang Đẩu, nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Di Li v.v.…

Tiểu thuyết “Đáy giếng” đi vào một đề tài quen thuộc, hấp dẫn nhưng khó thể hiện, bởi đã rất nhiều tác giả xử lý đề tài này mà bất thành. Nội dung 400 trang sách xoay quanh các nhân vật ở nhà máy rượu Vodaco. Không gian nghệ thuật hạn hẹp và tù túng sau cánh cổng sắt gỉ ngoèn và những bức tường vôi vàng ẩm thấp lở rụng lả tả theo mỗi ngày dưới ánh đèn vàng đục quanh năm thiếu sáng bởi đã cháy mấy cái bóng mà chẳng ai thay chính là nơi tải một trường thiên chưa có hồi kết của cả một nền kinh tế đi từ bao cấp đến thị trường đầy gian manh, lọc lừa, trì trệ, bảo thủ, đố kỵ, độc ác, quanh co, xảo quyệt, ngớ ngẩn, tham lam và bần tiện. Những nhân vật điển hình mà bất cứ ai đã từng đi làm trong một cơ quan nhà nước đều có thể bắt gặp hàng ngày:

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Đây là câu chuyện làm ăn, quan hệ giữa người và người trong guồng máy sản xuất dần dần hiện lên dưới ngòi bút kể chuyện nhẩn nha đủng đỉnh-một thủ thuật đòi hỏi người viết phải có cái duyên văn tự. Nhìn chung đây là một mạch truyện luôn biến động mà sâu trầm vì sự sống dồi dào cuồn cuộn, liên tiếp có những làn sóng cao trào nhiều kịch tính, đặc biệt càng về cuối càng cuốn hút vì các sự kiện và tính cách nhân vật đã được đẩy đến đỉnh điểm. Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Thành công của cuốn sách còn nằm ở phương diện này”.

PGS-TS Vũ Nho cũng khẳng định: “Cũng như ở hai tiểu thuyết trước, Thủy có nhân vật then chốt của cô cho câu chuyện Đáy giếng hay có lẽ cần phải nói rằng cô lại tìm ra nhân vật cho mình. Bởi ở đây là một nhân vật tầm thường nhưng rất lạ. Trong văn chương đương thời chúng ta bao nhiêu năm qua chưa thấy có một vai nữ chính nào thô lậu quái kiệt như nhân vật mụ kế toán già hỗn danh Hách Vuông của tiểu thuyết Đáy giếng.”

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Xây dựng nhân vật trên nguyên tắc nhân bất thập toàn là nét trội trong tiểu thuyết. Bà Hách là một nhân vật rất ấn tượng, đi suốt tiểu thuyết. Đây là một mẫu đàn bà phồn thực trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan viết trên báo Văn nghệ-cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam: “Phạm Thị Bích Thủy, đến cuốn tiểu thuyết thứ ba này của mình, cho thấy một đặc điểm nổi bật xuyên suốt các sáng tác của cô: không nhân nhượng, đến từng chi tiết, về ý tưởng và thông điệp, không nhân nhượng ngay cả với nhiều đòi hỏi tự thân của việc kể truyện văn học. Giọng kể hay giọng điệu văn chương của cô riết róng, dồn dập, tựa như muốn vắt kiệt đối tượng kể. Bởi thế truyện của tác giả này lôi cuốn, theo cách nó luôn gây ấn tượng câu chuyện nó kể có gì đó rắc rối, bất ngờ hay tai quái đang chực chờ ngay ở đoạn sau hay trang sau. Ấn tượng đó lại toát ra từ những trần thuật dung dị, nhiều lúc tỉ mẩn, về những sinh hoạt hàng ngày – bối cảnh tác thành các âm mưu và biến cố”…

Tại buổi ra mắt và giao lưu với độc giả, Phạm Thị Bích Thủy cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc về những chuyện “bếp núc” xung quanh việc sáng tác và xuất bản tiểu thuyết “Đáy giếng”.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *