Chân dung văn

17/1
5:50 PM 2017

TẬP THƠ “VŨ KHÚC TÀY” CỦA NHÀ THƠ Y PHƯƠNG- GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2016

Y Phương là một trong số ít những nhà thơ xuất sắc của bộ phận thơ dân tộc thiểu số hiện đại nói riêng, của nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Sau những tập thơ nổi tiếng: Tiếng hát tháng giêng; Đàn then; Thơ Y Phương; Nói với con…, Vũ khúc Tày là tập thơ mới nhất của nhà thơ người Tày này.

 

 

THƠ Y PHƯƠNG

 

KHÚC QUÀNH

Cố đạp ngươc chiều gió

Gió thổi ớt vào mắt

Mắt đỏ hoe như khóc

Đạp đến đây đành quành về nhà

 

Đường về nhà

Gió bay

Cát bay

Lá bay

May trái tim không bay

 

Gió từ đâu thế này

Lá từ đâu thế này

Cố tình ngáng chân

Không cho tôi tới

 

Gió làm sao hiểu nổi

Lá làm sao hiểu nổi

Người làm sao hiểu nổi

Cuộc đời

Đi tới đâu thì quành

 

BUỒN LẤP LÁNH

 

Người họa sĩ đi rồi

Những mảng mầu ra sao

 

Người nhạc sĩ đi rồi

Những nốt nhạc ra sao

 

Người thi sĩ đi rồi

Những con chữ ra sao…

 

Người cha mẹ đi rồi

Các con mình ra sao

 

Ồ không sao

 

Khi mặt trời rời bầu trời

Những đứa con của họ bắt đầu chín

NHAI NƯỚC

 

Nửa đời trước

Răng cắn ngập nỗi buồn

 

Nửa đời sau

Răng cắn ngập niềm vui

 

Còn bây giờ

Tôi đang nhai đau tôi

 

MẸ

Những giấc mơ ban đêm

Những giấc mơ ban ngày

Làm xô lệch cuộc đời

Nghiêng ngả người con

 

May mắn thay

Còn một người

Nâng bồng con đứng dậy

Ôi !

Mẹ của con

 

MƯA TRÊN CÁNH ĐỒNG CON GÁI

 

Mưa như phấn hoa

Rắc dày

Lên cánh đồng con gái

 

Mưa như râu ta

Cọ mài

Nhột cánh đồng con gái

 

Mưa như thế mãi

Cánh đồng kín hoa

 

ĐẤT SINH RA MÂY

 

Ở đâu có đất

 Ở đấy có cây

Chắc gì!

 

Ở đâu có đất

 Ở đấy có mây

 Hẳn rồi.

 

TRẢ LỜI HỘ TÔI

 

Nếu đem người kia dìm xuống nước

Danh phận

Chức tước

Tiền bạc

Sẽ nổi lềnh bềnh cùng cỏ rác

 

Nếu đem người này dìm xuống nước

Tình yêu

Tình yêu

Tình yêu

Sẽ lắng đọng

Trầm tích

 

Vậy anh thích

Tiền bạc

Chức tước

Hay tình yêu

 

BÉ BỎNG YÊU THƯƠNG

 

Con gái bé bỏng trong vòng tay yêu thương của mẹ

Mẹ bé bỏng trong vòng tay yêu thương của bà

Bà bé bỏng trong vòng tay yêu thương trời đất

Trời đất bé bỏng vòng quanh yêu thương nhau

 

 

Ta nhớ em đến chín

Ta nhớ em đến sống

Ta quên mình đang thai

 

Ta yêu em sớm mai

Ta yêu em chiều tà

Ta yêu em trùng điệp

 

Yêu như giông tới tấp

Ta xé thịt bắp đùi

Ta dâng lên em yêu.

 

SÓNG

 

Sóng cứ đi mãi đi mãi là sao

Không đứng lại làm núi

 

Ngày xưa

Núi chính là sóng

 

Ngày xưa

Người cũng chính là sóng

 

Bây giờ

Người vẫn chính là sóng

 

Một chút nhầm nhỡ thôi

Đã sóng ngầm một đời

 

 

 

Nguyễn Đức Hạnh

 Y Phương là một trong số ít những nhà thơ xuất sắc của bộ phận thơ dân tộc thiểu số hiện đại nói riêng, của nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Sau những tập thơ nổi tiếng: Tiếng hát tháng giêng; Đàn then; Thơ Y Phương; Nói với con…, Vũ khúc Tày là tập thơ mới nhất của nhà thơ người Tày này.

Điểm đặc biệt ở tập thơ song ngữ Việt - Tày này là cả 108 bài thơ trong tập hầu hết đều là thơ tình. Thực ra, trong các tập thơ trước, ta đã gặp rải rác không ít những bài thơ tình của Y Phương. Vậy, nếu so sánh với những bài thơ viết về tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, tình yêu quê hương của Y Phương trước đây, tập thơ tình này có gì khác biệt, có gì đặc sắc? Theo cảm nhận của tôi, tập thơ này có một số điểm đặc sắc và khác biệt sau đây:

Triết luận đôi khi ngậm ngùi về tình yêu chứ không chỉ mô tả đắm say về tình yêu.

Với bài thơ Em - Cơn mưa rào - Ngọn lửa in trong tập thơ Tiếng hát tháng giêng, chúng ta gặp những câu thơ tuyệt hay của Y Phương:

“Em về cấy gặt

Có em rồi làm ngắn ngày tháng chạp

Bàn tay mềm ra suối lại thơ ngây

Bàn tay mềm nẩy búp trên cây

 

Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp”

Những câu thơ ấy diễn tả thật tài hoa một tình yêu nồng nàn, mang theo lòng biết ơn của nhà thơ dành cho nhân vật trữ tình “em” - người vợ: Bàn tay mềm mại kia, như có phép thần kì chạm vào cây thì búp non tơ nảy lộc - một hình ảnh tượng trưng cho sự sống, cũng bàn tay ấy “Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp” - ngọn khói bếp tượng trưng cho hạnh phúc gia đình, nhờ có bàn tay em mà hạnh phúc được vẹn nguyên trước dông bão cuộc đời. Khi viết những câu thơ này, Y Phương còn rất trẻ.

Còn trong Vũ khúc Tày, khi tuổi trẻ đã đi qua, nhà thơ viết những bài thơ tình giản dị mà nặng trĩu hơn, đó là sự chiêm nghiệm về tình yêu, để từ đó dồn nén bao triết lý nhân sinh dù buồn đau vẫn lấp lánh hi vọng và niềm tin:

“Khi tình yêu mủn rồi

Những nụ hôn ra sao

Ồ không sao!

Khi mặt trời rời bầu trời

Những đứa con của họ bắt đầu chín”

 

                               (Buồn lấp lánh)

Sự tiếp nối các thế hệ chính là sự tiếp nối tình yêu vĩnh hằng trong trái tim con người. Đó chính là triết lí mà Y Phương muốn gửi gắm qua chùm hình ảnh tượng trưng mang kích thước và sắc màu kì vĩ: cha mẹ như mặt trời với bầu trời. Khi mặt trời lặn vào bóng tối thì các con như những vì sao sẽ bắt đầu hành trình sống và yêu của mình. Bởi các vì sao đã nhận sự trao gửi ánh sáng từ mặt trời và bầu trời, để tạo ra một hành trình vĩnh cửu không bao giờ đứt quãng. Bài thơ Gọi vía của Y Phương trùng tên với một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ người Tày khác là Mai Liễu. Đọc gần hết bài thơ, ta vẫn tưởng Y Phương đang lặp lại tứ thơ của Mai Liễu: “trên đường đời gian khó, vía đã đi lạc mất rồi”, với Mai Liễu thì “chốn đô thành - ai gọi vía cho tôi?”, với Y Phương thì “thân xác này từng lên rừng xuống bể - gọi vía”. Nhưng khi đọc đến khổ thơ kết, ta mới ngỡ ngàng nhận ra sự chuyển hướng của tứ thơ, sự đa tình giấu kín của hồn thơ Y Phương:

“Giờ này

Thân xác tôi mỏi mệt

Vía ơi

Ơi vía

Về đi

Về đi mà

Về mau mà yêu nhau kẻo vía già”

 

                                    (Gọi vía)

Đặc sắc của bài thơ nằm ở câu kết với ý nghĩa sâu xa: Sốt ruột không phải vì lo thân xác già mà lo hồn vía già không kịp yêu nữa. Đặc sắc ở triết lí hàm ẩn trong câu thơ: Hồn vía già thì tình yêu mới không còn nữa, đâu phải là chuyện tuổi tác hay thân xác. Yếu tố tinh thần mới quyết định chúng ta già hay trẻ và còn yêu thì còn trẻ bất cứ ở tuổi tác nào.

 

Lê Thị Bích Hồng

 

“Vũ khúc Tày” đã góp phần hoàn chỉnh sự nghiệp văn chương của Y Phương, cho thấy một tài năng đa dạng, sáng tạo bền bỉ và mang đến cho bạn đọc một vẻ đẹp mới từ những góc nhìn mới về văn hóa dân tộc và nhà thơ Tày Hứa Vĩnh Sước - Y Phương (Đọc tập thơ song ngữ Việt-Tày "Vũ khúc Tày" của nhà thơ Y Phương do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành-2015).

Chạm mắt vào bản thảo song ngữ “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày), tôi thực sự bị cuốn hút, bị thôi miên, bị dẫn dụ đến mê muội ngay từ lời đề từ “Xin thưa” (Xo chiềng) cho tập thơ song ngữ Việt - Tày:

“Khi chưa có tình yêu
Con người chỉ là từng hạt thóc riêng lẻ
Có tình yêu rồi
Con người mới trở thành cơm nghi ngút trắng”
(Pửa xằng mì slim điếp
 Tuô cần tồng khẩu cóc táng lé
Mì slim điếp dá
Tuô cần chắng pền pát khẩu khao)

 Thế là sau gần 9 năm tập thơ song ngữ đầu tiên “Thất tàng lồm” (Ngược gió, 2006) ra đời, bạn đọc đã “thỏa nỗi nhớ mong” được đón “Vũ khúc Tày” - tập thơ song ngữ Việt - Tày tiếp theo của anh. Vượt qua cảm giác lống loáng rỗng ruột vắt kiệt mình cho trường ca “Chín tháng”, “Đò trăng”, người con trai làng Hiếu Lễ không cho phép ngừng viết dù bất cứ lý do nào, dẫu bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi chân chậm, mắt mờ theo tuổi tác “Đêm đêm” chỉ còn “chân gác chăn”, kể cả đang mang tâm trạng bải hoải mệt mỏi “Bung buồn”, “Cô đơn lên chót vót”, “Nhai đau”... Phải viết, phải viết… đó là “mệnh lệnh trái tim” cất lên những hồi róng riết và thế là “bầu khí quyển thơ” Y Phương trở lại với 108 bài thơ đầy đặn, nói đúng hơn là 108 bài thơ tình yêu nồng ấm yêu thương tung tẩy, quậy cựa như “một bầy ngựa hoang”, “ngùn ngụt núi lửa”, “trùng điệp nhớ”, “giông bão chờ”, trái tim đỏ máu “khe khẽ người”… Cũng chẳng lạ, nói như nhà văn Phạm Quang Trung kẻ “Tử vì Đạo - Đạo yêu” lại không say, không viết thơ tình. 108 bài chứ đến 1080… bài cũng là lẽ thường, là “chuyện thường ngày ở huyện”, quá hiển nhiên với một nhà thơ được bạn bè yêu mến “tróc nã” đến tận cùng trúng phóc “tim đen” để rồi “Nhà yêu học” chỉ cười trừ và thầm nghĩ “họ chỉ được cái nói đúng”. Anh đã từng tự bạch hồn nhiên, chân thật chẳng kiêng dè, giấu giữ trên Fabook cho cả thế giới biết về một Y Phương “Chỉ biết yêu thôi chả biết gì”, yêu dẫu cho “ngày mai trời sập”, đã yêu thì đừng “đắn đo, đừng băn khoăn, đừng tính toán thiệt hơn”, đã yêu thì bất chấp “Mưa ngập đường anh vẫn tới - Hổ báo đón đường anh vẫn tới - Đến nơi có một Tình yêu lớn”… với tuyên ngôn xanh rờn của kẻ được bạn yêu thơ phong là “Thủ lĩnh vương quốc ái tình”: “Nếu không yêu và làm thơ thì khói tôi chả còn biết làm gì nữa. Hãy yêu đi bạn ơi. Cuộc sống không có tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng. Biết rằng mình đang yêu và đang được yêu làm cho cuộc sống ý nghĩa, ấm áp và giàu có - điều mà ngoài tình yêu ra, không có gì có thể làm được…”. Tôi mới cắt nghĩa được câu hỏi vì sao nhà thơ tự nhận mình là “Thánh Valentine” (vị linh mục dám chống lại Vua Claudius với điều luật điên rồ cấm những đôi lứa yêu nhau để rồi phải chịu cuộc hành hình vào đúng ngày 14/2 năm 270 TCN) trong một cuộc nói chuyện thơ với thanh niên sinh viên một trường đại học. Với chất giọng trầm ấm (trẻ hơn nhiều so với tuổi), nhà thơ xúc động rưng rưng khi nhắc tới vị linh mục nhân ái ấy “Tôi yêu Valentine bởi vị linh mục này đã dũng cảm bênh vực tình yêu, đã bất chấp cả cái chết để bí mật làm phép cưới cho những đôi lứa yêu nhau. Chỉ có yêu và được yêu thì con người mới làm nên sự vĩ đại. Nếu không có tình yêu thế giới sẽ trở nên hỗn mang”. Thế là “Thần ái tình Cupid” Y Phương công khai “cái tạng” của mình và trở thành một “fan ruột”, một tín đồ trung thành của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, đồng điệu với phát ngôn: “Làm sao sống được mà không yêu
 Không nhớ, không thương một kẻ nào”

 Dẫu biết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”

Nhưng có lẽ điều kỳ diệu trong thơ tình yêu của Y Phương nói chung và “Vũ khúc Tày” nói riêng chính là nội lực yêu, cường độ yêu phập phồng, quậy cựa đến tận cùng sinh nở.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *