Tác phẩm và dư luận

11/5
7:36 AM 2017

MỘT SỐ TRANH LUẬN VỀ VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC

Trần Quỳnh Hương-Vài năm trở lại đây, văn đàn Trung Quốc dấy lên nhiều tranh luận về văn học đương đại Trung Quốc (1949-2009). “Mồi lửa” châm ngòi cho cuộc tranh luận này là những lời chỉ trích văn học đương đại - đặc biệt là tiểu thuyết đương đại Trung Quốc - của Wolfgang Kubin, nhà Hán học người Đức nổi tiếng.

                                                     Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là bài viết tóm tắt những lời chỉ trích của Wolfgang Kubin và một số quan điểm của các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

 

“Văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi”(1)

 

“Tháng 11-2006, nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin(2) - học giả có ảnh hưởng nhất định trong giới Hán học quốc tế - đã có buổi trả lời phỏng vấn hãng truyền hình quyền uy Deutsche Welle (Đức). Trong bài phỏng vấn này, Wolfgang Kubin đã bất ngờ dùng những cụm từ như “văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi; Nhà văn Trung Quốc coi thường lẫn nhau; Nhà văn Trung Quốc rất nhát gan”... để chỉ trích văn học Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn này, Wolfgang Kubin đã dùng nhiều ngôn từ gay gắt. Lời nhận xét của Kubin về tiểu thuyết một thời gian gây được sự chú ý lớn ở Trung Quốc - Totem sói của Khương Nhung là: “Đối với người Đức chúng tôi, Totem sói là chủ nghĩa phát xít, cuốn sách này đã khiến Trung Quốc mất mặt”.

Đối với tác phẩm của các “nhà văn mỹ nữ” nổi tiếng như Vệ Tuệ, Hồng Ảnh, Miên Miên, Kubin cho rằng, “đó không phải là văn học mà là những thứ rác rưởi”.

Tuy nhiên, dường như Kubin lại có đánh giá khá cao đối với thơ ca đương đại của Trung Quốc. Ông nói: “trong lĩnh vực thơ ca, Trung Quốc vẫn còn có một số tác gia rất có thành tựu, ví dụ như Âu Dương Giang Hà, Tây Xuyên và Cù Vĩnh Minh.., và cả những nhà thơ khác nữa”. Còn đối với các nhà văn ở các thể loại khác, Kubin đã thẳng thắn nhận xét: “ở Đức, đâu đâu cũng có nhà văn, họ đại diện cho nước Đức, đại diện cho người Đức để nói lên tiếng nói của mình, chính vì thế chúng tôi có một tiếng nói chung của người Đức, vậy thì tiếng nói của Trung Quốc ở đâu? Không hề có, không tồn tại. Nhà văn Trung Quốc rất nhát gan, về cơ bản là không có. Trước kia Lỗ Tấn là một đại diện xuất sắc. Hiện nay anh thấy có nhà văn nào được như thế không? Không có”.

Những lời phát biểu trên của nhà Hán học Wolfgang Kubin đã khiến giới sáng tác và giới phê bình của Trung Quốc hết sức bất bình. Tại buổi Hội thảo Hán học quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 11-2009, nhà phê bình văn học, giáo sư Trường Đại học Bắc Kinh Trần Hiểu Minh(3) đã có cuộc tranh luận gay gắt với giáo sư Wolfgang Kubin và Giáo sư Tiêu Ưng – giáo sư trường Đại học Thanh Hoa. GS. Trần Hiểu Minh cho rằng, “văn học Trung Quốc đang đạt tới đỉnh cao chưa từng có”. Dưới đây là bài viết của GS. Trần Hiểu Minh về vấn đề này.

 

Văn học Trung Quốc đạt tới đỉnh cao chưa từng có(4)

 

Rất không đồng tình với lời đánh giá của giáo sư Wolfgang Kubin

Lời nhận xét của GS. Wolfgang Kubin – Văn học Trung Quốc là những thứ rác rưởi - mặc dù GS. Kubin biện hộ rằng ý của ông không phải là như vậy, nhưng quả là rất khó khăn để sửa lại câu nói này. Chúng ta phải cho phép các nhà Hán học được đọc sai, hiểu sai, đồng thời cũng phải giữ lấy sự khác biệt. Tôi cảm thấy đây chính là thái độ mà tôi rất tâm đắc. Thực ra những hiểu biết về văn học Trung Quốc, không hoàn toàn là sự đọc sai, hiểu sai của GS. Wolfgang Kubin, mà còn có cả sự đưa tin sai của các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, chúng ta - những học giả nghiên cứu văn học phải giữ gìn sự khác biệt của mình, đây là điều quan trọng nhất. Vậy rốt cục sự khác biệt đó là như thế nào?

Đầu thập kỷ 1990 Trương Pháp, Trương Di Vũ, Vương Nhất Xuyết đã viết chung một bài viết nhằm đưa ra vấn đề “tính Trung Hoa”, nhưng ngay lập tức nó đã bị giới học giả trong nước phản đối gay gắt. Bởi trong này người ta nhìn thấy một số hơi hướng của chủ nghĩa dân tộc. Từ năm 21 tuổi tôi bắt đầu đọc Kant, Hegel, cho đến năm nay tôi còn ra một cuốn sách về Derrida, tôi biết rất rõ vốn kiến thức mà tôi phải đối mặt khi nghiên cứu về lĩnh vực này là gì, nhưng với tư cách là một học giả Trung Quốc, tôi lại thực sự không biết làm thế nào xây dựng một hệ thống tri thức hài hoà, rõ ràng, từ Lão Tử, Khổng Tử đến Mác, Foucault, Derrida. Chính vì hệ thống tri thức không rõ ràng nên lập trường và phương pháp của tôi cũng không rõ ràng. Với tư cách là một học giả nghiên cứu văn học Trung Quốc, Hồng Tử Thành đã nghiên cứu 50 năm, tôi cũng đã nghiên cứu gần 30 năm, nhưng đứng trước khuôn khổ của văn học thế giới, chúng tôi không có quyền phát biểu về giá trị của văn học đương đại Trung Quốc hay sao? Lịch sử 60 năm của văn học Trung Quốc, liệu chúng tôi có cách nào để xác lập một giá trị cho nó (văn học Trung Quốc) trong khuôn khổ của văn học thế giới hay không? Chúng tôi có cách nào để nhìn nhận và đánh giá về nó hay không? Lập trường của chúng tôi trong ngữ cảnh mang tính thế giới này là hết sức hỗn loạn. Chúng tôi có cách nào để giải thích 60 năm này trong hệ thống giá trị của văn học thế giới hay không?

Tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ những thành tựu nghiên cứu về văn học hiện đại Trung Quốc mà Giáo sư Wolfgang Kubin đã đạt được, mặc dù tôi vẫn có nhiều điểm không đồng ý với lập trường và quan điểm của ông. Nhưng tôi không đồng tình lắm, thậm chí rất không đồng tình với những lời nhận xét của ông về văn học đương đại Trung Quốc.

Những lời chỉ trích văn học Trung Quốc đang trên đà suy yếu đã tồn tại từ lâu

Cần phải đánh giá thế nào về văn học đương đại Trung Quốc kể từ sau năm 1949 (hoặc sớm hơn một chút là năm 1942), quan trọng là cần đưa ra lời nhận xét như thế nào về văn học sử và giá trị văn học, đây là một câu hỏi khó mà chúng ta không thể né tránh. Thời kỳ đó Trung Quốc có nhiều nhà văn như vậy, thậm chí một số người đã phải đổ máu để cống hiến mọi thứ cho văn học Trung Quốc. Và nếu chúng ta chỉ dùng cụm từ “chính trị hoá” để khái quát văn học thời kỳ này, dùng văn học là thứ đi kèm với hình thái ý thức “tập quyền chuyên chế” để định vị cho nó thì thật là không công bằng với các nhà văn ở thời kỳ đó. Giờ đây, nếu chúng ta đọc lại các tác phẩm như Khúc ca Hồng Kỳ(5)Lịch sử lập nghiệp(6)Khúc hát thanh xuân(7)..., tôi cảm thấy không thể chỉ dùng hai chữ “chính trị” để niêm yết chúng. Khi lên lớp giảng bài, tôi giở ra một cảnh bất kỳ, một đoạn miêu tả bất kỳ trong Lịch sử lập nghiệp, cho dù đó là sinh viên thế hệ 8x thì cũng đều cảm thấy rất hay. Họ nói không thể ngờ rằng văn học thời kỳ đó lại viết hay như vậy, nhân vật được miêu tả thời đó không hề thua kém những tiêu chuẩn của văn học hiện nay. Dĩ nhiên là bối cảnh lịch sử không giống nhau, có rất nhiều cái đã bị khái niệm “chính trị” che lấp hoàn toàn, tôi cho rằng hôm nay có thể dùng những lí luận mới để hiểu và giải thích chúng, mở ra một không gian khác.

Tôi cho rằng văn học Trung Quốc hiện nay đang đạt tới đỉnh cao chưa từng có. Sẽ có người trong giới nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc không đồng ý với câu nói này của tôi. Tôi như một bàn tay không thể vỗ cho kêu được. Đến hôm nay tôi lại càng bị cô lập hơn. Thực ra từ thập kỷ 1990 đến nay, luôn có những lời chỉ trích văn học Trung Quốc đang trên đà đi xuống đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có tiếng tăm của Trung Quốc, và những âm thanh này cũng tồn tại trong giới phê bình Trung Quốc. Bởi một số người rút ra khỏi giới phê bình thập kỷ 1990 cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ không có tác phẩm văn học xuất sắc nữa. Báo chí cũng lên tiếng chỉ trích văn học Trung Quốc, bởi vì báo chí phải “chửi” thì mới có người đọc. Họ thấy rằng chửi văn học là an toàn nhất, chửi cái khác sẽ rất khó khăn và cũng không chuyên nghiệp, chính vì thế ở đâu cũng thấy chửi văn học. Chính vì vậy đúng lúc những lời nhận xét của GS. Wolfgang Kubin đã trúng kế báo chí Trung Quốc, ít nhất đó là những lời “hợp ý” họ. Một người có quyền uy như giáo sư, người đại diện cho trình độ văn học thế giới đưa ra những lời nhận xét như thế, chính vì thế báo chí lập tức vào cuộc thổi phồng khắp nơi. Vì thế một thời gian rất dài chúng tôi không ai dám nói tốt về văn học Trung Quốc.

Một vài điều khẳng định về tiểu thuyết đương đại

Hôm nay tôi phải lấy hết can đảm để nói mấy câu khẳng định cho tiểu thuyết đương đại của Trung Quốc: Thứ nhất, tiểu thuyết Hán ngữ có đủ khả năng để giải quyết di sản lịch sử và tiến hành phê phán hiện thực trước mắt. Ví dụ, tác phẩm Làng Thụ Hoạt(8) của nhà văn Diêm Liên Khoa; Thứ hai, tiểu thuyết Hán ngữ có đủ khả năng để triển khai tự sự dưới hình thức Hán ngữ; có thể xuyên suốt hiện thực, xuyên suốt văn hoá, xuyên suốt mỹ học hiện đại, như Phế Đô và Tần Xoang của Giả Bình Ao. Thứ ba, tiểu thuyết Hán ngữ có đủ khả năng để xâm nhập vào bản sắc văn hoá và nội tâm sâu thẳm đích thực của người Trung Quốc bằng một phương thức độc đáo, tiến hành viết bằng Hán ngữ theo phương thức độc đáo, ví dụ tác phẩm Một câu bằng vạn câu của Lưu Chấn Vân. Thứ tư, tiểu thuyết Hán ngữ có đủ khả năng để khái quát nghệ thuật tiểu thuyết thâm hậu, ví dụ tiểu thuyết của Mạc Ngôn, từ Quốc tửu (Rượu chảy như suối) đến Báu vật của đời, Đàn hương hìnhSống đoạ thác đày...

Tôi nhấn mạnh phải có lập trường Trung Quốc và phương thức Trung Quốc, không phải là đối lập với phương Tây, càng không phải vứt bỏ những tri thức lí luận hiện có của phương Tây và tiêu chuẩn mỹ học phương Tây để tạo ra một kiểu khác, mà là trên những cái hiện có, trên nền tảng tiếp thu những lý luận và vốn tri thức thâm hậu của phương Tây, chúng ta đưa ra cách giải thích của Trung Quốc đối với những tác phẩm văn học được viết bằng Hán ngữ – thứ ngôn ngữ giàu tính dân tộc, lịch sử của nó và những tác phẩm quan trọng. Điều này nói cho đúng hơn là ở trên mức độ cơ bản nhất, trên cấp độ tính khác biệt, đưa ra các giá trị mang tính dị chất của mỹ học Trung Quốc khác với mỹ học phổ biến hiện đại của phương Tây, chứ không phải là cao giọng bảo vệ lập trường Trung Quốc.

Trước quan điểm “Văn học Trung Quốc đạt tới đỉnh cao chưa từng có”, giáo sư Tiêu Ưng(9) - Trường đại học Thanh Hoa đã đưa ra ý kiến phản bác. Dưới đây là phần lược dịch bài viết của giáo sư Tiêu Ưng:

Phê phán hiện tượng lạ của phê bình văn học Trung Quốc

- Kiêm phản bác ý kiến “Văn học đương đại Trung Quốc đang đạt tới đỉnh cao chưa từng có(10).

Từ dưới chân nhìn về “đỉnh cao” của văn học Trung Quốc

Gần đây, một chủ đề khá ồn ào xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc là những tranh luận về văn học Trung Quốc hiện nay “đang đạt tới đỉnh cao chưa từng có” hay “đang rơi xuống vực sâu chưa từng có”. Mặc dù số học giả trực tiếp tham gia vào cuộc tranh luận này không nhiều, nhưng những tranh luận “cao thấp” này vẫn động chạm đến rất nhiều người.

Bản thân tôi không đồng tình với cái gọi là “đạt tới đỉnh cao”. Để nói được điều này không những phải có căn cứ, mà còn phải phân tích rõ vấn đề. Đưa ra lời nhận xét tổng thể về “văn học Trung Quốc” với hàng nghìn (5000) năm lịch sử, cho dù thế nào đi nữa cũng không thể tùy tiện như một số nhà phê bình hiện nay “tung hê” một vài tác phẩm nào đó. Giáo sư Trần Hiểu Minh – người sáng lập ra “thuyết đỉnh cao” đã liệt ra một số tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Lưu Chấn Vân, chỉ ra bốn lí do rồi giương cao ngọn cờ “đạt tới đỉnh cao chưa từng có”, điều này đương nhiên là không thể khiến người ta tâm phục khẩu phục. Tạm thời chưa bàn đến việc các tiểu thuyết này có thực sự đạt tới “đỉnh cao chưa từng có” của tiểu thuyết Trung Quốc hay không, chỉ xét riêng về độ phong phú và tính khác biệt của văn phong văn học Trung Quốc mà nói, “thuyết đỉnh cao” này cũng không thể đứng vững.

Vậy thì, phải chăng văn học Trung Quốc đang rơi xuống “vực sâu chưa từng có”? Tôi cho rằng, văn học Trung Quốc hiện nay đang rơi xuống vực sâu – một vực sâu không nên có. Có thể đứng trên hai phương diện để chứng minh quan điểm này: phương diện thứ nhất, xét về điều kiện bên ngoài, văn học vấp phải sự thách thức chưa từng có của các bộ môn nghệ thuật điện tử (đặc biệt là nghệ thuật điện ảnh và sáng tác mạng), văn học bị gạt ra ngoài rìa của đời sống văn hóa; Phương diện thứ hai, xét về trạng thái nội bộ, tinh thần sáng tác tự do và cảm xúc chủ nghĩa lý tưởng của văn học bị tụt đi một cách nghiêm trọng, điều này được thể hiện ở sự thiếu vắng những tác phẩm hay của nhà văn, độ ảnh hưởng của tác phẩm không lớn, đồng thời cũng được thể hiện ở ý thức phê bình yếu của các nhà phê bình và độ ảnh hưởng không lớn của phê bình. Chúng ta có thể đứng trên ba phương diện sau để mổ xẻ tình trạng rơi xuống vực sâu của văn học Trung Quốc hiện nay.

Thứ nhất, sự thâm nhập toàn diện của thương mại hóa vào văn học, chỉ chú trọng đồng tiền trong sáng tác văn học. Nhà văn Trung Quốc hiện nay vừa được hưởng một môi trường chính trị tương đối dễ dãi vừa được sống trong một điều kiện kinh tế rất dồi dào. Tuy nhiên, một điều khiến người ta cảm thấy bi thảm là, nhóm nhà văn kiên trì lối viết nghiêm túc, viết cho dân sinh xã hội lại ngày càng ít. “Vì Nhân dân tệ phục vụ” đã trở thành “bí quyết sáng tác” công khai của nhà văn Trung Quốc. Số lượng “nhà văn Trung Quốc” hiện nay chắc chắn là nhiều nhất thế giới, tuy nhiên, số nhà văn thực hiện trách nhiệm xã hội một cách thực thụ như các nhà văn thập kỷ 80 thế kỷ XX lại không nhiều. Chính vì vậy, chúng ta thấy được rằng, văn học Trung Quốc hiện nay đạt tới sự “phồn vinh” chưa từng có về số lượng tác phẩm, nhưng sự “phồn vinh” này lại bao hàm quá nhiều thứ bọt bèo, thậm chí là rác rưởi. Bị thương mại hóa, sáng tác văn học tầm thường hóa, xu hướng thô tục hóa là những đặc điểm nổi bật của văn học Trung Quốc hiện nay.

Thứ hai, trong số các nhà văn đang dẫn đầu “trào lưu” hiện nay, số nhà văn đắm mình trong những thú chơi vô vị và duy trì “lối viết không giống ai” không phải là ít. Tâm thức của các nhà văn có “lối viết không giống ai” này dường như đắm mình trong tâm trạng thế này: tôi sử dụng thủ pháp gì thì cái đó chứng tỏ tôi đã đạt tới một tầm cao mới. Vì mải mê với những kỹ xảo, thủ pháp, các nhà văn này sẽ không có gì thì nói từ từ, coi tác phẩm và độc giả là đối tượng của trò chơi. Trong tác phẩm của họ, có tất cả những trò mới mẻ, nói như lời giáo sư Trần Hiểu Minh là “có đủ khả năng để khái quát nghệ thuật tiểu thuyết thâm hậu”. Ý thức tự ngã của nhà văn Trung Quốc hiện nay là ý thức của thợ thủ công, họ không thể tiêu hóa kinh nghiệm sống của mình mà là dùng phương pháp của người thợ làm ghế băng để xử lý cuộc sống của mình. Đối với các “nhà văn có lối viết không giống ai” này, dường như họ viết không phải là để phục vụ đông đảo độc giả, mà là phục vụ cho một số nhà phê bình nào đó. Vấn đề căn bản của “lối viết không giống ai” là nhà văn cắt đứt dây rốn liên hệ với đời sống hiện thực, hoặc là họ dùng biện pháp gặm nhấm cái vốn hữu hạn của nội tâm để sáng tác, hoặc là dùng thủ pháp của một tay chơi hoặc thợ thủ công để “giải quyết” hiện thực. Chính vì thiếu sự nuôi dưỡng của cuộc sống, các sáng tác của họ thiếu đi những nội dung chân thực và không thể thoát khỏi tử huyệt sao chép chính mình. Nhà văn Trung Quốc thiếu chiều sâu nhân tính nội tại, họ không thể dùng cái nhìn phản tư để sáng tác mà chỉ có thể làm một cái kén để tự trói mình. Hiện tượng này, người ngoài cuộc nhìn thấy rất rõ, còn trong nội bộ văn học, lại bị một số nhà phê bình khoe khoang là các sáng tác “đạt tới đỉnh cao chưa từng có”.

Thứ ba, hiện nay nhiều nhà phê bình trở nên nhà nghề hóa và thương mại hóa ở mức độ nghiêm trọng. “Trạng thái mới” của lối phê bình này không những khiến “tiếng nói phê bình” tập trung một cách biến dạng vào tay của một số nhà phê bình “quyền uy” chiếm thiểu số, đồng thời cũng khiến phê bình mất đi tính độc lập của mình: thông qua các hoạt động mang tính nhà nghề, phê bình bị hợp nhất trong thể chế marketing của thị trường văn học, trở thành một linh kiện trong cỗ máy tiếp thị mặt hàng văn học. Các nhà phê bình trong thị trường văn học nhộn nhịp không ngừng tung ra những thần thoại văn học “đạt tới đỉnh cao chưa từng có”, biến hiện trường văn học Trung Quốc thành một đám “anh hào hội tụ” hư cấu. Thế nhưng, ngược với phong trào “cao giọng khen ngợi văn học Trung Quốc” của một số nhà phê bình, các cuộc điều tra vài năm gần đây đã nhiều lần chứng minh được sự rất không hài lòng của công chúng đối với văn học Trung Quốc từ thế kỷ XXI trở lại đây. Đối với “thuyết đạt tới đỉnh cao chưa từng có” lần này, số người được điều tra đã tỏ rõ sự không đồng tình, và số người không đồng tình này cũng chiếm con số áp đảo. Song song với việc thúc đẩy thị trường văn học phát triển phồn vinh, tại sao các nhà phê bình - những người nắm trong tay lời nói có trọng lượng, lại không xây dựng con đường tiếp nhận và đồng thuận của độc giả đối với văn học Trung Quốc hiện nay? Phê bình thất bại lớn như vậy, không phải là một dấu hiệu cơ bản cho thấy văn học Trung Quốc hiện nay đang rơi xuống vực thẳm hay sao?

Trong số những nhà văn đóng vai trò chủ đạo ở Trung Quốc hiện nay,  rất nhiều người đã viết được những tác phẩm khá xuất sắc và đáng được khen ngợi hồi thập kỷ 80, 90 thế kỷ XX. Thời đại tràn đầy lí tưởng khải mông ngày đó đã tạo không gian và động lực để nhà văn tự do sáng tác. Tuy nhiên, khi kinh tế xã hội Trung Quốc phát triển thêm một bước, đầu thế kỷ XXI – khi mà văn hoá Trung Quốc ngày càng quốc tế hoá, tinh thần và nhân cách của các nhà văn Trung Quốc đã suy sút một cách nghiêm trọng, từ “nhà văn sáng tác nghiêm túc” biến thành “nhà văn chơi nghiêm túc”. Lấy một số nhà văn tiêu biểu trên văn đàn Trung Quốc hiện nay làm ví dụ. Tiểu Bào trang là tác phẩm tiêu biểu thực sự của nữ nhà văn Vương An Ức, tiểu thuyết Ba yêu viết sau đó là “tác phẩm tập sáng tác theo trào lưu viết về tình yêu”, tiểu thuyết Câu chuyện của chú viết đầu thập kỷ 1990 dự báo một bước ngoặt rất tốt của nhà văn này trong hoạt động sáng tác, tuy nhiên, Trường hận ca lại kéo sáng tác của Vương An Ức vào những thù hận ân oán éo le của một “thục nữ Thượng Hải” với mối tình tay ba “một gái hai trai” tại một gác xép trong ngõ nhỏ. Trường hận ca đánh dấu một cuộc khủng hoảng sâu sắc của Vương An Ức, nhưng vì có giải thưởng văn học cấp quốc gia làm hậu thuẫn, Vương An Ức tự trói mình vào gác xép trong ngõ nhỏ sâu hút để chuyên tâm làm tác gia nhà nghề “viết về Thượng Hải ngày xưa”.

Giả Bình Ao và Mạc Ngôn cũng đã từng viết được những tác phẩm hay về làng quê. Các tác phẩm hồi đầu như Tháng Chạp tháng Giêng của Giả Bình Ao và Củ cải đỏ trong suốt của Mạc Ngôn, đến nay đọc lại vẫn thấy rất hay và cảm động. Tuy nhiên, các tác phẩm sau này của họ, như Phế ĐôTần Xoang (Điệu hát vùng Tần Lĩnh) của Giả Bình Ao hay Đàn hương hìnhSống đoạ thác đày của Mạc Ngôn, bằng tâm thức “người nổi tiếng đùa với văn học”, biến sáng tác thành những trò chơi để trút bày, những trò đùa u ám, biến thái. Họ không những sỉ nhục văn học, mà còn sỉ nhục nhân tính. Thế nhưng, chính lối viết này lại được các nhà phê bình nổi tiếng ca ngợi, đồng thời tung hê là “đạt tới đỉnh cao chưa từng có”. Đơn cử tiểu thuyết Tần Xoang của Giả Bình Ao, xét trên phương diện trình bày, ngôn ngữ biểu đạt của nhà văn rất thành thục, tuy nhiên, trong tác phẩm này tôi không nhìn thấy phẩm chất và nội hàm mà một tác phẩm hay với tư cách là đỉnh cao của văn học Trung Quốc cần phải có, cái mà tôi thấy nhiều hơn là những cái vụn vặt, trì trệ, tối tăm, thậm chí là lối viết dâm loạn. Tiểu thuyết Tần Xoang của Giả Bình Ao viết về văn học biến thái, văn học ô uế. Giả Bình Ao là một nhà văn chơi trò chơi văn học khá cừ khôi, con người ông ta có quá nhiều những phẩm chất tầm thường của những văn nhân suy đồi thời Trung Quốc ngày xưa, thậm chí là còn “phát huy cao độ” những phẩm chất này, tiểu thuyết của nhà văn này sặc mùi hủ bại của một nền văn hoá cũ trong thời đại mới. Tôn sùng một tác phẩm như Tần xoang là tác phẩm đỉnh cao của văn học (tiểu thuyết) Trung Quốc, vừa là một điều nực cười, vừa thực sự bi ai. Hoặc như tiểu thuyết Phế đô, khi xuất bản vào năm 1993 đã vấp phải sự chỉ trích của hầu hết giới phê bình, đặc biệt là các nhà phê bình trẻ và trung tuổi, điều này là đúng; Sau đó tác phẩm này bị cấm, cũng là đúng. Bởi cuốn sách này, không chỉ ngôn ngữ và kết cấu phỏng cổ, mà tư tưởng và tôn chỉ cũng nhạt nhẽo, trong đó vẻ “ta đây là trên hết” và ảo giác dâm dục hoàn toàn đi ngược với tinh thần nhân văn của thời đại chúng ta ngày nay. Văn học là nhân học, trước hết phải thể hiện sự thấu hiểu và yêu quý thật lòng đối với con người, chứ không phải là đặt con người ở góc độ động vật để đùa giỡn và bỡn cợt. Hồng lâu mộng cũng viết về bi kịch, nhưng trong cái bi thảm đến tột độ đó, lại thể hiện một cái đẹp. Hiện nay, không những Phế đô được bỏ lệnh cấm, mà cá biệt có một số nhà phê bình cực lực phê phán Phế đô năm xưa lại quay ngoắt 180 độ và trở thành “lực lượng quyền uy đắc lực” tung hê Phế đô. Ngoài ra còn có Đàn hương hình của Mạc Ngôn, tôi nghe thấy nhiều “nhà phê bình” nói với tôi rằng, “ngôn từ” của Đàn hương hình “rất sắc sảo”, là một trong số ít tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc thực sự có thể “giữ lại”. Tại sao phải giữ lại những ngôn từ này? Phải chứng tỏ cho độc giả của tương lai thấy văn học của chúng ta hiện nay là văn học “chịu ảnh hưởng của những ngôn từ bỡn cợt, điên rồ” hay sao? Tôi cho rằng, những tác phẩm như Phế đô và Đàn hương hình được các nhà phê bình ca ngợi, chỉ có thể chứng tỏ trong giới phê bình hiện nay, tiêu chuẩn văn học và tiêu chuẩn cá nhân đều đã vỡ vụn hết, phê bình văn học Trung Quốc hiện nay đã thực sự lụn bại rồi.

Dĩ nhiên, trong số các nhà văn của Trung Quốc hiện nay, không phải là không có những nhà văn có lối viết nghiêm túc, quan tâm đến đời sống của công chúng. Diêm Liên Khoa là một ví dụ tiêu biểu, một nhóm nhà văn với tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội và tinh thần phê phán vẫn đang trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên, vấn đề phổ biến của họ nằm ở chỗ, một mặt, họ quá coi trọng kỹ xảo sáng tác và phương pháp tự sự, khiến sự quan tâm của họ đối với đời sống không được sâu, sự nắm bắt của họ đối với nhân vật không được cặn kẽ; Mặt khác, tầm nhìn văn hoá của họ rất hạn hẹp, thiếu sức mạnh nhìn thấu lịch sử và sức mạnh nâng tầm văn hoá đối với đề tài tường thuật, trong sự vạch trần, phê phán những cái tối tăm, xấu xa của đời sống hiện thực, không thể cùng lúc thể hiện những vẻ đẹp và lí tưởng của nhân tính, tác phẩm Làng Thụ Hoạt của Diêm Liên Khoa là một đại diện của sự “khiếm khuyết trong nghiêm túc” này. Làng Thụ Hoạt là một tác phẩm có hình thức lớn hơn nội dung, hình thức cắt xén tư tưởng. Trần Hiểu Minh cho rằng, tiểu thuyết này “có đủ khả năng để giải quyết di sản lịch sử và tiến hành phê phán hiện thực trước mắt “; Quan điểm của tôi lại hoàn toàn ngược lại, Diêm Liên Khoa không có đủ khả năng để “giải quyết” phương diện này, công việc mà nhà văn này làm là bổ “di sản lịch sử” và “hiện thực trước mắt” như bổ củi bằng một con dao cùn. Nếu Trần Hiểu Minh dùng trình độ của một tiều phu để đánh giá Diêm Liên Khoa thì điều này cũng có thể nói là “có đủ khả năng để giải quyết” rồi. Sau khi tôi phê bình nghiêm khắc Làng Thụ Hoạt, tôi và Diêm Liên Khoa có gặp gỡ nhau một lần; Sau đó khi Diêm Liên Khoa đọc được bài bình luận của tôi về bài viết của nhà Hán học Wolfgang Kubin, anh lại có một cuộc nói chuyện dài với tôi qua điện thoại. Tôi cho rằng, Diêm Liên Khoa là nhà văn viết một cách chân thành cho dân sinh, tuy nhiên, tôi rất lấy làm tiếc khi phải chỉ ra rằng, sự “đề cao” mà một số nhà phê bình- đứng đầu là giáo sư Trần Hiểu Minh dành cho Diêm Liên Khoa đã khiến cho nhà văn này mất đi khả năng thâm nhập thực sự vào hiện thực và nhìn thấu lịch sử. Tiểu thuyết này được đề cử là tác phẩm đại diện cho những tác phẩm “có đủ khả năng để giải quyết di sản lịch sử và tiến hành phê phán hiện thực trước mắt”, đồng thời được coi là một trong những tiêu chí cho thấy “văn học Trung Quốc đạt tới đỉnh cao chưa từng có”, điều này chỉ có thể chứng tỏ rằng, người đề cử nó đã quên mất tiêu chuẩn phê bình văn học. Tôi cho rằng, đây là một sai lầm của phê bình đối với nhà văn Trung Quốc hiện nay, thật đáng tiếc!

Chúng ta cần một nền văn học như thế nào? Chúng ta có thể chơi game, xem ti vi, xem phim, nhưng tại sao chúng ta vẫn phải cần văn học? Vì văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, là sự biểu đạt sâu sắc tinh tế nhất của tâm hồn. Văn hoá Trung Quốc có một vẻ đẹp sâu sắc, tuy nhiên, chúng ta lại không nhìn thấy điều này trong các tác phẩm văn học hiện nay. Trong quá trình vạch trần sự khổ nạn và cảnh khốn cùng đối với hiện thực, trong trái tim nhà văn cần phải có một tình yêu bao la chân thành, cần phải mang một tình cảm yêu thương và chúc phúc đối với xã hội, nhân sinh. Nhà văn phải nhìn thấy được vẻ đẹp sâu sắc nhất trong cuộc sống thê thảm nhất. Lập trường Trung Quốc đích thực là lập trường có hi vọng, có tình yêu. Xét trên góc độ này, văn học của chúng ta tồn tại vấn đề rất lớn.

Đương nhiên, cần phải chỉ ra rằng, văn học Trung Quốc từ thập kỷ 90 thế kỷ XX trở lại đây, cũng có một số tác phẩm mới được coi là xuất sắc. Theo phạm vi đọc hạn hẹp của tôi, tác phẩm Đông tạng ký của nhà văn Tông Phác là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc rất đáng được khen ngợi. Trong một bài phê bình tôi đã từng viết rằng: “Khi tôi đọc tiểu thuyết Đông tạng ký của nhà văn Tông Phác, trong sự cảm động sâu sắc đượm nồng, bất ngờ ý thức được mối liên hệ vô cùng sâu sắc vô cùng thuần khiết giữa hai yếu tố của nhân sinh. Trong cuốn tiểu thuyết này, chính mối liên hệ sâu sắc giữa hai yếu tố này - tức sự hoà quyện, mở rộng giữa sự chân thực và vẻ đẹp đã bao vây lấy tôi bằng sự cảm động muôn phần, khiến cả sinh mệnh của tôi được khích lệ, thăng hoa bởi một tình yêu nhân ái đến tột độ, một tình yêu sâu sắc đẹp đẽ thấm đẫm trong cuốn sách”. Khí chất văn hoá đậm đà và tinh thần nhân ái sâu sắc trong tiểu thuyết của Tông Phác là phẩm chất đặc biệt đáng quý mà văn học Trung Quốc đang thiếu. Tuy nhiên, các nhà phê bình biết phát hiện ra “đỉnh cao hiện nay” sẽ không nhận thức được chiều sâu mà các tác phẩm văn học như tác phẩm của Tông Phác đạt tới.

Giải Nobel văn học năm 2009 được trao cho một nữ nhà văn người Đức Herta Mueller - một người không hề nổi tiếng và âm thầm sáng tác trong mấy chục năm qua. Lý do khiến Học viện Hoàng gia Thuỵ Điển trao giải thưởng này là: “tác phẩm của Herta Mueller có vẻ gọn ghẽ của thơ ca và nét bình dị của tản văn, phác thảo nên một bức tranh về những con người sống ở đáy xã hội”. Lý do khiến bà đạt giải là do sáng tác của bà cũng giống như những nhà văn đạt giải Nobel văn học trước đó, thể hiện được sự quan tâm sâu sắc đối với vấn đề phổ biến của xã hội nhân loại và sự thông cảm, sẻ chia chân thành đối với những con người yếu đuối, cô lẻ, nói một cách chính xác là bà đã đại diện cho lương tri và lý tưởng của thế giới hiện nay. Phải chăng nhà văn và nhà phê bình của chúng ta cũng nên học một điều gì đó có ích từ trường hợp đạt giải của Herta Mueller?

Rõ ràng là văn học Trung Quốc hiện nay đang ở dưới vực thẳm, vậy tại sao giáo sư Trần Hiểu Minh lại đưa ra chủ trương “đạt tới đỉnh cao”? Cái “Văn học Trung Quốc đạt tới đỉnh cao chưa từng có” này là do nhà phê bình của chúng ta đứng trên cái mà ông ta gọi là “lập trường Trung Quốc” và nhìn ra được. Điều này có nghĩa là, “lập trường Trung Quốc” đã phú cho chúng ta quyền lực nhìn từ dưới chân xuống, chính vì vậy “văn học Trung Quốc đạt tới đỉnh cao chưa từng có” chính là “đỉnh cao” mà giáo sư Trần Hiểu Minh từ dưới chân ông nhìn xuống.

(Lược bỏ một đoạn)......

 

Hiện tượng lạ của văn đàn Trung Quốc hiện nay

 

Vậy thì phê bình văn học đương đại Trung Quốc đang tồn tại vấn đề như thế nào? Để chứng minh sự thiếu đạo đức, thiếu sự quy phạm dẫn đến tình trạng lụn bại của phê bình văn học Trung Quốc hiện nay, bài viết này lấy “hiện tượng Quách Kính Minh” làm một ví dụ điển hình để phân tích một cách khái quát.

Một nhà phê bình văn học có tinh thần trách nhiệm cần phải giữ vững tiêu chuẩn thuần văn học (belles-lettres ). Theo tiêu chuẩn của thuần văn học, Quách Kính Minh chỉ là một “người viết qua Internet” nổi tiếng nhờ Internet, hay nói một cách chính xác hơn, cậu ta chỉ là một “tay viết” bán chữ nghĩa không có tâm hồn.  

Văn học mạng là “tiền văn học”. Văn học phải có ngưỡng riêng của nó, không phải người nào cũng bước được vào. Văn học có hình thức tổ chức ngôn ngữ đặc thù riêng của mình, không phải là khẩu ngữ. Hoạt động viết qua mạng không được trải qua những trình tự mà văn học cho phép được vào, không có được tấm giấy thông hành của văn học. Người viết qua mạng muốn viết thế nào thì viết, mục đích không chỉ là khẩu ngữ, mà thậm chí còn là thứ ngôn ngữ hỗn tạp tuỳ tiện, bừa bộn hơn cả khẩu ngữ. Do cách đọc qua mạng Internet là cách đọc kiểu “lướt”, chính vì vậy, không có độc giả theo đúng nghĩa của nó, những người được gọi là đọc văn học mạng, chỉ là lướt web mà thôi, không phải là đọc theo đúng nghĩa của nó. “Văn học mạng” là hình thức giải trí mà xã hội tiêu dùng hiện nay cần, chứ không phải là nguồn lương thực của tinh thần. Đứng trên góc độ phê bình văn hoá, cần phải quan tâm đến sự ra đời và phát triển của hiện tượng văn hoá này, tuy nhiên, phê bình văn học cần phải bài xích “văn học mạng”.

Dĩ nhiên, không thể phủ định trên mạng Internet tiềm ẩn những phôi thai của một số tác phẩm văn học hay, thậm chí tác phẩm hay chín muồi. Chúng ta có thể tìm thấy những tác phẩm văn học hay trong số hàng triệu bài viết trên mạng Internet, giống như việc văn học luôn có một bộ phận được giấu trong ngăn bàn vậy. Tuy nhiên, điều này không thể chống đỡ cho khái niệm thời thượng “văn học mạng” này. Một số nhà văn có thể sáng tác trong WC, lẽ nào chúng ta cũng đưa ra cái gọi là “văn học WC” hay sao? Xét một cách tổng thể, văn học mạng vẫn chỉ là “tiền văn học”, còn phải trải qua quá trình sàng lọc nữa. Văn học chính là thuần văn học, nó có quy tắc và tiêu chuẩn riêng của mình, xét theo ý nghĩa này chúng ta cho rằng “văn học mạng” không phải là văn học. Các nhà xuất bản đi tìm người sáng tác qua mạng, đi tìm “văn học mạng” ở khắp nơi, thực ra là họ đang tìm phôi thai của văn học, không phải họ “nghiên cứu văn học mạng” mà là dùng “văn học” để nghiên cứu hoạt động “”viết qua mạng”. “Viết qua mạng” là quyền lợi mà các công dân có cơ hội lên mạng biểu đạt; Sáng tác văn học là năng lực của các nhà văn thực thụ. Chỉ có viết qua mạng, không có văn học mạng. Hiện nay, sở dĩ văn học mạng được coi là văn học là do sự tan rã của thể chế phê bình, “nhà phê bình” đã đánh mất các chuẩn tắc phê bình.

Dĩ nhiên, tính phi văn học của hoạt động viết qua mạng không chỉ được thể hiện ở “tính tiền văn học” của tu từ ngôn ngữ của nó, mà còn được biểu hiện ở sự sáo rỗng lãng đãng (tức ngôn bất cập ý). Có nhà phê bình nói rằng ngôn ngữ của Quách Kính Minh rất tốt, cái gọi là “rất tốt” này chính là một chứng không bệnh tự rên(11) phỏng theo phong cách lạnh lùng ngôn bất cập vật, bất cổ bất kim. Chứng không bệnh tự rên của Quách Kính Minh không có liên quan gì với dòng văn học uyển chuyển hàm súc trong truyền thống văn học của Trung Quốc, là những ngôn từ sáo rỗng của một số “tay viết 8X” đọc truyện tranh Nhật Bản trưởng thành. Thứ ngôn từ này, mới đọc thì cảm thấy có nhiều hình ảnh đẹp, giống như cảnh tuyết trên núi Phú Sĩ Nhật Bản, “nhìn thì thấy rất đẹp”, nhưng lại giống như bản kính dương (slide) nát vụn, không có nội dung, không nỡ đọc hết, không nỡ ngẫm lại. Đây là lối viết lách thương mại “dùng canh chua để viết nên những dòng chữ rỉ máu”. Đọc 1/5 phần đầu của tiểu thuyết Vương quốc ảo, bạn còn có thể mong chờ tác giả cuốn sách này là một chàng trai có tài; Tuy nhiên, đọc tiếp 2/5 tác phẩm, bạn sẽ thấy một kiểu sao chép ngôn ngữ một cách giản đơn, máy móc, cả nội dung và tình cảm đều không có sự phát triển thực sự. Văn học cần phải có tâm hồn, nhưng tiểu thuyết của Quách Kính Minh khiến tôi cảm thấy anh ta không hề biết tâm hồn là gì. Dĩ nhiên, cậu ta rất thông minh, rất biết vận dụng lối viết mang tính thương mại để kiếm tiền, và cậu ta đã gặt hái được những thành công “vang dội”.

Tiểu thuyết bán chạy quan trọng của Quách Kính Minh Biết bao nhiêu hoa rơi trong mộng bị toà án kết tội đạo văn của người khác. Toà án yêu cầu Quách Kính Minh phải bồi thường và công khai xin lỗi, Quách Kính Minh công khai lên tiếng “chỉ bồi thường không xin lỗi”, bị mạng Internet gọi là “Quách Đạo Văn”. Tuy nhiên, năm 2005, Vương Mông, Trần Hiểu Minh liên danh giới thiệu Quách Kính Minh gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc, đồng thời ca ngợi hành động này là mở đường cho một tài năng văn học.

Gần đây, trước sự việc giới thiệu Quách Kính Minh gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc, Trần Hiểu Minh nói: “Về chuyện Quách Kính Minh đạo văn, tôi không tiện bình luận gì thêm, bởi pháp luật đã có kết luận. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì đạo văn cũng là sai, chàng trai trẻ cũng sẽ rút kinh nghiệm, sửa chữa lỗi lầm để trở thành con người mới, làm lại từ đầu. Chúng ta cũng phải cho người khác cơ hội, cho người khác một con đường... Đối với sự tồn tại tinh thần của một con người, tầm cao đạo đức của nhà văn là hết sức quan trọng, nhà văn cũng nên làm gương cho xã hội. Tuy nhiên nó có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với sáng tác của họ, đây là một đề tài nghiên cứu rất khó, mặc dù tôi chủ trương nhà văn cần có đạo đức cao thượng, nhưng trong lịch sử có không ít nhà văn không được vẹn toàn về mặt đạo đức”.

Mở đường cho tác giả trẻ, không nên bênh vực dung túng lỗi lầm của họ, mặc dù đã gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc 4 năm, nhưng vẫn chưa thấy Quách Kính Minh có biểu hiện nhận lỗi gì, càng không nói đến chuyện “ăn năn hối cải”. Thiên chức của nhà văn là sáng tác văn học, một tay viết đạo văn của người khác mà không chịu nhận lỗi với xã hội, chà đạp nghiêm trọng lên thiên chức của nhà văn. Đây không phải là khiếm khuyết đạo đức mà là phạm tội trong nghề nghiệp. Nghề của cảnh sát là bắt trộm cắp, lẽ nào một viên cảnh sát không những đi ăn trộm, mà còn không chịu nhận tội, anh ta còn có thể tiếp tục làm cảnh sát được không? Theo “thuyết khiếm khuyết đạo đức” của Trần Hiểu Minh, viên cảnh sát này đương nhiên là có thể tiếp tục làm cảnh sát! Có nhà phê bình lấy “thuyết khiếm khuyết đạo đức” để biện hộ cho việc đạo văn, còn chuyện lạ đời nào không thể xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc hiện nay?

Giáo sư Trần Hiểu Minh dùng khiếm khuyết đạo đức mà nhiều nhà văn có để biện hộ cho một tay viết có hành vi đạo văn, càng thể hiện sự “thiếu đạo đức” của một số “nhà phê bình quyền uy hiện nay”. Thánh nhân cũng phải có lỗi lầm, nhà văn không phải là thánh nhân, có khiếm khuyết đạo đức thì có gì là lạ? Tuy nhiên, giáo sư Trần Hiểu Minh đừng quên hai điều rằng: Thứ nhất, trong lịch sử Trung Quốc, không có một nhà văn nổi tiếng nào là “đạo văn”, càng không nói đến chuyện công khai không chịu nhận sai; Trong số hơn 10 nhà văn mà Trần Hiểu Minh đưa ra, có người nào “đạo văn” không? Thứ hai, mặc dù không ít nhà văn có khiếm khuyết đạo đức trong cuộc sống, nhưng trong số họ không có ai là không soi sáng tư tưởng, vun đắp tình cảm, nâng cao lý tưởng cho thế giới của chúng ta bằng những tác phẩm vĩ đại. Cho đến nay, Quách Kính Minh - người được Giáo sư Trần Hiểu Minh “nâng như nâng trứng” đã đem lại cho chúng ta cái gì để khiến anh ta có thể có được đặc quyền “đạo văn nhưng không chịu nhận sai” và bước chân vào Hội Nhà văn Trung Quốc với một tư thái đường hoàng, người ủng hộ anh ta lại là nhà văn lão làng nổi tiếng Vương Mông và nhà phê bình nổi tiếng – Giáo sư Tiến sĩ Trường đại học Bắc Kinh Trần Hiểu Minh.

Từ “hiện tượng Quách Kính Minh”, chúng ta thấy được rằng, chuẩn tắc giá trị cơ bản của văn đàn Trung Quốc đã sụp đổ, chính vì thế mới tạo ra cảnh tượng kỳ lạ: người viết thiếu phẩm hạnh, nhà phê bình thiếu đạo đức.

                        Trần Quỳnh Hương (dịch và tổng thuật)

__________________

([1]) Trùng Khánh buổi sáng, ngày 11-12-2006.

(2) Wolfgang Kubin (1945-): GS - Chủ nhiệm Khoa Hán học trường Đại học Bonn (Đức), một trong những nhà Hán học nổi tiếng nhất của Đức. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu văn học cổ điển, hiện đại, đương đại và lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Ngoài ra, còn là dịch giả, nhà văn, thành viên của Hiệp hội Dịch giả và Hiệp hội Nhà văn Đức.

(3) Dương Thành buổi tối, ngày 9-11-2009.

(4) Trần Hiểu Minh (1959-): GS.TS - Trường Đại học Bắc Kinh, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc, lĩnh vực nghiên cứu: Văn học đương đại trường phái tiên phong và lí luận văn hoá hậu hiện đại.

(5) Lương Bân: Khúc ca Hồng kỳ, tiểu thuyết. Nxb. Thanh niên Trung Quốc, 1957.

(6) Liễu Thanh: Lịch sử lập nghiệp, tiểu thuyết. Nxb. Thanh niên Trung Quốc, 1960.

(7) Dương Mạt: Khúc hát Thanh Xuân. Nxb. Hội Nhà văn, 1958.

(8) Làng Thụ Hoạt: tiểu thuyết được mệnh danh là Trăm năm cô đơn của Trung Quốc. Nxb. Văn nghệ Xuân Phong, 2008.

(9) Tạp chí Khám phá và tranh luận, ngày 15-4-2010.

(10) Tiêu Ưng (1962-): GS.TS - Khoa Triết học. Phó chủ nhiệm khoa Triết học - Trường Đại học Thanh Hoa. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu: mỹ học, văn hoá đương đại.

(11) Không bệnh tự rên: trong ngôn ngữ đời thường, “không bệnh tự rên” là cụm từ mang nghĩa xấu, ý nói mặc dù không có bệnh nhưng lại rên rỉ kêu để được người khác cảm thương. Trong văn học, cụm từ này dùng để chỉ việc cố tình viết ra những ngôn từ cảm động nhưng không phải là sự cảm động thật lòng để thu hút độc giả.

Nguồn: Viện Văn học

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *