Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Bút ký: "Sông ngọc làng hoa" - Đào Ngọc Du

08-01-2015 09:16:23 AM

Tôi được sinh ra giữa những năm tháng mà tiểu thuyết Gánh hàng hoa của Khái Hưng, trong tủ sách Tự lực văn đoàn, vẫn đang là nỗi niềm thổn thức của biết bao tài tử văn nhân, và nhất là các thiếu phụ thiếu nữ Hà thành.

Tuổi thiếu niên của tôi trôi đi bàng hoàng trong Mơ hoa - sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Giác, với giọng ca quyến rũ của tài tử Ngọc Bảo: “Cô hái hoa tươi... Mắt mờ đoái trông... Hoa dù tán úa, tháng ngày chờ mong...”.

Giữa những câu văn tiếng nhạc một thời vang bóng ấy, luôn thấy ẩn hiện một dáng hình, khuôn mẫu của một lớp người Hà Nội cũ, chập chờn gần xa trên bờ nước Nam Hồ Tây, một mảnh đất đã bao đời rồi, là hương sắc chốn kinh kỳ thủ đô, mà lời tâm sự đặt lên đầu đoạn băng nhạc video mới phát hành của nhạc sĩ Hoàng Giác nói về cảm hứng sáng tác Mơ hoa từ mấy chục năm trước, đã gọi đó là: Những cô gái ở làng hoa Ngọc Hà.

Những cô gái ở làng hoa Ngọc Hà - “con gái ở trại Hàng Hoa, ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm” - tần tảo, sắc sảo, duyên dáng, kèm với những gánh hoa tươi của quê hương, ngày xưa luôn là những chấm son thon thả, thoăn thoắt di động trên khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội, đem lại cho nơi ngàn năm văn vật đất Thăng Long này, biết bao là sắc hương, là thi hứng, là cảm xúc nghệ thuật và cội nguồn sáng tác, chẳng mời gọi mà vẫn hấp dẫn, luôn cuốn những bước chân “yêu hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, từ khắp ngả, đến với Ngọc Hà.

Ngày ấy, đến với Ngọc Hà là có cả một vạt hoa, một thảm hoa, bạt ngàn tươi thắm. Vào làng, dù bằng con đường xưa vừa là đê vừa là thành, cạp theo vòng cung sóng nước mạn Nam Hồ Tây - bây giờ mang tên người thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế: Hoàng Hoa Thám - mà đi xuống; hoặc bằng con đường cái quan dẫn từ kinh đô lên Xứ Đoài xưa - mà ngày nay vẫn còn một đoạn phố, được đặt đúng tên là phố Sơn Tây - đi lên từ mé Nam làng; hoặc bằng ngay chỗ cửa Chính Tây của thành cổ Hà Nội - bây giờ đang nguy nga tráng lệ các tòa Lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nét trầm mặc, cổ kính, ngôi Chùa Một Cột - mà tạt vào; dù đi trên con đường trục hoặc các nhánh đường xương cá của làng, thì đâu đâu cũng thấy toàn hoa là hoa.

Minh họa của Trần Ngọc Qùy

Những vườn hoa, những luống hoa trải quanh những căn nhà nhỏ để trông nom hoa và sống nhờ vào hoa, khiêm tốn ở một chỗ khuất giữa hoa và trong hoa, cũng như là cả từng khóm hoa, cây hoa, ven tường nhà, trước sân nhà, ở làng Ngọc Hà ngày ấy, không biết có từ bao đời, mà việc trồng hoa và chăm sóc hoa, cả thú chơi hoa nữa, ở Ngọc Hà, đã thành ra nghề của làng. Vì thế, từ đại trà là hai thứ hồng và cúc, đến những thứ xưa đang còn là hiếm ít và quý lạ, như păng-xê, lay-ơn, hoặc thược dược, loa kèn, cả nhài và huệ nữa, trồng thứ nào và cách nào, đều có sự cẩn thận, tính toán ở Ngọc Hà. Vì từ đây, hương và sắc của làng, hàng ngày, là một phần cội nguồn không thể thiếu vắng, đối với phương diện sống rất có bản lĩnh: Làm đẹp và nên thiêng, cho Hà thành. Người Hà Nội ngày trước, luôn có Ngọc Hà là nơi từ mỗi sáng đến mỗi chiều, quanh năm suốt tháng, đem trao đến tận nhà, tận tay, hai thứ: Hoa cắm và hoa cúng, không như ở  các nơi khác, thường chỉ có hoa tết, cây theo mùa.

Ngày trước, những lần đến với làng hoa Ngọc Hà, tôi thường thử tìm xem những điều gì đã khiến cho nơi đây trở thành được một nguồn hương sắc quan thiết và thân thương đến như thế, đối với đất Hà thành. Và đã thấy không chỉ một lần: Có lẽ lợi thế trước hết, ở nơi này là cái vị trí kề cận cửa Chính Tây Thành cổ Hà Nội mà từ đây chỉ vài bước chân thôi, là đã vào đến chốn nội đô tấp nập phố phường rồi. Từ đấy mà nghĩ thêm: Cái vạt hoa sát mạn Nam Hồ Tây này, mà lại cận kề nội đô như thế, hẳn phải đã từng gắn bó lắm với, hoặc chính là cũng nên, khu Hoa viên Thượng uyển của Hoàng thành Hoàng cung Thăng Long một thời xa xôi nào đấy, nhưng vẫn bàng bạc và lấp lánh hiện hữu trong ký ức và hoài niệm của không ít thế hệ người Hà thành, là: Xưa ở mé vườn Tây Cấm chốn kinh kỳ. Chốn ấy là nơi này chăng?

Lại một lần tình cờ đọc trong sử cũ, thấy nói đến một cái chợ, tên là Hoàng Hoa Thị (chợ Hoa Vàng). Hoa Vàng thì chắc là hoa cúc rồi, nhưng hẳn cúc vàng ngày ấy không phải là mặt hàng độc nhất, mà chỉ là mặt hoa độc đáo của khu chợ có cái tên rất đẹp này. Vì ca dao Hà Nội cổ vẫn còn lưu lại cho tới nay một tên chợ nữa, mang tên một cái phương hướng, mà từ đấy có thể nhận ra vị trí của cái chợ có tên ấy, cũng là ở chỗ “chợ Hoa Vàng “ này. Đó là cái tên “chợ Tây“, trong câu ca xưa nói về những cô gái đảm đang chốn kinh kỳ, “bán mít Chợ Đông, bán hồng Chợ Tây”...

Chợ Hoa Vàng “ ở cửa Chính Tây cũng chính là cái “chợ cửa Tây “ này, để cho những cô gái đến bán những quả hồng mọng đỏ, vậy, hẳn là một cái chợ không chỉ có hoa cúc, mà còn là chợ của các loài hoa và quả. Đó phải chăng là nơi hóa thân, dịch phận, của khu vườn Thượng uyển trong Hoàng thành một thời xa xưa, khi xảy ra chuyện - theo các nhà nghiên cứu sử học, địa lý học, Hà Nội học... - đời Lê xây nhích Hoàng thành Hoàng cung từ Tây sang Đông, hoặc đời Nguyễn xây co lại Thành cổ Hà Nội, khiến để dôi dư, hoặc lọt ra ngoài nơi vua ở, cái vạt đất vạt hoa, dần dần chuyển hóa thành làng hoa Ngọc Hà này?

Bây giờ thì một khu chợ, mang đúng tên là chợ Ngọc Hà, vẫn đang nhộn nhịp chen chúc bán mua ở chỗ xưa đã là chợ Hoàng Hoa, rồi là chợ Cửa Tây này. Và một con phố dài, khởi từ chợ Ngọc Hà mà chạy men theo di tích đoạn tường thành Cửa Tây, men theo những rặng cây um tùm phía Tây vào Bách Thảo, đi thẳng lên đường đê - thành Hoàng Hoa Thám, trông thẳng ra bờ nước mạn Nam Hồ Tây, cũng có tên là phố Ngọc Hà! Hàng chục ngõ, ngách, đang được đánh số, mang biển - dẫn vào ngôi làng xưa - giờ đã thành ra một phường của quận Ba Đình - đều có cửa mở ra, thông với con phố Ngọc Hà này. Vậy, đây, ngày xưa hẳn là một con đường trục của làng. Và những nhánh đường xương cá trong làng, tỏa ra, nối vào, con đường trục, thì bây giờ hóa cả ra các ngõ ngách của phố phường.

Nhưng sao là đường, là ngõ ngách, mà lại đều mang tên là sông, và không phải sông thường đâu, mà là Sông Ngọc - Ngọc Hà?

Gần đây, trong khuôn khổ chương trình trọng thể kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt công trình nghiên cứu về chiều sâu lịch sử - văn hóa của vùng nhân kiệt - địa linh kinh thành - thủ đô này, đã đưa ra ánh sáng và giải đáp được rất nhiều điều thú vị. Chỉ riêng về làng hoa Ngọc Hà ngày xưa, thì hóa ra: Cái vạt đất một thời đầy hương sắc này, chẳng phải vô cớ mà lại có cái tên là Sông Ngọc, đẹp đẽ và cao quý làm vậy. Bởi vì, tra lại các bản đồ cổ, khảo sát, địa danh, địa mạo từ xa xưa còn lưu dấu lại, các nhà nghiên cứu vừa mới phát hiện thấy: Chảy trôi trên đất Ngọc Hà, trước kia, quả là đã từng tắm tưới tươi xanh một dòng sông cổ! Một đầu thông với dòng Kim Ngưu ở xa mãi về mạn Nam kinh thành, một đầu nối vào nhánh sông Tô Lịch chảy dọc đường Thụy Khuê (còn có tên nữa là Thụy Khê, với nghĩa: Dòng nước đẹp) mà thông với Hồ Tây (ở chỗ bây giờ là làng Hồ Khẩu: Cửa Hồ) - vùng nước từng cũng một thời có tên là hồ Trâu Vàng - dòng sông thiêng quý và cổ kính này, ở khúc chảy qua làng Ngọc Hà, có một nguồn tụ thủy tích nước, chính là khu hồ Ngọc Hà (Hữu Tiệp) hiện nay. Còn dòng chảy chính thì uốn lượn, kèm cạnh con đường trục của làng xưa - chính là đường phố Ngọc Hà bây giờ - xuyên qua và để dấu lại thành con hồ cong và dài, rõ ra hình một đoạn sông cổ, trong khu vườn Bách Thảo - trước đây là vườn Bách Thú, do người Pháp trích đất làng Ngọc Hà mà lập ra - rồi chảy thấu vào Hồ Tây ở ngay chỗ vườn hoa bên kia đường cổng vào Bách Thảo.

Thế là mạng sông Kim Ngưu - Tô Lịch, không chỉ quây lấy Hà Nội ở bên trong, cho thành tên đô thị “ ở trong sông” của đất Hà thành, mà còn có cả một nhánh sông quý - sông ngọc - chạy ngay trong khu vực vườn Tây Cấm - Ngự Uyển của Hoàng Thành - Hoàng Cung xưa! Lâu nay vẫn tưởng: Để tắm tưới cho những cành vàng lá ngọc, hoa thơm cỏ lạ ở nơi này, các nội nhân, thái giám cung đình xưa phải khơi giếng, đào hồ mà lấy nước, nuôi vườn. Thì nay, hóa ra là đã có nhánh sông quý này phù trợ rồi.

Lại còn phát hiện khảo cổ học mới công bố ở phần phía Tây Thành cổ Hà Nội nữa: Cùng với những nền điện, sân cung, mái lầu... đang bị vùi dưới hai ba mét đất sâu, còn khơi ra được nguyên vẹn một đoạn đáy sông, có chiều rộng đến 15m, chảy dọc theo hướng Bắc - Nam, nghĩa là đủ mặt nước cho những chiếc thuyền rồng vua ngự, có đoàn cung nữ buộc lụa vào thuyền mà kéo, đi men bờ hoa, ngày xưa từ vườn Tây Cấm trong nội cung, ngược thẳng ra du ngoạn Hồ Tây, ở sát ngay ngoài mé Bắc Môn của Hoàng thành...

Dòng sông xưa gắn bó nhiều bề với cung đình và hoàng triều Thăng Long như thế hiển nhiên xứng với tên gọi: Sông Ngọc - Ngọc Hà. Và khi những tang thương dâu biển, biến thiên và biến động của cuộc đời cùng thời gian đã xóa mờ, vùi lấp nó đi, thì danh thơm tiếng đẹp của nó vẫn còn để lại. Và rồi cuộc chuyển giao tên sông cho tên làng đã diễn ra. Làng hoa Ngọc Hà được thừa kế tài sản quý giá là cái tên đẹp của nhánh sông Ngọc mà sống còn cùng mé nước Nam Hồ Tây và bờ tường mạn Tây Hoàng thành.

Một làng cổ với cái tên đẹp như thế, gắn bó lạ lùng với dải đất viền quanh Hồ Tây như thế, vậy mà bỗng chốc đã biến dạng, thay hình, để đến mức không còn nhận ra đây là làng hoa Ngọc Hà xưa nữa, kể cũng thật tiếc. Đúng, cuộc đô thị hóa xô bồ, gấp gáp, ở Hà Nội, những năm gần đây đã biến làng hoa Ngọc Hà xưa thanh bình, rực rỡ sắc hương, thành khu đô thị mới. Nhớ làng hoa Ngọc Hà xưa, những người “yêu hoa nên phải đánh đường tìm hoa” ngày nào, bây giờ có lạc vào Ngọc Hà, là lạc vào một mê hồn trận kín mít, âm u, vô vàn những dãy dài dặc các khối nhà hộp, bê tông cốt sắt một màu xám xịt, chen chúc chật chội mà lô nhô hai ba bốn tầng, nhỏ xíu mà ngất nghểu, ken dày bịt kín tất cả các ngõ ngách, xưa là những con đường đất nhỏ, dọc ngang uốn lượn luồn lách giữa những vườn hoa, luống hoa thoáng đãng, nay cũng một màu bê-tông, xi-măng láng phủ lên trên những cống rãnh, che đậy bằng những tấm pa-nen đục lỗ thoát nước và thông hơi cho những bùn rác lầy lội phía dưới, còn bên trên thì rầm rập, ào ào, chen chúc mà phi như điên, đủ các loại xe hai bánh gắn máy, xả khói mù mịt, hoặc gầm rú xì ga, lúc bị ùn tắc thành đống trong cái mê hồn trận ngột ngạt đó.

Có một lần ngoi được ra khỏi một vụ kẹt xe ngay giữa làng, tôi thoát được tới một vùng trời nước thoáng đãng, may sao mà còn sót lại được ở Ngọc Hà. Con hồ cũng đã bị một con đường bê tông xẻ làm đôi, một nửa soi bóng mấy khu biệt thự sang trọng, một bên thì chính là di tích lịch sử bảo tồn xác chiếc máy bay Bê-năm-hai đã bị lưới lửa phòng không của quân dân thủ đô bắn hạ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, cuối năm bảy hai, rơi ngay xuống hồ, sau tấm bia xi măng kỷ niệm chiến công, dựng lên trên mặt hồ, bên đường.

Nhìn tấm bia ghi rõ hai chữ tên hồ - không phải Ngọc Hà mà là - Hữu Tiệp, tôi hỏi thử một người đàn ông trung niên, vừa ghé chiếc xe Honda phân khối lớn vào bên đường rồi tắt máy, ngồi rộng trên đệm xe, chống chân xuống đất, chờ cùng một đám đông người, xe cộ đủ kiểu đủ loại, ở quanh (chắc là vào lúc đến đón con cái từ ngôi trường tiểu học bên hồ, đang tan buổi học chiều). Đáp lời tôi một cách nhát gừng, người đó nói loáng thoáng giữa cảnh người lớn trẻ con bắt đầu nhốn nháo ồn ào gặp gỡ nhau: Vâng, tôi mới mua đất xây nhà, và mới đến ở đây, nghe nói chỗ này là đất một làng, tên: Hữu Tiệp - vâng, đây là làng, hồ mang tên làng - vâng, cũng là làng hoa...

Nhưng tuyệt nhiên không còn một bông hoa nào, chứ đừng nói gì đến luống, đến vườn. Vây kín quanh chiếc hồ nhỏ Hữu Tiệp, là nhà, là phố, là xi măng kè hồ, toàn một màu xi măng thô nhám. Chỉ có chút màu xanh, là của những cánh bèo tấm trên mặt nước hồ, dập dềnh cùng đám kim loại, cũng màu xám xịt, của những mảnh xác máy bay rơi. Nhớ lại, cách đây không lâu, những tấm ảnh chụp nơi này, vẫn thấy còn cảnh, còn đất, cho cả cô gái đang tưới hoa, lẫn những luống hoa, vườn hoa, làm nền và tôn nghĩa cho cái di tích chiến công kỳ diệu này...

Tuy nhiên, một lần khác, lại đến với Ngọc Hà, tôi đã thấy vẫn còn một mảnh hương hồn làng hoa xưa được giữ lại ở một góc khác, trong nơi mới thành “phố phường chật hẹp người đông đúc” này. May thay, tuy đây chỉ còn lại một mảng đất hai trăm mét vuông! Vợ chồng người họa sĩ già hồ hởi đón tôi ngay ở đầu chiếc cổng vòm, gợi một nét kiến trúc phương Đông, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Một khoảng sân nhỏ với những giỏ phong lan đu đưa, khoe hương, khoe sắc, vừa có đủ dáng thiên nhiên hoang sơ, lại tỉa tót tinh tế những nét gia công, thiết kế mỹ thuật trang trí, nhà vườn đô thị. Căn buồng nhỏ là cả một bảo tàng xinh xắn của “nghệ thuật sắp đặt” với những kỷ vật thân quen từ trong di sản quá khứ của đất nước, điểm xuyết cả những huyền bí của vài chiếc linh vật từ châu Phi, châu Úc xa xôi, tôn lên khéo léo mấy tác phẩm lụa, sơn dầu của chính chủ nhân về cảnh Tây Bắc, Bà mẹ Thái, Cô gái Tày... Bất ngờ đến sững sờ là khu vườn sau nhà: Những chùm dây leo xanh, những buồng hoa chuối rừng đỏ... thả dọc trong không gian theo “lối buông” của mỹ thuật thủy mặc Trung Hoa cổ điển, vừa che vừa gợi một điểm nhấn, của “lối nhấn” cũng ở mỹ thuật phương Đông từ xưa: Chính là mảnh xác máy bay B.52 cháy xém, đầy tính quái vật, nấp khuất nhưng vẫn lù lù, xù xì, ở một góc cuối vườn!

Ngày ấy, trong trận mưa bom của máy bay B.52 Mỹ vào đêm Giáng sinh, tôi đang còn là tự vệ trực chiến ở Xưởng phim hoạt hình - họa sĩ chủ nhân kể - thì nghe gọi khẩn cấp về nhà ngay! Chính là ngôi nhà này đấy! Nó đang cháy đùng đùng, vì ngày ấy, đấy chỉ là một ngôi nhà đơn sơ giữa làng hoa dân dã, cổ xưa. Những mảnh xác máy bay kia, đúng ở chỗ ấy đấy, vẫn mù mịt khói, khét lẹt! Không!  Đất chỗ ấy, bây giờ, không bình yên thảm cỏ khóm chuối như lúc này, mà là cả một vùng hố sâu, lồi lõm toang hoác, do chính chúng nó đào lên...

Thế là “đắm đò giặt mẹt”, không ngờ lại “giặt” thành nên một chốn tuyệt kỹ của nghệ thuật nhà vườn yên tĩnh giữa phố phường nhốn nháo, tại nơi ngày xưa là làng hoa Ngọc Hà này! Cái nỗi đau tan cửa nát nhà vì chiến tranh của vợ chồng người họa sĩ già mấy chục năm trước, có lẽ không mấy khác nỗi buồn mất cửa mất nhà do đô thị hóa của nhiều người Ngọc Hà mấy năm gần đây, khi họ cầm một “cục tiền” do những người nơi khác trao cho, lúc người ta đến làng, mua đất xây nhà. Nhiều người dân Ngọc Hà đã ngậm ngùi khi thấy những tốp thợ đập đục phá đổ những ngôi nhà cũ của mình, nhổ bật lên những gốc cây nhà mình, và nhất là cày xới tan tinh những luống hoa, vườn hoa làng mình, để thay vào đấy, bằng những khối xi măng, sắt thép của các tòa nhà kiểu đô thị, phố phường...

Nhưng, tuy cùng chung nỗi buồn đau mất mát như thế, vẫn may sao - hẳn là do tâm huyết của con người, cũng như có phần nào chăng là cái lương tri, cái “hồn làng” còn đọng lại đâu đó - mà người bạn họa sĩ của tôi đã không bị lôi cuốn vào cơn sốt đất của làng, mặc dù đất nhà ông nếu tính ra vàng thì đó là một tài sản lớn, để cố giữ lại cho Ngọc Hà một khu nhà vườn - một bảo tàng B.52 gia đình duy nhất ở Hà Nội, bổ sung thêm một hiện vật, một bằng chứng cho bảo tàng B.52 quốc gia ở hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà xưa. Một mảnh đất của Thập Tam Trại phía Nam Hồ Tây, huyền thoại mộng mơ, mang tên Sông Ngọc - Ngọc Hà.

(Nguồn: Báo Văn nghệ số 1+2 / 2015)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn