Chân dung văn

12/7
7:55 AM 2017

SỨC SỐNG VIỆT TRÊN BIÊN GIỚI TRUNG HOA

Phạm Vân Anh- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì viết: “Người Kinh Tam Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên ba hòn đảo (tam đảo) nhỏ…

                                        Ảnh minh họa: Internet

Trấn Giang Bình, khu Phòng Thành, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có ba ngôi làng biển tên là Vạn Vỹ, Ô Đầu, Sơn Tâm. Chiếm một diện tích khiêm tốn cùng với số dân ít ỏi, nhưng ba ngôi làng này đặc biệt được giới nghiên cứu nhân loại học thế giới và Trung Hoa quan tâm tìm hiểu và nhận định, nét văn hoá truyền thống của cư dân nơi đây là hiện tượng văn hoá - lịch sử quý hiếm được gọi là “hoá thạch ngoại biên” hoặc còn gọi là “hoạt hoá thạch” như cách gọi của giới nhân loại học Trung Quốc. Họ là những người con đất Việt vì sinh cơ đã giong thuyền tìm đất mới rồi dạt đến vùng nội địa biên thuỳ nước bạn từ hơn 500 năm về trước.

Một tài liệu nghiên cứu về dân tộc thiểu số của Trung Quốc đã viết về những người dân đang sống tại ba ngôi làng này như sau: “Người Kinh trên phương diện sinh hoạt phấn đấu trường kỳ đã sáng tạo một nền văn hóa rực rỡ muôn màu, nội dung của nền văn học truyền khẩu thật phong phú, ca khúc và khúc điệu đạt đến 30 loại. Lời ca thuần phác, khúc điệu bình dị, ít biến hoá. Đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi.”

 

 

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì viết: “Người Kinh Tam Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên ba hòn đảo (tam đảo) nhỏ… Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này. Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực nói trên là khoảng hơn 18.000 người, một con số được coi là rất khiêm tốn nếu so với nhiều dân tộc khác đang cùng sinh sống trên đất nước đông dân nhất thế giới này.”

Song chính họ, sau 10 đời định cư tại ba hòn đảo nhỏ ven bờ, thường được chính quyền sở tại gọi cư dân nơi này là “Kinh tộc Tam đảo” đã nỗ lực vươn lên để trở thành một trong những dân tộc thiểu số giàu có nhất Trung Quốc và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa cũng luôn được xếp hàng đầu. May mắn cho tôi trong một dịp “giang hồ vặt” xuất ngoại loen ven từ cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng năm 2015, tôi đã được một người bạn làm nghề buôn bán hải sản qua biên giới chỉ dẫn, tôi đã tiếp cận được những người đồng hương đặc biệt này. Song điều kỳ lạ là dẫu tôi có cố ý nói vài ba câu tiếng Việt trong câu chuyện với họ thì họ vẫn vờ như không biết hoặc không nghe thấy. Chỉ khi chúng tôi bước qua cái cổng làng được xây cách điệu thì tình thế thay đổi đến bất ngờ. Họ niềm nở chào đón khách lạ bằng giọng nói tuy không thật sõi nhưng âm tiết và ngữ điệu thì… chao ôi… họ khiến tôi cảm giác như mình đang ở giữa làng biển Đồ Sơn, Hải Phòng hay Hậu Lộc, Thanh Hoá.  Và không gian kiến trúc thì thật tuyệt, ngôi nhà nào cũng mang dáng dấp của những ngôi nhà ở làng quê Việt Nam, có vườn cây sai quả, mùa nào thức ấy, có dãy chuồng lợn gà để chăn nuôi…

Anh Lương Đại Bân, chủ nhà giải thích rằng không chỉ riêng anh mà mọi người trong làng đều có cách cư xử như vậy. Các thế hệ trước vốn nói tiếng Kinh hay tiếng Việt và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng địa phương là tiếng Quảng Đông và sử dụng Hán tự, nhưng khi về làng thì họ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Thậm chí, dù có nói tiếng Quảng Đông thì về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt. Anh bảo: “Sang nhà bố đi á. Bố mình sẽ mừng lắm á. Khi còn khỏe, bố thường về Việt Nam, Hải Phòng cúng ông bà lắm á. Người mình có câu “Khôn ngoan nhờ phúc cha ông/ Làm nên phải nhớ tổ tông, giống nòi mà”. Câu nói rành rẽ bằng tiếng Việt ấy phát ra từ miệng anh - một người thuộc một dân tộc thiểu số ít người đã có mặt sống trên nội địa biên thùy Trung Quốc hơn 500 năm, thì cảm xúc trong tôi đã dâng lên một điều gì đó thật thiêng liêng, chỉ chực ôm lấy anh mà nghẹn ngào.

Ông Lương Phong, cha của Lương Đại Bân đưa chúng tôi đến một ngôi đình cổ có niên đại gần 300 năm. Trước cổng tam quan là tấm biển giới thiệu Há Đình được viết bằng hai thứ tiếng Trung, Việt. Theo giới thiệu tóm tắt thì từ “Há” dịch sang tiếng Việt là “ca hát”. Há đình có nghĩa là hát đình, một lễ hội văn hoá truyền thống của người Kinh ở đây được bắt đầu từ mùng 9-6 đến 15-6 âm lịch. Gần đó, một cây si khá lớn được treo nhiều đèn lồng đỏ, kế thân cây có một tấm biển đá đề ba thứ tiếng cho biết cây đa rất gắn bó với đồng bằng làng quê Bắc bộ ấy, ở nơi đây có một cái tên rất ấn tượng là cây “Tương tư Nam quốc”. Chao ôi, tên cây chính là di nguyện của bao thế hệ người dân nơi đây, là lời tổ huấn đối với các thế hệ con cháu không được quên đi cội nguồn Việt tộc. Lời di nguyện ấy còn được chuyển hóa thành bốn câu thơ nhiều ý nghĩa.

Gia phả dòng họ Lương của ông cùng nhiều dòng họ khác được viết bằng chữ Nôm lưu giữ ở Há Đình ghi lại, dòng họ này có phát tích từ đất Đồ Sơn, Hải Phòng. Cách đây hàng trăm năm, trong một lần đi biển gặp bão, họ đã dạt vào vùng Mũi Ngọc (Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh ngày nay). Bão tan, họ chia thành hai nhóm. Nhóm chủ trương ở lại sau trở thành tổ tiên của người dân vùng Trà Cổ. Họ chính là người đã góp của góp công tạo nên ngôi đình Trà Cổ nổi tiếng với hai bức hoành phi treo ở hai đầu hồi, trên khắc 8 chữ thể hiện niềm tự hào bờ cõi: Nam Sơn Tịnh Thọ - Địa Cửu Thiên Trường, có nghĩa là Nước Nam đời đời bền vững - Đất Trời trường tồn ngàn năm.

Nhóm chủ trương rời đi than vãn: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sung thì chát, lộc si thì già” rồi lên thuyền tiếp tục hành trình, cuối cùng thì dạt đến đất Giang Bình này. Thế nên mới có câu tục ngữ rằng “Giang Bình, Trà Cổ có tổ Đồ Sơn”. Đoàn người ra đi ngày ấy có khoảng 100 người gồm 12 dòng họ: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương. 12 dòng họ này cùng có chung một huyền tích thần Bạch Long Trấn Hải Đại Vương, là người có công giúp Kinh tộc giết chết con rết thần vẫn thường nổi sóng gió bắt ngư dân trên biển. Sau khi chết, con rết thần hoá thành 3 hòn đảo, nay là 3 thôn Vũ Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vỹ…

Dòng họ của chị Nguyễn Tiểu Kim, vợ Lương Đại Bân thì đến Giang Bình muộn hơn. Họ vốn dĩ là người Việt đi khai hoang vùng Đông Bắc vào cuối thế kỷ 16, nhưng sau do người Pháp đại diện cho Việt Nam ký Công ước Pháp - Thanh vào năm 1887, họ mới trở thành người Trung Quốc rồi dần dịch chuyển, quần tụ về đây. Từ 3 hòn đảo Vạn Vỹ, Ô Đầu, Sơn Tâm mà cha ông đến dựng nghiệp, nay do phù sa bồi đắp đã thành đất liền, họ đã nhanh chóng hòa nhập với các sắc dân khác ở đất này và trở thành dân tộc Kinh của nước bạn.

Ở ba thôn này, dòng họ Tô là một dòng họ lớn và được xem là có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng. Ông Tô Minh Phương - Bí thư thôn Vạn Vỹ rất tự hào vì thôn mình với 1.320 hộ, 5.237 nhân khẩu cùng dòng họ Tô của mình có đời sống khá nhất trong khu vực và nhiều con em thành đạt. Trong đó có thể kể tới ông Tô Minh Lợi - Ủy viên thường vụ chính hiệp thành phố cảng Phòng Thành, giờ đây đã trở thành một doanh nhân có tiếng ở thị trấn Giang Bình. Hoặc nghệ nhân Tô Xuân Phát, một tay đàn bầu điêu luyện từng truyền dạy cho hơn 300 học trò đến từ khắp nơi trên đất nước Trung Hoa.

Hầu hết các gia đình người Kinh đều làm nghề thu mua hải sản, số khác theo nghề du lịch và buôn bán tại khu vực biên giới. Riêng làm nghề biển, mỗi tháng có gia đình thu nhập khoảng 5-7 vạn tệ. Với thế mạnh là khả năng gìn giữ ngôn ngữ suốt nhiều thế kỷ và am hiểu tính cách, phong tục Việt Nam, nên cộng đồng người Kinh nơi đây đã trở thành cầu nối giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Từ ngày hai nước bình thường hóa quan hệ và mở cửa biên mậu đã giúp cho ba thôn có thêm nhiều doanh nhân giàu có. Nhiều khách sạn, khu thương mại hoặc xưởng đóng tàu biển có chủ sở hữu là người Kinh.

Điều đáng trân trọng là trong làng vẫn yên ả, thanh bình với những nét kiến trúc truyền thống thì phía biển, nơi trước đây bà con đậu thuyền, ủ nước mắm hoặc phơi cá đang ồn ào những xe cơ giới chở vật liệu xây dựng cho các dự án khách sạn, resort du lịch. Bãi biển Vạn Vỹ đã được kè bê tông gần chục cây số, cứ mỗi cuối tuần đón hàng vạn khách du lịch từ các huyện sâu trong nội địa… Giới trẻ nắm bắt được cơ hội mới, lần lượt tìm cơ hội học đại học tại các trường danh tiếng trong nước và quốc tế. Tiêu biểu nhất là Tô Văn Cương đã xin phép bố mẹ được về Việt Nam học Đại học Văn hoá tại Hà Nội để học chuyên ngành tiếng Việt. Về nước, Cường trở thành đại lý cấp I chuyên buôn bán xe vận tải hạng nặng sang thị trường Việt Nam.

 Quay trở lại với câu chuyện bản sắc văn hóa, chúng tôi được bí thư Tô Minh Phương dẫn đi gặp nghệ nhân đàn bầu Tô Xuân Phát khi ông đang dạy đàn bầu cho lớp trẻ. Ông cũng cho biết thêm rằng, trước đây, các bậc tiền bối rất coi trọng việc truyền dạy đàn bầu cho con cháu người Việt. Sau này, cùng với nhận thức về đa dạng văn hóa các dân tộc cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng người Kinh nơi đây, Chính phủ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ người truyền dạy đàn bầu 10.000 nhân dân tệ mỗi năm và  20.000 nhân dân tệ cho các cháu học đàn bầu thực sự có năng khiếu phát triển. Một cô gái Việt xuất thân từ làng Vạn Vỹ mang tên Tô Hải Trân đã trở thành “hiện tượng” của âm nhạc truyền thống Trung Quốc khi biên tập và phát hành tập nhạc chuyên về đàn bầu hàng đầu Trung Quốc mang tên “Hải vận ma ảnh”. Và hình ảnh cô gái xinh đẹp, duyên dáng mặc áo dài, chơi đàn bầu bên cột mốc biên giới đã được in thành một bộ tem bưu chính. 

Bà Đỗ Thị Mỵ, còn được gọi là bà đồng Đỗ (người chuyên xem vận hạn tốt xấu cho dân làng) cho chúng tôi biết thêm rằng, vì lịch âm của người Trung Hoa và người Việt tương đương nhau nên người Kinh ở Giang Bình đón Tết cùng thời điểm với các sắc dân khác trong vùng. Hơn năm trăm năm sống xa quê gốc nhưng người dân Việt vẫn gìn giữ đủ những tập tục truyền thống của cha ông để lại, như từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, con cháu sẽ đi tảo mộ. Không sát sinh trong ngày đầu năm và duy trì ngày cúng hai bữa cơm trong mấy ngày Tết... Văn hóa tâm linh trong những ngày đầu năm mới rất được coi trọng. Các dòng họ chuẩn bị những quả lễ gồm nhiều phẩm vật địa phương để dâng tiến ra đình chung làm lễ tế thành hoàng và “thập nhị tổ sư” - mười hai người dẫn đầu mười hai dòng họ đã đưa con cháu đến khai khẩn đất này.

 Bài cúng tế của họ cũng có nhiều đoạn giống với bài tế của lễ hội đình Trà Cổ như “Chúc cho đất nước bình an thái hòa nhé, chúc cho người người được no ấm nhé, ai làm nghề nông thì hỏa cốc phong đăng nhé, ai làm nghề chài lưới thì tôm bạc cá vàng đầy đất chật bãi nhé, ai làm nghề buôn bán thì phát đạt, thuận bán vừa mua nhé...”. Điều xúc động là, người Kinh nơi đây vẫn giữ được nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống đã mang theo kể từ khi giong thuyền tìm đất mới như truyện kể dân gian, diễn xướng truyện Nôm, ca dao tục ngữ, các tục lệ cổ truyền, hát đám cưới, ngôn ngữ song âm tiết (la thi/ quả thị, la na/ quả na, la dưa/ quả dừa…).

Là người đã nhiều lần được xem lễ hội “hát đình”, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ tịch hội chữ thập đỏ Thiện Giao mô tả rằng, nghe giai điệu và ca từ của các điệu hát du dương, trữ tình giống như hát quan họ hoặc hát đúm. Nhạc cụ mà người dân nơi đây thường sử dụng để hoà tấu cho các màn hát đối, diễn xướng gồm có đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và cây đàn bầu là cây đàn đặc thù riêng có. Những truyện dân gian và cổ tích của họ rất nhiều và thường được kể dưới hình thức diễn xướng truyện thơ Nôm như truyện Thạch Sanh - Lý Thông; Tống Trân và Trần Cúc Hoa; Dương Lễ và Lưu Bình; Kim Trọng và A Kiều là những truyện có đôi chút dị bản song gần như vẫn đảm bảo mạch truyện và tuyến nhân vật tương ứng với các truyện cùng tên của Việt Nam.

Đặc biệt, tín ngưỡng hầu đồng của đạo Mẫu rất được sùng bái. Duy chỉ có một chút biến tướng là các ông đồng, bà đồng ở Giang Bình thường bắc ghế hầu tập thể từ ba đến năm người trên một chiếu hầu. Tôi thật sự rất ấn tượng là ngoài những đồ lễ, trang phục hầu của họ rất giống ở nước ta. Hỏi ra mới biết những đồ đó đều được đặt may tại thành phố Hạ Long, thậm chí cả nhóm cung văn hát cho giá chầu hôm ấy cũng được mời từ Việt Nam sang. Anh Thanh, một cung văn đàn nguyệt cho tôi biết, mỗi năm, vào dịp tiệc hầu tất niên (cuối năm), tiệc hầu thượng nguyên (đầu năm), anh thường đi xe khách ra Móng Cái rồi xin thị thực nhập cảnh sang đây làm. Cũng đắt sô chả kém bên ta. Có điều khi hát ở đây, lời văn phải hát bằng lời cổ của các cụ ngày xưa để bà con hiểu được mình hát gì.

Ngày nay, người dân Tam Đảo vẫn truyền khẩu câu hát xưa “Cha ông lưu lạc Phúc Yên chốn này” (Phúc Yên là tên cũ của thị trấn Giang Bình hay còn gọi là An Lang) và câu “Giang Bình, Trà Cổ có tổ Đồ Sơn” để con cháu nhớ gốc gác quê nhà và nơi đã cho họ an cư lạc nghiệp. Nhiều người Kinh trẻ tuổi đã trở về Đồ Sơn (Hải Phòng) và Trà Cổ (Quảng Ninh) thăm đất tổ, mở ra những hướng làm ăn, giao thương với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước bạn như khai thác du lịch lữ hành, buôn bán thuỷ hải sản, các mặt hàng thủ công…

Với số dân ít ỏi nhưng chính bản sắc văn hóa rất khu biệt và sự kiên trì không chịu rời bỏ phong tục tập quán của người Việt đã khiến cho chính quyền Trung Quốc phải chính thức công nhận họ là một trong cộng đồng 56 dân tộc của nước này. Và hình ảnh cô gái Kinh tộc đội nón bài thơ, miệng cười duyên dáng mời gọi trên các poster quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Tây đã khiến chúng tôi tự nhủ rằng, sẽ sớm có ngày quay lại nơi này.

Nguồn Văn nghệ số 26/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *