Chuyện văn chương

24/4
5:49 PM 2016

Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật

L.T.S: Nhắc đến Nhật Bản là người ta nhớ ngay đến một đất nước có những điểm vô cùng độc đáo về văn hóa và sáng tạo, dung hòa được những điều mâu thuẫn cùng cực và tương phản nhau.

ảnh Internet

Một đất nước vô cùng coi trọng lễ nghi với những nét truyền thống còn giữ lại qua hàng ngàn năm với Kyoto cổ kính, với geisha mặc kimono cao quý, tiếng đàn samisen dìu dặt, vườn cảnh tĩnh lặng thâm u, mái chùa rêu phong trầm mặc lại dẫn đầu thế giới về hàng điện tử, về công nghệ game và... phim khiêu dâm! Một đất nước vô cùng tôn trọng sự sống của mọi loài sinh vật trong thiên nhiên lại có tỉ lệ tự sát đứng vào hàng cao nhất thế giới. Tại sao có sự trái ngược này? Chúng ta thử tìm hiểu một khía cạnh của nền văn hóa Nhật Bản qua hoa anh đào, một loài hoa biểu thị cho linh hồn Nhật Bản, nơi người Nhật gửi gắm bao nhiêu tư tưởng triết học và mỹ học của mình vào những cánh hoa bé nhỏ mong manh.

Trước hết là sự tinh tế và mẫn cảm của người Nhật Bản trong việc cảm nhận sự chuyển đổi bốn mùa của thiên nhiên.

Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức được mình đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ. Mùa Xuân hoa anh đào nở trắng núi đồi; mùa Hạ tiếng ve sầu, tiếng chim cu, pháo hoa rực rỡ; mùa Thu lá vàng lá đỏ (momiji) với ánh trăng soi và rượu hoa cúc gọi mời; mùa Đông với tuyết trắng và giai nhân “tuyết đọng trên mái nhà, người đẹp đêm yên tĩnh”. Cho nên việc thưởng ngoạn thiên nhiên của người Nhật vốn có một truyền thống lâu đời. Thể thơ đặc trưng của Nhật Bản và là thể thơ ngắn nhất thế giới haiku chỉ gồm 17 âm tiết, vốn gợi ra tâm trạng của con người trước bốn mùa chuyển biến. Vì thế mà trong thơ haiku, quý ngữ (kigo: từ chỉ mùa) là vô cùng quan trọng. Cho dù sau này thơ haiku phát triển thành thơ haiku cách tân và tiền vệ có khuynh hướng lược bỏ quý ngữ đi nữa, thì cảm giác do bốn mùa gợi ra đối với người Nhật là không bao giờ thay đổi.

Yêu thiên nhiên, thích gần gũi với thiên nhiên nên người Nhật mới có một phát minh vô cùng độc đáo là cây bonsai nhằm thu nhỏ thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào trong nhà mình. Ngoài ra nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản vô cùng phong phú đa dạng, đi đến tuyệt mỹ của nghệ thuật, của Đạo. Chịu ảnh hưởng của Thiền Tông, người Nhật còn phát minh ra “khô sơn thủy”, tức là vườn khô, chỉ gồm cát đá sắp xếp theo một ý đồ nghệ thuật gợi ra núi non, ao hồ biển cả. Vườn cát khô sơn thủy ở chùa Ryoanji (Long An Tự), Kyoto là tiêu biểu và nổi tiếng nhất cho thể loại này.

Tình yêu thiên nhiên của người Nhật đã được tác giả Suzuki Setsuko trong quyển Linh hồn Nhật Bản giải thích như sau “Đối với người Nhật, tự nhiên vừa là một đối tượng để thưởng ngoạn vừa là suối nguồn khơi gợi những cảm hứng thi ca mạnh mẽ. Người Nhật yêu hoa bởi dáng vẻ và những cảm xúc gợi ra hơn là màu sắc và mùi hương cụ thể của nó. Trong thơ ca, người Nhật coi trọng đặc biệt đến bốn mùa, đó là thể hiện sự yêu quý đến thực vật và sự quan sát tỉ mỉ chi tiết của các loài thực vật như là một ấn chứng của tự nhiên, vừa dễ thay đổi lại vừa bất biến. Việc thấu hiểu được thái độ này của người Nhật đối với tự nhiên là điều không thể thiếu trong giám thưởng văn học Nhật Bản truyền thống”. Minh chứng cho điều này là trong chừng khoảng bốn ngàn năm trăm bài thơ trong Vạn diệp tập thì có chừng một phần ba lấy chủ đề là về thực vật hay đề cập đến thực vật trong hình thức này hay hình thức khác. Trong tác phẩm Genji monogatari được viết vào khoảng năm 1000 Tây lịch, được biết đến như một tác phẩm miêu tả thiên nhiên trác tuyệt, có xuất hiện 101 loài thực vật. Trong đó thì hoa anh đào (sakura) chiếm vai trò chủ đạo đến mức từ “sakura” trong thời Heian đồng nghĩa với “Hoa” (hana) và được rất nhiều người yêu thích. Còn nhà nghiên cứu quốc học nổi tiếng Motori Norinaga đã xưng tụng hoa anh đào như là một đối tượng thực vật tiêu biểu và đối tượng của lòng yêu nước như sau: “Nếu người ta muốn biết tinh thần Nhật Bản Đại Hoà hồn, hãy ngắm hoa anh đào ngát hương trên đỉnh núi sớm mai”. Lòng yêu hoa anh đào của người Nhật được thể hiện vào mùa Xuân khi đất nước đảo quốc ngập tràn sắc hoa anh đào từ Nam đến Bắc. Chưa có đất nước nào trên thế giới mà tình hình hoa nở được cập nhật từng ngày trên báo chí và truyền hình trong mục “tiền tuyến hoa anh đào” (sakura zensen) vô cùng chi tiết như “bắt đầu nở” (sakihajime), “nở ba phần” (sanbunsaki), “nở bảy phần” (shichibunsaki), “mãn khai” (mankai), “bắt đầu rụng” (chirisame). Rồi dân chúng lũ lượt kéo nhau đi ngắm hoa “hanami”, mở yến tiệc, hát ca dưới hoa. Những chỗ ngắm hoa nổi tiếng phải có người đến sớm để chăng dây giữ chỗ. Ngắm ban ngày chưa đủ, người Nhật còn ngắm hoa anh đào ban đêm với ánh trăng nữa. Có những nhà thơ nổi tiếng như Saigyo cuồng hoa, được gọi là “nhà thơ của hoa đào”, mong muốn được chết dưới cội hoa anh đào vào đêm trăng rằm mùa xuân, và kỳ lạ là điều ước của thi nhân đã trở thành hiện thực.

Vậy tại sao hoa anh đào được xem là quốc hoa của Nhật Bản? Cũng theo Suzuki, “giá trị quan truyền thống của Nhật Bản là giản đơn và thanh khiết được phản ánh trong hình dáng và màu sắc hoa anh đào. Thời kỳ khai hoa của sakura rất ngắn, và lập tức tàn phai nên đã tượng trưng cho vẻ đẹp ngắn ngủi phù du, được xem như là trung tâm của mỹ học Nhật Bản”

Tác giả Akishina Omori trong quyển Bí ẩn người Nhật Bản đã dành nguyên một chương 15 để giải đáp câu hỏi “Tại sao người Nhật lại đi ngắm hoa anh đào (hanami) vào mùa xuân?”. Tác giả đã phân tích rằng, thường người Nhật thích hoa anh đào lúc hoa nở và hoa rụng. Cái cảm giác luyến tiếc khi hoa rụng rơi thể hiện triết lý và mỹ học về sự sống và cái chết của người Nhật Bản.

Người Nhật chịu ảnh hưởng của bi cảm aware của văn hóa truyền thống với cảm giác vô thường của Phật Giáo nên rất coi trọng vẻ đẹp mong manh phù du. Cảm giác vô thường (mujo) có nghĩa không có điều gì bền vững, tất cả rồi sẽ phải đổi thay. Còn aware có thể dịch tạm là “u hoài”. Trong quyển Linh hồn Nhật Bản, khái niệm này được định nghĩa như sau: “Đây là một khái niệm văn học và mỹ học rất phát đạt vào thời Heian. Trung tâm của khái niệm này là một cách lý giải sâu sắc mạnh mẽ đối với cái đẹp mong manh ngắn ngủi của tự nhiên và mọi dạng thức của cuộc đời này. Bởi vậy thường thì khái niệm này hàm ẩn một sắc nét buồn nào đó nhưng tùy theo trường hợp và thời điểm, nó có thể đi cùng với sự tán thưởng, sùng kính hay niềm vui”.

Từ này được phục hoạt lại thông qua trước tác của Motori Norinaga. Theo ông thì aware là sự kết hợp của hai từ cảm thán “a” và “hare”. Hai tiếng này đều là tiếng tự nhiên phát ra khi tâm tình con người bị xúc động mạnh. Tầng lớp quý tộc triều đình thời Heian đã làm giảm sắc thái mãnh liệt về cảm tính của chúng và hạn định ý nghĩa của “aware” vào cái đẹp ưu nhã, cái u uất thầm lặng và hơn nữa nhấn mạnh đến tính vô thường của Phật Giáo. Tuy vậy, từ này dần dần mất đi ý nghĩa vui sướng và đến thời của Norinaga thì “aware” chỉ còn biểu thị ý nghĩa của nỗi buồn bi ai, tiếng kêu cảm thán mà thôi.

Norinaga là học giả đầu tiên trong khi nghiên cứu về “Nguyên thị vật ngữ” nhận thấy rằng, khái niệm “aware” là một khái niệm trọng yếu không chỉ hiện diện trong tản văn và thơ ca mà còn xuyên suốt trong toàn bộ nền văn học thời kỳ Heian. Và để phân biệt khái niệm này với “aware” chỉ nỗi buồn thương thống khổ được sử dụng thường xuyên trong thời của mình, Norinaga đã đặt lại tên cho khái niệm này là “mono no aware” . Theo ý nghĩa của từ thì đó là “một cảm tình sâu sắc liên quan đến sự vật”. Cho dù một người được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục nào đi chăng nữa thì “nỗi buồn” vẫn là “nỗi buồn”. Nếu có người không thể nào cảm nhận được nỗi buồn thương thì người đó không có trái tim, không hề biết đến “mono no aware”. Theo suy nghĩ của Norinaga, “mono no aware” là một cảm tình đã được nâng cao, thuần túy hóa, gần với điều sâu thẳm nhất của trái tim con người và tự nhiên. Do đó, cùng với cái đẹp ngắn ngủi phù du thì cái tâm biết nuôi dưỡng, làm phong phú thêm cái cảm nhận thấu hiểu về cái đẹp phù du đó là điều rất quan trọng.

Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Tất cả đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Bởi vậy người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết. Trong các bài chiến ca, ta cũng nghe ra hình ảnh hoa anh đào tượng trưng cho những người chiến sĩ “tôi cùng các bạn, là hoa anh đào cùng mùa, nếu hoa đã nở thì chắc phải có ngày rụng rơi, hãy ý thức được điều đó, hãy rơi cho đẹp đẽ, vì quốc gia” (Hoa anh đào cùng mùa, Saijou Yaso sáng tác).

Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng người Nhật không có triết lý về sự sống nhưng có triết lý về cái chết. Trong những quyển binh pháp vĩ đại dành cho samurai luôn chỉ ra bí quyết tối hậu là phải vượt lên sống chết. Quyển sách vĩ đại nhất về binh pháp của Samurai là Hagakure (Ẩn mình dưới lá) không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng lúc nào người samurai cũng phải nghĩ đến cái chết để vượt qua sống chết. Câu văn của kiếm sĩ kiệt xuất Tsukahara Bokuden được người đời sau ghi thêm nhớ có thể coi là tóm tắt tinh thần của quyển sách: “võ sĩ sở học vô tha pháp, duy bất cụ tử thị thiên cơ” (sở học của võ sĩ không có pháp nào khác ngoài đối diện với cái chết không chút nào sợ hãi). Tinh thần samurai ấy còn được tiếp diễn mãi đến cuối Thế chiến thứ hai khi những phi công cảm tử “Thần phong” (Kamikaze) đâm trực diện máy bay vào tàu chiến Mỹ trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của cuộc chiến. Như nhiều nhà nghiên cứu đã nói, không phải là Nhật thiếu phi công cảm tử mà chỉ thiếu máy bay mà thôi.

Đối với người Nhật, cái chết là một thách thức mỹ lệ, là vẻ đẹp tuyệt đối. Với những não trạng nhạy cảm và ưu tú đặc biệt, những nhà văn Nhật Bản đã đưa vào tác phẩm của mình “mỹ học về cái chết” thể hiện qua nhiều hình ảnh khác nhau, hay dùng chính cuộc đời mình để thể hiện. Chưa có một đất nước nào mà các nhà văn nhà thơ lại tự sát nhiều như Nhật Bản. Chỉ tính từ thời Minh Trị (từ năm 1868) đến nay, ta đã có Kawakami Bizan, Kitamura Tokoku, Akutagawa Ryu no suke, Dazai Osamu, Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, Arishima Takeo, Hara Tamiki chọn con đường tự sát bằng đủ cách từ treo cổ, bật hơi ga, uống thuốc độc, trầm mình xuống sông, nhảy vào đầu máy xe lửa, và đặc biệt cái chết mổ bụng tự sát (seppuku) theo kiểu samurai nổi tiếng của văn hào Mishima Yukio. Trong những tác phẩm văn chương Nhật Bản, cái chết nhiều khi được miêu tả rất mỹ lệ. Tác phẩm Đèn không hắt bóng của Watanabe Junichi được giáo sư Cao Xuân Hạo dịch ra Việt ngữ là một minh chứng điển hình cho mỹ học về cái chết thể hiện trong văn chương. Bác sĩ Naoe, một nhà phẫu thuật lỗi lạc, giấu mọi người căn bệnh ung thư, đã chọn cho mình cái chết trầm mình xuống hồ có một rừng cây dưới đáy để xác không bao giờ nổi lên, không làm phiền người khác. Trong một tác phẩm khác, cũng của Watanabe, Gặp lại người xưa (Sơn Lê dịch) cũng có cảnh một phụ nữ đẹp tuyệt trần khi biết tin mình bị bệnh phải khoét một con mắt mới sống được, đã chọn con đường nhảy xuống biển tự sát để chết nguyên vẹn, chết đẹp đẽ. Lặng lẽ biến mất tuyệt tích, không dấu vết. Một thứ mỹ học cao sang lạnh lùng và đẹp đẽ vô song chỉ có thể có được ở người Nhật Bản. Đúng thật như cánh hoa anh đào lìa cành trong độ rực rỡ nhất để lại nuối tiếc bao nhiêu. Hình ảnh những cánh hoa rơi đi vào tâm thức người Nhật trở thành biểu tượng của một triết lý về nhân sinh và mỹ học về cái chết. Bởi thực ra sống và chết chỉ là hai mặt của một vấn đề như hai mặt tờ giấy, hai mặt đồng xu không hề tách biệt được. Cho nên hiểu thấu và vượt qua cái chết chính là để có thể sống trọn vẹn, tận tụy và tha thiết hơn. Biết chết đẹp thì sẽ biết sống đẹp. Một cuộc đời thành công là cuộc đời không có gì phải hối tiếc. Thanh thản rơi như hoa anh đào. Đức Phật đã nói “trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất”. Bạn có thấy cuộc đời là giấc mộng, “nhân sinh nhược đại mộng”, khi nhìn những cánh hoa tuyệt đẹp rơi xuống đất “trông vời hồng rụng ngổn ngang, tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia?” để rồi ý thức được khoảnh khắc hiện tại mới chính là đáng sống, “mạc tư thân ngoại vô cùng sự, thả tận sinh tiền hữu hạn bôi”?

Vì thế, nếu có cơ duyên nào đó bạn được đến xứ Phù Tang, thấy hoa anh đào bay bay trong gió xin hãy nhớ rằng trong cánh hoa bé nhỏ mong manh ấy, gói trọn vẹn triết lý về cuộc sống và cái chết của tâm hồn người Nhật Bản.

NỖ NAM

(Theo vijaexpress.com)

(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *