Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn “Đêm dài qua” - Nguyễn Tiến Bình

10-11-2011 11:50:29 AM

VanVN.Net – Nếu chỉ đọc những dòng giới thiệu về tác giả của chùm truyện ngắn “Đêm dài qua”: Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, sinh năm 1954 tại Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhập ngũ năm 1978, đã tham gia phục vụ chiến đấu ở Campuchia và biên giới phía Bắc. Nghề nghiệp: bác sỹ ngoại khoa, chuyên viên đầu ngành chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, công tác tại Học viện Quân y Bộ quốc phòng… chắc hẳn nhiều bạn đọc sẽ “mặc định” rằng lại gặp lối viết khô khan, khuôn thước…y như hiệu lệnh mà những người lính đã thuộc nằm lòng. Nhưng khi đọc hết 3 truyện ngắn của Nguyễn Tiến Bình, người đọc dường như không nhận thấy một chút dấu ấn “quân lệnh” nào ở giữa những trang văn. Có lẽ từ thẳm sâu trong tâm hồn người lính đã từng trực tiếp chiến đấu ở những chiến trường gian khổ, khốc liệt nhất, nay vẫn tiếp tục hàng ngày đối mặt với những tình huống tử - sinh của con người… văn chương đã tìm được một lối đi riêng, lối đi thẳng từ trái tim người viết đến sự xúc động của người đọc. VanVN.Net xin trân trọng gửi tới bạn đọc chùm truyện ngắn này.

Tác giả Nguyễn Tiến Bình

 

Đêm dài qua

 

Đêm dài khuya. Con nước đang cạn dòng.

Tiếng chim lợn kêu bất chợt, ấy là lúc mùi tử khí bốc lên. Một lát sau, y như rằng một xác chết nằm lép xẹp phủ trùm tấm ga màu trắng ngà ló ra khỏi cửa phòng bệnh nào đó. Xe cáng thương lóc cóc lăn về phía nhà xác. Vài ba người nhà khóc hời ngặt nghẽo theo sau. Đôi khi trong khuya khoắt chỉ có cô y tá vai gầy lưng còng cắm cúi đẩy xe chở tử thi xuống nhà lạnh. Lại thêm một kiếp người nữa giã từ dương thế. 

Thật lạ kỳ! Cùng với tiếng xe cáng thương định mệnh xóc vào tai rờn rợn y như tiếng gõ cửa của thần chết là giọng hát văng vẳng lúc gần lúc xa, buồn da diết. “Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới/ Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời/ Lòng em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta/ Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa…” Tiếng đàn ghi ta và giọng ca hồn hậu quen thuộc cất lên bài hát trữ tình “Đôi bờ” một thời rất nổi tiếng của người Nga. Giai điệu tình ca “Đôi bờ” nhẹ nhàng, lắng sâu là tự sự nội tâm man mác của thiếu nữ với mối tình vô vọng. Cô gái yêu và chính cô cũng ý thức không bao giờ nắm bắt được mối tình xa vời ấy. Dù vậy, trong thẳm sâu đáy lòng, cô gái lại không hề muốn tin và vẫn đợi chờ thiết tha, hy vọng.

Có tiếng chuông điện thoại quen thuộc reo. Giáo sư Nguyễn Đình Thành nhận ra tiếng người bệnh quen thuộc.

- Anh Thành ơi! Anh có nghe thấy tiếng gì không?

- Có! “Đêm dần qua, ánh ban mai đang lan tràn dâng tới/ Trên bờ sông, soi bóng em dài, xa xa phía chân trời…” Tiếng hát thỉnh thoảng lại văng vẳng vọng đến. Giờ thì nghe qua điện thoại của Đường rõ hơn.

- Vâng! Tình khúc “Đôi bờ” đấy. Tôi đã hát từ dạo anh mổ cho tôi ở trạm phẫu tiền phương. Anh nhớ không?

- Nhớ. Mổ chay. Dạo ấy, anh cắt bỏ hai chân dập nát của chú trong tình thế chỉ còn ít thuốc mê tĩnh mạch. Chú gan lì lắm.

- Tôi chưa muốn chết, giáo sư ạ. Đêm nay, tự nhiên tôi rất muốn gặp giáo sư. Chuyện dài lắm...

Chuyện dài lắm! Chắc không phải là chuyện bệnh tật. Căn bệnh ung thư đã ngã ngũ, và Đường đang kiên cường chống trả với thần chết. Linh cảm mách bảo giáo sư Thành rằng: đang có chuyện rất hệ trọng với người thương binh thân thiết đã nhiều lần qua bàn tay phẫu thuật của ông. Chưa đêm trực bệnh viện nào dài như đêm nay. Chưa đêm nào tiếng chim lợn kêu éc éc sực mùi tử khí với thanh âm lãng mạn da diết trộn lẫn vào nhau đến mức vô lí như đêm nay.    

 

Đột ngột hiện ra như một dấu chấm than, Hiên tần ngần đứng trước cửa phòng trực viện. Giáo sư Nguyễn Đình Thành hơi một chút ngỡ ngàng. Đôi vai gầy và hai mắt hốc hác của người đàn bà thức khuya chăm chồng ốm nặng, khiến ông thực sự ái ngại.

- Cô Hiên vào đi. Lại mở “Đôi bờ” nghe à?

- Vâng! Từ hôm vào viện, cứ đêm đêm không ngủ được là chồng em lại mở băng cát xét nghe bài hát ấy. Cũng vì lẽ thế mà đêm hôm khuya khoắt thế này, em liều đường đột đến gõ cửa phòng anh.

- Có việc gì nữa cô Hiên cứ nói. Chúng ta đã là người nhà của nhau từ lâu rồi.

Hiên vẫn ngập ngừng và rụt rè. Tuần trước, Hiên choáng váng khi biết chồng ung thư ở giai đoạn cuối. Tin dữ như tiếng sét giữa trời quang mây tạnh khiến chị tối tăm mặt mũi và vô vọng. Giáo sư Thành căn dặn chị phải tuyệt đối giấu không cho Đường biết. Còn nước còn tát, bệnh viện sẽ làm mọi cách để kéo dài sự sống cho chồng chị. Vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy, đến nước này thì Hiên phải tự thú tội với Đường. Chị cũng định thú thật chuyện riêng của mình cho giáo sư Thành nghe, song cứ đắn đo mãi, rồi lại thôi. Đường là thương binh nặng, nhưng vẫn là chỗ dựa, là trụ cột của cái gia đình bé nhỏ có đứa con gái duy nhất. Hai chục năm sống bên nhau, Hiên vừa sợ, vừa nể chồng, cô thầm biết ơn anh suốt cuộc đời.

- Anh Thành ạ! Bé Tâm không phải con của chồng em. Anh có nghĩ em là con đàn bà hư hỏng?

Giáo sư Thành không ngạc nhiên, chỉ hơi bất ngờ khi Hiên tìm đến ông và nói vào thời điểm này.

- Suốt hai chục năm qua, em chưa một ngày yên ổn. Anh Đường chả sống được bao lâu nữa. Em muốn tự thú tội với chồng em…

Người đàn bà vai gầy kể lại câu chuyện tình yêu của mình đã phong gói bao nhiêu năm. Chị nói rằng: Chị yêu chồng thực sự, đã là vợ chồng nhưng bằng cảm nhận của riêng mình, chị thấy hai người cứ như đôi bờ sông chung một dòng mà không bao giờ gặp nhau. Chẳng lẽ con bé Tâm không đủ là nhịp cầu nối hai bờ?

 Lắng nghe chăm chú, giáo sư Thành chợt hiểu ra vì sao Đường hay mở băng nghe tình khúc “Đôi bờ” nhiều như thế. Ông thực sự cảm thông và chia sẻ: Cái gì qua thì cũng qua rồi. Đường thương yêu con bé Tâm là sự thật không thể phủ nhận. Bây giờ, Hiên nói ra phỏng có ích gì? Sao lại bắt người đàn ông tật nguyền mà mình quá yêu thương phải chịu nỗi đau đường đột này khi sắp phải từ giã cõi trần gian. Con bé Tâm sẽ như thế nào khi biết sự thật người nó hết mực yêu thương kính trọng lại không phải là cha mình. Hãy cứ coi như chưa có chuyện gì xảy ra để người chồng tội nghiệp ra đi nhẹ nhõm và thanh thản.

Người đàn bà ấy đã khóc. Những giọt nước mắt bị kìm nén lâu ngày được dịp tràn ra. Giáo sư Thành biết, nói ra điều ấy và khóc được là chị đã nhẹ lòng.

Đôi vai gầy lại lẫn vào màn đêm, người đàn bà trở lại phòng bệnh với chồng mình. Tiếng chim lợn vẫn kêu ghê rợn và giai điệu tình ca “Đôi bờ” da diết vẫn văng vẳng xa gần trong đêm dài khuya khoắt…

 

Dạo ấy, tháng ba. Hoa gạo nở rồi rụng đầy dưới gốc những cánh mềm đỏ sậm. Mưa phùn lất phất. Ẩm ướt, các mảng tường nước chảy dầm dề. Bệnh viện Chấn thương được lệnh di chuyển sang phía nam bờ sông Hồng, đề phòng nếu đánh nhau to thì đưa thương binh về mạn Hòa Bình cho an toàn.

Gần một tháng trời vất vả, từng đoàn xe chở mấy trăm thương binh, giường tủ, trang thiết bị, chạy vòng xuống Hà Nội rồi lại ngược lên Sơn Tây, đến Bệnh viện Quân y 105, nơi ngã ba Sơn Lộc, đường rẽ lên Ba Vì. Những ngày chủ nhật, ngoài đường nhan nhản bộ đội đi lại. Vùng đất đá ong, ngày nắng chói chang khét lẹt, ngày mưa thì nước ào ào, xối xả cùng những tiếng sét đánh chói tai, chớp vạch sáng nhì nhằng. Con người cặm cụi lo âu, ngày đêm nghĩ cách sinh nhai. Đường nổi tiếng là “anh hai” trong số mấy chục thương binh nặng. Cán bộ nhân viên đến bệnh nhân không ai dám dây với Đường nghiện. Ông đại tá giám đốc quân y viện, mỗi khi gặp Đường cũng phải dịu giọng, vỗ về. Lúc hết cơn nghiện Morphin, Đường lành hiền, dè dặt ôm đàn ghi ta hát những bản tình ca. Vậy mà, khi đói thuốc, anh không kiểm soát được bản thân mình. Trong khoa, Đường chỉ còn nể nhất bác sỹ Thành - người đã trực tiếp mổ cho anh cả chục lần, lấy ra bao nhiêu mảnh gang lớn nhỏ của quả mìn chống tăng. Cơ cực nhất là cái lần nhiễm trùng mỏm cụt đùi sát bẹn, hoại tử lan rộng, nở xoè ra như cái bắp cải, suốt ngày bốc lên mùi thối khăm khẳm. Thành phải trực tiếp thay băng, nhỏ giọt dung dịch pha kháng sinh Penicillin và thuốc tím vào mỏm cụt để những đám thịt thối rụng dần.

Một buổi chiều, vào lúc trời nhá nhem tối, Thành đang ngồi bên giường trò chuyện với Đường thì đột nhiên máu phụt ra từ cái mỏm cụt. Máu chảy xối xả, mạnh như vòi nước. Mặt Đường tái nhợt, vã mồ hôi lạnh. Thành nhanh như cắt dùng đầu ngón tay bịt vào chỗ máu chảy, miệng gọi to mọi người hỗ trợ đưa Đường thật nhanh lên phòng mổ. Đường chỉ nhớ láng máng tiếng bước chân chạy rầm rập, bóng bác sỹ Thành tất tưởi chạy theo, bàn tay vẫn không rời vừa chạy vừa bịt vào chỗ mỏm cụt máu chảy lênh láng, thấm ướt hết cả chiếc quần công tác màu trắng, máu bắn lên cả ngực Đường. Thiêm thiếp rồi mê man, Đường không còn biết gì nữa. Nếu hôm ấy không có Thành ngồi bên và xử lý kịp thời, mổ cầm máu ngay thì chắc chắn Đường đã chết...

 

Giáo sư Thành vẫn nhớ, khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc thì các vết thương chằng chịt trên cơ thể mình cũng lành sẹo và bắt đầu ăn da non. Cái gì mất đã mất rồi, mới biết cái gì còn quý giá biết chừng nào. Nhưng cũng có lúc bất chợt nhìn thân hình co rúm tật nguyền của mình và của bạn, lòng dạ ai cũng trĩu nặng, hoang hoải. Cơ thể tàn phế thê thảm, đến mình ngắm mình còn sợ hãi, còn ái ngại thì ai thương? Người bị vết thương gãy cột sống liệt tủy, từ rốn trở xuống không còn cảm giác và khả năng vận động, cứ năm bảy ngày lại tự đeo găng móc phân ra. Nước tiểu thì chảy theo ống dẫn lưu nối với bao cao su buộc vào dương vật, lúc nào túi nilon cũng treo ở cạnh sườn hay bên thành giường. Khi túi gần đầy thì tháo vòi cho chảy xuống cống. Người thì mù đôi mắt, mất hai chân, may mắn còn sót đôi tay, mặt xám xịt nham nhở những sẹo là sẹo như người bị rỗ hoa…

Nhìn thấy họ, người bất hạnh đồng cảm, chia sẻ; người may mắn thì xót xa, ái ngại. Vậy mà, đôi khi Thành vẫn thấy họ ngồi trên xe lăn cầm đàn ghi ta nghêu ngao hát nhạc đỏ, nhạc xanh và cả nhạc vàng, thậm chí lúc cao hứng còn lẩy một vài câu vọng cổ. Thường là họ hát liền tù tì một liên khúc: Hành quân đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao đến bài Nỗi buồn hoa phượng... Nôn nao, xốn xang nhất là mỗi khi chàng thương binh Đường cất giọng hát tình khúc “Đôi bờ” lời của Grigori Mikhailovich Pozhenyan do Andrey Yakovlevich Eshpai phổ nhạc: “Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng/ Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng/ Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha/ Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...” Bài hát Nga lãng mạn man mác buồn, Đường thuộc lòng từ dạo chưa đi bộ đội, xem bộ phim Khát ở bãi cỏ làng. Hình ảnh những con thiên nga trắng cặp đôi nhởn nhơ bơi cạnh nhau bình yên trên dòng sông và các bạn gái ríu rít bên người yêu làm thiếu nữ chợt chạnh lòng. Nàng nghĩ đến tình cảnh đơn lẻ của mình và người con trai cứ như hai bờ của dòng sông chẳng bao giờ gặp nhau. Dù vậy, thiếu nữ vẫn nuôi hi vọng thiết tha chờ đợi.

 

Hồi ấy, Thành cũng chưa vợ, mỗi năm vài lần cùng đoàn công tác Quân y viện lên khám bệnh điều trị cho Trại an dưỡng. Chợt nghe những người thương tật nghêu ngao hát, Thành lại thấy xót xa. Tâm trạng Thành luôn bất yên, nôn nao không chịu đựng nổi mỗi khi nghe Đường hát “Đôi bờ”. Đường hát cho mình, cho đồng đội hay hát cho đời? Nhưng, cô hộ lý Hiên lại rất thích nghe “Đôi bờ”, và thuộc lúc nào chẳng biết. Đôi khi, Thành bắt gặp Hiên chìm đắm vào thanh âm ghi ta bập bùng, xốn xang và lời bài hát da diết. Anh cảm giác như Hiên đang chìm vào khát vọng yêu bởi không gian âm thanh mê dụ. Hiên chưa yêu ai và cũng chưa có ai yêu. Dường như tình ca “Đôi bờ” đang nói hộ nỗi lòng của Hiên.

Dạo ấy, lên mạn Tây Bắc còn thấy hoa anh túc nở rợp trời. Hầu như cả nhóm thương binh nặng ở trại Thuận An đều hút thuốc phiện. Đầu giường anh chàng nào cũng có ống bơ sữa bò đựng thứ keo đen xì như nhựa đường. Ai có nhu cầu hút thì hút. Hút cho đỡ đau, không có thuốc thì ngủ sao được. Mỗi khi nhắm mắt, lại thấy cái đau ở đâu đó trồi lên hành hạ. Cái chân bị cắt bỏ vứt đi, chôn ở chiến trường nhiều năm rồi mà Đường vẫn thấy như còn nguyên cảm giác đau nhức vừa cụ thể vừa mơ hồ. Thành phải đem kiến thức y học ra giải thích, đấy là cảm giác “chi ma”. Thương binh luôn cảm thấy cái chân vẫn còn, dù đã bị cắt cụt. Cảm giác “chi ma” luôn đeo đẳng hành hạ Đường. Thỉnh thoảng, anh vẫn thấy như muỗi đang đốt nhoi nhói dưới bàn chân, quờ tay xuống gãi, hoặc đập hụt vào không khí, giật mình mới biết cẳng không còn.

 Thương binh nặng, di chuyển trên những chiếc xe lăn, tiêu chuẩn được riêng một hộ lý chăm sóc. Hộ lý có tới chín mươi phần trăm quá lứa nhỡ thì. Sự thực, họ làm công việc chăm sóc thương binh, ngoài trách nhiệm và tình thương còn vì mưu sinh. Cũng là một nghề ổn định được lĩnh lương, hết tuổi lao động được nghỉ hưu. Nhưng, suốt tháng này qua năm khác, âm u miên man trong bốn bức tường rào. Đêm ngủ không tròn giấc, thảng thốt giật mình bởi tiếng thương binh đau đớn kêu rên. Sáng, mở mắt ra đã thấy người cụt người què, người không lành lặn. Nếu không có tình thương thì chẳng ai chịu nổi vài tuần.

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Lúc vào nghề cô hộ lý nào mặt cũng non choẹt, má hồng, ngực vun đầy căng ních áo; ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy mắt rạn chân chim, ngực lép, hết thì quá đát. Dĩ nhiên, thời gian và đau đớn cũng kịp biến các chàng thương binh trẻ măng thành các ông trung niên tật nguyền. Thời gian tàn phá con người cũng khắc nghiệt y như chiến tranh. Chiến tranh có bao nhiêu chàng trai chết trận, con số là hàng triệu, thì cũng từng ấy người con gái thừa ra. Thành có cảm giác các cô gái hộ lý và các chàng trai thương binh tựa hồ như hai bờ sông. Dòng nước thì chung còn đôi bờ thì mãi mãi chẳng bao giờ gặp nhau.

Vậy mà, các cô gái hộ lý và các chàng thương tật ở Trại an dưỡng Thuận An lại khớp nối vào nhau như một lẽ tự nhiên theo ý của tạo hóa. Dân gian có thành ngữ: “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”. Người thương yêu thật lòng, kẻ lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, người thấy trách nhiệm với người ra trận, dần dà như đũa có đôi, đâu cũng vào đấy cả. Thương binh được tiêu chuẩn cao, ngoài tình cảm và trách nhiệm thì đằng nào các cô cũng phải phục vụ. Vả lại, cũng là nương tựa lẫn nhau sau những ngày giặc giã, khi tắt lửa tối đèn. 

 

Trại an dưỡng phân công Hiên chăm sóc Đường. Khi ấy, chị đã thuộc gái quá lứa nhỡ thì, hơn Đường mấy tuổi. Căn phòng của Đường vốn ngổn ngang, bừa bộn, thậm chí hơi bẩn và lúc nào cửa sổ cũng đóng âm u tối bỗng sáng bừng lên bởi sự có mặt của người con gái. Hiên mất một buổi chiều quét dọn, lau rửa, sắp đặt đồ đạc. Cái vỏ chăn bộ đội màu cứt ngựa lâu ngày quá không giặt, bộ quần áo cáu ghét, cái khăn mặt màu cháo lòng… và nước lạnh đầu đông làm tấy đỏ đôi tay Hiên. Ngượng ngùng rồi cũng qua đi. Nụ cười hiền bẽn lẽn và ánh mắt nhìn như biết ơn của chàng trai độc thân thương tật thay cho lời nói. Hiên khuyên Đường bỏ thuốc phiện. Hiên “lôi” Đường ra hồi nhà cắt mái tóc cợp đến tận gáy. Rõ là “có trai có gái mới nên xuân”, các cụ ngày xưa nói chẳng sai. Căn phòng có hình bóng và mùi con gái làm cho Đường bớt cục cằn và anh biết ý tứ, cẩn trọng hơn.

Đường vẫn nhớ một vãn chiều mùa đông. Trời âm u, xám xịt gợi cảm giác buồn buồn. Bên trong căn phòng cũng mờ mờ tối, heo hắt, bóng đèn điện đỏ quạch, lúc sáng yếu ớt lúc tắt. Giúp Đường ăn bữa tối xong, Hiên lúi húi dọn dẹp, rửa bát đĩa. Lưng hơi cúi, bờ vai nhỏ nhắn như bị chìm vào màn tối mờ ảo, cặm cụi và có phần nhẫn nhịn. Thương quá! Đường lại thoáng nghĩ đến thân phận mình lẻ loi: Một đôi đũa. Một cái muôi. Một bát con. Một bát chậu. Một cái đĩa...

Khi ấy, Đường cũng không hề biết có một ý nghĩ đơn chiếc đang đeo bám Hiên: Chị nhận ra phòng ở của Đường cái gì cũng lẻ: Một xe lăn. Một giường cá nhân. Một thân một mình. Hiên cũng đơn chiếc lẻ loi như Đường. Cảm giác trống trải tràn ngập trong lòng, Hiên se sắt thèm một bờ vai ấm áp của người đàn ông để gục vào nương tựa. Kéo nhẹ chiếc ghế đẩu, Hiên dịu dàng ngồi xuống bên cạnh giường. Cô cúi người sẽ sàng kéo tấm chăn dạ ở phía bên trong tường để vuốt lại tấm ga trải giường cho phẳng. Có một hòn than đỏ dần trong lòng Hiên. Vầng ngực Đường rắn chắc và mùi đàn ông làm Hiên rạo rực. Còn Đường thấy lòng cựa quậy, bổi hổi bồi hồi. Chùm sợi tóc con gái còn ướt buông rủ xuống mặt Đường. Mùi hương thơm bồ kết, hương nhu dìu dịu. Lòng xốn xang, Đường cố nhìn rõ khuôn mặt Hiên đang bị che khuất bởi những sợi tóc trải rộng như tấm rèm nhỏ. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Hiên không mặc áo trong, đôi bầu vú trượt ngang qua ngực Đường. Hương thơm và cảm giác đụng chạm làm cho người đàn ông thương tật chưa một lần biết mùi đàn bà, bủn rủn cả chân tay. Máu chảy nhanh rần rật. Khi Hiên kéo tấm chăn phủ lên đến ngực Đường thì bàn tay của hai người như vô tình chạm vào nhau. Có một ngọn lửa bùng lên trong lòng Hiên. Tự nhiên bàn tay giữ chặt lấy bàn tay. Ấm áp. Nóng bỏng! Đường nhớ đã có hẳn một khoảng lặng nhỏ và một chút đắn đo do dự.

- Đừng! Hiên đừng... Tôi...

Ngọn lửa trong lòng Hiên chỉ còn le lói cháy:

- Em yêu anh thực lòng mà...

- Đừng! Tôi thân tàn... ma dại...

Ngọn lửa lòng Hiên nguội tắt. Khóc nức lên. Đôi vai nhỏ gầy run run. Tóc mai bết nước mắt. Hiên lao ra ngoài cửa. Đường tì hai tay chống, đỡ người nhỏm dậy. Anh chỉ còn kịp nhìn thấy cái eo thon chìm vào tối chạng vạng đầu đông.

Ngẩn ngơ một lát, Đường nằm vật xuống giường. Cảm giác tiếc nuối trộn lẫn ân hận khiến lòng anh ngổn ngang.

 

Một tuần sau, người được phục vụ và người phục vụ vẫn lặng lẽ khi có việc gần nhau. Đường không chịu nổi không khí trầm lắng, nặng nề và có phần gượng gạo, anh với tay lấy cây đàn ghi ta. Cùi tay đập vào thùng gỗ thì thùng rồi dạo bản nhạc quen thuộc. Từng giọt thanh âm tràn ngập căn phòng và lọt ra ngoài trời đêm. Cái lưng hơi gù cong như dấu hỏi, đôi mắt buồn xa xăm lấp lánh ánh đèn. Nhìn Đường, thương quá! Bất chợt, Hiên lao đến nắm lấy cần đàn. Âm thanh câm lặng. Hiên tức tưởi:

- Đường ơi! Em thương yêu anh thật lòng.

Gỡ tay Hiên khỏi cần đàn, bàn tay khác giới chồng lên bàn tay, Đường ngước gương mặt có đôi mắt buồn nhìn lên. Đuôi tóc con gái lất phất trên mặt trên cổ gã trai khô hạn. Hương thơm dìu dịu của lá chanh lá sả từ mái tóc chưa thật khô thoảng bay vấn vít. Cảm giác xốn xang bởi đụng chạm giữa hai sinh linh tự do, cô quạnh... đã vít họ lại với nhau. Tình cảm nhất thời bùng phát cộng với bản năng khao khát dài ngày như cánh đồng hạn khô nứt nẻ đợi cơn mưa đầu mùa. Hai bàn tay Đường tự động lùa vào mái tóc dầy phía sau gáy Hiên, rồi kéo nhẹ đầu cô về phía ngực mình. Hiên không hề phản ứng, cô để mặc cho bàn tay Đường lúc chậm, lúc vội vàng cuống quýt lùa xuống bầu ngực căng đầy, men sang bờ vai rồi lần xuống phía dưới hông. Bàn tay chắc nịch mơn man, siết mạnh làm cho thân hình Hiên đờ đẫn. Hơi thở dốc và trống ngực gõ gấp gáp thình thịch.

Ánh trăng xanh yếu ớt tràn qua khe cửa sổ vào căn phòng nhỏ. Nhấp nhóa hai nét vẽ hình trăng khuyết cong cong neo trên bầu ngực căng đầy, bất ngờ đường cong bị lật lại mất biến để rồi hiện lên đường cong mới uốn mềm mại từ eo hông lượn theo đường xuống đến dưới đùi của người con gái. Im lặng gần như tuyệt đối. Chỉ có tiếng thở hào hển của khao khát. Dù vất vả, vụng về nhưng Đường cũng làm được cái việc của đàn ông đối với đàn bà. Họ cứ để nguyên vậy, nằm bên nhau và ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, Hiên bần thần nhớ lại chuyện xảy ra trong đêm, rồi gương mặt cô hồng lên rạng rỡ, cố giấu đi nụ cười mãn nguyện. Vậy là, Hiên đã ở lại trên giường của Đường cho tới sáng. Đêm dài qua…

Sau cái đêm đột nhiên vần vũ ấy, Đường và Hiên định cùng nhau mở một quán bán hàng ở chợ cóc, sẽ ở lại trại lâu dài đến hết đời. Nhưng, suy đi tính lại, cả hai cùng xin thanh toán tiêu chuẩn, rồi về quê. Họ hàng mừng rỡ vì Đường về ở hẳn nhà. Anh không nghiện thuốc phiện nữa mà còn đem theo một người rưỡi. Hiên có thai, trông cũng chẳng đến nỗi nào, mà có phần nái nẩm. Cái bụng to tròn của Hiên làm cho bà mẹ Đường vui mừng. Bà cười móm mém, sai mấy đứa cháu họ làm ngay mâm cơm, thắp hương tạ ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì. Bà thì thầm khấn khứa, cầu mong linh hồn chồng về nhà gặp con, gặp cháu. 

 

Bẵng đi hai chục năm, thời gian thoi đưa.

Một dạo, Hiên thấy chồng gầy sút hẳn đi. Đêm ít ngủ. Khuya khoắt vẫn đăm chiêu bên chén rượu. Chị nghĩ Đường uống cho cảm giác đau bớt đi.

Thực ra, đợt điều trị mới nhất ở Quân y viện, Đường đã đọc lén được bệnh án trong một đêm thắng thao thức. Y tá trực ngủ tít, sinh viên cũng vắng bóng. Hồ sơ của bệnh nhân để đầy trên bàn trong buồng hành chính.

Đường choáng váng khi biết mình có khối u ác tính ở hố chậu, phát triển từ vỏ dây thần kinh. Giữa khối u còn nguyên cả mảnh gang từ quả mìn nhãn hiệu USA. Hạch di căn trên hố nách. Hội chẩn phải mổ càng sớm càng tốt, sau mổ phải chạy tia rồi truyền hóa chất. Tiên lượng xấu. Ôi dào! Đường nghĩ thầm và buông tiếng thở dài. Ung thư giai đoạn cuối rồi. Vớt vát làm gì. Thế là hết! Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Thần chết hình như quanh quất đâu đây. Dường như có một thân hình gầy còm, nét mặt nanh ác, khoác chiếc áo đen rộng thùng thình ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây gạo già bên kia con đường, vẻ mặt vô cảm chờ đợi. Những con quạ đen mắt hau háu trực sẵn trên cành cây chờ đợi lao xuống con mồi...

 

Gần sáng, giáo sư Nguyễn Đình Thành bước vào phòng bệnh. Đường thò tay vặn nhỏ âm thanh cát xét, nhưng giáo sư vẫn nghe được tình khúc “Đôi bờ”. Hiên ý nhị bước ra ngoài rồi khẽ khàng khép cánh cửa để cho giáo sư Thành và chồng có một không gian riêng.

- Đường có chuyện gì phải không?

Đường không rào đón trước sau, bảo:

- Anh Thành ạ. Con bé Tâm không phải là con tôi. Tôi nghĩ, anh là thầy thuốc, anh rất hiểu và biết bệnh nhân của mình.

- Anh nghĩ, có lẽ điều bí mật duy nhất này, Hiên còn giấu chú. Tôi tin là cô ấy cũng rất dằn vặt và khổ sở. Điều căn bản, chú và con bé Tâm là những người yêu thương gần gũi nhất trong cuộc đời cô ấy.

- Anh ạ. Ngay từ những ngày đầu, tôi đã biết cháu Tâm không phải là con đẻ của mình.

- Tôi tin Hiên không lừa dối chú. Cô ấy thương yêu chú. Trên thực tế, chú đã yêu thương Hiên và thương con bé Tâm chả khác gì con đẻ của mình.

- Vâng! Nhưng, tôi rất lo cháu Tâm ra trường sẽ không xin được việc làm. Tôi chết thì hai mẹ con cháu sẽ khổ lắm, chả biết trông cậy vào đâu. Cháu cần phải biết bố đẻ cháu là ai để đi tìm, để nhờ cậy. Tôi nhờ anh thuyết phục Hiên trả lại cha đẻ cho cháu…

Đến lúc này, giáo sư Thành thực sự bất ngờ. Đường cao cả và sâu sắc hơn những gì Hiên nghĩ. Đường tốt quá và Hiên cũng tốt quá.

- Chú Đường thử nghĩ, đã đến nước này có nên cứ để như chưa có chuyện gì xảy ra? Cuộc đời lúc nào cũng trần trụi, rõ ràng quá… chưa chắc đã tốt đâu. Còn công việc cháu Tâm, để anh lo. Chú Đường cứ yên tâm điều trị.

Đường cố kiềm chế xúc động, không để nước mắt trào ra. Anh miên man nghĩ: Có thể Hiên đã cho rằng anh tuệch toạc không biết là mình mất quyền làm cha. Hiên chủ động đi kiếm đứa con, để anh cứ nghĩ mình đã sinh ra nó, yêu thương nó bằng tình phụ tử với con đẻ chứ không phải là con nuôi. Thực ra, Hiên không lừa dối anh, mà hành động như là một cách mang hạnh phúc đến cho anh… Anh rất muốn nói với giáo sư Thành như thế mà không cất nổi lời.

 

Trời rạng sáng. Đêm dài qua.

Con bé Tâm ào vào phòng. Tíu tít mừng rỡ chào giáo sư Thành, chào bố. Tay cầm cặp lồng đựng đồ ăn sáng, tay cầm bó hoa tươi, con bé chụm miệng hôn đánh chụt một cái lên trán bố. Hiên bước theo vào, rưng rưng nhìn chồng và con. Cái cách âu yếm tinh nghịch, thân mật của đứa con gái mới lớn với người cha thương tật khiến giáo sư Thành xúc động và yên tâm. Cuộc đời rõ ràng quá đôi khi lại khiến cho người ta đau lòng. Có những sự thật của người lớn cần phải cất giấu để không làm đổ vỡ tình thương yêu của con trẻ.

Con bé Tâm sà xuống cạnh giường bệnh, đấm bóp xoa nhẹ lưng cho người cha thương tật. Như một thói quen, nó vặn núm điều chỉnh cát xét cho âm thanh to lên một chút và se sẽ hát theo: “Đêm dài qua, ánh ban mai đang lan tràn dâng tới…”

                                                                                  Hà Nội, tháng 10.2010

 

Bên Bến đò ngang

 

Rời khỏi cuộc họp với giám đốc công ty, Hùng vội vàng lao xe về Lạc An. Qua ngã tư Hàng Xanh, anh dừng lại mua ít bánh su kem. Nữ thích ăn loại bánh này. Thực sự, anh không cắt nghĩa nổi vì sao hình ảnh của Nữ cứ luôn hiện trong tâm trí của anh, kể từ hôm gặp cô ở đám cưới một người bạn.

Trời Sài Gòn tháng tám dịu mát, nhất là sau cơn mưa vội vàng. Anh chỉ muốn nhanh chóng được gặp Nữ. Một tuần rồi còn gì. Một tuần cũng đã là quá lâu, quá dài đối với Hùng. Nội của Nữ mới mất. Anh hiểu đối với cô, ông nội có ý nghĩa quan trọng vô cùng. Cái thiếu vắng, trống trải và hụt hẫng của Nữ khi tiễn ông nội đi xa đã ngấm vào Hùng. Anh thầm nhủ sẽ về với Nữ ngay mỗi khi có điều kiện. Với Hùng, mưa gió, nắng rát và hơn bảy mươi cây số chẳng có ý nghĩa gì cả. Đi được là Hùng đi, miễn là để thấy được em.

Một tháng trước khi ông nội mất, Hùng đã tâm sự với Nữ về hoàn cảnh của mình và ngỏ lời với cô. Nữ hiểu được điều gì Hùng muốn nói. Đêm ấy trăng sáng lắm, mặt sông rộng mênh mang hắt lên những dát bạc và gió rì rào vỗ về như lời ru. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên, bao trùm cái tĩnh mịch của ấp ven sông. Tiếng chuông nhà thờ luôn dồn dập, thôi thúc như muốn phá tan sự yên tĩnh của cái ấp nghèo ven bờ sông. Hùng muốn ôm Nữ vào lòng mà hôn.

- Không được đâu anh! – Nữ chậm rãi trả lời sau hồi lâu im lặng.

- Anh muốn cưới em, ba má cũng bảo là tùy. Chỉ cần em đồng ý.

- Em đồng ý thôi đâu có được. Trong cái ấp này, chuyện gì mọi người cũng biết ngay. Người ta sẽ không chấp nhận được cháu nội một ông trùm mà lại đi lấy một người đã từng có vợ. Vả lại không được làm phép cưới thì linh hồn sẽ ra sao?

- Ôi dào, phần linh hồn thì mình sẽ tính sau. Em không thấy ba má em trước đây ở với nhau hàng mấy chục năm rồi à. Rồi đâu cũng vào đó. Theo anh thì chúng mình yêu nhau là quan trọng nhất. Hạnh phúc thực sự đối với một con người là biết yêu và được yêu thôi.

 

Hùng đạp phanh đột ngột vì một ông già đi xe Honda cùng chiều ở phía trước bỗng dưng rẽ qua đường mà không bật đèn hiệu. Cái ba đờ xốc của xe anh có lẽ chỉ còn độ hai mươi phân nữa là húc vào sau xe của ông già trong khi ông già vẫn không hay biết gì. Rẽ vào dệ đường, Hùng bước ra khỏi xe, châm một điếu thuốc. Phải mất đến dăm bảy phút anh mới trấn tĩnh trở lại. Thật là nguy hiểm.

Dân cả vùng Lạc An không ai là không biết cụ Trùm. Mọi người đều kính trọng cụ. Vào đúng buổi sáng mồng ba Tết năm 1954, một quả đạn mọoc-chi-ê của thằng Pháp rơi đúng vào căn bếp nhà cụ, cướp đi sinh mạng của ba người đàn bà. Trong đó có người vợ yêu dấu của cụ. Ông bế bà trên tay một quãng dài. Có lẽ đấy là lần duy nhất trong đời cụ khóc to, nấc lên thành tiếng. Hai hàng nước mắt cứ chảy nhòa, trời đất chao đảo, ngả nghiêng và tối sầm trở lại. Kể từ đó, nhà cụ năm nào cũng có giỗ to vào ngày mồng ba Tết, ngày giỗ của cả ba người. Ngày tề tựu của cả đàn con cháu.

Bản thân cụ xuất thân không phải là dân theo đạo. Để lấy được bà, cụ đã đồng ý theo học kinh bổn và làm lễ xưng tội. Thế mà về sau cụ trở thành ông trùm ở trong giáo xứ, uy tín hơn cả những gia đình mấy đời đạo gốc. Sau cái tai nạn thảm khốc ấy, cụ xuống tàu vào Nam, tay xách nách mang cùng với năm đứa con nhỏ, theo những người di cư lập ấp ven bờ sông Đồng Nai và ở đó đến tận bây giờ. Người ta bảo Chúa đi đâu thì mình phải theo Chúa đi đấy. Suốt một đời lam lũ vất vả, cụ đã sống cặm cụi một mình. Những ước muốn của cụ thật là đơn giản, chỉ mong các con cháu làm được nhiều điều tốt lành, thành tâm hướng đạo.

Mọi nề nếp trong nhà đều được cụ duy trì một cách nghiêm túc và bền bỉ đến cực đoan. Theo đúng lời răn dạy của Chúa. Làm gì có chuyện cháu nội của cụ dám làm trái phép đạo. Trái phép đạo là bán mình cho quỷ dữ, là những gì không tưởng, không bao giờ và không một ai dám đem ra bàn. Chỉ có điều cụ cũng nghiệm thấy rằng Chúa anh linh sao không giúp những người nghèo khổ? Họ thành kính Chúa, họ mộ đạo và chăm chỉ, vậy mà khổ vẫn hoàn khổ. Những người chăm chỉ đến lễ nhà thờ thì phần lớn chỉ là người nghèo. Nhưng cụ chỉ nghĩ vậy thôi, không dám hé răng ra tâm sự với bất cứ một ai, nhất là với con, với cháu trong gia đình.

Nữ là con út. Ba anh trai đều đã lấy vợ và có con. Mỗi buổi chiều, khi đã xế bóng, tiếng chuông nhà thờ lại vang lên những hồi dài thúc giục. Trên một đoạn đường dài hơn chục cây số từ huyện Tân Uyên đến sát thủy điện Trị An san sát những nhà thờ. Người ta có thể nghe tiếng chuông của hai ba nhà thờ gần nhau. Hệt như trong nhà có treo vài chiếc đồng hồ quả lắc. Cứ đến giờ là cùng vang lên những tiếng chuông ngân. Chính vì thế mà cái cảm giác thúc giục như càng tăng thêm mỗi sớm hôm và khi hoàng hôn xuống.

Vào cái thời điểm ấy, mọi người trong từng ngôi nhà ven sông lại thu xếp để đi lễ nhà thờ. Bao giờ Nữ cũng vận áo dài trắng. Cô lững thững bước đi theo dòng người, nề nếp. Cô luôn cảm giác thấy có nhiều ánh mắt nhìn mình. Nhưng thực ra chả có gì phải để ý cả. Mặc kệ họ thôi.

Những người trạc tuổi Nữ ở trong cái ấp này đều đã xây dựng gia đình và đã có con. Có những đứa cưới từ mười sáu mười bảy tuổi, có người đã ba bốn đứa. Nữ cũng muốn. Hai mươi bảy rồi còn gì. Nhưng việc lấy chồng đâu phải trò đùa, muốn lấy ai cũng được đâu. Trong cái trường phổ thông cơ sở duy nhất của xã này, chả có anh giáo nào làm cho Nữ xúc động được cả. Toàn là những người quanh vùng. Không dám chê nhưng đúng là chẳng có ai đáng mặt đàn ông.

Thực lòng, Nữ yêu Hùng. Một người con trai có học thức và cô cảm thấy rất hợp với những quan niệm của cô về một người đàn ông. Cũng từ cái đám cưới ấy bên Hố Nai, Nữ đã bất ngờ gặp đôi mắt ấy nhìn cô và không quay đi khi bị cô bắt gặp. Cái nhìn làm Nữ choáng váng, cái nhìn làm cho cô thấy xốn xang trong lồng ngực. Đôi mắt Hùng luôn sáng và đầy bao dung. Trong đôi mắt ấy thể hiện một tình yêu mãnh liệt nhưng lại hiền lành như của một người anh trai. Nữ hãnh diện mỗi khi có Hùng ở bên cạnh.

Và cô thèm khát được có Hùng, được đến với Hùng. Những giờ phút được ở bên anh là những giờ phút phải đấu tranh quyết liệt. Bên trong cái vẻ ngây dại cứng đờ, yên lặng và vụng về đến dối trá là sự bừng lên của từng giọt máu được đẩy ra từ trái tim mà cô cứ phải nén lại. Cảm giác sẵn sàng làm Nữ căng thẳng đến tức thở. Mặc dù vậy, máu vẫn cứ đẩy ra tới làn da trắng mịn màng của của cô, tới từng đầu ngón tay, ngón chân. Máu vẫn đẩy làm căng tức trên ngực và cô cảm giác cái áo trong bỗng như chật lại, đôi lúc đến ngẹn thở. Mỗi khi Nữ càng nén, cảm giác ấy lại càng tăng lên dữ dội hơn.

Những lần Hùng về thăm cô một lúc rồi lại đi, bao giờ Nữ cũng tiễn Hùng ra tới bến đò ngang. Đợi cho đến khi Hùng sang tới bờ bên kia rồi đi khuất sau con dốc rồi nhưng Nữ vẫn còn ngồi nán lại bên bờ nước mà không muốn về. Hùng lại cứ đi vào lúc chạng vạng, vì còn phải về đến thành phố. Khi phải lững thững quay trở lại. Con đường dọc ấp vốn đã vắng vẻ lại càng vắng vẻ hơn. Nữ sợ cái cảm giác ấy vô cùng.

Trước đây Hùng đã có một người vợ. Sống với Hương được gần hai năm thì họ quyết định chia tay khi chưa kịp có con. Tòa đã phải đồng ý sau khi thực hiện thủ tục hòa giải không thành. Lý do chỉ vì họ không hợp nhau về quan điểm trong cuộc sống. Không thể cứ kéo dài mãi những cuộc tranh luận, cãi vã đến mệt mỏi. Và cả Hùng lẫn Hương, đều cảm thấy thanh thản. Ba mẹ Hương là bạn gần gũi với bố mẹ Hùng. Họ đã vì tình bạn của nhau và ước muốn các con họ cũng sẽ được ở bên nhau. Nhưng sự đời đâu có đơn giản như thế. Có phải cứ muốn cái gì cũng được.

Bây giờ thì lại càng không hề đơn giản. Tuy tòa án đã chấp thuận đơn xin ly hôn của cả hai người. Nhưng còn phép cưới ở nhà thờ? Cha đã thay mặt Chúa gắn hai linh hồn vào với nhau. Luật đạo chỉ cho phép xây dựng lại gia đình khi một trong hai người đã chết. Bằng không dù đã ly hôn, linh hồn của họ vẫn mãi mãi thuộc về nhau. Không được làm khác đi. Nói như cha Tuyên là không được để cho quỷ dữ cám dỗ. Đó là tội trọng. Sau này chết không được vào nằm ở trong vườn Thánh. Không được lên Thiên Đàng về với Nước Chúa mà sẽ bị đầy xuống địa ngục. Ôi! Lạy Chúa, con xin vâng theo ý nguyện của Người. Xin Người hãy tha tội cho những ước muốn non dại của con! Vừa đi, Nữ vừa đưa tay lên làm dấu và thầm đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh thần. Amen”.

 

Đi công tác ở Sài Gòn về, Thành kể ngay với vợ về chuyện anh đã gặp và trao đổi với ông cha Sanh về chuyện của Nữ. Khi vào thăm ông chú ở đường Cách mạng tháng tám, anh đã tình cờ gặp cha Sanh. Cha Sanh là người gốc Thái Bình và là chỗ bạn bè với chú Hợp. Nghe kể chuyện xong, cha Sanh và cả chú Hợp đều cho rằng chuyện đó có thể giải quyết được ổn thỏa:

- Cậu Hùng đã có vợ, đã làm phép cưới ở nhà thờ. Họ bỏ nhau chỉ là rời bỏ thân xác, còn phần linh hồn thì đã được Chúa định đoạt. Cậu Hùng hay vợ cậu ấy cũng vậy, theo đúng luật đạo thì chỉ có thể đi bước nữa khi một trong hai người đã chết. Việc này khó đấy nhưng anh cứ xem lại. - Cha Sanh nói - Nếu các em nó quyết tâm yêu nhau thì tôi sẽ giúp. Tôi cũng thấy luật đạo có những điều hơi quá hà khắc. Nhưng phải lên đây để tôi truyền thụ thêm về giáo lý. Sau một vài tháng, nếu thấy được, tôi sẽ làm phép cưới cho.

- Vâng! Để tôi nói lại với các em. Vợ chồng tôi cũng thương tụi nó quá. Nếu cứ phải sống đúng theo luật đạo thì tụi nó sẽ phải sống trong đau khổ. Rất cám ơn Cha đã có thiện tình giúp đỡ.

- Cứ yên tâm. Ông chú Hợp nói chen vào. - Cha Sanh đây sẽ tìm cách giúp. Nói rồi, họ chuyển chủ đề sang việc ông cha muốn nhờ mua và treo hộ một cái điều hoà nhiệt độ.

Vợ Thành đã gọi điện ngay để tâm sự với cô em gái út. Sau đấy chị kể lại với chồng là Nữ nó rất vui. Nhưng hình như vừa mới hôm qua, hôm kia gì đó, nó đã dứt khoát với Hùng rồi. Chị vừa kể vừa thở dài. Chị thương cô em út vất vả vô cùng. Đúng là hồng nhan, bạc mệnh. Trong khi Thành vừa ăn vừa làu bàu: “Tại sao đến bây giờ mà con người ta vẫn còn mê muội đến thế cơ chứ. Giáo điều, giáo điều hết sức! Tại sao các cha dạy con người phải làm điều thiện, cái thiện và cái ác trong quan niệm của các cha quả thật là còn lẫn lộn”. Anh vằng cả với vợ.

Nhiều người trong ấp và nhất là đám thanh niên không khỏi tò mò khi thấy lần này Hùng về ấp bằng xe ô tô và do chính anh lái. Họ chạnh lòng và thấy bé nhỏ quá so với cái anh chàng đẹp trai kia. Có người không cưỡng lại được mình đã tìm lý do để qua lại trước cửa nhà cụ Trùm. Muốn thấy tận mắt cái ô tô màu xanh.

Nữ làm cơm vội vàng vì lo Hùng đói. Gần tám giờ rồi còn gì. Nhưng thực lòng, cô muốn sau bữa cơm là đến khoảng thời gian chỉ giành cho hai người.

Họ lại đi lững thững bên nhau ra phía bờ sông. Lại im lặng hồi lâu. Lại nhìn bâng quơ ra xa tít tắp. Lại chỉ nghe tiếng gió thổi và tiếng nước đập vào bờ lách trách.

- Em có khỏe không? Hùng phá vỡ đi sự im lặng.

- Thì anh thấy đó thôi.

- Em này! Ba mẹ anh bảo: “Nếu con thực sự yêu Nữ thì ba mẹ sẽ về thưa chuyện với gia đình. Xin làm lễ ăn hỏi”. Sau đấy ba mẹ sẽ đón em lên trên nhà. Chỉ cần làm thủ tục bên chính quyền. Còn chuyện làm phép cưới để sau. Ba mẹ có mỗi mình anh. Các cụ chỉ mong có cháu. Ba mẹ quý em lắm đấy. À thế còn chuyện anh chị ngoài Bắc gọi vô ra sao?

- Không được đâu. Cha xứ ở đây bảo không có cha nào được phép làm như thế. Vả lại có đi đâu cũng phải xin phép cha ở đây. Cha không đồng ý là đâu có đi được.

- Sao em kỳ vậy. Việc của mình sao cứ để lệ thuộc vào người khác. Mình phải tự quyết định lấy vận mệnh của mình chứ. Quan trọng là mình phải sống có đạo đức.

- Không đơn giản thế được đâu, anh!

- Em lo cho phần linh hồn, còn anh thì không chắc.

Hùng nói một cách dứt khoát rồi quay lại ôm lấy đôi bờ vai thon nhỏ của Nữ. Anh khẽ cúi xuống, đặt sát môi mình lên mái tóc thoang thoảng mùi hoa gì đó rất lạ. Hương thơm và hơi ấm từ mái tóc của Nữ nhanh chóng lan tỏa vào người anh, chạy khắp nơi. Đây là lần đầu tiên Hùng liều lĩnh như thế với Nữ. Mỗi lần đi gần một trăm cây số về thăm Nữ, không phải để ngồi nói chuyện với cô một lúc rồi lại đi. Anh khao khát hơn thế nhiều. Chỉ có điều Nữ thánh thiện quá và Hùng vẫn cố gắng chờ đợi, cố gắng giữ gìn như một báu vật của riêng mình.

Nữ khẽ quay đầu sang một bên. Nhờ ánh trăng nên Hùng nhìn thấy được từ hai khóe mắt cô chảy ra những giọt nước mắt trong hắt sáng. Những giọt nước làm cho lòng anh se lại. Rồi Nữ nói lẫn trong tiếng nấc:

- Thôi, anh đừng về với em nữa! Anh càng về, em chỉ càng thấy khổ hơn thôi.

- Anh sẽ còn về. Anh sẽ không bỏ mặc em ở đây đâu. Anh không thể thiếu em được. Nhất định chúng mình sẽ tìm ra được giải pháp. Nhất định em phải là của anh!

- Chả có giải pháp nào cả đâu. Thôi, anh cứ để mặc em. Nữ vừa nói, vừa khóc nấc lên và gỡ tay ra khỏi Hùng. Lạy Chúa nhân từ. Sao con khổ thế này. Xin được Chúa lòng lành cứu giúp con.

Đất dưới chân cô như sụt xuống. Cô ngồi bệt vào đám cỏ ven bờ nước và ôm lấy mặt. Rồi Nữ như thiếp đi và không biết là trong thời gian bao lâu. Chỉ đến lúc có tiếng người gọi nhau từ chuyến đò ngang khuya khoắt, Nữ mới giật mình trở lại và hai người tựa vào nhau lặng lẽ quay về.

Hơn một tháng sau, khi người ta trải nhựa qua đoạn ấp bốn, xã Lạc An. Con đường đỏ ngày xưa bây giờ rộng thênh thang, sạch sẽ và thẳng tắp tới sát thủy điện Trị An. Hai bên đường là những vườn sầu riêng treo đầy quả. Nhiều người có tiền trên Thành phố đổ về tìm mua đất vì nghe nói khu vực này sẽ được phát triển mạnh lắm. Tỉnh Bình Dương đang trên đường hiện đại hóa.

 

Vậy mà ở ấp bốn này, người ta thì thào về chuyện của Nữ. Cô đã quyết định thôi dạy học để đi tu. Cô xin vào dòng Nữ Trưng Vương, một dòng tu khổ hạnh. Cô muốn đi khỏi cái cái ấp nơi cô sinh ra nhưng lại không thể từ bỏ cái nghề dạy trẻ. Vì đó là ao ước của cô từ khi còn tấm bé. Làm sơ nhưng cũng vẫn là làm nghề giáo. Hàng ngày, cô dạy dỗ và chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ bị tật nguyền do di chứng của chất độc da cam ở một tu viện trên quận Hóc Môn.

 

                                                             Sài Gòn, tháng 12.2005

 

 

Ngày xưa, mùa mắc mật

 

Bác sĩ Mạnh vừa đọc được câu chuyện cổ nhà Phật, đại ý rằng:

Ở đầu nguồn sông Hằng, có cây xoài cổ thụ đơm những quả xoài ngon ngọt to lớn và là vương quốc của bầy vượn tám ngàn con. Nhà vua ở hạ nguồn biết chuyện đã huy động những tay thợ săn giỏi nhất đến tiêu diệt đám vượn dám “khi quân” ăn xoài ngon trước cả vua. Trong đêm đoàn thợ săn đóng trại chờ sáng hôm sau tấn công vương quốc loài vượn thì con vượn chúa đã nhảy vút sang bờ bên kia tìm cách cứu bầy đàn. Nó lấy dây mây rừng kết nối lại, một đầu buộc vào gốc cây, một đầu buộc vào cổ chân và nhảy trở lại cây xoài…với quyết tâm bắc một cái cầu dây. Nhưng, nguy thay vì thiếu mất đoạn dây vừa một sải tay mới tới cành xoài vươn ra mặt sông xa nhất. Vượn chúa quyết nắm chắc hai tay và ra lệnh cho bầy đàn vượt sông trốn sang bờ bên kia bằng cái cầu dây có cả thân mình đang neo bám vào cành cây xoài. Lần lượt từng con vượn qua sông, đau thương thắt lòng, không dám đặt mạnh bàn chân lên thân vượn chúa, vừa khóc vừa bước rón rén nhẹ nhàng trên cầu dây.            

Con vượn cuối cùng tên là Devadatta vốn ghen ghét, đố kị với vượn chúa, được dịp trả thù, nó hả hê dằn bước thúc mạnh bàn chân trên thân vượn chúa và nhảy nhót trên cầu dây. Vượn chúa vẫn gồng sức, nén đau đớn cho con vượn Devadatta sang sông an toàn mạng sống.

Con vượn chúa ấy là tiền thân của Đức Phật Thích Ca.

Câu chuyện nhà Phật đầy triết lý nhân sinh. Trải qua điều đau đớn quặn lòng thì bác sĩ Mạnh mới ngộ ra một điều: Làm việc thiện dù đau đớn thiệt thòi cũng cứ làm. Làm việc phúc dù khó mấy vẫn làm và đừng mong trả ân. Có phúc thì có phần, tự nhiên nó đến. Thế nhưng, chưa khi nào anh diễn đạt điều này cho vợ hiểu một cách trọn vẹn.

 

Mạnh vô cùng khổ sở với những món quà biếu. Khách của người ta thường là “mũ cao áo dài”, “gót son mắt ngọc”; còn khách của Mạnh hầu hết là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân “chân lấm tay bùn”, “nón mê áo vá”. Đấu lạc củ, cân măng khô, gói mộc nhĩ, cân gạo nếp… có khi là chú gà trống choai mào đỏ rực… toàn là thứ quà nhà quê. Mạnh đã một lần dở khóc dở cười khi một ông bố dắt đứa con trai độc nhất mới khỏi bệnh và xách theo đôi vịt cỏ Vân Đình đến tận nhà anh cảm ơn. Đôi vịt bị trói lỏng chân, đạp tung những sợi rơm vàng ươm chạy nháo nhác trong phòng khách, kêu cạc cạc inh nhà rồi “phẹt” mấy bãi ra nên gạch hoa bóng lộn. Người khách già đỏ mặt ngượng ngùng và chủ thì ái ngại cười trừ. Mạnh là một bác sĩ khá liêm khiết, anh chưa bao giờ lấy phong bì của người bệnh. Người nhà bệnh nhân tìm đến phòng làm việc của Mạnh, anh thường lảng tránh bởi họ hỏi chuyện sức khỏe người thân thì ít mà dúi tiền vào túi anh thì nhiều. Tìm anh ở bệnh viện không được, họ hỏi thăm đến tận nhà, chỉ khi nào Mạnh nhận quà thì họ mới yên tâm khi tính mạng người thân đang ở trong tay bác sĩ.

Thật ái ngại vì chuyện đó, Mạnh nói với vợ: “Người nhà quê nghèo nhưng tấm lòng chân thành. Họ dò hỏi địa chỉ tìm đến nhà biếu quà, mình không từ chối được thì cứ lấy rồi tìm cách đáp lễ sau. Ví như em cho lại họ gói mì chính, hoặc thùng mì tôm, bịch xúc xích, chứ từ chối thẳng thừng là họ nghĩ mình rẻ rúng, chê ít, chê họ nghèo”.

Lúc ấy, vợ Mạnh đang ngồi trên giường co cẳng tì cằm vào đầu gối sơn móng chân. Đôi vai trần trắng hơi xanh vừa sức nước hoa Pháp phảng phất mùi hương hoa lan chuông, cỏ vetiver, gỗ đàn hương, vani, và hổ phách... của Chanel No5, chị trề môi: “Hứ… Anh bảo em cứ nhận thì quẳng đi đâu? Cho hàng phố chẳng ai lấy. Chả lẽ lại trút vào thùng rác? Toàn đồ rẻ tiền chả đáng là bao lại mất vệ sinh, mất công làm. Người ta biếu con ngan, anh có đun nước vặt lông được không hay là ngại? Có gói lạc con bé mổ Basedo biếu từ mấy tháng trước, để quên trong tủ bếp mốc xanh mốc đỏ, chiều qua em phải lén vứt vào xe rác đấy. Nhà mình quen ăn đồ siêu thị phong gói ngon lành, sạch sẽ rồi. Sao anh cứ phải băn khoăn về chuyện ấy?”

Không những băn khoăn mà còn day dứt nữa, Mạnh là người luôn không quên kí ức trong khi vợ con anh chỉ sống bằng hiện tại, chẳng bận lòng về chuyện đã qua. Nghe cái điệp khúc ca cẩm này nhiều lần, Mạnh rất khó cắt nghĩa cho vợ hiểu những điều anh đang nghĩ và ứng xử hàng ngày. Nếu như các lần trước anh cáu ngay và trách mắng vợ, nhưng bây giờ anh đã kịp kìm lòng vì chị vừa mới ra viện sau một ca phẫu thuật phải tiếp khá nhiều máu.

Chị xách một gói quà, thả uỵch xuống đi văng Mạnh đang ngồi. Vỡ tung ra, gói quà không còn hình dạng. Phấp phới trước mắt Mạnh là cái phong bì màu trắng. Những quả mắc mật tròn nâu rơi lổng nhổng trên sàn nhà. Chị không nhặt lại các quả đang lăn trên gạch hoa bóng mà cằn nhằn: “Đấy! Anh xem của nợ này mà ăn uống được à? Quà biếu của con bé hôm qua đến nhà mình đấy. Nó cứ ngồi ở đi văng mọc rễ si rễ sanh chờ anh về đòi gặp. Em mới bảo: “Cháu cứ về đi, có gì cô sẽ thưa lại chú”. Tống khứ nó ra khỏi nhà nhanh mà nó cứ ngại ngùng, tần ngần không muốn bước. Mải tống tiễn nó ra khỏi cổng đến khi quay vào thì mới biết con bé cố tình để lại gói quà quê mùa. Khốn khổ, thật đáng thương! Có mấy quả mắc mật chứ bạc vàng châu báu đâu mà giấu giấu diếm diếm như mèo… giấu phân. Măng chua muối với mắc mật đóng hộp đầy ra ở siêu thị biếu tôi, tôi còn mắng cho nữa là.”

Lòng Mạnh quặn đau. Anh không còn nhận ra người vợ lấm láp, ngoắc cạp lồng cơm có mấy con cá khô vào ghi đông vừa chở con đi học rồi vội vàng rồi đến cơ quan nữa. Chị đã quen sống với tiện nghi đắt tiền trong căn biệt thự còn thơm mùi sơn mới, không có lỗi, nhưng quên những tháng ngày lầm than và lại ca cẩm chê bai người nhà quê đến mức nhẫn tâm thì anh không chịu nổi.

Mạnh cố kìm lòng, bóc vội phong thư rồi đọc nhanh:

“Chú Mạnh thân quý!

Chị nằm ở ngay bệnh viện của chú. Tình cờ xem ti vi mới biết chú là chủ nhiệm khoa. Hóa ra chú cũng đã xuôi về Hà Nội chứ không phải dạt đi một nơi rừng rú nào ấy chữa bệnh. Mừng quá, chỉ muốn kêu lên: Người quen thân của tôi đang nói ở ti vi kia kìa, nhưng lại thôi, chỉ sợ những người ở bên cạnh quở “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tôi chỉ rỉ tai con bé Na hỏi: “Mày có nhớ cái chú đang nói trên ti vi không. Ngày trước bệnh viện dã chiến của chú ấy đóng ở quê cũ nhà mình bên sông Lô đấy.” Con bé lắc đầu bảo: “Con chả nhớ”. Chả nhớ là phải vì lúc mẹ con tôi bỏ nơi ấy về quê thì nó mới bé tí. 

Hàng ngày con cháu Na của chú chăm sóc mẹ. Lạy giời! Hai mẹ con tôi làm ăn cũng khá, con bé đang học đại học y khoa, chú ạ. Tôi nằm viện được ba ngày thì biết con bé lén đi bán máu. Tôi mắng thì cháu chú bảo: Bệnh viện tổ chức hiến máu nhân đạo, con cho máu là nghĩa vụ. Tôi chợt giật mình nhớ đến những ngày bên dòng sông Lô, nhớ đến chú. Sau này, cháu ra trường, chú mà làm phúc nói với người ta nhận nó vào cái Khoa Huyết học - Truyền máu của bệnh viện chú thì phúc nhà tôi quá”.

Tôi viết thư này nếu làm phiền chú thì chú cứ coi như không nhận được, chú Mạnh nhé.

(Chị Lan bán máu ngày xưa).

Tái bút: A. Chú Mạnh có hay lên thăm nơi bệnh viện cũ không? Đổ nát, thành bãi đất hoang, cỏ mọc xanh cả rồi. Từ ngày tôi chuyển mộ anh Kiểm sứt về quê là cũng thôi không lên đó lần nào nữa, chú ạ.”

 

Lời lẽ chị Lan nhã nhặn, không còn cái thói thô kệch, chua ngoa ngày trước. Bác sĩ Mạnh không thả tờ giấy viết những chữ to nguềnh to ngoàng của chị Lan bán máu ngày xưa mà tự nó rơi xuống vì các ngón tay anh bỗng dưng lỏng hờ. Có một chút bấn loạn trong tâm trí bởi sự câu chuyện đến đường đột đến mức không ngờ. Chuyện xưa cũ đã qua lâu rồi mà như vừa xảy ra, cứ dào dạt trôi miên man từ kí ức hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt anh.

 

Đoạn đường số hai dọc từ thị xã Tuyên Quang lên đến Vị Xuyên uốn lượn như một con rắn khổng lồ, lở loét. Trên đường, thi thoảng từng toán dăm bảy con trâu đủng đà đủng đỉnh. Tiếng mõ khua đều lóc cóc. Một bên đường là dòng sông Lô, một bên là núi với rừng, bên lề san sát những vườn cam, những mái nhà sàn thưa thớt. Dòng sông Lô quanh năm chảy xiết, rì rào mang nước từ đầu nguồn vốn trong xanh và mát lạnh.

Vào cuối mỗi buổi chiều khi trời chạng vạng, dân đãi vàng rửa sạch máng, thu lượm những mẩu sa khoáng nhỏ như cánh kiến, sáng lấp lánh cho vào cái lọ nhỏ. Kết quả làm việc cực nhọc tuỳ thuộc vào số phận, may rủi từng ngày. Hôm nhiều thì được một hai chỉ, có hôm chẳng đáng kể gì. Phía trên bờ, bên này con đường là cả dãy hàng quán san sát, phục vụ mọi nhu cầu dân đào vàng từ A đến Z, ăn nhậu, chơi bời. Gi gỉ gì gi cái gì cũng có, kể cả nhu cầu xoa bóp, tầm quất đến gái mú. Nhiều nhất là hàng hoá Trung Quốc buôn lậu qua biên giới và gỗ quý khai thác trộm từ trong rừng. Người tứ xứ đến đây buôn bán, làm thuê kiếm ăn. Cái thị trấn heo hút ấy, chả cách đường biên giới bao xa, mặc dù vẫn còn đụng độ đánh nhau, người chết cứ chết, người kiếm tiền vẫn cứ kiếm tiền, ngày ngày nhộn nhạo. Một số người chỉ đi đãi vàng thuê cho chủ, tiền công hàng ngày phụ thuộc vào kết quả đầy may rủi, được nhiều ăn nhiều, được ít ăn ít. Những người làm ăn độc lập thì phải trả tiền bến bãi rồi vàng đãi được bán ngay cho những chủ thâu mang về dưới xuôi. Bán được ít tiền, gửi hay cất ở một chỗ bí mật nào đó thì còn, mải ăn chơi thì làm đâu hết đấy. Ráo mồ hôi là hết tiền, chỉ còn lại cái thân gầy gò, hốc hác, bệnh tật. Người nào nhìn cũng na ná người nào. Những con mắt luôn đục ngầu, lờ đờ dò xét, nghi ngại. Cái bãi vàng là cả một khoảnh xã hội đen đầy ân oán...

 

 Bệnh viện dã chiến nằm bên bờ sông Lô, chỉ cách mép bờ đá bằng đúng con đường lổn nhổn ổ gà, ổ trâu. Ngày nào cũng có hai ba chuyến xe chở thương binh từ biên giới chuyển về bệnh viện. Đánh nhau, đụng độ không lớn nhưng vẫn có người ngã xuống, vẫn có nhiều thương binh.

Mỗi đêm thương binh về, mọi người đều thức. Đã nhiều đêm cả bệnh viện thức trắng. Họ lo phân loại thương binh nặng nhẹ. Lo mổ cấp cứu cho những trường hợp khẩn cấp. Lo chuyển thương binh về tuyến sau. Mấy chục con người, trầm lặng, hối hả, bận rộn, lo lắng cứu chữa hàng trăm thương binh. Cơm gạo cũ và măng chua muối với mắc mật là chính, thịt thà cá mú là những thứ hiếm hoi. Họ phải tự chăn nuôi, trồng rau mới có thêm để cải thiện đời sống. 

Thời bình dở thời chiến, làm việc ở bệnh viện, bác sỹ Mạnh thỉnh thoảng mới tạt về thăm vợ con. Đôi khi anh tìm cách gửi theo xe về phía sau cho vợ vài bó củi để đun nấu, gói quả mắc mật và mấy xách măng tươi để cải thiện bữa ăn. Chị ở Hà Nội, một nách hai con nhỏ, cái gì cũng thiếu thốn. Làm thế nào được, vợ bộ đội thì phải chịu thiệt thòi. May là cả dãy nhà tập thể của cơ quan, toàn là vợ bộ đội nên những người mẹ, người vợ rất hiểu và chia sẻ với nhau.  

Hàng ngày, nhân viên huyết học của bệnh viện đợi những người đến cho máu. Cũng không có nhiều, mỗi hôm chỉ dăm ba người ngồi đợi trên cái ghế băng mộc cũ kỹ là mừng. Không có máu, nhiều ca mổ phải hoãn hoặc sơ cứu rồi chuyển về tuyến sau. Cũng có không ít trường hợp, người bệnh không qua được vì không có máu để cấp cứu.

Suốt một thời gian dài, vấn đề nan giải nhất của bệnh viện là tình trạng thiếu máu để cứu người bệnh. Tình trạng khan hiếm máu trở thành vấn đề khó giải quyết nhất đối với lãnh đạo ở cái bệnh viện dã chiến sát biên giới này. Thực chất, cán bộ, nhân viên và chiến sỹ cũng đã tham gia cho máu nhưng được ít nào hay ít ấy thôi, bần cùng bất đắc dĩ chứ anh em người nào người nấy đều mệt mỏi, gầy gò như bị suy dinh dưỡng. Đúng là máu còn quý hơn vàng. Người ta hay ví những thứ gì quý nhất với máu.

Những người cho máu gắn bó với bệnh viện trong một thời gian tương đối dài là vợ chồng Kiểm - Lan. Họ là dân cho máu chuyên nghiệp. Kiểm sứt. Gọi thế vì hắn bị sứt môi bẩm sinh. Cũng được mổ rồi nhưng cái môi trên vẫn vẹo, cái sẹo to rúm lại. Hắn để râu che bớt chỗ xấu nhất ấy đi nhưng râu lại không mọc được ở chỗ sẹo. Dáng cao lềnh khềnh, cái lưng hơi còng còng và lúc nào cũng say say. Ngược lại, cô vợ lại thấp, béo ục à ục ịch, những chỗ cần to thì không to, những chỗ cần bé thì lại phè ra hàng ký.

Mọi người chỉ biết vợ chồng Kiểm - Lan từ bãi đào vàng dạt đến, không ai biết chính xác quê quán ở đâu. Chả ai đi thẩm tra làm gì. Cũng như một vài người dặt dà dặt dẹo khác, thỉnh thoảng vợ chồng Kiểm đưa nhau vào bệnh viện để cho máu, nhận ít tiền bồi dưỡng rồi lại đi. Có những người vì khó khăn quá, làm lụng không đủ để trang trải, chồng đi bán máu nhưng giấu vợ, vợ đi bán máu nhưng nói dối chồng. Nói là cho nhưng thực chất là bán. Mỗi đơn vị máu theo quy định là hai trăm năm mươi xê xê, người cho được trả ít tiền và cân đường hộp sữa. Lắm người kiếm được một hai trăm thì lại mất dăm chục vào tiền xe, tiền ăn uống. Chưa hồi người đã hết sạch tiền.

Từ ngày người ta phát hiện ra bãi cát sông Lô có vàng, người đến bệnh viện cho máu ngày càng ít đi. Làm gì có ai tử tế, công việc đàng hoàng mà đi cho máu. Toàn những người nợ đầm nợ đìa, hàng ngày không biết làm gì ra vài đồng, thậm chí sống đâu là nhà, ngã đâu là giường mới đi cho máu. Trong con mắt mọi người, dân đi bán máu toàn là kẻ thất cơ lơ vận, những phường dặt dẹo, vật vờ. Nhưng đối với bệnh viện, không trông vào máu của họ thì trông vào đâu? Cũng biết máu của hội này là máu kém chất lượng nhưng không có họ cũng chết, lấy đâu ra máu để tiếp cho những bệnh nhân đang nằm kia.

Hoá ra, trên thực tế trong một thời gian rất dài, họ mới chính là những người làm cái việc được coi là nghĩa cử cao đẹp và thiết thực để cứu người. Điều này, phải rất lâu sau bác sĩ Mạnh mới nhận ra.

Thật lạ, càng về sau, số lần cho máu của vợ chồng Kiểm cứ dầy lên. Dân quanh vùng không ai lạ và thường gọi liền tên với cái việc họ làm: vợ chồng lão Kiểm bán máu. Cái tên Kiểm sứt cũng ít được nhắc đến.

Tình trạng thiếu máu trong bệnh viện ngày càng nan giải. Ban hoá nghiệm lấy được đơn vị nào là dùng ngay đơn vị ấy. Cái tủ lạnh Sa Ra tốp cũ dùng để chứa máu luôn trống rỗng. Bàn đi bàn lại, loanh quanh thế nào, chỉ ít lâu sau vợ chồng Kiểm được mời ở bên cạnh khuôn viên bệnh viện để khi cần máu khẩn cấp là lấy được ngay. Mấy cậu chiến sỹ cất cho họ căn nhà lá sát hàng rào. Cái hàng rào bằng hàng cây dâm bụt chỉ như dải phân cách mềm, có thể đi qua đi lại bất cứ lúc nào.

Vợ Kiểm không mấy khi ở nhà. Lúc thì lên chợ trên thị trấn, lúc thì la cà dọc theo dãy hàng quán bên sông hoặc ra bãi đào vàng. Ngồi hết chỗ này đến chỗ khác. Ngồi thế thôi nhưng chắc cũng ra tiền. Hồi đó hàng hóa còn hiếm lắm. Ai lên công tác cũng muốn mua loanh quanh vài thứ, vỏ chăn con công, đèn pin, bật lửa hay đôi cánh tủ ly bằng gỗ lát… Mạnh cùng mấy đồng nghiệp cũng vậy, thân quen, nhờ vả ân huệ lắm mới mua được chứ đâu phải chuyện dễ. Anh nào anh nấy ngắm nghía chiếc đèn pin mạ kền sáng loáng, hì hụi chỉnh cho ánh sáng rọi chụm lại lên bức tường rồi mới hỉ hả, bọc kỹ cất vào đáy ba lô. 

Từ ngày về ở sát bên bệnh viện, vợ chồng Kiểm thay nhau cho máu nhiều hơn. Tuần nào cũng vậy, mỗi tuần vài ba lần. Lúc thương binh nặng về nhiều, không mấy đêm Kiểm được ngủ yên. Dần dà, hắn sinh kiêu căng. Cần đếch gì! Bệnh viện cần hắn trước đã. Mỗi khi thấy Thắng ở  bộ phận hồi sức - gây mê sang bên nhà là hắn hiểu ngay. Vừa mới cho hôm kia mà đã lại sang? Hắn nghĩ thầm.

Thắng ngồi sà xuống bên Kiểm, hắn ta đang muối măng chua với mắc mật. Nhà nghèo, hai thứ này là món ăn chính. Tiện tay, Thắng nhón một quả mắc mật cho vào miệng nhai. Cay cay, hơi tê tê nơi đầu lưỡi, nhưng anh vẫn nhấm nháp một cách ngon lành, cũng y như cách làm thân để được việc.

- Lại vừa có trường hợp đa chấn thương nặng quá, anh Kiểm ạ.

- Cái bệnh viện dã chiến của chú thì ngày đếch nào mà chả có chấn thương, không bộ đội thì cũng dân thường.

- Nhưng lần này thương binh là người bệnh viện, cậu Mạnh bác sĩ, anh cũng quen đấy.

- Khổ! Chú ấy nhanh nhẹn, linh hoạt lắm. Sao lại đến nông nỗi ấy.

- Bom đạn tránh người chứ ai tránh được bom đạn. Cậu ấy dẫn một tổ cứu thương đi tăng cường cho quân y tuyến trước, bị pháo 120 ly dần cho tơi bời. Cũng may tải thương chuyển về kịp, sẽ phải mổ cấp cứu. Hiện tại bệnh viện không còn tý máu nào. Chỉ còn trông chờ vào anh.

Làm đếch có giọt nào. Máu người đâu phải nước lã mà múc lúc nào cũng được. Hắn nghĩ ngay trong đầu. Nhưng mà thương binh nặng lại là Mạnh. Có lần rút kim tiêm lấy máu xong, người ngợm hắn xanh lợt, nằm nghỉ đến nửa tiếng rồi mà chân vẫn cứ nặng như chì không bước nổi. Mạnh đã dìu Kiểm về, rồi bưng cả xuất cơm trưa của mình sang dúi cho hắn. Một việc làm giản dị, nhỏ bé thế mà vợ chồng Kiểm cứ rưng rưng trong lòng. Trước lúc Mạnh quay trở lại bệnh viện, Lan còn kịp dúi vào tay anh một gói to đùng toàn quả mắc mật nâu óng. Chiều hôm ấy, cả bệnh viện được ăn món măng chua nấu với mắc mật lạ miệng. Ở bên hàng rào bên này mà Kiểm vẫn hít được mùi cay thơm dịu nhẹ bay khắp một xó rừng.

- Không có máu thì không mổ để gắp mảnh đạn ra được. Chuyển bác sĩ Mạnh về tuyến sau sẽ không an toàn, chết mất. - Thắng hạ giọng nài nỉ.

- Nhưng mà tao vừa cho được mấy hôm, đang mệt bỏ mẹ. Để mai xem thế nào.

- Thôi! Anh cố gắng cho hai trăm thôi, em ghi cho anh đủ hai trăm rưởi.

Kiểm mồi thuốc vào nõ điếu, kéo một hơi thật dài rồi ngửa cổ thả từ từ cuộn khói trắng, im lặng thưởng thức cảm giác say đờ đẫn.

Im lặng nghĩa là hắn đã đồng ý. Lần đếch nào chả vậy. Thắng quá quen với cái thói giả vờ giả vịt của hắn rồi. Cò kè chẳng qua cũng là để kiếm thêm vài chục đồng. 

Gió thổi từ bên sông sang mát rượi. Về đêm, tiếng dòng sông Lô rì rào, réo rắt như một bản nhạc của đất trời, âm vang muôn thủa. Thắng không hiểu nổi cơ thể Kiểm là da thịt hay là thần thánh mà máu cứ như “nồi cơm Thạch Sanh”. Có cắt tiết lấy sạch máu cũng may ra được ba lít là hết, thế nhưng năm này qua tháng khác, hắn cho tới vài trăm lít mà vẫn uống rượu tỳ tỳ, vẫn chửi vợ như hát hay.

Lần nào cũng vậy, trước khi đi cho máu, hắn phải uống một cốc nước cam thật đầy. Cái cốc có dung tích nửa lít mà hắn làm một hơi không nghỉ. Dân bán máu chuyên nghiệp kháo nhau, trước khi cho máu độ nửa tiếng, uống được càng nhiều nước càng tốt cho họ, máu trong người sẽ được pha loãng hơn. Lần nào cũng vậy, trên chiếc ghế tư thế nửa nằm nửa ngồi, đôi mắt Kiểm lim dim như ngủ nhưng vẫn liếc nhìn vào cánh tay đầy những nốt thâm, vết tích của các lần chọc kim, luôn mồm nhắc y tá dừng lại vì khối lượng máu đã đủ. Hắn không quên ký vào cuốn sổ. Nhưng trước khi ký, bao giờ hắn cũng nhìn thật kỹ khối lượng máu mà y tá ghi có đúng như đã giao ước không. Chỉ cần lấy thêm một chút thôi là hắn cằn nhà cằn nhằn, văng tục đòi sửa lại rồi mới ký và nhắc lại số tiền lần trước hắn chưa được nhận.

 

Đúng lúc con chích choè ở đầu hồi nhà nhẩy thốc lên, choẹt … choẹt … choẹt… thì vợ chồng Kiểm lững thững đi sang bệnh viện. Dáng Kiểm cao lênh khênh, gầy gò như con hạc, nước da mai mái, đôi mắt lờ đờ, đục ngầu, mái tóc dài, râu ria lởm chởm. Trong mờ sương, hắn đi, lướt nhẹ như một bóng ma. Chị vợ thấp như cái nấm, mỡ màng, béo trắng phây phây.

Vẫn như mọi khi, vợ chồng hắn đi thẳng đến nơi phải đến, có thấy ai cũng không thèm chào. Chị vợ nhanh nhảu ngồi phắt ngay lên ghế tranh phần cho máu thay chồng. Kiểm chỉ còn biết đứng đờ đẫn ra vì con vợ bỗng dưng tốt đột xuất. Tuy vậy, Kiểm vẫn chờ đợi được ngồi vào ghế nếu như bệnh viện cần thêm một đơn vị máu nữa…

Câu chuyện cò kè xin máu Kiểm truyền cho Mạnh và cô vợ giành phần cho máu đỡ cho chồng mãi về sau khi anh đã bình phục, Thắng mới kể. Từ dạo ấy, ngoài tình thương sẵn có với vợ chồng Kiểm, trong lòng Mạnh còn coi Kiểm và Lan như một ân nhân. Thỉnh thoảng qua lại, Mạnh cho Kiểm bộ quân phục cũ, cho con bé mấy phong lương khô, hoặc cho vợ Kiểm bánh xà phòng có in nổi con số 72% của Liên Xô. 

 

Vợ chồng Kiểm mỗi người một nhóm máu khác nhau. Nhóm máu của Kiểm phù hợp với nhiều người, còn máu của vợ hợp ít hơn. Hắn cho máu mười lần thì vợ chỉ phải cho độ hai đến ba lần là cùng. Mạnh đoán được tâm trạng của người chồng bị hao mòn sinh lực, còn con vợ thì cứ béo tốt phây phây, tính ích kỉ nổi lên, tình thương yêu chìm xuống nên hắn sinh ra cáu cẳn, uất ức chì chiết, mắng chửi vợ. Chửi lâu ngày thành quen, ngày nào Kiểm chửi vợ thì ăn mới ngon. Cô vợ cũng giỏi nhẫn nhịn, chịu đựng, và có lúc đột nhiên hi sinh cả tính mạng vì chồng mà hôm tranh phần Kiểm cho máu là một ví dụ. Chưa nói ngày xưa Kiểm đã có lần cứu Lan vượt qua hoạn nạn. Không có bố mày thì đời mày tan từ lâu rồi, “không ở với bố mày thì ở với ai” - Kiểm thường nói với vợ như vậy. Điều đó Lan cũng thừa nhận, không thể quên được.

Hàng ngày, mọi người nghe vợ chồng Lan - Kiểm cãi lộn, nghe mãi rồi cũng thành quen, thấy bình thường vì đâu lại vào đấy, chả có gì quan trọng. Lúc thì chồng chửi vợ, lúc thì vợ quát chồng. Ôi dào! Chuyện thường ngày ấy mà. Hôm nào Lan về muộn là y như rằng được nghe tiếng quát nạt, đại loại như:

- Tiên sư mày! Đi đâu, ngủ với thằng nào đến giờ này mới về, để con bé khóc khản hơi?

- Bố mày nói thật nhé, bố mày dí c. vào. Hàng mới chả họ. 

- Mày lên đấy chỉ để nằm ngửa ra phục vụ mấy thằng đào vàng. Lạ đéo gì nữa. Ông yếu ớt, èo uột gì thì ông cũng là chồng nhé. Ông là ông... đốt nhà.

...

Họ là vợ chồng hẳn hoi, nghĩa là ăn cùng một mâm, cùng ngủ một giường. Thế nhưng mối quan hệ vợ chồng của họ không giống ai cả. Năm ngày ba trận, những người xung quanh lại chứng kiến cảnh tượng vợ chồng họ cãi cọ ầm ĩ, bố mày, mẹ tao. Trong bữa ăn, ngay trước mặt mọi người, Kiểm cũng cứ chửi vợ như vậy. Cũng may, khi chồng chửi là vợ lặng thing. Cứ cho hắn ấy chửi, chửi mỏi mồm thì thôi. Nghe những lời tục tĩu nhiều quá cũng thành ra bình thường. Quan trọng vẫn là ăn cùng một mâm, ngủ cùng một giường. Một đứa con gái trông chẳng mảy may giống Kiểm. Mỗi khi đêm về, dưới cái lạnh thấu xương, trong sương mù dày đặc của vùng núi Tây Bắc, con bé nằm trong cùng với hai cái thân người một béo một gầy vẫn rúc vào nhau, vẫn truyền hơi ấm cho nhau.

 

Mùa mắc mật, cứ vào độ tháng 6, tháng 7, những chùm quả sai trĩu lắc lỉu trên cao dẫn dụ mời gọi. Mắc mật là món ăn của con nhà nghèo, không cay gắt như ớt chỉ thiên, chẳng mặn mà xốc hương như hoa hồi. Quả mắc mật cay dìu dìu thoảng nhẹ, màu nâu óng. Cứ vào mùa, vợ chồng Kiểm mua rẻ của người Cao Lan đem về cho Mạnh và bệnh viện dã chiến cả gánh mắc mật. Mạnh thường hay gửi mắc mật về Hà Nội, vợ anh rửa sạch ngâm với măng chua rồi đem phân phát cho bạn bè, lạ miệng ai cũng khen ngon. Giữa lúc đói khát, gạo châu củi quế, vợ chồng Mạnh và mọi người sung sướng với niềm vui bình thường, giản dị ấy.

Mạnh nghĩ: Vợ chồng Lan - Kiểm vô tư, thoải mái, sống theo kiểu sống riêng của họ, chẳng có gì phải quá bận tâm. Miệng anh chồng phũ, nhưng trong thẳm sâu yêu thương vợ không bỏ được. Lời lẽ ngọt như mía lùi nơi cửa miệng là cái quái gì. Đã chắc anh anh, em em như tây như đầm là tốt? Trên đời này chẳng thiếu cái tử tế ngọt ngào bên ngoài che đậy cái giả dối, đau khổ âm thầm bên trong. Cốt là ở tấm lòng tử tế khi cuộc sống nghèo túng, cũng như nhà Mạnh, chồng ở xa tít rừng rú biên giới, vợ làm công ăn lương ba cọc ba đồng, một gian nhà cấp bốn; nhưng mỗi khi đưa thương binh chuyển viện về Hà Nội, tranh thủ thăm nhà, vợ chồng âu yếm, nồng nàn quấn vào nhau như đôi sam, như thể cả đời mới gặp nhau một lần.

 

Thật đau xót, cái kết cục của đôi vợ chồng bán máu chuyên nghiệp ấy cũng thực thương tâm. Kiểm chết vào buổi chiều sau Tết, trước rằm tháng giêng. Khi ấy đã cuối mùa cam, ngoài chợ bắt đầu bầy bán những củ măng đắng to như bắp chân. Mọi người hô hoán, gọi nhau, chạy sang đến nơi thì căn nhà của vợ chồng Kiểm chỉ còn là một đống tro không hơn không kém. Những chậu nước thưa thớt được hắt vào đám cuống lá cọ và những thân cột tre còn cháy dở, thả ra làn khói mỏng, vàng xẹt, xoắn xuýt với nhau theo chiều gió. Mấy chiến sỹ vệ binh nhảy ùa vào, bước thấp bước cao qua những thỏi than vốn là đòn tay, quá giang của căn nhà chỉ rộng chưa đầy hai chục mét vuông, được làm toàn bằng tre nứa lá. Họ dùng cuốc cào ra khỏi đống than một thân hình gầy guộc, còng queo, đen thui, cháy trụi. Không ai còn nhận ra hình dạng. Nhưng tất cả đều biết đống than đó là Kiểm. Mọi người kháo nhau, Kiểm đã đốt nhà, tự thiêu bởi con vợ lăng loàn ngủ với trai!

Một cái chiếu đôi che kín xác Kiểm. Mấy chị cấp dưỡng bệnh viện đơm bát cơm quả trứng để phía trên đầu người xấu số và một nắm hương cắm vào đọn chuối đặt ở bên cạnh. Chị vợ đứng như trời trồng, trân trân nhìn mọi người thu dọn. Không một tiếng kêu than, không một giọt nước mắt. Cái kết cục dường như đã được báo trước. Chết là hết, biết là sẽ hạ hồi như thế nhưng cái chết này rất khó cắt nghĩa nguyên nhân.

Gần chục năm, vợ chồng Kiểm đã cho bệnh viện lấy ra từ cơ thể họ tới vài trăm lít máu và cái chết của Kiểm là có thật. Nghĩa tử là nghĩa tận, với lại Kiểm đã góp máu cứu sống nhiều người, Mạnh và đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến cùng nhau chôn cất Kiểm bên bờ sông Lô, chỉ cách bãi đãi vàng gần trăm mét.

Sau cái chết đau thương của chồng, Lan bế con đi đâu đó biệt tăm tích…

 

Gấp lá thư cho lại vào phong bì, Mạnh vội vã lấy xe máy vào bệnh viện. Vợ anh lại cằn nhằn chồng ra khỏi nhà lúc tối trời. Mặc, Mạnh vẫn đi trong dòng người và xe trôi mải miết trên đường.

Nhưng, Mạnh đã không kịp gặp lại ân nhân cho máu ngày xưa. Con bé Na đã làm thủ tục cho mẹ ra viện từ buổi chiều. Con bé từng “hiến máu nhân đạo” này quá đáo để, khi đã tràn đầy thất vọng với người quen cũ của mẹ, nó hành động một cách bất cần để cho anh phải ân hận, giày vò. Và Mạnh xót xa nhận ra một điều hệ trọng: Rất có thể, trái tim vợ anh đang thì thụp đập đẩy các dòng máu chảy đi nuôi cơ thể đã hòa một phần máu của con bé Na?!

Bỗng dưng, Mạnh nhớ lại câu chuyện nhà Phật có con vượn chúa vươn mình nắm sợi dây mây bắc cầu qua sông Hằng cứu cả bầy đàn… Anh cảm thấy gai rợn người và phảng phất một mùi mắc mật xộc vào, cay cay nơi ống mũi.

                                                          Học viện Quân y, tháng 10.2009

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • Mai Thùy Dung lúc 04-03-2012 09:54:50 PM

    Dòng sông Lô, Bệnh viện dã chiến, người cho máu tại chỗ, bi kịch đời thường, ân oán, nhân quả, con vượn chúa, hương vị mắc mật ... tất cả được nối vào nhau mờ ảo để rồi giúp ta ngộ ra rằng mình còn mang nợ cuộc đời này nhiều lắm. Phải là người đã thực sự trải nghiệm những việc như thế thì mới viết ra như vậy được. Cảm ơn chuyện ngắn "Ngày xưa, mùa mắc mật".

    Trả lời

Viết bình luận của bạn