Chân dung văn

30/12
1:15 PM 2017

PHÊ BÌNH THƠ VỚI VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CÁCH TÂN THƠ HIỆN NAY

PHAN HUY DŨNG Thơ Việt Nam hiện nay có một bộ phận mang ý hướng cách tân rõ rệt, nhưng thường bị phàn nàn là đánh mất ý thức công dân, bỏ rơi những truyền thống quý báu, sa vào những tìm tòi bí hiểm, rắc rối, cầu kì, nhai lại những cái bã của thơ phương Tây, đề cập chuyện tình dục lộ liễu, trắng trợn...

Sự phàn nàn này chủ yếu xuất phát từ lớp độc giả trung thành của thơ cách mạng - nền thơ vốn được xây dựng và tuyên truyền trong suốt mấy chục năm qua.

Nó cũng xuất phát từ lớp độc giả vốn quen và chỉ chấp nhận cái chuẩn thẩm mĩ được kiến tạo từ phong trào Thơ mới, không có cơ hội hoặc không muốn tiếp cận những xu hướng phát triển, tìm tòi của thơ hiện đại thế giới...

Trong một thời kì khá dài, thơ Việt Nam (đúng hơn là thơ miền Bắc) tồn tại cách biệt với những trào lưu, xu hướng phát triển của thơ thế giới (trừ nền thơ chính thống trong lòng các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa). “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (Chế Lan Viên) - thái độ chính trị đó gần như chi phối thái độ đối với văn học. Độc giả sống riết trong một môi trường văn học có vẻ an bình, thuần nhất (thực sự khác với cái gay gắt, dữ dội của cuộc đấu tranh chống lại “hai đế quốc to”) nên dễ có ảo tưởng rằng văn học (hoặc thơ) chỉ có bấy nhiêu hình thức, thể loại, bấy nhiêu đề tài, chủ đề và các mặt hình thức, nội dung này của văn học (hoặc thơ) Việt Nam đã đạt đến độ hoàn hảo, tiến bộ, khiến cho nó có thể “đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống đế quốc trong thời đại ngày nay”. Nhận thức này được lí luận, phê bình một thời ra sức củng cố, quả đã in sâu vào tim óc của mấy thế hệ độc giả, tạo nên trở ngại không nhỏ cho sự tiếp nhận những mạch thơ khác, những nội dung, hình thức, thể loại khác của thơ xuất hiện sau này, khi đất nước đã bước vào thời kì phát triển mới.

Điều đáng nói nữa là, sau Cách mạng tháng Tám, do điều kiện đặc thù của đời sống chính trị, ở miền Bắc, Thơ mới bị đẩy vào quên lãng. Chỉ sau Đổi mới (1986), Thơ mới mới được phục hồi vị trí vẻ vang. Từ chỗ không có điều kiện (đôi khi tối thiểu) để tìm hiểu về một giai đoạn phát triển đáng tự hào của thơ Việt, độc giả lúc này lại có quá nhiều cơ hội để đọc và thưởng thức nó. Như một sự bù đắp cho những thiệt thòi mà phong trào thơ này phải gánh chịu, Thơ mới bây giờ được “nâng niu”, “chiều chuộng” hơi quá mức, và cái hay mang tính đặc thù (dĩ nhiên là có giới hạn) của nó phần nào đã được nhìn nhận như là cái hay chung của thơ mọi thời. Chính điều này cũng dựng lên một khó khăn, cản trở cuộc tiếp xúc giữa độc giả với thứ thơ bây giờ vốn sẵn tinh thần nổi loạn đòi vượt qua Thơ mới.
 

truyen ngan59



Không chỉ có vậy. Thơ Việt Nam từ xưa vốn đề cao chức năng tải đạo, không thích sự viển vông, xa xôi, và truyền thống này được thơ cách mạng củng cố. Nền thơ cách mạng lại được định hướng phát triển theo con đường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, dị ứng trên tinh thần chung với các tìm tòi hiện đại chủ nghĩa của thơ phương Tây. Chính vì vậy, tiêu chuẩn “Chân, chân, chân! Thật, thật, thật!” (chân, thật theo một cách giải thích đơn giản) gần như được coi là tiêu chuẩn cao nhất của thơ, của văn học. Mang sẵn cách nhìn ấy, niềm tin ấy để đi vào thơ bây giờ vốn chứa đầy thí nghiệm nhằm khám phá cái bí ẩn của thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức, nhằm hóa giải những “đại tự sự” hay nhiều khi đơn giản chỉ để khiêu khích một cái gì đã quá cũ, nhàm,... sự không hài lòng (thậm chí bất bình) tất yếu phải xảy ra trong tâm lí tiếp nhận của độc giả. Đó là chưa kể tới sự “khó hiểu” như một trong những đặc trưng của thơ hiện đại (theo sự xác nhận của nhiều nhà nghiên cứu) đã làm mệt óc người thưởng thức thơ, củng cố thêm định kiến đã nói ở họ.
 Do thấy mình “không có trách nhiệm” với sự thăng trầm của thơ (một ngộ nhận có thể cảm thông), sau khi buông xong lời phàn nàn về tình trạng thơ bây giờ xuống cấp, độc giả có thể quên đi tất cả, không còn để ý đến nó nữa. Bao nhiêu món ăn tinh thần khác do các phương tiện giải trí đa dạng của thời đại truyền thông cung cấp đã lôi cuốn họ. Trước tình hình đó, phê bình đã làm gì?

Ta đang chứng kiến hàng ngày cảnh phê bình trên nhiều tờ báo, tạp chí hoặc quay lưng lại thơ bây giờ, hoặc phụ họa với dư luận của công chúng, đưa ra những tiêu chí cũ để đánh giá thơ và tỏ thái độ nghi ngờ những giọng điệu thơ có khuynh hướng cách tân. Trong nhiều tiêu chí, tiêu chí “tính dân tộc” và “bảo vệ thuần phong mĩ tục” thường vẫn được nêu lên vào những lúc cần có quyết định tối hậu. Thật khó đối thoại với những lập luận được xây dựng dựa trên sự đối lập thơ bây giờ với những mẫu mực cổ điển. Từ tình hình này, những nỗ lực tìm tòi con đường mới cho thơ rất dễ bị cản trở. Điều đó vừa không có lợi gì cho thơ nói riêng, cho văn học nói chung, vừa không có lợi gì cho độc giả. Độc giả thành ra đã bỏ phí bao nhiêu cơ hội được tham gia sáng tạo cùng nhà thơ nhằm làm giàu có thêm vốn kinh nghiệm thẩm mĩ của mình.

Để có thái độ hợp lí trước những hành động cách tân thơ hiện nay, có lẽ phê bình nên xác định rõ hơn chức năng của mình. Chúng tôi tán đồng với Nguyễn Hưng Quốc khi ông cho rằng hai chức năng chính của phê bình là phát hiện cái đẹp và quy phạm hóa cái đẹp. Cũng có thể nói đến chức năng thứ ba: phủ định các quy phạm cũ, xây dựng quy phạm mới.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy phê bình chưa thực hiện tốt cả ba chức năng đã nói. Trên văn đàn, loại phê bình thực hành có vẻ được nhiều người theo đuổi hơn cả. Tuy nhiên, sự thực hành thường hướng đến việc đưa ra những phán đoán thẩm mĩ về các hiện tượng thơ đã được khẳng định. Ích lợi của hướng thực hành này là giúp độc giả tiếp nhận được sâu sắc hơn về những tác phẩm thơ mà họ đã quen, đã yêu, chí ít thì cũng đã... không ghét. Nhưng chính vì chỉ dầm chân ở đây, phê bình rất dễ đóng vai trò kéo dài bất thường sự tồn tại của những quy phạm cũ, khiến cho sau đó, việc tiếp nhận cái mới trong thơ của độc giả diễn ra khá khó khăn. Ca ngợi Thơ mới, thơ cách mạng và những mẫu mực của nền thơ cổ điển là việc tự nhiên cần làm. Cũng có thể trong việc này, nhà phê bình đạt được những khám phá mới và đưa ra được những cách tiếp cận mới. Nhưng nói cho cùng, nhà phê bình chỉ làm chủ được cách tiếp cận mới khi cái nhìn của anh ta về những hiện tượng cách tân văn học (bao hàm những hiện tượng cách tân đang diễn ra hiện nay) không mang tính chất hẹp hòi, cứng nhắc. Cá nhân một nhà phê bình có thể không bao quát được mọi đối tượng, có thể chỉ chọn cho mình một “khoảnh ruộng thơ” đã được vỡ hoang để tiếp tục thâm canh. Nhưng nếu số đông các nhà phê bình đều ngoảnh mặt (theo những cung cách khác nhau) với thơ bây giờ thì hiện tượng đó rõ ràng là tiêu cực. Hậu quả là những quy phạm nghệ thuật lỗi thời không chịu nhường chỗ cho những quy phạm nghệ thuật mới. Cuối cùng hiện tượng đem “thước ngắn” để đo “người dài” tất yếu sẽ xảy ra và nếu có sự không phù hợp thì lỗi thuộc về cái “người quá cỡ”. Còn có quá ít những bài phê bình tìm hiểu thật sâu sắc về các hiện tượng thơ “mới” theo hướng phát hiện và khẳng định để mở rộng biên độ của sự cảm thụ thẩm mĩ ở người đọc, giúp họ vượt qua được các rào chắn thẩm mĩ mà tìm đến với các sáng tác có tính cách tân. Tất nhiên, đã không có sự thực hành trên đối tượng mới thì sự điển phạm hóa, quy phạm hóa cũng chưa thể được bắt đầu, và do vậy, tình trạng thiếu lí thuyết trong phê bình sẽ rất khó tránh (khi nêu luận điểm này, chúng tôi không quên M.M.Bakhtin hay R.Barthes - những người chỉ tập trung nghiên cứu các tác gia cổ điển mà vẫn xây dựng được những quy phạm nghệ thuật mới, những cách nhìn mới cho phê bình văn học. Phải thấy rằng ở đây, hai bậc thầy ấy đã chọn hướng đi vào thi pháp thể loại hay vào cơ chế nội tại của tác phẩm văn học nói chung, còn Dostoievski hay Balzac nhiều khi chỉ tồn tại như những ví dụ minh họa cho các khám phá lí thuyết của họ).

Có thể ở bộ phận thơ mang ý hướng cách tân chưa có những tác phẩm thật sự xuất sắc và những tìm tòi không phải bao giờ cũng đạt được kết quả mong muốn, thậm chí có lúc đưa nhà thơ lâm vào ngõ cụt, nhưng lẽ nào bản thân những tìm tòi ấy lại không đáng được quan tâm? Từ chúng, ta vẫn có thể thấy ló dạng những tiêu chuẩn thẩm mĩ mới cần được khẳng định để mở đường cho thơ phát triển. Luận điểm này có thể bị phản bác: “mới” gì mà “mới”, đó chỉ là thứ nhảm nhí, phá phách thôi! Quả thật, cái “nhảm” bao giờ và thời nào chả có, nhưng một khi cái “nhảm” kia không dừng ở mức cá biệt mà kéo thành vệt, cuốn thành trào lưu thì chúng ta không thể đánh giá nó theo cung cách thiếu chuyên nghiệp, đơn giản và hời hợt. Cái hay mà ta thường đòi hỏi ở sáng tác chỉ thực sự hiện ra dưới con mắt biết nhìn, dưới sự phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm mĩ phù hợp, cùng với nó, thậm chí trước nó (trong điều kiện sống của chúng ta bây giờ) là những tiêu chuẩn đạo đức mới giàu tính nhân bản, biết tôn trọng sự tự do của con người. Người ta có thể phê phán hiện tượng “sinh dục hóa thơ ca” (chữ dùng của nhà văn Trần Vũ), nhưng sự phê phán đó chỉ mang tính chất đối thoại nghiêm túc một khi nó được luận chứng chặt chẽ, chứ không phải được phát biểu dựa vào ấn tượng chủ quan hay cái “gu” riêng của người viết như ta đã thấy ở một số bài phê bình về tập thơ Linh của Vi Thùy Linh hay về thơ của một số cây bút nữ trẻ Sài Gòn. Cũng tương tự, việc phàn nàn về sự thiếu vắng ý thức công dân trong “thơ trẻ” thường vẫn xuất phát từ một ý niệm khá cũ về chính cái gọi là “ý thức công dân” kia. Ý thức công dân trong thơ bây giờ có đặc điểm riêng, khác với thơ thời chống Mĩ. Chẳng phải bao giờ nhà thơ cũng nói thẳng ra được điều muốn nói, đó là chưa kể tới điều, họ, hoặc muốn biểu lộ tinh thần công dân trên tư cách một người làm nghệ thuật và theo kiểu của nghệ thuật, hoặc phủ nhận nó, không xem nó là một yếu tính của thơ...

Những người quan tâm đến sự phát triển của thơ Việt mong đợi phê bình từng bước giúp độc giả làm quen và thưởng thức được những giọng thơ mới lạ để cải tiến “khẩu vị” cho họ, thu hẹp khoảng cách thẩm mĩ giữa họ với thành tựu của các nhà cách tân (trong nỗ lực này, cần phối hợp giới thiệu các thành tựu của thơ thế giới đương đại trên một tinh thần cởi mở và hiểu biết, có thuyết minh, dẫn giải cẩn thận). Người ta cũng muốn thấy phê bình xây dựng được những quy phạm mới phù hợp với giai đoạn phát triển mới của thơ thông qua việc phân tích, cắt nghĩa lí do có mặt hợp quy luật của các hiện tượng thơ li khai với truyền thống cũ; ủng hộ việc lập nên những giải thưởng chuyên dành cho các sáng tác mang tính cách tân. Sau nữa, người ta chờ đợi phê bình đặt vấn đề nghi ngờ tính hợp lí của sự tồn tại các quy phạm cũ trong bối cảnh mới - những quy phạm mà chính phê bình trước đó đã cổ súy, ủng hộ; thấm nhuần “tinh thần lịch sử” khi thực hiện các công trình nghiên cứu chuyên sâu về những hiện tượng thơ của một thời đã qua. Những niềm mong mỏi (cũng là yêu cầu) nói trên không hề quá đáng đối với phê bình. Chẳng qua người ta muốn thấy phê bình chứng tỏ được sự tồn tại của nó trong ba mối quan hệ chính (cũng là những quan hệ xác định vai trò quan trọng của phê bình trong đời sống văn học): phê bình với độc giả, phê bình với sáng tác và phê bình với bản thân phê bình.

Hiện nay, không ít người, cứ nghe nói đến các cụm từ đa đa, siêu thực, tượng trưng, hiện sinh, hiện đại chủ nghĩa, hậu hiện đại... là dị ứng. Thơ nào bị liệt vào các loại đó đều có vẻ đáng ngờ. Hiện tượng đặc biệt này nảy sinh trên cơ sở một sự hiểu biết hạn chế, thậm chí méo mó về các trào lưu thơ, trường phái thơ của phương Tây và thế giới - sự “hiểu biết” mà phê bình từng truyền bá nhân danh sứ mệnh giữ gìn sự thuần khiết của nền thơ Việt. Thực tế đòi hỏi, đối với nhà phê bình, hoạt động “phê” phải đi sau hoạt động nghiên cứu có bài bản về đối tượng phê bình và học hỏi lí thuyết. Kiểu nói cảm tính và thiếu sở cứ trước hết sẽ làm hại thơ, làm hại độc giả và sau nữa, sẽ làm hại chính phê bình.

Đặt ra vấn đề cái thiếu, cái yếu của phê bình không đồng nghĩa với việc khẳng định thơ Việt bây giờ đang có những cách tân thực sự “tầm vóc”, đáng khâm phục. Do điều kiện phát triển đặc thù của mình, nền thơ Việt, nhìn trên nét lớn, đã đi chậm so với thế giới (hoàn toàn có thể nói điều này nếu ta đã thừa nhận quy luật phát triển theo hướng hiện đại hóa của văn học Việt Nam kể từ đầu thế kỉ XX). Trong tình hình đó, những nỗ lực học hỏi thơ thế giới, kể cả thơ đương đại lẫn thơ của những thời đã qua thật rất đáng khuyến khích. Có những cái thế giới đã đi qua nhưng ta chưa đi qua, tại sao lại không thể tiếp nhận và vận dụng nếu thấy cần thiết? Chẳng phải ông cha ta xưa từng học (hay là tập làm theo mẫu) thơ Đường, thơ Tống, khi thời thịnh của chúng ở Trung Quốc đã qua rất lâu rồi hay sao? Sự thực, việc vận dụng hoàn toàn khác với việc lặp lại. Chẳng hạn, quan niệm về thơ của Lê Đạt “Chữ bầu lên nhà thơ” mang dấu vết quan niệm của S.Mallarmé, P.Valéry và sau đó là của J.P.Sartre - toàn là những người của “thời xưa” - nhưng sáng tác của ông đâu có phải là sự mô phỏng tầm thường sáng tác của các nhà thơ nước ngoài mà ông học tập? Điều quan trọng là nó thực sự đã đưa lại những điểm mới cho thơ Việt bây giờ. Cũng vậy, không thể vì nghe Nguyễn Hữu Hồng Minh tuyên bố muốn khai mở một dòng thơ siêu hình ở Việt Nam mà kêu lên rằng thứ đó có gì mới đâu, so với phương Tây! Ở đây, vấn đề chính yếu là loại thơ đó đã làm phong phú thêm cho thơ Việt hiện nay như thế nào, cả về cách nhìn thế giới lẫn cách biểu đạt (thật ra, có cách biểu đạt khác tức là đã có cách nhìn thế giới khác). Đó là chưa kể việc ta không thể vin vào những lời tuyên bố (nhiều khi chỉ mang tính chất giật gân để gây chú ý hay để “tiếp thị”) mà đánh giá suông, không qua khảo sát thực tế sáng tác.

Nói tóm lại, đối với những người đang nỗ lực làm mới thơ Việt, người đọc thơ nói chung, trước hết là nhà phê bình phải thấy rằng họ đang muốn đóng góp cho nền văn hóa, văn học dân tộc. Nhân danh việc bảo vệ bản sắc dân tộc để bài bác họ là một việc làm thể hiện nhận thức chưa thấu đáo, và xét theo góc độ nào đó, là việc cản trở hành động làm phong phú thêm cái “bản sắc” đã có.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *