Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Con rất sợ giao thừa" - Lê Thị Bích Hồng

16-03-2013 11:01:37 AM

VanVN.Net – Nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Có một lần, ngồi trong quán nước ở khu chung cư, chờ đón con trai học thêm và thật tình cờ tôi nghe thấy câu chào của cậu bé chừng 10 tuổi “Con chào bố! Con về nhà con đây...”. Thì ra, nhà bố, nhà con không ở trong một nhà... Thằng bé chậm chạp bước, nhưng vẫn ngoái cổ lại nhìn cha và người cha nhìn hút theo bóng con mãi mà vẫn chưa trở gót... Hình ảnh và câu chào đó cứ đeo bám trong đầu và ám ảnh tôi không dứt... Và truyện ngắn của tôi được gợi ý từ câu chuyện đó. Trẻ con sợ... giao thừa? Nghe có thể thấy lạ và hơi phi lý...nhưng sẽ không lạ... khi tỷ lệ ly hôn ở nước ta ngày càng tăng; khi càng có nhiều ông bố bà mẹ ly hôn nhưng ít để tâm đến suy nghĩ của con trẻ. Tâm trạng của cậu bé có làm ông bố, bà mẹ phải suy nghĩ?”

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa giao thừa sẽ đến. Thời tiết năm nay thật đỏng đảnh. Chỉ mấy hôm trước nắng hanh hao, thế mà hôm nay trời đổi gió, chuyển lạnh đột ngột. Hạt mưa rắc dày “đồng lõa” với cái rét buốt giá như muốn cắt da, bầm thịt. Tôi thảng thốt, lo sợ. Nỗi sợ cố hữu của đứa trẻ hoang hoải, ngơ ngác ngay trong chính nhà mình. Vây bám trong đầu thằng bé chưa đến 14 tuổi là cả mớ những câu hỏi lạ kỳ, có vẻ như ngu ngơ, người ngoài nghe chắc là khó hiểu nổi “Đêm nay, mình ở đâu?”, “Về nhà bố, hay nhà mẹ...? Có được gặp em trai không?”... Ngôi nhà thân thương gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ bỗng trở nên xa lạ. Tôi dùng dằng giữa hai nửa yêu thương: Một bên là bố triền miên trong trạng thái tỉnh say như muốn quên đời. Một bên là mẹ hân hoan với niềm đam mê mới. Từ khi bố mẹ chia tay, tôi hẫng hụt, tuyệt vọng. Ai chưa từng bị bỏ rơi sẽ không biết sự khốn khổ này. Tôi khác tôi trước đó đến không ngờ. Sự bỏ rơi khiến tôi tự thấy mình như kẻ thừa, bị bỏ quên, có khi chẳng khác mấy quả bóng mặc sức cho người lớn lăn đá. “Của để dành” – mẹ vẫn thường say sưa mỗi khi nói về con cái, nhưng thực tế khác không phải thế. “Tài sản” đã bị “phát mại”, phân tán te tua. Cụm từ hoa mỹ “của để dành” bị “phá sản”. Tôi sống với bố. Còn em Tú ở với mẹ. Xem ra, anh em tôi như chẳng thuộc về ai. Hình như bố, mẹ đều cho rằng mình ngoại phạm, là kẻ vô can...

Tết gõ cửa mọi nhà. Còn nhà tôi thì hương tàn, khói lạnh. Ngôi nhà bỗng hoang toàng vắng lặng. Nếu không có đồ của dì và cô tôi mang đến thì không có chút tết nào “len chân” được vào đây. Tôi lo thêm cả việc của bố. Chẳng biết bố con tôi sẽ ăn tết kiểu gì. Bố vẫn chìm trong cơn say. Mùi rượu nồng nặc quện cùng mùi chua chua, tanh nồng từ “sản phẩm ma men”. Tôi đã từng ói mửa với lần đầu tiên chạm mùi vị ghê người ấy. Mùi lạ đặc biệt ám ảnh tôi khá lâu, khiến chỉ nghĩ đến thôi, cũng khiến tôi rùng mình, túa mồ hôi. Nhưng cái vị ấy cứ tuần hoàn đều đặn. Ở lâu với nó, tôi buộc phải có cơ chế “tự thích ứng”. Lúc nào không hay, với tôi mùi nào cũng vẫn giống nhau cả. Hương ngọc lan, hay mùi cống rãnh, rượu thịt ôi thiu... cũng vậy mà thôi. Khướu giác, thị giác của tôi thực sự “có vấn đề”...

Chiều 30 Tết. Tôi móc ruột “con lợn đất còm” bị “đứt bữa” triền miên như chủ của nó được hơn 50 chục ngàn. Toàn tiền 1000đ, 2000đ nhàu nhĩ. Với số tiền đó có thể mua được gì? Vuốt lại mớ tiền lẻ cho phẳng phiu, nhét tiền vào túi, tôi dắt xe ra đường. Ngang qua bãi quất, đào, tôi tần ngần dừng lại... Từ mấy hôm trước, xe ô tô cứ ùn ùn chở quất, đào về Hà Nội. Người bán hàng dựng lều lán ăn ở đó luôn. Họ trông chờ, hy vọng vào vụ thu hoạch này. Kết quả cả năm phụ thuộc vào “canh bạc”. Nhưng đã đến chiều 30 tết mà số hàng vợi đi không là mấy. Quất, đào năm nay rớt thảm hại. Bóng chiều đổ ập. Chiều 30 Tết vắng lặng. Lúc ấy, bác bán hàng - chạc tuổi ông nội tôi – đội mũ bông rách lụp xụp, mới uể oải thu dọn nốt hành lý, vừa đi, vừa ngoái nhìn lại bãi quất xót xa. Gió rin rít lên từng hồi, từng hồi. Dáng bác xiêu xiêu chỉ chực ngã. Tôi chạy theo bác:

- Bác về...để quất, đào ở đây à?

- Không để... thì dễ mang được về chắc? –Bác trả lời mà không thèm nhìn mặt người hỏi. Buồn thiu. Đầu lao chúi về trước. Bước đi chậm chạp, nặng nề.

Cô nhân viên môi trường đẩy xe vừa tới, sầm sập chạy theo, túm bác bán quất lại:

- Ông để chềnh ềnh thế này à? Chở ngay đi cho tôi nhờ!

Vẻ mặt bác thất thần, thật tội nghiệp. Đôi mắt đục mờ nhìn cô, giọng van vỉ:

- Tôi...cũng... không biết... phải...thế nào. Chở... đi đâu được bây giờ. Đành...v...ấ...t...đi thôi. Quê tôi...xa. Không biết có c...òn xe mà v...ề nữa không. Thôi, trăm sự... tôi nhờ chị...

- Ông tưởng vứt mà xong à? Ai hầu cho. Ông nhìn xem đường phố vắng tanh, vắng ngắt. Tôi cũng phải về lo sắm sanh cho con tôi nữa chứ. Mang ra cho lắm vào, để ế chỏng, ế chơ. Ông làm khổ tôi rồi... - Rồi cô khoát tay đây đẩy: Thôi ông về đi... về nhanh đi...

Nhìn bãi quất ngổn ngang, trút rụng đầy lá, quả héo, cô ái ngại, thở dài thườn thượt. Tôi chạy theo bác, dúi vào tay bác toàn bộ số bạc lẻ:

- Cháu mua một cây cho bác...nhưng cháu chỉ có ngần này tiền thôi... Bác về mau đi cho kịp xe. Cháu sẽ phụ cô dọn cho bác.

Bác cười mà như mếu. Úp lại tay tôi số tiền ấy, khoát tay:

- Thôi, bán chác cái gì nữa. Cháu lấy đi. Lấy tất cả đi...

 Vừa lúc đó, có cậu bé chạc tuổi tôi cũng vừa tới. Vứt toạch bao tải xuống đất, cậu hái quả quất chín đưa vào miệng, nhai ngấu nghiến. Nước miếng trong miệng tôi cứ tứa ra.

Tôi chọn được một cây quất “tứ quý” (kinh nghiệm chọn quất thì bố tôi là số một) để sang bên và nói với cô nhân viên môi trường đang lúi húi quét:

- Cháu dọn giúp cô nhé - Chợt lóe lên tia sáng trong đầu Cô ơi, chờ cháu. Cháu sẽ gọi đám bạn cùng lớp, mỗi đứa mang một cây đi giúp cô nhé.

Cô dừng lại, nhoẻn nụ cười khó khăn. Nét mặt hiền từ chứ không dữ dằn như lúc trước.

- Thôi, cháu à. Chọn được cây nào thì mang về nhanh đi, kẻo bố mẹ chờ. Đằng nào thì cũng muộn rồi. Để cô dọn...

Tôi hì hụi đưa cành quất lên xe đạp. Thằng bé chẳng nói chẳng rằng chạy lại giữ xe cho tôi...

Tôi lễ mễ bê cành quất vào nhà. Bố vẫn ngáy khò khò bên đống chai lọ ngổn ngang. Bày biện xong cành quất, tôi mải mốt dọn dẹp. Bà ngoại dặn trước giao thừa, mọi việc quét dọn, trang hoàng nhà cửa phải xong. Sau ba ngày Tết mới được quét tước và đổ rác đi, nếu không là của nả trong nhà cứ “đội nón” chạy đi hết. Tôi cố nhớ lại... mẹ đã sắp đồ cúng thế nào. Tôi đặt bánh chưng lên bàn thờ, bày mâm quả. Nải chuối quay ngược. Hễ bày được quả nào là chúng lại rơi lả tả. Chẳng giống mâm ngũ quả mẹ bày chút nào...

 Bố tỉnh dậy. Nhìn thấy cành quất, bố tròn mắt ngạc nhiên. Bố đứng ngây đuỗn như trời trồng, rồi ôm mặt khóc rưng rức. Chỉ vài phút sau đó, bố quay sang chỉ thẳng vào mặt tôi và cây quất hét lên:

- Con mẹ mày vừa sang đây phải không? Ông cấm cửa đồ điếm đàng, dối trá. Xéo ngay về với con mẹ mày đi. Ông..là ông... không có tết nhất gì đâu sất...

Bố đuổi. Tôi gạt nước mắt, chẳng mũ áo lao ngay ra đường. Nỗi mong gặp được thằng em, khiến tôi chạy thục mạng, nên chẳng thấy lạnh. Vừa chạy, vừa khóc, đầu như mối bòng bong. Nghĩ đến bố phải ở nhà một mình, tâm trạng không yên, tôi cũng không đành lòng. Không có tôi ở nhà nhiều lúc rượu say, bố không biết gì, lấy ai dọn dẹp, lấy ai pha nước chanh, lấy ai xoa vôi ướt vào gan bàn chân cho rã rượu... Lại còn đóng cửa nữa. Mấy lần say, bố nằm bò lê trên đất, kẻ trộm thừa cơ vào lấy trộm nồi cơm điện, quần áo... Tội nghiệp bố. Giận bố, nhưng lại thương bố. Tôi định chỉ sang nhìn thấy mẹ và em Tuấn một chút thôi là sẽ trở về với bố ngay. 

Tôi ấn chuông. Im lặng. Hồi chuông liên hồi... Vẫn im lặng. Ánh sáng lờ mờ. Chỉ nghe tiếng em khóc. Tôi đành dùng chìa khóa cũ. Bước vào tới cửa, tôi bỗng khựng lại. Không tin nổi mắt mình. Mẹ ấm áp, gọn ghẽ trong vòng tay ôm xiết của người đàn ông. Mẹ cũng đang say, đâu để ý em Tú đang mếu máo, rệu rạo bên đống đồ chơi cũ kỹ. Con mèo nhồi bông nằm chỏng chơ, bộ rôbốt rụng gãy lung tung, tội nghiệp nhất là chú gấu trắng ôm con - quà sinh nhật của em lăn lóc trên nền nhà, gấu con tuột khỏi vòng tay ôm của mẹ nó. Em Tú cố sức nhồi gấu con vào lòng gấu mẹ, nhưng chẳng được. Em oà khóc. Mẹ giật mình chạy lại, giằng con gấu trong tay em ném đi và giang tay định... tát:

- Chỉ có chơi thôi mà cũng không xong. Đồ ăn hại!

Em oà khóc. Nức nở. Mẹ cuống cuồng quay lại ngay chiếc ghế sofa có người đàn ông chờ. Mặc em khóc ngằn ngặt. Như con trâu mộng, lão ta giang cánh tay hộ pháp nhấc bổng mẹ lên, đổ ập xuống giường. Ôm riết, trườn lên mẹ như một con rắn, dúi vùi bộ râu um tùm lên ngực mẹ:

- Cưng kệ nó, khóc chán phải thôi. Em lấy túi “12 con giáp” anh vừa mua cho dỗ nó chơi đi! - Lão ta lôi trong túi ra, vứt toạch trên giường - Ngộ nghĩnh lắm. Cưng nhốt nó vào gác xép đi...chúng mình... còn...chứ...

- Không! Không! Không cho nó chơi “cái của nợ” ấy - Mẹ thét lên.

Tôi cũng không biết “cái của nợ” ấy là gì.

- Đến bố nó còn chả biết. Oắt con biết gì. Đưa anh thổi “con dê”cho nó chơi nhé! Mà anh chỉ ở đây một lát thôi. “Hổ cái” nhà anh ở nhà rồi...nhanh đi cưng... Lão ta cười như con dê sặc tiết.

- Không! E...m không cho a...nh về... Hứa “overnight” với e...m rồi mà...

Mẹ đâu nhìn thấy tôi chôn chân như hóa đá. Đầu tôi chứa quả cầu lửa. Chỉ chợt nổ bung. Tôi chạy xộc vào nhà, bế em lên, ném cái nhìn giận dữ vào mẹ và người đàn ông đáng ghét kia, thét lên trong tiếng nấc:

- Các người thật độc ác, thật nhẫn tâm? Cút đi chỗ khác...mà...!

Lão bò mộng lồm cồm bò dậy, thản nhiên kéo lại fecmotuya. Tôi lại như muốn ngã khụy xuống lần nữa. Cái người này...là bố thằng Bin cùng lớp Mầm Non Ánh Dương với em Tú. Lão còn món nợ lớn với anh em tôi... Lão không biết tôi, nhưng chắc là không quên em Tú. Học cùng lớp với mẫu giáo nhỏ với con lão, hai đứa giành nhau đồ chơi. Chẳng biết chúng xô đẩy nhau thế nào, thằng Bi ngã, va vập xuống ghế tều môi. Chiều đó, tôi đón em quá muộn. Em Tú chạy ra cổng ngóng anh. Nhìn thằng Bi vều môi và “thủ phạm” bị ăn tát. Mặt em hằn tím ngón tay to bè. Bác bán hàng ngoài cổng trường đưa em vào quán. Bác lấy khăn ấm lau chằn nhè nhẹ: “Cha bố nó chứ! Bà lại cứ tưởng là bố chứ... Chứ biết...là bà phang cho mấy đòn gánh. Mà bố cũng chẳng đánh con thế. Mai bà vào báo cáo với cô Hiệu trưởng...”. Nhìn thấy tôi, em tức tưởi. Tôi ôm chặt em, khóc ấm ức. Ngay sớm hôm sau, bác bán quán đã vào trường. Còn tôi, kể từ sau hôm đó hầu như ngày nào tôi cũng phục lão ở cổng trường. Nhưng không thấy bóng dáng lão. Bẵng đi... hôm nay, tôi gặp lão... Lão to lớn như hộ pháp, kém mẹ dễ đến chục tuổi. Vợ lão ở Mỹ mới về. Mẹ hốt hoảng kéo chăn, ngồi dậy, vuốt lại mớ tóc xổ tung rõa rợi. Em Tú chạy đến ôm riết lấy chân tôi khẩn khoản:

- Anh cho Tú đi về bố đi...

- Giờ thì con tin lời bố. Lúc ở tòa, mẹ cãi bố, con cũng nghĩ là bố vu oan cho mẹ. Chưa bao giờ con nghĩ... mẹ... Nay thì...

- Còn người... này – Tôi chỉ thẳng vào mặt lão - Kẻ tát em hằn tím trên mặt mấy tháng trước...là...bạn... mẹ...đấy.

Mẹ nhìn tôi, nhìn lão trân trân. Không nói được câu gì. Lão trẻ ấy rỉ rả vào tai mẹ. Tôi quyết định rất nhanh.

- Con xin phép mẹ đưa em sang với bố! - Vừa nói, tôi vừa bế thốc em lên chạy như ma đuổi.

- Không được! - Mẹ luống cuống ôm cả chăn chạy ra, lão ta ôm mẹ lại. Ra đến cửa tôi còn nghe thấy lão ta dỗ dành:

- Nó nói láo.  Lo gì để chúng về ăn tết với bố? Làm gì mà cứ phải cuống lên như gà mắc đẻ. Không chết đâu mà sợ. Nào...nào...cưng của anh...

Hai anh em ùa chạy vào đêm. Về với bố. Ba mươi vẫn chưa phải là Tết. Vẫn còn bố. Vẫn còn nửa yêu thương. Chắc giờ này tỉnh rượu, bố đang đi tìm tôi. Chắc là bố lo lắm khi chưa thấy con về. Biết tính bố mà. Rượu vào thì ác mồm, mắng chửi là vậy, nhưng khi tỉnh táo lại là người mềm yếu, tình cảm. Trời rét căm căm. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Tôi ớn lạnh vì trận đòn của bố lúc sáng. Bố sai đi mua rượu, tôi đánh rơi tiền, không dám mua chịu. Thế là bố nọc tôi ra đánh. Vừa vụt tới tấp, bố vừa khóc dấm dứt:

- Mày nói dối giỏi như con mẹ mày. Mày ăn cắp tiền của ông ăn quà phải không. Ông đánh cho mày chừa cái tính ăn cắp, cho nôn ra thứ mày vừa ăn trộm... Bố mày nghèo thật, hèn thật...nhưng không dạy mày nói dối...

Giận bố. Thương bố. Bố có ẩn ức riêng. Công việc không ổn định, không kiếm ra tiền. Lại cứ luôn tự ti mặc cảm. Mẹ làm doanh nghiệp. Triền miên với những cuộc gặp gỡ đối tác, tiệc tùng, dã ngoại... Tôi đã quen với những cuộc cãi vã của bố mẹ. Bố nhiều đêm thức trắng. Sáng nào dọn nhà, chiếc gạt tàn cũng đầy ắp. Có hôm, tôi nghe tiếng bố như khóc:

- Mẹ Tuấn có khác gì... khúc gỗ không. Không khó nhận ra... người đàn bà...có... Khôn dại của đàn bà là...thành thật. Khó giấu được cảm xúc. 100 bà...như thế, thì... có dễ đến 99 bà hờ hững “gối chăn” với chồng. Thôi, đến nước này rồi thì mẹ Tuấn làm đơn đi... tôi ký. Tôi sẽ nuôi cả hai đứa...

Bố mẹ chia tay từ đó...

Hai anh em mò mẫm lần theo cầu thang. Đặt em trước cửa phòng, tôi dừng lại thở. Mồm miệng tranh nhau hổn hển, phì phò. Ánh đèn le lói từ phòng hắt ra. Cửa phòng khép hờ. Dòm qua khe cửa, chân tôi ngã khuỵu, em Tú sợ hãi bíu chặt lấy cổ anh. Bố nhàn tản ung dung bên chiếu bạc, xung quanh đống chai lọ nằm ngổn ngang. Bố đang ù ván to. Nét mặt bố rạng rỡ niềm vui đỏ bạc. Tôi oà khóc tức tưởi, em Tú hoà theo. Bố chệnh choạng, ngất ngưởng, liêu xiêu quát:

- Bố mày... đã chết đâu... mà chúng mày khóc. Thằng kia đi đâu... bây giờ mới dẫn xác về. Cút mẹ chúng mày đi, kéo nhau về mà báo hại ông à? Ông nói rồi, ông... là ông không có tết nhất gì đâu đấy!...

Bố lại ngất ngưởng, chân nam đá chân chiêu, loạng choạng vào nhà, đóng sầm cửa. Hai anh em ùa xuống cầu thang tối. Bóng đêm vây bọc hai đứa trẻ tội nghiệp. Biết đi đâu, về đâu?

Đặt Tú vào góc khuất chân cầu, gần đống quất ế của ông lão tội nghiệp. Cô lao công vẫn không dọn xuể. Tôi tìm thấy mảnh bạt còn sót lại trải ra làm chiếu cho em nằm. Lễ mễ bê những cành quất vây xung quanh làm một căn nhà xanh. Tôi bỗng nhớ ngôi nhà làm bằng bánh mỳ, mái lợp đường kính trong câu chuyện mẹ kể. Tú ngủ gục trên vai tôi từ lúc nào. Muỗi vãi như trấu. Tôi ngồi bên cạnh xua muỗi cho em ngủ. Tội nghiệp. Cái miệng em vẫn chóp chép, thỉnh thoảng lại nấc lên nghẹn ngào.

Giao thừa. Thời khắc chuyển giao năm cũ, mới. Tôi nhận ra những chùm pháo hoa vạn sắc lung linh trên bầu trời. Tháp Rùa, Hồ Gươm chắc là vui lắm... Đêm 30 năm ấy...như đã... xa lắm... Cả nhà đón giao thừa ở Bờ Hồ. Bố công kênh em trên cổ. Mẹ nắm chặt tay tôi sợ dòng người xô lạc... Tiếng pháo đốt lén đùng đoàng, đì đẹt... kéo tôi trở lại... Đường phố thưa vắng dần. Thỉnh thoáng tiếng ô tô, xe máy lao vun vút đón giao thừa, đi hái lộc cầu may để lại những chấm đèn đỏ. Tôi lặng lẽ mơ tưởng “Con xin ông Bụt một điều ước, cho máy thời gian quay trở lại... Giao thừa, cả nhà quây quần bên màn hình đón thư chúc Tết và theo dõi cầu truyền hình. Mẹ tất tả lo mâm cỗ cúng. Bố bận bịu phụ trách phần ánh sáng giăng đèn màu trên cây quất vàng chín mọng. Bé Tú lăng xăng ôm chú gấu bông ngó nghiêng. Còn tôi được bố giao cho nhiệm vụ đốt cây pháo bông. Giờ phút chờ đợi một năm mới đến thật thú vị. Đất trời chuyển mình. Lộc non cựa quậy nhú mầm non xanh. Bầu trời rực sáng tràn trề. Niềm vui ấm áp. Bố mẹ mừng tuổi. Những lời chúc tốt đẹp. Mẹ dọn cỗ, cả nhà thưởng thức món ăn. Mẹ nấu ăn rất tuyệt...”

- Mẹ... ơi! Tú đ...ói... đ...ói!

 Em Tú cựa mình, mếu máo. Em kéo tôi trở về... Tôi xoa đôi bắp chân đang ngứa ran. Bàn tay vốc được những chú muỗi tròn căng như quả sim chín, nhớp nhúa bàn tay. Còn đâu nữa những kỷ niệm ấm êm, cả nhà bên nhau xum họp... Mắt tôi nhoà đi, nhòa đi... giàn giụa. Bụng lép kẹp. Từ sáng đến giờ, tôi chưa có hạt cơm nào. Bao tử biểu tình dữ dội. Nuốt khan, tôi dỗ em:

- Em nhìn kìa, chùm pháo bông đẹp không? Lát nữa, ông Bụt sẽ đến phát quà Tết cho anh em mình...

Em Tú mải nhìn chùm bông tỏa hình cầu vồng. Nó sung sướng cười tíu tít ngọng nghịu. Gió hun hút. Mưa ngày càng dày hạt. Cái lạnh thấm buốt. Hai đứa trẻ co ro, run bần bật nơi gầm tối. Mùi xú uế bốc lên, chộn lẫn mùi hương trầm, mùi quất thơm. Màn đêm khép lại. Âm thanh thưa vắng dần. Thỉnh thoảng tiếng xe của những người đi hái lộc về muộn lướt qua. Họ rồ xe, nhả khói và chấm đèn đỏ mất hút. Bóng đêm ôm bọc hai đứa trẻ tội nghiệp. Mưa càng nặng hạt hơn thấm vào da thịt lạnh buốt.

- Chào hai thiên thần bé bỏng!

Tôi giật mình quay lại. Hai bóng đen lừng lững. Một người lớn đi khom khom. Một bé quàng vải mưa. Sợ hãi, run cầm cập, tôi ôm chặt em.

Bóng đen lại gần, hai anh em lùi sâu tận góc chân cầu. Tôi nhận ra cậu bé khoác chiếc bao dứa ban chiều.

- Đừng sợ! Ta không làm hại chú mày đâu. Tại sao lại bỏ nhà đi thế này? Nhà con ở đâu? Bố mẹ con tên gì? - Giọng ông nhỏ dần, tay ôm bụng.

Tôi lập cập, líu ríu như muốn thụt cả lưỡi:

- Nhà cháu ở... C4, tầng 5...ở B6, tầng... khu Nhân An. Bố... mẹ cháu là... Hòa... Thuận... Vâng cháu đưa em về nhà ngay đây ạ!

- Sao? Nhà nào? C4 hay B6? – Ông ôm bụng ngồi thụp xuống.

Cuống lên, lập bập mà nói vậy, nhưng tôi cũng không biết về chỗ nào... nên ngần ngừ...

Tôi định bế em chạy khỏi gầm cầu. Người đàn ông không để ý đến thái độ sợ hãi, lôi ra một túi nhỏ, giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi:

- Đừng sợ... các con. Lại... đây! Ta... có bánh chưng...và cả mứt tết nữa. Các con đói bụng rồi phải không? Nào, ăn cho ấm bụng đã rồi ta đưa các con về nhà. Tội nghiệp các con. Tại sao lại ở gầm cầu lúc này...

Nhìn điệu bộ của người đàn ông không đáng sợ, anh em tôi không còn rụt rè, đánh bạo cầm miếng bánh chưng, ăn ngon lành. Em Tú nhai ngấu nghiến, thun thút, nghẹn cổ. Người đàn ông dừng lại, vuốt ngực em nhẹ nhàng và lấy bình tông nước rót ra đưa em. Cậu bé kia cũng cầm bánh ăn. Ông lại ôm bụng, bỗng nhiên bật khóc:

- Ta cũng có...thằng con trai... tuổi con. Ta mải đi làm ăn xa, nó hận mẹ đề đóm, đã bỏ nhà... đi mấy tháng nay... Ta lang thang đi tìm khắp nơi, nhưng chưa tìm thấy con ta.... Cầu trời... thương...con ta không để bọn xấu...làm hại. Con ta có làm sao... thì ta hận...suốt đời, chết cũng không nhắm mắt... Các con, có nhà cửa, có bố mẹ thì... về đi. Về ngay đi... con! Cạm bẫy dăng mắc. Gia đình là... nơi chở che...nơi... an... toàn... nhất...

Em Tú no bụng lại lăn lóc ngủ. Tôi bọc kín em bằng mảnh vải mưa người đàn ông tốt bụng đi tìm con đưa. Tôi gạt nước mắt trộn lẫn mưa và thấy nghẹn đắng cổ.  

Ông chống tay đứng lên. Loay hoay, lại ngã xuống. Thằng bé đỡ ông đứng lên.

- Nào mặt trời đêm của ta! Chỉ nhà cho ta. Ta đưa các con về nhà với bố mẹ... rồi lại đi tìm con ta. Đi bao lâu cũng được... dẫu thế nào...ta vẫn đi, miễn là đưa được con ta trở về... Nói xong người đàn ông lụi cụi đi trước, cậu bé và anh em tôi lút cút chạy theo. Bốn người nhòa vào bóng đêm.

Đi được mấy bước, bỗng nhiên, người đàn ông ngã phịch xuống đất như cây chuối đổ. Bác ôm bụng lăn lộn. Tôi và thằng bé sợ hãi xúm vào, lay lay, gọi thất thanh:

- Bác làm sao thế? Bác... đau bụng phải không? Bác đừng làm chúng con sợ.

Bác vẫn lăn lộn, vật vã trên đất. Đau lắm, nhưng bác cố nén, chỉ phát ra tiếng xúyt xoa đùng đục trong cổ. Tôi đưa Tú cho cậu bé, giục giã:

- Bế em giúp tớ! Mau lên. Ngồi đây. Không đi đâu nhé.

Tôi hớt hải chạy nhanh ra đường phố. Thấy chú công an đi tuần tra, tôi khẩn khoản chỉ về phía chân cầu:

- Chú ơi! Ở kia...kia...có người ốm...nặng...cấp cứu...

Chỉ kịp thả anh em tôi xuống cổng trụ sở Công an phường, chú tất tả lên xe đưa bác đến bệnh viện. Thằng bé lóc nhóc chạy theo xe:

- Cho cháu đi với! Bác ấy cần gì...cháu có thể giúp...

Thấy dáng điệu tã tượi của anh em tôi, các chú chạy ra ngay. Người tất bật chạy lại bế em Tú, chú đưa anh em tôi vào nơi nghỉ. Chú có dáng người cao cao nói với chú thấp đậm hơn:

- Đồng chí Cường cho các cháu ăn chút gì nóng nóng cho ấm bụng rồi hãy nghỉ. Sáng mai, hỏi địa chỉ cụ thể rồi liên hệ với gia đình...

Chú Cường mang vào phòng hai bát miến nóng. Chú nhìn tôi rất lâu như lục lại trí nhớ. Tôi thì cũng thấy chú quen quen. Em Tú không ăn, lăn vào nệm ấm là ngủ ngay. Bát miến nóng hổi, thơm ngậy mùi nước gà, quyện với măng, nấm hương, mộc nhĩ vẫn đặt nguyên trên bàn. Nhìn em ngủ, tôi như kẻ bị rơi tự do vào hụt hẫng, chới với. Ngày mai...sẽ thế nào? Mọi điều sẽ có thể thay đổi cuộc đời chúng tôi được lắm chứ. Bước chân vô định không biết ngả rẽ nào. Nhà ở đâu? Nhà có ai, bố hay mẹ? Chắc rằng bố mẹ tôi đinh ninh hai anh em tôi đang yên vị tại căn nhà của “nửa kia”. Chúng ấm áp, tưng bừng đón xuân, háo hức chờ mừng tuổi... Nhưng bố mẹ tôi đâu biết anh em tôi đang ngủ...tại Công an phường. Hai bên là hai nửa yêu thương. Ngả rẽ nào cũng làm anh em con xót đau. “Của để dành” của bố mẹ có khác gì đứa trẻ mồ côi không nhà. Giải pháp tự “thích ứng” đã khiến cho gạt tuổi thơ lại để vội lớn so với tuổi. Con chọn cách tự bảo vệ, chọn một cách sống, tìm một lối đi giữa cuộc đời không có bàn tay chở che đùm bọc của mẹ cha. Sự lựa chọn này có thể đi chệnh đường, sai hướng lắm chứ? Con không dám chắc cái gì sẽ đến... Giao thừa của mọi người. Mùa xuân của đất trời. Ai cũng có một gia đình. Có ai biết có những đứa trẻ như anh em tôi và bao đứa trẻ khác thật sự sợ giao thừa?

Tôi nghĩ nhiều đến bác đi tìm con và cậu bé đi cùng bác lúc giao thừa. Không biết bệnh tình bác thế nào? Liệu bố mẹ có bao giờ sống trong sự ân hận, dày vò như bác ấy không?

Mùng một, ngày đầu năm mới. Không còn mưa. Trời ấm hơn. Gõ cửa ngày mới là chú công an phường:

- Sáng rồi, dậy đi, dậy đi, hai cháu. Các cháu nhìn xem đây có phải là người nhà không?  

Theo sau chú là bố và mẹ tôi hơ hốt, tã tượi, thất thần...Họ ngã khuỵu xuống, không thốt được lời nào khi thấy anh em tôi...

 

(Nguồn: Tạp chí Nhà văn số 3/2013)

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • Lương Hoài Thu lúc 21-03-2013 11:13:53 AM

    Cám ơn nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã mang đến một truyện ngắn rất tuyệt vời. Thông điệp dài từ một truyện ngắn. Câu chuyện chỉ diễn ra trong đêm giao thừa mà khiến người đọc buốt giá, suy nghĩ đến triền miên. Rất xúc động và nhân văn. Nhà văn đẫ đặt ra một vấn đề lớn trong xã hội hiện đại chúng ta hôm nay - vấn đề Gia đình và điều đó càng có ý nghĩa hơn trong Năm Gia đình Việt Nam 2013 vừa được phát động tại Hà nội.

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...