Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tự thân và hướng thiện

Nguyễn Hòa Bình - 10-12-2014 10:22:39 PM

Tập thơ Vượt dốc của Đăng Cương Lăng

Thơ, ở một góc độ nào đó, vẫn là quá trình ghìm nén và giải thoát. Ghìm nén để giải thoát và giải thoát rồi ghìm nén. Và đối với thi sĩ, thơ còn là hành trình tìm kiếm, tích lũy và nhào nặn  không ngừng, không nghỉ về mọi mặt, mới mong  cán được cái đích rất khó nắm bắt và ngỡ như rất vô hình, phi vật thể này. 

Chưa kể, hành trình này là hành trình rất riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân, trải nghiệm và đôi khi là sự một đi không trở lại. Cho nên, không phải vô cớ mà Schopenhauer – nhà triết học người Đức, cách nay trên 150 năm, mới quan niệm (đại ý): Thế giới là những gì tôi nhìn thấy và tôi nhận thức, tôi phản ánh. Hay nói một cách khác: Trong nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, thơ chính là “cái tôi thấy”, “cái tôi nhận thức” và “cái tôi phản ánh”.

Do vậy mà mỗi nhà thơ đều phải có sự sáng tạo của riêng mình, được biểu hiện cụ thể  thành “cá tính của ngòi bút”? Và chính “cá tính của ngòi bút” khiến người làm thơ phải thường xuyên  làm những cuộc xoay trở, đôi khi là  ngược dòng hoặc vượt dốc, tự ngay trong bản thân mỗi người.

Phải chăng vì có một xuất phát như vậy mà  nhà thơ Đặng Cương Lăng mới đặt tên tập thơ thứ sáu của ông là Vượt dốc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3/2014)? Và Vượt dốccũng là tên một bài thơ trong tập thơ này của ông:

Leo núi

Trèo đèo

Lên rừng

Xuống biển…

Những con đường, những cây cầu lên lên, xuống xuống, xuống xuống, kên lên

gian nan, hiểm trở

 

Những con dốc của cuộc đời đón đợi

 

Biết vượt dốc là cách sống xưa nay của mỗi con đường, mỗi cây cầu mà con người phải học. 

Theo Vượt dốc, cuộc đời luôn có những con dốc đón đợi và điều quan trọng là phải “biết vượt dốc”. Nhưng “biết vượt dốc” từ khởi thủy, lại thuộc về mỗi con đường và mỗi cây cầu. Đó cũng là bài học mà con người phải học từ mỗi con đường, mỗi cây cầu. Nói một cách khác là “học tự nhiên”.    

Tứ thơ đã chạm đến sự hàm ý và hàm chứa.

Một bài khác ngắn hơn, rất gần với thể thơ tứ tuyệt, có tên là Xuôi và ngược: 

Mưa rơi trên cao

Nước chảy xuống thấp

Thác trời đổ xuôi

Dòng đời chảy ngược.

 

Thoạt đọc, ngỡ không có gi. Nhưng đọc kỹ, lại thấy có gì, thậm chí rất có gì.

Ba câu đầu thiên về quan sát, tổng kết theo chiều xuôi, đến câu thứ tư (câu kết), đột ngột lật ngược. “Quy luật tự nhiên khác quy luật xã hội” – đấy là điều được rút ra. Và tứ thơ Xuôi và ngược đã gặp gỡ tứ thơ Nếu hòn sỏi nói của nhà thơ người Đức B. Brecht viết cách đây 60 – 70 năm:

 

Khi bạn tung hòn sỏi lên trời

Hòn sỏi nói tôi sẽ rơi xuống đất

Bạn tin hòn sỏi kia nói thật.

 

Nếu có ai ném bạn xuống nước

Chắc chắn bạn sẽ bị ướt.

 

Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp

Thì bạn chớ vội vàng tin

Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.

 

Điều này cho thấy: Trong thơ ca,có lắm khi hoàn toàn do vô tình, người làm thơ nay đã bắt gặp người làm thơ xưa về mặt ý tưởng, rồi triển khai theo kiểu của mình. Có thể chính vì thế mà thơ ca ngày càng phát triển sinh động và phong phú thêm chăng?

Ngay trong làng thơ ta, cũng từng có chuyện này. Màu tím hoa sim của Hữu Loan có trước, sau đó là Núi đôi của Vũ Cao, cuối cùng là Quê hương của Giang Nam. Hai bài ra đời thời chống Pháp. Một bài ra đời thời chống Mỹ. Cả ba bài đều khởi đầu từ cái ý “nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Vậy mà cả ba bài đều tồn tại, đều được chấp nhận và cũng đều hấp dẫn người đọc đấy thôi.   

Bên cạnh Vượt dốc, Xuôi và ngược… đương nhiên là còn nhiều bài thơ khác, cũng rất đáng chú ý.   

Đi câu là sự đụng nỗi đau của người đi câu giữa cuộc đời: Cá ăn vòng, cá ăn ngay/ Phao chìm vội vã giật ngay bóng mìnhTự do là sự phân biệt giữa tự do bị săn đuổi và tự do bị nhốt (của loài chim). Trong khi có loài chim suốt đời bay nhảy lại mất tự do vì bị bao loài săn đuổi, thì lại có loài chim tháng ngày bị giam hãm mà được tự do bởi chẳng bị kẻ nào bắt bớ. Bản chất của hai loại tự do này được tác giả chốt lại: Mất tự do trong rừng/ Trong khi tự do bị nhốt và kết thúc là một lời than đau đớn: Ôi, tự doGiọt nói lên cái cốt lõi muôn thuở của sự xa nhau và gần nhau của tình thương, tình yêu: Xa nhau là độ nén/ Gần nhau là dâng trào. Mai này đưa ra một suy nghĩ khác người: Nếu mai này, tôi chết/ Hãy thả tôi vào sông/ Đừng chôn tôi vào đất/ Để khi tôi chẳng còn/ Vẫn không yên như nướcThơ hai câu đột ngột rẽ sang hướng chiêm nghiệm, khái quát. Nói một cách khác: Đó là những cặp thơ chiêm nghiệm để khái quát và khát quát từ chiêm nghiệm, rất đáng để suy ngẫm: Đường ác vội vã mang trong mình mầm họa/ Đường hiền thong dong chứa trong mình chồi hạnh phúc bền lâu và Không thể có một quốc gia, người người đều nói dối như nhau/ Sự thật mới chính là căn nguyên tồn tại

Trong Vượt dốc, liều lượng thơ viết về con đường, về cây cầu (cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa hẹp và nghĩa rộng) chiếm một con số áp đảo. Đó là Đường về Điện Biên, Những con đường, Nói với con trai về cầu vượt, Cây cầu duyên nợ, Con đường hẹn ước, Đường ra biển, Đích đến, Cầu vượt và vượt cạn, Đường tham vọng, Theo suốt cuộc đời ta…

Với Đặng Cương Lăng, Đường về Điện Biên vẫn là con đường máu thịt một cách truyền thống và vẫn:  Vang mãi khúc Điện Biên trong một ngả chín năm;  Cây cầu duyên nợ(cầu Long Biên) vẫn còn xôn xao khôn nguôi trong ký ức: Hỏi bến Bồ Đề/ Con đò còn nhớ? Hỏi sông Cái xưa/ Sóng còn nức nở?/ Trải bao gió sương/ Chiếc cầu duyên nợ/ Long Biên còn đó/ Đi ngang Hồng Hà;  Đường ra biển không xa vì Biển đảo quê hương ở ngay giữa lòng mình và vì Con đường nào cũng máu thịt dân ta…    

Với Đặng Cương Lăng, chiếc cầu cũng là con đường và con đường cũng chính là chiếc cầu “mang trên mình bao nhiều mưa nắng” để “nối cô đơn với cô đơn”, “nối hoàng hôn với bình minh” tạo ra “tình duyên hội ngộ”. Chính vì thế mà cả chiếc cầu và con đường mới “theo suốt cuộc đời ta”.

Con đường ấy là con đường hôm qua: Dằng dặc Trường Sơn một thuở/ Hun hút Năm Căn một thời/ Phía trước những con đường luôn có ngã ba chia ly/ Có ngã tư sum họp/ Cả ngả năm, ngã sáu, ngã bảy mất mát/ Những người lính ra đi không hẹn ngày về…Đó là con đường hôm nay và ngày mai: …Vội vã hôm nay/ Những con đường hứa hẹn một ban mai/ Những con đường hứa hẹn một rộng dài/ Chẳng dễ gì đoán được…Nhưng dù là con đường gì đi chăng nữa thì gốc gác vấn là Điều quan trọng: Tất cả đều háo hức/ Cùng nhập vào cái đích cuộc hành trình và chúng luôn Ngay dưới chân mình cả thôi.   

Với Đặng Cương Lăng, bất kỳ con đường nào cũng có nhiều ngả và bất kỳ con đường nào cũng cần có cầu vượt. Vì thế trong Nói với con trai về cầu vượt, ông mới viết: Những ngả đường, con qua/ Cần rất nhiều cầu vượt/ Những hành trình, con qua, Còn nhiều cầu để vượt. Ông cũng khẳng định trong Đích đến là Đường muôn ngả mà mỗi người phải tự tìm lấy cho riêng mình.

Rồi từ nghĩa đen, Đặng Cương Lăng “trượt” và “mở”  đến nghĩa bóng. Ông liên hệ cầu vượt với vượt cạn – một hiện tượng của cuộc sống – cụ thể là hiện tượng người mẹ sinh con: Có một lần lặng lẽ vượt gian nan/ Giữa đất bằng/ Em qua cầu – vượt – cạn. Rồi ông liên hệ con đường bình thường với con đường khác qua Đường tham vọng và cảnh tỉnh: 

Đường tham vọng cao ngất

Bên: Vực thẳm tiền tài

Bên sông sâu nhan sắc.

 

Đường tham vọng rộng dài

Nhưng chưa đầy gang tấc

Chệch một ly  đường ray

 

Ta đâu còn ta nữa!

 

Sau khi cho xuất bản những Trở về, Thắp lửa, Khát vọng, Đất làng, Mùa thiêng và gặt hái được những thành công qua việc giành một số giải cao các cuộc thi thơ của nhiều tờ báo, đến Vượt dốc, thơ Đặng Cương Lăng ngày một cô đọng hơn, dồn nén hơn, giàu chi tiết hơn và có khả năng bao quát hơn. Ông cũng bắt đầu một quá trình đào thải  những rườm rà, ôm đồm không cần thiết. Có  cảm giác, ông đang lắng  mình, thanh lọc mình, đồng thời cũng là để trải lòng mình ra mà viết.

Đó cũng là kết quả của một người say mê thơ, luôn coi thơ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và luôn hướng tới nó một cách tự thân, hướng thiện.

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn