Tác phẩm và dư luận

20/9
11:43 PM 2020

NHÀ THƠ PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO RA MẮT TẬP THƠ “GIẤC SEN”

Vanvn.net - Chiều 17-9-2020 tại Không gian Văn hoá Đông Tây, số 79 Nguỵ Như Kon Tum, (Thanh Xuân - Hà Nội), Công ty CP Văn hoá Truyền thông Thiên Sơn Book đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ “Giấc Sen” của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tập thơ “Giấc sen” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép in ấn và phát hành tháng 9 - 2020. Đây là cuốn sách thứ 15 của chị, ra liền ngay sau tập trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” của chị viết về người nông dân vượt khó Đoàn Văn Vươn ở TP Hải Phòng, đã được nhiều bạn đọc yêu thích. Tác giả là người chịu đọc, chịu đi và viết được nhiều thể loại như thơ, bút ký, tản văn, trường ca, thơ thiếu nhi... Tập thơ “Giấc Sen” gồm 120 bài, chủ yếu là thơ ngắn, bao gồm thơ Namkau, Haiku, lục bát, thơ tự do... chị đã viết liên tục trong mấy năm gần đây. Tập thơ dày dặn và trang nhã, đánh dấu sự chuyển đổi trong bút pháp và chặng đường sáng tác cùng những nỗ lực không ngừng của một cây bút nữ giàu nội lực. Đúng như lời đánh giá và phát biểu nhà phê bình văn học, PGS - TS Tôn Phương Lan trong buổi ra sách.

Cũng tại buổi ra mắt tập thơ, rất nhiều đồng nghiệp và công chúng hâm mộ đã đến dự, chúc mừng và phát biểu nhận xét, đánh giá về tác giả và tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng thơ Phương Thảo rất giàu nữ tính và ngập tràn sức sống với thiên nhiên và cỏ cây hoa lá. Mỗi bài là một thông điệp gửi đến bạn đọc làm người ta phải suy tư cùng tác giả. Chị viết nhiều thơ với sự đắm say, tinh tế và dịu dàng. Còn nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Phó Ban sáng tác, Hội nhà văn Việt Nam - đã rất phấn khởi coi đây là một trong những kết quả tiêu biểu của Trại Sáng tác VHNT do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đại Lải trong tháng 6 - 2020. Nhiều nhà văn tên tuổi như nhà thơ Bùi Kim Anh, Nhà văn Trần Nhương, Trần Thị Trường, Trần Thị Trâm, Đoàn Thanh, Khúc Hồng Thiện... đã dành những lời đánh giá trọng thị và quý mến đối với nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và những sáng tác của chị.

Đặc biệt, nhà thơ Ngô Đức Hành đã có một bài viết khá công phu và sâu sắc về tập thơ “Giấc sen”. Trong đó có những đánh giá như sau: “Đề tài Sen, tôi nhớ trong tập thơ “Cộng ta vào thế giới”- NXB Hội Nhà văn năm 2016, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo có bài “Vũ hội sen”. Tôi bị choáng ngợp với vũ hội này. Bài thơ ngồn ngộn thi ảnh sex quá đỗi: “ngờm ngợp hương”, “tòa đêm”, “khóe môi xinh ngậm thơm sương nõn”, “cổ cao mơ”... Bài thơ cho người đọc hình dung về một đầm sen đang nở lộng lẫy trong gió. Ca dao có câu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hoặc “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tôn vinh vũ hội sen là tôn vinh cái đẹp, sau cái đẹp của sen là cái đẹp người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, cực nhọc nhưng thơm thảo, luôn nhường nhịn, hy sinh để dệt gấm thêu hoa cho cuộc đời; mang lại hạnh phúc cho người khác. Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động Việt Nam mang nét đẹp bình dị, thôn dã, lúc nào cũng ngan ngát tỏa hương, một thứ hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn mùi vị nào khác dù hoa sen  trong đầm. Đầm lầy càng u tối, bùn càng “lộng lẫy” thì hoa lại càng đẹp đẽ, sáng chói. Trong mắt Phạm Thị Phương Thảo, “bùn” kia mới chính là nhân dân, là người lao động. Họ luôn là người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhưng chính những người dân chân lấm tay bùn, là mẹ, là cha ta... mới góp phần “thêu dệt” nên vẻ đẹp của xã hội; họ làm ra lúa, ra ngô, làm ra các giá trị vật thể và phi vật thể. Bùn ngấm trên từng sợi tóc mẹ ta, chị ta, em ta... Phạm Thị Phương Thảo đứng về phía những người yếm thế, thiệt thòi, tôn vinh họ đẹp đến “lộng lẫy” của họ…

P.V

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *