Chuyện văn chương

8/1
8:19 AM 2017

THỬ ĐƯA RA MỘT KIẾN GIẢI MỚI VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGÔ VĂN SỞ

PHAN THUẬN AN - Không có tư liệu thì không có lịch sử. Nhưng, nếu có tư liệu mà tư liệu thiếu sót, bất nhất và không chắt lọc kỹ thì cũng dễ dẫn đến chỗ nhầm lẫn khi viết lại quá khứ.

                                           Tranh minh họa (nguồn Internet)

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn đã thi hành chính sách trả thù nghiệt ngã đối với nhà Tây Sơn, kể cả đối với các tư liệu lịch sử của thời ấy để lại. Cho nên, mặc dù triều Tây Sơn chỉ mới cách chúng ta trên dưới hai thế kỷ thôi, nhưng hiện có một số vấn đề thuộc thời đại này đang bị bỏ trống hoặc chưa khẳng định được một cách rõ ràng trong các trang sử sách.

Trên các bước đường tìm hiểu về một nhân vật thuộc triều đại này là tướng Ngô Văn Sở, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đã mắc phải một số khuyết điểm khi chưa có được những tư liệu hiếm hoi và quí báu trong tay để đọc một cách kỹ lưỡng.

Vào năm 1986, với những tư liệu sưu tập được lúc ban đầu, chúng tôi đã viết bài Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở, đăng trên tạp chí Sông Hương số 25. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu dư luận của độc giả, thấy có hai loại ý kiến khác nhau: một số người đồng tình với nội dung bài khảo cứu, nhưng cũng có một số người không nhất trí với nó, trong đó có bà con họ Ngô.

Thấy như vậy là kiến giải và nhận định của mình chắc có phần chưa thỏa đáng, chúng tôi đã tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề. Trong tiến trình này, chúng tôi đã kiếm ra được một vài tư liệu mới và có thêm được một số thông tin về Ngô Văn Sở do một vài người hậu duệ của ông ở đó đây cho biết.

Nay, với những tư liệu mới vừa đọc và biết thêm được, đồng thời cũng để thỏa mãn phần nào đề nghị đầy nhiệt tình vì hiếu đạo của bà con họ Ngô, nhất là ông Ngô Văn Xưng (344/5, Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, thành phố HCM) cháu nội 6 đời, và ông Ngô Văn Tính (21/1 Phan Chu Trinh, Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa) cháu nội 5 đời của tướng Ngô Văn Sở, chúng tôi thử đưa ra một kiến giải mới về nhân vật lịch sử này.

Bài viết gồm 3 nội dung chính:

- Các tư liệu xưa nay nói tướng Ngô Văn Sở chết vào năm 1795.

- Các tư liệu nói có một tướng Ngô Văn Sở về đầu hàng Nguyễn Ánh sau đó.

- Thử đưa ra một kiến giải mới.

Tuyệt đại đa số các tư liệu lịch sử chính thống, dã sử và các công trình khảo cứu từ xưa đến nay đều cho rằng Đại tư mã Ngô Văn Sở triều Tây Sơn đã bị phe của tướng Vũ Văn Dũng cùng triều sát hại bằng cách dìm xuống sông cho đến chết vào năm 1795 dưới thời Cảnh Thịnh (1793-1801). Chúng ta biết được điều này qua các tư liệu lịch sử chủ yếu sau đây:

1. Hoàng Lê Nhất Thống Chí do Ngô gia Văn phái biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Các bản dịch của Cát Thành (1912), của Ngô Tất Tố (1942, 1969), của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch (1964, 1970, 1984).

2. Đại Nam Thực Lục, Đệ nhất kỷ, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1821 đến 1847, và Đệ nhị kỷ, do cùng cơ quan biên soạn từ năm 1841 đến 1861. Bản dịch của Viện Sử Học (in từ năm 1962 trở đi).

3. Đại Nam Chính biên Liệt truyện, Sơ tập, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1852 đến 1889, nói về các nhân vật thời Nguyễn Sơ. Trước đây, chúng tôi chỉ mới đọc được bản dịch quyển 30 (Ngụy Tây) do Tạ Quang Phát dịch và ấn hành tại Sài Gòn năm 1970.

4. Quốc triều chính biên toát yếu, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn năm 1908. Bộ Học ở Huế dịch và ấn hành năm 1925.

5. Sử ký Đại Nam Việt, không rõ tác giả, in lần thứ 5 vào năm 1909, lần tái bản gần đây nhất vào năm 1974 tại Sài Gòn.

Ngoài ra trong một truyện thơ mang tính dã sử nhan đề là Tây Sơn danh tướng chinh nam truyện, một nhà thơ vô danh thuở nào đã viết:

Sở, Tuyên khó nổi bôn đào...
Bỏ vào cũi sắt, ném càn xuống sông (1)

Và nhiều tác giả lão thành viết sách sử bằng chữ Việt sau đó như Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (2), Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử (3), v.v... cũng đều dựa vào các bộ sử cũ trên đây để viết như nhau rằng danh tướng Ngô Văn Sở đã bị bức tử năm 1795.

Cách đây trên dưới 15 năm, có hai nhà nghiên cứu trẻ họ Tạ trong khi viết về Ngô Văn Sở cũng đã ghi nhận đại khái như vậy. Đó là Tạ Ngọc Liễn ở Hà Nội và Tạ Chí Đại Trường ở Sài Gòn. Trong bài Đại Tư mã Ngô Văn Sở một danh tướng của Tây Sơn đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạ Ngọc Liễn khẳng định Ngô Văn Sở, người quê ở Nghệ An, "là một sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà đi theo Tây Sơn đầu tiên"(4) và chỉ phục vụ triều Tây Sơn. Còn Tạ Chí Đại Trường trong "Bảng liệt kê đặc danh" ở cuối quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, thì phân biệt rõ hơn rằng có hai tướng Ngô Văn Sở: một tướng Ngô Văn Sở của Tây Sơn và một tướng Ngô Văn Sở của Nguyễn Ánh.(5)

Các tác giả đó không cho biết một thông tin gì khác nữa về Đại Tư mã Ngô Văn Sở kể từ sau năm 1795. Đọc đến đây, độc giả đều xem như vị danh tướng đã chết và không thể còn thông tin gì khác nữa về ông để tìm hiểu thêm.

Tư liệu xưa nhất như sách của Ngô gia Văn phái; và gần đây nhất như quyển Nhà Tây Sơn của gia đình họ Quách ở Qui Nhơn cũng chỉ viết đến thế thôi: "Dũng phao cho Tuyên, Sở, Trụ mưu phản, đóng cũi nhốt đem dìm xuống sông Hương! Vua Cảnh Thịnh biết là oan, nhưng không sao ngăn cản được, đành gạt nước mắt khóc thầm!"(6)

Các sử sách trên đây chỉ nói khác nhau một ít chi tiết về nguyên nhân đưa đến cái chết của phe Bùi Đắc Tuyên - Ngô Văn Sở và hình thức xử tử họ. Chẳng hạn, tác giả Sử ký Đại Nam Việt viết rằng sở dĩ phe Tuyên – Sở bị sát hại là vì hai ông đã có âm mưu giết vua Cảnh Thịnh cùng các em vua để đưa người con trưởng của "quan quốc công" là Bùi Đắc Trụ lên làm vua, và để đưa "quan đổng lý" Ngô Văn Sở lên làm chúa. Nhưng âm mưu bại lộ, nên cả hai ông đều bị bắt và bị xử lăng trì(7).

Trong khi đó, những quyển gia phả của các chi họ Ngô thuộc hậu duệ tướng Ngô Văn Sở ở làng Thuận Nhơn đều ghi rằng ông là một đại thần có công lớn với triều Nguyễn, đã từng theo giúp Nguyễn Ánh trong chiến dịch đánh chiếm lại Phú Xuân (1801), được vua Gia Long cho làm trấn thủ Thanh Hoa Ngoại (1802); sau đó, người con gái đầu của ông được vua Minh Mạng tuyển vào hậu cung, rồi phong làm Hiền phi... Con cháu mấy đời của ông đều làm quan với triều Nguyễn - và được các vua nhà Nguyễn ban tặng sắc phong... Trong những quyển gia phả đó, chúng tôi không hề thấy có một chữ nào cho biết ông Ngô Văn Sở này làm quan làm tướng gì dưới triều Tây Sơn cả. Năm 1986, bà con họ Ngô ở Thuận Nhơn nói rằng quyển gia phả chính của họ Ngô đã bị cháy cùng một lượt với ngôi nhà thờ họ cổ kính đẹp đẽ trong chiến cuộc Mậu Thân (1968). Nhưng, vừa qua (1989), chúng tôi lại nghe nói ông Ngô Văn Tính ở Cam Ranh đang lưu giữ quyển gia phả chính ấy. (Bản sao chăng?). Tuy nhiên, cũng không hy vọng gì trong gia phả ấy mách bảo cho biết tướng Ngô Văn Sở có dính dáng đến triều Tây Sơn.

Cách đây 3 năm, đứng trước tình hình tư liệu như trên, chúng tôi đã cho rằng có hai tướng Ngô Văn Sở khác nhau trong lịch sử: một của triều Tây Sơn, và một của triều Nguyễn. Nhưng may, với một vài tư liệu mới tìm được, chúng tôi thấy sự thật dường như không phải vậy.

Tư liệu mới đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi đọc được trong thời gian qua là một đoạn sử chữ Hán trong Đại Nam Liệt Truyện, xưa nay chưa hề ấn hành bản dịch nào. Bộ sử này gồm 85 quyển, ở phần Chư thần Liệt Truyện (Tiểu sử các bề tôi của triều Nguyễn), có đoạn viết về một công thần tên là Ngô Văn Sở! Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc được đoạn sử này, vì nó cho biết có một tướng Ngô Văn Sở thuộc lực lượng Tây Sơn về đầu hàng lực lượng Nguyễn Ánh, và ngay sau đó, chính tướng Ngô Văn Sở ấy nhiều lần đánh lại quân Tây Sơn, rồi được Nguyễn Ánh - Gia Long thăng quan tiến chức... Để thấy rõ sự kiện lịch sử mới lạ này hơn, chúng tôi xin phiên âm và dịch nghĩa toàn văn đoạn tư liệu hiếm hoi đó ở Đại Nam Liệt Truyện (quyển 25, tờ 8b-9a):

"Ngô Văn Sở, kỳ tiên Thừa Thiên Đăng Xương nhân, hậu lưu ngụ Gia Định. Sở mỗi ngụy Đô Úy, hậu hiệu thuận, tòng quân thảo tặc, dĩ chiến công, lũy thiên Hùng Nhuệ Vệ Úy.

"Kỷ Mùi, tòng Võ Tánh thủ Bình Định thành. Cập tặc tướng Trần Quang Diệu vi chi, hàng tướng Võ văn Sự, Nguyễn Bá Phong khai thành bắc môn đầu tặc: Tánh mạng Sở ách môn. Tự thị, bạn giả bất cảm xuất.

"Cập thành hãm, tiềm qui vu triều.

"Gia Long niên gian, thiên khâm sai Chưởng cơ, lãnh Thanh Hoa Ngoại Quản đạo, Tọa lụy, miễn, tầm tốt.

"Minh Mạng tam niên, huy phục Chưởng cơ, hựu hậu tứ kỳ gia tử Thắng quan cai đội".

Tạm dịch:

"Ngô Văn Sở, trước là người huyện Đăng Xương ở Thừa Thiên, sau chuyển vào cư ngụ tại Gia Định. Sở lúc đầu giữ bậc chức Đô úy của ngụy triều (Tây Sơn), sau đó gắng sức qui thuận (nhà Nguyễn), theo quân đi đánh giặc.

Năm Kỷ Mùi (1799), Sở theo Võ Tánh giữ thành Bình Định. Khi tướng giặc Trần Quang Diệu vây thành (1800), các tướng về đầu hàng (trước đó) là Võ Văn Sự và Nguyễn Bá Phong mở cửa lại. Từ đó, những kẻ phản bội không dám ra nữa.

Khi thành mất (1801), Sở ngầm đi về với triều đình (nhà Nguyễn).

Đến thời Gia Long (1802-1819), Sở được vua đổi làm Chưởng cơ, giữ chức Quản đạo trấn Thanh Hoa Ngoại (tức là tỉnh Ninh Bình về sau). Sở có liên lụy đến việc phạm tội, bị cách chức, rồi chết.

Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua cho truy phục chức Chưởng cơ, lại rộng lượng cho người con trai của ông tên là Thắng làm quan với chức Cai đội".

Ngoài tư liệu chữ Hán ấy ra, vừa qua, chúng tôi còn bắt gặp một đoạn sử ngắn gọn bằng chữ Việt trong quyển Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn. Trong sách này, tác giả Nguyễn Phương viết rằng vào năm 1795, sau khi phe Vũ Văn Dũng, Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn lập mưu bắt Thái sư Bùi Đắc Tuyên "đem bỏ ngục rồi giết đi. Bấy giờ đến lượt tay chân của quan Thái sư Nguyễn Văn Huấn vào Qui Nhơn điệu Đắc Trụ về, buộc tội là bội phản và dìm xuống sông chết. Họ còn mạo chiếu ra Bắc Thành xin Quang Thùy cho Ngô Văn Sở về kinh, nhưng Văn Sở biết trước đã liệu đầu hàng với Nguyễn Ánh" (8).

Sở dĩ chúng tôi nói hết sức ngạc nhiên khi đọc tư liệu chữ Hán trên đây là vì trong cùng một bộ Đại Nam Liệt Truyện, ở quyển 30 thì viết rằng sau khi bắt Bùi Đắc Tuyên giam vào ngục, phe Vũ Văn Dũng đã giả chiếu lệnh gửi ra Bắc Thành bắt Ngô Văn Sở đóng cùm đưa về kinh, và sai người vào Qui Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ giải về, rồi thêu dệt thành tội trạng phản nghịch, đều dìm xuống nước mà giết đi (chức thành phản trạng, giai nịch sát chi)(9); còn ở quyển 25 thì lại nói Ngô Văn Sở về đầu hàng nhà Nguyễn sau đó. Nhưng, Ngô Văn Sở ra qui thuận bấy giờ chỉ với chức Đô úy, chứ không phải với chức Đại Tư Mã của triều Tây Sơn như các sử sách khác ghi nhận(10).

Với tình trạng như vậy, chúng ta có thể nêu lên ở đây nhiều câu hỏi để tìm hiểu thêm.

- Phải chăng dưới triều Tây Sơn có đến hai tướng Ngô Văn Sở: một tướng giữ chức Đại Tư Mã đã bị sát hại vào năm 1795, và một tướng chỉ giữ chức Đô úy khi về đầu hàng nhà Nguyễn sau đó?

- Nếu hai Ngô Văn Sở chỉ là một người thì tại sao sử nhà Nguyễn không nói rõ như thế mà lại ghi hai chức khác nhau?.

- Liệu Nguyễn Ánh có chịu dung thứ danh tướng đại thần Ngô Văn Sở thuộc thế lực thù nghịch bất cộng đái thiên của mình hay không?

- Vì sao trong khi gia phả các chi họ Ngô ở làng Thuận Nhơn ghi rằng tướng Ngô Văn Sở người gốc Gia Định thì Đại Nam Liệt Truyện lại viết Ngô Văn Sở người gốc huyện Đăng Xương tỉnh Thừa Thiên?

- Tại sao trong gia phả họ Ngô và trên di tích lăng mộ Ngô Văn Sở không ghi một dòng chữ nào đề cập đến chuyện vị danh tướng đã từng phục vụ nhà Tây Sơn? v.v...

Thấy có tư liệu mới cho phép nghi rằng hai tướng Ngô Văn Sở là một người, chúng tôi xin dựa vào một số sử liệu khác nữa và thiển ý để tạm lý giải vấn đề.

Trước hết là chuyện các tướng tá và quan lại triều Tây Sơn về đầu hàng nhà Nguyễn. Qua một số bộ sử có thể dùng để tham khảo, chúng tôi thấy trong ngót 1/4 thế kỷ diễn ra cuộc đụng đầu giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, đã có những vụ đầu hàng cá nhân hoặc tập thể ở cả hai bên. Họ đầu hàng vì nhiều lý do khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh không giống nhau, nhưng tựu trung là do hai lẽ chính: hoặc thấy bên kia có chính nghĩa, hoặc bị bên này nghi kỵ, bạc đãi, đẩy vào chân tường. Không đề cập đến con số binh lính rất đông đảo, ở đây chỉ lưu ý đến hàng tướng tá và quan lại, trong sử gọi là hàng tướng và hàng thần. So với những vụ đầu hàng của các quan và tướng bên phe nhà Nguyễn chạy qua theo lực lượng Tây Sơn, chúng tôi thấy số vụ đầu hàng thuộc phe Tây Sơn về qui thuận, nhà Nguyễn nhiều hơn gấp bội. Đọc 3 tập đầu của bộ Đại Nam Thực Lục và bộ Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, chúng tôi thấy con số các nhân vật triều Tây Sơn trở thành hàng tướng và hàng thần của nhà Nguyễn đã lên đến hàng trăm người.

Danh sách các tướng và quan của Tây Sơn (11) đầu hàng nhà Nguyễn từ năm 1775 -1802 cho ta thấy một vấn đề:

1. Các tướng và quan của Tây Sơn về đầu hàng nhà Nguyễn là một điều có thật và gồm rất nhiều người với những chức vụ khác nhau, kể cả một số nhân vật quan trọng. Trường hợp Ngô Văn Sở về đầu hàng Nguyễn Ánh không phải là một điều lạ lùng và hy hữu.

2. Chính nghĩa của cuộc đụng đầu lịch sử cuối thế kỷ XVIII càng ngày càng ngã về phía nhà Nguyễn, nhất là từ sau khi vua Quang Trung băng hà, diễn ra cảnh nội bộ lủng củng trong triều đình Cảnh Thịnh. Thời điểm đầu hàng của tướng Ngô Văn Sở vào khoảng cuối năm 1795 đầu năm 1796 là khớp với các diễn biến của lịch sử đời ông. Mùa hạ năm 1795 là lúc phe Vũ Văn Dũng tìm cách thanh toán phe Bùi Đắc Tuyên, trong đó có Ngô Văn Sở.

3. Chức vụ các hàng tướng và hàng thần đã được các tác giả những bộ sử trên ghi chép khá rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không ai có thể biết chắc là đã không xảy ra sự nhầm lẫn. Nếu chức vụ Ngô Văn Sở không rơi vào trường hợp nhầm lẫn thì cũng có thể do sự cố ý của nhà Nguyễn, hoặc do sự giấu giếm tung tích của chính đương sự. Một điều đặc biệt đáng lưu ý là trong suốt cột chức vụ của danh sách các tướng và quan đầu hàng nhà Nguyễn, chúng ta không thấy nhân vật nào được ghi là Đại Tư Mã cả. Không thấy sử sách nào cho biết rõ về quan chế của triều Tây Sơn. Một số tư liệu cho thấy bấy giờ có chức Đại Tư Mã, nhưng không ghi quan hàm ở vào phẩm trật nào. Có lẽ thấp lắm cũng đứng vào hàm tòng nhị phẩm. Trong khi đó thì quan chế nhà Nguyễn (thời Minh Mạng) không có chức Đại Tư Mã, mà lại có chức Đô úy. Dĩ nhiên, Đô úy thuộc hàng quan võ, nhưng cũng có đến 6 hạng Đô úy khác nhau:

1. Khinh xa Đô úy: hàm Tòng nhị phẩm
2. Kiêu kỵ Đô úy: Tòng tam phẩm
3. Minh nghĩa Đô úy: Chánh tứ phẩm
4. Tín nghĩa Đô úy: Tòng tứ phẩm
5. Võ công Đô úy: Chánh ngũ phẩm
6. Kiến công Đô úy: Tòng ngũ phẩm (12)

Đại Nam Thực Lục  Đại Nam Lược Truyện chỉ ghi rằng Ngô Văn Sở trước khi về đầu hàng đã giữ chức Đô úy, chứ không cho biết thêm chi tiết nào khác chung quanh chức vụ này của ông. Cho nên, nay chúng ta nói nếu Ngô Văn Sở giữ chức Đô úy vào hạng cao nhất thì cũng không chênh lệch là bao so với quan hàm Đại Tư Mã.

Để thấy rõ hơn về vấn đề, thiết tưởng chúng ta cần biết đến thái độ, chính sách của Nguyễn Ánh đối với các hàng tướng và hàng thần từ phía Tây Sơn về qui thuận.

Điểm qua một số thí dụ điển hình dưới đây, người ta thấy ông đã áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người bên phe Tây Sơn chạy lại với mình.

Vào tháng 7-1792, khi Nguyễn Ánh thân chinh ra đánh lấy được Diên Khánh - Bình Khang, nhiều quân và tướng của Tây Sơn trú đóng tại đây đã ra đầu hàng. Tức thì, ông "Ra lệnh cho các tướng đầu hàng đều giữ ngạch binh cũ, nhóm họp quân của mình và những bại binh tàn tốt của Tây Sơn, đều lệ thuộc vào dinh Hậu quân để sai bát"(13).

Sau đó 3 tháng, khi quân Nguyễn ra đánh Phú Yên, Qui Nhơn và Quảng Ngãi, một hôm có người lính Tây Sơn từ sông Vệ chạy đến đầu thú, bị quân Nguyễn "cướp lấy của lại cắt cả tai". Nghe tin ấy, ông liền "sai chém kẻ phạm tội để răn", rồi nói với tướng Nguyễn Văn Thành rằng: "Nó dù là đảng giặc mà biết bỏ chỗ tối tới chỗ sáng như thế, há không động lòng người sao mà lại cắt đứt con đường chạy lại, của người ta?... Phàm có quân hay tướng giặc qui hàng, tức thì đưa đến hành tại, không được ngăn trở quấy nhiễu"(14)

Đến tháng 7-1799, khi các tướng tá và quan lại của lực lượng Tây Sơn trong thành Qui Nhơn "dâng biểu xin đem thành đầu hàng", Nguyễn Ánh nói: "Bọn người đã biết qui thuận, ta cũng lấy lòng thành tiếp đãi, ngày trước là cừu địch, ngày nay là vua tôi, đều không nên ngờ sợ gì nữa"(15).

Tháng 2-1801, khi cố gắng giải vây thành Qui Nhơn trong chiến dịch tái chiếm toàn bộ miền Trung, Nguyễn Ánh ra lệnh "ghi tên những tướng của giặc bắt được đưa về hành tại để tùy tài lục dụng"(16).

Chẳng những ông dùng lại tất cả các tướng và quan chạy qua với mình mà còn sử dụng luôn cả những người bị bắt trên chiến trường nữa. Ông đã áp dụng chính sách rộng lượng ấy một cách chủ quan, vì càng ngày ông càng tin vào cái thế tất thắng của mình. Sở dĩ nói ông chủ quan là vì sử cho thấy trong số các tướng Tây Sơn về hàng, đã có những người phản bội ông. Chẳng hạn trường hợp tướng Phạm Văn Điềm đã làm phản ở Phú Yên vào tháng 2-1800(17), hoặc Cai cơ Từ Văn Chiêu qui phục năm 1794, sau đó được cất nhắc lên đến chức vụ Thống chế, thì quay lại chống quân Nguyễn(18). Một trường hợp khác, tai hại hơn, là Đại Tổng quản Lê Văn Thanh đem thành Qui Nhơn xin đầu hàng năm 1799, sau đó làm phản, trở lại với Tây Sơn. Đến tháng 8-1801, ông lại quay trở về với nhà Nguyễn. Tướng Lê Văn Duyệt không nén được cơn giận, "cho đóng gông giải về kinh" (nhà Nguyễn đã chiếm lại Phú Xuân trước đó 2 tháng). Nhưng, Nguyễn Ánh vẫn cho gọi Lê Văn Thanh đến, ôn tồn hỏi: "Người tự đem thành đầu hàng, ta đối đãi không bạc, cớ sao người lại phản?" Thanh lạy rạp xuống đất khóc kêu, Vua không nỡ giết, sai thả ra"(19).

Sự dung thứ trong trường hợp như vậy quả là ít có. Nó cho thấy một điều: thái độ Nguyễn Ánh đối với các hàng tướng Tây Sơn rất rộng lượng. Phải chăng Đại Tư Mã Ngô Văn Sở cũng đã được Nguyễn Ánh đối xử như vậy khi ông về hàng?

Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn có một sự dễ dãi tối đa trong việc để cho những người đầu hàng hoặc bị bắt tự ghi chức vụ cũ của mình vào đơn để xin phục vụ chế độ mới. Thật vậy, vào tháng 9-1799 ông đã "Sai truyền dụ cho các dinh quân rằng: phàm những tướng và quân Tây Sơn ngày trước đã hàng hoặc bị bắt tù mà là dân Thuận Hóa và Bắc Hà thì không thể chưa có hay đã có nộp đơn xin vào ngạch, đều đưa sang Binh bộ để bổ theo đội ngũ"(20).

Đến tháng 5-1801, sau khi lấy lại được Quảng Nam, Nguyễn Ánh lại ban dụ nói rằng: "Việc trị nước cốt được người làm gốc. Nay nhà nước chính đang cần phải mở rộng đường tìm kiếm (nhân tài) để thỏa mãn nguyện vọng mọi người. Tả Quảng Nam là đất gần cựu đô, nhân tài đông đúc, đặc biệt ban cho 100 tờ sắc lưu không, hễ có ai qui thuận đầu hàng mà tài năng có thể dùng được thì điền viết quan hàm vào mà cấp cho"(21).

Đây là chính sách đại lượng, cởi mở để thu dụng nhân tài nhằm phục vụ cho triều đại mới. Có thể Đại Tư Mã Ngô Văn Sở khi qui hàng đã hưởng được chính sách cởi mở ấy, hoặc đã lợi dụng được chính sách dễ dãi trong việc ghi chép không đúng chức vụ của mình để đánh lạc hướng sự truy tầm quá trình phục vụ đắc lực cho triều đại Tây Sơn.

Sự thiếu vắng thời Tây Sơn trong các quyển gia phả của hậu duệ Ngô Văn Sở và sự vắng bóng chữ nghĩa trên lăng mộ ông, có lẽ cũng do con cháu ông né tránh ghi chép về thời kỳ phục vụ triều đại "Ngụy Tây" ấy mà ra. Trong gia phả chỉ nói về tướng Ngô Văn Sở một cách bóng gió rằng:

"Sự nghiệp của Tiên công rực rỡ, được sử sách ghi chép rõ ràng, riêng gia phả thì không ghi chép đầy đủ... Gia phả họ Ngô ôi buồn thay! Tên tuổi thì rất sáng chói, sự tích làm cho quỷ thần kinh, mà chưa hề có một bài văn cho thật rõ ràng đẹp đẽ, khiến cho sự hiểu biết càng rộng ra, hầu tránh được sự ngộ nhận về sau..."(22).

Về nguyên quán của Ngô Văn Sở, có hai tư liệu ghi hai nơi khác nhau. Đại Nam Liệt Truyện nói ông là người huyện Đăng Xương ở Thừa Thiên, sau chuyển vào cư ngụ tại Gia Định. Còn gia phả họ Ngô lại viết ông người gốc làng Thuận Nghĩa tỉnh Gia Định, sau đó, đến đời người con trai thứ của ông là Ngô Văn Thọ mới ra lập thôn Thuận Nhơn ở Thừa Thiên.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (23), thôn Thuận Nhơn năm 1853 thuộc tổng Cu Hoan và tổng này thuộc huyện Hải Lăng chứ không phải thuộc huyện Đăng Xương kế cận. Huyện Đăng Xương lúc đó thuộc đạo Quảng Trị và đạo này phụ thuộc vào phủ Thừa Thiên. Các tờ sắc do triều đình Tự Đức ban cho ông Ngô Kim Linh ngày 25-12-1860 và triều đình Đồng Khánh ban cho ông Ngô Khanh ngày 5-6-1887, cũng đều đề như vậy: thôn Thuận Nhơn, tổng Cu Hoan, huyện Hải Lăng...

Dường như đã có sự nhầm lẫn trong việc ghi chép nguyên quán Ngô Văn Sở ở một trong hai tư liệu ấy. Điều này cần tìm hiểu thêm mới khẳng định được tư liệu nào đúng. Nhưng, có điều khớp giữa hai tư liệu là về địa danh cấp tỉnh: Thừa Thiên và Gia Định.

Dù gốc gác ở đâu, tướng Ngô Văn Sở cũng đã về đầu hàng Nguyễn Ánh vào khoảng hạ bán niên 1795 hoặc thượng bán niên 1796, vì Đại Nam Thực Lục cho biết rằng vào tháng 5-1796, lực lượng Nguyễn Ánh đã "lấy hàng tướng đô úy Ngô Văn Sở làm chánh vệ Nhuệ Phong"(24), và qua tháng 2-1797, ông được điều động cầm quân theo tướng Nguyễn Công Thái đi đánh "giặc man Ba phủ"(25)

Từ Đô úy, ông được phong làm Chánh vệ úy. Năm 1799, ông theo Võ Tánh ra giữ thành Bình Định. Năm sau, trong khi tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đang vây chặt thành này thì có hai hàng tướng Võ Văn Sự và Nguyễn Bá Phong mở cửa bắc của thành đem quân ra qui thuận lại lực lượng Tây Sơn. Võ Tánh thử lòng trung thành của Ngô Văn Sở bằng cách sai ông điều binh ra đóng cửa thành lại. Ông đã làm việc này có hiệu quả (26). Nhưng qua năm 1801, thành Bình Định cũng thất thủ về tay Tây Sơn. Ông liền lẫn trốn khỏi Bình Định, đi ra Phú Xuân tiếp tục hợp tác với triều đình Nguyễn Ánh-Gia Long. Điều này cho thấy rõ hơn lòng trung thành của ông đối với nhà Nguyễn.

Năm 1802, sau khi tái chiếm toàn bộ đất Bắc, vua Gia Long đã "lấy Ngô Văn Sở làm Trấn thủ Thanh Hoa Ngoại"(27). Bấy giờ, ông đã được phong làm Chưởng cơ (quan hàm Tòng nhị phẩm). Nhưng, ông làm trấn thủ ở đây không lâu lắm, vì sử cho biết rằng vào tháng 8-1806, ông bị cách chức vì phạm tội:

"Chưởng cơ lĩnh Trấn thủ Thanh Hoa Ngoại là Ngô Văn Sở chiếm cướp ruộng dân của xã Hoàng Đan. Việc phát, bị mất chức"(28).

Đại Nam Thực Lục có ghi một đoạn nữa về khúc cuối đời ông. Vào tháng tư năm Minh Mạng thứ 3 (tức tháng 6-1822), nhà vua: "Truy phục nguyên hàm cho Ngô Văn Sở làm Chưởng Cơ, Trấn thủ Thanh Hoa Ngoại, cho thụy là Trung Tráng. Sở trước có lỗi bị cách. Vua nghĩ là có công, nên đặc ân khai phục, lại cho gia đình 200 phương gạo"(29).

Ngoài những đặc ân ấy ra, Đại Nam Liệt Truyện cho biết thêm rằng vua Minh Mạng còn "rộng lượng cho người con trai của ông tên là Thắng làm quan với chức Cai đội".

Sở dĩ Ngô Văn Sở và gia đình ông bấy giờ hưởng được nhiều ân huệ như thế, là vì ông có người con gái đầu tên là Ngô Thị Chánh được vua Minh Mạng "tuyển vào hậu cung, phong làm Hiền phi", như gia phả họ Ngô, gia phả của phủ Vĩnh Tường Quận Vương và Đại Nam Thực Lục đều đã cho biết như nhau.

Nhưng, Ngô Văn Sở chết bao giờ thì không tư liệu nào ghi chép. ĐNTL và ĐNLT đều nói ông được truy phục Chưởng Cơ và đặt cho thụy hiệu là Trung Tráng vào năm 1822. Như vậy, chúng ta chỉ có thể biết được ông chết vào năm ấy, hoặc trong những năm từ đó trở về trước, cho đến năm 1806, khi ông bị bãi chức.

Theo truyện thơ Cân quắc anh hùng truyện của ẩn sĩ Nguyễn Bá Huân (1848-1899) ở Bình Định viết về bà Bùi thị Xuân(30), chúng ta có thể ước tính được một phần nào về tuổi tác và về số thời điểm trong quá trình hoạt động của tướng Ngô Văn Sở. Theo tác giả truyện thơ này, khi nghe tin anh em Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa tại vùng Qui Nhơn:

Bấy giờ ở chốn non Tây,
Anh em Nhạc Huệ dựng ngay cờ đào (câu 305-306)

thì Ngô Văn Sở đã được ông nội là Ngô Mãnh đưa vào và tìm đến nghĩa quân. Rồi tình cờ, người thanh niên Ngô Văn Sở kết nghĩa anh em với cô gái Bùi thị Xuân:

Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân 
Anh hùng nổi tiếng, xa gần biết danh (câu 501-502).

Trước đó, ông Ngô Mãnh đã giới thiệu cháu mình với thân phụ của Bùi Thị Xuân rằng:

Cháu tôi Văn Sở nhược quan,
Tuổi tuy còn nhỏ nhưng gan anh hùng (câu 173-174)

"Nhược quan" nghĩa là khoảng 20 tuổi(31).

Nếu khi Tây Sơn khởi nghĩa vào đầu thập niên 1770 mà Ngô Văn Sở khoảng 20 tuổi, thì khi vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh (1789) rồi cử ông đi sứ sang Trung Quốc (1790), ông ở vào tuổi khoảng 40. Năm xảy ra vụ phe Vũ Văn Dũng mưu sát phe Bùi Đắc Tuyên ở Phú Xuân (1795) ông đã chừng 45 tuổi. Nếu quả thật ông đã trốn đi được để vào đầu hàng Nguyễn Ánh năm 1796 thì ông đã làm lại cuộc đời vào thời điểm sung sức nhất. Khi được vua Gia Long giao giữ chức Trấn thủ Thanh Hoa Ngoại (1802), ông đã ở vào tuổi trên 50. Nếu ông chết vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) thì ông đã thọ khoảng 70 tuổi. Như vậy, Ngô Văn Sở sinh vào khoảng đầu thập niên 1750; suýt soát với năm sinh của Nguyễn Huệ: 1752. Nếu chuyện thơ ấy là đáng tin, thì tuổi tác và các thời điểm ước đoán ấy có thể phù hợp với các lứa tuổi trong quá trình hoạt động của Ngô Văn Sở. Chỉ trừ một điều là ông lấy vợ hơi trễ và sinh con đầu hơi muộn. Theo gia phả họ Ngô, ông sinh bà Ngô Thị Chánh vào năm 1792, khi ông ấy đã khoảng 40 tuổi. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Đích, người Hà Nội. Có lẽ ông cưới bà khi ông đang trị nhậm 11 trấn Bắc Hà vào năm 1788. Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết rằng bấy giờ tại Bắc Thành, "trong những ngày rỗi, Sở thường cưỡi ngựa qua các đường phố để mua vui, tự cho rằng ở Bắc Hà không còn việc gì khó"(32)

Nhìn chung lại toàn bộ số tư liệu ít ỏi có được trên đây để sử dụng, chúng tôi thấy các tư liệu ấy có khớp nhau ở một số điểm. Nay chỉ có thể đưa ra một vài nhận định tạm thời mà thôi.

- Có lẽ chỉ có một tướng Ngô Văn Sở chứ không có hai tướng trùng họ trùng tên và trùng cả chữ lót nữa như trước đây chúng tôi đã nghĩ khi chưa tìm ra thêm được một số tư liệu mới. Đi theo nghĩa quân Tây Sơn từ hồi còn trẻ, Ngô Văn Sở đã lập nhiều công lớn dưới thời Quang Trung. Nhưng, đến thời Cảnh Thịnh từ năm 1793 trở đi thì nội bộ triều đình đâm ra lủng củng, các tướng tá chia rẽ thành bè phái ám hại lẫn nhau. Sự phân hóa đã lên đến cao điểm với cuộc chính biến năm 1795, đẩy Ngô Văn Sở đến tận chân tường. Đứng trước tình huống tính mạng bị đe dọa, có lẽ ông phải chạy trốn khỏi vùng tử địa để tìm đất sống, đi tìm một chỗ dựa để tạo ra thế đứng mới cho mình. Chính nghĩa và sự ngã ngũ trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn bây giờ xem ra đã rõ. Có lẽ ông đã thoát được cái chết thảm khốc mà những người còn lại trong phe Bùi Đắc Tuyên phải nhận chịu; trốn được vào Nam và không có con đường nào khác hơn là đầu hàng lực lượng Nguyễn Ánh bấy giờ đã lấy lại được từ Nam Bộ ra đến Diên Khánh - Bình Khang.

Mặt khác có lẽ khi ra đầu hàng nhà Nguyễn, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở cũng cần khéo léo trong việc hạ mình xuống bằng cách khai trụt chức vụ và thay tên đổi họ để khỏi nguy hiểm đến tính mạng mình. Có thể về sau nhà Nguyễn mới biết ông man khai, nhưng cũng lờ đi cho ông, vì dù sao, ông đã trở thành "thông gia" của vua Gia Long và "nhạc gia" của vua Minh Mạng.

- Theo các gia phả họ Ngô và hậu duệ của Ngô Văn Sở hiện nay cho biết, tướng Ngô Văn Sở chỉ có 3 người con: Ngô Thị Chánh, Ngô Văn Thắng, và Ngô Văn Thọ. Bà Ngô Thị Chánh sinh năm 1729, chết năm 1843, mộ chôn tại vùng núi Châu Chử (gần lăng Khải Định), với bia mộ để giòng chữ "Tiền triều Hiền phi Ngô thị chi mộ". Mộ ông Ngô Văn Thắng chôn tại làng Thuận Đức (gần Thuận Nhơn). Người con trai út, Ngô Văn Thọ, sinh năm 1803, mất năm 1872, là vị khai canh của làng Thuận Nhơn, miếu thờ và mộ táng ông ngày nay vẫn còn tại đó. Vợ ông Ngô Văn Sở là bà Nguyễn Thị Đích người Hà Nội, mộ bà hiện còn tại thôn Lai Phước, xã Triệu Giang, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Riêng lăng mộ Ngô Văn Sở ngày nay vẫn còn tại làng Hà Lỗ, xã Hải Tân cùng huyện. Lăng mộ ông nằm giữa một cánh đồng gọi là Đồng Lăng, kiến trúc khá lớn, có thành trong, thành ngoài, bình phong trước sau, chiếm một mặt bằng hình chữ nhật rộng hơn 8m, dài gần 10m. Thành cao, tường dày, các góc đều bổ trụ. Vật liệu xây dựng chủ yếu là đá gan gà, gạch vồ và vôi vữa. Nấm mồ bên trong cũng hình chữ nhật, chia ra hai cấp. Trước mộ xây hương án kiểu sập trổ chân quì. Nhưng, như trên đã nói, lăng không có bia và cũng chẳng có một chữ hoặc một hình ảnh trang trí nào cả. Dù cuộc đời ông thế nào đi nữa, đây cũng là một di tích đáng quan tâm.

Tóm lại, với những tư liệu chưa đầy đủ hiện có trong tay để sử dụng chúng tôi thấy tướng Ngô Văn Sở trong lịch sử là một nhân vật có cuộc đời uẩn khúc, còn nhiều bí ẩn. Tư liệu về ông vừa thiếu thốn vừa phức tạp, chẳng những ít ỏi mà còn có chỗ không nhất quán với nhau. Bối cảnh lịch sử của xã hội ông sống vốn không đơn giản và thuần nhất, nên đã đưa đến sự phức tạp ấy. Chính chúng tôi cũng chưa dám tin các tư liệu được dùng trong bài viết này là hoàn toàn khách quan và chính xác. Cho nên, kiến giải dựa theo đó cũng chưa hẳn là không sai. Có những điểm chúng tôi vẫn còn thấy lúng túng nghi ngờ, chưa lý giải hết để được thỏa mãn. Vẫn còn những câu hỏi nữa có thể đặt ra để phải giải đáp. Vì tư liệu chưa đầy đủ. Cho nên, cần tìm hiểu thêm nữa mới có thể xác quyết được vấn đề. Chúng tôi mong được góp ý và mách bảo tư liệu để cuộc đời nhân vật Ngô Văn Sở trong lịch sử càng ngày càng được sáng tỏ hơn.

Nếu kiến giải mà chúng tôi vừa đưa ra là chấp nhận được, thì qua con mắt sử học, cuộc đời Ngô Văn Sở cần phải viết lại cho đầy đủ hơn, và một số chi tiết trong bức tranh toàn cảnh xã hội thời Tây Sơn cũng cần phải cố gắng vẽ lại cho đúng với sự thật khách quan của lịch sử.

Dù sao, trên đây cũng chỉ là một kiến giải đối với vấn đề Ngô Văn Sở mà thôi.

(Nguồn: Tạp chí Sông Hương)


------------
(1) Ảo vải cờ đào (thơ ca về phong trào nông dân Tây Sơn Nguyễn Huệ), Sở văn hóa và thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1983, trang 187.
(2) In lần thứ 7, nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1964 tr. 396.
(3) Nhà xuất bản Ninh Tân, Paris, 1952, trang 164-165.
(4) Tạ Ngọc Liễn, bài đã dẫn, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 04, tháng 7-8 năm 1975, tr. 57.
(5) Tạ Chí Đại Trường, sách đã dẫn, Văn Sử Học xuất bản, Sài Gòn, 1973, xem tên của Ngô Văn Sở ở trang 405.
(6) Quách Tấn, Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Sở văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, tháng 12-1988. trang 202.
(7) Sử ký Đại Nam Việt, Nhóm Nghiên cứu Sử địa Việt Nam tái bản, Sài Gòn, 1974, trang 77-78.
(8) Nguyễn Phương, sách đã dẫn, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1968, trang 352.
(9) Đại Nam Chính biên Liệt Truyện, nhà Tây Sơn, bản dịch của Tạ Quang Phát, Sài Gòn, 1970, trang 186-187.
(10) Chẳng hạn như xem Đại Việt Quốc thư, bản dịch của Hoàng Văn Hòa, Sài Gòn. 1967, trang 171-175.
(11): Trong bài viết của Phan Thuận An có ghi danh sách của các tướng và quan Triều Tây Sơn đầu hàng nhà Nguyễn. Nhưng do số trang quá lớn nên chúng tôi không tiện đăng (SH).
(12) Đại Nam Điển lệ, bản dịch của Nguyễn Sĩ Giác, Sàigòn, 1962, trang 19-23. Tham khảo thêm: Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 429-432.
(13) Đại Nam Thực Lục, bản dịch đã dẫn, tập II, trang 168 - 169.
(14), (15), (16), ĐNTL. Tập đã dẫn, các trang 177, 316, 377.
(17), (18), (19), ĐNTL, tập đã dẫn, các trang 342 - 343, 359, 423.
(20), (21) ĐNTL. Tập đã dẫn, các trang 321- 322, 393.
(22) Dẫn theo lời trích gia phả họ Ngô của ông Ngô Văn Tính trong thư viết từ Cam Ranh đề ngày 8-8-1989 gửi cho anh Bảo Thái ở Huế.
(23) ĐNTL, tỉnh Quảng Trị, bản dịch của Nguyễn Tạo, Sài gòn, 1961, trang 18-21.
(24) (25), (26) ĐNTL Tập đã dẫn, các trang 234-235, 253-254, 350.
(27) (28) ĐNTL, tập III các trang 44, 308.
(29) ĐNTL tập VI, trang 63.
(30) Xem quyển Áo vải cờ đào, đã dẫn, trang 140-167.
(31) Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, lệ đời xưa người con trai đến 20 tuổi, gọi là tuổi nhược quan, thì mới làm lễ đội mũ. Chữ "quan" này thường gặp trong từ "quan, hôn, tang, tế".
(32) HLNTC, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, in lần thứ 3, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1984, tập II, trang 155.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *