Chuyện văn chương

12/1
3:43 PM 2017

60 NĂM SÁNG TÁC VÀ LÀM BÁO CỦA VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

Đại tá NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội)-Trong kháng chiến chống Pháp, đầu những năm 50, ở chiến khu Việt Bắc, có một tờ báo ra đời để đáp ứng lòng yêu văn học nghệ thuật của chiến sĩ. Báo in trên giấy dó, kỹ thuật thô mộc, số lượng phát hành hạn chế. Đó là tờ Sinh hoạt văn nghệ. Lúc ấy chưa ai hình dung tờ báo đơn giản này sẽ là khởi nguồn cho một trong những tạp chí văn nghệ quan trọng bậc nhất trong lịch sử văn học cách mạng.

                                               Bìa Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tiên

Tháng 1 năm 1957, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tạp chí Văn nghệ Quân đội, mà tiền thân là tờ Sinh hoạt văn nghệ, chính thức phát hành công khai ra với bạn đọc cả nước. Kể từ thời điểm ấy, Tạp chí đã trở thành diễn đàn văn nghệ chủ đạo trong lực lượng vũ trang và không chỉ trong lực lượng vũ trang. Trụ sở của Tạp chí, ngôi biệt thự cổ ở đầu phố Lí Nam Đế, cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà văn với tên gọi thân mật: Nhà số 4.

Chủ nhiệm đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội là nhà văn Văn Phác, thư ký tòa soạn là Thanh Tịnh, phần văn xuôi nhà văn Từ Bích Hoàng phụ trách, phần thơ do Vũ Cao đảm nhận. 
 

Với tôn chỉ, nhiệm vụ: Đăng tải các sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, tâm hồn người chiến sỹ nhằm xây dựng con người mới trong quân đội, đồng thời phát hiện, nâng đỡ những tài năng văn nghệ trẻ, ngay từ những số đầu, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của mọi tầng lớp bạn đọc. Những sáng tác đăng tải trong giai đoạn từ 1957 đến 1964 mặc dù đề tài chống Pháp vẫn được coi trọng, nhưng đề tài xây dựng bộ đội trong hòa bình và đấu tranh thống nhất đất nước được đặc biệt chú ý. 

Cuộc kháng chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn cam go, nhiều chiến trường được mở và các nhà văn của tạp chí Văn nghệ Quân đội không quản gian khổ, ác liệt, cũng ba lô, dép cao su, gậy Trường Sơn thâm nhập vào chiến trường. Đợt đi đầu tiên có Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn vào khu 5, Trúc Hà vào khu 6, sau đó Nguyễn Trọng Oánh vào B3 Tây Nguyên rồi tiến tới B2 Nam Bộ, tiếp theo là hàng loạt các chuyến thâm nhập vào chiến trường của các nhà văn khác. Do tính chất bảo đảm bí mật, thậm chí tên nhà văn vào chiến trường cũng phải được giấu kín, từ đó ra đời những bút danh: Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Thu Bồn, Nam Hà, Nguyễn Thành Vân, Trần Mai Nam, Ngô Bằng Vũ, Lê Hoài Đăng, Vũ Ngàn Chi… Trong những cuộc chia tay vào chiến trường, không phải ai cũng về lại được ngôi Nhà số 4. Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi đã vĩnh viễn nằm lại ở miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Ông ngã xuống trước cửa ngõ Sài Sòn khi trong ba lô còn cất giữ nhiều bản thảo đang dang dở. Những nhà văn - chiến sĩ của tạp chí Văn nghệ Quân đội sẵn sàng hiến dâng cả sinh mạng mình cho sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước. Nhưng sự dấn thân ấy không phải là vô ích. Từ trong lửa đạn, những bài viết, những tác phẩm tươi rói thực tế ra đời, có sức cổ vũ, động viên rất lớn đối với những người đang trực tiếp cầm súng chiến đấu. Có thể kể một vài tác phẩm tiêu biểu như: Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc, Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung, Bài ca chim Chrao của Thu Bồn, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Dải đất hẹp của Hữu Mai, Cuộc chiến đấu trên mặt đường của Xuân Thiều… Những bút danh cùng các tác phẩm ấy đã trở thành nền tảng vững chãi cho sự hình thành mảng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. 

Thật ít có tạp chí nào phải nhiều lần đổi khổ như Văn nghệ Quân đội. Đổi khổ để phù hợp với việc vận chuyển vào chiến trường, để làm sao cho tiện lợi, gọn gàng đối với người lính. Đó là bằng chứng sát thực nhất về “tình bạn” giữa những người lính, những chiến binh dũng mãnh của thời đại Hồ Chí Minh, với một tạp chí văn học nghệ thuật, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Xét về phương diện tuyên truyền, có thể nói tạp chí Văn nghệ Quân đội đã làm tròn nhiệm vụ một cách xuất sắc với việc kịp thời động viên chiến sĩ trong những thời khắc cam go nhất, lúc lòng dạ con người xốn xang vì sự lựa chọn giữa mạng sống và lòng quả cảm. Nhưng sâu hơn, Tạp chí đã bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu con người, tình yêu quê hương, gieo vào họ lòng nhân đạo và nghị lực chờ đợi ngày mai. Giá trị ấy không thể đo đếm được, nhưng có thể thấy được qua tinh thần lạc quan và điềm tĩnh của người chiến sĩ lúc băng qua đạn lửa cũng như lúc giành chiến thắng cuối cùng. 

Sau 1975, khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, là giai đoạn những “chi nhánh”, những người ra đi hội tụ trở lại Nhà số 4 cùng với vốn thực tế ăm ắp. Biết bao dự định của một thế hệ nhà văn oai hùng với khát vọng viết những tác phẩm lớn, xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc đã manh nha hình thành. Tiếc thay, đất nước lâm vào tình thế bị gây hấn, xâm phạm và người lính lại ra trận. Những nhà văn - chiến sĩ của Nhà số 4, lại sát cánh cùng đồng đội mình ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Anh bộ đội yêu hòa bình của thời đại Hồ Chí Minh một lần nữa vừa nằm chốt vừa đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội. 
 

 

Nếu cần tìm chân dung người lính Việt Nam sát thực nhất, sống động nhất, không đâu hơn là tìm ở những trang viết trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ hình ảnh mộc mạc chất phác nhưng không kém vẻ hào hoa lãng mạn của anh vệ quốc đoàn áo trấn thủ, tới hình ảnh uy nghi, lẫm liệt của anh Giải phóng quân miền Nam và người lính miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, thảy đều hành quân qua những sáng tác đăng tải trên Văn nghệ Quân đội. Nói cách khác, lịch sử Văn nghệ Quân đội chính là lịch sử tâm hồn người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Lịch sử ấy được ghi chép, được khắc họa bởi đội ngũ tên tuổi những tài năng xuất sắc. Đó là: Nguyễn Khải, Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Huy Toàn, Mai Văn Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nam Hà, Nhị Ca, Hữu Thỉnh, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hồng Diệu, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa…cùng hàng loạt các tên tuổi lẫy lừng khác.

Đất nước bước vào giai đoạn ráo riết chuyển mình để hòa nhập cùng sự phát triển của thế giới, và văn học nghệ thuật cũng không đứng ngoài sự biến chuyển thân nhiệt đó. Các trào lưu và khuynh hướng nghệ thuật quốc tế du nhập vào đã tác động không nhỏ tới quan niệm, nhận thức của người viết, tạo ra tình thế vừa phong phú vừa phức tạp. Văn nghệ Quân đội cũng đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi bản lĩnh cùng sự tỉnh táo cần thiết. Lọc lựa những tác phẩm hay, chuẩn mực, nhân văn, nhưng cũng cởi mở chấp nhận những khuynh hướng tìm tòi chân chính, đó là quan điểm của Văn nghệ Quân đội và thực tế đã chứng minh quan điểm đó hoàn toàn đúng đắn. Tới giờ, Văn nghệ Quân đội vừa kiên định với mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ của mình đồng thời vẫn linh hoạt bắt nhịp được với sự phát triển phong phú của thời thế. Tạp chí đã có những tinh chỉnh cả về hình thức và nội dung cho phù hợp. Ngoài việc có thêm tờ Văn nghệ Quân đội điện tử, với số lượng truy cập lên tới hàng triệu độc giả, ngoài việc sẽ cho ra mắt phiên bản Văn nghệ Quân đội điện tử tiếng Anh trong thời gian tới, Tạp chí vẫn duy trì đều đặn một tháng hai kỳ ấn bản in với số lượng trên 30 ngàn bản. Đội ngũ những nhà văn của Tạp chí hiện nay đều trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản, có kỹ năng làm báo, có kỹ năng biên tập và điều quan trọng nhất, đều là những tài năng văn chương của quân đội.

Trải qua 60 năm trưởng thành và phát triển, thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị, tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, trở thành niềm tự hào của văn học nghệ thuật quân đội. Hàng chục nhà văn của Tạp chí được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Bộ Quốc phòng và các giải thưởng quốc tế như: giải Hoa Sen của hội nhà văn Á - Phi, giải Asean, giải Sông Mêkông. Có nhà văn được phong Anh hùng, có nhiều nhà văn được đặt tên phố, tên đường, tên trường. Đặc biệt, năm 2007, Văn nghệ Quân đội trở thành tạp chí văn học nghệ thuật đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự cống hiến của nhiều thế hệ nhà văn mặc áo lính. Nhân dịp tròn 60 năm ngày Văn nghệ Quân đội ra số đầu tiên, Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Tạp chí. Phần thưởng cao quý này là sự ghi nhận và khích lệ những đóng góp của Văn nghệ Quân đội vào sự nghiệp phát triển văn học trong thời kỳ mới của đất nước.

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau ôn lại chặng đường phát triển của tạp chí Văn nghệ Quân đội trong 60 năm qua. Đây cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, biên tập viên và các nhà văn đang công tác tại Tạp chí bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với các thế hệ đàn anh đi trước, những người đã kiến tạo và thiết lập nên uy danh của Văn nghệ Quân đội. Nhân dịp này Văn nghệ Quân đội cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ, những cộng tác viên thân thiết, đã dành tình cảm ưu ái đặc biệt với Tạp chí suốt thời gian qua.  

Phát huy truyền thống các thế hệ đi trước để lại, những người hiện đang công tác tại Văn nghệ Quân đội nhận thức rằng phải không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng và sự phong phú, để gìn giữ, xây đắp thương hiệu Tạp chí ngày càng bền vững hơn, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài quân đội. Đó vừa là mệnh lệnh, vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là tâm niệm của mỗi thành viên đứng trong đội hình Nhà số 4. 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *