Chuyện văn chương

12/8
9:42 PM 2016

HỠI ÔI “BÚT DANH”!

 Chung Sơn

Bút danh là tên tác giả ghi kèm vào tác phẩm nhằm xác định tác quyền  của người sáng tạo ra nó. Những tưởng lấy bút danh thế nào là thuộc quyền tối cao của mỗi người cầm bút. Nhưng hoá ra không hẳn như vậy!

Gần đây, thấy xuất hiện trên báo chí một số bài viết ký bút danh Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Ngô Tất Tố… liền khấp khởi đọc, bụng bảo dạ lâu nay sợ chưa đọc hết của các cụ, bây giờ có người sưu tầm, giới thiệu ra thì không thể không đọc. Đọc được mươi dòng thấy hơi ngờ ngợ. Bèn nhìn xuống cuối bài thấy lù lù dòng chữ ghi ngày… tháng… năm, thậm chí cả địa danh nữa. Hóa ra suýt “bé cái nhầm”!

Hôm vừa rồi mở website của một hội văn nghệ địa phương phía Nam ra xem, thấy bài thơ của tác giả Hoàng Lộc, bèn đọc. Lại “bé cái nhầm” lần nữa. Không phải Hoàng Lộc nổi tiếng với bài thơ Viếng bạn, mà là Hoàng Lộc của thời @.

Liệu có phải người ta quan niệm theo cách phương Tây, nghĩa là kính trọng ai, mang ơn ai thì lấy tên người ấy đặt cho con, hay cho chính bản thân mình? Còn thì người Việt mình không quen như thế, không có tục như thế. Trong họ nội ngoại hai ba đời, thậm chí bốn đời, các bậc cao niên trong họ cấm chỉ con cháu đặt tên đứa trẻ trùng với tên cô bác, ông bà, cụ kỵ… đã khuất. Làm như thế là phạm huý, là bất hiếu với tổ tiên.

Còn đối với những người cầm bút hôm nay, nếu chẳng may cha mẹ không biết trong chốn chữ nghĩa tiền nhân đã có những cái tên lừng danh như thế, mà vô tình đặt tên con trùng với ác danh nhân, thì cũng thể tất; nhưng đến lượt mình, khi cầm bút thì cũng nên tự nguyện mà tránh đi. Như thế mới là cách ứng xử đẹp, vừa tỏ ra kính trọng các bậc hiền tài đất nước, vừa chứng tỏ mình đọc rộng biết nhiều.

Lại nhớ nhà văn Bão Vũ vốn tên thật là Vũ Bão, khi mới xuất hiện anh cũng lấy bút danh là tên thật luôn; nhưng sau đó đọc rộng ra mới giật mình rằng trong làng văn đang có một ông Vũ Bão nổi tiếng với tiểu thuyết Sắp Cưới và nhiều tác phẩm khác. Thế là anh liền mau chóng đổi thành Bão Vũ. Nghe nói ông Vũ Bão biết thế lấy làm cảm kích lắm, rồi tìm đến kết thân, thành ra đôi bạn văn vong niên tri kỷ.

Thế mới là cách ứng xử của các bậc văn nhân chứ!

Tôi đem chuyện này than phiền với một ông bạn đồng nghiệp. Ông cười cười mà bảo rằng: Những vị “giời con” ấy chắc cũng không biết các ông  Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Ngô Tất Tố, Hoàng Lộc…là ai ấy chứ!

Liệu có thật thế không?

Nếu thật thế thì…

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *