Chân dung văn

12/9
7:26 AM 2017

MỘT CÕI RIÊNG TRẦN LÊ VĂN

Vân Long - Trong những năm được kết giao với một số bạn vong niên lớn tuổi hơn tôi hàng thập kỷ, mà tôi coi như những người thầy, tôi có nhận xét: Dù mỗi ông một cá tính, nhưng vẫn có điều gì căn bản nhất, chung nhất gắn bó các ông lại với nhau.

                                                              Nhà thơ Trần Lê Văn

Lại cũng từ điểm chung đó tỏa ra một từ trường ấm áp an lành về tình bạn, tình người. “Thế giới người hiền”, lâu nay ta hay dùng để gọi thế giới bên kia của những người đã khuất, đó là những người thanh thoát khỏi cõi phàm, không còn so đo vụ lợi gì. Có một “thế giới người hiền” như vậy ở cõi nhân gian mà tôi đã được gần gũi giao lưu vào nửa cuối cuộc đời của họ, đó là bộ ba: Quang Dũng - Trần Lê Văn - Ngô Quân Miện…

 

Giữa nhóm người này, nhà thơ Trần Lê Văn là một “cõi riêng”. Không vì ông phải nhận một “án văn chương” gần nửa đời người mà vẫn là người bạn hồ hởi mang nguồn vui, câu đùa đến bất cứ ai, bất cứ lúc nào, mà vì ông còn biết lắng nghe mọi nỗi niềm, và khéo léo hóa giải bằng một câu Kiều hoặc một câu đùa hóm hỉnh. Ông tiếp nhận tất cả như ngọn cây cao rung động tiếp nhận mọi luồng gió, như lòng biển tiếp nhận mọi nguồn sông. Còn riêng con người ông, ông là “người trong suốt” chẳng giấu nổi điều gì (trừ phi là nỗi đau riêng mà ông luôn dùng sự hài hước, tự trào để giảm nhẹ nó).

Từ vốn chữ Hán khai tâm thuở nhỏ với sự uẩn súc phương Đông tự học lúc trưởng thành, ông tiếp nhận và hòa nhập với sự trong sáng trí tuệ văn minh phương Tây thông qua văn hóa Pháp.

Được đọc hồi ký của ông khi chuẩn bị xuất bản, tôi thu nhận được nhiều điều lý thú. Ông đã chinh phục người đọc bằng giọng văn chân thật, chân thành như ông tự bộc lộ: “Dẫu khóc dẫu cười đều thực chất/ Noi gương cụ Tú Vị Xuyên ta”. Dẫu bản thân có oan khuất, ông chỉ tâm sự, nhẩn nha tâm sự.

Hồi ký Trần Lê Văn cho ta hình dung được hoàn cảnh gia đình một nhà nho cuối cùng của thành Nam, (cụ thân sinh dự khoa thi Hương cuối cùng của nền học cũ) có những chi tiết cảm động: “Khi ở làng Bằng (huyện Thường Tín) cha tôi chữa bệnh làm thuốc cho cả một vùng. Mẹ tôi gánh thuốc đi chợ. Cứ sắp tết Nguyên Đán là cha tôi căng tấm ni lông ở một góc chợ, nằm bò trên chiếu viết câu đối Tết, khách đến rất đông”. Tấm gương cần mẫn với chữ nghĩa để mưu sinh của cụ thân sinh, Trần Lê Văn đã làm gần đúng như vậy. Tình cờ, năm ông mất, cũng vào tuổi 86, cũng cả đời vật lộn với chữ nghĩa. Cái khác là nhờ năng khiếu, tài năng, ông đánh vật với từng con chữ thấm đẫm suy tư cho đến cuối đời, chứ đâu được thanh tâm vừa chép vừa hưởng thụ nghĩa lý từng trang sách tiền nhân. Ngoài nỗi đau tinh thần (ông phải rời toà soạn báo Văn nghệ, về làm việc ở Hà Tây trên hai thập kỷ, dưới quyền một ông trưởng phòng chưa học hết cấp 2). Cuối đời ông còn bị đau đớn thân thể, bị cắt đi một khúc chân như con chim đang bay bị mất một bên cánh, khiến ông suy sụp cả tinh thần.

Đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Định, Trần Lê Văn làm việc ở báo Công Dân, do Trúc Đường (anh ruột thi sỹ Nguyễn Bính) làm chủ bút, thành viên của báo còn có ông Lộng Chương (sau cả hai ông đều là nhà viết kịch nổi tiếng). Bạn thân của ông còn có Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Chi hội Văn nghệ Liên khu III hoạt động ở địa bàn Nam Định lúc ấy khá “xôm”… Đại hội Văn nghệ toàn quốc mùa Thu 1948, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Sao Mai, Tô Vũ được cử vào đoàn đại biểu Chi hội Văn nghệ Liên khu III lên Việt Bắc tham dự. Cộng tác viên của báo Công dân còn có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Báo Công dân, một tờ báo địa phương ít tiếng tăm, ai ngờ lại là nơi tụ họp nhiều tài năng đa dạng như vậy! Đặc biệt nó lại là nơi nhen nhóm tình bạn cả đời của đôi bạn Quang Dũng - Trần Lê Văn.

Có những cảnh gian khổ độc đáo mà các nhà tiểu thuyết hẳn cũng khó tưởng tượng ra. Nhưng khi gian khổ qua đi, chúng lại thành kỷ niệm đặc sắc không thể nào quên với gia đình, bè bạn. Mùa nước lũ năm 1950 phá vỡ đê con sông Bưởi ở Hòa Bình bị nước tràn vào phía bắc Thanh Hóa rất nhanh, nhanh hơn cả bước chân của giặc. Trần Lê Văn đưa vợ con chạy ra chùa làng ở giữa cánh đồng, ngỡ chùa ở trên mô đất cao, may ra thoát nạn. Nào ngờ nước cứ lên cao dần. Từ gốc cây cau đến thân cau rồi ngập hết cả thân cau, chỉ còn phất phơ chùm lá. Bệ sư tụng kinh ngập hết, đành phải leo lên bệ thờ Phật (chắc Phật cũng xá tội!). Bệ thờ Phật thành nơi thổi nấu. Gian nan nào chỉ có thế! Nhưng Trần Lê Văn có đặc tính là ông luôn đan xen nụ cười trong cả những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Những năm tôi chập chững bước vào văn học, tôi đã chép thơ hay của các bậc đàn anh, học thuộc nhiều bài và đọc như kinh nhật tụng. Trong đó có bài Tháng ngày không mất (1957) của nhà thơ Trần Lê Văn: “Mỗi sáng bóc đi một tờ lịch/ Như bóc đi một mảng đời mình”.

Nỗi khắc khoải của nhà thơ trước trang giấy trắng sao giống tâm trạng của mình đến thế!

“Trang giấy trơ vơ rợn màu sa mạc/ Không vết lữ hành in trên bãi cát”.

Đến hôm nay thì trên bãi cát đã chi chít vết chân lạc đà của nhà lữ hành Trần Lê Văn: Tuyển tập thơ của ông nằm trước mặt tôi. Tôi lần giở từng bước đường thơ, cũng là từng bước đường đời của ông bộc lộ trên những trang thơ. Hình dung ra đời sống của ông từ những ngày êm ả dạy học trên xứ Thái. Tuyển tập Trần Lê Văn (NXB Văn học 1/1998) chỉ tuyển văn và thơ, phần thơ do ông tự chọn chỉ có một bài làm trước cách mạng: Trưa rừng (Thuận Châu, mùa hạ 1944). Điều này cho ta biết chỉ có một bài ở giai đoạn này là đáng chọn. Nhưng đúng là chỉ cần một bài này đã cho ta hình dung ra Trần Lê Văn từng có những ngày mãn ý trong cuộc sống đầu đời: Hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp trong lành của núi rừng Tây Bắc, với những con người miền núi cũng chất phác, trong sáng như thiên nhiên.

Cuộc sống bị đảo lộn, bên sự hạnh ngộ với người bạn đời, Trần Lê Văn có một hạnh ngộ lớn: Anh gặp Cách mạng, trở thành cán bộ giáo dục của tỉnh Sơn La vừa lập chính quyền mới. Anh đã là con ốc nhỏ trong cỗ xe lịch sử, rồi nó sẽ phải băng qua bao dặm đường gian khổ chưa thể biết, vì vậy mà Đám cưới hiu buồn một giấc mơ.

Trong những năm tháng làm báo Công dân Trần Lê Văn đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn viết và bạn đọc qua hai giải thưởng: Giải nhì của Hội văn nghệ Liên khu III về bài thơ Qua sườn Tam Đảo, giải nhì Hội Văn nghệ Việt Nam bài thơ Rang thóc in trên Việt Bắc (1953). Nhưng phần thưởng lớn hơn là ông đã thâm nhập, tiếp nhận được tấm lòng người dân trên các nẻo đường kháng chiến. Nói chính xác hơn là tấm lòng đôn hậu của ông đã bắt gặp sự thơm thảo của nhân dân: “Lấy chiếu làm phên, cánh cửa làm giường/ Góp với đồng bào câu cười tiếng khóc/ Dây mướp đã leo, vườn rau đã mọc/ Làng người quen gọi làng ta”.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp ông không tự tuyển được nhiều thơ hay, có lẽ nhiệm vụ tuyên truyền khá nặng bên nhiệm vụ làm báo, nhiều khi ông phải viết diễn ca mang tính cổ động về một vấn đề nào đấy thay cho thơ!

Cuộc sống ổn định khi trở về Hà Nội giải phóng đã giúp ông có điều kiện đi sâu hơn vào nội tâm mình, những dằn vặt trăn trở trước trang viết (Tháng ngày không mất) hoặc ông nghe được sức sáng tạo của mình trỗi dậy trong đêm: “Gõ bút vào tâm tư/ Mở toang đôi cánh cửa/ Ánh sáng bỗng tuôn tràn/ Thế giới nào kỳ lạ.”

Nghìn vạn chuyện xưa sau như những bóng hình đang ngủ, như nàng công chúa từ trăm năm được cuộc sống cúi môi hôn, bỗng thức dậy: “Tâm tư căng dây đàn/ Bật lên thành tiếng hát/ Tiếng đàn như đã tắt/ Còn loang đầy không gian… (Tiếng đàn đêm)

Hồi tôi còn ở phố Bà Triệu, cạnh nhà ông Ngô Quân Miện, ông hay ghé nhà tôi vào các buổi chiều. Tôi biết đó là lúc ông cần thư giãn sau một ngày làm việc. Bây giờ nghĩ lại mới thấy những phút thư giãn như vậy thật quý báu làm sao! Trao đổi vài thông tin trong đời sống văn nghệ, thông báo ngày hôm nay làm được gì, cao hứng thì có thể đọc cho nhau nghe. Trong câu chuyện ngỡ như tào lao mà chứa bao điều suy ngẫm về cuộc đời, về nghề nghiệp… Trần Lê Văn lại sẵn có trong đầu bao câu chuyện cổ kim Đông Tây, luôn liên hệ đến chúng. Lại còn những câu thơ hay của tiền nhân. Ông đọc, ông dịch và thuộc khá nhiều… Con người luôn khôi hài này, mỗi khi nhăn nhó với tôi, thường chỉ là: “Ông có biết ông Miện đi đâu không? Người gì mà suốt ngày đi vắng!”. Đang có hứng thú chia sẻ với bạn một chuyện gì mà ông Miện lại đi vắng, bực mình là vì thế! Có lúc tôi nói đùa: “Có thể lúc này ông Miện đang ở nhà ông mà cằn nhằn đúng như ông vậy: “Người gì mà suốt ngày đi vắng!”.

Ở thập kỷ cuối thế kỷ XX, đã ngoại 70, Trần Lê Văn thường nghĩ về mối quan hệ đời sồng-cái chết. Đi viếng Văn Cao về, ông làm bài thơ viếng. Lâu ngày, người ta có thể quên bài thơ, riêng tôi, tôi nhớ mãi chữ lún: “Xe hoa tang nặng, lún mặt đường/ Thương nhớ lún hồn người ở lại”.

Mối quan hệ sống chết ấy như một điệp khúc cứ láy đi láy lại mỗi khi ông đưa tiễn một người bạn, người thân. Ông mong muốn lúc sống hãy Vài giọt đắng cay chia sẻ cùng nhau đừng để đến lúc bạn ra đi mới vòng hoa lớn, vòng hoa nhỏ: “Ngày thường khô khan, ngày thường nghèo kiết/ Ta thèm mua hoa đành chỉ mua rau/ Sao lúc tận cùng hoa đến từ đâu/ Cả một rừng hoa đắp lên ta hào phóng”. (Chưa chừa mơ mộng)

Có lẽ vì sinh trưởng cùng quê với Tú Xương nên ở thơ ông, chất trào phúng đan xen với chất trữ tình khá hài hòa. Ngay trong một bài thơ buồn, tinh ý, ta vẫn thấy phảng phất một nét cười. Cái cười cũng là một yếu tố nâng đỡ thơ ông trong cuộc sống.

Nhà thơ Trần Lê Văn năm 2000 vừa tròn tám chục tuổi, nhưng ông vẫn đi khoẻ, viết khoẻ, ngủ khoẻ… thể hiện một nghị lực hiếm có trong cuộc sống không ít buồn lo về con, cháu (con tử trận, con trọng bệnh, cháu di chứng chất độc da cam…). Nhưng đọc những dòng ký thác tâm trạng này mới càng hiểu ông hơn: “Vợ chồng Ngâu già rồi/ Kiệt khô cả nước mắt/ Muốn mang nổi đau thương/ Cũng cần phải sung sức.” (Ngày ngâu không mưa)

Thì ra vì vậy ông phải sống khoẻ! Ông như con lạc đà thơ, gánh mọi khó nhọc trên lưng mà vượt qua sa mạc!

Vợ chồng Ngâu có thể vì già mà cạn khô nước mắt, còn Trần Lê Văn năm gần 70 tuổi vẫn chưa chịu khô những rung cảm tế vi với cái đẹp: “Vườn em có bông cúc vàng/ Ngày muộn sao còn tươi thế?/ Chạm vào áo anh se sẽ/ Mà anh rũ mãi không ra.” (Bông cúc)

Đặc biệt, Trần Lê Văn có hai bài thơ vượt ra khỏi dòng chảy quen thuộc của thơ ông, ông đã đi vào một cõi khác với lối viết hiện thực. Có thể gọi đây là tiếng thơ tâm linh ít có dịp xuất lộ trong đời người làm thơ: “Vợ gửi tuổi xuân trên núi/Con gửi trí khôn trên trời/ Bạn gửi tiếng cười dưới đất/ Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi.” (Tìm gì)

Bài thơ là những điều được chưng cất từ nỗi mất mát của người thân quanh ông. Thường thì khi làm thơ ông hay lý giải để người đọc hiểu ngay hoàn cảnh ra đời bài thơ, đó là thơ làm cho mọi người. Ở bài này ông chỉ viết cho mình, tự nói với mình: Ba điều quí báu nhất của ba người thân đã trở thành hư không. Mất mát của ba người thân hợp thành mất mát lớn của chính ông, những điều một đi không trở lại. Vậy thì còn gì nữa đáng cho mình kiếm tìm. Một sự kiếm tìm vô vọng? Cũng như giữa sự sống và cái chết, mất và tìm đã thành vấn đề lớn của thời gian và số phận đã xói mòn cuộc sống riêng của ông.

Tiếng gọi thê thiết như gọi vào sa mạc! Cả một đời viết, liệu có tác động gì đến dòng đời không? Liệu có một tri âm, tri kỷ nào tìm đến với mình không? Nói quá đi một chút vẫn là đặc tính bẩm sinh của thi sĩ giây phút ai hoài. Chứ thực ra, Trần Lê Văn là người nhiều tri kỷ, tri âm hơn ai hết, bởi ông thuần phác như một lão nông, độ lượng như bậc trí giả, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông mọi nỗi niềm! Còn tác động nghệ thuật với cuộc đời thì bao giờ chẳng là một câu hỏi không lời đáp với những văn nghệ sĩ nhiều khát vọng!

Lúc ông sống, ông cần thiết với mọi người như một lẽ tự nhiên, như một tất yếu, gần giống như cảm nhận của cháu Bê, cháu ngoại ông ở cái tuổi hồn nhiên (lớp 7), chân thực nhất: “Khi ông không còn đây nữa, cháu mới thấy một khoảng trống vô cùng lớn và chợt hiểu rằng khoảng trống ấy trước đây được lấp đầy bởi ông”.

Sau khi ông mất, ai cũng muốn ghi lại ấn tượng về một tình tiết cảm động hoặc một nhận định khái quát về ông trong sổ lưu niệm. Đọc chùm bài này, ta càng thấy sức tỏa chiếu cái Tâm, cái Tài của nhà thơ Trần Lê Văn, không chỉ với những người được trực tiếp là học trò ông, nay đã là nhà thơ có tên tuổi như Vũ Quần Phương, Trúc Thông… mà từ một cháu bé trong nhà… cũng đều được nhuần thấm trong từ trường nhân cách, nhân hậu Trần Lê Văn.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *