Thời sự văn học nghệ thuật

17/10
4:55 PM 2016

8 TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN ĐOÀN GIỎI ĐƯỢC TÁI BẢN CÙNG LÚC

Bộ sách gồm 8 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi, bao gồm: Truyện dài Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Truyện kí Trần Văn Ơn, Truyện dài Cá bống mú, Truyện dài Hoa hướng dương, Tập truyện ngắn Rừng đêm xào xạc, Truyện dài Cuộc truy tầm kho vũ khí, Tê giác trong ngàn xanh, Những chuyện lạ về cá.

Đón mừng bộ sách này, sáng 15-10-2016 tại trung tâm sách Kim Đồng  TP. HCM, các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học cùng bạn đọc yêu văn Đoàn Giỏi có cuộc tọa đàm “Đoàn Giỏi - đại thụ phương Nam”. Đây cũng một sinh hoạt văn hóa bắt đầu cho chuỗi hoạt động hướng tới kỉ niệm 60 năm thành lập NXB Kim Đồng (1957-2017) mà Đoàn Giỏi là một trong những tác giả sáng lập.

Những người có mặt, bằng kỉ niệm có với nhà văn, bằng cảm thụ một lần nữa văn chương Đoàn Giỏ qua sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, bằng cả những điều tra khoa học vừa mới thực hiện… đã bàn thảo làm sáng rõ các nhận định. Đoàn Giỏi xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho những trí thức Nam Bộ dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là người từng đàm đạo văn chương với tác giả Hồ Biểu Chánh, và có tác phẩm xuất bản trước 1945, là sinh viên trường Mĩ thuật Gia Định, là “công tử con nhà giàu” của vựa lúa Nam Bộ… ông dám từ bỏ tất cả để làm một chiến sĩ công an của nước Việt Nam mới và tiếp tục sáng tác để thành cây bút có bản sắc riêng của văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn Tô Hoàng nhắc lại lời dạy của Đoàn Giỏi ở một lớp viết văn: “Chỉ nên viết về những gì mình biết tường tận”.

Mấy chục năm qua, những tác phẩm của Đoàn Giỏi đã có chỗ đứng vững vàng trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đưa ra kết qua một khảo nghiệm mình vừa thực hiện, trong  200 sinh viên khoa Văn được phỏng vấn thì 100% biết đến nhà văn Đoàn Giỏi.; trong 160 người lựa chọn ngẫu nhiên (tuổi từ 22 đến 55) thì người có đọc “Đất rừng phương Nam” và biết đến Đoàn Giỏi chiếm 55%. Bà Vân cho biết cũng số người này khi được hỏi có biết Xuân Diệu, Huy Cận không, thì số trả lời có biết, chỉ chiếm 20%. Cũng bàn về việc này nhà văn Trần Quốc Toàn nêu vấn đề Đoàn Giỏi là tác giả nhiều lần xuất hiện trong sách giáo khoa tiếng Việt hiện hành, ông cho biết trong hội thảo khoa học về việc xây dựng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt mới tổ chức ngày 31-7-2016 tại TP.HCM, văn phẩm Đoàn Giỏi lại được đề nghị tuyển chọn vì thuận với cách dạy tích hợp, đó là văn chương và cũng là địa chí, là sức sống của một phương ngữ.

Văn Đoàn Giỏi ngay từ khi viết chuyện chiến tranh đã gửi sớm thông điệp tới người sống trong thời bình hôm nay - đó là lời kêu gọi, nhắc nhở về việc bảo vệ môi trường. Bạn đọc trẻ Lâm Hoàng Phúc áp dụng quan điểm phê bình sinh thái để dẫn lại lời trăn trối của nhân vật vợ Tám Mun trong “Rừng đêm xào xạc”: “Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gắp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mỹ đó”.

Cùng những ý kiến bàn thảo là các đề nghị cụ thể, nhà văn trẻ Văn Thành Lê nhắc Phó Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang - nhà thơ Trương Trọng Nghĩa về việc nên có một con đường mang tên Đoàn Giỏi ở chính quê hương ông. Đạo diễn điện ảnh Vinh Sơn (người đưa “Đất rừng phương Nam” lên màn ảnh truyền hình) mong muốn được thực hiện một dự án điện ảnh từ tác phẩm lớn này, một kho tàng nhân vật, đề tài, tư tưởng… mà ông chưa khai thác hết.

PV

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *