Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tham luận tại Tọa đàm Tiểu thuyết "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nguyễn Việt Chiến - Bùi Việt Thắng - Tô Đức Chiêu - Vũ Nho - 06-12-2011 02:45:09 PM

VanVN.Net - Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý, cái giỏi của tác giả là làm cho độc giả thấy được bằng nghệ thuật: hiện hữu thân xác là khởi nguyên nhưng vượt lên trên là hiện hữu trong cái Chân-Thiện-Mỹ. Điều đó nhân vật Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã "gánh vác" được. Đó là một thành công không phải người cầm bút nào cũng thực thi được bằng ngôn từ. (Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng)

“QUYÊN” – KHÚC BI CA VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI VIỆT XA XỨ

Nguyễn Việt Chiến

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc tham luận. Ảnh: Đỗ Hiếu

Cách đây khoảng hai chục năm, tôi gặp Nguyễn Văn Thọ ở căn hộ chung cư của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Chúng tôi thân nhau ngay. Tình bạn cũng khá giản dị và cảm động. Lúc đó Thọ vừa mới ở Đức về, trải qua bao lưu lạc, gian truân ở đất người. Con người anh như một khối sắt gỉ han, sau lớp bụi của thời gian và trận mạc còn hắt lên những ánh thép không chịu han gỉ. Thọ sinh năm 1948, quê Thái Bình, đã có 11 năm sống và chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Cá tính Thọ khá dữ dội, thích tranh luận và yêu, ghét sòng phẳng. Anh đến với văn chương bằng những truyện ngắn, bút danh Nguyễn Văn Thọ xuất hiện đều đều trên báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội và một số tờ báo lớn trong nước.

Lúc ấy, nhóm bạn văn chúng tôi có cả họa sĩ Thành Chương thường tụ tập nhau ở tòa soạn báo Văn Nghệ. Tuy là họa sĩ nhưng Thành Chương thẩm định thơ và văn xuôi khá chính xác và đầy cá tính. Tôi và nhà thơ Bế Kiến Quốc thường đọc cho cả nhóm nghe những bài thơ mới viết và cả những bài thơ đang còn làm dở. Trong “cơn say” thi ca ấy, Nguyễn Văn Thọ cũng hối hả lao vào sáng tác và liên tục trong vòng 4 năm (lúc ở Đức, lúc ở Việt Nam), anh in liền 3 tập thơ: Mảnh vỡ, Cửa sổ, Bên kia trái đất. Nhưng hình như, con -người- sáng -tạo trong anh “phát” về đường văn xuôi chứ không “phát” về đường thi ca. Tôi đã có lần cãi cọ nhau với Thọ khi cho rằng: “Tuy Thọ có viết được một vài bài thơ cũng thuộc vào loại tạm được, những hãy tạm quên nỗi nhớ thi ca đi Thọ nhé! hãy sống hết mình cho văn xuôi, và đấy mới là bản ngã văn chương đích thực của bạn”. Thọ cáu sườn với tôi lắm, những hình như anh cũng đã nhận ra “sở trường, sở đoản” của mình. Từ năm 1999-2006, Nguyễn Văn Thọ âm thầm viết và in một mạch 4 tập truyện ngắn ở NXB Hội Nhà văn và NXB Thanh Niên: Gió lạnh , Vàng xưa , Đào ở xứ người, Thất huyền cầm. Và anh cũng liên tục giành được 4 giải thưởng văn học về truyện ngắn của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội nhà văn Việt Nam. Tâm sự về nghề văn, Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “ Văn là khó, như càng đi càng thấy rừng rậm. Vậy không nên đi tìm cái gì lớn lao quá. Cái gì mình yêu ở trong rừng, bình tâm nghĩ lại sẽ dứt khoát tìm được lối qua cánh rừng ấy. Có thể lạc lối trong rừng nhưng không thể hèn nhát bỏ cuộc, kể cả phải chết khi ra tới cửa rừng…”. Tôi hiểu anh định nói về cánh rừng văn chương, về những gian lao, khó nhọc của nghề viết và về tình yêu, niềm tin ký thác nơi cuộc đời này, luôn như một thứ ánh sáng dẫn đường đưa người cầm bút vượt lên chính mình trên những chặng đường cam go, thử thách.

Trong số các tập truyện ngắn đã in của mình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ rất tâm đắc với tập truyện “Thất Huyền Cầm” gồm 12 truyện ngắn khá đặc sắc. Ông cụ thân sinh ra Thọ là một nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc nổi tiếng ở Hà Nội. Những năm ông cụ còn sống, bạn bè nghệ sĩ đến chơi nhà, cùng nhau đàn, hát và bàn về âm nhạc cổ. Thọ cho biết, anh thường ngồi nghe, quan sát và tự thấy, cây đàn nào cũng có âm sắc riêng, nhưng riêng cây đàn Thất Huyền Cầm thì giàu giọng điệu, sự hòa âm và sắc thái phong phú hơn.

Anh nhận xét: “Phàm những ai chơi Thất Huyền Cầm đã lâu, dụng đàn điệu nghệ, được các cụ khen thì mỗi khi đàn cất tiếng, giữa buổi trưa yên ắng, dù khi nóng hè hay lúc trời thu mát mẻ, tiếng đàn vọng ra ngoài khu chợ, làm ai cũng muốn nghe, kể cả những người lao động, buôn bán bình dân, vật lộn cả năm với mưa gió ở xóm chợ”. Từ suy nghĩ liên tưởng về tiếng đàn này, Thọ cho rằng: “Khi tôi viết một cuốn sách và sách đã tới tay bạn đọc, tức là tiếng đàn đã cất lên rồi. Những âm thanh của bảy sợi dây Thất Huyền Cầm đã bay đi. Âm thanh không thể giữ lại. Nó đã tạo nên sự khác biệt, đan hòa vào nhau. Nó liệu có làm bạn quên chút ít nhọc nhằn trong cuộc sống bộn bề này không? Nếu có,Thọ tôi thực là hạnh phúc”.

Có thể nói nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã viết hối hả như thở dốc, như hộc ra không cần phải hoa mỹ bởi cái vốn sống đầy ắp những trải nghiệm, những khốn khó, cay đắng như muối mặn của cuộc đời đã thấm đẫm những trang viết của anh. Các truyện ngắn: Vườn Maria, Nhà ba hộ, Cõi ảo, Phố cũ…xuất hiện trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã đưa anh lên hàng những nhà văn tên tuổi của đất nước. Và đến năm 2009, Nguyễn Văn Thọ trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh -“Quyên”, viết về cuộc đời phiêu bạt bất hạnh của người Việt xa xứ với nhân vật chính là một phụ nữ trẻ vượt biên sang Đức…

Hơn 440 trang viết như những thước phim quay chậm. Ngôn ngữ tiểu thuyết đậm chất điện ảnh và có tính phóng sự của “Quyên” cho thấy Nguyễn Văn Thọ là một tay bút khá già dặn trong bố cục. Không có gì mới về mặt nghệ thuật nhưng lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, đầy ắp chi tiết đời sống và hơi thở đắng cay, lãng mạn của hiện thực. Quyên, một cô gái trí thức trẻ, đẹp theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức, hai người lạc nhau, cô bị Hùng- một tay dẫn đường cuỡng hiếp và buộc phải sống cùng anh ta 8 tháng tại một căn nhà tạm trong rừng thẳm biên giới. Quyên có thai, lúc ấy, Hùng mới thật sự yêu thương cô, đưa Quyên vượt biên sang Đức để sinh con và tìm chồng. Nhưng Hùng gặp tai nạn ô tô khi đánh lạc hướng xe cảnh sát, cho Quyên lên xe một người bạn vượt biên. Quyên gặp lại chồng rồi bị chồng ruồng bỏ trong lúc sinh con, cô suýt tự sát, may được Kumar (một người tỵ nạn cùng trại) cứu thoát. Họ sống với nhau trong một quán ăn nhỏ như vợ chồng. Sau đó,  khi được tin Hùng sắp chết và muốn được gặp mặt đứa con, Quyên đã mang con tới gặp Hùng lần cuối trước khi anh qua đời. Quyên mang tro cốt của Hùng về nước khi Kumar đi tìm Quyên…

Trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Văn Thọ đã làm chủ mạch chuyện, anh tiết chế tốc độ nhanh, chậm của mỗi chương theo hơi thở đời sống thân phận của từng nhân vật và đậm chất phóng sự. Anh cho biết, nhiều chương của tiểu thuyết đã bám chặt hơi thở cập nhật của đời sống người Việt xa xứ, điều này có thể có người chê nhưng cũng có không ít người hài lòng, và cái anh mong mỏi là văn chương cần phải chia sẻ với công chúng lao khổ và những thân phận người Việt xa xứ. Nguyễn Văn Thọ cho biết, già nửa cuốn tiểu thuyết là những truyện ngắn độc lập và anh phải hoà quyện hơi thở của  truyện ngắn vào hơi thở của tiểu thuyết để tìm cho chúng một tiết tấu riêng. Mặt quan trọng khác, anh đã dùng triệt để các thủ pháp điện ảnh để các tình huống truyện như một cuốn phim được chiếu trên các trang viết của tiểu thuyết “Quyên”.

Nguyễn Văn Thọ tâm sự, anh muốn thông qua cuốn tiểu thuyết này để nói về sự “đụng độ” của các nền văn hoá khi con người Việt Nam rời bỏ văn hoá gốc đã bị choáng ngợp, đổ vỡ trước các nền văn hoá khác như thế nào. “Tôi hy vọng dưới các tầng chữ của tiểu thuyết “Quyên” mọi người sẽ thấy ở đó một vấn đề: dù đất nước chúng ta có nghèo, dù chúng ta còn đau khổ, dù thân phận một số người Việt có phải phiêu bạt nhưng chúng ta vẫn tìm thấy tiếng nói thương yêu của con người và của dân tộc mình và vẫn tìm thấy khát vọng được sống yên bình trên quê hương mình, còn hơn là chúng ta phải phiêu lưu xa xứ trong một thế giới đầy bất trắc như Quyên đã trải qua”- Thọ nói.

Mặc dù sex hiện nay được coi là một thủ pháp câu khách trong văn chương hiện đại, nhưng Nguyễn Văn Thọ không chủ trương lạm dụng, anh chỉ coi sex là đối tượng nhằm phản ánh thực chất của sự việc, của tình huống và cố gắng hướng tới cái đẹp. Thọ cho biết, trong “Quyên”, anh tận dụng một số thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết cổ điển và đan cài vào những thủ pháp của tiểu thuyết hiện đại. “ Về bản chất, nghệ thuật là một con đường vòng xoáy, nó nhại lại những điều đã cũ nhưng ở một cấp độ cao hơn, sau 100 năm nữa những gì cho là hiện đại ngày hôm nay cũng trở thành cổ điển. Sự kết hợp giữa siêu thực và ấn tượng của tranh Picatxo chính là sự quay lại của những bức tranh đá thời đại hồng hoang của hội hoạ nhưng ở cấp độ cao hơn. Vậy thì tại sao tôi không nhại lại cái cổ điển trong hiện đại ở một cấp độ cao hơn”- Nguyễn Văn Thọ kết luận khá tự tin. Anh bật mý, cuốn tiểu thuyết “Quyên” đã được một nhà sách mua từ khi anh mới viết được 7 chương (toàn bộ tiểu thuyết gồm 18 chương) nhưng anh đang chờ một hãng phim nước ngoài mua lại bản quyền với số tiền không nhỏ.

 

ĐỌC LẠI "QUYÊN" CỦA NGUYỄN VĂN THỌ

Bùi Việt Thắng 

 

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đọc tham luận. Ảnh: Đỗ Hiếu

1. Trước khi phát biểu tập trung vào tiểu thuyết "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ hôm nay, tôi muốn nhắc lại một vài kỉ niệm với tác giả. Còn nhớ vào độ sau Tết Kỷ Sửu (2009), vào độ tháng 3 năm 2004, một hôm đi làm về, vợ tôi đưa cho một tập bản thảo (dạng chế bản vi tính) nói là của "một ông nhà văn tên Nguyễn Văn Thọ" gửi. Tôi nhận ngay ra, "Quyên" trong dạng "bào thai" bản thảo đưa đi in). Vợ tôi mắt kém nhưng đã đọc "Quyên" liền một tuần say mê, tiếp đến cô giúp việc cũng giữ một tuần liền để đọc. Cả hai người phụ nữ đều khen hay trong khi tôi chưa biết nội dung của cuốn sách là gì. Mà ngày 1/4/2009 - ngày giới thiệu sách của nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì - đã đến rất gần. Cách ngày này 1 tuần, tôi mới sở hữu "Quyên".

Phải nói buổi giới thiệu "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ ở phố Yết Kiêu ngày 1-4-2009 (địa chỉ cụ thể tôi không còn nhớ) thật rôm rả, nó như một "bữa tiệc văn chương", rất có không khí nghề nghiệp, tôi có phát biểu ngắn về tác phẩm.

Trong năm 2009, tôi có tham gia giảng dạy Lớp Viết văn của Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội (Khoá 1) với chuyên đề "Thi pháp văn xuôi". Khi phân tích thi pháp tiểu thuyết đương đại, tôi có đưa "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ ra phân tích. Cuốn sách nhà văn tặng có bút tích đã "bị" các nhà văn tương lai giữ lại không trả. Tôi cho rằng đó là cái duyên của "Quyên" và tác giả thật may mắn vì tác phẩm của mình đến được với đông đảo người đọc.

2. Gần 3 năm sau (tính chính xác là 2 năm 8 tháng) đọc lại "Quyên" riêng tôi vẫn thấy thích thú và mê say, vì nhiều lẽ.

- Trước hết, lẽ thông thường, một cuốn sách hay cần khám phá liên tục. Tôi nghĩ "Quyên" của Nguyễn Văn Văn Thọ là một cuốn sách như thế.

- Đến hôm nay, ở tuổi 61, sự chiêm nghiệm lẽ đời của bản thân đã giúp tôi cảm nhận sâu hơn "Quyên" ở phương diện thân phận con người. Ai bảo sống trong xã hội này, ở đầu thế kỉ này, mà con người hết khổ? Đọc "Quyên", tôi lại nghĩ tới ý thơ "Trái đất ba phần tư nước mắt", nghĩa là "Đời là bể khổ tình là dây oan"! Một người bạn tôi ở Đức đã viết một bài rưng rưng cảm động "Chúng ta đã có Quyên" (cũng in trên báo Văn nghệ cách đây chưa lâu). Đó là anh Nguyễn Thế Việt (định cư ở Đức). Nhưng một nhà văn có "thân phận" như Nguyễn Văn Thọ mới dựng nên được một nhân vật có "thân phận" như Quyên. Không thể khác được! Nhà văn không thể tô vẽ, đáp điếm cho nhân vật nếu anh không trải nghiệm.

- Đọc lại "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tôi lại thấy cái chủ đề Thân phậnThân xác nó hài hoà nhau. "Quyên" đặt vấn đề "thân xác" trong văn học đương đại Việt Nam (với ta có thể là mới nhưng với thế giới thì không). Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý, cái giỏi của tác giả là làm cho độc giả thấy được bằng nghệ thuật: hiện hữu thân xác là khởi nguyên nhưng vượt lên trên là hiện hữu trong cái Chân-Thiện-Mỹ. Điều đó nhân vật Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã "gánh vác" được. Đó là một thành công không phải người cầm bút nào cũng thực thi được bằng ngôn từ.

Hà Nội 3-12-2011

 

THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ THA HƯƠNG

Tô Đức Chiêu

Nhà văn Tô Đức Chiêu đọc tham luận. Ảnh: Đỗ Hiếu

Đọc Quyên, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tôi cứ liên tưởng đến những ngày lang thang trên đất Nga và tới ốp của những người lao động Việt Nam đắm đuối nghe lời ca bài “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương. Thì ra thời nào cũng vậy, đã tha hương kiếm miếng cơm manh áo là biết bao khốn khó, với người phụ nữ thì sự bất hạnh đôi khi tăng lên gấp bội. Các cụ dậy thân gái dăm trường xem ra đúng cho mọi thời .

Chúng ta đều biết, vào những năm thập kỉ tám mươi, hàng ngàn, hàng vạn lao động Việt Nam sang Liên Xô và các nước đông Âu gọi là lao động học nghề, sau là lao động xuất khẩu, rồi những biến động xã hội không thể lường trước, Liên Xô và khối đông Âu tan vỡ, thân phận của họ nháo nhào, xáo trộn, tan tác thành những bầy đàn, trôi dạt tìm các ngả đường co cụm hay các chân trời làm bến đỗ. Nước Đức thời ấy dường như là chấm vàng lóe sáng để người lao động Việt Nam không từ đây trở về thì cũng từ Nga, từ Tiệp, từ Bun, từ Hung, dồn tới. Lúc đầu sự chuyển di ấy còn thuận lợi. Sau vô cùng khó khăn, chui lủi, liều mạng, dữ dằn, và đội ngũ đưa người vụng trộm vượt biên giới hình thành, đôi khi có cả những đám thảo khấu xuất hiện. Quyên và Hùng, cùng đệ tử là Minh, nằm trong cơn bão tơ táp ấy, và trớ trêu, anh ta lại bỏ rơi người vợ đang mang thai, để rồi nhớ thương da diết và liên tiếp là những ngày bão tố với cả hai người.

Tiểu thuyết dắt dẫn ta đi theo số phận ba chìm bẩy nổi của Quyên. Cũng chẳng có gì cần nói về các tình huống này khác, điều mà nhà văn đều có thể tưởng tượng ra và dựng lại.  Nhưng thân phận những cuộc đời, nhà văn đều có thể bằng tư duy bay bổng cùng với nhãn quan suy xét tạo dựng lên, nhưng tình người Việt Nam, bản chất giầu lòng trắc ẩn và nhân nghĩa Việt Nam, nhất là của một người phụ nữ mới là điều người viết cần truyền cảm tới bạn đọc. Trôi nổi trên dặm đường đời, và: Đời như con sông. Con người như cỏ, như bèo, như cọng rác, củi mục vật vã trên dòng sông ấy. Hai mươi bốn tuổi đời, Quyên bị rơi mất chồng, phải ở lại trong căn lều bỏ hoang của hiệp hội săn bắn thú với một gã không hề quen biết. Rồi tiếp tục ngúp lặn trong dòng sông ngầu đục đang trôi, cuối cùng đến với một anh chàng người Sêrilanca tên là Kumar và anh chàng Kumar này nhân đức coi con của Quyên và Hùng có tên Thanh Vân như con đẻ của mình. Quyên có lúc coi đây như bến đậu và có lúc toan quên hẳn anh chàng đã bỏ rơi mình là Hùng. Nhưng qua câu chuyện của Minh biết Hùng vẫn tôn thờ sắc đẹp và dành tình cảm cho mình thì Quyên đã phải kêu lên: Trời ơi! Anh ấy vẫn nghĩ mình thánh thiện như vậy. Thế mà bấy nay mình vẫn nhớ như in và đau đáu những điều đau đớn anh ấy gây ra cho mình – Bản tính khiêm nhường, vị tha và tình cảm thật của người phụ nữ Việt Nam đã được khiêu gợi – Anh Hùng ơi! Em chẳng được như anh nghĩ vậy đâu (355). Con người Việt Nam là thế! Người phụ nữ Việt Nam là thế! Sức khái quát của tiểu thuyết và tài năng của người viết đến mức độ nào đều có thể lấy năng lực này làm chuẩn mực cân, đong, đo đếm.

Nhà văn đã theo đuổi đến cùng cuộc đời của nhân vật chính này. Nhưng kể lại cuộc đời sóng gió của Quyên là một việc còn từ hình ảnh của những tháng ngày dặm trường thân gái ấy nói lên những gì để nhắn gửi cho đời lại là ở cấp độ khác. Ở bước ngoặt khi mẹ Kumar sang hai người đều nhận ra đã yêu nhau thực sự và Quyên cũng bằng lòng với mình. Nhưng sự đời trớ trêu. Mẹ Kumar giục con đi tìm Quyên thì nàng lại nhận được tin Hùng đang nguy kịch ở một bệnh viện thủ đô Hunggari. Cho dù lửa tình với Hùng tưởng như đã tắt thì cái tin này cũng đã làm bản sắc của tình cảm người phụ nữ Việt Nam khơi dậy, dù có muốn yên phận làm vợ Kumar nàng cũng không thể để mặc đứa con không biết bố thật là ai, không thể bỏ mặc cha đứa con của mình chết thì cứ việc chết… Rồi Hùng chết thạt thì nắm xương khô kia nhất định phải được đưa về cội nguồn nơi anh sinh ra. Ở đây có trách nhiệm với đời, có tình người đầy vị tha hướng thiện, có bản sắc đậm đà hương vị Việt Nam, chỉ biết quê Hùng Thái Bình chứ không rõ huyện xã nào, Quyên thuyết phục mẹ để đưa hài cốt Hùng, cha đứa con của mình về quê ngoại. Đạo lí truyền thống ở đây rõ ràng đã thắng lí tính, khác hẳn với lối sống thực dụng, lạnh tanh máu cá.

Cùng với Quyên còn có cuộc đời đẫm nước mắt của Huệ. Cho dù cuộc sống có được phép tha hồ buông thả, có xô bồ bản năng, có đua đòi thời thượng đến mấy thì bản sắc con người Việt trong dòng máu ngàn đời vẫn là kềm mình lại để tìm bến đậu bền vững. Nhớ lại một lần gặp  người con gái tha hương quê Trà Vinh, tôi nói: Em đi theo diện HO. có nghĩa là không phải nhẩy xuống biển bơi vào bờ, giờ đây lao động một giờ những mười lăm đolar… Thì em lập tức kêu lên: Nhưng anh ơi! Em thèm khát tưởng như đến không thể nào chịu nổi nghe tiếng võng trưa hè, tiếng tầu dừa xào xạc, tiếng rặng tre chiều về kẽo kẹt…

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã diễn lại một sự thật đời người. Ở đây có phong ba bão táp, có sống chết, có chia li đẫm lệ, nhưng trí tưởng tượng của nhà văn dường như chỉ dừng ở mức thuật lại. Người kể tỏ ra có vốn sống, có trải nghiệm, nhưng tôi cho răng phải chăng anh hơi tỉnh, thành ra tiểu thuyết gọi người đọc mở trang này tới trang khác là đuổi theo sự kiện cốt chuyện, chứ chưa phải sự chắt lọc của hình tượng buộc người đọc rút ra triết lí của đời để mà ngẫm nghĩ, mà khắc khoải, mà nhận biết, đặng nhẩm tính ra điều gì đó có ích cho bản thân mình .

Nhưng đòi hỏi của người đọc bao giờ chẳng quá đáng!

 

MẤY CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC TIỂU THUYẾT “QUYÊN” CỦA NGUYỄN VĂN THỌ

Vũ Nho

Nhà lý luận phê bình Vũ Nho đọc tham luận. Ảnh: Đỗ Hiếu

 

Theo tôi biết thì người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài khoảng gần 4 triệu. Nơi tập trung nhiều người Việt nhất là Nga, Đức, Ba Lan,Tiệp và Úc, Mĩ. Những người Việt qua Úc, Mĩ chủ yếu là di tản sau chiến tranh. Còn người Việt ở châu Âu chủ yếu là bằng con đường xuất khẩu lao động và một phần là đi học, đi du lịch rồi tìm cách ở lại khi khối xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Cộng đồng gần 4 triệu người Việt này có điều kiện sống và làm việc khác hẳn gần 9 chục triệu người trong nước. Tôi cũng từng có thời gian 4 năm học tập ở nước ngoài, tiếp xúc với những người Việt đi học, đi làm, đi buôn. Và cũng đã đọc không ít những tin tức, bút kí, truyện ngắn phản ánh cuộc sống của một bộ phận người Việt mình xa xứ. Nhưng với Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, lần đầu tôi đọc tiểu thuyết. Phải nói là đọc khá chăm chú và thú vị. Bởi vì các nhân vật trong tiểu thuyết này vừa lạ lại vừa quen. Quen vì họ là những người Việt  cùng máu đỏ da vàng, mũi tẹt như mình sống và làm việc ở nước ngoài. Lạ vì họ là người xuất khẩu lao động, lại sống trong trại tị nạn ở nước Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Họ là người gần gũi, quen thuộc với Nguyễn Văn Thọ, người cũng đã có  hàng chục năm bươn chải ở nước Đức và châu Âu.

Ấn tượng sâu sắc của tôi là  tác giả đã cho mọi người thấy cuộc sống của người Việt ở nơi mà  người Việt chúng ta ở trong nước thường coi là thiên đường, giàu có. Tôi nhớ khi còn ở Nga hưởng học bổng nghiên cứu sinh 100 rúp một tháng. Mỗi cân thịt bò khi ấy là 2 rup. Như vậy, thu nhập của chúng tôi là  tương đương 50 kg thịt bò ở Việt Nam. Hãy làm một phép tính nhỏ: một bàn là Liên xô giá 7 rúp.

Dây đen, mắt đỏ, mình sần

Mang về Hà Nội cũng gần một thiên

Một thiên là 1000  đồng Việt. Lương cán bộ cỡ chúng tôi ở Việt Nam khi ấy là 330 đồng. Ba tháng lương công chức ở Việt Nam không tiêu gì thì mới  mua nổi một cái bàn là. Trong khi đó học bổng  một tháng của chúng tôi tương đương 14 bàn là, tương đương với 42 tháng lương!

So bì như thế để thấy đúng là trong thời khốn khổ của đất nước,  Liên xô, châu Âu xứng đáng là thiên đường, là mơ ước của người Việt.

Vì thế mà các nhân vật trong tiểu thuyết Quyên bằng mọi cách để có thể có mặt ở Nga, Đức, Đông Âu rồi xin tị nạn, hoặc cứ ở bừa lại làm ăn chứ nhất quyết không chịu về nhà. Mọi người cứ nghĩ hễ ở “Tây”là sướng!

Tiếu thuyết này của Nguyễn Văn Thọ đã góp phần cho chúng ta thấy rõ hơn thân phận người Việt sống như thế nào, họ đã phải trải qua những đau đớn, mất mát, phải trả những cái giá khủng khiếp trong cuộc bươn chải ở nước ngoài.  Tất cả các nhân vật hầu như đều phải trả giá. Gần như chỉ có mỗi Minh, dù lẫn vào đám thảo khấu là vẫn còn hướng thiện và chưa bị trả giá đắt. Còn phụ nữ thì như Quyên, Quyên nhỏ, Huệ, Thị,…nam giới thì như Hùng, Phi, Dũng, Y, Tơ Lụa,… tất cả đều mất mát, đổ vỡ về tình cảm, đều bị chấn thương tâm hồn.

Tác giả cũng phản ánh và cắt nghĩa về sự mất mát, hủy hoại những giá trị đạo đức truyền thống của những người Việt cố kết ở trong nước, thương người như thể thương thân; nhưng khi ra nước ngoài thì mạnh ai nấy sống.

Những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống bao nhiêu năm nay, một sớm một chiều bỗng dưng nứt vỡ, rã nát… Xem ra cái thứ truyền thống  ở đây bèo bọt thật, nhẹ bấc thật,chẳng còn giá trị mẹ gì”. ( Trang 38-39)

Cái tâm lí không dây vào việc người khác, dửng dưng trước đồng bào, đồng hương thật là một nét đáng xấu hổ của người Việt ở nước ngoài.Cả một trại tỵ nạn bao người Việt, chỉ biết túm tụm, đánh bài, bình phẩm. Khi Quyên tự tử, không một ai hỏi han, không một ai thương xót. Chỉ có anh chàng Kumar người Srilanka là quan tâm đến mẹ con cô. Chi tiết đắt giá ấy  phê phán mạnh mẽ hơn bất kì một  tiểu luận nào về cái sự “tan rã” ý thức cộng đồng.

Số phận của các nhân vật cũng cho thấy cái giá phải trả khi người Việt không được chuẩn bị chu đáo, liều sang nước ngoài để mong được sớm đổi đời. Dù là đi lao động xuất khẩu, dù là đi học hay lấy chồng “ Việt kiều” rồi ra đi,…tất cả đều dẫn đến tan nát tình cảm vợ chồng, tan nát ước mơ giàu có. Phi mất vợ, Hùng thành thảo khấu, Y thành tình nhân, chồng hờ bị chém sả vai, Dũng mất tăm tích,…

Vợ Hùng phản bội chồng,  vợ Phi là Thị thì cũng cặp hết tay này, tay khác rồi chết đột ngột trong khi sỉ nhục chồng. Cô Huệ thì bị chồng lừa, bỏ chồng, trở thành kẻ móc túi thân tàn ma dại, nhiễm HIV,…

Tất cả các nhân vật đều tổn thương,đau đớn, mất mát.

Trong khi đó chỉ có Quyên, dù hoàn cảnh đầy trớ trêu, nghiệt ngã, nhưng bằng một niềm tin và sức sống kì lạ, Quyên đã trụ vững. Quyên quyết tâm đi tìm Dũng. Không được  chồng thừa nhận, cô quyết sống vì con gái Thanh Vân. Cô đã được Phi cưu mang. Rồi cô được Kumar cứu vớt. Rồi cô chủ động xây dựng cuộc sống cho mình, tha thứ cho Hùng, đem ân tình để thay cho oán hận.

Phải chăng tác giả muốn qua hình ảnh Quyên để khẳng định cái sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai; cái tình cảm bao dung, nhân hậu; cái sức sống tiềm tàng của người phụ nữ Việt Nam không gì có thể  làm cho  mỏi mòn, hư tổn. Mà hình như càng thử thách, khắc nghiệt thì nó lại càng  mạnh mẽ, tỏa sáng?

Về cơ bản, Nguyễn Văn Thọ đã xây dựng thành công nhân vật Quyên như là một sợi chỉ đỏ, xâu chuỗi các nhân vật khác trong tiểu thuyết, làm thành bức tranh đời sống người Việt ở Đông Âu với nhiều chi tiết xác thực, sống động.

Tuy nhiên, sự phát triển tâm lí của nhân vật Quyên có nhiều bất ngờ, nhưng hợp lí đã làm cho người đọc không thể đoán trước được số phận nhân vật sẽ ra sao. Điều đó hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Nhưng mặt khác sự “bất ngờ” lại có chỗ không  được chuẩn bị kĩ. Khiến cho tính chất thuyết phục bị giảm sút. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nói rằng tiểu thuyết là bịa như thật. Chúng ta không ngây thơ đem cái thật của cuộc sống để soi chiếu vào cuộc đời nhân vật.Nhưng những quyết định của nhân vật trong các tình huống cụ thể phải như thật. Không thể hiểu nổi cô Quyên, một  câu tiếng Đức không biết, tiếng Anh cũng chỉ thấy nói được đúng mấy từ “ I am sory”, lại dám bế con  mới sinh bỏ trốn khỏi bệnh viện chỉ vì ám ảnh bởi hình ảnh Kumar da đen. Đặt giả thiết nếu cô không gõ đúng cửa hàng của Phi thì mẹ con cô sẽ ra sao giữa  thành phố lạ? Mặc dù tác giả đã rào trước rằng “ những sự kiện nối theo nhau xảy ra làm cô  trở thành kẻ có trạng thái không bình thường chăng?” ( trang 113).

Đặc biệt là việc Quyên đã thành một gia đình với Kumar bảy tám năm. Thế nhưng khi mẹ Kumar đến, Kumar chỉ mong Quyên lánh tạm mấy ngày để anh thuyết phục mẹ. Nhưng bỗng nhiên Quyên bướng bỉnh và kiên quyết không chịu nghe lời Kumar. Để  sau lại đột ngột thấy Kumar đúng, rồi dẫn con bỏ đi. Sau đó, ban đầu chỉ có ý định là cho bố con của Hùng,Thanh Vân gặp nhau cho trọn nghĩa tử là nghĩa tận. Bỗng lại đùng đùng chuẩn bị bay về ngay Việt Nam mang theo lọ tro cốt của Hùng. Việc đi lại đâu có thể đột ngột và dễ dàng như thế, nếu không chuẩn bị về mặt tiền nong và cả tâm lí nữa? Có cảm giác cô Quyên phải đi như thế để cho nhà văn có chỗ mà viết cái kết có vẻ như phim là Kumar đến sân bay thì mẹ con Quyên đã cất cánh…

Một phương diện khác có thể coi là hạn chế cũng được. Đó là ngôn ngữ của các nhân vật. Hầu như chỉ có ngôn ngữ của tác giả kể, những dòng kí ức nhân vật, những đoạn tả cảnh thiên nhiên  đan xen, hoặc lời nhân vật tự kể. Rất ít ngôn ngữ đối thoại. Đây có thể là ảnh hưởng của lối viết hiện đại về dòng suy tưởng, dòng chảy của độc thoại nội tâm. Nhưng rõ ràng nó dễ gây hiệu ứng mệt mỏi cho người đọc. May mà văn  của Nguyễn Văn Thọ khá trong sáng, có nhung tuyết nên hạn chế này được hóa giải khá nhiều.

Dẫu sao, trong mảng văn chương viết về người Việt ở nước ngoài, do các nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Việt, tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ là một cuốn sách thành công.

Hà Nội, tháng 12/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn