Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Trương Ngọc Lan – đẹp và buồn trong “Nắng lạ”

(Đọc tập thơ Nắng lạ, Nxb Hội Nhà Văn, 2014)

Phạm Hồ Thu - 20-12-2014 08:28:06 AM

Trương Ngọc Lan là một cái tên không lạ với bạn viết, nhất là bạn viết Hà Nội. Nắng lạ là tập thơ thứ mười của cô giáo dạy dương cầm này. Nếu ai "theo dõi" con đường thơ của chị đi, chắc chắn sẽ đồng tình với tôi rằng: Với Nắng lạ, Trương Ngọc Lan đã khẳng định một bản sắc riêng, giọng nói riêng cho thơ mình với một vẻ đẹp buồn và xao xuyến. Đó là một vẻ đẹp và xao xuyến rất đặc trưng cho những tâm hồn thiếu phụ Hà Nội còn mang chất lãng đãng của một "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" (Bà Huyện Thanh Quan) hay những nỗi buồn thu da diết kiểu của nữ sĩ ẩn danh T.T.K.H "Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi, người ấy có buồn không" (Hai sắc khoa ti gôn - T.T.K.H ). Hãy nghe Trương Ngọc Lan tâm sự:

Có con thuyền lạc giữa sông

Có vầng trăng nhạt khóc trong lá gầy

Có điều ước bay lên mây

Có bao nhiêu sự mảy may tay cầm...

... Tay buồn rớt cuộn chỉ màu

Làm sao kết nối những câu hẹn thề?

(Còn cỏ tháng nào)

Và chị "Gọi người yêu dấu": "Trong mơ gọi người yêu dấu/ Mê man giọt lệ chơi vơi/ Gối mềm tay ta nghiêng lấy/ Nào đâu vai ấy đầy vơi..." Trong thơ Trương Ngọc Lan, dù ở đâu, dù nói về cái gì ta cũng cảm thấy chị đang đi tìm lại một dấu tích huy hoàng của một thời quá vãng,  đang đi tìm ảnh hình biền biệt của một tình nhân mà ảnh hình người ấy còn ghi dấu mãi trong tim: Tiếng hát như mạch nước ngầm/ Dâng lên xứ sở/ Tiếng hát như người tình/ Tìm về đổ vỡ..." (Tiếng hát liêu trai); hay Tình xưa mất tích còn âm bản/ Lang thang trên giấy đợi tàng hình/ Chiều nay mây trở thu nức nở/ Những chấm buồn thương đậu vai mình" (Những chấm buồn). Ta bỗng cảm thấy gặp lại một T.T.K.H khi đọc những câu thơ:

Từ dạo người đi xa

mộng mị tàn hoa

khát khao hoá đá"

(Sang màu)

 Em về  vườn vắng

Tạ từ mây trôi

Những đêm gió lạnh

Lá rụng tơi bời

(Tạ từ)

Chiều mưa gõ cửa nỗi buồn

Sân trong quỳnh lá bồn chồn đong đưa

(Chiều mưa)

Nhắm mắt vẫn tưởng có sóng

Dập dềnh đâu đây

Biển cạnh mình

Nhắm mắt nhớ líu díu

Lấm cát bốn vết chân

Bình minh lên từ nơi không biển"

(Giọt mặn)

Đọc thơ Trương Ngọc Lan, ta không gặp những tứ thơ quá lạ hay những câu thơ chói chang. Đôi khi ta còn thấy chị hơi "hồn nhiên" khi lập tứ, đặt câu, đặt tên bài, tên tập thơ. Nhưng thơ chị lắng lại ở ta một vẻ đẹp tâm hồn - một tâm hồn mang đậm chất thiếu phụ Hà thành một thuở với vẻ u uẩn, lãng mạn, xa vắng mà nhiều kẻ vay mượn chất này không bao giờ có được. "Em đang đến với cặp mắt ướt/ Giấu giọt thầm mặn hơn nước mưa" - tôi thích thú "nhặt" được câu thơ này của chị trong bài "Điện thoại di động" - một cái tên chẳng mấy liên quan đến câu thơ. Và nếu "lang thang" trong miền thơ của chị, ta sẽ có thêm nhiều lần thích thú như vậy khi những câu thơ tương tự ẩn hiện:

"Kỷ niệm hộp nhỏ hộp to

 Im lìm xâu thành tràng chuỗi

 Bất ngờ xổ lạt tuột dây

 Rơi ra một thời đắm đuối"

(Kỷ niệm)

 Hay một "phôi pha":

"Ngày xuân sao vội phôi pha

 Hoa tươi nhanh kẻo tình ta chóng tàn

 Nước mắt dắt díu lang thang

Cũng tan trên biển dưới ngàn mà thôi

 Ở nơi sâu thẳm, tim ơi

Lời xưa cố níu cũng rơi rụng dần

(Phôi pha)

Hay những "Thềm trăng níu bậc gầy" (Giật mình ngó lại); "Tím tái mắt tìm thu cũ" (Không biết); "Ngày nào cũng bơi/ Trên sóng cơm áo (Như là trò chơi); "Thì thôi yên nhé/ Thiền cùng ta không?" (Lời nhắc); "Nhưng thơ nào cưới được ai nhỉ/ Chỉ con đường nhỏ cỏ lơ ngơ" (Chỉ con đường nhỏ).

Xin đọc toàn bộ bài thơ "Nắng lạ":

Tôi về dọn dẹp hồn tôi lại

Gói mấy bơ vơ của một thời

Bây giờ nắng lạ chan khô mắt

Ngược dòng phố xá rơi

Tôi về dọn dẹp hồn tôi lại...

Nắng lạ là tên bài thơ cũng là tên tập thơ thứ mười của Trương Ngọc Lan vừa xuất bản giữa năm 2014. Không vượt trội so với một số tập thơ xuất bản trước đó của chị, nhưng điều đáng bàn chính là tập thơ này ghi dấu ấn rõ nét về phong cách thơ chị và nhất là tâm hồn chị - một tâm hồn lãng mạn, u sầu, trong trẻo như Hà thành thuở xưa của chị và của chúng ta.

Đọc thơ chị trong một ngày đầu đông Hà Nội thoáng heo may và mưa phùn, ta như nghe tiếng dương cầm thánh thót và nghe tiếng vỗ cánh của đàn sâm cầm hồ Tây, bỗng muốn cùng người bạn thân khoác tay nhau ra phố, đi dọc Bờ Hồ nghe sương rơi hoặc cùng ngồi vào quán cà phê nhâm nhi một ly cà phê nóng...

Hà Nội đầu đông, 2014

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn