Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Con đường hiện đại hóa văn học của các nước khu vực văn hóa chữ Hán

(Qua tư liệu văn học Việt Nam và Nhật Bản)

Đoàn Lê Giang - 05-12-2011 09:22:01 AM

VanVN.Net - Khu vực văn hoá chữ Hán gồm 4 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam được hình thành từ hơn 2000 năm trước cùng với sự bùng nổ của nền văn hoá Hán - một đế chế hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Có thể gọi khu vực này là “Khu vực văn hoá Đông Á”, nhưng gọi như vậy thì không ít người  băn khoăn khi đưa Việt Nam vào. Thực ra khái niệm Khu vực văn hoá Đông Á bao hàm ý nghĩa văn hoá, và như vậy thì đồng nghĩa với khái niệm “Khu vực văn hoá chữ Hán”, mà lại không đồng nghĩa với khu vực Đông Bắc Á, một cách gọi thiên về ý nghĩa địa - chính trị(1).

Từ giữa thế kỷ XIX các nước trong khu vực lần lượt bị xâm lược bởi các nước đế quốc phương Tây: Năm 1842 Chiến tranh nha phiến nổ ra báo hiệu cuộc xâm lăng chính thức của phương Tây vào Trung Hoa, năm 1853 “Hắc thuyền” của Mỹ xuất hiện ở cửa biển Uraga đòi Mạc phủ Tokugawa phải mở cửa, năm 1858 chiến hạm Pháp và Tây Ban Nha tấn công các đồn lũy ở bán đảo Sơn Trà mở màn cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào nước Đại Nam. Lịch sử cận đại bắt đầu từ đó và kết thúc vào 1945 hoặc sau một chút. Quá trình hiện đại hoá văn học đi cùng với lịch sử cận đại. Có thể dùng là “Cận đại hoá” như một số người dùng, nhưng do những đặc điểm chung của khu vực: sự chuyển biến sang mô hình hiện đại có sự đứt gẫy chứ không phải là quá trình tiệm tiến, nên quá trình đó thường được gọi là “Hiện đại hoá” với ý nghĩa thời hiện đại có nhiều giai đoạn hiện đại hoá khác nhau, mà “Cận đại hoá” chỉ là giai đoạn thứ nhất.

Con đường hiện đại hoá văn học của các nước khu vực văn hoá chữ Hán là một con đường quanh co, gấp khúc, không đồng đều, nhiều quá trình đan xen lẫn nhau, bị quy định bởi điều kiện lịch sử và đặc tính dân tộc. Xin thử phác hoạ một vài nét chính dưới đây.

1. HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC BẮT ĐẦU TỪ NHU CÂU DUY TÂN ĐẤT NƯỚC

Hiện đại hoá văn học Khu vực văn hoá chữ Hán không phải là quá trình tiệm tiến, hình thành từ những yếu tố nội sinh của từng nền văn học dân tộc. Mặc dù nhu cầu đổi mới văn học đã có từ giai đoạn Hậu kỳ trung đại, nhưng thời đại mới trong văn học vẫn chưa thể bắt đầu nếu các nước trong khu vực không bị buộc phải mở cửa trước cuộc xâm lăng của các nước phương Tây. Sự thất bại của nho sĩ và võ sĩ đã đưa các nước đến với tư tưởng duy tân. Văn học cận đại gắn liền với công cuộc duy tân đất nước và giành độc lập của các nước Đông Á. Phong trào duy tân bắt đầu từ việc nhìn ra thế giới mà tâm điểm là phương Tây.

Có ba hiện tượng văn học giống nhau ở hai nước, đó là sự xuất hiện của các du ký, sự bùng nổ của văn học dịch và sự ra đời của văn học duy tân - khải mông chủ nghĩa.

Đây là thời đại người ta đi và đi: đi ra khỏi nhà mình, ra khỏi làng mình và ra khỏi nước mình.

Vì thế du ký là thể loại phát triển rất mạnh: Otsuki Tsunesuke/ Đại Quy Hằng Phụ 大槻恒輔(1818-1857) viết Viễn Tây Kỷ Lược, Kitagawa Naokai/ Bắc Xuyên Trực Dưỡng 北川直养viết Mễ Lợi Kiên (America) Độ Hải Nhật Ký, v.v... Nổi tiếng nhất là hai cuốn: tiểu thuyết hoạt kê Tây dương đạo trung tất lật mao 西洋道中膝栗毛(Seiyô dôchù hizakurige/ Vó ngựa trên đường sang Tây) của Kanagaki Robun, miêu tả những điều mắt thấy tai nghe về cuộc đấu xảo Luân Đôn và cuốn ghi chép Tây Dương sự tình của nhà cải cách vĩ đại Fukuzawa Yukichi (1834-1901).

Ở Việt Nam cũng tương tự: Khởi đầu là các du ký của các nhà văn – quan đại thần khi đi công cán phương Tây mà tiêu biểu nhất là cuốn Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ viết năm 1863. Từ phía các nhà văn cộng tác với Pháp có: Trương Vĩnh Ký với Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Trương Minh Ký với Như Tây nhựt trình (1889), Chư quốc thại hội (1891) đều là các du ký bằng thơ song thất lục bát ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe trên đường ra Bắc và trong các chuyến đi công cán sang Pháp. Công việc này còn kéo dài và nở rộ vào đầu thế kỷ XX với những tác phẩm của Phan Bội Châu, Trần Chánh Chiếu…

Văn học mở cánh cửa ra thế giới, trong các loại du ký đó thì du ký chính trị có vai trò quan trọng nhất vì ở đó nhà văn nói chuyện về văn minh Âu Tây để thấy cái lạc hậu, cái hèn kém của nước nhà.

Dịch thuật  rất được coi trọng. Việc dịch thuật sớm nhất, nhiều nhất và tự do nhất là ở Nhật Bản, khởi đầu bằng các sách của các trí thức Tây học có tính chất khai sáng: Tây quốc lập chí biên của Samuel Smiles (học giả người Anh) do, Tự do chi lý của John Stuart Mill (triết gia người Anh) do Nakamura Masanao dịch (1870 và 1871); Dân ước luận của Rousseaux, Hattori Toku dịch 1877. Ở Việt Nam thì người Pháp cho phép dịch các loại sách trừ loại sách nói về tự do, dân quyền. Cho nên nếu như Dân ước của J.J. Rousseaux được dịch ở Nhật từ 1877 thì đến gần 50 năm sau mới được dịch một cách bán công khai ở Việt Nam. Có thể nói với các nhà văn có xu hướng duy tân thì dịch thuật không phải là hoạt động văn chương đơn thuần mà là một hoạt động học thuật để “khai dân trí, chấn dân khí” như chủ trương của phong trào Duy tân.

Từ quan niệm đó đã dẫn đến việc ra đời một khuynh hướng văn học có tính cách khai sáng và cách mạng. Ở Nhật Bản nổi tiếng nhất là các tác phẩm: Chuyện hay về việc trị nước)経国美談(Keikoku bidan/ Kinh quốc mỹ đàm) của Yano Ryùkei 矢野竜渓 (hoàn thành 1883), Giai nhân chi kỳ ngộ 佳人之奇遇(Kajin no kigù) tiểu thuyết chính trị của Tôkai Sanshi 東海散士 (viết 1885, hoàn thành 1897); Tuyết trung mai (Mai trong tuyết lạnh) tiểu thuyết chính trị của Suehiro Tetsuchô 末広鉄長 (1886)… Ở Việt Nam phổ biến nhất là các bài ca yêu nước, vận động duy tân lưu hành theo kiểu truyền khẩu hay bán truyền khẩu: Hải ngoại huyết thư, Gọi hồn quốc dân của Phan Bội Châu, Đề tỉnh quốc dân ca của Phan Chu Trinh, Á Tế Á ca của Tăng Bạt Hổ (?), Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền… Bên cạnh đó là các truyện anh hùng như: Giai nhân kỳ ngộ do Phan Chu Trinhchuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Tôkai Sanshi (Nhật Bản); hay Trùng quang tâm sử, Chân tướng quân, Sùng bái giai nhân của Phan Bội Châu…

Nói chung bước khởi đầu của hiện đại hoá văn học các nước Khu vực văn hoá chữ Hán là từ vấn đề dân tộc. Từ dân tộc đi đến duy tân, từ duy tân đi đến đổi mới văn học. Văn học hiện đại bắt đầu từ đó. Vì thế quá trình hiện đại hoá văn học của các nước Đông Á có những nét rất riêng biệt, trong đó nội dung dân tộc chiếm một phần rất quan trọng, dù là một nước độc lập hay một nước thuộc địa. Bên cạnh thực tế duy tân đất nước, giành độc lập dân tộc, còn có một thực tế khác, đó là quá trình đô thị hoá diễn ra mau chóng ở các nước trong khu vực. Từ các đô thị đó một nền văn học mới – văn học hiện đại đang hình thành. Nền văn học ấy ra đời cùng với một quan niệm văn học mới.

 

2. HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC VÀ SỰ THAY ĐỔI VỀ QUAN NIỆM VĂN HỌC

2.1. Nền văn học mới chủ yếu là được viết bằng ngôn ngữ nói

Nền văn học mới ra đời do một tầng lớp trí thức mới đảm trách – trí thức đô thị, hướng đến một công chúng mới, đông đảo hơn, trước hết là ở đô thị rồi đến nông thôn. Để nền văn học mới cũng như nền học thuật mới đến được với mọi người, trước hết nó phải dễ hiểu. Cho nên ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam đều có phong trào, gọi theo kiểu Hán ngữ là “Ngôn văn nhất trí”(Nói và viết nhất trí với nhau), cũng có nghĩa là được viết bằng ngôn ngữ nói là chủ yếu. Người khai sinh ra thành ngữ này là Maejima Hisoka. Năm 1865 Hisoka đã dâng lên Tướng quân Yoshinobu đề nghị phế bỏ chữ Hán (Hán tự ngự phế chỉ chi nghị), trong đó đề nghị khẩu ngữ và ngôn ngữ viết nhất trí với nhau, gọi là “Ngôn văn nhất trí”.

Nishi Amane (người khai sinh ra từ “văn học” với tư cách là dịch ngữ của từ literature), vào năm 1871, trong Bách học liên hoàn, khi giới thuyết về ý nghĩa của từ này, ông bắt đầu từ vấn đề ngôn ngữ. Ông cho rằng: ngôn ngữ có hai loại: tử ngữ (Dead Language) và sinh ngữ (Living Language), văn học hiện nay phải là văn học viết bằng sinh ngữ, nghĩa là ngôn văn nhất trí như ở phương Tây vậy. Năm 1889 nhà văn Yamada Bimyo đặt vấn đề này một cách toàn diện và sâu sắc trong tập phê bình Văn ngôn nhất trí luận khái lược.

Chủ trương “Ngôn văn nhất trí” từ Nhật theo sách báo của các trí thức duy tân mà truyền vào Trung Quốc. “Ngôn văn nhất trí” ở Trung Quốc là yêu cầu sử dụng bạch thoại trong sáng tác văn học cũng như trong báo chí và các ngành học thuật khác.

Ở Việt Nam, Ngôn văn nhất trí trước hết là phải đưa tiếng nói thường ngày vào văn học, chủ trương này đi liền với phong trào cổ động dùng chữ Quốc ngữ La-tinh. Chủ trương này khởi đi từ các trí thức Tây học ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ IX: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, sau đó được các sĩ phu duy tân đầu thế kỷ XX đẩy lên thành một phong trào rầm rộ khắp cả nước. Trương Vĩnh Ký, nhà văn quốc ngữ tiên phong đã nói là trong văn học ông dùng một thứ “tiếng An Nam ròng”, nói thẳng đuột như lời nói thường. Nguyễn Trọng Quản trong lời tự đề tựa tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam Thầy Lazaro Phiền (năm 1886) đã ý thức rất rõ về việc dùng “tiếng thường” trong sáng tác văn học: “Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”.

Có thể nói không hẹn mà gặp: cả Nhật Bản và Việt Nam đều chủ trương “Ngôn văn nhất trí”, và chủ trương sớm nhất trong 4 nước Khu vực văn hoá chữ Hán.

2.2. Nền văn học mới phải gắn bó với hiện thực

Các nhà văn Nhật Bản từ thời Minh Trị và các nhà văn quốc ngữ Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đã chủ trương: Văn học phải gắn bó với hiện thực - hiện thực ngoài xã hội và hiện thực trong lòng người, văn học chủ yếu là viết về cái hiện tại, về con người bình thường, cái đời thường với một nhãn quan khoa học.

Nói sâu sắc nhất về vấn đề này là Tsuboi Shoyo trong tập lý luận văn học hiện đại đầu tiên của Nhật bản – Tiểu thuyết thần tuỷ (1886):“Tiểu thuyết tìm cách miêu tả bản chất con người và trạng huống xã hội. Nó cần hé mở những điều mơ hồ, và khắc họa một cách hiện thực những bí ẩn của số phận một cuộc đời con người bằng cách đan dệt mạch ý tưởng ban đầu thành một tấm liên kết khéo léo những xúc cảm và khôn khéo tạo ra vô số kết cục, hằng hà sa số những khởi đầu bí hiểm” (Trần Hải Yến dịch).

Nguyễn Trọng Quản viết trong lời tựa Truyện Thầy Lazaro Phiền (viết năm 1886, xuất bản 1887) viết: “Đã biết rằng xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ văn, phú, truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó, mà những đấng ấy thuộc về đời xưa hay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới dám bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy sẽ có nhiều người lấy lòng vui mà đọc, kẻ thì quen mặt chữ người thì cho đặng giải buồn một giây”.

Trương Duy Toản trong lời tựa Phan Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân (1910) thì viết: “Vậy theo trí mọn tôi, thì nay phải bỏ những là Lê Huê pháp thuật, Kim Đính thần thông, Khương Thượng phong thần, Thế Hùng trốc quỷ, Chung Hy lập trận, Bồ tát cứu binh, Đại thánh loạn thiên cung, Anh Đảng về tiên cảnh… mà sắp bày ra chuyện chi mới, bây giờ mặc dầu miễn là cho tránh khỏi cái nẻo dị đoan mà báo ứng phân minh thì đủ rồi”.

Nếu so với các nước Đông Á khác thì những phát biểu rạch ròi như trên là khá sớm.

2.3. Nền văn học mới là nền văn học học tập mô hình văn học phương Tây

Sự khởi đầu của quá trình hiện đại hoá dân tộc bắt đầu từ văn học dịch. Bên cạnh việc dịch thuật các tác phẩm học thuật theo chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí” thì tiểu thuyết, thơ, kịch phương Tây cũng được dịch ở các nước trong khu vực.

Con đường dịch thuật khá giống nhau: bắt đầu từ tiểu thuyết giải trí, phiêu lưu mạo hiểm dần dần đến các loại tiểu thuyết có giá trị cao hơn. Về thể loại thì tiểu thuyết dịch trước, rồi đến thơ, sau cùng là kịch.

Những truyện đầu tiên được dịch ở Nhật Bản là Cuộc phiêu lưu của  Robinson Crusoe của nhà văn Anh Daniel Defoe do Kuroda Kikuro dịch lần thứ nhất năm 1845 với đầu đề Hyôryuu Kiji (Phiêu Lưu Ký Sự), Saito Ryoan dịch lần thứ hai năm 1872 dưới cái tên Lỗ Mẫn Tốn (Robinson) Toàn Truyện; Tám mươi ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne do Kawajima Chunosuke dịch năm 1877, Bá tước Monte-Cristo của A. Dumas do Kuroiwa Ruiko dịch 1901. Sau đó đến Nhật ký của người đi săn của Tourgueniev do Futabatei Shimei dịch với tên gọi Giương cung (Ahibiki), lần đầu đăng trên báo Kokumin no Tomo (Quốc Dân Chi Hữu) năm 1878, xuất bản thành sách năm 1888; Tội ác và  hình phạt của Dostoievski dịch 1892, Nỗi đau của chàng Werther của Goethe dịch năm 1893, v.v...

Tập thơ dịch đầu tiên của Nhật Bản là Tân thể thi sao do nhóm Toyama Masakazu soạn năm 1882, bao gồm cả dịch và sáng tác. Tiếp theo là tập Ư mẫu ảnh (“Vang bóng”/ Omokage)tập thơ của Mori Ogai và những người khác dịch thơ phương Tây như thơ của: Shakespeare, Goethe, Byron… là khuôn mẫu của Tân thể thi thời Minh Trị. Sau đó là San hô tập của Nagai Kafuu (xuất bản 1913) sau khi anh du học từ Pháp về, tập thơ gồm 38 bài thơ dịch của Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Valéry… đã đăng báo rải rác trước đó.

Vở kịch đầu tiên của phương Tây được chuyển thể ở Nhật là vở Julius Ceasar của W.Shakespeare do Tsubouchi Shoyo dịch và chuyển thể thành kịch tĩnh lưu li năm 1884. Vở thứ hai là Hamlet do Kanagaki Robun dịch đăng báo Tôkyô E-iri Shinbun (Đông Kinh Hội Nhập Tân Văn) năm 1886 dưới tên Diệp Vũ Liệt Sĩ (Hamlet) Nụy Cẩm Hội.

Ở Việt Nam những tác phẩm dịch đầu tiên đều do Trương Minh Ký – nhà văn quốc ngữ Nam Bộ dịch, đó là: Chuyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ, 16 truyện thơ lục bát ngụ ngôn của La Fontaine in năm 1884; Tê Lê Mặc phiêu lưu ký dịch từ Telémarque phiêu lưu ký / Aventures de Telémaque của Fénelon (Pháp) (đăng Gia Định báo 1885, in sách 1887);  Francinet, truyện nhi đồng dịch đăng trên Gia Định báo 1884-1885. Tiếp theo là Truyện Robinson (Robinson Crusoé) do Trần Thái Nguyên dịch 1886. Đến đầu thế kỷ XX mới đến tiểu thuyết của A. Dumas, V. Hugo; hài kịch của Moliere, bi kịch của P. Corneille, Racine; thơ của Chateaubriant, Hugo, Vigny, rồi Baudelaire, Rimbaud…

Văn học dịch đã đem đến một mô hình mới, thị hiếu thưởng thức mới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thể hiện tình cảm mới – tự do, phóng khoáng, ít bị câu thúc hơn. Và rồi tiểu thuyết mới, kịch, phê bình văn học, tân thể thi (Shintaishi) của Nhật Bản, tân thi của Trung Quốc và Thơ Mới của Việt Nam cũng lần lượt ra đời.

 

3. SỰ RA ĐỜI CỦA NỀN VĂN HỌC MỚI

3.1. Thơ mới

Sự đổi mới thơ caNhật Bản bắt đầu từ sự cách tân hai thể thơ truyền thống của Nhật Bản là tanka/ đoản ca và haiku/ bài cú, sau đó mới hình thành thể thơ mới gọi là Tân thể thi/ Shintaishi. Thơ ca truyền thống đã được tạo ra từ những tên tuổi lớn như: nữ sĩ Ono no Komachi, pháp sư Saigyo (về tanka), Matsuo Bashô, Yosa Buson, Kobayashi Issa (về haiku), nhưng tinh thần của các thể thơ ấy không phù hợp với thời đại mới. Sự đổi mới tanka gắn liền với tên tuổi của hai vợ chồng thi sĩ Yosano Tekkan và Yosano Akiko, sau đó là Wakayama Bokusui, Ishikawa Takuboku, Kitahara Hakushu… Sự đổi mới haiku gắn với Masaoka Shiki, sau đó là Takahama Kyoshi, Naito Meisetsu, Sakamoto Shiboda… Có thể xem một số mốc sau:

Về tanka: Năm 1893 Ochiai Naofumi đã lập ra nhóm Thiển Hương xã (Asakasha) với mục đích đổi mới tanka.1899 tiếp tục ý hướng đổi mới tanka của Naofumi thầy mình, Yosano Tekkan – chủ soái của thi đàn tanka cận đại đã lập ra Tân thi xã, cho xuất bản ca tập Đông tây nam bắc với phong cách nam tính mạnh mẽ. Một năm sau – năm 1900, tạp chí Minh tinh (Myojo/ Sao mai) do Tekkan chủ trương ra đời, phong cách tanka chuyển dần theo hướng lãng mạn chủ nghĩa. 1901 tập tanka Tóc rối (Midare gami) của Yosano Akiko – bạn thơ và bạn đời của Tekkan được xuất bản, đánh dấu một đỉnh cao mới của tanka. 1904 hai tập tanka: Bài ca làng tre (Take no sato uta)của Masaoka Shiki; Cỏ độc (Độc thảo/ Dokusô) của Yosano Tekkan và Akiko xuất bản đánh dấu sự phát triển thành thục của tanka cận đại. Sau đó tanka chia ra nhiều xu hướng khác nhau: “Tả sinh phái” với Hội tanka Negishi: Masaoka Shiki, Satô Sachio, Nagatsuka Takashi… chú trọng miêu tả hiện thực sống động trước mắt; tanka tự nhiên chủ nghĩa với Ishikawa Takuboku (Một nắm cát/ Ichiaku no suna), Wakayama Bokusui… “Đam mỹ phái” (Duy mỹ chủ nghĩa) với tạp chí Subaru (Sao Mão tú) do Ishkawa Takuboku chủ trương được coi là Chủ nghĩa tân lãng mạn thời Meiji.

Về haiku: Năm 1897 Masaoka Shiki lập ra tạp chí Hototogisu (Chim quyên) chính thức tuyên bố cách tân haiku theo khuynh hướng “tả sinh” tức là tả thực những ấn tượng tươi tắn sinh động trước mắt. Những tập haiku Masaoka Shiki sáng tác theo tinh thần ấy là: Xuân hạ thu đông, Một giọt mực (Mặc trấp nhất trích/ Hokujù itteki, 1901), Sáu thước phòng bệnh (Bệnh sàng lục xích, 1902). Sau khi Masaoka Shiki mất đi haiku chia ra thành nhiều xu hướng: Xu hướng tiếp tục sáng tác haiku tả sinh của ông như: Takahama Kyoshi, Naito Meisetsu, Sakamoto Shiboda; xu hướng haiku tự do không dùng quý ngữ - tức là không có từ chỉ mùa (vô quý tự do luật) bao gồm: Kawahigashi Hekigoto, Osuga Otsugi, Ogiwara Seisensu… Tiến thêm một bước nữa trong việc đại chúng hoá haiku là nhóm Ozaki Hosai, Taneda Santoka, tập hợp xung quanh tạp chí Tầng mây (Tằng vân, xuất bản từ 1911) với chủ trương cải cách haiku theo hướng tự do khẩu.

Về Tân thể thi: Từ sau khi hai tập thơ dịch thơ phương Tây: Tân thể thi saoƯ mẫu ảnh ra đời, thi đàn Nhật Bản đòi hỏi phải sáng tạo ra hình thức thơ ca tương tự: tự do hơn, có thể thể hiện được tình tự mới của con người thời cận đại.

- Năm 1893 tạp chí văn nghệ Văn học giới của thi phái lãng mạn chủ nghĩa do Kitamura Tôkoku, Shimazaki Tôson, Ueda Bin chủ trương ra đời, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của thơ mới Nhật Bản.

- Năm 1897 tập thơ Rau non (Nhược thái tập/ Wakanashù) của Shimazaki Tôson ra mắt, tập thơ này được coi như trái đầu mùa của thơ mới và tác giả của nó - Toson được người sau xưng tụng là “người cha của thơ mới Nhật Bản”. Sau tập Rau non,Toson tiếp tục ra 3 tập thơ nữa: Một lá thuyền (Nhất diệp chu, 1898), Cỏ mùa hạ (Hạ thảo, 1898), Mai rụng (Lạc mai tập, 1901).

- 1899 xuất bản tập thơ Trời đất hữu tình (Tenchi ujô) của Doi Bansui, nhà thơ lãng mạn “tề danh” với Toson với tính chất trữ tình nam tính cứng cỏi, mạnh mẽ. Bài Trăng sáng thành hoang của ônglà bài thơ làm say mê người Nhật hàng trăm năm nay.

- Năm 1905 tập thơ dịch Hải triều âm của Ueda Bin tập hợp những bài thơ tượng trưng Pháp đã thúc đẩy sự xuất hiện khuynh hướng thơ tượng trưng Nhật Bản. Thơ tượng trưng Nhật Bản có hai đại biểu lớn là: Susukida Kyùkin với tập Sáo chiều (Mộ địch tập), Bạch dương cung (1906) và Kanbara Ariake với Hữu Minh tập (1908) đã đưa thơ tượng trưng Nhật Bản lên đến đỉnh cao.

- Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, thơ khẩu ngữ tự do cũng ra đời với những thi sĩ tên tuồi: Kitahara Hakushu, Kinoshita Mokutarô, Miki Rôfu…

Thơ mới Việt Nam xuất hiện sau thơ mới Nhật Bản hơn 30 năm, nhưng con đường phát triển và tính chất chung cũng rất gần nhau. Có thể thấy cả hai nền thơ mới có những vấn đề rất giống nhau: 

(1) Sự đổi mới văn thể: Thơ mới Việt Nam bắt đầu từ chỗ đổi mới thơ lục bát, sau đó là hình thành thể thơ mới. Thể thơ mới khởi đi từ chỗ thử nghiệm điệu thơ phương Tây dần dần đi đến chỗ ưu tiên cho điệu thơ Việt Nam (lẻ/chẵn: 3/2/2 hoặc 3/2/3 hay 3/3/2). Thơ mới Nhật Bản cũng tương tự: đổi mới tanka và haiku, sau đó mới sinh ra Tân thể thi/ Shintaishi - tự do hơn nhưng vẫn giữ điệu 5/7 truyền thống.

(2) Thơ mới Việt Nam và Nhật Bản đều thể hiện nỗi bất mãn của con người thời cận đại: nỗi khổ, tâm trạng lạc loài, niềm hoài cảm về vẻ đẹp quá khứ…

(3) Tuy nhiên vấn đề cơ bản nhất vẫn là vấn đề giải phóng cá tính và thể hiện ý thức cá nhân (hay “tự ngã”- như cách nói của Nhật Bản).

Tình yêu tươi trẻ, tinh khôi là một trong những chủ đề được yêu thích. Xin dẫn ra hai ví dụ: Nếu như Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới Việt Nam, nổi tiếng với bài Thơ duyên (Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên/ Cây me ríu rít cặp chim chuyền (…). Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều/ Ngày ấy lòng ta nghe ý bạn/ Lần đầu vang vọng nỗi thương yêu), thì Shimazaki Toson, người cha của thơ mới Nhật Bản, có bài Tình đầu (Sơ luyến/ Hatsukoi) gần như cùng một ý thơ:

Gặp em bên gốc táo/ Tóc mới chải hất lên/ Lược em giắt phía trước/ Có bông hoa khó quên. Cánh tay trắng hiền dịu/ Em đưa táo cho tôi/ Trái mùa thu hồng nhạt/ Ươm mối tình tinh khôi (…). Trong khu vườn táo ấy/ Một lối nhỏ mới thành/ Trái tim tôi muốn hỏi/ Ai người in dấu chân?

Khẳng định vẻ đẹp, phẩm chất, khả năng của con người và niềm hạnh phúc trần thế - một chủ đề có tính nhân văn chủ nghĩa được nhấn mạnh ở thơ cận đại. Tương tự như thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, thơ mới Nhật Bản cũng có Yosano Akiko, Shimazaki Toson… Xin đọc vài bài tanka của nữ sĩ Yosano Akiko:

- Làn da em mềm mại/ Và máu nóng bừng bừng/ Anh chẳng sờ vào, chẳng ngắm/ Anh chỉ nói về đạo/ Có gì buồn không anh?

- Trái tim em rối bời/ Tâm hồn em bấn loạn/ Biết bao nhiêu lần rồi/ Tay không kịp che vú/ Khi gặp thần tình yêu.

- Đặt tay lên bầu vú/ Và bức màn thần bí/ Hất bỏ ra ngoài/ Ôi, hai bông hoa ấy/ Ánh lên màu hồng tươi.

3.2. Kịch mới, Tiểu thuyết mới và phê bình văn học mới ra đời

Về sân khấu: Trước ảnh hưởng của phương Tây, sân khấu các nước Đông Á cũng thay đổi.

Ở Việt Nam sân khấu cận đại có sự thay đổi quan trọng là sự ra đời của cải lương và kịch nói. Cải lương là một thể loại ca kịch sự kết hợp giữa kịch phương Tây với tuồng và âm nhạc đàn ca tài tử. Những người có công đầu với cải lương là Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, André Thuận, Năm Tú với các vở Pháp - Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) năm 1918, Trang Tử thử vợ, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên đầu thập niên 1920 Sau đó có một vở cải lương chịu ảnh hưởng cốt truyện phim và kịch Pháp như: Bằng hữu binh nhung (Frères d’arme), Sắc giết người (Atlantide), Giá trị và danh dự (Le Cid), Tơ vương đến thác (La dame au camélias)… Kịch nói Việt Nam ra đời vào thập niên 20 thế kỷ XIX với các soạn giả tiên phong: Vũ Đình Long (Chén thuốc độc), Nam Xương (Ông Tây An Nam)…

Ở Nhật Bản sân khấu cận đại cũng có nhiều nét tương tự. Trước hết là sự đổi mới sân khấu truyền thống Kabuki (Ca Vũ Kỹ) thành Kabuki mới (Shin Kabuki/ Tân Ca Vũ Kỹ) theo hướng dàn dựng và khai thác tâm lý theo kiểu kịch châu Âu. Người có công đầu với Kabuki mới là soạn giả Kawatake Mokuami với sự nghiệp đồ sộ: trên 360 vở. Tiếp theo là nhà văn và nhà phê bình văn học nổi tiếng Tsubouchi Shôyô với vở kịch lịch sử Lá ngô đồng (Kiri Hito Ha/ Đồng Nhất Diệp, 1904), trong đó dấu vết ảnh hưởng Hamlet, Vua Lear của Shakespeare khá rõ.

Kịch nói Nhật Bản (người Nhật gọi là Shingeki/ Tân kịch) ra đời vào đầu thế kỷ XX. Năm 1906 Tsubouchi Shôyô và Shimamura Hogetsu thành lập Hiệp hội văn nghệ để dịch, thử nghiệm kịch. Shôyô cho diễn kịch của Shakespeare và Ibsen gây được tiếng vang lớn. Mayama Seika bắt đầu viết kịch từ năm 1907 với vở kịch mới đầu tiên là Người đầu tiên (Daiichininsha, 1907) và Nếu tôi không sinh ra (Umarezarishi Naraba, 1908) trong đó thấy rõ những ảnh hưởng của kịch Ibsen. Năm 1909 Ôgai viết Mặt Nạ (Kamen), kịch một màn được nhiều nhà bình luận đánh giá như một vở kịch hiện đại thực sự. Kịch mới phát triển mạnh hơn vào cuối thập niên 20 với sự tham gia của nhiều nhà văn tên tuổi: Kikuchi Kan, Tanizaki Junichiro, Nagai Kafu, sau đó có khuynh hướng chuyển sang kịch vô sản rồi suy thoái dần trong Thế chiến thứ 2.

Về tiểu thuyết: Tiểu thuyết mới Việt Nam xuất hiện từ khá sớm, có thể lấy Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản sáng tác năm 1886 và được xuất bản một năm sau đó là cái mốc mở đầu(2). Thế nhưng nó chỉ là bông mai nở sớm, phải đợi đến gần một phần tư thế kỷ sau đó: năm 1910 với xuất hiện của Trần Thiên Trung (Hoàng Tố Anh hàm oan) và Trương Duy Toản (Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân) thì mùa xuân thực sự của tiểu thuyết mới bắt đầu. Tiểu thuyết cận đại Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử… ở Sài Gòn, rồi Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, nhóm Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ Bảy… ở Hà Nội. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện khuynh hướng văn học cách mạng vô sản. Khuynh hướng này càng ngày càng mạnh và trở thành chủ lưu của văn học Việt Nam hiện đại(3).

Tiểu thuyết mới Nhật Bản hình thành vào thời điểm tương tự như tiểu thuyết Việt Nam nhưng không bị đứt đoạn mà phát triển liền mạch. Việc dịch văn học phương Tây đã tạo điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện của tiểu thuyết mới Nhật Bản. Năm 1885, từ ảnh hưởng của tiểu thuyết Anh, Tsubouchi Shôyô viết Tinh thần tiểu thuyết (Shôsetsu shinzui/ Tiểu thuyết thần tuỷ, hoàn thành 1886), tập lý luận phê bình văn học, trong đó đòi hỏi tiểu thuyết phải thoát ra tính chất “Khuyến thiện trừng ác” của tiểu thuyết cũ mà miêu tả “nhân tình thế thái” theo phương pháp tả thực. Từ quan niệm đó Shôyô đã sáng tác ra cuốn tiểu thuyết mới: Đương thế thư sinh khí chất mang hơi thở thời đại, nhưng chưa thật thành công. Năm 1886, từ những hiểu biết sâu sắc về văn học Nga, Futabatei Shimeiviết tập lý luận phê bình Tiểu thuyết tổng luận trong đó yêu cầu văn học phải sáng tác theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Một năm sau ông bắt tay vào sáng tác tiểu thuyết Phù vân (Ukigumo) và hoàn thành 2 năm sau đó (1889). Mặc dù chưa hoàn tất, nhưng Phù vân với việc miêu tả sâu sắc nỗi đau tinh thần của người trí thức cận đại bằng ngôn ngữ như lời nói thường (Ngôn văn nhất trí) đã báo hiệu tiểu thuyết cận đại Nhật Bản đã thực sự ra đời.

Tiểu thuyết mới Nhật Bản sẽ lần lượt trải qua các trào lưu tiểu thuyết châu Âu và cả khuynh hướng chống lại trào lưu đó. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản thường chia tiểu thuyết cận đại Nhật Bản ra thành các khuynh hướng sau:

- Khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa (Rôman shùgi): Mở đầu là Mori Ogai, nhà văn du học từ Đức về với các tác phẩm: Cô vũ nữ (Maihime, 1890), sau đó là các nhà văn tập hợp xung quanh tạp chí Văn học giới: Higuchi Ichiyo (nữ) với các tác phẩm: Ngày cuối năm (Otsugomori, 1894), Một mùa thơ dại (Takekurabe, 1896); Izumi Kyoka với Cao tăng núi Koya (Cao Dã thánh/ Kôya hijiri)…

- Khuynh hướng phục cổ (Kikoten shùgi/ Nghĩ cổ điển chủ nghĩa): Xuất hiện vào thập niên 90 thế kỷ XIX, khuynh hướng phục cổ có ý định chống lại phong trào Âu hoá, quay trở về với tiểu thuyết truyền thống với tinh thần quốc tuý. Đứng đầu khuynh hướng này là hai nhà văn: Koda Rohan với tiểu thuyết Ngũ trùng tháp (Goju tô, 1891) và Ozaki Koyo với Đa tình đa hận (1896), Con quỉ kim tiền (Kim sắc dạ xoa, 1902)…

- Khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa (Shizen shùgi): Vào thập niên 1890, tiểu thuyết của Emil Zola truyền vào Nhật Bản, từ đó đã thúc đẩy khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa trong tiểu thuyết Nhật Bản ra đời. Đứng đầu khuynh hướng này là nhà văn Shimazaki Toson (người từng được mệnh danh là “người cha của thơ mới Nhật Bản”) với tiểu thuyết Phá giới (Hakai, 1906), sau đó là các tác phẩm: Mùa xuân (Haru), Gia đình (Ie), Cuộc đời mới (Shinsei). Kế đến là các tác giả: Tayama Katai (tác giả tiểu thuyết Tấm nệm/ Futon, Thầy giáo nhà quê/ Inaka kyôshi); Masamune Hakucho; Tokuda Shùsei…

- Khuynh hướng phản tự nhiên chủ nghĩa (Han shizen shùgi): Chủ đề chính của khuynh hướng này là miêu tả thân phận con người thời cận đại: nhỏ bé, mất lý tưởng, mất phương hướng. Hai tác giả đứng đầu của khuynh hướng này là Mori Ogai (nhà văn khởi đầu từ khuynh hướng lãng mạn) với các tiểu thuyết: Chim nhạn (Gan), Thanh niên (Seinen) và Natsume Soseki, đại tác giả của tiểu thuyết cận đại, tác giả của hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng (trong đó khá nhiều cuốn đã được dịch ra tiếng Việt): Chúng tớ là con mèo (Wagahai wa neko dearu), bộ ba tác phẩm: Tam Tứ Lang (Sanshirô), Rồi từ đó (Sorekara), Cánh cổng (Mon, 1910), và Một tâm hồn (Kokoro), Cỏ ven đường (Michikusa), Minh ám (Meian). Tất cả tác phẩm của ông đều đi vào thể hiện cái tôi và sự cô đơn của con người cận đại.

Từ giữa thập niên 10 thế kỷ XX trở đi ở Nhật Bản xuất hiện hàng loạt các đại tác gia được thế giới biết đến: Akutagawa Ryunosuke, Tanizaki Junichiro, Mishima Yukio, Kawabata Yasunari… theo các khuynh hướng Duy mỹ, Tân cảm giác. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra ảnh hưởng rộng khắp thế giới trong đó có Nhật Bản. Năm 1921 nhóm trí thức cánh tả Miyajima Sukeo, Maeda Kôhiroichirô xuất bản tạp chí Người gieo hạt (Tanemaku hito). Ít lâu sau khuynh hướng văn học vô sản cũng hình thành với các nhà văn tên tuồi: Hayama Yoshiki (tác giả tiểu thuyết Những người sống ở biển/ Umini ikuru hitobito), Kobayashi Takeji (tiểu thuyết Tàu câu cua/ Kani kô sen), Tokunaga Sunao (tiểu thuyết Phố không mặt trời/ Taiyô no nai machi)(4)

Chiến tranh thế giới lần thứ Hai nổ ra, thiêu cả châu Á trong lò lửa. Trong không khí ấy quá trình hiện đại hoá văn học bị ngưng trệ. Sau Thế chiến khu vực Đông Á bị chia rẽ rất sâu sắc, hiện đại hoá văn học như một quá trình thống nhất như đã xảy ra cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX cũng chấm dứt, mỗi nước đi theo con đường riêng của mình. Từ thế kỷ XXI nhìn lại quá trình hiện đại hoá văn học các nước khu vực văn hoá chữ Hán có thể thấy các nước trong khu vực đã từng rất gần nhau, thế nhưng mức độ thành công của hiện đại hoá văn học suy cho cùng gắn liền với sự thành công của công cuộc hiện đại hoá từng nước và nội lực truyền thống của từng nền văn học1

_____________

(1) Xin xem: - Suzuki Shùiji: Nghiên cứu văn học so sánh với văn học Trung Quốc. Cấp cổ thư viện, Tokyo, 1986 (tiếng Nhật).

- Nguyễn Nam Trân: Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, 2006 (internet).

(2) Nguyễn Trọng Quản: Truyện thầy Lazaro Phiền, J.Linage, Libraire Editeur, Sài Gòn, 1887.

(3) Trương Duy Toản: Phan Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân, NXB.F.H.Schneider, Sài Gòn, 1910.

(4) Xin xem Uchida Yasuo, Ishizuka Hideo: Quốc ngữ bách khoa (cho mọi người),Đại tu quán thư điếm, Tokyo, 2004 (tiếng Nhật).

 

(Nguồn: Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn