Tác phẩm chọn lọc

11/3
8:15 PM 2019

NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG VÀ MỘT HÀ NỘI CHÌM TRONG KHÔNG GIAN MÊ ĐẮM

Arnaud Vaulerin -Về Tiểu thuyết Chân trời khác (Un autre ciel) của Nguyễn Bình Phương, do Emmanuel Poisson chuyển sang Pháp ngữ, in tại nhà xuất bản Riveneuve (Paris). Một đại tá quân đội nhân dân. Một nhà văn thực thụ. Cả hai yếu tố này đã làm nên một Nguyễn Bình Phương.

Có thể nói, trong ông luôn ẩn chứa niềm hứng khởi và sự tò mò về tham vọng viết một cuốn tiểu thuyết thoát xa thực tại theo cách lạ thường. Với Trí nhớ suy tàn, Nguyễn Bình Phương kể về « em » - một cô gái trẻ, 26 tuổi, người Hà Nội. Trong « em » luôn chứa đựng “sự phức tạp của phố phường, đôi lúc không tránh khỏi những giờ phút mơ mộng hão huyền từ thời sinh viên để lại”. Qua vài dòng đầu tiên của tác phẩm, chúng ta dễ lầm tưởng rằng đây chỉ là câu chuyện giản đơn được viết theo lối Bildungsroman (tiểu thuyết giáo dục) về một vấn đề đang hiện hữu trong đô thị châu Á còn bao hỗn loạn. Nhưng chỉ thoáng sau đó, sau những dòng cảm xúc nhòa nhạt ban đầu, câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến những cảnh giới cùng những chân trời mơ hồ và lảng bảng.

Trí nhớ suy tàn giống như nơi chứa đựng sự cô độc của chốn phồn hoa đô thị cùng những bấp bênh của kiếp người, được diễn tả qua bao mảnh hình ảnh, qua sự kết tinh của thơ và qua tính cô đọng đầy chất hiện sinh. « Em » có “giọng nói của trời, làn da của trời, con mắt của trời. […]. Thời điểm ít mong nhớ, những cơn gió quẩn trên các ngọn cây, ấn tượng chung là chán nản tuy chưa phải tàn cuộc.”. Cuốn tiểu thuyết thoát hẳn ra khỏi khuôn mẫu với lối tự sự cực riêng biệt. "Rất khó để tóm tắt những cuốn sách của tôi", Nguyễn Bình Phương nói khi đang cố gắng định nghĩa chính tác phẩm Trí nhớ suy tàn. "Đây là những trạng thái cảm xúc của một cô gái sống ở Hà Nội đang phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống." Ông mỉm cười cho biết đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình được dịch sang tiếng Pháp. Nhà văn không có đề cương khi viết tác phẩm này. "Những dòng ý tưởng, những hình ảnh cứ thế mà đến. Tôi nghĩ chúng đã hiện hữu sẵn trong tiềm thức của mình, để rồi cứ thế nảy mầm, mà chẳng chờ đến khi tôi dựng đề cương hay cắt nghĩa. Tôi chỉ ngồi xuống và viết, có vậy thôi."

Một buổi chiều tháng 5 đầy nắng, bên chén trà xanh, tôi được Nguyễn Bình Phương tiếp ngay tại phòng làm việc của ông. Căn phòng dành cho Tổng biên tập của tạp chí Văn Nghệ quân đội nằm ở tầng hai của ngôi nhà Pháp cổ, tường phủ sơn vàng, tọa lạc trên phố Lý Nam Đế, trung tâm thủ đô văn hiến.

Chiều hôm ấy, người tiếp đón tôi không có dáng dấp của một vị đại tá quân đội hay người đã từng có mặt tại biên giới phía Bắc năm 1984 - 1987 mà là một nhà văn có tầm vóc và đầy sức hút. Người đàn ông điềm đạm ở tuổi 53 này nói về sự ‘phân thân’ của mình: "Khi làm biên tập, tôi rất nghiêm túc. Tôi ý thức rất rõ về những nguyên tắc mà mình phải tuân thủ. Nhưng khi sáng tác, tôi sẽ giải phóng tâm trí và ý nghĩ của mình. Tôi viết những gì tôi muốn. Không một ai có thể ra lệnh cho tôi."

Từ 20 năm nay, những câu hỏi, những bình luận hay sự ngờ vực vẫn luôn bủa vây quanh sự « phân thân » ngoạn mục của người nghệ sĩ xuất thân trong một gia đình trung lưu và nếm trải mùi vị chiến tranh từ rất sớm này. "Đôi lúc chính tôi còn không thể lý giải được vì sao tôi ở lại được với chức vụ này. Tôi không tự “kiểm duyệt” các tác phẩm của mình. Ở nước tôi, nhà văn có thể viết về những mặt trái của xã hội, nhưng với điều kiện là chỉ trích trên tinh thần xây dựng chứ không phải để đạp đổ."

Trong tác phẩm Thoạt kỳ thủy (nhà xuất bản Riveneuve, 2014), Nguyễn Bình Phương mô tả một ngôi làng bị giằng xé, bủa vây bởi sự điên loạn, độc đoán và phi lý tựa bản chất của chiến tranh. Đó cũng chính là nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam trong suốt cuộc chiến tại miền Bắc Việt Nam. Nước, lửa, ánh trăng và bóng tối tạo nên tấm màn bí ẩn cho cuốn tiểu thuyết đó. Lần này, ở Trí nhớ suy tàn, tác giả đắm mình vào một Hà Nội cuối thế kỷ XX, "sôi động, khuất tất, một tổ mối ven sông với cơ cấu tổ chức hỗn loạn không mảy may tự do". Cuốn tiểu thuyết là sự thăm dò "tâm trạng của một phụ nữ trẻ mắc kẹt giữa hai người đàn ông, [...] người đã trốn tránh tình yêu." Trong đó có Tuấn, người "ra đi như một đám mây, một đám mây không đầu thai trở lại"; Vũ - người tình nhân với chiếc xe máy - kẻ "thích đi, yêu sự khó hiểu, đặc biệt say mê bầu trời". Ở đó nhân vật chính là "em" - cô gái trẻ thướt tha đi vào câu chuyện và dẫn dắt mạch kể qua việc tự vấn để tìm lại chính bản ngã của mình. Trong vô số nhân vật, nơi chốn, cảm xúc và khoảnh khắc của thời thơ ấu, bệnh tật, tình bạn, lưu vong,... tác giả cũng đặt vào trong đó những chiêm nghiệm đương thời của đất nước.

Từng chứng kiến ​​một "quá khứ của những trận chiến, sự tàn bạo, nỗi sợ hãi, nạn đói", giờ đây nhìn vào "thế hệ mới đang hướng đến tương lai » Nguyễn Bình Phương nhận thấy : «Con trai tôi hoàn toàn thờ ơ với chiến tranh. Đối với nó, đó chỉ đơn thuần là vài dòng viết trong sách giáo khoa lịch sử.”. Cuốn tiểu thuyết của ông có tên là Trí nhớ suy tàn còn tại Pháp, nó được xuất bản dưới tên gọi: Một bầu trời khác. Nó mở sang một trang mới của văn chương Nguyễn Bình Phương - nơi không có chiến tranh và đường biên giới.

 

Thanh Tâm dịch từ Libération, Đặc san cuối tuần, 16 & 17 tháng Hai 2019.

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *