Tìm tòi thể nghiệm

27/4
9:22 AM 2017

TẢN MẠN VỀ MỘT NHÀ VĂN HÓA LỚN

HỒ PHI PHỤC-Năm 1992, trong một cuộc gặp gỡ trí thức văn nghệ sĩ ở Vinh, nhà văn Ngô Thảo nói với tôi “cụ Phan Ngọc là nhà văn hoá lớn hiện nay”, lúc này ông không còn trẻ những cũng chưa già. Tôi được trực tiếp gặp ông hai lần, môt lần với nhà văn Sơn Tùng ở Hà Nội, một lần với chị Phan Thị Quỳnh Trang ở TP. Vinh.

                                             Nhà văn Phan Ngọc

 Và chủ yếu là gặp ông trên nhiều lĩnh vực ở sách báo khi tìm hiểu học tập, với kết quả không là bao trong chiều rộng và chiều sâu những công trình đồ sộ của ông. Cuối cùng, chỉ đọng lại một vài kỷ niệm, thế cũng là có ích lắm rồi!

Ấn tượng đầu tiên gặp ông có lẽ là hai thuật ngữ  “thao tác” và “mẹo”, - cũng là hai khái niệm, hai phương tiện xoáy sâu vào sự nghiệp nghiên cứu độc đáo của ông. Từ thao tác và mẹo riêng có, để tìm đến cách tiếp cận các công trình văn hoá bằng “thức nhận”, “vượt gộp” và “độ khúc xạ” một cách khúc chiết tư duy, giản dị ngôn ngữ. Ở ông, văn hóa trùm lên tất cả. Thật khó chọn một bộ môn nào là đối tượng chính mà ông chạm tới: Ngôn ngữ học, dân tộc học, triết học, mỹ học, hán học, chính trị, dịch thuật, văn học, lý luận phê bình…

Hãy đi qua dịch thuật. Có thể nói sau Trương Vĩnh Ký (thế kỷ 19), Phan Ngọc là một trong những người Việt thông thạo nhiều ngoại ngữ ở thế kỷ XX. Nghiên cứu văn hóa dân tộc nào ông dành mấy tháng học ngôn ngữ dân tộc đó, có gần vài chục trường hợp như thế. Những công trình dịch thuật kèm theo văn bản giới thiệu của ông đã cuốn hút nhiều tầng lớp bạn đọc. Xin nêu một vài tác phẩm lớn: Từ thần thoại Hy Lạp tiếng Hy Lạp, Spartacus tiếng Ý đến Đạo Đức Kinh, Sử Ký, Thơ Đỗ Phủ tiếng Hán; từ Shakespeare tiếng Anh đến Chiến tranh và Hòa bình tiếng Nga; từ mỹ học Hegel tiếng Đức đến kịch Molie tiếng Pháp… Chỉ nói riêng việc dịch thơ Đỗ Phủ đã thấy cảm hứng nhân văn của ông dâng lên đến mức nào. Khi tôi kinh ngạc ông đã dịch một nghìn bài thơ Đỗ Phủ đáng giá cả về chất lẫn lượng, ông nói:

- Một giáo sư Pháp gọi Đỗ Phủ là “nhà thơ nhân loại”. Đỗ Phủ viết về nỗi khổ của người dân ở 7 phương diện: vua, quan, nha, mưa, nắng, bão, lụt. Và mỗi phương diện có 7 bài tuyệt tác. Viết đúng cái huyệt cơ cực của dân. Tôi gọi Đỗ Phủ là “nhà thơ dân đen”. Bác Hồ đã dẫn thơ Đỗ Phủ trong Di chúc…

Song tìm ra cách tiếp cận mới văn hóa Việt Nam, đặc biệt qua truyện Kiều và tư tưởng Hồ Chí Minh mới là hướng chủ yếu của ông. Ông nói:

- Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh phải nói đến cái bất biến của tư tưởng này là đã kiên trì tìm đường cứu nước, là đã Việt Nam hóa được chủ nghĩa Mác Lê Nin khi “khúc xạ” qua tư tưởng Hồ Chí Minh để đem đến kết quả cho cách mạng Việt Nam. Bác Hồ theo chủ nghĩa Mác Lê Nin với thái độ của một người bình luận, khác hẳn một tín đồ. Đây chính là con đường “thức nhận” tỉnh táo phân biệt châu Á không phải là châu Âu, châu Âu không phải là toàn nhân loại. Mác nặng về kinh tế, Bác trích Mác ít, chỉ 45 lần, trong đó 5 lần trích nguyên văn, còn thì qua qua. Bác chú ý chữ Nhân, trích Khổng hơn 1.000 lần, cuối đời thăm viếng Khổng. Mác không chú ý, không rõ phương Đông. Lê Nin có chú ý phương Đông. Lê Nin mềm mại, có khả năng tập hợp. Stalin không có khả năng đó nên phải dùng bạo lực… Về mặt này, việc đấu tranh giai cấp ở ta được ông Nguyễn khẳng định không được diễn ra giống như ở phương Tây… Cái sơ lược của Mác - Lê nin là hạn chế làm ngoại thương, tuy Lê nin có kêu gọi học buôn bán… Phê phán là quan trọng, phương pháp làm là quan trọng. Trước lúc đánh Mỹ, Bác rất chú ý đề xuất của giáo sư Trần Đại Nghĩa: phải làm nhiều đường, làm nhiều thủy lợi nhỏ để bom địch không thể phá hết được. Bác đặc biệt quan tâm biện pháp, đã dự báo đúng nhiều sự kiện, để làm cái làm được, nên luôn luôn thắng. Suy nghĩ độc lập, hành động khôn khéo táo bạo, luôn luôn lấy nhân hoà làm sức mạnh quyết định. Đó là sự vượt gộp để bảo về chủ nghĩa Mác - Lê nin trong hoàn cảnh thế giới đương thời. Bây giờ Việt Nam là mục tiêu của cả Trung Quốc và Mỹ, - đó cũng là cơ hội, nhưng phải có minh quân, có tập thể minh quân đi theo con đường của Bác. Con đường đó là con đường văn hóa Việt Nam mà trước đây do hoàn cảnh khách quan đã không thực hiện được chu đáo. Nay hoàn cảnh thuận lợi không phải chịu sức ép lớn từ bên ngoài, Việt Nam sẽ đi đúng con đường của mình với văn hoá của chính mình. Còn gì hơn thế nữa!

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là về mảng nông thôn, ông đã rút ra được cái hồn cốt lâu đời để dẫn đến 7 điều hấp dẫn. Dân làng sinh ra trong quang cảnh nên thơ của làng; con người lao động chân bùn tay lấm, thuần phong mỹ tục, công dung ngôn hạnh; thơ ca và những lời khấn; đồ tế lễ trên bàn thờ gia tiên; hàng thủ công mỹ nghệ riêng có… và rải rác mồ mả, nghĩa địa làng. Ông nói và viết về những vấn đề này bâng quơ nhưng nặng trĩu, đầy ám ảnh. Văn hóa làng đã là sợi dây bền chắc níu kéo sự cố kết mọi người, mọi nhà, mọi họ tộc. Một cuộc đời, nhiều cuộc đời và những cuộc đời vĩnh viễn mất đi, - dù ai đi đâu, về đâu, thì cuối cùng đều nhận ra: chỗ quê hương đẹp hơn cả!

- Với Nghệ An. Tôi thấy Bác có để thì giờ viết hai bài phú. Tôi không am hiểu về phú, chỉ biết văn học ta có “phú Tây Hồ” của Chu Mạnh Trinh và “phú Bạch Đằng Giang” của Trương Hán Siêu. Gần đây có “phú Lôm Côm” của Sỹ Giàng - “làm thật ăn cháo, láo nháo ăn cơm”… có lẽ đây là một mạch riêng, được Bác viết với rất nhiều tâm huyết?

- Đúng vậy. Thời lều chõng ngày xưa, các sĩ tử thắng thua ở bài phú. Khó, nhưng hấp dẫn. Phú không phải là thơ. Phú là trình bày, là mục đích nói một tình hình. Đã trình bày thì phải có đối lập, nói cái này để ẩn một cái kia. Đằng sau cái kia là một cái này, rất cụ thể, sẽ tạo ra một sự suy nghĩ khác, đó là phương Đông. Một bài phú có 4 phần: khai, thừa, chuyển, hợp. 4 phần này lại phải tiếp tục đối nhau… Nhiều nhà Nho đã tự nhận có thể mê phú đến quên việc nước! Tôi tập làm phú theo sự bày vẽ của cha tôi. Bài thứ nhất viết về GS Đặng Thai Mai: “thông minh vượt chúng, bụng chứa đầy văn hóa Việt, Pháp, Hoa. Kiến thức trùm đời, chí nào sá thi thư văn, sử, triết…”, “đừng nói chết là hết, tấm gương nhân hậu trong thản nhiên lo khắc phục gian lao. Chớ bảo sống là yên, cuộc sống khiêm nhường, ngoài lặng lẽ, chứa đấu tranh quyết liệt…” để phần nào nhớ Thầy, biết ơn Thầy, danh nhân lớn người xứ Nghệ. Nhưng đến khi Tỉnh uỷ Nghệ An giao cho tôi viết bài phú làm “văn bia nghĩa trang liệt sĩ hữu nghị Việt Lào tại Anh Sơn” thì thực sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc được thể hiện tình cảm đối với đất nước, trước “Sáu vạn thước vuông, mười nghìn nấm mộ”, “Bốn vạn người gục xuống để hai nước đứng lên,  50 năm trôi qua, khiến triệu nhà mong nhớ”, “Dựng tấm bia làm kỷ niệm, biết hạnh phúc có xương rơi, xây nghĩa trang nhắc toàn dân hiểu hòa bình nhờ máu đỏ”… tôi cũng có nhiều người thân trong số liệt sĩ này. Tình riêng tưởng đã lớn, mà lúc đứng trước nghĩa trang thấy nó nhỏ bé trong cái tình chung quá lớn lao. Những hy sinh này vì đâu, do đâu, chúng ta và con cháu phải luôn luôn hiểu và nhớ.

- Thưa bác, trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, có lúc dùng phương cách khu biệt hoặc trìu tượng hóa vấn đề; chính trị thì dựa vào phương châm “dĩ bất biết, ứng vạn biến”; còn địa bàn khoa học xã hội mênh mông trời đất, từ cái riêng kết lại cái chung, hoặc cái chung lẫn vào cái riêng. Trên “sa bàn thao tác” chắc bác đã có được những kiếm thuật rạch ròi?

- Vấn đề này rộng, tôi chỉ nêu một vài ý. Ví dụ khi nghiên cứu phê bình tác phẩm nào, thì không thể biết hết đối tượng, mà phải chọn một số trang, số dòng hay nhất của họ thể hiện họ nhiều nhất, để mổ xẻ, để nêu bật - điều này dễ hiểu. Còn về sáng tác, điều quan trọng nhất là phải có “cái góc” của anh, cái góc đó không ai hơn anh được, để viết. Có khi 20 đến 30 năm sau mới công bố, và nó sẽ sống. Sinh thời sẽ đụng chạm, không đụng chạm thì không có giá. Khoa học, nghệ thuật là sự đụng chạm. Cái góc của Mác là tư bản. Mác lấy cái góc tư bản từ Ăng Ghen là một trong ba nhà tư bản lớn nhất ở Đức nên không ai hơn ông ấy được về vấn đề này, vấn đề tư bản. Mỗi người phải tự xác định cái góc của mình trước khi viết tác phẩm chủ yếu. Tôi có cái góc của tôi, dù tôi vẫn viết được về văn học phương Tây, không kém người  ta lắm. Nhưng tôi chỉ là tôi khi tôi chọn viết Nho giáo, và khó ai hơn tôi được. Nhân đây tôi có nhận xét là cuốn Chân trời lạ của anh hay, Hoa đại thì phảng phất Nhặt cánh hoa tàn của Lỗ Tấn,… Nhưng cái góc của anh phải là Quỳnh Lưu, nơi thể hiện cái chất hùng, bi, hài và có cả chút cực đoan của cả một thời, của cả chế độ. Cả nước tập trung đầy đủ nhất ở đó. Anh viết đi, tôi sẽ đề tựa cho!

- Thưa bác, chị họ tôi - PGS, Nhà văn Đặng Thị Hạnh chuyên gia hàng đầu văn học Pháp cũng khuyên tôi như thế. Nhưng tôi đâu dám! Rất tiếc là anh Nguyễn Minh Châu chỉ mới chớm vào,… Bác có nói ông thân của bác (cụ Phó bảng Phan Võ) và ông nội tôi (cụ cử nhân Hồ Phi Huyền) là hai người giỏi chữ Nho hơn cả người Tàu?

 - Đúng thế. Đã có lần tôi viết cha tôi rất trọng thị ông nội anh dám chống lại truyền thống khi thấy những điều không hợp. Ví dụ, việc phủ định thuyết ngũ hành trong y học: Y lý không dựa vào ngũ hành, các vị thuốc cũng vậy, dược tính là dược tính, y lý là y lý. Phải xét riêng từng trường hợp,…

Còn về tác phẩm Nhân đạo quyền hành của cụ viết trước Cách mạng Tháng Tám, thì đây là một khát vọng rất lớn, chưa nói nó đúng hay nó sai, khi muốn xây dựng một đạo đức học cho thời đại mình xuất phát ngay từ bản chất con người. Hơn nữa, đó là điều đạo đức học phương Tây xưa chưa làm được, trước sau họ đều xuất phát từ một ý niệm có sẵn chưa được kiểm chứng trong thực tế, giống như xuất phát từ một tiêu đề. Cho nên thiếu tính phổ quát cần thiết chung cho con người, với tính cách con người, được xem là lý do biện hộ cho nó… Tôi chỉ nói qua tác phẩm này về mặt phương pháp luận của cụ Hồ Phi Huyền - một nhà tư tưởng hiếm có trong tầng lớp Nho học xưa,…

Trong sự uyên thâm, phát sáng nghiên cứu văn hóa, đôi khi Phan Ngọc cũng có chút “nghênh ngang” như Nguyễn Tuân trong văn học, ở một tỷ lệ nào đó, ở một vài bóng dáng nào đó mang cốt cách phương Đông. Ông đã tiếp xúc và thuyết giảng nhiều lần ở các Đại học Mỹ, phương Tây, Trung Quốc, Đông Nam Á. Một lần, ở Hồng Kông, vị học giả trưởng lão Nhiêu Tông Di đáng kính của Đôn Hoàng học, vốn biết Phan Ngọc cao đạo dịch Đạo Đức Kinh (dễ hiểu) của Lão Tử, và là một người Việt Nam thuộc hơn 1.000 bài thơ Đường, điều mà không có một người Trung Quốc nào làm được như vậy - đã đích thân xuống núi đàm đạo tri kỷ,…

Trên mặt bằng chung, sự lo ngại “Những chân trời không có người bay” dường như được yên tâm hơn, khi có những đôi cánh nghiên cứu độc đáo với cách tiếp cận hiện đại như Phan Ngọc, là rất cần thiết, để góp phần xác lập tầm nhìn văn hóa Việt Nam - một tầm nhìn tự tin, có bệ phóng bản sắc dân tộc vững vàng, tung cánh vào bầu trời hội nhập.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An                                                                      

 

 

PHÓ GIÁO SƯ PHAN NGỌC: UYÊN BÁC VÀ TÀI HOA

HỮU ĐẠT

Nói về người lãnh đạo đầu tiên của tổ bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Văn, ai cũng nhớ tới Phó giáo sư Phan Ngọc. Đó là một người thông minh nổi tiếng, nhưng số phận lại không chiều. Vào khoảng thập kỷ sáu mươi, ông dính vào vụ Nhân văn giai phẩm. Kể từ sau cơn nóng sốt chính trị đó, cuộc đời ông rẽ ngoặt hắn sang một con đường khác.

Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh một con người gầy gò, có hàm răng ám khói, nhưng nói năng rất có duyên và như có ma lực thu hút người nghe. Người đó thường đến phòng cán bộ tập thể  của chúng tôi ở gác 4 nhà C1 ký túc xá Mễ Trì thường xuyên. Những lần ông đến, tôi thường đun nước tiếp ông. Tôi không bao giờ quên, ông là người uống nước rất khoẻ. Dạo đó, bao cấp, cán bộ chỉ được phân phối loại chè ba hào hay bốn hào rưỡi. Nhưng dù chè nào ông cũng không chê.Ông cứ vừa uống nước và trò chuyện. Chỉ khoảng đôi tiếng là ông đã uống hết hai phích nước mà không cần ra toa lét. Chuyện của ông thì đủ mọi thứ, từ cổ đến kim, từ văn chương đến ngôn ngữ, từ thao tác luận đến cách thức làm việc...Con người ông là một kho tri thức khổng lồ về lý luận cũng như cuộc đời. Bởi thế, tuy tôi không được nghe ông giảng trực tiếp trên lớp lần nào, nhưng suốt đời tôi vẫn gọi ông là “thầy”. Nếu tính tất cả những buổi ông đàm đạo, nói đúng là ông diễn giảng, thì tôi, Trần Hinh và một số bạn hữu đã nghe ông lên lớp quá nhiều giờ, không thể nhớ hết. Trong các “giờ học tự do” đầy bổ ích ấy, tôi đã học được ở ông rất nhiều điều về tri thức, về thao tác cũng như phương pháp luận.

Nghe như lời đồn thì ông là người rất kiêu ngạo, nhưng khi tiếp xúc với ông tôi lại thấy ông là người rất quần chúng, gần gũi chứ không có khoảng cách xa cách nào với người nói chuyện. Đặc biệt, khi giao tiếp, Phan Ngọc thường gọi tôi bằng một từ rất thân mật là “ông”. Mỗi khi hứng lên, bàn tay ông lại đập nhẹ vào đùi tôi rồi nói một cụm từ gần như điểm xuyết trong cả buổi nói chuyện: - Thế mới thú ông ạ.

Giọng Phan Ngọc rất “rè”. Một chất giọng đặc biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ ai. Nó gời gợi ra cho người nghe cái sự tò mò và chú ý. Còn bàn tay ông, thú thật tôi chưa nhìn thấy một bàn tay người đàn ông nào đẹp đến thế. Tất cả các ngón đều thon thả, hình tháp bút, nhỏ nhắn, trắng trẻo. Nội chỉ nhìn bàn tay cũng thấy là quí tướng, nho nhã hơn người.

Về tri thức, Phan Ngọc đúng là bậc cao đạo, nhưng con người ông lại giản dị và vui tính. Ông thích nói đùa, thích vui vẻ theo cách “nghệ sĩ”. Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với nhóm cán bộ trẻ chúng tôi thời đó là chiếc casset ông mua lại của chị Lý Thục Trân. Chị Lý là cán bộ tư liệu của khoa Văn, người Việt gốc Hoa. Trước sự kiện 1979, chị rời Việt Nam về Trung Quốc. Vì chị có chiếc casset đắt tiền nên chị ra đi nhiều người thích nó mà không ai đủ tiền. Sau đó thế nào, giáo sư Phan Ngọc lại đồng ý mua lại chiếc casset này. Trong chiếc casset có một cuộn băng chúng tôi vui vẻ thu lại một chương trình “ngâm thơ trên đài” do tôi đệm đàn bầu và anh Trần Hinh thể hiện. Phan Ngọc mang cuốn casset này về nhà ở phố Bùi Thị Xuân. Ông bảo mỗi khi nhớ chúng tôi ông lại mở nó ra nghe. Một lần, khi tôi ra thăm ông, ông vui vẻ bảo:

- Này, cuốn băng của các ông hay lắm. Mấy cô gái ở phố tôi thỉnh thoảng sang đây nghe vẫn hỏi: “nghệ sĩ nào ngâm thơ và chơi đàn bầu hay thế?”. Tôi cười :”Đó là mấy nghệ sĩ trẻ khoa tôi”. Họ bảo: “Lúc nào bác giới thiệu các anh cho chúng cháu”...

Tôi về kể lại cho anh Trần Hinh. Anh tỏ ra thích chí lắm. Chúng tôi cũng có ý định làm quen với các “thính giả” mến mộ mình. Rồi lần lữa ngày này qua tháng khác vẫn chưa làm được. Nay thoáng chốc đã già, bèn không dám nghĩ tới cái chuyện khinh suất thuở ngày xưa đó nữa.

Trong tâm trí chúng tôi, giáo sư Phan Ngọc là người thầy, là một vị cán bộ thuộc bậc đại lão thành của Văn khoa cũng như của tổ bộ môn Ngôn ngữ học. Những năm ông chưa đi khỏi khoa, tôi lấy vợ xuống ở dãy nhà giấy dầu của khu tập thể, thỉnh thoảng ông vẫn xuống nhà tôi chơi uống nước cả buổi. Tôi lại đun một lúc hai phích nước tiếp ông bằng thứ chè cám được phân phối hay chè bốn hào rưỡi và trộm ngắm hai bàn tay đẹp như tháp bút của ông. Tôi thấy ngón trỏ và ngón tay cái trên bàn tay trái ông mỗi ngày một cháy vàng khè. Hàm răng ông cũng ám khói nhiều hơn. Ông nói chuyện mà vẫn đốt thuốc liên tục. Qua hình ảnh của ông, tôi thấy người dính đến “vụ án nhân văn” cũng không có gì đáng gớm cả.

Vậy mà, có một thời, bản thân ông cũng như nhiều người khác trong khoa rất ngại, thậm chí né tránh không muốn nhắc lại điều này. Song le, đã là những vấn đề lịch sử, thì dù muốn hay không vẫn cứ phải nhắc đến. Cũng hệt một số nhân vật trong giới sáng tác như Lê Đạt,  Hoàng Cầm... thời gian đã đi qua, thiết tưởng có nhắc lại cũng không phải là moi móc mà chỉ là một sự gợi dẫn nhằm đấnh giá công bằng các văn nhân, tài tử trong quá trình tạo lập sự nghiệp đời mình.

Có thể nói, dù trải qua những thăng trầm, nhưng Phan Ngọc vẫn là một bậc “anh tài” trong chính giới. Sự nghiệp của ông không được khẳng định qua thứ chuyên môn mà buổi đầu tiên ông dấn thân vào. Ông là một dịch giả lỗi lạc, một nhà văn hoá, đúng hơn là một nhà nghiên cứu nhân văn có tầm cỡ đáng nể.

Khi chúng tôi mới vào trường đã từng được nghe nhiều câu chuyện xung quanh cái gọi là “Vụ án nhân văn”. Cũng đã từng được nghe giáo sư đại tài Hoàng Xuân Nhị miêu tả nhiều lần cuộc đấu tranh quyết liệt trong mặt trận tư tưởng phức tạp này. Nhưng dường như Hoàng Xuân Nhị không bao giờ nhắc tới nhân vật Phan Ngọc. Những điều người ta bàn về ông chỉ là những lời thì thào, nửa kín nửa hở. Một thời người ta quan niệm, đó là nỗi đau riêng không nên nhắc đến làm gì. Ngay cả những khi kỷ niệm ngày thành lập Khoa hay tổ bộ môn, đó là một vấn đề tế nhị người ta né tránh. Chỉ ít năm gần đây, khi Đảng tiến hành công cuộc Đổi mới, người ta mới mạnh dạn mời ông về nói chuyện với cương vị là vị tổ trưởng bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên. Việc này được thực hiện công khai và  phát trên Truyền hình Trung ương khi tôi chịu trách nhiệm làm một bộ phim thời sự giới thiệu khoa Ngôn ngữ nhân dịp 5 năm ngày thành lập và 45 năm truyền thống của ngành trong chiếc nôi khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Các thế hệ sau này không hề biết Phan Ngọc ngoài việc đọc một số các công trình rất nổi tiếng của ông. Nhưng thế hệ chúng tôi thì được gần gũi với ông khá nhiều. Nhất là những năm chúng tôi mới ở lại trường. Dạo đó, kỳ thực không ai nói với chúng tôi ông là vị tổ trưởng bộ môn đầu tiên của tổ Ngôn ngữ học. Chúng tôi chỉ biết đại khái, ông là một nhân vật cỡ số 2 của Phong trào Nhân văn giai phẩm, một phong trào tư tưởng ta đã có dịp biết đến ở hồi thứ nhất trong thiên lịch sử Văn khoa giai đoạn thập kỷ sáu mươi. Lúc đó, cũng có người nhắc nhở chúng tôi là không nên tiếp xúc với ông nhiều, mặc dù ông là một cán bộ trong khoa. Khi đó ông hoàn toàn không còn là một cán bộ giảng dạy mà là một nhân viên của phòng tư liệu khoa Văn. Song, hầu như tất cả  cán bộ thuộc trang lứa chúng tôi, ai cũng vẫn gọi ông bằng “thầy” trong xưng hô giao tiếp hàng ngày một cách rất tự nhiên. Nói cho đúng, thế hệ chúng tôi không bị ám ảnh trực tiếp của các biến cố lịch sử. Tình cảm giữa ông và chúng tôi vẫn thực sự là tình cảm thầy trò.

Phó giáo sư Phan Ngọc sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Ông là con trai Phan Võ, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất trọng thị. Theo Phan Ngọc kể lại thì chính nhờ có một lá thư tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho lãnh đạo địa phương, gia đình cụ Phan Võ mới không gặp rắc rối trong lúc tiến hành cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất ở quê nhà. Thời đó, người biết tiếng Anh rất hiếm. Trong một lần đi phiên dịch cho Bác ngày mới hoà bình, Phan Ngọc gặp may. Thấy chàng trai trẻ có dung mạo tuấn tú, thông minh, lại dịch tiếng Anh, tiếng Pháp rất thạo Bác mới ân cần hỏi thăm xem Phan Ngọc trước đây học tiếng Anh ở trường nào. Phan Ngọc thành thật thưa là tiếng Pháp ông học ở trường và do cha dạy còn tiếng Anh là do tự học. Hồ Chủ tịch cảm mến quá mới hỏi Phan Ngọc con cái nhà ai. Phan Ngọc thành thật, không giấu diếm hoàn cảnh gia đình mình. Khi biết Phan Ngọc là con Phan Võ, một bậc nhân tài mà Hồ Chủ tịch đã được biết từ trước đây, Người liền viết thư thông báo cho các nhà chức trách địa phương lập tức đưa cha con Phan Võ ra Hà Nội. Gia đình họ Phan được nhập khẩu tại thủ đô. Đối với Phan Ngọc, đó là ơn mưa móc suốt đời ông ghi nhớ. Nó cũng là nguyên nhân làm cho ông sau khi bị án kỷ luật đã kiên trì chịu đựng, âm thầm nuôi chí lớn suôt mấy chục năm trời mà không có bất cứ một hành vi phản ứng nào, cho dù là rất nhỏ. Điều đó đủ thấy sức cảm hoá tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt khác cũng thấy được cái nền tảng văn hoá gia đình mà Phan Ngọc xuất thân có vị trí vô cùng quan trọng trong việc giữ sự thằng bằng trong cuộc đời hoạt động khoa học của ông.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Phan Ngọc là lần ông cùng một người bạn cùng cảnh ngộ họ Cao đánh bóng bàn trên cái bàn bằng đá granitô kê giữa sân của nhà C1 và C2 khu ký túc xá Mễ trì. Sự thu hút trong cuộc chơi của hai ông là những đường ban bóng rất đẹp. Bóng phát dài, phóng khoáng trong cả lối tấn công và phòng thủ. Quan trọng hơn nữa, lúc đó các ông mới hơn 40, đã nổi tiếng là những dịch giả có hạng với nhiều giai thoại ly kỳ. Họ lại đều cao ráo, đẹp trai. Tính tình hơi lạnh, dường như không cười. Con người và cá tính ấy có sự thu hút mạnh với tư duy tò mò của lớp trẻ.

Sau cuộc chơi bóng ấy, tôi thấy hai người đi thành đôi, sóng bước bên nhau, bách bộ ra bến xe buýt. Hai khuôn mặt trầm mặc, không bao giờ ngó nghiêng, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đó là cái ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về giáo sư Phan Ngọc mà sau bao nhiêu năm tôi vẫn không quên được. Sau đấy tôi được biết, đó là hai dịch giả những tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga-xô viết như “Chiến tranh và hoà bình”, “ Thằng ngốc”, “Anh em Karamazốp”...những tác phẩm mà chúng tôi được học tập và nghiên cứu tại khoa Văn. Tôi lại càng phục hơn.

Khi tôi ở lại làm cán bộ giảng dạy, tôi mới có dịp gần gũi với Phan Ngọc nhiều hơn. Tôi nhớ không nhầm thì dạo đó khoa Văn vẫn khoán cho ông và người bạn họ Cao mỗi tháng phải dịch vài trăm trang tư liệu bàng tiếng nước ngoài. Chuyện đó với họ chỉ là chuyện vặt. Vì cả hai người rất giỏi ngoại ngữ. Họ dịch tiếng nước ngoài như uống nước lã. Có nghĩa là chỉ liếc nhìn vào bản gốc là lập tức họ có ngay câu tiếng Việt tương ứng. Có được điều đặc biệt này vì hai ông không những là bộ óc thông minh hiếm có mà còn là những dịch giả vốn có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ. Nhiều thế hệ sinh viên trong khoa kể lại, thời sơ tán trên rừng núi Đại từ Thái Nguyên, nhiêu sinh viên đã từng được làm thư ký cho Phan Ngọc và được bồi dưỡng rất hậu với nhiệm vụ chép tay lại cho ông phần tư liệu dịch. Ông làm việc theo phong cách rất thoải mái, vừa nằm , vừa hút thuốc, vừa cầm một cuốn sách tiếng nước ngoài đọc như người ta đọc tiếng Việt. Còn anh chàng sinh viên làm thư ký thì bò ra mà chép, chép thật lực cũng không kịp vì ông dịch mà không cần phải tra từ điển. Hơn nữa, ông vốn là một nhà ngôn nữ học nên câu cú cũng chẳng phải sửa chữa gì. nói như các nhà quay phim là “ một nhát ăn liền”, chứ không phải làm lại đến lần thứ hai.

Phải nói là khoa Văn trong những năm đó có một cái máy. Nhờ Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo mà nhiều tài liệu quí đã được dịch ra rất kịp thời, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên của cán bộ, sinh viên. Có nhiều cán bộ đã tận dụng được cơ hội này, tranh thủ đọc các công trình dịch thuật của hai ông để nâng cao lý luận, soi vào mảnh đất thực tiễn Việt Nam để nhanh chóng vươn lên, trở thành các chuyên gia có hạng về lý luận phê bình, về nghiên cứu cả ở lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học.

Có nhiều huyền thoại về khả năng ngoại ngữ phi phàm của giáo sư Phan Ngọc. Ngoài việc ông là dịch giả tầm cỡ được nhiều người biết đến, người ta còn kính nể “một cây” về đôi tai ngữ âm của ông. Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Phan Ngọc còn có biệt tài là chỉ nghe một người phát âm tiếng Nga là có thể nhận định chính xác người đó đang nói tiếng Nga vùng Bắc hay nam sông Von ga, vùng phía Tây hay phía Đông Matxcơva. Giáo sư Trần Ngọc Thêm sống và làm việc ở Liên xô (trước đây) nhiều năm. Ông đặc biệt kính nể Phan Ngọc về chuyện này vì Phan Ngọc khi đó chưa đặt chân tới nước Nga lần nào.

Nhiều người nói, Phan Ngọc là người  giỏi đến 8 ngoại ngữ. Trong đó, có nhiều ngoại ngữ ông hoàn toàn tự học. Tự học mà vẫn giỏi hơn người. Ấy là vì ông thông minh kiệt xuất. Ông đã phát huy triệt để năng khiếu với những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học. Nhiều lần được hầu chuyện ông, tôi đã được ông hứng thú nói cho nghe điều này. Ông bảo, chỉ cần gỏi đến ngoại ngữ thứ ba thì các ngoại ngữ sau không còn là vấn đề, chỉ tự học vài ba tháng là ổn. Ông  nói điều đó hoàn toàn không phải là nói suông. Chính ông, khi bắt tay ký hợp đồng với Nhà xuất bản Sự thật về việc dịch cuốn “Tư bản luận” của Các Mác, ông hoàn toàn chưa biết tiếng Đức. Thế nhưng sau vài tháng bắt tay vào tự học ông đã đồng thời tiến hành dịch ngay cuốn sách vào loại vô cùng hóc búa này và vẫn kịp nộp bản thảo đúng thời gian qui định. Sự kiện đó làm không ít người sửng sốt.

Đúng là “anh minh phát tiết ra ngoài”. Chỉ cần giáo tiếp một lần với giáo sư Phan Ngọc cũng thấy được tầm trí tuệ uyên bác của ông quả là hơn hẳn người đời. Nhưng số phận hoàn toàn không suôn sẻ với ông. Tài năng vượt bậc như vậy, nhưng  khi xét phong chức danh ông vẫn chỉ nhận được học hàm Phó giáo sư. Trong khi đó, nhiều bậc đàn em, thậm chí học trò của ông đã nhận học hàm giáo sư cả rồi. Mặc dù, so về tầm uyên bác, trình độ học vấn và tất cả mọi mặt thì nhiều giáo sư đứng bên cạnh ông chỉ đáng là một “học trò nhỏ” theo đúng nghĩa đen của từ này.

 Tuy nhiên, không ai thấy ông bận tâm về điều đó. Là người nghiên cứu nhiều am hiểu sâu sắc về văn hoá Phương Đông, chắc hẳn, ông đã thấm nhuần được cái lý trong thuyết “tài mệnh tương đố” nên ý thức được rất rõ về số phận đời người và bình thản đón nhận nó. Trong suốt những năm còn ở khoa Văn, ông  vẫn âm thầm làm việc theo cách riêng của mình. Quân tử là người kiên trì  và biết chờ thời cơ. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông xin đi khỏi trường. Đấy là một thời điểm có ý nghĩa là bước ngợăt mới trong cuộc đời ông. Thoát khỏi nỗi ám ảnh của một quá lhứ nặng nề, ông như con đại bàng tung cánh giữa đại dương, thoả chí tang bồng  sau một thời nuôi chí lớn. Tên tuổi Phan Ngọc lại xuất hiện khá thường xuyên trên một số tạp chí và Nhà xuất bản nhờ cuộc Đổi mới toàn diện của Đảng. Thế mới thực là:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Qua cơn bão tố hoá người ngẩn ngơ

 Mấy ai tính được chữ ngờ

Sau ngàygiải phóng phất cờ tiến lên.

Cuốn sách đầu tiên của Phan Ngọc được xuất bản thời kỳ này là cuốn” Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh” ( (Nxb GD 1980), Sau đó liên tục có những công trình tiếp theo là “Thần thoại Hy Lạp” (Nxb VH.1980), “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á ( viết chung với Phạm Đức Dương. Nxb KHXH 1983) , “Nội dung xã hội và mỹ học Tuồng ( viết chung với Lê Ngọc Cầu. Nxb KHXH 1983). Năm 1985, Phan Ngọc cho công bố công trình “Tìm hiểu  phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” ( Nxb KHXH.1985). Đây là một công trình gây ra những cuộc bàn luận sôi nổi về phương pháp nghiên cứu văn học theo hướng mới. Mặc dù, nội dung của công trình này còn nhiều điều cần thảo luận, như một số bài viết của Nguyễn Văn Lưu đề cập, nhưng nó vẫn là một cuốn sách tiên phong cho phong trào nghiên cứu thi pháp hiện đại ở Việt Nam.

Sau khi công trình này ra đời, Phan Ngọc đã cho công bố nhiều bài báo khoa học mang tính liên ngành, lấy tâm xoay là Ngôn ngữ học. Nhiều tác phẩm của ông vượt trội lên so với  các đồng nghiệp chính là nhờ ông có những thao tác của nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Nhiều phương pháp như phương pháp so sánh, thống kê đã được ông vận dụng thành thạo để lý giải tính qui luật của các hiện tượng trong một hệ thống vừa có tính khép kín ổn định vừa có tính mở. Nhờ vậy ông đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu đa dạng trên các lĩnh vực về ngôn ngữ, văn học, văn hoá học và về từ điển. Đó là những cuốn như “Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả” (Nxb Thanh niên.2001), “Văn hoá Việt Nam, cách tiếp cận mới”( Nxb VHTT.1994), “Bản sấc văn hoá Việt Nam” ”( Nxb VHTT.1998), “Từ điển Anh-Việt” ( Nxb Thế giới 1998)... Trong vòng từ 1980 dến 1998 ông đã cho xuất bản 10 đầu sách các loại và dự kiến ngay sau đó sẽ cho xuất bản thêm 5 cuốn sách dịch và 5 công trình nghiên cứu. Đó là con số nhiều giáo sư nằm mơ cũng chưa thấy. Nó chứng tỏ ông là một nhà khoa học có tầm cỡ ngoại hạng so với đương thời.

Sự uyên bác trên nhiều lĩnh vực của vị giáo sư họ Phan làm ông có một  khả năng đặc biệt khi chuyển dịch các hệ thống mã ngôn ngữ khác nhau. Tôi còn nhớ, vào quãng trước năm 1985, có lần nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp là Haudricourt đến Việt Nam. Ông có buổi nói chuyện chuyên môn tại Uỷ ban KHXHVN tại phố Trần Xuân Soạn. Hôm đó, người nghe rất đông chừng hơn 100 các nhà nghiên cứu. Cử toạ nói tiếng Pháp, người dịch là Phan Ngọc. Phần nói chuyện môn là phần ngữ âm lịch sử và ngôn ngữ các dân tộc, một địa hạt rất khó trong việc chuyển dịch các thuật ngữ khoa học. Ấy vậy mà tôi thấy Phan Ngọc cứ dịch xuôi dịch ngược như người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt vậy. Sau hôm đó, không phải chỉ riếng tôi mà nhiều người đã được chứng kiến trình độ học vấn uyên bác và tài năng dịch thuật của ông. Đúng là “danh bất hư truyền”.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An                                                                      

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *