Tin tức

20/5
8:06 PM 2016

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời-Lễ viếng từ 9-11 giờ ngày 22/5

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, sinh năm 1947, quê ở làng Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, hội viên Hội Nhà văn VN đã qua đời hồi 3 giờ 45 phút ngày 20-5-2016 (tức ngày 14 tháng Tư Bính Thân) tại Viện Quân y 103, sau một năm chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 70 tuổi.

                                                                  Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (ảnh: nguồn Internet)

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Khắc Phục từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 22-5-2016 (Chủ nhật) tại nhà tang lễ Viện quân y 103, đường Phùng Hưng quận Hà Đông, Hà Nội. Tiếp sau là lễ truy điệu và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.  An táng tại quê nhà, thôn Hương Cát, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu “Người từ giã cuối cùng” sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay “Những ngôi sao biển”. Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tự thú trước bình minh”, “Nhiệm vụ hoa hồng”,“Học trò thủy thần”, “Lạc cầm thứ mười ba” và đặc biệt là phim “Bọn trẻ” đã được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn được mệnh danh là “Vua kịch bản lễ hội”. Ông đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các “Lễ hội”, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông đã được trao giải thưởng về truyện ngắn của Báo Văn Nghệ 1967 và Tạp chí văn nghệ Quân đội 1969; Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, chuyên ngành sân khấu năm 2007.

Đầu năm 2015, tiểu thuyết “Hỗn độn” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục ra mắt bạn đọc và được giới phê bình đánh giá cao. Trước đó, Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết Hỗn độn. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Ông nói với tôi: “Cậu có biết Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì không? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thuở. Và mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Giờ thì Nguyễn Khắc Phục đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng thông điệp truyền cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho thế hệ trẻ vẫn còn lắng đọng mãi trong các tác phẩm của ông. Ban biên tập VanVN.Net xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến và người thân của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

                                                                                         Việt Chiến

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *