Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh

PV - 16-12-2011 02:10:20 PM

VanVN.Net – Sáng nay, 16/12/2011 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh đã được tổ chức long trọng. Tới dự buổi lễ có nhà văn Vũ Tú Nam – nguyên Tổng thư kí Hội NVVN; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội NVVN; các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong BCH Hội NVVN khóa VIII; ban lãnh đạo các cơ quan cấp II của Hội NVVN, ban lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ quân đội; các nhà văn cao tuổi đã từng công tác, hoạt động cùng nhà thơ Thanh Tịnh và đông đảo các nhà văn hiện sống trên địa bàn Hà Nội, các bạn đọc yêu văn học…

Nhà thơ Hữu Thỉnh làm chủ trì buổi lễ, mở đầu bằng Diễn văn tưởng niệm nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Trước 1945, Thanh Tịnh là một trong ba nhà thơ (Thanh Tịnh, Thạch Lam, Hồ Dzếnh) không chịu khuôn mình trong các khuynh hướng văn học, họ như tự đứng riêng ra một cõi. Thanh Tịnh, cái bút danh tự xem mình như một Phật tử nhưng văn chương ông không có mùi kinh kệ, thường lấy tích xưa mà nung nấu và mài sắc chí phục thù của con dân mất nước. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi và văn xuôi Thanh Tịnh mới thật giàu chất thơ, một di sản ngôn ngữ dân tộc trầm tích ngàn năm qua văn Thanh Tịnh mà trở nên uyển chuyển, đẹp; mà ánh lên tâm tình người Việt.

 

GS Phong Lê đọc tham luận “Thanh Tịnh – một tài năng đa hệ”, đánh giá rất cao những cống hiến của nhà thơ với thơ mới, với văn xuôi, sáng tạo loại hình độc tấu sân khấu trong chiến tranh. (Toàn văn tham luận sẽ đăng tải trên VanVN.Net)

 

Đại tá, Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ quân đội – nơi nhà thơ Thanh Tịnh từng làm quản lý lâu năm, nhà văn kể lại những kỷ niệm vui về Thanh Tịnh: “Ngày sống cùng nhau, ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân, Thanh Tịnh thường nói tôi cùng tuổi với Nhà hát Lớn Hà Nội và cách mạng Tân Hợi (1911)”. Cách đây một tuần, nhà văn Ngô Vĩnh Bình có gọi điện báo cho con trai cả của nhà thơ Thanh Tịnh ra dự Lễ kỉ niệm nhưng anh nghẹn ngào thông báo không thể ra Hà Nội dự được vì má anh mới mất sáng nay.

 

Nhà thơ Trần Phương Trà, đồng hương Huế với nhà thơ Thanh Tịnh đã đọc bản tham luận về những tình cảm và kỷ niệm của Thanh Tịnh với các nhà thơ xứ Huế, về tài năng độc đáo của ông trong thể loại câu đối sắc sảo, hòm hỉnh về lối nói ngắn, đầy hình ảnh và rất dễ nhớ nhiều câu đã trở về với dân gian.

 

Nhà phê bình Hồng Diệu với bản tham luận “Hóm hỉnh Thanh Tịnh” rất giàu sở cứ khoa học, dựng nên một chân dung sinh động và chân thực về Thanh Tịnh giữa cả rừng giai thoại về ông hay nói là do ông viết.

 

Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ những kỉ niệm vui, buồn lúc sinh thời cùng với nhà thơ Thanh Tịnh.

 

Nhà thơ Hoàng Minh Châu nhớ lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp của Thanh Tịnh với đồng nghiệp, những phẩm cách cao đẹp và hóm hỉnh, những sáng tạo đầy xót xa và hy sinh cho sự nghiệp chung của ông.

 

Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ đọc tham luận: “Thanh Tịnh - Người bộ hành cô đơn trong văn học Việt Nam hiện đại” (Toàn văn tham luận sẽ đăng tải trên VanVN.Net)

 

Nhà văn Tô Đức Chiêu với bài phát biểu: “Nửa phút với nhà văn Thanh Tịnh”. (Toàn văn tham luận sẽ đăng tải trên VanVN.Net)

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường xúc động nhớ về nhà thơ thế hệ đàn anh của mình: “Chúng tôi, những người hậu sinh của Tạp chí VNQĐ về nhà số 4 (số 4 Lý Nam Đế) với sự kính trọng và cả rụt rè trước Thanh Tịnh. Ông là cả một kho tàng văn hóa, hỏi bất cứ chuyện gì ông cũng có thể trả lời và trả lời rất tường tận. Mà chẳng cứ chúng tôi, các nhà văn Hoàng Minh Châu và Hồ Phương ngồi đây cũng rất kính trọng tri thức văn hóa lịch sử và nhân cách sống của ông Thanh Tịnh.”

 

Thiếu tướng, Nhà văn Hồ Phương phát biểu: “Tôi kính cẩn đề nghị thành phố Hà Nội nên có một đường phố mang tên Thanh Tịnh, để tỏ lòng tri ân đối với một tài năng, một đóng góp lớn cho quân đội, cho văn học nước nhà…”

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm

Sau gần 2 giờ đồng hồ với 7 bản tham luận và nhiều ý kiến, phát biểu ôn lại những kỉ niệm không thể quên về nhà thơ Thanh Tịnh, buổi Lễ kỉ niệm kết thúc lúc 10h30’ trong niềm xúc động của tất cả hội trường.

-------------

Một số hình ảnh tại buổi lễ và sau khi buổi lễ kết thúc:

Từ trái sang phải: nhà văn Bích Thuận, nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Nguyệt Tú

Từ trái sang phải: nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Hồ Phương, nhà văn Khuất Quang Thụy,

nhà phê bình Nguyên An

 

Sau khi buổi lễ kỷ niệm kết thúc

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Hoàng Minh Châu

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà phê bình Đặng Hiển

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Pờ Sảo Mìn

------------

Ảnh trong bài: Đỗ Hiếu

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn