Tin tức

26/6
10:02 AM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (26-6-2017)

86 văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP Đà Nẵng được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam”.

Ngày 23-6-2017, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2017.

Báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 của Liên hiệp Hội đã nêu rõ ngoài những nhiệm vụ thường xuyên như tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ nâng cao chất lượng tác phẩm và nhịp điệu sáng tạo; động viên văn nghệ sĩ tiếp tục triển khai sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh và tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Trung ương phát động; chỉ đạo các hội chuyên ngành và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, tổ chức nhiều sinh hoạt nghề nghiệp phù hợp với đặc trưng của từng chuyên ngành, phát triển hội viên đảm bảo chất lượng tương thích với số lượng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng cơ quan Liên hiệp Hội đạt chuẩn cơ quan văn hóa; xây dựng chi bộ cơ quan và công đoàn cơ quan trong sạch, vững mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2017.

BCH cũng đã thảo luận và thống nhất về những nhiệm vụ công tác trọng tâm phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017 bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Liên hiệp Hội. BCH yêu cầu sau hội nghị, các hội chuyên ngành và các bộ phận cơ quan Liên hiệp Hội sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra. 

Tại hội nghị trên đây, Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam cho 86 văn nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố.

(Theo:vannghedanang.org.vn)
Mộc Bản trường học Phúc Giang trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám-Hà Nội vừa khai mạc trưng bày chủ đề Mộc bản trường học Phúc Giang - Di sản tư liệu thế giới. Bảo tàng Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy đã lựa chọn một số hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về mộc bản và các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản này để giới thiệu với công chúng.

Để có tại liệu phục vụ cho việc dạy và học, các nhà giáo họ Nguyễn Huy đã “toản yếu” các sách kinh điển Nho giáo, sau đó khắc lên gỗ để in thành sách dùng trong nhà trường. Đó chính là những bộ mộc bản của trường học Phúc Giang, Hà Tĩnh. Mộc bản trường học Phúc Giang hiện còn 383 bản, được làm từ gỗ cây thị đực lâu năm, dài 25 - 20cm, rộng 15 - 18cm và dày 1 - 2cm. Mộc bản được khắc tinh xảo, chữ khắc đẹp với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự…

Mộc bản trường học Phúc Giang lưu trữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 5 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Nguyễn Huy Cự (1717 - 1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) và Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790). Đây là các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình 3 thế hệ họ Nguyễn Huy tại Trường Lưu. Mộc bản đã được chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn cho biết: “Đây là mộc bản của một trường học địa phương - hay ngày xưa gọi là trường làng - đã từng đào tạo được gần 30 Tiến sĩ. Việc trưng bày mộc bản trường học Phúc Giang tại Văn Miếu - trường học trung ương - là một sự vinh dự, đồng thời cũng để quảng bá, giới thiệu về di sản của ngôi trường thuộc mảnh đất Hà Tĩnh”.

Mộc bản trường học Phúc Giang là tư liệu quan trọng của nền giáo dục Nho học, góp phần to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đây cũng là tư liệu gốc minh chứng cho giai đoạn hoạt động văn hóa và giáo dục của một dòng họ trong lịch sử. Bản thân mỗi bản khắc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

(Theo: Đại biểu nhân dân)

Cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt – Nga”.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 – 7/11/2017), Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát động cuộc thi viết với chủ đề “Kỷ niệm sâu sắc về nước Nga và tình hữu nghị Việt – Nga”.

Nội dung các bài viết dự thi nêu lên những kỷ niệm sâu sắc về các nước thuộc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây cũng như nước Nga, nhân dân Nga, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự giúp đỡ nhiều mặt của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga đối với cách mạng Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau; cảm nghĩ về đất nước, con người, văn hóa Xô Viết trước đây và Nga ngày nay, mối quan hệ lịch sử với đất nước, nhân dân Việt Nam; những kỷ niệm, cảm nghĩ về đất nước, con người Việt Nam, về tình hữu nghị, sự hợp tác giữa hai nước (đối với các tác giả tham gia cuộc thi là người Nga); những câu chuyện xúc động về tình cảm mà các thế hệ người dân Liên Xô và người Nga đã dành cho con người, đất nước Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là tình cảm thầy trò Xô Viết – Việt Nam, Liên bang Nga – Việt Nam và những biểu hiện sinh động, đẹp đẽ về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước hiện nay; sự trân trọng, biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với tình cảm, sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đối tượng tham gia dự thi là công dân Việt Nam, những người đã, đang học tập, nghiên cứu, lao động, công tác tại Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay; những người chưa từng đến Nga nhưng có tình cảm yêu mến Liên Xô, đất nước Nga, con người, văn hóa Nga; công dân Nga từng công tác tại Việt Nam hoặc chưa từng đến Việt Nam nhưng có những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Bài viết dự thi bằng tiếng Việt hoặc tiếng Nga, dung lượng không quá 2.000 từ, có thể kèm ảnh và các tư liệu nghe nhìn. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 19/6/2017 đến 30/3/2018. Thời gian công bố Giải vào tháng 6/2018.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng; 3 giải Nhất, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 5 giải Nhì, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 10 giải Ba, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng

(Nguồn: baovannghe.com)

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *