VanVN.Net - Trần Đức Tĩnh, sinh năm 1976 tại thị xã Tuyên Quang. Nguyên quán xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 1999 - Chuyên ngành trinh sát. Năm 2011, anh tốt nghiệp lớp Viết văn quân đội (Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội) và chuyển về công tác tại NXB Quân đội Nhân dân. Trong Cuộc vận động viết truyện kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, Trần Đức Tĩnh có tác phẩm đạt giải B. VanVN.Net xin giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn “Ghềnh nước xoáy” của anh…
Tác giả Trần Đức Tĩnh
Ghềnh nước xoáy
Tôi tỉnh lại là nhờ một luồng hơi ấm thâm nhập vào cơ thể, đầu tiên là tiếp xúc ở đầu lưỡi, sau đó lan truyền xuống cuống họng, cuối cùng tích tụ dưới dạ dày. Mở mắt tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng, ngồi bên cạnh là một cô gái. Ngoài trời đã sáng bạch, tiếng bán hàng rong nghe văng vẳng, tiếng xe máy chạy rào rào, vài tia sáng yếu ớt lọt qua khe cửa khiến lòng tôi nôn nao. Tôi đưa tay lật tấm chăn mỏng thì cô gái ngăn lại.
Anh cứ nằm yên, chưa dậy được đâu.
Cô gái luồn tay qua gáy, nhấc đầu tôi bổng lên, kê thêm một chiếc gối, tư thế tôi nằm thoải mái hơn.
- Anh phải ăn hết bát cháo này mới đủ sức về nhà.
Tôi nuốt thêm mấy thìa cháo. Hơi cháo nóng lan tỏa đến từng thớ thịt, cơ bắp tôi hồi phục, đầu óc tỉnh táo dần. Nhìn đôi mắt quầng thâm của cô gái, tôi đoán chắc có sự việc vừa xẩy ra. Tôi cố hình dung nhưng không tài nào nhớ nổi, chỉ thấy nhưng con sóng cuồn cuộn.
Làng tôi nằm bên sông. Con sông chảy ngang đầu làng thì gặp phải ghềnh đá lớn, nó nghiêng mình chao sang phía bờ bên kia, để lại đằng sau tảng đá một vòng xoáy sâu như cái chảo nấu mật mía. Người đi sông sợ nhất gặp nghềnh nước xoáy đánh vỡ thuyền bè, nhưng tụi trẻ làng tôi lại thích thú. Ngay sát nghềnh đá có một cây đa cổ thụ, không biết cây đa mọc từ đời nào, nghe các cụ trong làng kể; từ khi tao nhìn thấy cây đa đã lớn lên như thế này rồi, chắc cũng độ vài trăm năm. Gốc đa to năm người ôm, rễ đa buông xuống tua tủa như những cái vòi con bạch tuộc, cành đa tỏa bóng xum xuê, lá đa rộng như bàn tay. Vào các ngày rằm mồng một âm lịch, dân trong làng thường mang hương hoa thờ cúng quanh gốc đa. Tôi hỏi bà: bà cúng có mà không? Bà tôi bảo: Cây gạo có ma, cây đa có thần, cháu không được ăn nói phạm thượng và bén mảng đến gốc đa làm những chuyện bậy bạ, nếu nghịch ngợm làm các ngài phật ý là sẽ bị móc cho lòi mắt, vặn cổ từ đằng trước ra đằng sau, không thì bị bóp cho méo mồm. Tôi chưa tin như bà nói, thằng Thành nhón trộm nải chuối, chén no bụng, đái cả vào bát hương cũng chẳng sao. Ở lớp học cô giáo chủ nhiệm bảo không có ma, người ta chết rồi là hết, ban đêm ngoài nghĩa địa cục lửa phụt lên là lân tinh do phốt pho cháy. Như bà tôi là mê tín dị đoan, vì thế đợt mỗi lần bà cúng xong, tụi tôi nháy nhau nhổ hương vứt xuống sông, bà tôi tức tối chửi toáng nhưng không bao giờ bắt được quả tang đứa nào làm… Mùa mưa, nước sông dâng lên cao, ghềnh đá réo ầm ầm, sôi sùng sục. Tôi bò tít ra cành đa, đứng thẳng người. Đùng một cái, nhún hai mũi chân, hóp bụng lại, nín thở, người tung cao, xoay xoay trên không rồi đánh tùm, chẳng khác nào võ sĩ trong các bộ phim. Tụi tôi thi nhau làm như vậy, dần dần đứa nào cũng thành “đại hiệp”.
Bà tôi dắt tôi đi trên con mương dài. Con mương bắt nguồn từ làng tôi, bơm nước sông lên tưới mát cho cánh đồng. Nhà cụ Đức Lang nằm phía bên kia, đến nhà cụ phải đi tắt theo bờ mương. Cụ Đức Lang là người tiếng tăm khắp làng trên xóm dưới, ngoài nghề bốc thuốc cụ còn có phép thuật cao tay. Tôi chưa sang nhà cụ Đức Lang lần nào, thậm chí nghe tên cụ đã thấy sợ sệt lắm rồi. Vừa đi bà vừa dặn tôi: Nhà cụ Đức Lang là chốn thờ cúng, khi nào vào cháu không được tự ý, chẳng may động chạm đến các thần, cả hai bà cháu ta sẽ bị quở trách. Tôi nghe bà, ngoan ngoãn bước nép sau lưng.
Đất quê tôi là đất miền núi, không rộng và dài như phong cảnh miền xuôi, những con đê trải dài dưới bóng tre, đàn cò trắng lơ thơ sải cánh ngang trời, chú trâu đen gặm cỏ cạnh sườn đê, mỗi chiều về tụi trẻ lại được thả diều bay phất phới. Bờ mương bà cháu tôi đi là mương nổi, nó cao cao, thoai thoải có lối mòn giữa hai triền cỏ. Đứng trên mương nhìn ra cánh đồng trông rộng lắm, giá mà bà tôi biết làm diều thì hay biết mấy, vừa đi tôi vừa ước ao như thế, khoảng một tiếng đồng hồ sau hai bà cháu đã đến nhà cụ Đức Lang. Quả đúng như hồi bà tôi dặn; nhà cụ là chốn linh thật. Trước ngõ chôn hai con chó đá ngồi canh chừng, bậc lên nhà cũng kè bằng đá, chắc thời xưa cha cụ Đức Lang làm gì to lắm. Ngôi nhà cụ lại càng uy nghi hơn, bậc thềm bó toàn đá xanh, phía trước hiên là hàng cột lin nhẵn bóng, mái ngói uốn cong như vẩy rồng. Bà cháu tôi đến đúng lúc cụ Đức Lang đi vắng, cả nhà còn mỗi đứa cháu gái. Gặp bà cháu tôi, đứa cháu gái đon đả mời chào. Trong nhà cụ kê một bộ bàn ghế Tràng Kỷ, dịch vào là cái sập gụ chắc nịch, sâu tý nữa là cái tủ chè, bàn thờ có đôi hoành phi khắc chữ nho, trên cao nhất treo ảnh Quan Âm Bồ Tát trăm tay ngồi giữa đài sen. Cháu gái cụ Đức Lang lấy cái ấm tích ủ trong giỏ nan, giót nước chè xanh mời bà cháu tôi uống. Cái thứ nước này người lới uống khen ngon, nhưng trẻ con uống vào hay bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Bà lấy cho tôi một bát nước sôi để nguội. Nhà cụ Đức Lang là gia đình gia giáo lâu đời, đứa cháu gái ăn nói gần giống như người lớn, chẳng bù cho mấy đứa con gái ở lớp tôi giọng chanh chua chúa chát sao mà ghét đến thế. Hỏi chuyện bà tôi xong, cháu cụ Đức Lang xin phép xuống nhà bếp nấu cơm. Tôi đưa mắt liếc qua một lượt cái bàn nhỏ ấy là góc học tập của cô bé, trên bức vách bằng gỗ dán ảnh cháu ngoan bác hồ và một cái thời khoá biểu, dưới ngăn bàn sách được xếp gọn gàng. Tôi mải nghĩ chuyện gì không nhớ rõ thì có tiếng gọi từ dưới bếp vọng lên.
- Bạn gì ơi! Xuống giúp mình một tay.
Ôi! Giọng nói nghe mới ngọt ngào làm sao, hai lỗ tai tôi có lẽ bị thủng từ bên này sang bên kia mất, lần đầu tiên tôi biết e thẹn trước con gái, mặt mũi tôi nóng ran như ăn phải ớt cay. Tôi luống cuống nhặt từng cọng rau muống, lúc đó không hiểu thế nào mà tôi mất bình tĩnh, chân tay run lập cập. Cháu cụ Đức Lang hỏi: Cậu sợ bị yểm bùa à? Không phải yểm bùa là đè ra chích vào tay như người ta tiêm chủng đậu đâu, cậu muốn học giỏi, không ốm đau thì để ông tớ làm cho một lá bùa. Tôi chẳng biết yểm bùa có đau hay không, cùng lắm như con chó đực nhà anh Thuận, nó hung hăng trốn nhà đi tìm chó cái suốt cả ngày, anh Thuận bắt nó, kẹp cổ vào giữa hai chiếc răng bừa, rồi dùng banh xa lam thiến hai hòn dái ra, nhét vào đó hai cục thủy tinh, anh bảo tôi đây là yểm bùa để cho nó giữ nhà tốt.
Đến gần trưa cụ Đức Lang đi bốc thuốc ở tận trong núi về. Vừa vào ngõ cụ cất tiếng chào bà tôi, chỗ cụ với bà tôi là người quen biết từ thời xưa. Cụ Đức Lang hỏi bà tôi đến bốc thuốc hay có chuyện gì khác, bà tôi được đà nói một thôi một hồi: Đấy! Cụ xem, ai lại như thằng cháu tôi, bố mẹ nó đi vắng, một mình tôi dạy dỗ nó không xuể, xểnh một cái là nó đàn đúm cùng mấy đứa con nhà vô giáo dục, ngay cả chốn linh thiêng chúng nó cong không chịu tha, vứt cả bát hương của tôi thờ cúng, trèo lên ngọn đa ngồi ngang với các thần, còn lặn cả xuống sông có ngày trôi mất xác, tôi phải nhờ cụ việc này. Cụ Đức Lang cười, tưởng có chuyện gì quan trọng, bà cứ để cháu chơi cùng cái Đào, ăn cơm xong, nghỉ ngơi, chiều làm lễ, đợi mát hai bà cháu về chưa muộn, mùa này đang có trăng.
Hôm ấy, bà cháu tôi ăn cơm cùng ông cháu cụ Đức Lang. Bà tôi dặn không được đi đâu xa, hai đứa chỉ quanh quẩn dưới nhà… Cụ Đức Lang có một ngôi điện thờ nằm sau nhà, đường lên điện cũng kê toàn đá là đá, trước cửa điện có hai cây đại to, giữa hai cây đại là một cây hương. Bà tôi châm hương cắm vào bát hương, khói hương tỏa thơm khắp vườn, tiếng mõ công cốc! khắc vào hồn trẻ thơ tôi. Trong lúc bà tôi cùng cụ Đức Lang lên điện, cái Đào rủ tôi ngắt nhựa vông thổi bong bóng. Dọc ngõ nhà cụ Đức Lang trồng vông chắn lối đi, hai đứa hứng đầy một nắp nhựa, bện cọng cỏ tròn như mắt kính, hai cặp mắt liếc nhau như đôi ca sĩ chuẩn bị hát song ca. Tôi nhúng cọng cỏ vào nắp nhựa và dương cao lên, màng nhựa bám căng như màng trống, cái Đào ghé môi thổi nhè nhè, những quả bóng đỏ, lam, chàm tím như kinh khí cầu bay bổng trong không gian. Tiếp theo đến cái Đào nhúng, tôi căng mồm thổi một hơi, bóng bay tới tấp, bóng xoáy, bóng vờn ngọn tre, dính vào lá mít, vương vào tóc. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nhanh trí thế, tự dưng quên hết cả ngượng nghịu, vứt vòng cỏ xuống đất, vít vai cái Đào, gỡ bóng khỏi làn tóc đen nhánh như mây. Cái Đào nhún vai, hai gò má đỏ bừng, ấy chết để nhựa vào tóc về ông sẽ đánh roi lằn mông đít đấy. Cậu thông minh nhỉ, thế mà bà bảo cậu dại lắm.
Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi chơi cùng cái Đào, ở trên điện cụ Đức Lang cùng bà tôi cúng bái. Đến lúc bà gọi tôi lại và đưa cho một lá bùa. Bà bảo: “ Từ nay cháu đã là người của nhà phật”. Nói xong hai bà cháu chào ông cháu cụ Đức Lang đi về.
Trên đường về, tôi đi trước bà đi sau, con đương mương huyền ảo nhuộm màu trăng. Tôi hỏi bà, cháu là người như Phật Tổ Như Lai á? Bà tôi nghiêm nghị trả lời, cháu mới là phật tử, làm con của phật thôi, bao giờ như bà thì trở thành đức phật. Bóng bà cong cong bên tôi, chắc ngày nhỏ như tôi bà chỉ to bằng cái hạt mít. Nếu được làm phật tôi cao lớn lắm đấy, nhưng tôi thấy mừng mừng lo lo; là phật tôi sẽ đi trừng trị những kẻ độc ác, có phép thần thông quảng đại nhưng không được chơi với tụi bạn nghịch ngợm. Mỗi lần tôi lặn xuống cái lỗ xoáy, tụi đứng trên bờ tưởng tôi chui sâu vào lòng đất, có thế vào đến lõi của trái đất, lát sau cả bọn cười thé lên vì thấy cái đầu tôi nhô gần giữa sông. Vào bờ chúng xúm xít hỏi, dưới đấy có cái gì không? Tôi lắc đầu, không thấy gì, ngoài một màu nước xanh biếc…
Sự kiện hai bà cháu đến nhà cụ Đức Lang ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Sau này tôi ít đi chơi cùng với mấy đứa con nhà không có giáo dục. Ở nhà mỗi tuần bố mẹ tôi dậy học về đều có quà, kết quả tôi đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Lên cấp ba tôi thi đỗ trường trung tâm của tỉnh, bọn học sinh thị xã như chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, bắt nạt mấy đứa con nhà quê bọn tôi. Tôi cay cú vì thái độ ngỗ ngược của bọn chúng, tìm đến nhà thầy Tùng xin học võ Thiếu Lâm. Thầy Tùng có lò võ nổi tiếng nhất thị xã, báo chí liên tục đăng tin về những việc làm đức độ của thầy. Học được ba tháng thầy mới cho phép nhập môn. Tôi đã là đệ của thầy Tùng, giống như các đệ tử ở chùa Thiếu Lâm Tự! Về nhà tôi hăng hái luyện tập, bài học cơ bản đứng rộng hai chân, hít khí, đấm ra liên tiếp, căng mũi chân, ke cơ bụng toát cả mồ hôi, xoạc háng như kẻ chỉ, tung đùi đá tanh tách như cào cào. Tôi bay lên tôi cuộn nhào… chẳng mấy chốc tôi trở thành một võ sĩ, nhiều người biết đến tôi, khiến bọn học sinh thị xã kính nể, gọi tôi bằng sư phụ.
Cô gái lấy khăn mềm cho tôi và nói:
- Trông anh sáng sủa như thế, sao lại sa vào cái chốn này.
- Tôi đi tìm người quen.
- Người anh quen, hay anh…?
Cô gái nói đến đây rồi lấy hai tay bưng mặt, hai đầu gối bó sát vào nhau, bờ vai rung lên lật bật.
- Anh về đi, bọn chúng sẽ tìm anh. Đêm hôm qua suýt nữa thì anh mất mạng.
Nghe vậy, tự dưng nước mắt tôi trào ra, tôi nắm lấy hai bàn tay cô gái, xiết chặt thầm cảm ơn, chắc chắn đơn vị sẽ kỷ luật thích đáng, bắt viết bản tường trình, bản kiểm điểm, đời nào để có một quân nhân đánh nhau, ngủ với gái điếm. Tôi sẽ bị luận tội, nhưng tôi chấp nhận. Tôi lại nghĩ đến lời nói chân thành của cô gái làm tình cảm trong tôi trỗi dậy. Một cô gái yếu đuối dám sả thân cứu mình! Ở trên đời này còn nhiều điều bất ngờ lắm, tôi chưa đi nhiều nên chưa biết hết, tưởng nhưng nơi nhơ nhớp là bẩn thỉu.
Kể từ sau lần bà cháu tôi đến nhà cụ Đức Lang, tôi theo học trường tỉnh, cái Đào học trường chuyên, chúng tôi không gặp nhau, nhưng tôi thường xuyên theo dõi tin tức. Cái Đào làm bí thư chi đoàn, từng cử chỉ của cái Đào tôi vẫn nhớ như in. Lớn lên tôi nhập ngũ, cái Đào xuống Hà Nội học sau trở thành phóng viên, bài phóng sự nào của cái Đào viết tôi cũng tìm đọc. Tôi muốn đánh thức kỷ niệm của cái Đào, bèn nghĩ ra cách; sau giờ huấn luyện ở đơn vị, tôi phóng xe đến xóm Liều, nghe ngóng tình hình để làm một bài điều tra, chẳng may bị bọn côn đồ đánh. Ngày nhỏ tôi cũng thế, người lớn bảo đừng sĩ cử ta đây, giỏi nghiệp nào sẽ chết vì nghiệp đấy. Tôi biết dại nhưng vẫn không chừa.
Tôi quen Lan từ dạo đấy, tuần nào tôi cũng đến thăm Lan, nhờ tình cảm làm suy nghĩ Lan biến đổi, Lan ngoan ngoãn tránh xa bọn người xấu, nhưng bọn kia không chịu buông tha Lan.
- Thằng chó! Mày biêt đất có thổ công, sông có hà bá? Con Lan là của bọn tao. Mày muốn chết hả?
- Xin lỗi các anh! Tôi không phải kẻ chơi bời, tôi là bạn cô ấy.
- Á…À! Mày thích vượt mặt bọn tao, xúi con Lan làm phản, tao cho mày biết luật.
Vù! Vù!
Tôi xoay người sang phải, lách sườn qua trái, vung tay lên đỡ. Nhưng đòn đánh tới tấp, miệng tôi thấy mằn mặn, mắt tôi nong nóng. Lùi lại một bước, tôi nắm chặt hai bàn tay, cơ bụng nổi cuồn cuộn, chân co tự nhiên, khí phát ra phù phù, “bàn long phi cứơc”, “ mãnh hổ xuất sơn”, “ triệt tâm hữu thủ”, “ hoành xà xuất động”. Tôi không còn cảm giác, mình mẩy nóng ran, chân tay căng cứng. Bất chấp mọi hiểm nguy, tôi đứng thế thủ. Đứa nào vào đây, chúng mày biến. Lan nức nở chạy đến.
- Anh ơi! Đừng! Không đánh được bọn chúng đâu, bọn chúng đông lắm, còn có cả người bảo kê nữa.
- Không! Mặc kệ tôi! Cô đi vào trong - tôi quát to, nhìn thẳng lũ tệ nạn kia.
- Tôi van các người, các người cút đi, tôi cần được yên ổn - Lan nói.
- Chúng mày đi đi - tôi xuống giọng. Cả bọn lảng dần, tôi đứng như trời trồng.
Lan kéo tôi vào nhà.
- Anh uống nước này.
Tôi cầm cốc nước ngửa cổ tu một hơi, cơ thể tôi nguội bớt, đầu óc nhẹ nhõm.
Tôi đứng một lúc nữa rồi giang tay, ngả lưng xuống đệm. Lúc tỉnh dậy đã có mâm cơm dọn sẵn trên bàn, bụng tôi cồn cào, mùi rau muống luộc, đậu phụ rán khiến cuống họng tôi đưa lên đưa xuống ừng ựng, Lan xới cơm cho tôi ăn. Và như đoán được ý nghĩ của tôi, Lan phe phẩy cái quạt giấy nhìn tôi ăn rôi ngọt ngào dỗ dành như con nít. Tôi ngẩng mặt nhìn Lan mà cảm xúc tràn thương.
- Anh cục xúc lắm sao?
- Không phải - Lan đáp.
Đêm hôm ấy tôi ở lại cùng Lan, lần đầu tiên trong đời tôi biết nếm mùi con gái, Lan âu yếm nói trong hơi thở nghẹn ngào.
- Anh đừng thương em nữa! Sự nghiệp còn ở phía trước.
Tôi lấy tay biết miệng Lan.
- Anh thương em thực lòng, em đừng nói thế, anh chỉ cần có em.
Tôi nói vậy nhưng phải làm gì? Bí thư chi bộ vừa nhắc mối quan hệ không lành mạnh, tôi vẫn gân cổ khẳng định như đinh đóng cột: Tôi yêu Lan hoàn toàn đúng đắn, bố cô ấy là thương binh đánh mỹ.
Cũng có nhiều người đứng ra khuyên giải, đừng ngốc nghếch lao vào chốn ấy, con gái tử tế thời này không thiếu. Tôi cảm thấy lòng dạ mình rất khó sử, Lan không phải hạng người như họ nghĩ, vì hoàn cảnh xô đẩy nên Lan đã sa ngã theo con đường nhơ nhớp này. Lan cũng có một gia đình, một miền quên tràn đầy những kỷ niệm, và Lan cũng đã từng là một học sinh giỏi của trường, mỗi lúc bên Lan tôi vô cùng xao xuyến. Tôi không cần những thứ phù phiếm, tôi vẫn cứ là tôi. Miệng lưỡi thế gian biết nghe sao cho vừa. Làm thế nào tôi kéo mọi người ủng hộ mình? Sự mặc cảm của người đời không thay đổi, không ai tán thành mối tình của chúng tôi, người ta bảo đưa Lan vào trại giáo dưỡng là hết trách nhiệm. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi dám làm và sẵn sàng đứng ra gánh chiu, tôi thương Lan, và đứng lên dìu dắt Lan. Thực tế không đơn gian một tý nào, phải lòng một đứa con gái hư hỏng là phẩm chất đạo đức không tốt, chêt giữa đaị dương không đáng mà vùi đầu xuống vũng trâu đái.
Đúng rồi! Tôi tự reo lên: Tôi có một lá bùa hộ mệnh, cụ Đức Lang yểm cho tôi từ hồi học lớp tám. Tôi sẽ hành động theo ý của mình. Tôi đinh ninh lá bùa ấy sẽ che trở cho tôi như đứng phật ở trên cao ban phước lành xuống trần gian. Tôi chắp tay trước ngực, nhắm mắt niệm phật: Xin đức phật hãy chứng dám cho con, con phải sử lý như thế nào? Con sống ngay thẳng, không làm điều mờ ám, không gây tôi ác, con thương Lan, con muốn cứu Lan thoát khỏi sự vẩn đục - nam mô a di đà phật. Con quỳ xuống đây, xin đức phật hãy chỉ đường, dẫn lối cho con đi, con hoang mang đến tột cùng. Trước mặt con là biển lớn, con chưa một lần ra biển.
Tôi quận chặt hai nắm tay, dậm mạnh chân xuống đất, hùng hổ tiến đến xóm liều. Cảnh tưởng đập vào mắt tôi vô cùng đau đớn, bọn khốn nạn đang khống chế Lan, chúng bổ nhào vào tôi. Tôi không ngờ võ Thiếu Lâm hiệu quả đến thế, đúng hôm nay nó đã cứu tôi thoát khỏi tử thần. Nhưng không còn cơ hội để nói nữa rồi, đánh nhau, dành gái, bị công an bắt đéo đồng hồ hai tay, tước danh hiệu quân nhân là cái chắc. “ Viết cụ thể vào tờ giấy này, gọi gia đình đến đây”. Tôi viết toàn bộ sự việc, công an lại hỏi: “ không có người nhà à?”. Tôi chối quanh co vì không muốn phiền lụy đến người khác, nhưng công an lại bảo:” Anh có người bảo lãnh rồi, phóng viên báo trung ương hẳn hoi nhá. Cô Đào là bạn cũ của anh à, kí vào biên bản rồi gặp cô ấy sau”. Trời ơi! Đào! Em như vị cứu tinh đời anh, tại sao giờ này em mới xuất hiện, suốt bao năm anh luôn ghi hình bóng em trong tim. Đào kí giấy bảo lãnh cho tôi ra khỏi đồn công an. Tôi cứ tưởng mình là người theo dõi hoạt động ở xóm liều đầu tiên, nhưng Đào đã đặt bút viết từ lâu. Tôi bàng hoàng tức tỉnh vì sự khờ dại đó, nhưng tất cả đã xẩy ra. Đào báo cho tôi biết Lan đã bỏ đi. Tôi không muốn thế, bởi Lan không còn ai dựa dẫm, thực tình trong lòng tôi rối bời… Liệu tình thương có phải là tình yêu, tình thương tôi dành cho Lan lại dâng lên.
Con chắp tay lạy trời, con cúi đầu lạy đất, Lan bỏ đi mất, cô ấy để lại chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên. Con cầu trời cầu phật! Hãy chỉ cho con Lan đang ở đâu? Vì thương con nên Lan đã tự nguyện bỏ đi. Lan đã trút bỏ quá khứ đau buồn để theo con trở về với cuộc sống lương thiện, nhưng bọn côn đồ đòi cô ấy phải đi khách để có tiền “bo” cho chúng. Người ta không hiểu con, trời đất giúp con, con tin đức trời sẽ thấu soi. Tôi miên man nhớ về kí ức tuổi thơ: một con sông mênh mênh mang mang, một cánh diều ước mơ. Nếu bà nội tôi biết chuyện này thì sẽ buồn lắm đấy, nhưng bà đã về chầu ông vải mất rồi. Bố mẹ tôi không đồng ý cho lấy Lan về làm vợ, người làng tôi có tục lót lá và tay, dắt cô dâu ra khỏi cổng. Họ còn từ không thèm nhận con cái nữa. Lan ơi! Anh biết làm sao? Em đã bỏ anh đi đâu? Trước mặt em là đại dương, em như con mồi, loài cá giữ sẽ xâu xé thân xác em, về đây bên anh. Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, anh tin rằng ông trời có mắt.
Từ ngày Lan bỏ đi tôi trở thành người “ Sớm nắng chiều mưa”, cũng phải mất một thời gian, nhờ có sự động viên của Đào, tinh thần tôi mới trở lại trạng thái cân bằng. Lý do tôi gặp được Đào là khi va vấp tình cảm với Lan và ngược lại. Tình cảm của con người khó mà định nghĩa được, tôi khao khát tình yêu thì lao vào dòng đời để dành giật. Khi tôi đang quyết liệt thì mục tiêu bắt đầu chuyển hướng. Thực thà mà nói, tôi chưa hiểu biết được giá trị của cuộc sống, qua một quãng đời sóng gió tôi mới biết rằng: mình cần phải thận trọng, không nên quá tin cậy vào những việc làm ngoài giới hạn, sức lực của mỗi con người đều có khả năng nhất định, kẻ nào tự do ngông cuồng ắt sẽ phải trả giá, chỉ có ai biết biến hóa những quy luật của tự nhiên thành bài học kinh nghiệm cho mình thì sẽ chiến thắng. Tôi cưới Đào làm vợ được gia đình và đơn vị ủng hộ nhiệt tình. Quá khứ của tôi khép lại, cuộc đời tôi lật sang trang. Chức vụ tôi thăng vù vù, mọi mơ ước đã mãn nguyện. Chiều chiều hết giờ làm việc tôi vác cây vợt đi đánh cầu, rồi tối rủ vài người bạn la cà quán bia uống no rồi về ngủ. Chao ôi! Cuộc sống dư giả sao mà thích đến thế. Đúng thật! Ước muốn của con người không bao giờ dừng lại, khi cuộc đời chưa đặt dấu chấm hết. Tôi bắt đầu nghĩ về Lan, tôi đi nhiều nơi để dò la tin tức của Lan nhưng không thấy, có một vài lần tôi hỏi nhầm người phụ nữ đi qua đường, vì trông nét nhang nhác giống Lan. Tôi tích cực đọc báo, xem ti vi nắm bắt tình hình trật tự xã hội nhưng cũng chẳng biết thêm gì. Một hôm tôi đi công tác ghé thăm một ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang, nhà chùa nấu cơm chay mời khách. Tôi muốn nghỉ lại chùa cho tâm hồn được thư thái, cơm nhà chùa đơn giản nhưng ngon miệng, món đậu phụ rán và rau muống luộc động đến nỗi nhớ Lan khiến tôi buột mồm hỏi:
- Mô phật! Nhà chùa có đậu phụ dán và rau muống luộc ai làm mà ngon đến vậy?
Sư trụ trì thực thà trả lời:
- Ni cô Tiểu Lan nấu cơm để thiết đãi khách.
Tôi choáng váng nghe tên “nicô Tiểu Lan” mà vô tình đánh rơi bát xuống mâm. Sư trụ trì “ mô phật”, hỏi thí chủ có điều gì bất ổn, nên động thái bất định. Tôi xin sư trụ trì cho gặp mặt nicô Tiểu Lan, nhưng sư trụ trì nói: “Nicô Tiểu Lan có bệnh không muốn tiếp xúc với người ngoài. Theo phép tắc nhà chùa thì thí chủ không được vào, đợi khi khác thân chủ khỏe mạnh sẽ cho gặp”.
Hai hôm sau tôi đến nhà chùa theo lời dặn của sư trụ trì, nhà chùa đang làm lễ. Khói hương bay nghi ngút, tiếng mõ chốc chốc điểm lên nghe khắc khoải, sư trụ trì ra tiếp tôi.
- Xin lỗi thi chủ, nhà chùa không giữ nổi nicô Tiểu Lan, đây là kỷ vật gửi lại cho thí chủ. Nam mô a di đà phật.
Chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên, đúng là Lan thật rồi, tại sao cô ấy không muốn gặp tôi, hay trong lòng cô ấy còn một điều trắc ẩn.
Tôi đứng bần thân ra đấy, tiếng mõ bắt đầu điểm liên hồi khiến lòng tôi não nề…
Mầm cỏ
Thái từng ngạc nhiên khi lần đầu bước chân ra đây. Một góc khuất rất đặc biệt nằm ngay bên cạnh “thế giới trật tự kỷ cương” của đơn vị. Hàng quán đôi khi không bán cho những kẻ đói khát, mà bán cho những kẻ thích tụ tập. U! Pha cho con bát mì tôm - U! Pha cho con ly cà phê - U! Chặt cho con cái chân giò…. Đến tháng lĩnh phụ cấp thì thật là tưng bừng! Những tốp chiến sĩ lâu ngày không gặp nhau, mang đủ các loại chuyện buồn vui trong cuộc sống ra tâm sự. Chuyện nhớ bố mẹ. Chuyện người yêu đi lấy chồng. Chuyện chị gái sinh cháu thư lên đơn vị nhờ cậu đặt tên. Chuyện phố phường. Chuyện làng quê. Ôi chao! Cả những chuyện tầm bậy tầm bạ cũng ngồi kể bô bô cho nhau nghe. Rồi nổi máu tranh luận, rồi gầm ghè vì mâu thuẫn. Có lần chỉ vì “con tép” và “con tôm” ở quê tớ và quê cậu gọi khác nhau mà suýt nữa đã choảng nhau...
Đêm hôm qua mưa vẫn còn rơi trên mái nhà. Đợt mưa kéo dài hơn một tuần lễ. Mưa rả rích, mưa lớt phớt, mưa bay bay, bụi mưa đọng trên ngọn cỏ, thấm sâu vào lòng đất… Cũng suốt cả tuần lễ nay Thái ngồi trong căn nhà nhỏ nhìn qua cửa sổ, khung trời hình chữ nhật ngút ngàn một mầu trắng xóa. Kể cũng lạ! Nhận nhiệm vụ mới đã hơn một tháng nhưng lúc nào Thái cũng mơ thấy như mình đang sống cùng đại đội cũ. Trong căn nhà nhỏ chật chội, chìm đắm dưới màn mưa giăng, lạc lõng trong khu thao trường diễn tập chỉ một mình Thái đối mặt với sự cô đơn. Giá như ngày ấy biết bảo ban nhau thì đâu đến nỗi. Cũng tại Thái, tại mấy thằng bạn lính, khiến hôm nay Thái phải ở đây, làm lại từ đầu. Thái thầm nghĩ tới những khóm cỏ ngoài kia đang đua nhau mọc lên tua tủa, trông giống hệt hàng trăm, hàng triệu ngọn mác vươn lên trời cao. Khu thao trường tổng hợp này quanh năm đón nhận các đợt diễn tập của các quân binh chủng. Cỏ thao trường bị đủ các loại xe tăng, xe cơ giới dày xéo, cộng thêm cả những mảnh đạn pháo, đạn cối bắn phá tanh bành, thậm chí cả những gót giầy bộ binh bé nhỏ cũng thi nhau dẫm đạp lên những thân cỏ non mơn mởn, xanh tơ. Thế nhưng chỉ cần một trận mưa thôi, cỏ lại mọc ào lên. Hễ nơi nào còn sót lại một sợi rễ, dù một sợi nhỏ cũng đủ để cỏ mọc, nảy nở ra vô số mầm cỏ mới. Đặc biệt cái giống cỏ này không bao giờ sống đơn lẻ. Ở đâu cũng vậy, cỏ mọc theo từng mảng, đan xen, dựa lưng vào nhau thành một khối bền chắc như thách thức con người và nắng mưa. Những ngày trời nắng như đổ lửa, mặt đất nóng như rang, cỏ phải dựa vào nhau để kháng cự không cho ánh nắng mặt trời lọt xuống đất cướp đi hơi nước, gốc rễ cỏ bám chặt lấy đất, những cánh lá xanh rì phơi phới như những tấm gương phản chiếu chống đỡ tia nắng mặt trời. Những nơi đất khô khốc như tro bụi cỏ nối liền từ rễ này sang rễ khác, vận chuyển hơi nước từ nơi thấp lên nơi cao, cuối cùng cỏ mọc được cả trên những tảng đá nhỏ. Mỗi đợt dông bão tới cỏ cùng nhau uốn mình rạp xuống nhịp nhàng như những lớp sóng mềm mại không bao giờ tan vỡ. Cứ thế cỏ tồn tại từ mùa này sang mùa khác, khiến cho bề mặt thao trường kín mít một màu xanh rộng khắp…
Đại đội trinh sát của Thái trú chân dưới một quả đồi. Ngoài giờ huấn luyện, những lúc được nghỉ Thái thường ngồi trên lô cốt ngắm đàn cò sải rộng cánh bay về rừng dẻ bao bọc phía sau đơn vị. Đôi khi Thái cũng cảm thấy nhớ nhà, nhưng Thái đã quyết tâm phấn đấu trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Thực ra trước lúc đi bộ đội Thái cũng rất phân vân, mẹ Thái bảo: “Con chịu khó rèn luyện thật tốt, huấn luyện tân binh xong mẹ sẽ nhờ bạn của bố xin cho về bộ chỉ huy phục vụ, ở đấy gần các chú, dễ bảo ban hơn”. Nghĩ như mẹ cũng phải, nhưng thực lòng Thái lại muốn khác. Thái thích được về đơn vị tập luyện, được đi đến tận cùng của đời sống chiến sĩ, được nhìn tận mắt những gì mà Thái ao ước. Thái đã chán ngấy cái cảnh sống núp mình dưới đôi cánh của mẹ. Là con chim lớn phải tự biết bay ra khỏi tổ bằng chính đôi cánh của mình. Người cán bộ mà Thái gặp đầu tiên là anh Đăng. Lúc anh đi giao ban trung đoàn về ngang cổng đơn vị, một chiến sĩ gác cổng giới thiệu Thái với anh để anh dẫn Thái về đại đội. Chiều hôm ấy trời cũng mưa. Mưa không nặng hạt mà bay bay như từ chiếc vòi phun nước vĩ đại mà ra. Anh Đăng mặc chiếc áo bạt đi trước, Thái khoác ba lô theo sau. Con đường về đơn vị lầy lội khó đi, chốc chốc Thái phải dừng lại để gạt bỏ lớp đất dính đế giầy. Vừa đi anh Đăng vừa kể cho Thái nghe nhiều chuyện: Trước kia anh là cán bộ quân sự, nhưng nay chuyển loại sang làm cán bộ chính trị. Thái nghĩ người cán bộ chính trị chắc am hiểu tâm lý anh em chiến sĩ lắm. Đọc trong sách Thái thấy hình ảnh người chính trị viên thường gần gũi, hòa đồng và sống rất tình cảm. Thái mong có dịp nào đó được ngồi tâm sự cùng anh Đăng…
Đêm đầu tiên về đại đội Thái ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Nhưng rồi Thái bị đánh thức bởi một bàn tay vén màn, lùa vào ngực áo, lay gọi:
- Dậy! Ra ngoài này tao bảo.
Thái bừng tỉnh giấc, vội vã xỏ dép đi theo bóng đen. Ra đến ụ súng, bóng đen bảo Thái dừng lại. Từ trong ụ súng lố nhố ba bóng đen nữa ló ra.
- Mày mới về đơn vị à?
- Vâng!- Thái đáp.
- Bọn tao ở cùng phòng với mày. Đi gác về thì mày đã ngủ rồi. Lính mới mà yếu thế?
- Hôm nay đi đường xa, hơi mệt, lại chưa được phân công nhiệm vụ gì…
- Bọn tao có gói kẹo, gọi là kê chân giường cho mày. Lúc chiều nay, anh Đăng có nói gì với mày không?
- Anh bảo về đây phấn đấu cho tốt, thế thôi.
- Ông ấy lúc nào cũng chỉ muốn khoe thành tích với cấp trên nhưng đối xử với anh em chả ra đếch gì. Mày mới về đừng vội vàng ôm chân ông ấy mà mất lòng anh em đấy. Bọn tao chỉ nói thế thôi. Tùy mày sống thế nào thì sống…
Chỉ sau vài câu trò chuyện Thái biết ngay đây là kiểu “liên kết chống đối”, và Thái đang bị lôi kéo vào. Thái chọn cho mình thái độ ôn hòa cho đến khi “lễ kê chân giường” kết thúc, ai nấy trở về chiếc giường cá nhân của mình, lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Hỏi rằng đi bộ đội Thái nhớ ai nhất, có lẽ Thái sẽ trả lời là nhớ ông bạn vọng niên hàng xóm. Đó là một ông nhà văn già. Hồi ở nhà Thái thường sang chơi với ông. Thái thích nhất là cánh đối xử giữa hai người. Ông coi Thái như một người bạn, thường gọi Thái là “anh bạn nhỏ của tôi ơi”. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ nằm cuối phố và viết rất nhiều sách. Sách của ông chủ yếu viết về chiến tranh. Ông đã có cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho trận mạc. Ông không thoát khỏi ám ảnh của những cái chết. Theo ông sự chết chóc đó chẳng qua là một tư thế chiến đấu, lớp người trước ngã xuống làm bàn đạp cho lớp sau tràn lên, chẳng bao giờ kẻ thù có thể tiêu diệt được sức mạnh vệ quốc chính nghĩa của một dân tộc. “Cỏ mềm nhưng mà nó có sức mạnh lắm đấy Thái ạ”. Nhiều hôm ông vừa viết vừa khóc, ông khóc vì cái chết của những đồng đội mình. “Sự sống còn nhường cho nhau được thì mọi sự ham hố ở đời này có phải là vô nghĩa lắm không? Bọn mình đã từng nhường sự sống cho nhau đấy Thái ạ. Thế mà sống không ra cái gì thì có đáng sống không?”. Thái hiểu những suy nghĩ ẩn chứa trong khối óc của ông, và cũng chính từ suy nghĩ ấy đã truyền vào Thái một dòng máu phiêu bồng. Thái thích được sống như ông, được hi sinh cho lẽ sống mà không nghĩ đến bản thân. Hết phổ thông Thái thi vào trường Sĩ quan Lục quân nhưng không đỗ. Thái tình nguyện nhập ngũ để tìm một cơ hội khác cho mình. Và giờ đây Thái đã trải qua mấy mùa huấn luyện ở một đơn vị chủ lực. Thái đang hy vọng một ngày kia sẽ thỏa ước nguyện “lấy binh làm nghiệp”.
Đơn vị chỉ cách khu vực dân cư một đoạn đường nhỏ, băng qua vạt đồi là la liệt hàng quán. Buổi tối, sau giờ điểm danh, đợi cho anh Khôi trung đội trưởng đi ngủ, mấy thằng cùng phòng lại rủ Thái lẻn ra ngoài quán uống nước.
Thái từng ngạc nhiên khi lần đầu bước chân ra đây. Một góc khuất rất đặc biệt nằm ngay bên cạnh “thế giới trật tự kỷ cương” của đơn vị. Hàng quán đôi khi không bán cho những kẻ đói khát, mà bán cho những kẻ thích tụ tập. U! Pha cho con bát mì tôm- U! Pha cho con ly cà phê- U! Chặt cho con cái chân giò…. Đến tháng lĩnh phụ cấp thì thật là tưng bừng! Những tốp chiến sĩ lâu ngày không gặp nhau, mang đủ các loại chuyện buồn vui trong cuộc sống ra tâm sự. Chuyện nhớ bố mẹ. Chuyện người yêu đi lấy chồng. Chuyện chị gái sinh cháu thư lên đơn vị nhờ cậu đặt tên. Chuyện phố phường. Chuyện làng quê. Ôi chao! Cả những chuyện tầm bậy tầm bạ cũng ngồi kể bô bô cho nhau nghe. Rồi nổi máu tranh luận, rồi gầm ghè vì mâu thuẫn. Có lần chỉ vì “con tép” và “con tôm” ở quê tớ và quê cậu gọi khác nhau mà suýt nữa đã choảng nhau. Đời chiến sĩ có vô số những chuyện buồn vui. Góc khuất này chính là nơi bộc lộ nỗi niềm lính tráng sau những giờ phút “tất cả đều mang chung một khuôn mặt, một dáng hình, một sắc màu, một nhiệm vụ”. Mấy thằng bạn cùng phòng Thái thì bảo đấy là chỗ xả hơi sau những ngày huấn luyện vất vả. Tất nhiên Thái biết như thế là vi phạm kỷ luật, là tự ý trốn trại ra ngoài, là ảnh hưởng sức khỏe đến ngày huấn luyện hôm sau của bộ đội. Cùng với thói quen trốn ra ngoài là những cuộc báo động đại đội. Lần nào báo động cũng vậy, y như rằng sẽ vắng mặt một hoặc hai người không có lý do. Chính vì lẽ đó nên buổi tối cả đại đội lại phải ngồi nghe sinh hoạt. Anh Đăng sẽ lại nói rách da rách thịt, nói từ bẩy giờ tối cho đến chín giờ vẫn chưa hết. Mà cái cách nói của anh Đăng mới nhức buốt làm sao, cứ như kim châm, dao cắt vậy. Anh soi thấu gan thấu ruột người ta, và anh không khoan nhượng trước những mũi khoan ngôn từ nhằm thẳng vào đám lính trẻ như Thái…
Kết thúc một giai đoạn huấn luyện là những cuộc diễn tập dài ngày. Thái rất thích đi diễn tập vì thoát được sự gò bó ở đại đội, không phải nghe anh Đăng sinh hoạt mỗi tối. Cả trung đoàn chỉ cần phái một phân đội đi cắt góc phương vị để xác định đường hành quân là đủ. Thái nằm trong phân đội ấy và khi ở trong rừng Thái được tự chủ với công việc. Trung đội trưởng Khôi lại là người có tác phong chỉ huy rất dễ chịu, không giống như anh Đăng. Anh Khôi có lối sống chân thành với chiến sĩ, nhất là những lúc huấn luyện ngoài thao trường, việc gì không nên không phải là anh thẳng thắn bảo ban, đôi lúc nóng giận là anh cũng quát mắng ra trò, không bao giờ anh chấp nhặt những chuyện vặt của lính. Làm lính của anh Khôi quả là học được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Khác với anh Khôi, anh Đăng luôn tỏ ra là người biết nhiều, anh thường mang cái nhìn cá nhân ra áp đặt cho người khác, nhất là điệu cười nhếch mép đã đủ làm chiến sĩ ghét cay ghét đắng. Lần ấy, đơn vị chuẩn bị đón đoàn cán bộ trên sư về thăm quan mô hình xây dựng đại đội chính quy, tối hôm trước ngồi sinh hoạt anh Đăng nói: “Các đồng chí phải thể hiện mình là người chiến sĩ có ý thức chấp hành kỷ luật tốt. Ăn nói, đi đứng phải thật thận trọng. Thủ trưởng hỏi cái gì thì phải trả lời đúng như tôi đã dặn, không được nói năng tùy tiện…”. Hôm đoàn về đơn vị đúng lúc anh Khôi đang huấn luyện tính năng các loại mìn chống bộ binh của địch. Anh Đăng đon đả tiếp đoàn. Thủ trưởng chỉ vào quả mìn K58 do Trung Quốc sản xuất hỏi: “Đây là loại mìn gì?”. Anh Đăng đỏ mặt ngắm nghía một lúc lâu chưa nói, anh Khôi nhanh miệng trả lời thì thủ trưởng ngăn lại: “Tôi không hỏi anh- Anh này trả lời”. Anh Đăng chắc nịch khẳng định: “Mìn K56 do Mỹ sản xuất”. Một chiến sĩ đứng trong hàng phì cười. Anh Đăng đánh mắt khiến điệu cười tắt ngấm.
…Cách làm việc của anh Đăng cũng làm cho nhiều chiến sĩ không ưa. Anh nói ra rả như một cái loa phóng thanh, động đến đâu cũng nguyên tắc và bới móc khuyết điểm của người khác để phê bình. Buổi tối, lúc đơn vị đã tắt điện đi ngủ, mấy đứa trong phòng Thái nháy nhau chui xuống gầm giường nằm. Nửa đêm anh Đăng kiểm tra thấy thiếu người, tức tốc báo động toàn đại đội tập trung giữa sân chào cờ. Trong tâm trí anh đinh ninh chuyến này sẽ bắt được mấy chiến sĩ vi phạm kỷ luật. Chưa kiểm tra quân số anh đã đùng đùng mắng anh Khôi là vô trách nhiệm, để chiến sĩ tự do la cà hàng quán. Đến khi điểm danh lại thì chả thiếu người nào. Anh Đăng tái mặt còn anh Khôi thì dở mếu dở cười. Thái nghĩ mà thương cho tình cảnh của anh Khôi, vì chiến sĩ trêu chính trị viên mà trung đội trưởng bị phê bình. Thực ra trước lúc đi ngủ anh Khôi đã sang phân đội nắm mọi tình hình rồi mới yên tâm về phòng. Đám lính tếu táo đã làm anh phải khốn khổ theo. Việc chiến sĩ trốn xuống gầm giường anh Đăng biết phải có một người đầu têu nhưng không tìm ra ai là thủ phạm chính nên bắt đại đội đứng một hồi lâu mới giải tán vào đi ngủ. Thái ân hận vì mấy cá nhân mà làm mất giấc ngủ của cả đại đội. Thái tự hứa sẽ bảo đám bạn cùng phòng không bày những trò tai hại kiểu ấy nữa. Sau buổi đó anh Đăng đặc biệt để ý đến mấy chiến sĩ ở phòng Thái.
Thêm một mùa huấn luyện nữa, đại đội được bổ sung thêm quân số mới. Như thường lệ, những cựu binh tỏ rõ thái độ cứng rắn với tân binh để nắn gân. Hình như cái tục “lính tuổi quân, dân tuổi đời” đã ăn sâu vào văn hóa ứng xử của chiến sĩ. Tụi chiến sĩ cũ bảo, nhìn điệu đi, câu chào hỏi của tân binh nghe không vào. Ai đời nào vừa mới chân ướt chân ráo về mà thấy các anh mắt cứ thô lố như mắt ếch, nói năng lấc ca lấc cấc như dân chợ búa. Tối tụi nó gọi tân binh ra ụ súng. Trong tốp chiến sĩ mới về có thằng Hòa là đáo để hơn cả. Thằng Hòa cũng chỉ huy một tổ như Thái, nó cậy có bố làm ở thành phố, mỗi lần bố nó đánh xe con xuống đại đội là anh Đăng đon đả đến bắt tay từ xa, lúc bố nó về anh Đăng lại gọi nó vào phòng riêng rì rầm trò chuyện. Từ ngày có Hòa về đại đội, những biểu hiện của chiến sĩ đều như có tai có mắt anh Đăng dõi theo. Những trò nghịch ngợm của anh em lần lượt được anh Đăng mang ra phê bình, lời nói mỉa mai của anh mới cay độc làm sao. Chúng nó bảo, chỉ có thằng Hòa thường xuyên mò lên tâu hớt nên anh Đăng mới biết từng chân tơ kẽ tóc tụi mình, chắc nó muốn ăn củ đậu bay? Kể ra anh em chiến sĩ đối xử với anh Đăng như thế cũng không phải, trong đó có cả một phần lỗi của Thái. Nhiều lần đứng gác một mình, Thái cũng tự nghiêm khắc kiểm điểm mình. Một quân nhân đúng nghĩa thì phải học tập tính độ lượng, đừng bao giờ chơi xấu, không được mang tư tưởng chống đối cấp trên, mình chống lại người ta tức là mình vi phạm kỷ luật, mà đã vi phạm thì trước sau cũng không còn được đứng trong hàng ngũ quân nhân nữa. Đáng lẽ Thái không nên làm thế, nhưng ghét cái tính của anh Đăng, làm vậy cũng là muốn thay đổi cách nhìn nhận của anh. Nhưng nghe ra anh Đăng không chịu điều chỉnh cung cách chỉ huy lãnh đạo của mình. Lại thêm cả thằng Hòa nữa, nó được anh Đăng chọn vào tổ thi đua, sáng nào kiểm tra nội vụ nó cũng cố tình đứng lại ở giường của Thái thật lâu để cho cả tổ tìm khuyết điểm. Thỉnh thoảng nó xoáy cho Thái một đòn đau điếng, khiến lần nào sinh hoạt anh Đăng cũng nhìn Thái bằng con mắt săm soi thiếu thiện cảm. Thái rất bực nó nhưng chưa có cơ hội nào để dạy cho nó một bài học nhớ đời.
... Đợt diễn tập đã diễn ra được hơn một tuần.
Trung đoàn đang trú quân dưới một thung lũng nhỏ. Bất ngờ trời đổ mưa. Mưa như trút nước, từ trên các sườn dốc, nước đổ xuống khe ầm ầm. Khả năng sẽ có lũ. Các lán trại sẽ không đảm bảo nếu lũ ập về. Đại đội trinh sát của Thái được phái đi tìm đường tránh lũ. Hôm đó anh Khôi phải lên trung đoàn vẽ kế hoạch tác chiến. Cả đại đội chia thành ba đường đi, do phân đội thiếu người chỉ huy nên đại đội trưởng giao luôn cho Thái phụ trách. Tọa độ X là họ phải đến. Đúng 17 giờ 00 ngày N-3 phải có mặt tại vị trí cũ đón trung đoàn hành quân. Khi đã làm xong mọi công tác chuẩn bị, Thái khoác ba lô, đeo tượng gạo vòng qua vai, treo khẩu AK báng gấp trước ngực, phát lệnh cho anh em lên đường. Hòa cùng phân đội hăm hở bước theo sau. Chẳng mấy chốc họ đến chân điểm cao 360. Trời vẫn mưa lây phây, núi rừng mù mịt và lạnh ngắt. Tất cả anh em đều thấm mệt, người run lên lập cập vì đói và rét. Thái cả quyết:
- Bằng mọi giá chúng ta phải vượt qua đỉnh núi trong đêm nay. Sáng mai đến tọa độ X rồi sẽ quay về theo đường cũ.
Bóng đêm đổ xuống núi rừng đen kịt, hơi lạnh toát ra từ lòng núi. Không gian chìm đắm trong màn sương huyền bí. Chốc chốc, từ đâu đó điểm vài tiếng cú mèo đi ăn đêm. Lúc chiều ngồi nghỉ dưới chân dốc người ta kể, cách đây ba mươi năm đỉnh núi này đã diễn ra một trận chiến ác liệt, thi thoảng trong vách núi vẫn vọng về những tiếng hú của những người lính gọi nhau...
- Anh Thái ơi! Đêm tối như thế này không thể vượt qua được. Hay chúng ta nghỉ lại đây. Tối nay em vào nhà dân dưới chân núi kia hỏi đường. Mai tất cả chỉ việc quay về báo cáo là xong - Hòa nói.
- Không được.
Đằng sau lưng Thái là cả một trung đoàn, hàng nghìn người đang trông chờ vào con đường mình sẽ đưa họ vượt qua. Không thể chần chừ, đoạn đường này phân đội chưa ai đi qua, mới xem trên bản đồ chỉ là một bước khái quát.
- Đi! Đã bảo đi là đi. Không bàn lùi! - Thái chỉ tay về phía trước ra lệnh.
Miễn cưỡng, cả đoàn nặng nề bò dốc. Dốc đứng, lại trơn, người đằng trước thò gậy kéo người đằng sau. Với tốc độ thế này chắc phải sáng mai mới tới tọa độ X. Thái lấy chấm đen trên nền trời phía trước làm vật chuẩn hô hào anh em khẩn trương vượt qua. Đi được một đoạn thì Thái nghe thấy tiếng gió thổi ù ù trong hai lỗ tai, mồ hôi nhễ nhại, từ phía sau có người gọi vọng lên: “Anh Thái ơi! Thằng Hòa bị trẹo chân ồi..ồi..ồi”. Toàn phân đội ngồi im chờ đợi. Thái gọi anh em xúm vào băng bó vết thương cho thằng Hòa, họ thi hành một cách nặng nề và lặng lẽ. Lúc đấy quỹ thời gian không cho phép được chần chừ, Thái đành đưa Hòa quay lại nhà dân gửi tạm rồi khẩn trương lên đường.
Kết quả thật mỹ mãn. Thái đã tìm ra con đường tránh lũ lý tưởng cho trung đoàn. Nhưng rồi chuyện phân đội trinh sát vượt rừng tìm đường tránh lũ cho cả đơn vị chả hiểu sao không được anh Đăng đả động đến bao giờ. Danh sách khen thưởng diễn tập đợt ấy không có tên Thái và phân đội trinh sát.
Đó là một buổi chiều chủ nhật.
Theo quy định của đơn vị, mỗi phân đội được giải quyết một phần ba quân số ra ngoài doanh trại mua sắm đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thái dự định sẽ đi mua cuốn sách về đọc và tranh thủ vào quán “chát” với cô bạn ngày xưa học cùng lớp. Khi đại đội tăng gia xong, Thái lên nhà chỉ huy đăng ký xin phép ra ngoài. Anh Đăng cầm cuốn sổ ghi chép, bảo: “Cậu bị cấm trại, tuần này sai nội vụ hai lần, ngày…ngày…”. Biết không thể lay chuyển được quyết định của anh Đăng, Thái về phòng nằm nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Chẳng lẽ chỉ vì sai sót nhỏ như vậy mà bị cấm trại thì thật quá đáng, nội vụ của Thái sai cũng chẳng qua do sơ ý để dây cóc ba lô thò xuống giá một tí. Thằng Hòa còn sai nhiều hơn nhưng vì nó lươn lẹo, biết lấy lòng anh Đăng nên vẫn được ra ngoài. Thái vùng dậy, xỏ dép, lên mỏm đồi sau đại đội ngồi. Thái nhớ đến ông nhà văn già. Ông từng nói với Thái rằng, có những nỗi buồn làm con người ta thấy mình trong trẻo hơn. Sao nỗi buồn này lại làm cõi lòng Thái có phần như u tối đi?
Sáng hôm sau, đại đội cử Thái cùng Hòa lên trung đoàn trồng cây. Đây là cây lưu niệm do sư đoàn trưởng sắp nghỉ hưu tặng. Thái hì hục đào xong hố rồi nhẹ nhàng đặt bầu xuống, lấp đất. Khi đã lấp đầy đất vào quanh gốc, Thái bảo Hòa xuống ruộng xách nước tưới, nhưng nó õng ẹo mang về được nửa xô. Bực mình, Thái bắt Hòa xách thêm một xô đầy nữa. Hòa không chịu, vùng vằng ném cái xô xuống đất, bỏ đi. Thái nóng mặt, chạy lại tát mấy cái vào mặt Hòa. Không ngờ thằng Hòa bị chảy máu cam. Nó ôm cái mặt đầy máu chạy đi tìm anh Đăng. Anh Đăng vội cử người đưa nó lên bệnh xá trung đoàn để… cấp cứu!
Vụ việc xô xát giữa Thái và Hòa đã làm xôn xao cả trung đoàn. Thái trở thành một kẻ “rắn đầu, khó bảo, vi phạm có hệ thống”. Thái không thể quay về nhìn mặt đồng đội được nữa rồi! Phải đi thật xa thôi. Năm ngoái trung đoàn vừa mới tước quân tịch một trường hợp. Kỷ luật quân đội luôn nghiêm minh, dù có là con ông trời đi chăng nữa thì kỷ luật vẫn cứ là kỷ luật. Không còn đường cứu vãn nữa rồi. Bỏ trốn thì suốt đời mang tiếng là đào ngũ. Bước chân Thái biết đi đâu, về đâu bây giờ? Đại đội trinh sát không còn chỗ cho Thái nữa. Thái hoang mang quá. Mọi thứ trong ngưòi Thái cứ tan ra như bọt nước…Thái cứ đi, phía trước là những quả đồi. Những con đường mòn. Trời đã tối sầm từ lúc nào? Bỗng trời đổ mưa. Sấm, chớp quay cuồng. Thân thể Thái run lật bật, những giọt nước mưa như kim nhọn líu chíu đâm vào da thịt. Cơ thể lạnh buốt, đôi chân Thái khụy xuống. Bỗng từ loa phóng thanh vang tiếng kèn báo hiệu kết thúc một ngày huấn luyện. Các dãy nhà tắt điện. Thái nhìn thấy đằng trước có ánh đèn bảo vệ phát sáng. Đó là nhà chỉ huy trung đoàn. Thái dừng lại rồi sực nhớ đến mẹ. Ngày còn ở nhà mẹ luôn lo cho Thái, mẹ bảo Thái nên đi về hướng có ánh đèn… Đúng rồi. Thái sẽ lên gặp chỉ huy trung đoàn. Đó là nơi Thái có thể bộc bạch được hết những suy nghĩ của mình.
…Tám giờ sáng, mặt trời chiếu xuống những tia sáng mỏng manh, tách qua đám mây nặng trĩu hơi nước. Ánh nắng còn yếu ớt, gió nhè nhẹ xua tan những quầng thâm u ám. Trời đất trong veo như pha lê, phóng tầm mắt có thể nhìn đến tận chân núi xa. Một buổi sáng đẹp tuyệt vời! Chẳng lúc nào trời lại đẹp như sau cơn mưa. Thái bước ra khỏi nhà, vươn vai, hít thở. Đã một tuần nay mưa, thao trường không người đến diễn tập, Thái cũng ru rú ở trong nhà, người ngợm thấy tù túng vô cùng. Sáng nay thì khác hẳn. Trên thao trường mênh mông như có sự thay đổi kỳ lạ. Cỏ không còn xơ xác nữa mà ken dày, xanh mướt. Hoa dại nở dọc các mép đồi, lan xuống các chiến hào. Ong, bướm bay dập dờn hong khô những đôi cánh nhỏ xinh xinh. Trên thao trường loang lổ vết lở loét nay đã tràn ngập một màu xanh. Ngay cả những rặng cây, khóm cỏ ven đường hành quân bị bụi phủ kín, đỏ au nay được nước mưa gột rửa cũng trở về màu xanh nguyên sơ. Thái nhận ra một điều: Chỉ có loài cỏ sống ngoài thao trường là đẹp hơn cả! Cỏ đội đất đá mọc lên, cây nào cũng thẳng tắp, hiên ngang. Cây này kết cấu với cây kia tạo thành một bãi cỏ xanh rộng bát ngát. Những ngọn cỏ dại này, dù có bị chà đạp hay bị dày xéo tơi bời, trong lòng đất thân cỏ vẫn ấp ủ một mầm sống. Chỉ cần một trận mưa thôi! Cỏ sẽ mọc ào ào và mang thêm một sức sống mới. Nhìn thao trường rộng lớn, Thái bỗng ước mình có đôi cánh để bay lên. Thái muốn rũ bỏ những nặng nhọc vô hình để thân mình được nhẹ nhõm hơn. Thái hít thở thật sâu khí trời, cảm giác cái án kỷ luật đã bớt nặng nề đi rất nhiều. Khiển trách trước toàn trung đoàn. Tiếp theo là điều ra trông coi thao trường. Thái đã tìm thấy con đường đi mới cho mình trong những ngày sống cô đơn ở thao trường này. Nghe đâu anh Đăng cũng bị chính ủy trung đoàn gọi lên nhắc nhở. Chuyện thực ra chả có gì mà phải để tinh thần của mình bị tổn thương thế này, thật là cái giá quá đắt. Thái còn rất trẻ. Không thể để những phiền muộn không đáng có ám vào tâm hồn trai trẻ của Thái. Mấy đêm mưa vừa rồi, Thái không tài nào ngủ nổi. Giữa màn đêm yên tĩnh, Thái nghe từng tiếng mưa rơi lốp bốp trên mái nhà. Rồi Thái nghe được cả tiếng mưa thấm sâu vào lòng đất, hơi nước chan hòa với những mầm cỏ. Và, tựa hồ như, Thái còn nghe được cả tiếng cỏ đội đất, tách không gian vươn lên…
Để sáng nay cỏ dâng ngập lên trong mắt Thái một màu xanh của hy vọng.
Tiếng gọi trong sương đêm
Bố tôi bảo thời tiết năm nay rét sớm, gió mùa đông bắc thổi rào rào băng qua những ngọn núi, lùa vào khe sâu hun hút như chiếc thùng không đáy. Từng đợt một gió xô cây nghiêng ngả, đuổi đám cỏ tranh ngã rạp xuống mặt đất, đánh những tàu chuối rừng rách nát tơi tả, trêu ghẹo mái lều tranh xơ xác, các mộng cột kêu răng rắc như thể muốn đuổi sự có mặt của hai bố con tôi cút khỏi nơi này. Từ buổi sớm đến giờ tôi chưa ló mặt ra ngoài, cố tình ngồi trên sạp nứa dữ khư khư tấm mền bông kẻo bị gió cướp đi mất. Không chừng mình sẽ chết rét…
Từ khi người ta đến xiết nợ, tính tình bố tôi cũng thay đổi hẳn, ông không ngờ có ngày mình phải sống cầu bơ cầu bất, không nhà, không tài sản, vợ ôm tất cả số tiền bao nhiêu năm dành dụm được, cộng thêm vay mượn của anh em, bà con hàng xóm láng riềng trốn theo gã trai lơ trên phố huyện. Nghe người ta nói mẹ tôi chơi hụi, tôi cũng không biết trò chơi ấy vui hay buồn, chỉ thấy ngày nào cũng có người đến nhà tôi ăn vạ, khóc lóc, kể lể, bố tôi đành bó tay bất lực, nhìn họ ngang nhiên khênh những đồ vật gắn bó với mình suốt bao đời vẫn chưa đủ. Ngôi nhà trống hoác không còn thứ gì để định giá nữa thì họ gọi chính quyền đến giải quyết, mặc dù bố không làm nhưng vẫn phải đứng ra gánh chịu hậu quả, ký vào biên bản, chờ ngày sử lý. Cứ vậy kéo dài đến vài tháng, ăn không ngon, ngủ không yên, cuối cùng bố viêt giấy bàn giao quyền sở hữu ngôi nhà cho Ủy ban nhân dân. Tùy họ, số tiền bán nhà không thấm vào đâu so với số mẹ tôi cầm của họ mang đi, bố không đủ bản lĩnh trả thêm cho người này, bớt của người khác đi.
Tôi không có thói quen, sống ở trên núi không có ai ràng buộc mà phải tạo nề nếp cho mình, bố cõng lên núi ở từ khi nói còn chưa sõi, lớn lên một tí thì nhìn theo bố làm rồi bắt chước, bố bảo mang ống bương xuống khe gùi nước thì đi, đói bụng thì đổ gạo vào nồi nấu cơm ăn, mặt trời mọc thì tự thức giấc, khi màn đêm buông kín không còn nhìn thấy đường thì rúc đầu vào đống chăn mà ngủ, không bao giờ bố phải nhắc nhở. Đấy là sau này được sống chung với nhiều người tôi mới biết!
…Bỗng nhiên như sực nhớ ra điều gì đó, bố vùng dậy, lật tấm mền chăn rồi gấp lại cẩn thận, đút vào một chiếc bao tải, bảo tôi:
- Con mang gạo đi nấu cơm. - Bố nói rồi chạy ra vách nứa lấy con dao quắm, đi như bay về phía khóm nứa phía dưới khe sâu.
Nhà hai mẹ con cô Diên ở dưới chân núi, từ ngày có cô đến ở tôi cảm thấy bớt đơn độc hơn, như thể cuộc sống của hai bố con được bù đắp thêm một phần khuyết, mỗi lúc nhà hết dầu lại cầm đèn xuống vay tạm cô một phao. Tính cô Diên cũng cởi mở, không bao giờ tằn tiện với bố con tôi, nhiều hôm trời mưa, lũ suối chảy ầm ầm, không xuống bản mua thức ăn được cô sai cái Cúc mang tép khô lên. Bố tôi là người đàn ông xoằng phẳng, không thích chung đụng, dây dưa lằng nhằng với ai. Nhất là đối với mẹ con cô Diên bố tôi lại càng giữ kẽ, nhiều hôm lên núi lấy củi cô vào lán nhà tôi ngồi chơi, tất nhiên hàng xóm láng riềng có lúc phải sang thăm nhau, nhưng mỗi lần như thế bố tôi lại bảo, cô ngồi chơi với cháu, tôi đang phát dở đám nương, mai kịp châm lửa đốt, và bố đã cặm cụi suốt cả buổi. Mỗi lần cái Cúc mang tép khô lên, thực tình bố con tôi cũng không biết cô biếu hay cho, hôm sau bắt buộc bố tìm cách trả nợ bằng những con chim cu béo ngậy để mẹ con cô nấu cháo.
Tôi đong hai bò gạo bỏ vào xoong mà lòng thầm nghĩ, giá cô Diên là mẹ mình thì giờ này bố côn tôi không đến nông nỗi này, cứ ung dung cuộn tròn trong đống chăn, đợi đến khi nồi cơm chín là có người gọi dậy. Những ý nghĩ của tôi chỉ là mơ hồ, ngay khuôn mặt mẹ mình ngang dọc thế nào đến giờ tôi cũng không thể hình dung nổi, tôi lớn lên trong tình thương của bố, chưa bao giờ biết đến bàn tay âu yếm vỗ về trong những giấc chiêm bao. Cô Diên đối xử với tôi rất lạ, không giống như những người đàn bà đi làm nương, họ cảnh giác sợ tôi lấy đi những thứ đùm gói cất trên cành cây, lần nào xuống cô cũng hỏi han, cháu ăn cơm chưa…Chắc là…Cô có cái này, cho cháu.
Bếp than nhà tôi đã nguội tanh, chẳng còn lấy một nhúm tro, gió đã thổi trơ cả nền đất đỏ quạch bên dưới, chưa bao giờ tôi thấy ngao ngán đến vậy, ngọn lửa vừa bùng lên lại bị một đợt gió làm tắt ngấm, không chừng hai bố con tôi nhịn đói bữa nay!
Con đường mòn từ lán nhà tôi xuống chân núi phải tắt qua nhà cô Diên. Tuy hai mẹ con cô lên đây sau rất lâu nhưng nơi ăn ở kín đáo, chẳng chềnh choàng như bố con tôi, cũng vì thế mà những lần mưa gió bố con tôi phải nhịn ăn cả ngày. Tôi đoán ý bố muốn nói xuống nhà cô Diên nấu nhờ cơm nhưng ngại, hễ tôi nói đến cô bố lại lảng tránh sang chuyện khác nhưng thực tình trong lòng rất thích nghe. Nhiều đêm trăng thanh gió mát đáng lẽ con người ta phải ngủ ngon giấc nhưng tôi để ý thấy bố ngược lại. Những đêm như thế thái độ của bố khác thường, ông nằm trằn trọc trên chiếc sạp nứa đã bóng nhẫy vệt mồ hôi, thỉnh thoảng vùng dậy đi vòng quanh đâu đó rồi tiếp tục vào nằm gác tay lên trán. Chắc là bố nghĩ tôi đã ngủ say, nhưng vì tò mò tôi vờ nhắm mắt nằm im thin thít. Có lần tôi thấy bố đi xuống dốc, tưởng đang đêm mò xuống nhà cô Diên nói chuyện nên bí mật bám theo, đi được một đoạn đột nhiên bố dừng bước rồi rẽ quặt vào khe nước, trời đang gió mát mà bố tự nhiên đi tắm, ông mải mê làm cái điều kỳ quặc không hề để ý thấy tôi nấp khuất sau bụi cỏ. Chuyện này mãi về sau khi tôi trở thành một gã thanh niên mới hiểu.
Tôi bưng xoong cơm đang đun dở xuống nhà cô Diên nấu. Hoàn cảnh mẹ con cô cũng chả khác gì so với bố con tôi, cô không bao giờ kể, nhưng tôi biết chuyện qua cái Cúc. Chồng cô mắc chứng nghiện ngập, cả tuần chú mới ló mặt về nhà một bữa, lục lọi trong nhà xem có thứ gì mang bán được là khuân đi, hễ cô dành dụm được một đồng là chú đòi bằng sạch. Hết tiền, đồ đạc trong nhà không bán được thì chú túm tóc cô đánh tím bầm mặt mũi, cuối cùng hai mẹ con đành phải trốn chú lên núi mới được yên thân. Tôi nghe người ta nói chú đã bị bắt đi tù rồi chết luôn trong đó. Cô Diên tính trồng thêm vài vụ ngô nữa rồi hai mẹ con đưa nhau về, không ở đây mãi thế này, nhà cửa dưới ấy cần phải có người thắp hương khói, sau này cái Cúc lớn...
Đài dự báo đợt rét này kéo dài kha khá. Nãy đến giờ bố tôi đã chẻ song mớ lạt, buộc lại mái nhưng gió vẫn lùa vào thông thống. Mùa đông ở trên núi cao buồn, thường là những cái buồn vu vơ, nhưng tôi vẫn thích, lúc ấy chẳng có nhiều việc phải làm, thời tiết se se lạnh, đất đai khô ráo, cỏ cây thơm ngậy, một mình tôi tha hồ lạc giữa chốn rừng xanh. Cạnh chỗ bố con tôi ở có một gốc cây lộc vừng to, cũng vì cây lộc vừng đã khiến bố tôi chọn nơi này để dựng lán. Cây lộc vừng sống lâu năm nên gốc xù xì, trong thân cây có một cái lỗ sâu hoắm, miệng lỗ tròn trông giống như cái tổ chim, nhiều hôm tôi chui vào hốc cây ngồi cả buổi, tôi chưa thấy chốn nào lý tưởng bằng ở đây!
Tôi không sống nhiều với mẹ, người đàn bà đã tự cắt khúc ruột của mình, ôm một đống tiền bỏ đi theo gã đàn ông lạ không biết bà nghĩ gì? Đã vài lần tôi hỏi bố về mẹ nhưng chỉ nhận được những cái nhìn lặng thinh, biết bố buồn nên tôi không bao giờ nói nữa. Ngồi trong hốc cây tôi nghe được đủ thứ âm thanh, tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng chim kêu ríu rít, chúng đang ở quanh tôi rất gần, cảm giác ấm áp vô cùng. Một điều tôi cảm thấy rất thú vị, nhắm mắt lại thấy cây cối đang nảy mầm xanh rì, bầu trời cao vời vợi, từng đám mấy trắng xốp đang thong thả trôi. Cũng vì có cái hốc cây lộc vừng đó mà tôi đã gặp mẹ, cho dù đấy chỉ là khuôn mặt chắp vá từ những giấc mơ. Những người đàn bà đi làm nương vẫn hay ngồi lại dưới lán nhà tôi, họ xúm xít vào uống nước rồi nói chuyện nhà cửa, ngồi trong hốc cây kín mít tôi đã tưởng tượng ra mẹ mình. Có lần tôi nghĩ mẹ giống cô Diên, nhưng mẹ tôi đã theo một người đàn ông khác, tôi lại mường tượng ra mẹ là người đàn bà xa lạ. Trong ký ức tôi không lưu giữ hình ảnh nào của mẹ, đôi khi tôi tự hỏi mẹ có bao giờ nghĩ đến tôi không? Nếu mẹ còn nhớ bố con tôi tại sao không trở về? Tôi hình dung ra đủ thứ, mẹ sống chung với một gã đàn ông lạ hoắc, hắn có bộ ria xồm xoàm như sâu róm, đôi mắt vằn lên những tia lửa, đang túm tóc mẹ tôi quát tháo, đánh cho chừa cái thói lẳng lơ.
…Đêm đêm có con chim kêu; "Bắt cô trói cột", tiếng kêu phát ra từ trong tán lá rừng, nhả vào không gian nỗi ai oán, nhẹ như không có tần vách nào ngăn cản, nó đập thẳng vào màng nhĩ làm lay động những tâm hồn đang thao thức, bố tôi bảo đấy là lời của một đứa bé. Câu chuyện kể ra thì dài dòng lắm, đại ý có một đứa trẻ bị người dì ghẻ hại chết biến thành con chim, mỗi khi màn đêm yên ắng nó mới cất tiếng kêu mách bảo người khác biết. Tôi rất sợ mà đêm huyền bí, ngồi trên đỉnh núi cao chẳng thấy mình đâu cả, bầu trời thì không có đích, dưới chân cảm giác sâu hun hút, mải nhìn những ngôi sao ngỡ mình đang lơ lửng, hồn vía tôi lạc vào hư vô, nhiều lần tôi bị bạt vía…Những lời lẽ bố nói khiến tôi khắc khoải không ngủ được, tôi lại mơ mình bị một người đàn bà hành hạ, mắt bà trợn trừng trừng, hai hàm răng nghiến sin sít, đang đêm khuya thanh vắng bà lột chăn đuổi tôi ra giữa trời đông rét mướt. Giật mình tôi hét toáng lên, toát mồ hôi rúc đầu vào nách bố, giữa đêm bố đành phải thức giấc, thôi con ngủ đi, đừng nghĩ ngợi đến điều đó làm gì, chỉ là truyền thuyết người ta thêu dệt lên, con chim kiếm mồi trong đêm, nó cất tiếng kêu để gọi bạn tình. Hôm sau thức dậy bố đi xuống bản sớm, nhưng những lời nói của bố cứ thì thào bên tai, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều; phải chăng vì thương tôi mà bố không muốn đi bước nữa, bố oán hận những người đàn bà có tâm địa ác độc…
Bố đi rồi tôi ở lán một mình, bất chợt tôi thấy mình lẻ loi quá, tôi bắt đầu chui vào cái hốc cây ngồi, vì ở trong đó tôi có cảm giác thế giới này rộng ra, nào là làng bản dưới chân núi đông vui, nào là trường lớp học sinh chơi đùa tíu tít, còn tôi thì ở nơi rất xa xôi, có thể tận trên những vì sao xa tắp, có khi lại mãi dưới tầng sâu của địa ngục. Hai bố con tôi đã chuyển nơi ở rất nhiều lần nhưng đến đâu cũng có người nói chỗ này là đất của nhà tôi, ông không nhìn thấy vết dao đánh dấu trên thân cây to lù lù kia à? Chỉ còn mỗi cây lộc vừng người ta bảo có ma nên cú mèo hay làm tổ nên không ai dám nhận, bố con tôi quyết định hạ đồ dựng lán, kể từ đó đến giờ cũng lâu lâu, và tôi chẳng nhìn thấy con mà nào cả.
Ở trong gốc cây chơi một mình mãi cũng chán, thỉnh thoảng cái Cúc lên, chúng tôi bắt đầu chơi đồ hàng, quả là trò này liên tục thay đổi nên mãi vẫn chưa thôi. Một hôm, cái Cúc bảo, em làm vợ, anh làm chồng, chúng mình chung nhau một mái nhà mới không phải tranh dành đò đạc của nhau. Đúng thật, bố tôi và cô Diên hai lán cạnh nhau nhưng không biết chơi đồ hàng nên suốt ngày phải giữ kẽ, thỉnh thoảng cô quan tâm đến tôi bố lại mắng mỏ, cái cô này, cứ kệ cháu, mua cho nó tôi biết lấy gì đền đáp, bố mắng nhưng cô chỉ cười, nụ cười nở ra chan hòa vào trong gió…
Sau đợt gió lại bắt đầu có mưa, tôi đã chứng kiến nhiều trận mưa rừng, bắt đầu là một trận gió, bầu trời ma quái, xám xịt như tấm lưới chì chụp sát xuống, cây cối từ từ nghiêng ngả, mặt đất rung chuyển, vách núi sạt từng mảng ầm ầm đổ xuống suối. Mùa đông thường mưa lun phun suốt cả tuần, đất đai nhão nhoét dính đầy chân. Chiều hôm ấy khác thường, mới đầu là một trận mưa rào, sau đó dầm dề mãi không ngớt, mái lều tranh bố con tôi ở đã xơ xác vì cơn gió mùa đông bắc, nước mưa ào ào đổ xuống làm nó thêm tơi tả, mục nát, lỗ chỗ từng mảng như bàn tay, càng về đêm gió lùa càng mạnh, từng luồng gió táp vào da thịt lạnh cóng. Hầu như suốt đêm đó bố tôi không ngủ, ông khoác chiếc áo bông cũ, ngồi bó gối trên góc sạp, thỉnh thoảng lại phải gồng lên run lật bật, rét thấu xương…
Mùa đông này bất chợt tôi biết mình lẻ loi, nghĩ đám cây rừng đua nhau đâm chồi nở hoa, lũ cầy phát ra một mùi hương theo làn gió bay đi rất xa, bầy chim rúc rích trong những lùm cây, tối tối dưới bản có ánh đuốc lập lòe là lòng dạ tôi nôn nao, nằm trong chăn con tim tôi xao xuyến, tôi muốn được về bản sinh sống…
Bố tôi bảo bao giờ có tiền mới mua được đất dựng nhà. Nhưng tôi không biết đợi đến khi nào? Xong vụ ngô bố vác xuống núi đổi gạo, số còn lại bố gửi người ta nấu rượu, từ ngày cô Diên lên đây ở bố tôi hay uống rượu, đêm đêm bố hay ngồi một mình bên đống than nhấm rượu, thỉnh thoảng có bạn ghé qua lán bố rót vài chén mời họ. Trên núi cao lạnh cần có bếp lửa, than hồng giữ hơi ấm trong nhà, xua tan tà khí của núi rừng, những người đi săn thường hay tụ tập trong lán nhà tôi, họ ngồi bên bếp lửa nói chuyện hết đêm, độ này gió lạnh thú rừng không ra ngoài kiếm ăn, chúng rủ nhau chui và hang tránh rét nên không có ai đi săn. Có lần cô Diên bảo, nhà cháu hết diêm à? Cầm một gói về nhóm bếp. Chắc cô Diên đã để ý không thấy bếp nhà tôi cháy mỗi đêm? Nhưng không phải vì hết diêm, mà bếp nhà tôi không có ai cời than, những cây gỗ cứng cháy tỏa nhiệt rừng rực, một hồi than nguội dần không đủ sức bắt cháy thân cây.
…Nước mưa phả vào lán ướt mèm, cái sạp nứa nhày nhụa nhơn nhớt, tấm mền chăn bị mưa dột nặng trình trịch không đủ ấm khiến tôi phải thu mình co ro như con ốc sên. Nửa đêm tôi lên cơn sốt, hai hàm răng cứng đờ, lưỡi rụt tận cổ họng, mắt trợn ngược, chân tay dật đùng đùng, tôi muốn nói nhưng không phát được lời. Dưới chân núi, bếp than nhà cô Diên vẫn đang cháy, ngọn lửa le lói phát ra ánh sáng khiến tôi có cảm giác gần lắm. Bố con tôi ở trong lán bị gió lùa vào lạnh cóng, cơ thể tôi cố dồn hết hơi ấm để chống chọi với cái rét, bố lục tung tất cả quần áo cũ cũng không còn chiếc nào khô, cái áo bông ông khoác trên người đã thấm đầy hơi nước, ông ôm tôi chặt vào lòng…Mấy hôm nay vì trời rét bố không xuống bản, diêm cũng hết chẳng còn que nào, định đốt lên một đống lửa sưởi ấm nhưng củi đã ướt hết, dốc ngược chai tìm rượu cũng không còn một giọt. Bất chợt gió bên ngoài lại thổi mạnh, bố cứ nghiến răng siết chặt tôi, gần sáng bố quyết định cõng tôi xuống nhà cô Diên.
Hai hôm sau tôi vẫn mê sảng, người nóng rừng rực như hòn than, trong giấc mơ tôi thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ, bà nào cũng nghiến răng, trợn mắt nói, "Tao xé xác mày, vì mày mà ông ấy không dành hết tình yêu cho tao". Những khuôn mặt rách nát, chẳng rõ hình thù cứ chập chờn trước mắt làm tôi giật mình thon thót. Tôi thấy mình bé nhỏ như con chim "bắt cô trói cột", tiếng kêu của tôi sẽ lọt thỏm giữa rừng xanh, nó quẩn quanh, không thoát ra khỏi đám lá rậm rịt, bùng nhùng, rối mù, vô vọng. Tôi ú ớ gọi bố trong cơn mê, đã hai ngày nay tôi gọi suốt nhưng chẳng thấy bố ở đâu? Lúc tỉnh giấc tôi thấy mẹ con cô Diên ở bên cạnh, bàn tay mát xoa lên trán khiến nỗi ám ảnh trong mơ của tôi bị xua tan…
Mùa xuân, bố con tôi về cùng ở với mẹ con cô Diên. Dĩ nhiên là cả nhà rất vui vẻ, chúng tôi chỉ còn mỗi cái lán nhà mẹ con cô, lán nhà tôi đã bị sập sau khi bố con tôi cõng nhau xuống núi, cô Diên đồng ý cho bố con tôi ở lại lán, sau vụ ngô này cả nhà chúng tôi sẽ xuống bản mua đất, chúng tôi sẽ thành một gia đình lớn, sẽ dựng một ngôi nhà chung lý tưởng, chẳng còn gió mưa nào lay chuyển được nữa. Thế là khát khao của tôi đã được thỏa ước, bố tôi sẽ được bàn tay cô Diên chăm sóc, tôi cùng cái Cúc sẽ đốt đuốc đi chơi cùng lũ bạn trong bản. Tôi nhận ra mình lớn thật rồi, nhìn lũ con gái bản đi qua đường, đôi mắt lúng liếng gái mà tôi không cầm nổi lòng…
Cũng mùa xuân ấy xẩy ra một điều bất ngờ, một người đàn bà lạ mặt xuất hiện, tôi chưa thấy bà ta bao giờ, ngay cả trong những giấc mơ cũng không gặp. Khuôn mặt bà tái nhợt, đôi mắt thảm thương lắm. Bà nhìn bố tôi bảo: "Mình ơi! Em van mình! Hãy cho em được ở lại với con, cuộc đời còn lại này em xin làm kiếp trâu ngựa cho mình, đừng đuổi em đi".
Người đàn bà tội nghiệp ấy chính là mẹ tôi, bà đã bỏ đi theo gã trai lơ, hắn đã gạt bán bà cho ổ mại dâm rồi lấy đống tiền đó hú hí cùng một ả khác. Bước chân người đàn bà đã lỡ thì đành phải chạy tiếp, dù biết mình đã đi lạc thật rồi, thực ra mẹ tôi cũng là người bị kẻ khác lừa, bà muốn đổi đời nên nhẹ dạ tin theo lời phỉnh nịnh của gã đó, tôi tự trách sao đời lắm oan nghiệt, những người thật thà luôn bị kẻ lưu manh làm hại. Vì mẹ mà bố con tôi đã phải vào rừng sống, cái đêm mưa gió ấy nếu không có bàn tay của mẹ con cô Diên chắc là tôi đã về thế giới bên kia, đến bây giờ bố con tôi được cô mở lòng thương thì mẹ lại có mặt, đúng là đời nhiều nỗi oái oăm.
Cô Diên bảo cú mèo kêu là tin dữ sắp đến, từ ngày lán nhà tôi sập chúng kéo nhau về cây lộc vừng làm tổ nhiều lắm. Ngày trước chú đang ở trong trại, một hôm có con cú bay đậu trên nóc nhà kêu ba tiếng, sáng hôm sau có người đến báo tin chú chết, người ta đã chôn cất cẩn thận, nếu gia đình muốn nhận mộ thì lên nghĩa trang của trại làm thủ tục. Từ hôm có mẹ tôi về ở, tối nào chim cú mèo cũng bay xà xuống mái lều, bố tôi ngồi lặng thinh không nói một lời nào, nhiều đêm bố mất ngủ, râu mọc dài lởm chởm, đôi mắt sâu hoắm, cô Diên nhìn bố tôi: "Anh à! Cứ để chị ở lại đây em chăm sóc, đằng nào…" Câu nói lấp lửng của cô khiến tôi khó hiểu, làm gì có người tốt như thế?
Ngày ngày cô Diên nấu cháo cho mẹ tôi ăn, bố vác ngô xuống núi bán lấy tiền mua thuốc, nhưng người mẹ cứ gầy xọp đi, cơ thể lở loét, dịch vàng và mủ từ những miệng lỗ rỉ ra ướt chiếc chăn trải dưới sạp, mẹ bảo đừng ai động vào mà nhiễm bệnh, nhiều lần đi khách mẹ bị nhiễm HIV. Mẹ tôi khóc, tôi không ngờ đấy là những giọt nước mắt cuối cùng của mẹ.
Vầng trăng cuối tháng mỏng leo lét trên đỉnh núi, ánh sáng bàng bạc chiếu xiên xuống mờ ảo. Tôi ngồi lặng bên hòn đá cuội nhìn về xa xăm, sương giăng đục ngầu khắp các triền nương. Không biết đã bao nhiêu mùa trăng rồi nhỉ? Tôi cứ hỏi thế để tự an ủi lòng mình, bản thân thì cố quên đi thời gian. Càng đếm càng thấy dài lê thê, thấy cuộc đời mình thêm phức tạp. Tất cả kỷ niệm cũ trong tôi chỉ là một nỗi nhớ mơ hồ, tôi giật mình vì có một tiếng gọi từ trong tiềm thức, bếp lửa trong lán vẫn đang âm ỉ cháy. Tôi đứng dậy đi vào lán.
VanVN.Net - Trần Đức Tĩnh, sinh năm 1976 tại thị xã Tuyên Quang. Nguyên quán xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 1999 - Chuyên ngành trinh sát. Năm 2011, anh tốt nghiệp lớp Viết văn quân đội (Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội) và chuyển về công tác tại NXB Quân đội Nhân dân. Trong Cuộc vận động viết truyện kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, Trần Đức Tĩnh có tác phẩm đạt giải B. VanVN.Net xin giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn “Ghềnh nước xoáy” của anh…
Tác giả Trần Đức Tĩnh
Ghềnh nước xoáy
Tôi tỉnh lại là nhờ một luồng hơi ấm thâm nhập vào cơ thể, đầu tiên là tiếp xúc ở đầu lưỡi, sau đó lan truyền xuống cuống họng, cuối cùng tích tụ dưới dạ dày. Mở mắt tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng, ngồi bên cạnh là một cô gái. Ngoài trời đã sáng bạch, tiếng bán hàng rong nghe văng vẳng, tiếng xe máy chạy rào rào, vài tia sáng yếu ớt lọt qua khe cửa khiến lòng tôi nôn nao. Tôi đưa tay lật tấm chăn mỏng thì cô gái ngăn lại.
Anh cứ nằm yên, chưa dậy được đâu.
Cô gái luồn tay qua gáy, nhấc đầu tôi bổng lên, kê thêm một chiếc gối, tư thế tôi nằm thoải mái hơn.
- Anh phải ăn hết bát cháo này mới đủ sức về nhà.
Tôi nuốt thêm mấy thìa cháo. Hơi cháo nóng lan tỏa đến từng thớ thịt, cơ bắp tôi hồi phục, đầu óc tỉnh táo dần. Nhìn đôi mắt quầng thâm của cô gái, tôi đoán chắc có sự việc vừa xẩy ra. Tôi cố hình dung nhưng không tài nào nhớ nổi, chỉ thấy nhưng con sóng cuồn cuộn.
Làng tôi nằm bên sông. Con sông chảy ngang đầu làng thì gặp phải ghềnh đá lớn, nó nghiêng mình chao sang phía bờ bên kia, để lại đằng sau tảng đá một vòng xoáy sâu như cái chảo nấu mật mía. Người đi sông sợ nhất gặp nghềnh nước xoáy đánh vỡ thuyền bè, nhưng tụi trẻ làng tôi lại thích thú. Ngay sát nghềnh đá có một cây đa cổ thụ, không biết cây đa mọc từ đời nào, nghe các cụ trong làng kể; từ khi tao nhìn thấy cây đa đã lớn lên như thế này rồi, chắc cũng độ vài trăm năm. Gốc đa to năm người ôm, rễ đa buông xuống tua tủa như những cái vòi con bạch tuộc, cành đa tỏa bóng xum xuê, lá đa rộng như bàn tay. Vào các ngày rằm mồng một âm lịch, dân trong làng thường mang hương hoa thờ cúng quanh gốc đa. Tôi hỏi bà: bà cúng có mà không? Bà tôi bảo: Cây gạo có ma, cây đa có thần, cháu không được ăn nói phạm thượng và bén mảng đến gốc đa làm những chuyện bậy bạ, nếu nghịch ngợm làm các ngài phật ý là sẽ bị móc cho lòi mắt, vặn cổ từ đằng trước ra đằng sau, không thì bị bóp cho méo mồm. Tôi chưa tin như bà nói, thằng Thành nhón trộm nải chuối, chén no bụng, đái cả vào bát hương cũng chẳng sao. Ở lớp học cô giáo chủ nhiệm bảo không có ma, người ta chết rồi là hết, ban đêm ngoài nghĩa địa cục lửa phụt lên là lân tinh do phốt pho cháy. Như bà tôi là mê tín dị đoan, vì thế đợt mỗi lần bà cúng xong, tụi tôi nháy nhau nhổ hương vứt xuống sông, bà tôi tức tối chửi toáng nhưng không bao giờ bắt được quả tang đứa nào làm… Mùa mưa, nước sông dâng lên cao, ghềnh đá réo ầm ầm, sôi sùng sục. Tôi bò tít ra cành đa, đứng thẳng người. Đùng một cái, nhún hai mũi chân, hóp bụng lại, nín thở, người tung cao, xoay xoay trên không rồi đánh tùm, chẳng khác nào võ sĩ trong các bộ phim. Tụi tôi thi nhau làm như vậy, dần dần đứa nào cũng thành “đại hiệp”.
Bà tôi dắt tôi đi trên con mương dài. Con mương bắt nguồn từ làng tôi, bơm nước sông lên tưới mát cho cánh đồng. Nhà cụ Đức Lang nằm phía bên kia, đến nhà cụ phải đi tắt theo bờ mương. Cụ Đức Lang là người tiếng tăm khắp làng trên xóm dưới, ngoài nghề bốc thuốc cụ còn có phép thuật cao tay. Tôi chưa sang nhà cụ Đức Lang lần nào, thậm chí nghe tên cụ đã thấy sợ sệt lắm rồi. Vừa đi bà vừa dặn tôi: Nhà cụ Đức Lang là chốn thờ cúng, khi nào vào cháu không được tự ý, chẳng may động chạm đến các thần, cả hai bà cháu ta sẽ bị quở trách. Tôi nghe bà, ngoan ngoãn bước nép sau lưng.
Đất quê tôi là đất miền núi, không rộng và dài như phong cảnh miền xuôi, những con đê trải dài dưới bóng tre, đàn cò trắng lơ thơ sải cánh ngang trời, chú trâu đen gặm cỏ cạnh sườn đê, mỗi chiều về tụi trẻ lại được thả diều bay phất phới. Bờ mương bà cháu tôi đi là mương nổi, nó cao cao, thoai thoải có lối mòn giữa hai triền cỏ. Đứng trên mương nhìn ra cánh đồng trông rộng lắm, giá mà bà tôi biết làm diều thì hay biết mấy, vừa đi tôi vừa ước ao như thế, khoảng một tiếng đồng hồ sau hai bà cháu đã đến nhà cụ Đức Lang. Quả đúng như hồi bà tôi dặn; nhà cụ là chốn linh thật. Trước ngõ chôn hai con chó đá ngồi canh chừng, bậc lên nhà cũng kè bằng đá, chắc thời xưa cha cụ Đức Lang làm gì to lắm. Ngôi nhà cụ lại càng uy nghi hơn, bậc thềm bó toàn đá xanh, phía trước hiên là hàng cột lin nhẵn bóng, mái ngói uốn cong như vẩy rồng. Bà cháu tôi đến đúng lúc cụ Đức Lang đi vắng, cả nhà còn mỗi đứa cháu gái. Gặp bà cháu tôi, đứa cháu gái đon đả mời chào. Trong nhà cụ kê một bộ bàn ghế Tràng Kỷ, dịch vào là cái sập gụ chắc nịch, sâu tý nữa là cái tủ chè, bàn thờ có đôi hoành phi khắc chữ nho, trên cao nhất treo ảnh Quan Âm Bồ Tát trăm tay ngồi giữa đài sen. Cháu gái cụ Đức Lang lấy cái ấm tích ủ trong giỏ nan, giót nước chè xanh mời bà cháu tôi uống. Cái thứ nước này người lới uống khen ngon, nhưng trẻ con uống vào hay bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Bà lấy cho tôi một bát nước sôi để nguội. Nhà cụ Đức Lang là gia đình gia giáo lâu đời, đứa cháu gái ăn nói gần giống như người lớn, chẳng bù cho mấy đứa con gái ở lớp tôi giọng chanh chua chúa chát sao mà ghét đến thế. Hỏi chuyện bà tôi xong, cháu cụ Đức Lang xin phép xuống nhà bếp nấu cơm. Tôi đưa mắt liếc qua một lượt cái bàn nhỏ ấy là góc học tập của cô bé, trên bức vách bằng gỗ dán ảnh cháu ngoan bác hồ và một cái thời khoá biểu, dưới ngăn bàn sách được xếp gọn gàng. Tôi mải nghĩ chuyện gì không nhớ rõ thì có tiếng gọi từ dưới bếp vọng lên.
- Bạn gì ơi! Xuống giúp mình một tay.
Ôi! Giọng nói nghe mới ngọt ngào làm sao, hai lỗ tai tôi có lẽ bị thủng từ bên này sang bên kia mất, lần đầu tiên tôi biết e thẹn trước con gái, mặt mũi tôi nóng ran như ăn phải ớt cay. Tôi luống cuống nhặt từng cọng rau muống, lúc đó không hiểu thế nào mà tôi mất bình tĩnh, chân tay run lập cập. Cháu cụ Đức Lang hỏi: Cậu sợ bị yểm bùa à? Không phải yểm bùa là đè ra chích vào tay như người ta tiêm chủng đậu đâu, cậu muốn học giỏi, không ốm đau thì để ông tớ làm cho một lá bùa. Tôi chẳng biết yểm bùa có đau hay không, cùng lắm như con chó đực nhà anh Thuận, nó hung hăng trốn nhà đi tìm chó cái suốt cả ngày, anh Thuận bắt nó, kẹp cổ vào giữa hai chiếc răng bừa, rồi dùng banh xa lam thiến hai hòn dái ra, nhét vào đó hai cục thủy tinh, anh bảo tôi đây là yểm bùa để cho nó giữ nhà tốt.
Đến gần trưa cụ Đức Lang đi bốc thuốc ở tận trong núi về. Vừa vào ngõ cụ cất tiếng chào bà tôi, chỗ cụ với bà tôi là người quen biết từ thời xưa. Cụ Đức Lang hỏi bà tôi đến bốc thuốc hay có chuyện gì khác, bà tôi được đà nói một thôi một hồi: Đấy! Cụ xem, ai lại như thằng cháu tôi, bố mẹ nó đi vắng, một mình tôi dạy dỗ nó không xuể, xểnh một cái là nó đàn đúm cùng mấy đứa con nhà vô giáo dục, ngay cả chốn linh thiêng chúng nó cong không chịu tha, vứt cả bát hương của tôi thờ cúng, trèo lên ngọn đa ngồi ngang với các thần, còn lặn cả xuống sông có ngày trôi mất xác, tôi phải nhờ cụ việc này. Cụ Đức Lang cười, tưởng có chuyện gì quan trọng, bà cứ để cháu chơi cùng cái Đào, ăn cơm xong, nghỉ ngơi, chiều làm lễ, đợi mát hai bà cháu về chưa muộn, mùa này đang có trăng.
Hôm ấy, bà cháu tôi ăn cơm cùng ông cháu cụ Đức Lang. Bà tôi dặn không được đi đâu xa, hai đứa chỉ quanh quẩn dưới nhà… Cụ Đức Lang có một ngôi điện thờ nằm sau nhà, đường lên điện cũng kê toàn đá là đá, trước cửa điện có hai cây đại to, giữa hai cây đại là một cây hương. Bà tôi châm hương cắm vào bát hương, khói hương tỏa thơm khắp vườn, tiếng mõ công cốc! khắc vào hồn trẻ thơ tôi. Trong lúc bà tôi cùng cụ Đức Lang lên điện, cái Đào rủ tôi ngắt nhựa vông thổi bong bóng. Dọc ngõ nhà cụ Đức Lang trồng vông chắn lối đi, hai đứa hứng đầy một nắp nhựa, bện cọng cỏ tròn như mắt kính, hai cặp mắt liếc nhau như đôi ca sĩ chuẩn bị hát song ca. Tôi nhúng cọng cỏ vào nắp nhựa và dương cao lên, màng nhựa bám căng như màng trống, cái Đào ghé môi thổi nhè nhè, những quả bóng đỏ, lam, chàm tím như kinh khí cầu bay bổng trong không gian. Tiếp theo đến cái Đào nhúng, tôi căng mồm thổi một hơi, bóng bay tới tấp, bóng xoáy, bóng vờn ngọn tre, dính vào lá mít, vương vào tóc. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nhanh trí thế, tự dưng quên hết cả ngượng nghịu, vứt vòng cỏ xuống đất, vít vai cái Đào, gỡ bóng khỏi làn tóc đen nhánh như mây. Cái Đào nhún vai, hai gò má đỏ bừng, ấy chết để nhựa vào tóc về ông sẽ đánh roi lằn mông đít đấy. Cậu thông minh nhỉ, thế mà bà bảo cậu dại lắm.
Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi chơi cùng cái Đào, ở trên điện cụ Đức Lang cùng bà tôi cúng bái. Đến lúc bà gọi tôi lại và đưa cho một lá bùa. Bà bảo: “ Từ nay cháu đã là người của nhà phật”. Nói xong hai bà cháu chào ông cháu cụ Đức Lang đi về.
Trên đường về, tôi đi trước bà đi sau, con đương mương huyền ảo nhuộm màu trăng. Tôi hỏi bà, cháu là người như Phật Tổ Như Lai á? Bà tôi nghiêm nghị trả lời, cháu mới là phật tử, làm con của phật thôi, bao giờ như bà thì trở thành đức phật. Bóng bà cong cong bên tôi, chắc ngày nhỏ như tôi bà chỉ to bằng cái hạt mít. Nếu được làm phật tôi cao lớn lắm đấy, nhưng tôi thấy mừng mừng lo lo; là phật tôi sẽ đi trừng trị những kẻ độc ác, có phép thần thông quảng đại nhưng không được chơi với tụi bạn nghịch ngợm. Mỗi lần tôi lặn xuống cái lỗ xoáy, tụi đứng trên bờ tưởng tôi chui sâu vào lòng đất, có thế vào đến lõi của trái đất, lát sau cả bọn cười thé lên vì thấy cái đầu tôi nhô gần giữa sông. Vào bờ chúng xúm xít hỏi, dưới đấy có cái gì không? Tôi lắc đầu, không thấy gì, ngoài một màu nước xanh biếc…
Sự kiện hai bà cháu đến nhà cụ Đức Lang ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Sau này tôi ít đi chơi cùng với mấy đứa con nhà không có giáo dục. Ở nhà mỗi tuần bố mẹ tôi dậy học về đều có quà, kết quả tôi đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Lên cấp ba tôi thi đỗ trường trung tâm của tỉnh, bọn học sinh thị xã như chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, bắt nạt mấy đứa con nhà quê bọn tôi. Tôi cay cú vì thái độ ngỗ ngược của bọn chúng, tìm đến nhà thầy Tùng xin học võ Thiếu Lâm. Thầy Tùng có lò võ nổi tiếng nhất thị xã, báo chí liên tục đăng tin về những việc làm đức độ của thầy. Học được ba tháng thầy mới cho phép nhập môn. Tôi đã là đệ của thầy Tùng, giống như các đệ tử ở chùa Thiếu Lâm Tự! Về nhà tôi hăng hái luyện tập, bài học cơ bản đứng rộng hai chân, hít khí, đấm ra liên tiếp, căng mũi chân, ke cơ bụng toát cả mồ hôi, xoạc háng như kẻ chỉ, tung đùi đá tanh tách như cào cào. Tôi bay lên tôi cuộn nhào… chẳng mấy chốc tôi trở thành một võ sĩ, nhiều người biết đến tôi, khiến bọn học sinh thị xã kính nể, gọi tôi bằng sư phụ.
Cô gái lấy khăn mềm cho tôi và nói:
- Trông anh sáng sủa như thế, sao lại sa vào cái chốn này.
- Tôi đi tìm người quen.
- Người anh quen, hay anh…?
Cô gái nói đến đây rồi lấy hai tay bưng mặt, hai đầu gối bó sát vào nhau, bờ vai rung lên lật bật.
- Anh về đi, bọn chúng sẽ tìm anh. Đêm hôm qua suýt nữa thì anh mất mạng.
Nghe vậy, tự dưng nước mắt tôi trào ra, tôi nắm lấy hai bàn tay cô gái, xiết chặt thầm cảm ơn, chắc chắn đơn vị sẽ kỷ luật thích đáng, bắt viết bản tường trình, bản kiểm điểm, đời nào để có một quân nhân đánh nhau, ngủ với gái điếm. Tôi sẽ bị luận tội, nhưng tôi chấp nhận. Tôi lại nghĩ đến lời nói chân thành của cô gái làm tình cảm trong tôi trỗi dậy. Một cô gái yếu đuối dám sả thân cứu mình! Ở trên đời này còn nhiều điều bất ngờ lắm, tôi chưa đi nhiều nên chưa biết hết, tưởng nhưng nơi nhơ nhớp là bẩn thỉu.
Kể từ sau lần bà cháu tôi đến nhà cụ Đức Lang, tôi theo học trường tỉnh, cái Đào học trường chuyên, chúng tôi không gặp nhau, nhưng tôi thường xuyên theo dõi tin tức. Cái Đào làm bí thư chi đoàn, từng cử chỉ của cái Đào tôi vẫn nhớ như in. Lớn lên tôi nhập ngũ, cái Đào xuống Hà Nội học sau trở thành phóng viên, bài phóng sự nào của cái Đào viết tôi cũng tìm đọc. Tôi muốn đánh thức kỷ niệm của cái Đào, bèn nghĩ ra cách; sau giờ huấn luyện ở đơn vị, tôi phóng xe đến xóm Liều, nghe ngóng tình hình để làm một bài điều tra, chẳng may bị bọn côn đồ đánh. Ngày nhỏ tôi cũng thế, người lớn bảo đừng sĩ cử ta đây, giỏi nghiệp nào sẽ chết vì nghiệp đấy. Tôi biết dại nhưng vẫn không chừa.
Tôi quen Lan từ dạo đấy, tuần nào tôi cũng đến thăm Lan, nhờ tình cảm làm suy nghĩ Lan biến đổi, Lan ngoan ngoãn tránh xa bọn người xấu, nhưng bọn kia không chịu buông tha Lan.
- Thằng chó! Mày biêt đất có thổ công, sông có hà bá? Con Lan là của bọn tao. Mày muốn chết hả?
- Xin lỗi các anh! Tôi không phải kẻ chơi bời, tôi là bạn cô ấy.
- Á…À! Mày thích vượt mặt bọn tao, xúi con Lan làm phản, tao cho mày biết luật.
Vù! Vù!
Tôi xoay người sang phải, lách sườn qua trái, vung tay lên đỡ. Nhưng đòn đánh tới tấp, miệng tôi thấy mằn mặn, mắt tôi nong nóng. Lùi lại một bước, tôi nắm chặt hai bàn tay, cơ bụng nổi cuồn cuộn, chân co tự nhiên, khí phát ra phù phù, “bàn long phi cứơc”, “ mãnh hổ xuất sơn”, “ triệt tâm hữu thủ”, “ hoành xà xuất động”. Tôi không còn cảm giác, mình mẩy nóng ran, chân tay căng cứng. Bất chấp mọi hiểm nguy, tôi đứng thế thủ. Đứa nào vào đây, chúng mày biến. Lan nức nở chạy đến.
- Anh ơi! Đừng! Không đánh được bọn chúng đâu, bọn chúng đông lắm, còn có cả người bảo kê nữa.
- Không! Mặc kệ tôi! Cô đi vào trong - tôi quát to, nhìn thẳng lũ tệ nạn kia.
- Tôi van các người, các người cút đi, tôi cần được yên ổn - Lan nói.
- Chúng mày đi đi - tôi xuống giọng. Cả bọn lảng dần, tôi đứng như trời trồng.
Lan kéo tôi vào nhà.
- Anh uống nước này.
Tôi cầm cốc nước ngửa cổ tu một hơi, cơ thể tôi nguội bớt, đầu óc nhẹ nhõm.
Tôi đứng một lúc nữa rồi giang tay, ngả lưng xuống đệm. Lúc tỉnh dậy đã có mâm cơm dọn sẵn trên bàn, bụng tôi cồn cào, mùi rau muống luộc, đậu phụ rán khiến cuống họng tôi đưa lên đưa xuống ừng ựng, Lan xới cơm cho tôi ăn. Và như đoán được ý nghĩ của tôi, Lan phe phẩy cái quạt giấy nhìn tôi ăn rôi ngọt ngào dỗ dành như con nít. Tôi ngẩng mặt nhìn Lan mà cảm xúc tràn thương.
- Anh cục xúc lắm sao?
- Không phải - Lan đáp.
Đêm hôm ấy tôi ở lại cùng Lan, lần đầu tiên trong đời tôi biết nếm mùi con gái, Lan âu yếm nói trong hơi thở nghẹn ngào.
- Anh đừng thương em nữa! Sự nghiệp còn ở phía trước.
Tôi lấy tay biết miệng Lan.
- Anh thương em thực lòng, em đừng nói thế, anh chỉ cần có em.
Tôi nói vậy nhưng phải làm gì? Bí thư chi bộ vừa nhắc mối quan hệ không lành mạnh, tôi vẫn gân cổ khẳng định như đinh đóng cột: Tôi yêu Lan hoàn toàn đúng đắn, bố cô ấy là thương binh đánh mỹ.
Cũng có nhiều người đứng ra khuyên giải, đừng ngốc nghếch lao vào chốn ấy, con gái tử tế thời này không thiếu. Tôi cảm thấy lòng dạ mình rất khó sử, Lan không phải hạng người như họ nghĩ, vì hoàn cảnh xô đẩy nên Lan đã sa ngã theo con đường nhơ nhớp này. Lan cũng có một gia đình, một miền quên tràn đầy những kỷ niệm, và Lan cũng đã từng là một học sinh giỏi của trường, mỗi lúc bên Lan tôi vô cùng xao xuyến. Tôi không cần những thứ phù phiếm, tôi vẫn cứ là tôi. Miệng lưỡi thế gian biết nghe sao cho vừa. Làm thế nào tôi kéo mọi người ủng hộ mình? Sự mặc cảm của người đời không thay đổi, không ai tán thành mối tình của chúng tôi, người ta bảo đưa Lan vào trại giáo dưỡng là hết trách nhiệm. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi dám làm và sẵn sàng đứng ra gánh chiu, tôi thương Lan, và đứng lên dìu dắt Lan. Thực tế không đơn gian một tý nào, phải lòng một đứa con gái hư hỏng là phẩm chất đạo đức không tốt, chêt giữa đaị dương không đáng mà vùi đầu xuống vũng trâu đái.
Đúng rồi! Tôi tự reo lên: Tôi có một lá bùa hộ mệnh, cụ Đức Lang yểm cho tôi từ hồi học lớp tám. Tôi sẽ hành động theo ý của mình. Tôi đinh ninh lá bùa ấy sẽ che trở cho tôi như đứng phật ở trên cao ban phước lành xuống trần gian. Tôi chắp tay trước ngực, nhắm mắt niệm phật: Xin đức phật hãy chứng dám cho con, con phải sử lý như thế nào? Con sống ngay thẳng, không làm điều mờ ám, không gây tôi ác, con thương Lan, con muốn cứu Lan thoát khỏi sự vẩn đục - nam mô a di đà phật. Con quỳ xuống đây, xin đức phật hãy chỉ đường, dẫn lối cho con đi, con hoang mang đến tột cùng. Trước mặt con là biển lớn, con chưa một lần ra biển.
Tôi quận chặt hai nắm tay, dậm mạnh chân xuống đất, hùng hổ tiến đến xóm liều. Cảnh tưởng đập vào mắt tôi vô cùng đau đớn, bọn khốn nạn đang khống chế Lan, chúng bổ nhào vào tôi. Tôi không ngờ võ Thiếu Lâm hiệu quả đến thế, đúng hôm nay nó đã cứu tôi thoát khỏi tử thần. Nhưng không còn cơ hội để nói nữa rồi, đánh nhau, dành gái, bị công an bắt đéo đồng hồ hai tay, tước danh hiệu quân nhân là cái chắc. “ Viết cụ thể vào tờ giấy này, gọi gia đình đến đây”. Tôi viết toàn bộ sự việc, công an lại hỏi: “ không có người nhà à?”. Tôi chối quanh co vì không muốn phiền lụy đến người khác, nhưng công an lại bảo:” Anh có người bảo lãnh rồi, phóng viên báo trung ương hẳn hoi nhá. Cô Đào là bạn cũ của anh à, kí vào biên bản rồi gặp cô ấy sau”. Trời ơi! Đào! Em như vị cứu tinh đời anh, tại sao giờ này em mới xuất hiện, suốt bao năm anh luôn ghi hình bóng em trong tim. Đào kí giấy bảo lãnh cho tôi ra khỏi đồn công an. Tôi cứ tưởng mình là người theo dõi hoạt động ở xóm liều đầu tiên, nhưng Đào đã đặt bút viết từ lâu. Tôi bàng hoàng tức tỉnh vì sự khờ dại đó, nhưng tất cả đã xẩy ra. Đào báo cho tôi biết Lan đã bỏ đi. Tôi không muốn thế, bởi Lan không còn ai dựa dẫm, thực tình trong lòng tôi rối bời… Liệu tình thương có phải là tình yêu, tình thương tôi dành cho Lan lại dâng lên.
Con chắp tay lạy trời, con cúi đầu lạy đất, Lan bỏ đi mất, cô ấy để lại chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên. Con cầu trời cầu phật! Hãy chỉ cho con Lan đang ở đâu? Vì thương con nên Lan đã tự nguyện bỏ đi. Lan đã trút bỏ quá khứ đau buồn để theo con trở về với cuộc sống lương thiện, nhưng bọn côn đồ đòi cô ấy phải đi khách để có tiền “bo” cho chúng. Người ta không hiểu con, trời đất giúp con, con tin đức trời sẽ thấu soi. Tôi miên man nhớ về kí ức tuổi thơ: một con sông mênh mênh mang mang, một cánh diều ước mơ. Nếu bà nội tôi biết chuyện này thì sẽ buồn lắm đấy, nhưng bà đã về chầu ông vải mất rồi. Bố mẹ tôi không đồng ý cho lấy Lan về làm vợ, người làng tôi có tục lót lá và tay, dắt cô dâu ra khỏi cổng. Họ còn từ không thèm nhận con cái nữa. Lan ơi! Anh biết làm sao? Em đã bỏ anh đi đâu? Trước mặt em là đại dương, em như con mồi, loài cá giữ sẽ xâu xé thân xác em, về đây bên anh. Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, anh tin rằng ông trời có mắt.
Từ ngày Lan bỏ đi tôi trở thành người “ Sớm nắng chiều mưa”, cũng phải mất một thời gian, nhờ có sự động viên của Đào, tinh thần tôi mới trở lại trạng thái cân bằng. Lý do tôi gặp được Đào là khi va vấp tình cảm với Lan và ngược lại. Tình cảm của con người khó mà định nghĩa được, tôi khao khát tình yêu thì lao vào dòng đời để dành giật. Khi tôi đang quyết liệt thì mục tiêu bắt đầu chuyển hướng. Thực thà mà nói, tôi chưa hiểu biết được giá trị của cuộc sống, qua một quãng đời sóng gió tôi mới biết rằng: mình cần phải thận trọng, không nên quá tin cậy vào những việc làm ngoài giới hạn, sức lực của mỗi con người đều có khả năng nhất định, kẻ nào tự do ngông cuồng ắt sẽ phải trả giá, chỉ có ai biết biến hóa những quy luật của tự nhiên thành bài học kinh nghiệm cho mình thì sẽ chiến thắng. Tôi cưới Đào làm vợ được gia đình và đơn vị ủng hộ nhiệt tình. Quá khứ của tôi khép lại, cuộc đời tôi lật sang trang. Chức vụ tôi thăng vù vù, mọi mơ ước đã mãn nguyện. Chiều chiều hết giờ làm việc tôi vác cây vợt đi đánh cầu, rồi tối rủ vài người bạn la cà quán bia uống no rồi về ngủ. Chao ôi! Cuộc sống dư giả sao mà thích đến thế. Đúng thật! Ước muốn của con người không bao giờ dừng lại, khi cuộc đời chưa đặt dấu chấm hết. Tôi bắt đầu nghĩ về Lan, tôi đi nhiều nơi để dò la tin tức của Lan nhưng không thấy, có một vài lần tôi hỏi nhầm người phụ nữ đi qua đường, vì trông nét nhang nhác giống Lan. Tôi tích cực đọc báo, xem ti vi nắm bắt tình hình trật tự xã hội nhưng cũng chẳng biết thêm gì. Một hôm tôi đi công tác ghé thăm một ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang, nhà chùa nấu cơm chay mời khách. Tôi muốn nghỉ lại chùa cho tâm hồn được thư thái, cơm nhà chùa đơn giản nhưng ngon miệng, món đậu phụ rán và rau muống luộc động đến nỗi nhớ Lan khiến tôi buột mồm hỏi:
- Mô phật! Nhà chùa có đậu phụ dán và rau muống luộc ai làm mà ngon đến vậy?
Sư trụ trì thực thà trả lời:
- Ni cô Tiểu Lan nấu cơm để thiết đãi khách.
Tôi choáng váng nghe tên “nicô Tiểu Lan” mà vô tình đánh rơi bát xuống mâm. Sư trụ trì “ mô phật”, hỏi thí chủ có điều gì bất ổn, nên động thái bất định. Tôi xin sư trụ trì cho gặp mặt nicô Tiểu Lan, nhưng sư trụ trì nói: “Nicô Tiểu Lan có bệnh không muốn tiếp xúc với người ngoài. Theo phép tắc nhà chùa thì thí chủ không được vào, đợi khi khác thân chủ khỏe mạnh sẽ cho gặp”.
Hai hôm sau tôi đến nhà chùa theo lời dặn của sư trụ trì, nhà chùa đang làm lễ. Khói hương bay nghi ngút, tiếng mõ chốc chốc điểm lên nghe khắc khoải, sư trụ trì ra tiếp tôi.
- Xin lỗi thi chủ, nhà chùa không giữ nổi nicô Tiểu Lan, đây là kỷ vật gửi lại cho thí chủ. Nam mô a di đà phật.
Chiếc khăn tay thêu hình hai con chim vành khuyên, đúng là Lan thật rồi, tại sao cô ấy không muốn gặp tôi, hay trong lòng cô ấy còn một điều trắc ẩn.
Tôi đứng bần thân ra đấy, tiếng mõ bắt đầu điểm liên hồi khiến lòng tôi não nề…
Mầm cỏ
Thái từng ngạc nhiên khi lần đầu bước chân ra đây. Một góc khuất rất đặc biệt nằm ngay bên cạnh “thế giới trật tự kỷ cương” của đơn vị. Hàng quán đôi khi không bán cho những kẻ đói khát, mà bán cho những kẻ thích tụ tập. U! Pha cho con bát mì tôm - U! Pha cho con ly cà phê - U! Chặt cho con cái chân giò…. Đến tháng lĩnh phụ cấp thì thật là tưng bừng! Những tốp chiến sĩ lâu ngày không gặp nhau, mang đủ các loại chuyện buồn vui trong cuộc sống ra tâm sự. Chuyện nhớ bố mẹ. Chuyện người yêu đi lấy chồng. Chuyện chị gái sinh cháu thư lên đơn vị nhờ cậu đặt tên. Chuyện phố phường. Chuyện làng quê. Ôi chao! Cả những chuyện tầm bậy tầm bạ cũng ngồi kể bô bô cho nhau nghe. Rồi nổi máu tranh luận, rồi gầm ghè vì mâu thuẫn. Có lần chỉ vì “con tép” và “con tôm” ở quê tớ và quê cậu gọi khác nhau mà suýt nữa đã choảng nhau...
Đêm hôm qua mưa vẫn còn rơi trên mái nhà. Đợt mưa kéo dài hơn một tuần lễ. Mưa rả rích, mưa lớt phớt, mưa bay bay, bụi mưa đọng trên ngọn cỏ, thấm sâu vào lòng đất… Cũng suốt cả tuần lễ nay Thái ngồi trong căn nhà nhỏ nhìn qua cửa sổ, khung trời hình chữ nhật ngút ngàn một mầu trắng xóa. Kể cũng lạ! Nhận nhiệm vụ mới đã hơn một tháng nhưng lúc nào Thái cũng mơ thấy như mình đang sống cùng đại đội cũ. Trong căn nhà nhỏ chật chội, chìm đắm dưới màn mưa giăng, lạc lõng trong khu thao trường diễn tập chỉ một mình Thái đối mặt với sự cô đơn. Giá như ngày ấy biết bảo ban nhau thì đâu đến nỗi. Cũng tại Thái, tại mấy thằng bạn lính, khiến hôm nay Thái phải ở đây, làm lại từ đầu. Thái thầm nghĩ tới những khóm cỏ ngoài kia đang đua nhau mọc lên tua tủa, trông giống hệt hàng trăm, hàng triệu ngọn mác vươn lên trời cao. Khu thao trường tổng hợp này quanh năm đón nhận các đợt diễn tập của các quân binh chủng. Cỏ thao trường bị đủ các loại xe tăng, xe cơ giới dày xéo, cộng thêm cả những mảnh đạn pháo, đạn cối bắn phá tanh bành, thậm chí cả những gót giầy bộ binh bé nhỏ cũng thi nhau dẫm đạp lên những thân cỏ non mơn mởn, xanh tơ. Thế nhưng chỉ cần một trận mưa thôi, cỏ lại mọc ào lên. Hễ nơi nào còn sót lại một sợi rễ, dù một sợi nhỏ cũng đủ để cỏ mọc, nảy nở ra vô số mầm cỏ mới. Đặc biệt cái giống cỏ này không bao giờ sống đơn lẻ. Ở đâu cũng vậy, cỏ mọc theo từng mảng, đan xen, dựa lưng vào nhau thành một khối bền chắc như thách thức con người và nắng mưa. Những ngày trời nắng như đổ lửa, mặt đất nóng như rang, cỏ phải dựa vào nhau để kháng cự không cho ánh nắng mặt trời lọt xuống đất cướp đi hơi nước, gốc rễ cỏ bám chặt lấy đất, những cánh lá xanh rì phơi phới như những tấm gương phản chiếu chống đỡ tia nắng mặt trời. Những nơi đất khô khốc như tro bụi cỏ nối liền từ rễ này sang rễ khác, vận chuyển hơi nước từ nơi thấp lên nơi cao, cuối cùng cỏ mọc được cả trên những tảng đá nhỏ. Mỗi đợt dông bão tới cỏ cùng nhau uốn mình rạp xuống nhịp nhàng như những lớp sóng mềm mại không bao giờ tan vỡ. Cứ thế cỏ tồn tại từ mùa này sang mùa khác, khiến cho bề mặt thao trường kín mít một màu xanh rộng khắp…
Đại đội trinh sát của Thái trú chân dưới một quả đồi. Ngoài giờ huấn luyện, những lúc được nghỉ Thái thường ngồi trên lô cốt ngắm đàn cò sải rộng cánh bay về rừng dẻ bao bọc phía sau đơn vị. Đôi khi Thái cũng cảm thấy nhớ nhà, nhưng Thái đã quyết tâm phấn đấu trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Thực ra trước lúc đi bộ đội Thái cũng rất phân vân, mẹ Thái bảo: “Con chịu khó rèn luyện thật tốt, huấn luyện tân binh xong mẹ sẽ nhờ bạn của bố xin cho về bộ chỉ huy phục vụ, ở đấy gần các chú, dễ bảo ban hơn”. Nghĩ như mẹ cũng phải, nhưng thực lòng Thái lại muốn khác. Thái thích được về đơn vị tập luyện, được đi đến tận cùng của đời sống chiến sĩ, được nhìn tận mắt những gì mà Thái ao ước. Thái đã chán ngấy cái cảnh sống núp mình dưới đôi cánh của mẹ. Là con chim lớn phải tự biết bay ra khỏi tổ bằng chính đôi cánh của mình. Người cán bộ mà Thái gặp đầu tiên là anh Đăng. Lúc anh đi giao ban trung đoàn về ngang cổng đơn vị, một chiến sĩ gác cổng giới thiệu Thái với anh để anh dẫn Thái về đại đội. Chiều hôm ấy trời cũng mưa. Mưa không nặng hạt mà bay bay như từ chiếc vòi phun nước vĩ đại mà ra. Anh Đăng mặc chiếc áo bạt đi trước, Thái khoác ba lô theo sau. Con đường về đơn vị lầy lội khó đi, chốc chốc Thái phải dừng lại để gạt bỏ lớp đất dính đế giầy. Vừa đi anh Đăng vừa kể cho Thái nghe nhiều chuyện: Trước kia anh là cán bộ quân sự, nhưng nay chuyển loại sang làm cán bộ chính trị. Thái nghĩ người cán bộ chính trị chắc am hiểu tâm lý anh em chiến sĩ lắm. Đọc trong sách Thái thấy hình ảnh người chính trị viên thường gần gũi, hòa đồng và sống rất tình cảm. Thái mong có dịp nào đó được ngồi tâm sự cùng anh Đăng…
Đêm đầu tiên về đại đội Thái ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Nhưng rồi Thái bị đánh thức bởi một bàn tay vén màn, lùa vào ngực áo, lay gọi:
- Dậy! Ra ngoài này tao bảo.
Thái bừng tỉnh giấc, vội vã xỏ dép đi theo bóng đen. Ra đến ụ súng, bóng đen bảo Thái dừng lại. Từ trong ụ súng lố nhố ba bóng đen nữa ló ra.
- Mày mới về đơn vị à?
- Vâng!- Thái đáp.
- Bọn tao ở cùng phòng với mày. Đi gác về thì mày đã ngủ rồi. Lính mới mà yếu thế?
- Hôm nay đi đường xa, hơi mệt, lại chưa được phân công nhiệm vụ gì…
- Bọn tao có gói kẹo, gọi là kê chân giường cho mày. Lúc chiều nay, anh Đăng có nói gì với mày không?
- Anh bảo về đây phấn đấu cho tốt, thế thôi.
- Ông ấy lúc nào cũng chỉ muốn khoe thành tích với cấp trên nhưng đối xử với anh em chả ra đếch gì. Mày mới về đừng vội vàng ôm chân ông ấy mà mất lòng anh em đấy. Bọn tao chỉ nói thế thôi. Tùy mày sống thế nào thì sống…
Chỉ sau vài câu trò chuyện Thái biết ngay đây là kiểu “liên kết chống đối”, và Thái đang bị lôi kéo vào. Thái chọn cho mình thái độ ôn hòa cho đến khi “lễ kê chân giường” kết thúc, ai nấy trở về chiếc giường cá nhân của mình, lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Hỏi rằng đi bộ đội Thái nhớ ai nhất, có lẽ Thái sẽ trả lời là nhớ ông bạn vọng niên hàng xóm. Đó là một ông nhà văn già. Hồi ở nhà Thái thường sang chơi với ông. Thái thích nhất là cánh đối xử giữa hai người. Ông coi Thái như một người bạn, thường gọi Thái là “anh bạn nhỏ của tôi ơi”. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ nằm cuối phố và viết rất nhiều sách. Sách của ông chủ yếu viết về chiến tranh. Ông đã có cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho trận mạc. Ông không thoát khỏi ám ảnh của những cái chết. Theo ông sự chết chóc đó chẳng qua là một tư thế chiến đấu, lớp người trước ngã xuống làm bàn đạp cho lớp sau tràn lên, chẳng bao giờ kẻ thù có thể tiêu diệt được sức mạnh vệ quốc chính nghĩa của một dân tộc. “Cỏ mềm nhưng mà nó có sức mạnh lắm đấy Thái ạ”. Nhiều hôm ông vừa viết vừa khóc, ông khóc vì cái chết của những đồng đội mình. “Sự sống còn nhường cho nhau được thì mọi sự ham hố ở đời này có phải là vô nghĩa lắm không? Bọn mình đã từng nhường sự sống cho nhau đấy Thái ạ. Thế mà sống không ra cái gì thì có đáng sống không?”. Thái hiểu những suy nghĩ ẩn chứa trong khối óc của ông, và cũng chính từ suy nghĩ ấy đã truyền vào Thái một dòng máu phiêu bồng. Thái thích được sống như ông, được hi sinh cho lẽ sống mà không nghĩ đến bản thân. Hết phổ thông Thái thi vào trường Sĩ quan Lục quân nhưng không đỗ. Thái tình nguyện nhập ngũ để tìm một cơ hội khác cho mình. Và giờ đây Thái đã trải qua mấy mùa huấn luyện ở một đơn vị chủ lực. Thái đang hy vọng một ngày kia sẽ thỏa ước nguyện “lấy binh làm nghiệp”.
Đơn vị chỉ cách khu vực dân cư một đoạn đường nhỏ, băng qua vạt đồi là la liệt hàng quán. Buổi tối, sau giờ điểm danh, đợi cho anh Khôi trung đội trưởng đi ngủ, mấy thằng cùng phòng lại rủ Thái lẻn ra ngoài quán uống nước.
Thái từng ngạc nhiên khi lần đầu bước chân ra đây. Một góc khuất rất đặc biệt nằm ngay bên cạnh “thế giới trật tự kỷ cương” của đơn vị. Hàng quán đôi khi không bán cho những kẻ đói khát, mà bán cho những kẻ thích tụ tập. U! Pha cho con bát mì tôm- U! Pha cho con ly cà phê- U! Chặt cho con cái chân giò…. Đến tháng lĩnh phụ cấp thì thật là tưng bừng! Những tốp chiến sĩ lâu ngày không gặp nhau, mang đủ các loại chuyện buồn vui trong cuộc sống ra tâm sự. Chuyện nhớ bố mẹ. Chuyện người yêu đi lấy chồng. Chuyện chị gái sinh cháu thư lên đơn vị nhờ cậu đặt tên. Chuyện phố phường. Chuyện làng quê. Ôi chao! Cả những chuyện tầm bậy tầm bạ cũng ngồi kể bô bô cho nhau nghe. Rồi nổi máu tranh luận, rồi gầm ghè vì mâu thuẫn. Có lần chỉ vì “con tép” và “con tôm” ở quê tớ và quê cậu gọi khác nhau mà suýt nữa đã choảng nhau. Đời chiến sĩ có vô số những chuyện buồn vui. Góc khuất này chính là nơi bộc lộ nỗi niềm lính tráng sau những giờ phút “tất cả đều mang chung một khuôn mặt, một dáng hình, một sắc màu, một nhiệm vụ”. Mấy thằng bạn cùng phòng Thái thì bảo đấy là chỗ xả hơi sau những ngày huấn luyện vất vả. Tất nhiên Thái biết như thế là vi phạm kỷ luật, là tự ý trốn trại ra ngoài, là ảnh hưởng sức khỏe đến ngày huấn luyện hôm sau của bộ đội. Cùng với thói quen trốn ra ngoài là những cuộc báo động đại đội. Lần nào báo động cũng vậy, y như rằng sẽ vắng mặt một hoặc hai người không có lý do. Chính vì lẽ đó nên buổi tối cả đại đội lại phải ngồi nghe sinh hoạt. Anh Đăng sẽ lại nói rách da rách thịt, nói từ bẩy giờ tối cho đến chín giờ vẫn chưa hết. Mà cái cách nói của anh Đăng mới nhức buốt làm sao, cứ như kim châm, dao cắt vậy. Anh soi thấu gan thấu ruột người ta, và anh không khoan nhượng trước những mũi khoan ngôn từ nhằm thẳng vào đám lính trẻ như Thái…
Kết thúc một giai đoạn huấn luyện là những cuộc diễn tập dài ngày. Thái rất thích đi diễn tập vì thoát được sự gò bó ở đại đội, không phải nghe anh Đăng sinh hoạt mỗi tối. Cả trung đoàn chỉ cần phái một phân đội đi cắt góc phương vị để xác định đường hành quân là đủ. Thái nằm trong phân đội ấy và khi ở trong rừng Thái được tự chủ với công việc. Trung đội trưởng Khôi lại là người có tác phong chỉ huy rất dễ chịu, không giống như anh Đăng. Anh Khôi có lối sống chân thành với chiến sĩ, nhất là những lúc huấn luyện ngoài thao trường, việc gì không nên không phải là anh thẳng thắn bảo ban, đôi lúc nóng giận là anh cũng quát mắng ra trò, không bao giờ anh chấp nhặt những chuyện vặt của lính. Làm lính của anh Khôi quả là học được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Khác với anh Khôi, anh Đăng luôn tỏ ra là người biết nhiều, anh thường mang cái nhìn cá nhân ra áp đặt cho người khác, nhất là điệu cười nhếch mép đã đủ làm chiến sĩ ghét cay ghét đắng. Lần ấy, đơn vị chuẩn bị đón đoàn cán bộ trên sư về thăm quan mô hình xây dựng đại đội chính quy, tối hôm trước ngồi sinh hoạt anh Đăng nói: “Các đồng chí phải thể hiện mình là người chiến sĩ có ý thức chấp hành kỷ luật tốt. Ăn nói, đi đứng phải thật thận trọng. Thủ trưởng hỏi cái gì thì phải trả lời đúng như tôi đã dặn, không được nói năng tùy tiện…”. Hôm đoàn về đơn vị đúng lúc anh Khôi đang huấn luyện tính năng các loại mìn chống bộ binh của địch. Anh Đăng đon đả tiếp đoàn. Thủ trưởng chỉ vào quả mìn K58 do Trung Quốc sản xuất hỏi: “Đây là loại mìn gì?”. Anh Đăng đỏ mặt ngắm nghía một lúc lâu chưa nói, anh Khôi nhanh miệng trả lời thì thủ trưởng ngăn lại: “Tôi không hỏi anh- Anh này trả lời”. Anh Đăng chắc nịch khẳng định: “Mìn K56 do Mỹ sản xuất”. Một chiến sĩ đứng trong hàng phì cười. Anh Đăng đánh mắt khiến điệu cười tắt ngấm.
…Cách làm việc của anh Đăng cũng làm cho nhiều chiến sĩ không ưa. Anh nói ra rả như một cái loa phóng thanh, động đến đâu cũng nguyên tắc và bới móc khuyết điểm của người khác để phê bình. Buổi tối, lúc đơn vị đã tắt điện đi ngủ, mấy đứa trong phòng Thái nháy nhau chui xuống gầm giường nằm. Nửa đêm anh Đăng kiểm tra thấy thiếu người, tức tốc báo động toàn đại đội tập trung giữa sân chào cờ. Trong tâm trí anh đinh ninh chuyến này sẽ bắt được mấy chiến sĩ vi phạm kỷ luật. Chưa kiểm tra quân số anh đã đùng đùng mắng anh Khôi là vô trách nhiệm, để chiến sĩ tự do la cà hàng quán. Đến khi điểm danh lại thì chả thiếu người nào. Anh Đăng tái mặt còn anh Khôi thì dở mếu dở cười. Thái nghĩ mà thương cho tình cảnh của anh Khôi, vì chiến sĩ trêu chính trị viên mà trung đội trưởng bị phê bình. Thực ra trước lúc đi ngủ anh Khôi đã sang phân đội nắm mọi tình hình rồi mới yên tâm về phòng. Đám lính tếu táo đã làm anh phải khốn khổ theo. Việc chiến sĩ trốn xuống gầm giường anh Đăng biết phải có một người đầu têu nhưng không tìm ra ai là thủ phạm chính nên bắt đại đội đứng một hồi lâu mới giải tán vào đi ngủ. Thái ân hận vì mấy cá nhân mà làm mất giấc ngủ của cả đại đội. Thái tự hứa sẽ bảo đám bạn cùng phòng không bày những trò tai hại kiểu ấy nữa. Sau buổi đó anh Đăng đặc biệt để ý đến mấy chiến sĩ ở phòng Thái.
Thêm một mùa huấn luyện nữa, đại đội được bổ sung thêm quân số mới. Như thường lệ, những cựu binh tỏ rõ thái độ cứng rắn với tân binh để nắn gân. Hình như cái tục “lính tuổi quân, dân tuổi đời” đã ăn sâu vào văn hóa ứng xử của chiến sĩ. Tụi chiến sĩ cũ bảo, nhìn điệu đi, câu chào hỏi của tân binh nghe không vào. Ai đời nào vừa mới chân ướt chân ráo về mà thấy các anh mắt cứ thô lố như mắt ếch, nói năng lấc ca lấc cấc như dân chợ búa. Tối tụi nó gọi tân binh ra ụ súng. Trong tốp chiến sĩ mới về có thằng Hòa là đáo để hơn cả. Thằng Hòa cũng chỉ huy một tổ như Thái, nó cậy có bố làm ở thành phố, mỗi lần bố nó đánh xe con xuống đại đội là anh Đăng đon đả đến bắt tay từ xa, lúc bố nó về anh Đăng lại gọi nó vào phòng riêng rì rầm trò chuyện. Từ ngày có Hòa về đại đội, những biểu hiện của chiến sĩ đều như có tai có mắt anh Đăng dõi theo. Những trò nghịch ngợm của anh em lần lượt được anh Đăng mang ra phê bình, lời nói mỉa mai của anh mới cay độc làm sao. Chúng nó bảo, chỉ có thằng Hòa thường xuyên mò lên tâu hớt nên anh Đăng mới biết từng chân tơ kẽ tóc tụi mình, chắc nó muốn ăn củ đậu bay? Kể ra anh em chiến sĩ đối xử với anh Đăng như thế cũng không phải, trong đó có cả một phần lỗi của Thái. Nhiều lần đứng gác một mình, Thái cũng tự nghiêm khắc kiểm điểm mình. Một quân nhân đúng nghĩa thì phải học tập tính độ lượng, đừng bao giờ chơi xấu, không được mang tư tưởng chống đối cấp trên, mình chống lại người ta tức là mình vi phạm kỷ luật, mà đã vi phạm thì trước sau cũng không còn được đứng trong hàng ngũ quân nhân nữa. Đáng lẽ Thái không nên làm thế, nhưng ghét cái tính của anh Đăng, làm vậy cũng là muốn thay đổi cách nhìn nhận của anh. Nhưng nghe ra anh Đăng không chịu điều chỉnh cung cách chỉ huy lãnh đạo của mình. Lại thêm cả thằng Hòa nữa, nó được anh Đăng chọn vào tổ thi đua, sáng nào kiểm tra nội vụ nó cũng cố tình đứng lại ở giường của Thái thật lâu để cho cả tổ tìm khuyết điểm. Thỉnh thoảng nó xoáy cho Thái một đòn đau điếng, khiến lần nào sinh hoạt anh Đăng cũng nhìn Thái bằng con mắt săm soi thiếu thiện cảm. Thái rất bực nó nhưng chưa có cơ hội nào để dạy cho nó một bài học nhớ đời.
... Đợt diễn tập đã diễn ra được hơn một tuần.
Trung đoàn đang trú quân dưới một thung lũng nhỏ. Bất ngờ trời đổ mưa. Mưa như trút nước, từ trên các sườn dốc, nước đổ xuống khe ầm ầm. Khả năng sẽ có lũ. Các lán trại sẽ không đảm bảo nếu lũ ập về. Đại đội trinh sát của Thái được phái đi tìm đường tránh lũ. Hôm đó anh Khôi phải lên trung đoàn vẽ kế hoạch tác chiến. Cả đại đội chia thành ba đường đi, do phân đội thiếu người chỉ huy nên đại đội trưởng giao luôn cho Thái phụ trách. Tọa độ X là họ phải đến. Đúng 17 giờ 00 ngày N-3 phải có mặt tại vị trí cũ đón trung đoàn hành quân. Khi đã làm xong mọi công tác chuẩn bị, Thái khoác ba lô, đeo tượng gạo vòng qua vai, treo khẩu AK báng gấp trước ngực, phát lệnh cho anh em lên đường. Hòa cùng phân đội hăm hở bước theo sau. Chẳng mấy chốc họ đến chân điểm cao 360. Trời vẫn mưa lây phây, núi rừng mù mịt và lạnh ngắt. Tất cả anh em đều thấm mệt, người run lên lập cập vì đói và rét. Thái cả quyết:
- Bằng mọi giá chúng ta phải vượt qua đỉnh núi trong đêm nay. Sáng mai đến tọa độ X rồi sẽ quay về theo đường cũ.
Bóng đêm đổ xuống núi rừng đen kịt, hơi lạnh toát ra từ lòng núi. Không gian chìm đắm trong màn sương huyền bí. Chốc chốc, từ đâu đó điểm vài tiếng cú mèo đi ăn đêm. Lúc chiều ngồi nghỉ dưới chân dốc người ta kể, cách đây ba mươi năm đỉnh núi này đã diễn ra một trận chiến ác liệt, thi thoảng trong vách núi vẫn vọng về những tiếng hú của những người lính gọi nhau...
- Anh Thái ơi! Đêm tối như thế này không thể vượt qua được. Hay chúng ta nghỉ lại đây. Tối nay em vào nhà dân dưới chân núi kia hỏi đường. Mai tất cả chỉ việc quay về báo cáo là xong - Hòa nói.
- Không được.
Đằng sau lưng Thái là cả một trung đoàn, hàng nghìn người đang trông chờ vào con đường mình sẽ đưa họ vượt qua. Không thể chần chừ, đoạn đường này phân đội chưa ai đi qua, mới xem trên bản đồ chỉ là một bước khái quát.
- Đi! Đã bảo đi là đi. Không bàn lùi! - Thái chỉ tay về phía trước ra lệnh.
Miễn cưỡng, cả đoàn nặng nề bò dốc. Dốc đứng, lại trơn, người đằng trước thò gậy kéo người đằng sau. Với tốc độ thế này chắc phải sáng mai mới tới tọa độ X. Thái lấy chấm đen trên nền trời phía trước làm vật chuẩn hô hào anh em khẩn trương vượt qua. Đi được một đoạn thì Thái nghe thấy tiếng gió thổi ù ù trong hai lỗ tai, mồ hôi nhễ nhại, từ phía sau có người gọi vọng lên: “Anh Thái ơi! Thằng Hòa bị trẹo chân ồi..ồi..ồi”. Toàn phân đội ngồi im chờ đợi. Thái gọi anh em xúm vào băng bó vết thương cho thằng Hòa, họ thi hành một cách nặng nề và lặng lẽ. Lúc đấy quỹ thời gian không cho phép được chần chừ, Thái đành đưa Hòa quay lại nhà dân gửi tạm rồi khẩn trương lên đường.
Kết quả thật mỹ mãn. Thái đã tìm ra con đường tránh lũ lý tưởng cho trung đoàn. Nhưng rồi chuyện phân đội trinh sát vượt rừng tìm đường tránh lũ cho cả đơn vị chả hiểu sao không được anh Đăng đả động đến bao giờ. Danh sách khen thưởng diễn tập đợt ấy không có tên Thái và phân đội trinh sát.
Đó là một buổi chiều chủ nhật.
Theo quy định của đơn vị, mỗi phân đội được giải quyết một phần ba quân số ra ngoài doanh trại mua sắm đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thái dự định sẽ đi mua cuốn sách về đọc và tranh thủ vào quán “chát” với cô bạn ngày xưa học cùng lớp. Khi đại đội tăng gia xong, Thái lên nhà chỉ huy đăng ký xin phép ra ngoài. Anh Đăng cầm cuốn sổ ghi chép, bảo: “Cậu bị cấm trại, tuần này sai nội vụ hai lần, ngày…ngày…”. Biết không thể lay chuyển được quyết định của anh Đăng, Thái về phòng nằm nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Chẳng lẽ chỉ vì sai sót nhỏ như vậy mà bị cấm trại thì thật quá đáng, nội vụ của Thái sai cũng chẳng qua do sơ ý để dây cóc ba lô thò xuống giá một tí. Thằng Hòa còn sai nhiều hơn nhưng vì nó lươn lẹo, biết lấy lòng anh Đăng nên vẫn được ra ngoài. Thái vùng dậy, xỏ dép, lên mỏm đồi sau đại đội ngồi. Thái nhớ đến ông nhà văn già. Ông từng nói với Thái rằng, có những nỗi buồn làm con người ta thấy mình trong trẻo hơn. Sao nỗi buồn này lại làm cõi lòng Thái có phần như u tối đi?
Sáng hôm sau, đại đội cử Thái cùng Hòa lên trung đoàn trồng cây. Đây là cây lưu niệm do sư đoàn trưởng sắp nghỉ hưu tặng. Thái hì hục đào xong hố rồi nhẹ nhàng đặt bầu xuống, lấp đất. Khi đã lấp đầy đất vào quanh gốc, Thái bảo Hòa xuống ruộng xách nước tưới, nhưng nó õng ẹo mang về được nửa xô. Bực mình, Thái bắt Hòa xách thêm một xô đầy nữa. Hòa không chịu, vùng vằng ném cái xô xuống đất, bỏ đi. Thái nóng mặt, chạy lại tát mấy cái vào mặt Hòa. Không ngờ thằng Hòa bị chảy máu cam. Nó ôm cái mặt đầy máu chạy đi tìm anh Đăng. Anh Đăng vội cử người đưa nó lên bệnh xá trung đoàn để… cấp cứu!
Vụ việc xô xát giữa Thái và Hòa đã làm xôn xao cả trung đoàn. Thái trở thành một kẻ “rắn đầu, khó bảo, vi phạm có hệ thống”. Thái không thể quay về nhìn mặt đồng đội được nữa rồi! Phải đi thật xa thôi. Năm ngoái trung đoàn vừa mới tước quân tịch một trường hợp. Kỷ luật quân đội luôn nghiêm minh, dù có là con ông trời đi chăng nữa thì kỷ luật vẫn cứ là kỷ luật. Không còn đường cứu vãn nữa rồi. Bỏ trốn thì suốt đời mang tiếng là đào ngũ. Bước chân Thái biết đi đâu, về đâu bây giờ? Đại đội trinh sát không còn chỗ cho Thái nữa. Thái hoang mang quá. Mọi thứ trong ngưòi Thái cứ tan ra như bọt nước…Thái cứ đi, phía trước là những quả đồi. Những con đường mòn. Trời đã tối sầm từ lúc nào? Bỗng trời đổ mưa. Sấm, chớp quay cuồng. Thân thể Thái run lật bật, những giọt nước mưa như kim nhọn líu chíu đâm vào da thịt. Cơ thể lạnh buốt, đôi chân Thái khụy xuống. Bỗng từ loa phóng thanh vang tiếng kèn báo hiệu kết thúc một ngày huấn luyện. Các dãy nhà tắt điện. Thái nhìn thấy đằng trước có ánh đèn bảo vệ phát sáng. Đó là nhà chỉ huy trung đoàn. Thái dừng lại rồi sực nhớ đến mẹ. Ngày còn ở nhà mẹ luôn lo cho Thái, mẹ bảo Thái nên đi về hướng có ánh đèn… Đúng rồi. Thái sẽ lên gặp chỉ huy trung đoàn. Đó là nơi Thái có thể bộc bạch được hết những suy nghĩ của mình.
…Tám giờ sáng, mặt trời chiếu xuống những tia sáng mỏng manh, tách qua đám mây nặng trĩu hơi nước. Ánh nắng còn yếu ớt, gió nhè nhẹ xua tan những quầng thâm u ám. Trời đất trong veo như pha lê, phóng tầm mắt có thể nhìn đến tận chân núi xa. Một buổi sáng đẹp tuyệt vời! Chẳng lúc nào trời lại đẹp như sau cơn mưa. Thái bước ra khỏi nhà, vươn vai, hít thở. Đã một tuần nay mưa, thao trường không người đến diễn tập, Thái cũng ru rú ở trong nhà, người ngợm thấy tù túng vô cùng. Sáng nay thì khác hẳn. Trên thao trường mênh mông như có sự thay đổi kỳ lạ. Cỏ không còn xơ xác nữa mà ken dày, xanh mướt. Hoa dại nở dọc các mép đồi, lan xuống các chiến hào. Ong, bướm bay dập dờn hong khô những đôi cánh nhỏ xinh xinh. Trên thao trường loang lổ vết lở loét nay đã tràn ngập một màu xanh. Ngay cả những rặng cây, khóm cỏ ven đường hành quân bị bụi phủ kín, đỏ au nay được nước mưa gột rửa cũng trở về màu xanh nguyên sơ. Thái nhận ra một điều: Chỉ có loài cỏ sống ngoài thao trường là đẹp hơn cả! Cỏ đội đất đá mọc lên, cây nào cũng thẳng tắp, hiên ngang. Cây này kết cấu với cây kia tạo thành một bãi cỏ xanh rộng bát ngát. Những ngọn cỏ dại này, dù có bị chà đạp hay bị dày xéo tơi bời, trong lòng đất thân cỏ vẫn ấp ủ một mầm sống. Chỉ cần một trận mưa thôi! Cỏ sẽ mọc ào ào và mang thêm một sức sống mới. Nhìn thao trường rộng lớn, Thái bỗng ước mình có đôi cánh để bay lên. Thái muốn rũ bỏ những nặng nhọc vô hình để thân mình được nhẹ nhõm hơn. Thái hít thở thật sâu khí trời, cảm giác cái án kỷ luật đã bớt nặng nề đi rất nhiều. Khiển trách trước toàn trung đoàn. Tiếp theo là điều ra trông coi thao trường. Thái đã tìm thấy con đường đi mới cho mình trong những ngày sống cô đơn ở thao trường này. Nghe đâu anh Đăng cũng bị chính ủy trung đoàn gọi lên nhắc nhở. Chuyện thực ra chả có gì mà phải để tinh thần của mình bị tổn thương thế này, thật là cái giá quá đắt. Thái còn rất trẻ. Không thể để những phiền muộn không đáng có ám vào tâm hồn trai trẻ của Thái. Mấy đêm mưa vừa rồi, Thái không tài nào ngủ nổi. Giữa màn đêm yên tĩnh, Thái nghe từng tiếng mưa rơi lốp bốp trên mái nhà. Rồi Thái nghe được cả tiếng mưa thấm sâu vào lòng đất, hơi nước chan hòa với những mầm cỏ. Và, tựa hồ như, Thái còn nghe được cả tiếng cỏ đội đất, tách không gian vươn lên…
Để sáng nay cỏ dâng ngập lên trong mắt Thái một màu xanh của hy vọng.
Tiếng gọi trong sương đêm
Bố tôi bảo thời tiết năm nay rét sớm, gió mùa đông bắc thổi rào rào băng qua những ngọn núi, lùa vào khe sâu hun hút như chiếc thùng không đáy. Từng đợt một gió xô cây nghiêng ngả, đuổi đám cỏ tranh ngã rạp xuống mặt đất, đánh những tàu chuối rừng rách nát tơi tả, trêu ghẹo mái lều tranh xơ xác, các mộng cột kêu răng rắc như thể muốn đuổi sự có mặt của hai bố con tôi cút khỏi nơi này. Từ buổi sớm đến giờ tôi chưa ló mặt ra ngoài, cố tình ngồi trên sạp nứa dữ khư khư tấm mền bông kẻo bị gió cướp đi mất. Không chừng mình sẽ chết rét…
Từ khi người ta đến xiết nợ, tính tình bố tôi cũng thay đổi hẳn, ông không ngờ có ngày mình phải sống cầu bơ cầu bất, không nhà, không tài sản, vợ ôm tất cả số tiền bao nhiêu năm dành dụm được, cộng thêm vay mượn của anh em, bà con hàng xóm láng riềng trốn theo gã trai lơ trên phố huyện. Nghe người ta nói mẹ tôi chơi hụi, tôi cũng không biết trò chơi ấy vui hay buồn, chỉ thấy ngày nào cũng có người đến nhà tôi ăn vạ, khóc lóc, kể lể, bố tôi đành bó tay bất lực, nhìn họ ngang nhiên khênh những đồ vật gắn bó với mình suốt bao đời vẫn chưa đủ. Ngôi nhà trống hoác không còn thứ gì để định giá nữa thì họ gọi chính quyền đến giải quyết, mặc dù bố không làm nhưng vẫn phải đứng ra gánh chịu hậu quả, ký vào biên bản, chờ ngày sử lý. Cứ vậy kéo dài đến vài tháng, ăn không ngon, ngủ không yên, cuối cùng bố viêt giấy bàn giao quyền sở hữu ngôi nhà cho Ủy ban nhân dân. Tùy họ, số tiền bán nhà không thấm vào đâu so với số mẹ tôi cầm của họ mang đi, bố không đủ bản lĩnh trả thêm cho người này, bớt của người khác đi.
Tôi không có thói quen, sống ở trên núi không có ai ràng buộc mà phải tạo nề nếp cho mình, bố cõng lên núi ở từ khi nói còn chưa sõi, lớn lên một tí thì nhìn theo bố làm rồi bắt chước, bố bảo mang ống bương xuống khe gùi nước thì đi, đói bụng thì đổ gạo vào nồi nấu cơm ăn, mặt trời mọc thì tự thức giấc, khi màn đêm buông kín không còn nhìn thấy đường thì rúc đầu vào đống chăn mà ngủ, không bao giờ bố phải nhắc nhở. Đấy là sau này được sống chung với nhiều người tôi mới biết!
…Bỗng nhiên như sực nhớ ra điều gì đó, bố vùng dậy, lật tấm mền chăn rồi gấp lại cẩn thận, đút vào một chiếc bao tải, bảo tôi:
- Con mang gạo đi nấu cơm. - Bố nói rồi chạy ra vách nứa lấy con dao quắm, đi như bay về phía khóm nứa phía dưới khe sâu.
Nhà hai mẹ con cô Diên ở dưới chân núi, từ ngày có cô đến ở tôi cảm thấy bớt đơn độc hơn, như thể cuộc sống của hai bố con được bù đắp thêm một phần khuyết, mỗi lúc nhà hết dầu lại cầm đèn xuống vay tạm cô một phao. Tính cô Diên cũng cởi mở, không bao giờ tằn tiện với bố con tôi, nhiều hôm trời mưa, lũ suối chảy ầm ầm, không xuống bản mua thức ăn được cô sai cái Cúc mang tép khô lên. Bố tôi là người đàn ông xoằng phẳng, không thích chung đụng, dây dưa lằng nhằng với ai. Nhất là đối với mẹ con cô Diên bố tôi lại càng giữ kẽ, nhiều hôm lên núi lấy củi cô vào lán nhà tôi ngồi chơi, tất nhiên hàng xóm láng riềng có lúc phải sang thăm nhau, nhưng mỗi lần như thế bố tôi lại bảo, cô ngồi chơi với cháu, tôi đang phát dở đám nương, mai kịp châm lửa đốt, và bố đã cặm cụi suốt cả buổi. Mỗi lần cái Cúc mang tép khô lên, thực tình bố con tôi cũng không biết cô biếu hay cho, hôm sau bắt buộc bố tìm cách trả nợ bằng những con chim cu béo ngậy để mẹ con cô nấu cháo.
Tôi đong hai bò gạo bỏ vào xoong mà lòng thầm nghĩ, giá cô Diên là mẹ mình thì giờ này bố côn tôi không đến nông nỗi này, cứ ung dung cuộn tròn trong đống chăn, đợi đến khi nồi cơm chín là có người gọi dậy. Những ý nghĩ của tôi chỉ là mơ hồ, ngay khuôn mặt mẹ mình ngang dọc thế nào đến giờ tôi cũng không thể hình dung nổi, tôi lớn lên trong tình thương của bố, chưa bao giờ biết đến bàn tay âu yếm vỗ về trong những giấc chiêm bao. Cô Diên đối xử với tôi rất lạ, không giống như những người đàn bà đi làm nương, họ cảnh giác sợ tôi lấy đi những thứ đùm gói cất trên cành cây, lần nào xuống cô cũng hỏi han, cháu ăn cơm chưa…Chắc là…Cô có cái này, cho cháu.
Bếp than nhà tôi đã nguội tanh, chẳng còn lấy một nhúm tro, gió đã thổi trơ cả nền đất đỏ quạch bên dưới, chưa bao giờ tôi thấy ngao ngán đến vậy, ngọn lửa vừa bùng lên lại bị một đợt gió làm tắt ngấm, không chừng hai bố con tôi nhịn đói bữa nay!
Con đường mòn từ lán nhà tôi xuống chân núi phải tắt qua nhà cô Diên. Tuy hai mẹ con cô lên đây sau rất lâu nhưng nơi ăn ở kín đáo, chẳng chềnh choàng như bố con tôi, cũng vì thế mà những lần mưa gió bố con tôi phải nhịn ăn cả ngày. Tôi đoán ý bố muốn nói xuống nhà cô Diên nấu nhờ cơm nhưng ngại, hễ tôi nói đến cô bố lại lảng tránh sang chuyện khác nhưng thực tình trong lòng rất thích nghe. Nhiều đêm trăng thanh gió mát đáng lẽ con người ta phải ngủ ngon giấc nhưng tôi để ý thấy bố ngược lại. Những đêm như thế thái độ của bố khác thường, ông nằm trằn trọc trên chiếc sạp nứa đã bóng nhẫy vệt mồ hôi, thỉnh thoảng vùng dậy đi vòng quanh đâu đó rồi tiếp tục vào nằm gác tay lên trán. Chắc là bố nghĩ tôi đã ngủ say, nhưng vì tò mò tôi vờ nhắm mắt nằm im thin thít. Có lần tôi thấy bố đi xuống dốc, tưởng đang đêm mò xuống nhà cô Diên nói chuyện nên bí mật bám theo, đi được một đoạn đột nhiên bố dừng bước rồi rẽ quặt vào khe nước, trời đang gió mát mà bố tự nhiên đi tắm, ông mải mê làm cái điều kỳ quặc không hề để ý thấy tôi nấp khuất sau bụi cỏ. Chuyện này mãi về sau khi tôi trở thành một gã thanh niên mới hiểu.
Tôi bưng xoong cơm đang đun dở xuống nhà cô Diên nấu. Hoàn cảnh mẹ con cô cũng chả khác gì so với bố con tôi, cô không bao giờ kể, nhưng tôi biết chuyện qua cái Cúc. Chồng cô mắc chứng nghiện ngập, cả tuần chú mới ló mặt về nhà một bữa, lục lọi trong nhà xem có thứ gì mang bán được là khuân đi, hễ cô dành dụm được một đồng là chú đòi bằng sạch. Hết tiền, đồ đạc trong nhà không bán được thì chú túm tóc cô đánh tím bầm mặt mũi, cuối cùng hai mẹ con đành phải trốn chú lên núi mới được yên thân. Tôi nghe người ta nói chú đã bị bắt đi tù rồi chết luôn trong đó. Cô Diên tính trồng thêm vài vụ ngô nữa rồi hai mẹ con đưa nhau về, không ở đây mãi thế này, nhà cửa dưới ấy cần phải có người thắp hương khói, sau này cái Cúc lớn...
Đài dự báo đợt rét này kéo dài kha khá. Nãy đến giờ bố tôi đã chẻ song mớ lạt, buộc lại mái nhưng gió vẫn lùa vào thông thống. Mùa đông ở trên núi cao buồn, thường là những cái buồn vu vơ, nhưng tôi vẫn thích, lúc ấy chẳng có nhiều việc phải làm, thời tiết se se lạnh, đất đai khô ráo, cỏ cây thơm ngậy, một mình tôi tha hồ lạc giữa chốn rừng xanh. Cạnh chỗ bố con tôi ở có một gốc cây lộc vừng to, cũng vì cây lộc vừng đã khiến bố tôi chọn nơi này để dựng lán. Cây lộc vừng sống lâu năm nên gốc xù xì, trong thân cây có một cái lỗ sâu hoắm, miệng lỗ tròn trông giống như cái tổ chim, nhiều hôm tôi chui vào hốc cây ngồi cả buổi, tôi chưa thấy chốn nào lý tưởng bằng ở đây!
Tôi không sống nhiều với mẹ, người đàn bà đã tự cắt khúc ruột của mình, ôm một đống tiền bỏ đi theo gã đàn ông lạ không biết bà nghĩ gì? Đã vài lần tôi hỏi bố về mẹ nhưng chỉ nhận được những cái nhìn lặng thinh, biết bố buồn nên tôi không bao giờ nói nữa. Ngồi trong hốc cây tôi nghe được đủ thứ âm thanh, tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng chim kêu ríu rít, chúng đang ở quanh tôi rất gần, cảm giác ấm áp vô cùng. Một điều tôi cảm thấy rất thú vị, nhắm mắt lại thấy cây cối đang nảy mầm xanh rì, bầu trời cao vời vợi, từng đám mấy trắng xốp đang thong thả trôi. Cũng vì có cái hốc cây lộc vừng đó mà tôi đã gặp mẹ, cho dù đấy chỉ là khuôn mặt chắp vá từ những giấc mơ. Những người đàn bà đi làm nương vẫn hay ngồi lại dưới lán nhà tôi, họ xúm xít vào uống nước rồi nói chuyện nhà cửa, ngồi trong hốc cây kín mít tôi đã tưởng tượng ra mẹ mình. Có lần tôi nghĩ mẹ giống cô Diên, nhưng mẹ tôi đã theo một người đàn ông khác, tôi lại mường tượng ra mẹ là người đàn bà xa lạ. Trong ký ức tôi không lưu giữ hình ảnh nào của mẹ, đôi khi tôi tự hỏi mẹ có bao giờ nghĩ đến tôi không? Nếu mẹ còn nhớ bố con tôi tại sao không trở về? Tôi hình dung ra đủ thứ, mẹ sống chung với một gã đàn ông lạ hoắc, hắn có bộ ria xồm xoàm như sâu róm, đôi mắt vằn lên những tia lửa, đang túm tóc mẹ tôi quát tháo, đánh cho chừa cái thói lẳng lơ.
…Đêm đêm có con chim kêu; "Bắt cô trói cột", tiếng kêu phát ra từ trong tán lá rừng, nhả vào không gian nỗi ai oán, nhẹ như không có tần vách nào ngăn cản, nó đập thẳng vào màng nhĩ làm lay động những tâm hồn đang thao thức, bố tôi bảo đấy là lời của một đứa bé. Câu chuyện kể ra thì dài dòng lắm, đại ý có một đứa trẻ bị người dì ghẻ hại chết biến thành con chim, mỗi khi màn đêm yên ắng nó mới cất tiếng kêu mách bảo người khác biết. Tôi rất sợ mà đêm huyền bí, ngồi trên đỉnh núi cao chẳng thấy mình đâu cả, bầu trời thì không có đích, dưới chân cảm giác sâu hun hút, mải nhìn những ngôi sao ngỡ mình đang lơ lửng, hồn vía tôi lạc vào hư vô, nhiều lần tôi bị bạt vía…Những lời lẽ bố nói khiến tôi khắc khoải không ngủ được, tôi lại mơ mình bị một người đàn bà hành hạ, mắt bà trợn trừng trừng, hai hàm răng nghiến sin sít, đang đêm khuya thanh vắng bà lột chăn đuổi tôi ra giữa trời đông rét mướt. Giật mình tôi hét toáng lên, toát mồ hôi rúc đầu vào nách bố, giữa đêm bố đành phải thức giấc, thôi con ngủ đi, đừng nghĩ ngợi đến điều đó làm gì, chỉ là truyền thuyết người ta thêu dệt lên, con chim kiếm mồi trong đêm, nó cất tiếng kêu để gọi bạn tình. Hôm sau thức dậy bố đi xuống bản sớm, nhưng những lời nói của bố cứ thì thào bên tai, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều; phải chăng vì thương tôi mà bố không muốn đi bước nữa, bố oán hận những người đàn bà có tâm địa ác độc…
Bố đi rồi tôi ở lán một mình, bất chợt tôi thấy mình lẻ loi quá, tôi bắt đầu chui vào cái hốc cây ngồi, vì ở trong đó tôi có cảm giác thế giới này rộng ra, nào là làng bản dưới chân núi đông vui, nào là trường lớp học sinh chơi đùa tíu tít, còn tôi thì ở nơi rất xa xôi, có thể tận trên những vì sao xa tắp, có khi lại mãi dưới tầng sâu của địa ngục. Hai bố con tôi đã chuyển nơi ở rất nhiều lần nhưng đến đâu cũng có người nói chỗ này là đất của nhà tôi, ông không nhìn thấy vết dao đánh dấu trên thân cây to lù lù kia à? Chỉ còn mỗi cây lộc vừng người ta bảo có ma nên cú mèo hay làm tổ nên không ai dám nhận, bố con tôi quyết định hạ đồ dựng lán, kể từ đó đến giờ cũng lâu lâu, và tôi chẳng nhìn thấy con mà nào cả.
Ở trong gốc cây chơi một mình mãi cũng chán, thỉnh thoảng cái Cúc lên, chúng tôi bắt đầu chơi đồ hàng, quả là trò này liên tục thay đổi nên mãi vẫn chưa thôi. Một hôm, cái Cúc bảo, em làm vợ, anh làm chồng, chúng mình chung nhau một mái nhà mới không phải tranh dành đò đạc của nhau. Đúng thật, bố tôi và cô Diên hai lán cạnh nhau nhưng không biết chơi đồ hàng nên suốt ngày phải giữ kẽ, thỉnh thoảng cô quan tâm đến tôi bố lại mắng mỏ, cái cô này, cứ kệ cháu, mua cho nó tôi biết lấy gì đền đáp, bố mắng nhưng cô chỉ cười, nụ cười nở ra chan hòa vào trong gió…
Sau đợt gió lại bắt đầu có mưa, tôi đã chứng kiến nhiều trận mưa rừng, bắt đầu là một trận gió, bầu trời ma quái, xám xịt như tấm lưới chì chụp sát xuống, cây cối từ từ nghiêng ngả, mặt đất rung chuyển, vách núi sạt từng mảng ầm ầm đổ xuống suối. Mùa đông thường mưa lun phun suốt cả tuần, đất đai nhão nhoét dính đầy chân. Chiều hôm ấy khác thường, mới đầu là một trận mưa rào, sau đó dầm dề mãi không ngớt, mái lều tranh bố con tôi ở đã xơ xác vì cơn gió mùa đông bắc, nước mưa ào ào đổ xuống làm nó thêm tơi tả, mục nát, lỗ chỗ từng mảng như bàn tay, càng về đêm gió lùa càng mạnh, từng luồng gió táp vào da thịt lạnh cóng. Hầu như suốt đêm đó bố tôi không ngủ, ông khoác chiếc áo bông cũ, ngồi bó gối trên góc sạp, thỉnh thoảng lại phải gồng lên run lật bật, rét thấu xương…
Mùa đông này bất chợt tôi biết mình lẻ loi, nghĩ đám cây rừng đua nhau đâm chồi nở hoa, lũ cầy phát ra một mùi hương theo làn gió bay đi rất xa, bầy chim rúc rích trong những lùm cây, tối tối dưới bản có ánh đuốc lập lòe là lòng dạ tôi nôn nao, nằm trong chăn con tim tôi xao xuyến, tôi muốn được về bản sinh sống…
Bố tôi bảo bao giờ có tiền mới mua được đất dựng nhà. Nhưng tôi không biết đợi đến khi nào? Xong vụ ngô bố vác xuống núi đổi gạo, số còn lại bố gửi người ta nấu rượu, từ ngày cô Diên lên đây ở bố tôi hay uống rượu, đêm đêm bố hay ngồi một mình bên đống than nhấm rượu, thỉnh thoảng có bạn ghé qua lán bố rót vài chén mời họ. Trên núi cao lạnh cần có bếp lửa, than hồng giữ hơi ấm trong nhà, xua tan tà khí của núi rừng, những người đi săn thường hay tụ tập trong lán nhà tôi, họ ngồi bên bếp lửa nói chuyện hết đêm, độ này gió lạnh thú rừng không ra ngoài kiếm ăn, chúng rủ nhau chui và hang tránh rét nên không có ai đi săn. Có lần cô Diên bảo, nhà cháu hết diêm à? Cầm một gói về nhóm bếp. Chắc cô Diên đã để ý không thấy bếp nhà tôi cháy mỗi đêm? Nhưng không phải vì hết diêm, mà bếp nhà tôi không có ai cời than, những cây gỗ cứng cháy tỏa nhiệt rừng rực, một hồi than nguội dần không đủ sức bắt cháy thân cây.
…Nước mưa phả vào lán ướt mèm, cái sạp nứa nhày nhụa nhơn nhớt, tấm mền chăn bị mưa dột nặng trình trịch không đủ ấm khiến tôi phải thu mình co ro như con ốc sên. Nửa đêm tôi lên cơn sốt, hai hàm răng cứng đờ, lưỡi rụt tận cổ họng, mắt trợn ngược, chân tay dật đùng đùng, tôi muốn nói nhưng không phát được lời. Dưới chân núi, bếp than nhà cô Diên vẫn đang cháy, ngọn lửa le lói phát ra ánh sáng khiến tôi có cảm giác gần lắm. Bố con tôi ở trong lán bị gió lùa vào lạnh cóng, cơ thể tôi cố dồn hết hơi ấm để chống chọi với cái rét, bố lục tung tất cả quần áo cũ cũng không còn chiếc nào khô, cái áo bông ông khoác trên người đã thấm đầy hơi nước, ông ôm tôi chặt vào lòng…Mấy hôm nay vì trời rét bố không xuống bản, diêm cũng hết chẳng còn que nào, định đốt lên một đống lửa sưởi ấm nhưng củi đã ướt hết, dốc ngược chai tìm rượu cũng không còn một giọt. Bất chợt gió bên ngoài lại thổi mạnh, bố cứ nghiến răng siết chặt tôi, gần sáng bố quyết định cõng tôi xuống nhà cô Diên.
Hai hôm sau tôi vẫn mê sảng, người nóng rừng rực như hòn than, trong giấc mơ tôi thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ, bà nào cũng nghiến răng, trợn mắt nói, "Tao xé xác mày, vì mày mà ông ấy không dành hết tình yêu cho tao". Những khuôn mặt rách nát, chẳng rõ hình thù cứ chập chờn trước mắt làm tôi giật mình thon thót. Tôi thấy mình bé nhỏ như con chim "bắt cô trói cột", tiếng kêu của tôi sẽ lọt thỏm giữa rừng xanh, nó quẩn quanh, không thoát ra khỏi đám lá rậm rịt, bùng nhùng, rối mù, vô vọng. Tôi ú ớ gọi bố trong cơn mê, đã hai ngày nay tôi gọi suốt nhưng chẳng thấy bố ở đâu? Lúc tỉnh giấc tôi thấy mẹ con cô Diên ở bên cạnh, bàn tay mát xoa lên trán khiến nỗi ám ảnh trong mơ của tôi bị xua tan…
Mùa xuân, bố con tôi về cùng ở với mẹ con cô Diên. Dĩ nhiên là cả nhà rất vui vẻ, chúng tôi chỉ còn mỗi cái lán nhà mẹ con cô, lán nhà tôi đã bị sập sau khi bố con tôi cõng nhau xuống núi, cô Diên đồng ý cho bố con tôi ở lại lán, sau vụ ngô này cả nhà chúng tôi sẽ xuống bản mua đất, chúng tôi sẽ thành một gia đình lớn, sẽ dựng một ngôi nhà chung lý tưởng, chẳng còn gió mưa nào lay chuyển được nữa. Thế là khát khao của tôi đã được thỏa ước, bố tôi sẽ được bàn tay cô Diên chăm sóc, tôi cùng cái Cúc sẽ đốt đuốc đi chơi cùng lũ bạn trong bản. Tôi nhận ra mình lớn thật rồi, nhìn lũ con gái bản đi qua đường, đôi mắt lúng liếng gái mà tôi không cầm nổi lòng…
Cũng mùa xuân ấy xẩy ra một điều bất ngờ, một người đàn bà lạ mặt xuất hiện, tôi chưa thấy bà ta bao giờ, ngay cả trong những giấc mơ cũng không gặp. Khuôn mặt bà tái nhợt, đôi mắt thảm thương lắm. Bà nhìn bố tôi bảo: "Mình ơi! Em van mình! Hãy cho em được ở lại với con, cuộc đời còn lại này em xin làm kiếp trâu ngựa cho mình, đừng đuổi em đi".
Người đàn bà tội nghiệp ấy chính là mẹ tôi, bà đã bỏ đi theo gã trai lơ, hắn đã gạt bán bà cho ổ mại dâm rồi lấy đống tiền đó hú hí cùng một ả khác. Bước chân người đàn bà đã lỡ thì đành phải chạy tiếp, dù biết mình đã đi lạc thật rồi, thực ra mẹ tôi cũng là người bị kẻ khác lừa, bà muốn đổi đời nên nhẹ dạ tin theo lời phỉnh nịnh của gã đó, tôi tự trách sao đời lắm oan nghiệt, những người thật thà luôn bị kẻ lưu manh làm hại. Vì mẹ mà bố con tôi đã phải vào rừng sống, cái đêm mưa gió ấy nếu không có bàn tay của mẹ con cô Diên chắc là tôi đã về thế giới bên kia, đến bây giờ bố con tôi được cô mở lòng thương thì mẹ lại có mặt, đúng là đời nhiều nỗi oái oăm.
Cô Diên bảo cú mèo kêu là tin dữ sắp đến, từ ngày lán nhà tôi sập chúng kéo nhau về cây lộc vừng làm tổ nhiều lắm. Ngày trước chú đang ở trong trại, một hôm có con cú bay đậu trên nóc nhà kêu ba tiếng, sáng hôm sau có người đến báo tin chú chết, người ta đã chôn cất cẩn thận, nếu gia đình muốn nhận mộ thì lên nghĩa trang của trại làm thủ tục. Từ hôm có mẹ tôi về ở, tối nào chim cú mèo cũng bay xà xuống mái lều, bố tôi ngồi lặng thinh không nói một lời nào, nhiều đêm bố mất ngủ, râu mọc dài lởm chởm, đôi mắt sâu hoắm, cô Diên nhìn bố tôi: "Anh à! Cứ để chị ở lại đây em chăm sóc, đằng nào…" Câu nói lấp lửng của cô khiến tôi khó hiểu, làm gì có người tốt như thế?
Ngày ngày cô Diên nấu cháo cho mẹ tôi ăn, bố vác ngô xuống núi bán lấy tiền mua thuốc, nhưng người mẹ cứ gầy xọp đi, cơ thể lở loét, dịch vàng và mủ từ những miệng lỗ rỉ ra ướt chiếc chăn trải dưới sạp, mẹ bảo đừng ai động vào mà nhiễm bệnh, nhiều lần đi khách mẹ bị nhiễm HIV. Mẹ tôi khóc, tôi không ngờ đấy là những giọt nước mắt cuối cùng của mẹ.
Vầng trăng cuối tháng mỏng leo lét trên đỉnh núi, ánh sáng bàng bạc chiếu xiên xuống mờ ảo. Tôi ngồi lặng bên hòn đá cuội nhìn về xa xăm, sương giăng đục ngầu khắp các triền nương. Không biết đã bao nhiêu mùa trăng rồi nhỉ? Tôi cứ hỏi thế để tự an ủi lòng mình, bản thân thì cố quên đi thời gian. Càng đếm càng thấy dài lê thê, thấy cuộc đời mình thêm phức tạp. Tất cả kỷ niệm cũ trong tôi chỉ là một nỗi nhớ mơ hồ, tôi giật mình vì có một tiếng gọi từ trong tiềm thức, bếp lửa trong lán vẫn đang âm ỉ cháy. Tôi đứng dậy đi vào lán.
VanVN.Net – Ngày 10/4/2012, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” được tổ chức trong một ngày. Buổi sáng, hội thảo khai mạc với sự có mặt của hơn 100 đại ...
VanVN.Net - Cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954) đỗ Hoàng giáp năm Đinh Mùi (1907) khi tròn 18 tuổi; trẻ thứ nhì trong lịch sử khoa cử Việt Nam, sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Khi vua Thành Thái mời các ...
VanVN.Net – Sáng 05/4/2012, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ban Nhà văn trẻ đã có buổi chuẩn bị cho tiết mục trình diễn thơ và văn xuôi ...
VanVN.Net - Từ trước đến nay, nhiều người (trong đó có tôi) vẫn cho rằng, không kể cuốn gia phả lịch sử viết dưới dạng tiểu thuyết chương hồi Hoan châu ký (cuối thế kỷ XVII, không rõ tác giả), thì ...
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn