Chân dung văn

1/3
5:03 PM 2018

ĐÔI DÒNG VỀ SÁNG TẠO THƠ

Mai Văn Phấn-Thơ đương đại đang phân hóa mạnh và khá đa dạng. Đó là tín hiệu đáng mừng của đời sống văn học hôm nay. Người đọc cũng phân hóa theo nhiều khuynh hướng đọc, tự do chọn lựa phong cách thơ yêu thích.

                                         Nhà thơ Mai Văn Phấn

Tôi vốn là tác giả khởi nguồn và ra đi từ thơ truyền thống, kết hợp những tinh hoa của các khuynh hướng thơ khác, nhằm tìm đến một phong cách hiện đại mang đậm căn tính Việt. Thơ tôi mấy năm gần đây được các dịch giả và một số nhà xuất bản nước ngoài tuyển dịch sang một số ngôn ngữ khác. Kết quả cho thấy, những bài thơ tôi viết theo khuynh hướng cách tân được lựa chọn nhiều hơn. Vậy từ kinh nghiệm cá nhân, tôi xin tóm lược đôi dòng về công việc sáng tác.

Cũng như phần đông các tác giả cùng thế hệ, tôi từng chịu ảnh hưởng dòng thơ hiện thực và lãng mạn, một hệ hình thẩm mỹ vốn đã ổn định. Khuynh hướng này đã tạo được những đỉnh cao thơ Việt trong quá khứ, nhưng vì nó ngự trị văn đàn quá lâu nên đã trở thành thử thách lớn với những thế hệ thơ sau đó. Những tác phẩm ra đời kế tiếp theo khuynh hướng này thường mang cho bạn đọc cảm giác quen thuộc, đơn điệu, trơ mòn cảm xúc… Một số bài thơ của tôi trong giai đoạn khởi đầu đã chịu ảnh hưởng hiện thực và lãng mạn, nên khi dịch ra ngôn ngữ khác, đều có chung một nhận xét từ bên ngoài: đơn tuyến, ít gợi mở, lạc hậu.

Tôi đã cố gắng bước qua cái ranh giới vô hình trong quan niệm nghệ thuật cũ, nơi từ trong nhà trường mình được học tập, từng chịu ảnh hưởng vùng khí hậu văn học khi còn ở tuổi đôi mươi để đến với những hệ hình thẩm mỹ khác. Tôi hội nhập, và có lúc cũng bị xóa nhòa, rồi sau đó thoát ra khỏi những trào lưu ấy. Đó không phải một sai lầm, mà chính là một hành trình giúp tôi có được những tinh hoa của các khuynh hướng thơ khác, chủ yếu thịnh hành trong thế kỷ vừa qua. Tôi coi những tinh hoa đó là những dòng phù sa làm màu mỡ thêm cánh đồng thơ để gieo lên đó hạt giống của riêng mình, đơm hoa trái Việt.

Sự khác biệt giữa thơ tôi trước đây và bây giờ, như đã nói đôi lần, chính là cách thiết lập không gian và kết nối điểm nhìn. Có thể tạm ví giai đoạn khởi đầu của thơ tôi là hình học phẳng, với những hình thể rõ nét, dễ xác định. Chúng được mô phỏng, thậm chí sao chép lại các hiện tượng đời sống rồi kết nối các thi ảnh bằng cảm xúc. Nhiều khi cảm xúc ấy chỉ tập trung vào các thán ngữ, thán từ nên khi dịch sang ngôn ngữ khác, bài thơ đã không còn sức nặng, không còn thần thái như trong văn bản gốc.

Giai đoạn gần đây tôi chú trọng tạo dựng không gian đa chiều, đa điểm nhìn, mời gọi bạn đọc đồng sáng tạo với mình trong một thế giới thơ riêng, tạo được thái độ bình đẳng, gợi mở, không áp đặt bạn đọc khi tiếp nhận văn bản. Không gian đa chiều có khả năng kết nối, làm đồng hiện các chiều không-thời-gian, phục hoạt quá khứ, cho/ bắt nó cật vấn hiện tại, đối thoại với tương lai. Trong không gian đa điểm nhìn này, thái độ công dân, bản lĩnh nghệ sỹ, cũng như cái tôi nhà thơ được hiển lộ chân thực nhất dưới những góc quan sát khách quan và đa chiều của bạn đọc. Tôi đã từng gặp khó khăn khi mới tiếp cận thủ pháp này, bởi nếu biên độ tưởng tượng không mở rộng, nội lực sáng tạo không đủ mạnh và cảm xúc chưa thật sự thăng hoa thì người viết rất khó làm chủ được một không gian rộng lớn đã mở ra với những hình ảnh chuyển dịch đa phương, phức hợp, có lúc như không còn biên giới.

Không gian thơ đa chiều, đa điểm nhìn cũng tạo độ mở lớn cho người đọc khi tiếp cận tác phẩm. Mỗi người đọc thường đến với bài thơ bằng kinh nghiệm, trải nghiệm riêng và có thể cho ra nhiều kết quả khác biệt. Tôi nhớ lần trò chuyện với dịch giả - nhà thơ Erik Bergqvist, người đã cùng dịch giả Maja Thrane dịch thơ của tôi sang tiếng Thụy Điển, ông đã gọi những “kết quả khác biệt” như tôi vừa nêu là sự “tù mù” cần thiết của một văn bản thơ. Sự “tù mù” trong văn bản thơ hiện đại có thể ví như những nét vẽ đứt đoạn được kết nối với hình cạnh bên của khối lập phương để diễn tả phần chìm khuất của không gian phía sau, nơi mắt thường không thể quan sát. Hai dịch giả Thụy Điển đã yêu cầu tôi diễn giải, làm sáng tỏ những nơi “tù mù” trong những bài thơ của tôi, và qua đó, họ cũng hé lộ một phần bí quyết nghề nghiệp dịch thuật. Đó là cách các dịch giả trải rộng và soi tỏ sự “tù mù” trong một không gian thơ đến mức cần thiết, rồi sau đó họ lại “gói/ phong kín” chúng lại bằng vẻ đẹp bí ẩn, bằng đặc thù riêng của ngôn ngữ Thụy Điển. Khă năng, đúng hơn là tài năng của dịch giả chính là chuyển ngữ được những bí ẩn, lạ lẫm của thơ từ ngôn ngữ gốc, tạo nên sự hấp dẫn, quyến rũ của văn bản thơ trong những ngôn ngữ khác. Nói rộng hơn việc dịch thơ, là đưa một không gian văn hóa của dân tộc này dịch chuyển tương đồng với văn hóa của dân tộc khác mà không làm mất đi diện mạo, cội rễ tinh thần của văn bản gốc.

Cách thiết lập không gian thơ của tôi hiện nay tương đối đồng điệu với không gian thơ các tác giả đương đại ngoài nước mà tôi đã đọc được. Do vậy, vấn đề cốt tử với tôi hiện nay chính là làm hiển lộ, thêm đậm nét căn tính Việt trong từng tác phẩm. Theo tôi, đây chính là bản đồ biên giới xác định thơ của chúng ta có bản sắc khác với thơ các dân tộc khác. Nếu trong thơ thiếu căn tính này, có nghĩa, các nhà thơ đã đánh mất danh tính, giá trị khác biệt cần có.

Vậy thế nào là căn tính dân tộc trong tác phẩm thơ? Từ góc nhìn của người sáng tác, tôi quan niệm căn tính dân tộc là một thuộc tính mở và luôn được tiếp biến từ thị hiếu, tâm lý tiếp nhận của người đọc đương thời. Bởi, chính thị hiếu, tâm lý của mỗi người luôn được kết tinh và tiếp biến từ nền tảng văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán dân tộc. Khi căn tính dân tộc trong sáng tạo bắt đầu ổn định để trầm tích thành giá trị truyền thống, thì cũng là lúc cần thiết, nó phải giã từ giá trị đã bắt đầu cũ ấy để ra đi tìm những giá trị mới khác. Căn tính dân tộc làm nên cốt cách văn hóa của mỗi con người trong dân tộc ấy. Tương tự như vậy, căn tính dân tộc trong thơ đã làm nên diện mạo tinh thần của mỗi nhà thơ, là gương mặt tiêu biểu được tạo dựng bằng ngôn ngữ thơ của dân tộc. Mối tương quan giữa nghệ sỹ và căn tính dân tộc không chỉ đơn thuần là mối gắn kết như cây và cội, dòng sông và đôi bờ…, mà chính là sự tương liên bình đẳng, làm cho nhau phong phú thêm, giàu có thêm. Do vậy được hiểu, căn tính dân tộc luôn được bồi đắp, mở rộng bằng tác phẩm của nghệ sỹ, cũng như theo quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc.

Căn tính dân tộc luôn thường trực trong mỗi cá thể sáng tạo. Nhà thơ biết thắp sáng nó để tự thân anh ta càng mạnh mẽ, thực hiện thành công những cuộc ra đi. Hành trình của sáng tạo chính là liên tiếp những cuộc lên đường tìm đến những giá trị mới khác. Căn tính dân tộc trong thơ không phải là thuộc tính truyền thống dân tộc Việt trong sự hoàn tất, đó là một vẻ đẹp mới được cải biến từ bên trong, mang âm hưởng của những giá trị mang tính nhân loại. Chưa bao giờ như lúc này, thế giới hỗn độn với những đứt gãy của nó cần được hiển thị bằng một “tư duy thi ca” mới đủ sức nắm bắt cảm thức thời đại mà không bị chính sự hỗn độn của thực tại nhấn chìm.

 

Hải Phòng, 25/2/2018

M.V.P

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *