Chuyện văn chương

9/1
7:57 AM 2017

HOÀNG A SÁNG- TÔI SINH RA Ở PÁC THAY

ĐỖ BÍCH THÚY-Hoàng A Sáng người dân tộc Tày, Sinh ra ở bản Pác Thay, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, là họa sĩ và đã xuất bản tiểu thuyết Thân xác. Dưới đây là cuộc phỏng vấn cây bút khá tài hoa này.

- Chào Hoàng A Sáng! Tôi thật không biết nên gọi anh với danh xưng nào cho đúng nhất: Nhà văn, nhà báo hay họa sĩ. Anh thì sao? Anh thấy anh đúng nhất khi đặt mình ở nghề nghiệp nào?
+ Bạn đã gọi là Hoàng A Sáng là đầy đủ, chuẩn xác rồi không cần phải thêm bất cứ thứ gì. Những cái gọi là “nhà” kia tôi nghĩ chẳng quan trọng, đôi khi nó còn có hại và làm mất đi cái chân thật của con người. Tận trong sâu thẳm, tôi thấy mình là một họa sĩ - tức là tôi chỉ muốn vẽ - sống cùng màu sắc… Tôi luôn mơ mình có một phòng vẽ rộng lớn, với những bức toan khổ lớn, tràn ngập sơn dầu… tôi sẽ sống ở đó và vẽ, chẳng phải làm gì nữa ngoài việc vẽ và vẽ… Thế nhưng giấc mơ luôn luôn chỉ là giấc mơ. Để kiếm sống, tôi đã phải làm nghề khác, ấy là nghề báo. Cho đến bây giờ tôi vẫn sống bằng nghề báo, dành phần lớn thời gian cho công việc này. Tôi luôn tâm niệm, nghề báo là ân huệ mà cuộc đời đã ban cho tôi. Một nghề rất đặc biệt đối với cá nhân tôi, nuôi sống tôi và gia đình. Thế nên tôi luôn tận tâm với nghề này…
Thế mới thấy cuộc sống luôn rất khó khăn, cái mình thích thì rất khó thực hiện, cái mình không phải sở trường lại buộc phải lăn lộn với nó.

- À, điều ấy thì hiển nhiên rồi. Cái “thích” và cái “phải” thường đi đôi với nhau, lấy cái nọ để phục vụ cái kia. Thế nên mới đây mới có triển lãm Miền A Sáng chứ nhỉ. Điều này gây không ít bất ngờ cho bạn bè, đồng nghiệp, trong đó có tôi đấy. Và tôi nghe nói, phần lớn số tranh trưng bày tại triển lãm đã được bán, thậm chí có những bức được bán với giá khá cao. Anh có bất ngờ về điều này?
+ Đây là triển lãm đầu tay mà tôi đã ấp ủ rất nhiều năm. Tôi đã lao động nghiêm túc, cật lực trong suốt 20 năm qua thế nên có bất ngờ với cá nhân tôi thì không hẳn. Chỉ có thể nói là hồi hộp - một sự hồi hộp hết sức đẹp đẽ như một chàng trai ngỏ lời yêu một cô gái. Trước khi tổ chức triển lãm, tôi và nhóm Nhân sĩ Hà Đông, họa sĩ Thành Chương và một số bạn bè thân hữu khác đã bày “nháp” hai lần. Tôi may mắn vì có những người bạn lớn như họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… họ đã sống gần tôi, theo sát quá trình sáng tác của tôi rất nhiều năm, thế nên mọi sự tư vấn của họ đều vô cùng quan trọng và chính xác đối với tranh của tôi.
Khi họa sĩ Thành Chương nói: “Bày được rồi A Sáng ạ! Đường còn dài, nhưng quan trọng là ông đã có một phong cách riêng, không lẫn với bất cứ ai…”, thì tôi yên tâm vô cùng. Tất nhiên, trong sâu thẳm tôi phải tin chính mình trước, nhưng sự giúp đỡ của những người bạn lớn là điều quan trọng và không phải ai cũng nhận được sự ưu ái đó!
Tôi kể như vậy để thấy không phải ngẫu hứng mà tôi tổ chức triển lãm, cũng không phải tôi lấy thương hiệu lớn của họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra để đảm bảo cho sáng tác của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã làm việc một cách nghiêm túc, say mê và có trách nhiệm với tác phẩm của mình.
Việc một số bạn bè, đồng nghiệp có “bất ngờ” với triển lãm của tôi có lẽ vì rất nhiều người không biết tôi vẽ tranh, vì lâu nay họ biết tôi, hoặc chơi với tôi chỉ thấy tôi là một nhà báo, có viết văn, tham gia tổ chức khá nhiều tờ báo kiểu “lá cải” bán rất chạy trên thị trường. Hơn nữa tôi là người kín tiếng, ít khi tham gia những triển lãm tranh tập thể, cũng không mấy khi thể hiện điều gì là một người vẽ tranh… Thế nên triển lãm diễn ra thì họ bất ngờ. Có lẽ là như thế!
Khi triển lãm diễn ra, một số nhà sưu tập, khách quốc tế… đã đến xem và mua tranh của tôi. Điều này thì quả tôi có hơi bất ngờ thật. Thực lòng mà nói, đã vẽ tranh thì ai cũng muốn tranh mình được mua bởi những người sưu tập nghiêm túc. Điều đó chứng tỏ được giá trị nghệ thuật của riêng mình. Trong tổng số 43 bức bày ở triển lãm tôi đã bán được 26 bức. Trong đó có 5 bức là bạn bè thân thiết đặt mua trước khi khai mạc, nghĩa là có 21 bức tôi bán cho những người yêu thích tranh của mình. Đây là điều rất vui với cá nhân tôi. Còn về giá tranh thì tôi xin không tiết lộ. Các nhà sưu tập họ không cho phép, chỉ nói đơn giản thế này: A Sáng “lớn” cỡ nào thì tiền bán tranh lớn cỡ đó (cười).

- Anh và tôi, chúng ta đều vừa làm báo vừa viết văn. Kiếm được nhuận bút từ hai công việc này kể cũng nhọc nhằn, vẽ tranh thì sao?
+ Sáng tác là nhọc nhằn và sung sướng! Tôi nghĩ vậy, đây là hai thái cực của người theo nghiệp sáng tạo, dù dưới bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Viết cũng nhọc và sung sướng, vẽ cũng vậy thôi. Hẳn bạn đã sướng phát điên khi viết xong một cuốn sách, thế rồi bạn như bị tan nát, nhàu nhĩ, mệt mỏi… khi viết mãi không xong, hoặc viết mãi mà chữ nghĩa nó cứ mịt mù, chả đâu vào đâu. Nhưng khi viết xong, đọc lại, thấy nó bắt đầu hay thì sung sướng cỡ nào. Những giây phút đó tôi nghĩ ai cũng từng trải nghiệm.
Tôi đã từng hủy đi rất nhiều bức tranh của mình, vì nó không ưng ý, nó cứ lẫn vào đâu đó. Nhiều lúc vẽ cả đêm, sáng ra lại xóa sạch. Đã có thời gian tôi tưởng mình không theo được nghề vẽ, vì nó rất tốn kém, khó tính, lại còn đòi hỏi nhiều (phòng ốc, vật liệu, thời gian…), trong khi đó tôi từ núi xuống, hai bàn tay trắng, lần mò kiếm sống, khó khăn vô cùng! Thế nhưng rất may là tôi đủ kiên nhẫn và gặp gỡ được nhiều bạn tốt như bác Chương, bác Thiều… họ giúp đỡ tôi, kiên nhẫn với chính tôi… thế nên tôi theo được tới bây giờ.
Bạn nói đến nhuận bút – cụ thể là tiền từ việc viết văn, viết báo nó nhọc nhằn. Đúng vậy, chẳng ai bảo viết nhàn nhã mà có tiền được. Tôi cũng vậy, đã có thời gian rất dài tôi sống bằng nhuận bút. Tôi hiểu hai chữ “nhọc nhằn” sâu sắc cỡ nào! Thì vẽ cũng vậy tôi, chẳng thể nói là sung sướng ngay được, thậm chí nói không ngoa rằng, vẽ còn đòi hỏi thể lực cơ bắp hơn nhiều lần. Đòi hỏi sự “lì lợm” hơn rất nhiều lần!
Vì vậy khi họ trả tiền mua tranh cho mình, cầm những đồng tiền đó mới thấy xúc động cỡ nào, vui cỡ nào. Có thể nói đó là “thành quả” bước đầu cho những ngày tháng dài đằng đẵng chăm chỉ làm việc của mình, thế thì phải mừng và xúc động chứ!
Nói gọn lại: cái gì cũng có giá của nó. Hãy cứ lao động nghiêm túc, trong sáng, say mê… thì đến một lúc nào đó sẽ có thành quả, dù lớn hay nhỏ thì cũng là thành quả - tức là “nhuận bút” của riêng mình. Và mình xứng đáng được nhận nó!
 

 

“Đầu tôi lúc nào cũng ong ong trăn trở. A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? Và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất. Bí ẩn, thâm trầm, vi diệu với cõi thần phật linh thiêng. Tất cả ào ạt tuôn trào, hòa quyện thành nơi chốn tạo hình lung linh đẹp đẽ. Một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên “Miền A Sáng”.

Họa sĩ Thành Chương

 
 “Mỗi lần đứng trước các tác phẩm của Hoàng A Sáng, tôi thường tự hỏi: những bức tranh của Hoàng A Sáng đi qua tôi hay tôi đang đi qua thế giới những bức tranh của anh? Tôi thực sự không rành mạch trong câu trả lời của mình. Nhưng cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về một ai khác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

 



- Tôi luôn thấy có hai yếu tố này hiển hiện trong tranh của anh: sen và thiếu nữ/phụ nữ. Anh có thể giải thích nguồn gốc của cảm hứng này?
+ Đây là một motif không lạ gì đối với hội họa. Sen là một báu vật của tự nhiên ban tặng cho người Á Đông. Sen tự nhiên đã đẹp đến độ  hoàn hảo: lá, cuống, đài, hoa… đều đẹp! Đầy chất tạo hình, rất dễ đưa vào trong tranh. Phụ nữ cũng vậy, chẳng còn gì đẹp hơn phụ nữ nữa. Thế nên hội họa đã khai thác tối đa những yếu tố này để sáng tạo. Mỗi họa sĩ sẽ có cách riêng của mình để khai thác, riêng với tôi thì lá sen là một “mảng” để đưa vào trong tranh. Tôi luôn diễn tả lá sen một cách khỏe khoắn, đậm đà để làm nền cho nhân vật – thiếu nữ, phụ nữ… của mình. Sau rất nhiều năm mày mò tìm kiếm thì tôi cũng đã tìm ra cách riêng của chính mình như bạn đã thấy trong tranh của tôi.

- Trên VNQĐ có một chuyên mục gọi là “Từ nguyên mẫu đến nhân vật”. Chúng tôi thường đặt các nhà văn viết về nguyên mẫu của họ. Tôi biết tranh của anh có một nguyên mẫu đặc biệt, anh có thể nói gì về nguyên mẫu này? Từ nguyên mẫu đến nhân vật, trong hội họa và văn chương có gì giống, có gì khác?
+ Nó rất khác nhau và cũng rất giống nhau. Vì hội họa là nghệ thuật của đường nét, màu sắc, mảng khối… nó trực diện với thị giác, rồi đi thẳng vào trái tim. Về cơ bản ngôn ngữ hội họa không bị lệ thuộc vào tâm trí. Như âm nhạc – giai điệu đi thẳng vào trái tim, không cần hiểu, tức là không cần tâm trí. Vì thế người Anh, Pháp, Đức, Nhật… gì gì đó họ có thể ngắm tranh của tôi mà chả cần hỏi điều gì. Chúng ta cũng thế, nghe âm nhạc nước ngoài mà cứ mê đi trong khi có thể không biết bản nhạc đó, bài hát đó nói về cái gì.
Chính vì thế nguyên mẫu trong tranh, hay bất cứ thứ gì trong tranh đều không quan trọng lắm. Ý tôi nói đến là nội dung không quan trọng, chỉ là cái cớ để họa sĩ thể hiện mà thôi.
Về nguyên mẫu của tôi thì rất đơn giản. Tôi có hai cô con gái, cô chị bắt đầu bước vào tuổi 13 - cái tuổi dậy thì… Con gái ở tuổi này bắt đầu lớn vổng lên, thay da đổi thịt, hồng hào, tươi tắn… rất đẹp, đầy sức sống. Sự “dịch chuyển” của cô bé hay đến nỗi, mỗi một ngày tôi thấy con tôi đều khác, mỗi một ngày năng lượng bên trong con đều thay đổi… một cái gì đó đang rất sống động bên trong. Đó là một cảm hứng rất tuyệt vời để tôi sáng tạo.
Tôi yêu con – ông bố nào cũng yêu con như tôi. Hằng ngày sống cạnh con, chăm sóc chúng, trò chuyện với chúng… thế nên một cách tự nhiên, các con tôi đi vào tranh của tôi là điều bình thường như bao họa sĩ khác.
Còn đối với văn chương, nguyên mẫu có thể từ đâu đó, hoặc cũng có thể là những người thân yêu bên cạnh mình, điều đó không quan trọng. Nhưng văn chương buộc phải dùng ngôn ngữ - phải đi qua tâm trí. Cái “bộ lọc” này làm nên sự khác biệt của văn chương đối với các loại hình nghệ thuật khác. Tôi không phải nhà lí luận, tôi chỉ nói theo cách hiểu của mình, nhưng chính tâm trí đã tôn vinh văn chương, và cũng chính tâm trí làm sai lạc văn chương. Nguyên mẫu chẳng có sự quyết định nào đối với tác phẩm, nguyên mẫu chỉ là cái cớ. Vấn đề là nhà văn “yêu” nguyên mẫu đến đâu, sáng tạo và đẩy nguyên mẫu trở thành điển hình đến cỡ nào mà thôi.

- Anh là một nghệ sĩ Tày đa tài. Những kí ức về văn hóa Tày vùng Pác Thay luôn trở đi trở lại trong văn chương của anh (mặc dù có vẻ cũng chưa được nhiều cho lắm). Pác Thay - văn hóa Tày đã ảnh hưởng thế nào khi anh vẽ tranh?
+ Tôi không nhận mình là đa tài đâu. Tôi là người làm nhiều nghề thì đúng hơn. Chính xác hơn là đời sống khiến tôi phải làm nhiều nghề, trong đó có viết lách. Công việc này thì bạn đã biết, yêu cái gì thì nên viết về cái đó. Tôi sinh ra lớn lên ở bản Pác Thay, nơi ấy đã ăn sâu vào kí ức của tôi, một phần tâm hồn tôi vẫn đang sống ở đó. Tôi hiểu nơi đó, yêu nơi đó, thấm đẫm văn hóa nơi đó… thế nên tôi chẳng thể viết cái gì ngoài nơi đó.

- Một nghệ sĩ Tày sống ở Hà Nội, rời xa cái nôi văn hóa đã nuôi dưỡng anh trưởng thành, điều đó có thuận lợi và khó khăn gì với cá nhân anh? Anh trở về vùng văn hóa của anh bằng cách nào?
+ Tôi nhớ một câu thơ của ai đó: Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng đã sống trong tôi. Bất cứ ai xa quê lập nghiệp điều cảm nhận rõ điều này. Bản Pác Thay vẫn sống động trong tâm hồn tôi dù thân xác tôi ở thành phố. Hàng năm tôi vẫn trở về làng của mình ăn Tết, tôi còn mẹ già, anh chị em, họ hàng… Tôi vẫn sống một cách bình thường như người bản Pác Thay ngàn đời. Khoảng cách vật lí không còn là vấn đề đối với chúng ta hiện nay, tận trời Tây cũng chẳng còn gì là xa xôi nữa. Nhưng trong nghệ thuật có những cuộc “trở về” của tâm hồn. Tôi luôn có những cuộc trở về như vậy. Lúc này một bản Pác Thay hoàn toàn khác, những người Tày yêu dấu của tôi hoàn toàn khác. Văn hóa người Tày có sự dịch chuyển theo cách riêng trong tâm hồn tôi.
Ở một khái cạch khác, chính vì mình ra đi nên mới có những cuộc trở về bằng tâm hồn, một cái “nhìn” riêng biệt về cố hương. Điều này khó để gọi là thuận lợi, hay khó khăn, điều này phụ thuộc vào trái tim người nghệ sĩ, quyết định bằng tài năng của người sáng tạo…

- Nhà văn bán bản quyền tác phẩm, và họa sĩ bán đi bức tranh mình vẽ, có gì giống và khác nhau?
+ Như tôi đã nói ở trên, việc mua – bán tác phẩm một phần nói lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Cái lợi của nhà văn là khi sách in ra thì bản quyền vẫn thuộc về nhà văn, có những tác phẩm chỉ bán bản quyền khai thác trong vòng vài năm, hay nhiều năm, có những tác phẩm có thể bán vĩnh viễn cho một ai đó, tức là nhà văn có thể bán nhiều lần: in sách, chuyển thể thành kịch bản phim, sân khấu… Nhưng đối với hội họa chỉ một lần. Tính độc bản trong hội họa đã tạo ra sự khác biệt. Họ đã mua tranh của mình thì quyền sở hữu là của họ vĩnh viễn. Thế nên họa sĩ mỗi khi bán tranh vừa vui, vừa buồn. Nếu người Việt mua, thỉnh thoảng mình có thể gặp lại bức tranh, nhưng người nước ngoài mua thì có thể vĩnh viễn không bao giờ thấy được nữa.
Tôi muốn kể một chi tiết vui, hôm vừa rồi, có một giáo sư nhân chủng học người Mĩ mua một bức tranh của tôi. Sau khi đã đóng gói cẩn thận để gửi về Mĩ. Tôi đứng tần ngần nhìn gói “hàng”, vị giáo sư đó rất tinh tế đã nói với tôi rằng, yên tâm khi nào tranh về tới nhà, tôi sẽ chụp lại ảnh và gửi cho anh xem… Đúng là vừa vui vừa buồn!

- Tôi thấy anh vẽ tranh đã rất lâu, lặng lẽ vẽ, miệt mài vẽ, không lên tiếng, không khoa trương, cũng chưa bao giờ nhận mình là họa sĩ, vậy sao đùng một cái anh lại tổ chức một triển lãm khá đình đám vào thời điểm này?
+ Bản tính tôi như vậy. Tôi sống đơn giản, thích yên tĩnh, khép kín, đôi lúc tự ti… Tôi chưa tổ chức triển lãm tranh của mình vì chưa thấy nó có cái riêng. Quả phải chín thì mới hái được, chứ không có một thông điệp, ý định lớn lao nào. Tôi tổ chức vào dịp này - mùa thu vì thời tiết dễ chịu, cũng là sinh nhật lần thứ 40 của tôi. Một dịp rất đẹp và có ý nghĩa với riêng tôi. Nhưng quan trọng hơn là tự mình thấy tranh đã khá ổn về chất lượng cũng như số lượng…
Còn việc “đình đám” thì bạn đang nói quá lên thôi, tôi chỉ được ưu ái về truyền thông vì cơ bản là bạn bè ủng hộ, tôi làm báo nhiều năm, quen biết nhiều đồng nghiệp, và cũng là lần đầu tiên triển lãm nên họ ưu ái đến để đưa tin, viết bài…

- Anh thường vẽ vào lúc nửa đêm, vì sao vậy? Do ánh sáng ban ngày hay do thời điểm đó phù hợp với tư duy, năng lực cảm hứng của anh, hay đơn giản chỉ vì ban ngày quá bận?
+ Đúng, đơn giản là ban ngày bận quá. Tôi điều hành hai tờ báo giấy, mỗi tuần ra tới 3 số, cộng với cả một núi việc của công ti, thế nên ban ngày tôi gần như không có thời gian. Chỉ có về đêm, thật khuya, thật tĩnh tôi mới bắt đầu vẽ. Tôi nghĩ đặc điểm vẽ đêm này không phải riêng tôi đâu, nhiều họa sĩ khác cũng vẽ đêm. Một mình, tĩnh lặng trước bức tranh là điều tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất, và là chính mình nhất!

- Cảm ơn anh. Chúc anh luôn dồi dào sức sáng tạo, luôn được “là chính mình” trong nghệ thuật!.

ĐỖ BÍCH THÚY thực hiện (Nguồn: VNQĐ)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *