Tin tức

29/4
10:38 AM 2016

Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” (phần cuối)

Vanvn.net – Như tin đã đưa, sáng 28-4-2016 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Trường đại học Văn hóa tổ chức. Trong buổi chiều cùng ngày, phiên làm việc tại các tiểu ban (thơ và văn xuôi) diễn ra khá sôi nổi với các tham luận được trình bày và ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn, dân chủ.

Tại tiểu ban thơ, PGS. TS Trương Đăng Dung mở đầu bằng ý kiến: Phẩm chất của sáng tạo là không lặp lại, là luôn phải tạo ra cái mới. Nói đến văn chương nghệ thuật là nói về sự đổi mới. Đổi mới, khám phá cái mới chính là bản chất của nghệ sĩ. Nhưng nếu cấp cho văn học quá nhiều chức năng thì lập tức sẽ bị biến thành thứ khác xa với nghệ thuật. Mỗi người làm công việc sáng tạo cần viết khác so với cái đã có của mình, giữa những người làm văn chương cần viết khác nhau đồng thời phải cổ vũ cho các xu hướng sáng tác khác mình. Người viết thay đổi tích cực sẽ kéo theo sự thay đổi thị hiếu của độc giả. Một nhà thơ chỉ cần một nhóm độc giả của mình và giữ được đám độc giả đó để mở rộng thêm chứ không thể làm vừa ý tất cả công chúng. Điều cần thiết đối với người đọc, người viết ở mọi thời đại là cần mở rộng cách nhìn về văn chương nghệ thuật, mở rộng nhãn quan về văn học thế giới để từ đó hiểu được chúng ta đang ở đâu, chúng ta là ai, chúng ta đang sáng tạo như thế nào…

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tổng kết thơ Việt Nam hiện đại (tính từ 1930) để chia các giai đoạn thơ bằng con số cụ thể: cứ 15 năm các nhà thơ lại tạo nên một dấu mốc của thế hệ. Như vậy, sau 1975, tính đến nay đã có thêm gần ba thế hệ thơ (1975 – 1990; 1990 – 2005; 2005 đến nay), mỗi chặng đường sáng tác, các nhà thơ đều làm nên dấu ấn của chính mình. Tiếp đó nhà thơ đánh giá về sự đổi mới của thơ sau 1975: hoàn cảnh xã hội mới tạo điều kiện cho nhiều điều mới bộc lộ (về ngôn ngữ, hình tượng, cách thức thể hiện…), nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự đổi mới từ trong chính tâm hồn, trí tuệ, nhãn quan của người sáng tác. Nếu trong tâm can không có gì thì đừng bao giờ nói đến sự cách tân, bởi không có điều gì ẩn chứa bên trong mỗi câu chữ thì các câu thơ chỉ còn lại xác chữ mà thôi. Người làm thơ khi dùng nghệ thuật ngôn từ để thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình trước hết phải biết thổi hồn vào chữ để bài thơ trở thành một sinh thể sống động mới có thể lay động được lòng người.

Nhà thơ Trần Quang Quý bày tỏ suy nghĩ về sự đổi mới trong thơ: Hãy soi chiếu sự rung động trong tâm hồn mình vào những vật dụng xung quanh cuộc sống để tìm thấy ở đó những vẻ đẹp, những sự vận động, những niềm vui và cả nỗi đau. Hãy “nuôi chữ” cho đến khi đủ lớn và làm chủ được chữ thì mới có thể làm nên sự mới mẻ, nếu không sẽ chỉ còn lại đống vỏ ngôn từ rỗng tuếch.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Tôi đã đi xa “Sự mất ngủ của lửa” (tập thơ được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992) rất lâu rồi. Có thể sự rời xa đó đưa tôi về phía ánh sáng hay đẩy sâu vào bóng tối, nhưng từ đó tôi được là chính tôi, biết vượt qua những nỗi sợ hãi mơ hồ để nói tiếng nói của chính mình. Và sự đổi mới là tự thân của mỗi người sáng tác. Với tôi, đổi mới là hơi thở.

Phần thảo luận, trình bày ý kiến của các nhà phê bình: Nguyễn Thanh Tâm, Trần Ngọc Hiếu, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Lê Giang đều tập trung vào các vấn đề: cần định danh một cách rõ ràng về thế hệ nhà văn sau 1975; ghi nhận sự đổi mới về thể loại, thi pháp, kĩ thuật của người sáng tác; cần thoát khỏi định kiến về giới trong sáng tạo; cuộc chuyển giao thế hệ, “bàn giao” văn học là tất yếu của tiến trình phát triển chung…

Cùng thời điểm đó, tại tiểu ban văn xuôi diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà văn và giới phê bình. Nhà văn Y Ban thẳng thắn đưa ra nhận xét: hiện nay các nhà phê bình Việt Nam không theo kịp sáng tác và ngay cả công việc làm phê bình cũng đang rơi vào tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Nhiều bài phê bình chỉ viết cho đủ dung lượng trang báo (phê bình báo chí) đang khá phổ biến; một dạng khác là “phê bình trong trường học” – tức là các luận văn, luận án của sinh viên chuyên ngành văn chương. Nhiều nhà văn làm nên diện mạo văn học Việt sau 1975 bị bỏ quên, không được gọi tên một cách chính danh mà chỉ được “đính kèm” trong những cuộc bàn thảo về văn học hiện đại. Bên cạnh đó, việc đầu tư mua tác phẩm cho các tủ sách văn học Việt Nam đương đại dường như không được chú ý khiến tác phẩm của các nhà văn luôn “xa lạ” với chính người làm nghiên cứu.

Phản hồi những ý kiến của nhà văn Y Ban, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn lí giải: không có nhà phê bình nào bắt tay vào làm việc đã trở nên sâu sắc, giỏi giang ngay được, tất cả đều phải có quá trình. Các nhà phê bình hiện nay vẫn đang tiếp tục công việc của mình, chắc chắn họ không bỏ sót bất kì trường hợp nào.

Kết thúc thảo luận tại các tiểu ban, phiên toàn thể được tiến hành ngay trong cuối buổi chiều 28-4. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến dự và phát biểu tổng kết, ông đánh giá những đóng góp quan trọng của thế hệ nhà văn sau 1975 trên các phương diện: đổi mới về cảm quan sáng tạo (từ đơn tuyến đến phức hợp); đổi mới về chủ thể sáng tạo (cái Tôi cá nhân được bộc lộ, được đề cao, vừa là nhân vật vừa là nhân chứng); đội ngũ sáng tác sau 1975 trở thành chủ lực của nền văn học đang đổi mới… Tất cả những điều đó làm nên một nền văn học Việt Nam hiện đại trở nên thật hơn, gần hơn với đời sống. Nhà thơ Hữu Thỉnh kết thúc bằng lời phát biểu chân thành: “Đại diện thế hệ nhà văn chống Mỹ, tôi xin ngả mũ cúi chào một thế hệ mới làm đầy nền văn học của chúng ta – thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975”.

PGS. TS Văn Giá – Trưởng khoa Báo chí – Viết văn trường ĐH Văn hóa Hà Nội báo cáo tổng kết hội thảo: Với tinh thần gợi mở, tạo diễn đàn bàn luận đa chiều, Hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 đã thực sự thu hút nhiều góc nhìn, phương pháp tiếp cận khác nhau, đồng thời, đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu, kết luận hữu ích cho giới nghiên cứu và bạn đọc văn chương. Một số vấn đề bỏ ngỏ, chưa giải quyết thấu đáo trong Hội thảo cũng có thể thúc đẩy những khám phá, tìm biết kĩ lưỡng, chân xác hơn. Cùng với các hoạt động chuyên môn chính, Hội thảo cũng đã hoàn thành cuốn sách "Thế hệ nhà văn sau 1975: Diện mạo và Thành tựu". Cuốn sách được Hội đồng khoa học của Hội thảo tuyển chọn, biên tập từ các tham luận, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *