Tác phẩm và dư luận

13/10
9:14 PM 2020

MỘT HỒN THƠ LÃNG MẠN

(Đọc tập thơ Phúc Tường của Lê Quang Sinh. Nxb HNV 2020)

BÙI CÔNG THUẤN

Nhà thơ Lê Quang Sinh tuổi Mậu Tuất (1958), người làng Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN và hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Năm 1985, tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, ngành Kỹ thuật đúc, ông chuyển vào TP HCM. Sau một thời gian công tác trong cơ quan Nhà nước, ông ra ngoài làm “thầu xây dựng”. Từ 2001 đến 2007, ông là Phó Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam báo Văn Nghệ tại TP. HCM. Hiện nay, ông là Phó GĐ thường trực Bảo tàng văn học VN tại Hà Nội. Ông đã xuất bản 12 tập thơ riêng và Phúc Tường là tập thơ mới nhất của ông.

PHÚC TƯỜNG LÀ THƠ TRUYỀN THỐNG

Nói “thơ truyền thống”, tôi giới hạn trong thi pháp thơ thời kháng chiến (1945-1975). Phúc Tường có những bài thơ sâu nặng tình quê hương đất nước, tình cảm gia đình như thơ của một thời đã qua (Tổ quốc tôi, Bên nghĩa trang liệt sĩ, Bản Lác, Quan Lạn, Trưa Phá Tam giang, Về miền Tây, Nghĩa Kỳ…), và thời hôm nay như bài viết về người lính đảo về thăm nhà (Lính đảo về phép). Ở những bài thơ này, Lê Quang Sinh vẫn khai thác chất liệu vùng quê ngày xưa, nghèo khó nhưng đẹp tình, đẹp nghĩa. Chất liệu loại này đã trở thành thơ kháng chiến, từ Đồng Chí (Chính Hữu), Nhà tôi (Yên Thao), Bên Kia Sông Đuống (Hoàng Cầm), Quê Mẹ (Tố Hữu), Nhớ con sông Quê hương (Tế Hanh), Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa)…, nhưng Lê Quang Sinh đã làm mới hơn.

                   “…Đây rồi cánh cổng tre

                   Bao năm không cài chốt

                   Đây rồi hương bưởi thơm

                   Tóc em trong gió mật

 

                   Mẹ ôm chầm ngấn mắt

                   Miếng trầu chiều sậm theo

                   Bao nhiêu là khói thuốc

                   Vầng trán thầy nhăn nheo

                             …

                   Ở đảo mong về nhà

           Về nhà không yên biển

           Xốc lại dây ba lô

           Tròn căng bao kỷ niệm

                            (Lính đảo về phép)

 

                   Thuở nhỏ,

                   cha theo ông lên Phúc Tường làm thợ

                   gặp mẹ - chân quê!

                   Ngày cưới, đồng làng mùa lũ

                   cá rô rạch bờ lên đê.

         

                   Mái gianh úp xuống những đời lam lũ

                   hạt lúa không kịp chín để thành mùa

                   cái chảo gang rang một đồng ngập nước

                   củ chuối ngào cùng con ốc, con cua…

                                                    (Nghĩa kỳ)

Cái tình quê, tình đất, tình người; cái hồn quê hương, hồn tổ quốc cũng chính là hồn thơ trong trẻo của Lê Quang Sinh. Dù là Phúc Tường, hay những miền quê suốt từ Bắc chí Nam mà anh đã đi qua, nơi nào Lê Quang Sinh cũng hòa mình vào một cách tự nhiên, thân thiết như trong anh thơ chính là quê hương, là tổ quốc. Xin đọc: Chuyện tình khâu Vai, Trung du mùa lá mở, Trưa Phá Tam Giang, Bản Lác, Mộc Châu, Hồn Mường, Bến Nghiêng, Trở lại Sầm Sơn, Mưa khuya Tây hồ, Về miền Tây, Đêm phương Nam,…

                   Sông đã mở hết dòng

                   Trời làm sao hẹp được

                   Muốn như cây bần lút mình trong nước

                   Xanh để rồi không biết mình xanh

 

                   Trưa ngấu hết Tam Giang

                   Thành rượu mời lữ khách

                   Anh như con cá cần vược lên mặt nước

                   Ngóng câu hò vướng cỏ ngã ba sông…

                             (Trưa ở Phá Tam Giang)

                   “Tôi đi từ Đông sang Tây

                   Từ Bắc chí Nam

                   Ngang dọc địa cầu

                   Nhưng không nơi nào tôi yêu bằng Tổ quốc…”

                                                  (Tổ quốc tôi)

                   Em mải miết theo con cò con diệc

Để quên tôi giữa chợ nổi dập dềnh

Em mải miết với cây vườn trĩu trái

Mặc tôi cùng lắt lẻo giữa dòng kinh

                                          (Về miền Tây)

Con trở về nhà nếp cũ cứ vơi đi

Chim làm tổ dưới ống luồng sau chái

Đồng lộng bóng nứt khô cây cỏ cháy

Sông trước nhà đánh vật để là sông.

 

Tôi đứng bên câu hò, người hàng xóm lâu rồi không hò nữa

Bếp chẳng chiều chiều khói trắng vòng vo…

                                     (Cánh đồng lồng lộng)

Những tứ thơ đã ánh lên một cốt cách tài hoa. Cốt cách ấy sâu nặng tình quê. Những câu thơ giản dị ấy như có ma lực khơi gợi những nghĩa tình ẩn sâu trong lòng người quê. Bất cứ ai đã sống ở vùng quê, đi qua những vùng quê, gặp gỡ những người quê và chan hòa trong lòng sông nước quê hương đều cảm nhận được cái đẹp bình dị thanh khiết nhưng thắm thiết trong thơ Lê Quang Sinh. Cái đẹp ấy cũng làm lên phẩm chất lãng mạn trong tập thơ Phúc Tường.

Nhà thơ Lê Quang Sinh

TRONG DÒNG CHẢY THƠ LÃNG MẠN ĐƯƠNG ĐẠI

Hòa bình thống nhất đã 45 năm. Thơ Việt Nam đã có nhiều thành tựu về đề tài Cách mạng và Kháng chiến. Cuộc sống đã chuyển hẳn sang đời sống kinh tế thị trường. Những thành tựu của công cuộc hiện đại hóa đất nước, hội nhập toàn cầu hóa, được thế giới ca ngợi. Cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của con người hôm nay chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân phương Tây, khác thời đại trước đó.

Trong bối cảnh ấy, Thơ Việt đương đại cũng đã có những nỗ lực cách tân để phù hợp với tâm thức của con người hiện đại. Bên cạnh những thể nghiệm thơ Hậu hiện đại (Thơ trẻ đầu thế kỷ XXI), Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Vũ Trọng Quang đi theo hướng cách tân thi pháp và tư tưởng. Và dòng chảy chính của thơ Việt vẫn là thơ truyền thống được làm mới ở nhiều yếu tố thi pháp (Lê Thành Nghị…).

Lê Quang Sinh làm mới thơ truyền thống bằng thi pháp thơ Lãng Mạn (Thơ Mới 1930-1945). Tôi nghĩ đây là một đóng góp có ý nghĩa trong sự phát triển của thơ ca Việt hôm nay.

Dường như thơ hiện thực Xã hội chủ nghĩa, thơ kháng chiến đã bỏ quên dòng thơ Lãng mạn. Chúng ta không quên một thời thơ Lãng Mạn bị coi là thơ Tiểu tư sản có nhiều yếu tố tiêu cực và suy đồi (Thơ thể hiện Cái Tôi Tiểu Tư sản cô đơn, bế tắc, thoát ly…). Và từ khi “đổi mới”, chúng ta cũng đã nhận ra Thơ Mới là một thành tựu của thơ ca Việt Nam trước 1945 có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển thơ ca sau đó khiến cho những nỗ lực cách tân thơ ở giai đoạn sau là rất vất vả. Chỉ khi Cái Tôi cá nhân của Thơ Mới chuyển thành Cái Ta cộng đồng, thơ kháng chiến mới tạo nên một thời đại thi ca mới. Những nỗ lực đổi mới thơ của nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn (Thanh Tâm Tuyền) và ở ngoài Bắc là Hoàng Cầm, Lê Đạt… mới chỉ là thử nghiệm. Phải đợi đến đầu thế kỷ XXI, khi đã thay hẳn tư duy nghệ thuật, thơ Việt mới ào ạt tiến về phía trước.

Con người hôm nay, tâm thức đã mở ra nhiều chiều kích. Chiều kích không gian, đó là không gian toàn cầu hóa (không chỉ là một vùng làng quê như trong thơ Nguyễn Bính); chiều kích bản thể: con người khám phá sâu sắc về Hiện sinh. Cuộc sống không chỉ có quan hệ xã hội (chủ nghĩa Marx), mà còn nhiều quan hệ khác. Quan hệ bạn-thù đã thay đổi. Quan hệ với những người đã khuất (chiều kích tâm linh); vươn tới những vùng miền mà ý thức lý tính bất lực (Phân Tâm học), đó là trực giác, Siêu thực, là lãng mạn, ước mơ... Con người hiện đại là con người của thời công nghiệp hóa. Họ xa rời làng quê, cột chặt mình trong công ty, trong xưởng sản xuất, và quay quắt trong những cạnh tranh khốc liệt. Họ bị cuốn vào những xu thế, những cơn lốc thời đại. Vì thế sau những vất vả, họ cần những phút lãng mạn để được sống là chính mình (không phải để quên thực tại như Thơ Mới), để tâm hồn trở về với cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp tinh khôi trẻ thơ của tâm hồn, cái đẹp làm thăng hoa cuộc sống. Lê Quang Sinh làm mới thơ Lãng mạn trong một bối cảnh như thế.

“Cái Tôi” trong thơ Lê Quang Sinh vẫn là Cái Tôi lãng mạn, tài hoa, đa đoan không khác gì trong Thơ Mới, nghĩa là Tôi với chính Tôi, với thiên nhiên, với mộng mơ và khát vọng riêng, không bị vướng bận đời sống hàng ngày. Cái Tôi ấy không bị dính mắc các quan hệ xã hội phức tạp.

                   Ta đứng giữa mùa xuân như trẻ nhỏ

Thả giấc theo những cánh thần tiên!”

                   (Cảm xúc)

Tôi miên man theo cánh bướm rừng sâu

             (Hồn Mường)

Một mình anh với bến nghiêng

 Không trăng, không sóng, không thuyền, không em

             (Bến nghiêng),

Anh gỡ sợi tơ vàng ngày tằm chín

Gặp màu xanh của những lá dâu già

Bao kỷ niệm chuốt dài rồi tan biến

Dệt vô hình còn lại mỗi riêng ta

                                         (Mưa khuya Tây hồ)

                   Trời phương Nam mưa đổ lạnh khóc anh!

Em xa lắc giữa núi rừng khuất lấp

                                                (Chiếc xuồng trăng)

 

                   Sóng ào ạt ném lời lên bãi cát

Đêm như là tàu chuối sau giông

Lòng người vỡ hay là tan tác vỡ…

                             (Trở lại Sầm Sơn)

“Cái Tôi” này khác hoàn toàn với “Cái Tôi” trong Thơ Mới. Xin đọc lại Hoài Thanh: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.

Thiên nhiên trong Thơ Mới là thiên nhiên tượng trưng (xin đọc Vội vàng của Xuân Diệu) khác với thiên nhiên trong thơ Lê Quang Sinh là những miền quê tươi đẹp. Cái Tôi gắn với thiên nhiên ấy bằng tình quê như phù sa làm màu mỡ tâm hồn. Thiên nhiên ấy cũng chứa đựng những tinh tế của hồn thơ Việt mà chỉ những ai sống sâu sắc với đất nước này mới cảm nhận được. Thơ Lê Quang Sinh có những tứ bất ngờ, độc đáo.

                   Anh lấy gì xanh với Mộc Châu đây

                   Mà em cứ nồng nàn như cỏ!

                   Tháng Mười trong veo-tiếng sáo bầu khan gió,

                   Ai bỏ quên thác Dải Yếm giữa trời

 (Mộc Châu)

                   Thèm bát canh điên điển

                   Thèm món cá lóc nướng trui

                   Thèm câu vọng cổ vắt vẻo vai người bán chiếu

                   Tiếng ca rao khắp mùa sen trời…

 

                   Hái quả cà na chín vàng mép nước

                   Câu lý trôi ngang qua tiếng ếch chiều

                   Mây cứ xốp cho lục bình kéo mực

                   Thuyền đắm chèo đôi mắt miền Tây

                                                (Về miền Tây)

Tôi không biết nhà thơ Lê Quang Sinh đã ăn nằm với miền Tây sông nước bao nhiêu năm tháng mà cảm được cái hương vị của bát canh điên điển mùa nước nổi, cái ngọt lịm của cá lóc nướng trui với người nông dân Nam bộ bên những cánh ruộng; thèm câu vọng cổ vang khắp mùa sen trời. Người đọc sẽ ngạc nhiên không hiểu do đâu Lê Quang Sinh nhận ra cơ duyên của câu lý (miền Nam có rất nhiều câu lý) và tiếng ếch chiều là tiếng của thiên nhiên gần gũi (khác với tiếng ếch nhái hoang dã). Câu thơ “Mây cứ xốp cho lục bình kéo mực”là một tứ thơ cực kỳ lạ lùng. Hình ảnh rất Nam bộ: Lục bình trôi trên những dòng kinh mà bầu trời mây nhẹ như bông. Thơ Lê Quang Sinh vừa rất cụ thể, rất tinh tế vừa rất tài hoa như thế, đó là phẩm chất thơ lãng mạn.

Nói Phúc Tường là thơ Lãng mạn vì đa số bài trong tập thơ là thơ tình yêu. Thơ tình yêu của Lê Quang Sinh khác hẳn với Thơ Mới (xin đọc: Xa cách, Tương tư chiều, Yêu…của Xuân Diệu). Cũng khác hẳn thơ tình yêu kháng chiến (xin đọc Núi Đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Sóng của Xuân Quỳnh…). Thơ tình của Lê Quang Sinh nồng đượm sắc màu tình tự của thiên nhiên đất nước, ở những cảnh những tình cụ thể. Cảm xúc thơ là thanh âm của tâm hồn ngân lên giữa thiên nhiên diễm tuyệt. Nhà thơ với người yêu, thơ có khi là tiếng tự tình, nồng nàn, tha thiết và trăn trở mãi. Xin đọc: Chuyện tình Khâu Vai, Một ngày xa em, Bến Nghiêng, Trở lại Sầm Sơn, Hoa Bấn đường làng, Không ngủ, Mưa khuya Tây hồ, Em như con chim vui về vướn ổi chín,…

                   Chỉ còn anh với nắng và biển mặn

                   Em thật gần và cũng thật xa xôi

                   Muốn vớt sóng lên tay rồi giữ mãi

                   Chút tinh khôi hoang dại quê mùa

                  

                   Hè chẳng thể giấu mình lên chùm phượng

                   Hoa đỏ cành vì có kẻ đang yêu

                   Quả dứa dại trớ trêu bên hàng phố

                   Chớp mắt qua đêm, chớp mắt đã chiều

 

                   Em cứ thử một lần xa rồi biết

                   Chiều không dưng cứ nổi gió xen vào

                   Ngồi vớt sóng nước tan trong trắng xóa

                   Nắng nẫu lòng chim chóc liệng trời cao

 

                   Anh trót dại xa em để nhớ

                   Cứ bồn chồn trước một áng mây om!

                   Mai gặp lại thu vào trong mắt biếc

                   Phượng hoàn nguyên đỏ rực phía sau vườn.

                                      (Một ngày xa em)

Người đọc có thể hình dung ra người thơ chỉ có một mình “với nắng và biển mặn”. Anh nhìn thật gần và biết em đã thật xa. Rồi quan sát chùm phương. “Phượng đỏ cành vì có kẻ đang yêu”. Thời gian thăm thẳm “Chớp mắt qua đêm, chớp mắt đã chiều”. Người thơ chia sẻ tâm trạng mình với người yêu: “Em cứ thử một lần xa rồi biết”. Và đây là trải nghiệm của anh: “Anh trót dại xa em để nhớ”.Và kết quả là tâm hồn anh “Cứ bồn chồn trước một áng mây om!”dẫu biết rằng “Mai gặp lại“. Bài thơ diễn tả một tâm trạng nhớ thật mãnh liệt, thật dằn vặt. Người thơ đứng ngồi không yên. Nhớ nhưng không hờn trách, không tuyệt vọng như Tương tư (Nguyễn Bính). Trái lại nỗi nhớ trong thơ tình Lê Quang Sinh rực rỡ sắc màu: màu tinh khôi của sóng, màu nồng nàn của hoa phượng đỏ cành, của nắng và gió trên trời cao, và trong mắt biếc “Phượng hoàn nguyên đỏ rực phía sau vườn.”

Tôi đã dõi theo những bài thơ tình của Lê Quang Sinh để vẽ chân dung người anh yêu, nhưng thực sự là không thể. Đó là một “người tình không chân dung”, người tình của những gặp gỡ bất chợt. Có thể là em gái ở Khâu Vai: “Gói ngô này treo gác bếp nghe em!/ Phòng thất bát cháu con còn hạt giống” (Chuyện tình Khâu Vai), có thể là ở  “Bến Ô Lâu em hát khúc Nam Bằng” (Trưa Phá Tam Giang), hay một cô gái Mường, “Khung cửu dệt mây rừng và thung gió/ Em như từ trong kén giữa ngàn dâu” (Hồn Mường); có thể là Em trong kỷ niệm: “Nếu em lấy cớ không về nữa/ Mực tím tìm đâu tuổi học trò” (Cánh đồng lồng lộng); hay em gái miền Tây sông nước: “Em mải miết theo con cò con diệc/ Để quên tôi giữa chợ nổi dập dềnh”(Về miền Tây). Rất hiếm có những hình ảnh kỷ niệm rất thật này:

                   Tháng chạp rồi em nhỉ

                   Xoan tím đã xa vời.

 

                   Em nắm tay anh qua cầu Báo Văn

                   Mây trắng giăng trước mặt

                   Sông Hoạt buổi chiều mềm như khóe mắt

                   Buồn vui người đang yêu…”

                             (Em như con chim vui về vừơn ổi chín)

Cầu Báo Văn (Hà Hải, Nga Sơn, Thanh Hóa), sông Hoạt chảy trong tỉnh Thanh Hóa là dầu ấn hiện thực hiếm hoi trong kỷ niệm tình yêu của nhà thơ.

Như vậy Em chỉ là một nhân vật trong tâm thức để nhà thơ độc thoại, đối thoại, bộc lộ suy nghĩ cảm xúc trước cái đẹp của cảnh vật, con người đang làm xao động hồn thơ. Về sâu xa, đó là tình yêu quê hương đất nước được cảm nhận qua những người em cụ thể nhà thơ đã gặp. Cũng là “nỗi đa mang” của một hồn thơ tài hoa, đa tình.

“Lắm khi vội vã buông thương nhớ

Lại chìm tận đáy thói đa mang”

                               (Bâng khuâng)

CỐT CÁCH THƠ LÊ QUANG SINH

Đọc thơ Lê Quang Sinh, nguời đọc dễ nhận ra “cái riêng” (cá tính sáng tạo) của nhà thơ. Điều này lý giải tại sao ngay lần đầu dự thi thơ (1997) anh đã đạt hai giải: Giải nhất của Tạp chí Xứ Thanh và giải B cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Sau đó anh được nhà thơ Hữu Thỉnh (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) mời về cộng tác với báo Văn Nghệ.

Nói Thơ Lê Quang Sinh có cốt cách riêng nhưng chỉ ra đâu là những đặc điểm của cốt cách này thì không dễ. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chỉ cảm nhận rằng: “Sau khi đọc thơ Lê Quang Sinh, tôi linh cảm sẽ có một nhà thơ nữa xuất hiện trên thi đàn”(Đặng Huy Giang-đã dẫn). Ấy là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu “linh cảm” vậy. Lê Quang Sinh có cốt cách một nhà thơ tài hoa, đa tình và sâu nặng tình quê. Xin đọc:

                   Anh về bên cánh đồng con gái

Lúa chải tóc mềm lên ý thơ…

                                      (Thanh Minh)

                   Anh như con cá cần vược lên mặt nước

Ngóng câu hò vướng cỏ ngã ba sông

                      (Trưa Phá Tam giang)

Anh trót dại xa em để nhớ

                   Cứ bồn chồn trước một áng mây om!

                             (Một ngày xa em)

Anh đợi em để tháng năm gàn dở

Mỗi khi buồn mang kỷ niệm ra hong

                                        (Đợi)

Chẳng ngủ được đâu em

Đành mượn đêm để nhớ

                                 (Không ngủ)

          Đọc những câu thơ rời, có thể thấy được những đường nét riêng của khuôn mặt thơ Lê Quang Sinh. Nhưng cần phải đọc trọn vẹn một bài thơ, người đọc mới thấy hiện lên những nét rạng rỡ tinh khôi của một cá tính sáng tạo. Xin đọc: Chuyện tình Khâu Vai, Bản Lác, Mộc Châu, Một ngày xa em, Hồn Mường, Thanh Minh, Em như con chim vui về vướn ổi chín, Về miền Tây…

 

                   BẾN NGHIÊNG

Một mình anh với bến Nghiêng

Không trăng, không sóng, không thuyền, không em

Lơ ngơ vài cọng cỏ mềm

Biển đêm nuốt hết nỗi niềm đam mê

 

Hương cau đâu đó thoảng về

Nhớ con sáo sậu trên đê mỗi chiều!...

Anh ngồi bên biển tin yêu

Thấy tan đi bớt những điều xót xa

 

Chông chênh một sắc gạo già

Mà lòng đỏ lửa như là từ lâu

Bến Nghiêng - nghiêng xuống đời tàu

Anh như thu muộn đắm màu mắt em

 

Bước chân tìm bóng dưới đèn

Không em gió hú bên lèn đá nhô

Bến còn có biển vi vô

Riêng anh bạn với bãi bờ gió thôi

                          (Bến Nghiêng)

Bến Nghiêng chứa đựng những đặc điểm của thơ Lãng mạn tôi đã nói ở trên (xin không nhắc lại). Tôi đặc biệt chú ý đến sự năng động của hồn thơ, sự tinh nhạy của mọi giác quan thơ trong cảm nhận thực tại và sự giàu có của ngôn ngữ trong sự thể hiện những trạng thái tâm hồn yêu.

Trong không gian hiện tại (Bến Nghiêng- Đồ Sơn, Hải Phòng), “Một mình anh” nhưng anh không cô đơn. Tất cả chìm trong bóng tối vì là đêm “không trăng”. Mọi vật đều bị “Biển đêm nuốt hết”. Anh ngồi bên biển để nhớ, để “tan đi bớt những điều xót xa”. Rồi anh đi dưới ánh đèn ở bãi biển, đi để tìm bóng mình (một cách thể hiện sự cô đơn) để nhận ra “Bến còn có biển vi vô”, còn anh chỉ làm “bạn với bãi bờ gió thôi”. Nỗi cô đơn chồng lên cô đơn.

Nếu bài thơ chỉ có thế thì người thơ đơn độc và hoang vu quá! Đêm bao trùm! Nhưng đọc bài thơ, người đọc nhận ra không phải thế. Hãy quan sát những hành động của Anh.

Người thơ không ngồi một mình để chìm trong suy tư cô độc, vô vọng. Anh ghi nhận rất sắc nét khung cảnh xung quanh mình. Rất gần là vài cọng cỏ lơ ngơ (thị giác). Rồi không gian mở rộng đột ngột trong tiếng “gió hú bên lèn đá”(thính giác) và lèn đá đang “nhô”ra . Bến không tĩnh lặng. Điệp từ “nghiêng” làm lệch không gian, mọi vật trên bến đều bị làm cho “nghiêng xuống”(cảm giác). Rồi ánh sáng, hương thơm ùa về. “Hương cau đâu đó thoảng về”(khứu giác). “Hương cau” là duyên tình (khứu giác chuyển tín hiệu được cảm nhận thành tâm hồn). Anh sống trong ký ức: “Nhớ con sáo sậu trên đê mỗi chiều!...Sáo sậu” là loài sáo sống từng đôi, kiếm ăn từng đôi ở các nương bãi. Ca dao có câu “Ai đưa con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng bay xa”. Sáo sậu là ẩn dụ của lứa đôi giờ cách xa. Mình anh sống với bao nhiêu kỷ niệm nơi bờ đê xưa. Tình yêu lồng trong tình tự quê hương.

Sắc hoa gạo già “đỏ lửa” là một tứ thơ lạ vụt đến. “Mà lòng đỏ lửa như là từ lâu”. Không phải là một sắc hoa hiện thực hiện ra trong đêm! Đó là sắc hoa trong ký ức. Sắc hoa gạo già nhắc người thơ nhận ra lòng mình “đỏ lửa như là từ lâu”. Từ “đỏ lửa” không chỉ làm rực sáng không gian đêm trên Bến Nghiêng mà chính là trái tim nồng ấm hạnh phúc của người thơ.

Hương thơm, màu sắc, âm thanh, ánh sáng  trong không gian thơ có sức gây ấn tượng. Người thơ đã huy động mọi giác quan để cảm nhận, mọi khả năng nhận thức để sống từng phút giây hiện tại. Không gian nghệ thuật đa diện. Có hai không gian, hai tâm trạng lồng vào nhau. Không gian ký ức nồng nàn hạnh phúc làm cho độ “nghiêng” của không gian thực tại “đỏ lửa”. Thời gian, không gian, ký ức, tâm trạng cứ nghiêng, nghiêng mãi không thôi. Ấy là người thơ đang yêu một mình, đang “chìm tận đáy thói đa mang” (Bâng khuâng).

          Em xa vắng như thu vừa chạm ngõ,

          Em nồng nàn như giấc ngủ vùi đông.

                                              (Đêm phương Nam)

Lê Quang Sinh khám phá được nhiều tứ thơ mới lạ để thể hiện trạng thái tâm hồn đang yêu, rất nồng nàn nhưng xa cách người yêu. Đó là phẩm chất tài hoa.

NHƯ MỘT LỜI TÌNH TỰ

Xin hãy đắm mình vào không gian lãng mạn của hồn thơ Lê Quang Sinh, lãng mạn nhưng sâu nặng tình tự quê hương, đất nước; và đầy ắp nghĩa tình với mọi miền quê nhà thơ đã đi qua.

                   Biết là thu đã về

Biết là e tít tắp…

Một mình vài cọng mây

Tần ngần giăng trước mặt

                            (Thu về)

Ta đứng giữa mùa xuân như trẻ nhỏ

Thả giấc mơ theo những cánh thần tiên!

                                      (Cảm xúc)

                   Ta tựa vào thời gian vằng vặc

Nhả tơ, dệt lụa, kết hoa đăng

Biết trên là giời, đáy sâu là vực

Lòng vẫn nao nao khát một đồng bằng

                             (Vô vi)

Tháng 10/2020

  B . C . T

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *