Tác phẩm chọn lọc

9/5
10:17 AM 2019

MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH-TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN CẦM SƠN

Vèo một cái, thế mà thấm thoắt đã mười năm kể từ ngày Trần Quang Mạnh khoác ba lô về đầu quân ở Đồn Biên phòng này. Khi được tuyển lên vùng biên cương địa đầu cực Bắc của Tổ Quốc, không chỉ mừng vui mà còn là niềm tự hào của anh đối với bao nhiêu bạn bè đồng môn ở Học viện Biên phòng

1- Vèo một cái, thế mà thấm thoắt đã mười năm kể từ ngày Trần Quang Mạnh khoác ba lô về đầu quân ở Đồn Biên phòng này. Khi được tuyển lên vùng biên cương địa đầu cực Bắc của Tổ Quốc, không chỉ mừng vui mà còn là niềm tự hào của anh đối với bao nhiêu bạn bè đồng môn ở Học viện Biên phòng. Nhưng bà mẹ anh thì lại không vui, bà nói với anh:

  • Vùng biên viễn ấy quá xa xôi, núi non hiểm trở, đời sống khó khăn mà bất ổn, bố anh đã từng chiến đấu và hy sinh ở đó. Thực là mẹ không muốn một tý nào về việc anh lên đấy. Học trường Quân sự, người ta đã phân công thì phải đi nhưng hễ có cơ hội thì cố mà chuyển về miền biển quê hương con ạ!
  • Học Biên phòng thì phải ở biên giới. Núi rừng hay biển khơi, ở đâu chả là biên giới hả mẹ!
  • Nhưng biển là quê hương, về với biển có khác gì về nhà. Giá mà anh được về ngay Đồn Biên phòng ở tỉnh nhà thì tốt biết bao nhiêu. Lấy một cô vợ là giáo viên ở nhà với tôi, còn anh đi đâu thì đi, tôi cũng chả còn mong gì hơn thế nữa.
  • Nhưng con lên đấy lại được gần bố con còn gì.
  • Bố anh đã dược quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Có đồng đội, có bạn bè, người thân thường xuyên đến thăm viếng ấm áp lắm rồi. Anh có ở gần cũng làm thêm được cái trò gì.

 Biết nói cũng chả để làm gì, mẹ nghĩ như vậy cũng là lẽ thường, người mẹ nào mà chả lo cho con có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Mạnh vâng dạ cho qua chuyện rồi khoác ba lô theo chúng bạn cùng làng đưa tiễn lên huyện đội.

 Mười năm qua đi, mỗi lần về phép là mẹ lại huấn thị, lại manh mối cô này cô kia. Mà cũng thấy một vài cô có vẻ thân tình với mẹ lắm.

  • Gần ba lăm tuổi rồi, anh còn định để đến bao giờ mới lấy vợ nữa đây. Hay là định làm dân Thổ mừ ở trên ấy hả?
  • Mẹ cứ nói thế, dân tộc nào mà chả là người Việt, dân tộc nào họ cũng có nét Văn hóa đẹp riêng của họ. Con tiếp xúc nhiều với đồng bào các dân tộc, con hiểu về điều đó.
  • Thôi, thôi! thế là anh ăn phải bùa mê thuốc lú của đứa nào rồi. Kỳ này về phải lấy vợ ngay, tôi đã chuẩn bị rồi!
  • Chuyện lấy vợ mà mẹ làm như là mua áo ấy.
  • Thì đến tận đời tôi khi lấy bố anh cũng đã có ai biết ai đâu chứ chưa nói đến đời các cụ ta xưa nữa. Thế mà nhà nào cũng yên ổn, có sao đâu.
  • Nhưng đến đời chúng con thì khác rồi.
  • Á à, nuôi anh khôn lớn, học hành đến đầu đến đũa để rồi anh cãi lại mẹ như chém chả thể hả?
  • Thôi mà mẹ, con đâu dám cãi lại mẹ. Thôi, để rồi con xem, con sẽ tự chọn vợ cho mình.

 Lần nào cũng vậy, thôi thì cứ đò đưa cho qua chuyện. Mấy năm đầu còn vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng những năm gần đây, mỗi lần về nhà mẹ anh lại càng quyết liệt hơn. Mạnh biết cũng không thể chần chừ mãi được nhưng sống ở vùng cực Bắc này, anh đã quen cảnh, quen người, quen phong tục, tập quán của một vài dân tộc thiểu số. Những năm trước, giáo viên còn thiếu nhiều, được phân công xuống bản vừa nắm địa bàn vừa làm thầy giáo dạy chữ cho lũ trẻ anh đã thấy thú vị và say mê với việc tìm hiểu phong tục, tập quán của các tộc người thiểu số, anh ghi chép cẩn thận từng chi tiết thu lượm được. Cộng với vốn kiến thức sẵn có, anh viết bắt đầu từ những bài nghiên cứu tiểu luận đến những công trình nghiên cứu công phu cả trăm trang giấy. Và từ niềm đam mê ấy, anh đã trở thành hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam với cái bút danh Vàng Mí Tẻn.

 

  2- Với quân hàm Đại úy phụ trách khu vực, lại tham gia làm phó bí thư Đảng ủy xã. Mạnh được phân công chỉ huy phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa, đền bù mặt bằng đất để làm đường tuần tra biên giới. Tuyến đường qua địa phận anh phụ trách xuyên qua khá nhiều nương dẫy của các bản Lũng Tà, Nặm Lay, Tả Chu Phìn. Theo khảo sát sơ bộ, nhận định tình hình thấy khó khăn nhất là địa bàn thuộc bản Tả Chu Phìn. Mạnh phân công anh em trong trạm làm việc ở hai bản Lũng Tà, Nặm Lay còn mình trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tại bản Tả Chu Phìn. Tuyến đường tuần tra biên giới được thiết kế xuyên qua nương dẫy ở Tả Chu Phìn có mảnh nương của nhà già làng Sùng A Tháo. Sùng A Tháo nhất quyết không nghe. Ông nói: “Tại sao chúng mày không làm đường dưới chân rẫy lại làm xuyên giữa nương ngô của dân làng? Nếu chúng mày làm đường dưới chân rẫy, dân bản tao không cần phải đền bù chi cả.” Cán bộ đã giải thích là dưới chân dẫy thấp quá, khi nước suối lũ đường sẽ bị ngập nhưng ông không chịu, ông bảo:  “Ngập thì cũng chỉ một, hai ngày. Đường chứ có phải nhà đâu mà lo!” Nói thế nào ông cũng không  nghe. Dùng biện pháp chính quyền cưỡng chế thì được nhưng lại thấy cũng không được, mất lòng dân thì còn mất nhiều thứ lớn hơn. Phải làm cho ông cụ hiểu ra, đồng ý thì cả bản sẽ đồng ý theo. Mạnh nghĩ, việc này cần dựa vào chi đoàn thanh niên. Do có nhiều năm lặn lội ở các làng bản nên Mạnh biết ở chi đoàn thanh niên các làng bản vùng cao vẫn có  nhiều người được học hành đến nơi đến chốn, có quan hệ rộng, hiểu biết, trao đổi với họ dù sao cũng dễ hơn nhiều so với người già, khi họ hiểu, họ là con em làng bản tiếp tục vận động bố mẹ, ông bà thì không còn trở ngại nhiều nữa...

 

  Kỳ sinh hoạt Chi đoàn thanh niên bản Tả Chu Phìn lần này có cả phó bí thư Đảng ủy là người của Bộ đội Biên phòng cùng tham dự nên chi đoàn bố trí khá tươm tất. Tại Nhà văn hóa bản, ngay từ chập tối các đoàn viên thanh niên đã tụ họp khá đông. Bí thư chi đoàn cho xếp một đống củi lớn trước sân để đêm nay đốt lửa trại. Cũng không giống như những kỳ sinh hoạt trước, bí thư đọc mấy cái văn bản mới rồi họp hành kiểm điểm qua loa xong thì giải tán. Lần này có lãnh đạo Đảng ủy đến nên tổ chức sinh hoạt thế nào lại là do đồng chí phó bí thư Đảng ủy chỉ đạo. Cứ tưởng có lãnh đạo Đảng ủy thì cuộc họp phải nghiêm trang lắm, hóa ra là đồng chí phó bí thư Đảng ủy xã Trần Quang Mạnh lại chỉ nôm na có mấy câu:

  • Nào, các đồng chí đã đông đủ thì ta vào sinh hoạt nhé! Đồng chí bí thư chi đoàn có chủ trương gì mới không?
  • Dạ! Hôm nay là một buổi sinh hoạt định kỳ, trên xã đoàn không thấy có chỉ đạo gì mới ạ!
  • Vậy thì buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta thử xem ai hát hay, sáo êm,  khèn giỏi nha! Các đồng chí hôm nay chuẩn bị kỹ quá, có cả đống củi để đốt lửa trại thế kia không cần thiết, mất việc mọi người, nhưng đã có rồi thì ta cho đốt lên thôi!
  • Nhưng chúng tôi không mang khèn!
  • Đồng chí nào nhà gần thì có thể tranh thủ đảo nhanh về lấy còn không thì đã có một cây khèn và mấy cây sáo tôi mang theo đây.

 Thế là lửa trại được đốt lên, Mạnh nói:

  • Tôi là người khởi xướng buổi sinh hoạt Văn nghệ nên tôi xin sẽ thổi một điệu khèn trước.

 Tiếng khèn được cất lên, trai bản nhận ngay ra phó bí thư Đảng ủy xã đang thổi bài “Gầu tú gua” (Tiếng hát mồ côi). Tiến khèn như chơi vơi trên đỉnh núi, nỉ non nhòa nhạt trong sương giăng, trong gió thổi, có lúc lại trầm xuống ẩn ức như lạch nước luồn lách qua những kẽ đá khe sâu, lại có khi sập sùi, tê tái như mưa ngâu tháng bảy...

  • Hoan hô!!! Không ngờ phó bí thư Đảng ủy là người Kinh mà lại thổi khèn hay đến thế!
  • Vậy bây giờ đến lượt các đồng chí. Là trai bản Mông thì trong buổi sinh hoạt hôm nay đồng chí nào cũng phải thổi một khúc khèn, mọi người cùng cho nhận xét nha!

  Các trai bản được dịp trổ tài khèn, sáo. Trong khi đó, cùng đi với Mạnh còn có Trần Vũ Minh, một chiến sĩ của đồn Biên phòng. Minh có nhiệm vụ tìm hiểu trong đám thanh niên bản, ai là con cháu mà già làng Sùng A Tháo yêu quý nhất. Việc này thì không khó khăn gì nhiều bởi Minh là chiến sĩ phụ trách địa bàn bản Tả Chu Phìn đã nắm bắt sơ qua được anh em con cháu các họ, các nhà. Nay chỉ cần tìm hiểu thêm mối quan hệ thiện cảm của già làng với các cháu của ông nên chỉ đến giữa buổi sinh hoạt là anh đã báo được kết quả cho Mạnh.

  • Bây giờ các đồng chí nam giới tạm ngừng để nhường cho các đồng chí nữ. Một là thổi kèn lá, hai là hát. Nếu hát, sẽ có một đồng chí nam thổi sáo, kèm theo cây đàn guita của đồng chí Minh đệm phụ họa. Tôi xung phong thổi sáo phụ họa đầu tiên. Đồng chí nào cũng phải tham gia một tiết mục đấy nha!

 Mạnh chưa dứt lời, đám thanh niên nữ đã nhao nhao yêu cầu Sùng Seo Chi hát trước. Seo Chi vốn là cháu nội già làng Sùng A Tháo. Học xong Đại học Sư phạm được tuyển vào trường Phổ thông Trung học dưới phố huyện nhưng cô lại trở về dạy tại trường Phổ thông Cơ sở xã. Cô sinh hoạt Chi đoàn Thanh niên ở trường nhưng nhà cô ở đây lại là ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã được phân công phụ trách Chi đoàn Tả Chu Phìn nên các cuộc họp chi đoàn cô đều được mời đến dự. Vốn dĩ đã sẵn có một chất giọng tốt nên trong thời gian học Đại học, Sùng Seo Chi đã được các anh chị bên trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội động viên và giúp đỡ cô theo học một khóa thanh nhạc ngoài giờ. Khi về địa phương, cô trở thành giọng hát chủ lực của Phòng Văn hóa huyện và ngành Giáo dục tỉnh. Seo Chi tỏ ra rất tự tin, cô nhanh nhẹn đi ra giữa vòng người:

 Quê ta núi cao cao suối reo gió ngàn kêu vi vu đón trăng lên

 Muôn tiếng ca vang hát mừng vui đón người Mèo có chữ rồi...

  Tiếng đàn, tiếng sáo hòa quyện đến quấn quýt, ngọn lửa bập bùng sáng tối làm gương mặt con gái chập chờn như trêu ghẹo, như thách đố... Quái, mình làm phó bí thư Đảng ủy xã đã đến nửa năm rồi mà hôm nay mới biết lại có một cô giáo người Mông xinh tươi đến thế. Chết thật! Thế là mình vẫn còn chưa sâu, chưa sát dân mất rồi...

Muôn cánh hoa đào nở đua khắp bản làng

Em đến trường vui cùng anh với hai mái đầu...

  Ai đó cời than làm ngọn lửa bùng lên rực sáng, Seo Chi nghiêng đầu hất mấy ngọn tóc xõa vương che mặt, miệng cười mỉm đưa mắt giao cảm với người thổi sáo đệm. Ánh mắt ngời lên như ngọn đuốc xoáy lửa hút hồn Mạnh cùng tiếng sáo cuốn vào theo âm điệu lời ca...

Pê tê sớ nho sa, súa lê chúa hù zông zống to lú hly tùa,

Mua súa lu cha hu mùa lua tó pề Mồng mùa tớ lờ...

 Tiếng hát vừa ngừng, cả phòng họp vỡ òa bởi tiếng vỗ tay hoan hô lẫn tiếng hò reo tán thưởng:

  • Hoan hô! Hát hay sáo giỏi quá! Giáp thân, giáp tý đi!!!

   Rất tự nhiên, Seo Chi tiến lại phía Mạnh, cô chìa tay nắm lấy tay Mạnh kéo lại phía mình. Mạnh lúng túng mất vài giây nhưng trong không khí hừng hực của tiếng reo hò, cổ vũ, hình như anh không nhận thức được sự điều khiển mà chỉ thấy tay mình choàng qua vai Seo Chi... xiết chặt...

       -   Hoan hô! Hát lại đi!!! Giáp thân, giáp tý chặt vào! Cho hai cái uống nước gặp nhau đi! Hôn nhau đi!!!...


 3- Sau buổi sinh hoạt chi đoàn ấy, họ có số điện thoại của nhau. Họ không chỉ hàng ngày  trao đổi với nhau qua điện thoại mà họ còn thường xuyên gặp gỡ nhau. Một đồng chí phó bí thư Đảng ủy, một cô giáo là ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã, họ thiếu gì lý do cần phải gặp nhau. Trước tiên là việc già làng Sùng A Tháo và dân làng đồng ý cho bộ đội đánh đường tuần tra qua nương rẫy. Seo Chi giải thích cho già làng và dân bản:

    - Bộ đội người ta làm đường chạy qua nương rẫy, dân mình chỉ có lợi nhiều hơn lên thôi. Sau này đi nương không phải đi xa, không phải leo dốc nữa mà đã có cái con xe máy nó chở mình đến tận nương. Trước trồng ngô bây giờ mình chuyển sang trồng Tam giác mạch, vẫn có lương thực sử dụng mà lại còn có thu nhập nhờ làm dịch vụ cho khách du lịch đổ về mỗi một mùa hoa.

  Đúng như lời Seo Chi nói. Mùa hoa Tam giác mạch năm sau, tỉnh cho tổ chức lễ hội Hoa Tam Giác mạch lần thứ nhất tại thị trấn phố huyện. Người các nơi trong nước, có cả khách du lịch nước ngoài đổ xô về dự lễ hội và thưởng thức vẻ đẹp của những cánh đồng hoa Tam giác mạch. Khách sạn, nhà nghỉ ở phố huyện và các thị tứ chật cứng không còn có chỗ cho du khách nghỉ. Vậy là dân bản lại có thêm nhiều nghề mới: Nấu rượu Tam giác mạch, làm bánh kẹo từ Tam giác mạch..Nghề dệt thổ cẩm từ sợi lanh tưởng như đã bị mai một bởi vải công nghiệp vừa đẹp, vừa rẻ thế mà lại có cơ hội phục hồi, phát triển làm quà kỷ niệm, làm váy áo bán hoặc cho du khách thuê. Nhiều gia đình được tỉnh, huyện hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ cải tạo lại nhà ở trở thành những nhà nghỉ cộng đồng. Không chỉ du khách trong nước mà đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích thú với kiểu nhà nghỉ gia đình ấy ...Rồi không chỉ người lớn mà ngay đến cả trẻ em sau giờ học đi chơi làm mẫu cho du khách chụp ảnh cũng có tiền...Già làng Sùng A Tháo bây giờ đi đâu là chỉ việc ngồi đằng sau chiếc xe Honda của thằng cháu đích tôn em Seo Chi đang học lớp 12 dưới phố huyện đưa đi. Ai hỏi thăm đến đứa cháu gái Seo Chi là ông cười tít mắt, rung sàn nhà, hở cả hàm răng tám sáu ba không, tự hào khoái chí khoe:

  • Ầy dồ! nó là con gái nhưng có học, đi nhiều vẫn có khác. Một lời nó nói có giá  bằng cả mấy tả ngu (mấy tạ ngô)!

  Nhưng khi nói đến chuyện chồng con của Seo Chi thì ông lại ỉu sìu than phiền là chả biết làm sao, gần ba chục lần giã bánh dầy rồi mà cái con bé cứng đầu ấy vẫn không chịu cho người ta đến bắt. Mấy lần ông tra hỏi thì nó nói từ từ, còn đang tiếp tục học thạc sĩ gì đó chưa xong. Gần đây, cũng có vẻ nó đã có chuyển biến. Nó hỏi thế tiêu chuẩn chồng nó ông đặt ra là thế nào? Ông bảo gần xa không quan trọng, miễn không phải người cùng họ nhưng phải là người Mông. Người Mông ta không kết hôn với người dân tộc khác. Và điều quan trọng nhất là khỏe mạnh, biết thổi khèn hay. Cháu gái ông giỏi dang thế phải kén được đứa tương xứng chứ. Nó bảo thế nó lấy người Kinh dưới biển thì sao? Ông trừng mắt: Không được! Mình ở rừng cái hồn của mình nó quen rồi, có sa xẩy ở đâu thì đi cúng gọi nó về chứ xuống biển như lần trước ông được đi dự hội nghị các già làng tiêu biểu Toàn Quốc, được Chủ tịch Nước bắt tay, được đi thăm Quần đảo Trường Sa, lúc từ tàu bước xuống ca nô chênh chao tý ngã. Không có chú em công tác trên Tuyên giáo Tỉnh ủy đi cùng gọi ngay hồn lại không để rơi xuống biển cho ông thì có mà ốm chết nhăn răng rồi. Hồn mà rơi xuống biển thì biết đằng nào mà gọi nó về. Cái con bé cứng đầu ấy lại bảo nhưng nó lấy chồng cho nó chứ có phải cho ông đâu? Ông quát: Láo, con này láo thật! Cho mày ăn học để cãi lại bố mẹ, ông bà, cả phong tục của người Mông ta à! Nó lại nhe nhoẻn cười, vuốt vuốt mái tóc bạc của ông nói là nó thử thế xem ông phản ứng thế nào thôi.

 

   Seo Chi và Mạnh đã đính ước và thề thốt dù khó khăn đến đâu cũng sẽ không chia rẽ. Rào cản lớn nhất mà hai người phải vượt qua là làm thế nào để thay đổi tư duy trong cái đầu ông nội Seo Chi. Seo Chi bảo Mạnh phải từ từ để Seo Chi lựa sao cho êm đẹp. Mặc dù bây giờ đã có nhiều đổi mới, các dân tộc chung sống trong một cộng đồng hòa hợp, chuyện người Mông kết hôn với người dân tộc khác cũng đã xảy ra nhiều nhưng đối với người già thì vẫn còn cần có thời gian thuyết phục. Về phía gia đình Mạnh cũng có cản trở nhưng Seo Chi xinh đẹp thế, giỏi dang thế lại là cô giáo đúng như tiêu chuẩn bà mẹ đặt ra cho Mạnh. Hơn nữa mẹ cũng là cô giáo lại đã từng làm lãnh đạo ở một Phòng Giáo dục cấp huyện nên Mạnh tin rằng bà sẽ dễ thông cảm và đồng thời cũng không thể quá khắt khe.      Một lần, khi bà lên thắp hương mộ bố trong nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên rồi đến trạm Biên phòng thăm Mạnh, Mạnh đã cùng Seo Chi khéo léo bố trí để Seo Chi hướng dẫn bà đi vài ngày thăm một số danh lam thắng cảnh trên mấy huyện vùng cao của tỉnh từ Cột cờ Lũng Cú đến Nhà Vương, Phố cổ của huyện Đồng Văn, vượt Mã Pì Lèng qua chợ tình Khau Vai của huyện Mèo Vạc rồi sang Núi Đôi, bản Văn hóa Nặm Đăm của huyện Quản Bạ...Với khung cảnh nước non mây trời hùng vĩ, tráng lệ, với tính cách hiền hòa, cởi mở của con người trên Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cộng với sự khéo léo, dịu dàng của cô gái người bản xứ xinh đẹp đã làm cho bà phấn khích lắm. Và rõ nét nhất là sự  thân thiện, quý mến của bà dành cho Seo Chi. Là một người từng trải và với tâm hồn nhậy cảm của phụ nữ, chắc chắn bà đã nhận ra điều gì. Nhưng đã là chuyện tình cảm thì bao giờ phụ nữ cũng dễ dàng bị thuyết phục hơn là cánh đàn ông.

 

  1. Chuẩn bị đến lễ hội Nào Sồng đầu năm mới. Seo Chi hỏi ông nội là năm nay ông thấy người nào xứng đáng được bầu làm Lùng thầu. Việc bầu Lùng thầu trong lễ hội Nào Sồng của người Mông cũng giống như việc bầu trưởng thôn, trưởng bản do cộng đồng dân bản bầu ra nhưng ý của già làng rất quan trọng, nó có ảnh hưởng lớn đến kết quả dân bầu. Già làng Sùng A Tháo bảo ông muốn chọn Sùng A Lộc.  Seo Chi nói với ông: Sùng A Lộc là người họ nhà ta nhưng anh ấy hiền lành quá lại học hành chẳng đến đâu. Ngày nay đổi mới rồi, ông phải ủng hộ người có tài, nhanh nhẹn, tháo vát, am hiểu nhiều. Ít nhất cũng phải học hết phổ thông mới có đủ những phẩm chất ấy. Theo cháu ông nên chọn anh Giàng Mí Sủng thì hơn. Anh ấy không phải người họ nhà mình nhưng học rộng lại hiểu biết, làm ăn giỏi, kinh tế gia đình vững vàng. Phải là những người như thế mới lo được cho dân bản chứ nhà mình chưa lo được thì còn nói lo được cho ai. Vốn quý mến cô cháu gái, lại cũng thêm một phần nể trọng tài năng của cháu nên già làng nghe theo ngay. Seo Chi lại nói năm nay Seo Chi quyết định sẽ lựa chọn chồng trong số năm người thổi khèn hay nhất hội. Ông nội Seo Chi mừng ra mặt. Thật đúng là đứa có học, biết trên biết dưới, biết tôn trọng người già. Nó biết chọn chồng thổi khèn giỏi, thế là đứa hiếu thảo, ngoan hiền lắm!

  Lễ hội Nào Sồng năm nay, Giàng Mí Sủng đã được dân bản nhất trí cao bầu làm Lùng thầu của bản Tả Chu Phìn. Giàng Mí Sủng học xong Đại học Nông nghiệp nhưng quyết định quay trở về quê hương lập nghiệp. Từ kiến thức của mình cộng với sự giúp đỡ của Viện khoa học Nông nghiệp, anh đã thành công trong việc trồng hoa hồng trên đất cao nguyên. Bây giờ hoa hồng của anh và của một số nhà trong bản tràn ngập các thung lũng núi. Mỗi buổi sáng, hoa hồng thu hoạch của dân bản được đưa lên xe chuyên dụng có máy lạnh chở đi phục vụ cho nhu cầu của thành phố ngay trong ngày. Anh đã trở thành tỷ phú vùng Cao nguyên và nhiều gia đình trong bản cũng giầu lên nhanh chóng từ hoa hồng. Và anh cũng là một trường hợp đặc biệt của người Mông đã lấy vợ người Kinh, một cô kỹ thuật viên của Viện khoa học Nông nghiệp được cử lên cộng tác với anh trong thời kỳ thực nghiệm dự án.

   Lễ hội Nào Sồng năm nay, bản Tả Chu Phìn có tổ chức chương trình thi thổi khèn cho các trai làng và trai các bản trong xã ai muốn đăng ký tham dự cũng được. Theo thỏa thuận riêng với ông nội, Seo Chi sẽ sử dụng kết quả của cuộc thi để lựa chọn người chồng tương lai. Có hai Ban giám khảo, một Ban chấm giai điệu, âm thức của giọng khèn, một Ban chấm vũ điệu của người biểu diễn. Già làng Sùng A Tháo là trưởng Ban giám khảo giọng khèn nên không được ra bãi khèn. Các cụ phải ngồi trong Nhà Văn hóa đóng kín cửa để nghe. Ban vũ điệu ngoài bãi khèn ở sân Nhà Văn hóa do Lùng thầu mới được bầu của bản làm trưởng Ban. Ban vũ điệu gắn cho mỗi người dự thi một số hiệu. Khi trưởng Ban xướng đến số hiệu của ai thì người ấy mang khèn vào thổi. Do có ý định trước nên Mạnh đã ý thức việc tập luyện cả một thời gian mấy tháng liền, hơn hẳn các trai làng khác ở chỗ chỉ thổi theo bản năng, theo thói quen sẵn có. Vốn dĩ trước đây Mạnh đã biết thổi khèn thành thạo nên Seo Chi tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công của anh.

  Kết quả đúng như dự định của Seo Chi. Ngoài bãi khèn, người mang số hiệu 08 là Trần Quang Mạnh được chấm đứng thứ hai. Trong nhà, Ban giám khảo âm thanh đánh giá số báo danh 08 đứng thứ ba. Như vậy, trừ người thứ nhất toàn diện cả âm thanh lẫn vũ điệu vốn là kiện tướng cấp huyện nhiều năm liền, nhà ở ngoài trung tâm xã, anh vào thi không phải để tranh tài, đoạt giải mà chỉ là để thử tý chút và kích thích cánh trai làng đua tài. Còn lại số báo danh 08 và số báo danh 05 phải tiếp tục tranh nhau chức thứ nhì bởi số báo danh 05 được Ban Giám khảo vũ điệu đánh giá xếp thứ ba thì lại được Ban giám khảo âm thanh đánh giá đứng thứ hai. Cả hai Ban Giám khảo nhất trí cho hai ứng viên tranh tài tiếp theo bằng một bài trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Trong vòng 5 phút các ứng viên phải viết trả lời trên giấy nộp cho Ban Giám khảo. Trưởng Ban giám khảo âm thanh ngồi trong nhà không biết mặt người dự thi là người đặt câu hỏi. Câu hỏi được nêu ra là:

 Anh hãy cho biết sự tích cây khèn của người Mông?   

  Rõ thật là gãi đúng chỗ ngứa đối với Mạnh. Chuyện của người Mông xưa, có một ông bố qua đời, nhà sáu anh em người nào cũng sót thương bố khóc lóc, kể lể thê thảm, duy chỉ có đứa em út bị câm không nói được lòng mình. Để tỏ lòng hiếu đễ với bố, cậu bèn nghĩ ra cách lấy ống nứa chế ra một nhạc cụ gồm có một ống to và sáu ống nhỏ tượng trưng cho bố và sáu anh em, khoét lỗ rồi kết bện vào nhau, thổi lên nghe da diết, lâm ly, não nuột lắm. Ai cũng khen cậu út là người hiếu thảo nhất. Nhạc cụ ấy chính là cây khèn Mông ngày nay, tóm tắt sự tích là vậy. Không biết người mang số hiệu 05 có biết chuyện xưa về cây khèn của dân tộc mình không nhưng trong vòng 5 phút để viết thể hiện ra giấy thì chắc khó so tài được với một hội viên Hội Văn nghệ Dân gian. Và...kết quả được Ban giám khảo công bố: Số 08 đứng thứ nhì! 

 

  1. Họ đã làm đám cưới ngay trong mùa xuân đầu năm nay. Sau đám cưới, họ được ông nội Seo Chi

cho ở trong ngôi nhà ông làm trên nương Tam giác mạch bên cạnh con đường tuần tra của Bộ đội Biên phòng mở năm xưa. Và cũng ngay trong dịp ấy, Mạnh được thăng quân hàm lên thiếu tá đồng thời được đề bạt giữ chức vụ Phó đồn trưởng. Sùng Seo Chi lấy được tấm bằng thạc sĩ và được Huyện ủy điều động về công tác tại Ban Tuyên giáo.

  Bắt tay tiễn chúng tôi, đồng chí trung tá Đồn trưởng còn dặn: “Hiện họ cùng đang nghỉ phép, sau lễ hội Hoa Tam giác mạch họ sẽ về huyện để khởi công đào móng nhà, dự định sẽ đón bà cụ mẹ chú Mạnh lên ở cùng và bà cũng đã đồng ý. Có mỗi đứa con trai, lại còn có cả mộ chồng trong Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thì việc bà lên ở với họ là điều quá hợp lý. Muốn gặp họ, các anh cứ đi khoảng hai cây số thôi, hễ thấy ngôi nhà nào như tôi tả lúc nãy thì dừng lại”

 Xe đoàn chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà gỗ làm bên trên phía taluy dương của con đường nằm trong lòng một rừng hoa Tam giác mạch. Phía dưới đường cũng là một nương hoa Tam giác mạch có hàng chục người cả người ta, cả người ngoại quốc đang tạo hình chụp ảnh. Thấy có xe đỗ, một cô gái trong trang phục người Mông bước lên tiến lại chỗ chúng tôi. Cùng lúc ấy, một chàng trai đang chụp ảnh dưới nương hoa cũng ngẩng đầu, anh vừa rảo chân bước lên vừa reo to:

  • A!!! Chào bác Thanh Mai! Chào các bác! Quý hóa quá, đúng là có trời xui khiến, thế nào mà lại được gặp các bác ở nơi này chứ lị!
  • Ồ!!! Vàng Mí Tẻn! Hóa ra lại là chú à?

  Vậy là nhà văn trưởng đoàn của chúng tôi cũng là người quen biết của thiếu tá Phó đồn trưởng Trần Quang Mạnh, họ cùng là hội viên bên Hội Văn nghệ Dân gian. Vợ chồng Seo Chi rất vui mừng, cứ muốn giữ chúng tôi nghỉ lại. Seo Chi kể: “Sau cuộc thi, em bảo ông nội là em đã chọn được người rồi. Ông hỏi là đứa nào, em bảo là người đứng thứ nhì cuộc thi. Mà thực ra trong năm người đứng đầu thì đến ba người đã có gia đình, vợ con rồi. Phương án chọn năm người của em cũng đã là có tính toán trước. Ông hỏi thế nó tên là gì, em trả lời: Vàng Mí Tẻn!  Ông bảo tốt! Thế nhà nó ở đâu? Em nói ông gặp khác biết. Đến khi anh Mạnh ra mắt, ông giật mình: Hóa ra lại là mày à!... Cũng nhùng nhằng tý chút nhưng được anh Giàng Mí Sủng làm Lùng thầu bản can thiệp nên mọi chuyện rồi cũng xuôi. Bây giờ thì ông nội em vui vẻ lắm rồi. Còn thực ra cái cuộc thi thổi khèn ấy cũng có chút thiên vị, sau khi kết quả của hai người ngang ngửa với nhau, em nháy anh Giàng Mí Sủng đề xuất cái cách ra câu hỏi để lựa chọn người đứng thứ nhì. Anh Mí Sủng thì tất nhiên là ủng hộ chúng em quá còn gì nên lại đề xuất với nhóm giám khảo bên trong nhà và được đồng ý ngay. Em đoán trúng phóc ông nội em sẽ ra câu hỏi thế nào nên thừa tin tưởng là anh Mạnh sẽ thắng.” Mạnh nhìn vợ rồi quay lại phía chúng tôi: “Nhưng mà báo cáo các bác, em thi thố là thực tài chứ không gian lận đâu nha!”. Seo Chi bụm mồm cười: “Không có anh Mí Sủng thiên vị chấm cho đứng thứ nhì vũ điệu thì còn có mà...Ử thì thôi, đúng là tài thật! Tài...tài như cái quai Lù cở.”. Mọi người cười vang cả căn nhà.

   Trước khi lên xe chia tay, chúng tôi chụp chung với vợ chồng Sùng Seo Chi một tấm hình làm kỷ niệm, cả đoàn đứng ngay tại sân căn nhà của họ. Phía sau nhà, nương hoa Tam giác mạch đang nở rộ  đỏ hừng lên dưới nắng trời rực rỡ.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *