Thời sự văn học nghệ thuật

19/8
9:03 AM 2020

HẠNH PHÚC GIẢN DỊ- TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THỊ KIM LIÊN

Sóng gió đã đến với gia đình tôi bất ngờ và nghiệt ngã cũng vào dịp cuối năm... đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại câu chuyện cũ tôi vẫn bàng hoàng lo sợ điều khủng khiếp đó xảy ra, chỉ biết lầm rầm cầu khấn các đấng cao xanh phù hộ chở che cho gia đình bé nhỏ của mình!...

Những kỳ lương cuối năm luôn đầy bận rộn nhất là với các nhân viên phòng kế toán chúng tôi, vì ngoài lương công nhân sản xuất, còn phải lo làm quyết toán lương cho cán bộ công nhân viên khối phòng ban. Chung không khí bận rộn tấp nập đó, bên tổ chức và bộ phận kế hoạch mỏ cũng phải lao vào làm định mức chỉ tiêu cho các phân xưởng sản xuất trong năm tới cũng như tính toán xây dựng đơn giá các loại than... báo cáo tổng ngày công, công nhật, công khoán, nhập, xuất, tồn và quyết toán vật tư cho các phân xưởng của mỏ.

Sóng gió đã đến với gia đình tôi bất ngờ và nghiệt ngã cũng vào dịp cuối năm... đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại câu chuyện cũ tôi vẫn bàng hoàng lo sợ điều khủng khiếp đó xảy ra, chỉ biết lầm rầm cầu khấn các đấng cao xanh phù hộ chở che cho gia đình bé nhỏ của mình!...

Mỏ đang vào chiến dịch xuất khẩu than liên tục từ đầu quý 3, cán bộ, công nhân mỏ làm thông cả chủ nhật để đáp ứng đủ sản lượng than theo kế hoạch. Các phòng ban cũng miệt mài công việc đến tận khuya mới về nghỉ.

Sau cả tuần căng thẳng liên tục làm thêm giờ, đẩy tiến độ bắt theo nhịp sản xuất chung của mỏ, chúng tôi mới được một ngày nghỉ theo giờ hành chính như quy định. Trên đường về, tôi tranh thủ rẽ vào chợ mua những món ăn tươi mà chồng con ưa thích, tính về làm bữa cải thiện, bù cho thời gian qua. Vừa về đến cổng, con trai tôi đã ùa ra đón mẹ, reo lên như còn thơ bé lắm. Nó tíu tít dắt xe cho tôi vào và mang các đồ tươi sống xuống bếp, miệng nói không ngớt:

- Ôi mẹ ơi toàn món ngon thôi, bố cũng mua các món giống mẹ này. Lạ quá, sao hai bố mẹ mua giống nhau thế nhỉ.

- Thế à? Bố con đã về rồi sao?

- Không ạ, hôm nay bố con phải chỉ đạo sản xuất thay bác Viện ốm. Bố con nhờ cô P. đi chợ giúp mua về, vừa mang vào. Chắc vì sợ mẹ về muộn như mọi hôm không mua được hải sản tươi. 

- Ừ, con cứ để đấy mẹ làm cho. Con đi tắm đi, công việc của con thế nào? Đi làm trong môi trường công việc mới có vất vả không con? 

- Mẹ cứ nghỉ đi nhé, con sẽ trổ tài nấu nướng cho mẹ ăn, dù sao gần 5 năm trên Hà Nội học và tự nấu ăn, con đã rất thạo các món này rồi. Nhưng làm mấy con cua bể thì con chịu ạ.

Thấy con vui vẻ không than thở hay phàn nàn về công việc nó mới được nhận vào làm gần tháng nay tôi cũng tạm yên lòng.

Vừa tấp tểnh học xong ra trường, bố nó đã vội xin luôn cho vào làm việc ở công ty liên doanh khai thác than của nước ngoài. Bước thử việc rất ngặt nghèo, phải lên vỉa tham gia thực địa, chỗ công việc mầu mỡ đó đòi hỏi người phải có kinh nghiệm dày dặn mới mong trụ nổi, thằng con tôi mới ra trường lại theo nghề mẹ, mặt búng ra sữa thế kia liệu có trụ nổi không? Nhiều khi tôi lo lắng rồi tự an ủi mình… Thôi thì cứ để con cọ sát với thực tế cho dày dạn đã. 

- Mẹ ơi con làm xong rồi, mẹ vào dạy con làm cua bể đi ạ.

- Đây, đây nhé, cua bể mà cắp thì có sấm nó mới nhả ra, con nhớ kỹ có hai cách làm nhé. Thứ nhất, lấy khăn bịt mắt cua hoặc băng dính bịt mắt cua, sau đó tháo dây buộc ra dùng bàn chải cọ rửa sạch sẽ, rồi cho vào luộc. Cách thứ hai là hóa kiếp cho cua bằng cách chọc thẳng con dao nhỏ vào mắt cua rồi rửa cọ sạch, rồi cho vào luộc hấp tùy con nhé. Cẩn thận không nó cắp đứt tay đấy.

Với mẹ quen tay, chỉ cần bịt mắt nó là xong thôi, cua luộc thì nhanh chín, hấp ngon nhưng lâu lắm. Nước cua kia con gạn lấy để nấu bát mỳ ăn. Tôi vừa làm vừa tranh thủ hướng dẫn con trai. 

- Ôi, con sợ nó cắp lắm, mẹ chơi sang thế, mua mỗi người một con cơ à? To thế này đắt lắm.

- À tiền thưởng tăng ca thêm giờ của mẹ đó. Thi thoảng cũng tăng chất can xi cho xương chắc khỏe chứ. Thôi để mẹ làm cho, tý gọi xem anh con đi làm về chưa gọi sang ăn cùng cho vui? Mà mai nó đi ka mấy? Tôi có hai con trai, thằng lớn làm trên Mạo Khê ổn định công việc rồi, nó có nhà riêng, thi thoảng mới đảo về Uông Bí chơi thăm bố mẹ.

Coong… coong... tiếng chuông cổng reo lên, tôi từ trong bếp đi ra đã thấy thằng em đang đi ra mở cổng cho anh nó phi chiếc xe máy đèn sáng quắc vào đỗ trong sân.

- Con chào mẹ, mai con học an toàn vì thế con mới xuống, vì mai 8h30 mới phải lên công ty mẹ ạ.

- Con trai về à, may quá, vào rửa tay rồi ăn cơm thôi con. À này, sao lại phải học an toàn là sao con? 

- Mẹ ơi, quản đốc họ cứ bầu con làm An toàn viên của tổ điện. Mãi con mới nhận, cũng làm được việc họ mới đề cử đấy. Mỏ cho ăn sang lắm, ăn 3 bữa cấp dưỡng phục vụ. Con toàn cho vé ăn đi 90.000 đồng một suất đấy. Bọn con làm trên dương lò, nhàn, ăn theo công nhân hầm lò nên lương và phụ cấp cả bồi dưỡng ăn uống không hết. Vừa nói cậu trai cả vừa mở cốp xe khệ nệ xách một túi to các vỉ sữa – suất ăn bồi dưỡng giữa ca, nó không uống để dành, mang về cho em trai.

- Bố con đi làm về muộn thế mẹ ơi?

- À, bố con làm đúp hai ca, đêm mới về. Thôi các con vào bàn ăn luôn cho nóng.

Sau bữa tối, ba mẹ con ngồi xem ti vi và nghe hai con thông báo tình hình thuận lợi và khó khăn mà các con đang gặp. Công việc của trai cả yên ổn không có gì phải lo, chỉ mỗi chuyện tìm người yêu và xây dựng gia đình là cả hai không đứa nào đả động đến. 

- Các con nghe đây, an cư lập nghiệp rồi, các con không phải lo gì về nơi ăn chốn ở. Hai con hai dinh cơ đoàng hoàng rồi. Công việc cũng ổn định thu nhập đảm đương được cuộc sống gia đình riêng rồi. Các con yêu thương ai thì sớm quyết định, dẫn về ra mắt gia đình để bố mẹ lo cưới hỏi cho. Bố mẹ còn trẻ khỏe giúp đỡ được các con chứ mai kia già cả không giúp được gì đâu. Trai khôn dựng vợ gái lớn gả chồng mà... Tôi buồn bã nói với các con.

- Mẹ ơi cứ từ từ đã, con phải tìm hiểu, hợp rồi đưa về ra mắt mẹ. Cậu con trai cả cười hiền lành rồi từ tốn trả lời.

- Con lớn rồi đừng kén chọn quá yêu và lấy vợ cho mẹ nhờ. Bạn mẹ lên chức cả rồi mỗi mẹ chưa thôi.

- Ôi mẹ ơi, nhà người ta lên chức sớm vì đẻ con gái chứ? Bạn mẹ lên chức bà ngoại sớm là đúng rồi, cứ bình tĩnh mẹ ơi. Thằng con trai bé lên tiếng cự lại mẹ.

- Không phải lo gì về kinh tế. Không lo về nơi ở. Hai con sớm lấy vợ có cháu cho cha mẹ vui lòng. Tôi cũng cười cười vui cốt xoa dịu không khí bữa ăn khỏi căng thẳng thái quá.

Cuộc sống vẫn êm ả trôi qua trong gia đình, cuộc sống của chúng tôi khấm khá hơn xưa khi hai con đã trưởng thành, công việc ổn định, bớt đi được gánh nặng cơm áo gạo tiền…

 Đang ngồi dò từng dòng tên cán bộ công nhân viên trong danh sách vào nhận lương thưởng, nhìn các anh ai nấy đều rạng rỡ cầm bút ký đã lĩnh vào sổ xác nhận tôi cũng vui lây, mường tượng ra cảnh chồng và các con tôi cũng hồ hởi với niềm vui đầy thành quả như thế. Bỗng chuông điện thoại của chồng réo gọi liên tục, gấp gáp như hối thúc, linh cảm có điều chẳng lành xảy đến, tôi tạm dừng công việc, đẩy ghế tạm rời chỗ ngồi ra xa bàn rồi bấm máy trả lời:

- Alo, có gì quan trọng mà anh gọi điện cho em đấy? Em đang phát lương… Sao sao? Con bị sao? Cấp cứu Thụy Điển… hả… hả... Chiếc điện thoại rơi bộp xuống nền đất khi nghe chồng báo tin con trai bé của tôi gặp tai nạn giao thông... Tôi đứng chết lặng đầu óc rối bời vì lo lắng và thương con quá. 

Chẳng kịp thu xếp công việc, tôi chỉ kịp gọi anh kế toán trưởng vào giao sổ sách công việc rồi ra xe chạy thẳng về hướng thành phố. Lao sầm vào viện, thấy con nằm im bất động trên băng ca phòng cấp cứu, máu be bét, tôi chỉ biết nhào vào ôm máu thịt của mình rồi thì thầm vào tai nó:

- Con yêu, có mẹ đây rồi có mẹ rồi, không sợ gì con nhé. Trời Phật sẽ phù hộ cho con tai qua nạn khỏi. Bác sĩ sẽ mổ cho con an toàn khỏi thôi.

- Bệnh nhân bị dập bàn tay phải, vỡ bánh chè chân trái, cú ngã văng ra đập vào đường bê tông gây chấn thương vùng vai gáy, giờ phải mổ gấp để lâu sẽ bị hoại tử. Tùy gia đình quyết định, đưa đi Việt Đức hay mổ tại viện cũng mời gia đình ký vào bản cam kết. Các bác sỹ thông báo cho gia đình tôi biết tình trạng thương tích của con tôi sau hội chẩn. 

Bàn nhanh với chồng sơ qua tình hình hiện tại, rồi tôi gục xuống tiền sảnh, đầu đau như búa bổ, không biết đi hay ở sẽ tốt hơn cho hiện trạng của con... trong khi chồng tôi và cô, dì, chú nó muốn đưa đi Việt Đức. Tôi suy nghĩ cao độ trong 5 phút rồi đi tới quyết định táo bạo ký cam kết mổ cho con trai tôi tại bệnh viện Việt Nam Thụy Điển, tôi tin vào tay nghề của các bác sĩ tỉnh nhà, hơn nữa gia đình sẽ có nhiều điều kiện chăm sóc sau ca mổ hơn. 

Mọi người đành nhường quyền quyết định cho tôi. 

Sau gần 3 tiếng, ca mổ đã thành công, tôi không dám rời đi đâu nửa bước, bảo tất cả mọi người nhà về nghỉ, để mình tôi ở lại bệnh viện chăm con, chờ con tỉnh lại. Thật may mắn, con tôi được truyền tiếp nước, tiếp máu đầy đủ với suất ưu tiên của bệnh viện, vì nó luôn tình nguyện đi hiến máu nhân đạo cho viện cứu người, nay gạp nạn cần truyền máu phục vụ cho ca mổ nên viện áp dụng chính sách ưu tiên. Chỉ còn một mình bên con trong phòng cấp cứu hồi sức, tôi lắng nghe từng hơi thở của nó mà lòng quặn thắt, lo rằng cái chân sẽ để lại di chứng thì ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình riêng của nó, dù nó chưa lấy vợ… Tôi buồn nẫu khi nghĩ về tương lai ảm đạm của con tôi ngày mai sẽ ra sao.

Sau ba tháng điều trị tại viện gia đình đón cháu về nhà tĩnh dưỡng chờ lành vết thương, tôi mỗi giờ đi làm lại tất bật lên thực đơn để chiều về rẽ qua chợ kịp mua đồ tươi bồi bổ cho cháu, những tôm cua, hải sải, những thực phẩm giàu can xi đều được tôi cập nhật chu đáo.

Ơn trời, tuổi trẻ và sức sống mãnh liệt của lứa tuổi thanh niên đã giúp nó mau lành bệnh, mổ rút đinh xong, nó có thể nhúc nhắc tự đi lại được, nhìn những bước đi chắc nịch của nó chậm chạp, chắc chắn dậm lên nền nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Mùa xuân mới lại về mang sắc thắm của muôn hoa, như tôi đã từng nghe ai đó nói rằng mùa xuân là mùa của đôi lứa yêu nhau... ngẫm trong trường hợp thằng trai bé nhà tôi thì đúng vậy, trong lúc nằm viện, anh chàng đã tia ngay được một cô bé ngành y... sau hai năm tìm hiểu tâm đầu ý hợp, các con nên duyên chồng vợ, rồi một thiên thần đầu lòng mũm mĩm chào đời đưa niềm hạnh phúc nhân lên trong không khí đại gia đình cùng vui mừng đón đứa cháu nội yêu thương về nhà. 

Gia đình luôn ấm êm hạnh phúc đó phải chăng là mơ ước của bất kỳ người phụ nữ nào, bên cạnh niềm mơ ước đó thì sự an toàn của mỗi thành viên trong gia đình cũng luôn thường trực đè nặng nơi trái tim họ. Từ ngày phải trải nhận những cảm giác hãi hùng khi biết tin con bị tai nạn giao thông, tôi vẫn giữ thói quen cầu khấn các đấng tối cao phù trợ cho mọi người được tai qua nạn khỏi, và hết sức chú tâm, cẩn trọng, sáng suốt khi tham gia giao thông lái xe trên đường, cần tuân thủ chặt chẽ luật giao thông, để không người mẹ nào phải nếm trải cảm giác như tôi khi ấy - đây thực sự là hạnh phúc bình dị nhất mà người mẹ nào cũng thầm mong phải không?

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *