Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn: “Cũng vừa vừa thôi” của Ngọc Bái

26-07-2011 11:14:54 AM

VanVN.Net - Khi văn học áp sát đời sống nó sẽ được đời sống phả vào hơi thở nóng hổi và cả sức mạnh của chân lý đời sống, chính cái đó cuốn hút người đọc, tạo cảm xúc trong họ, nhiều khi là bùng nổ không kém nghệ thuật. Xin trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của Ngọc Bái như một ví dụ về văn học áp sát đời sống, một ví dụ về những quan tâm đau đáu của nhà văn với cuộc đời.  

Tác giả Ngọc Bái


CŨNG VỪA VỪA THÔI

 

Đây là câu nói cửa miệng của Viên. Thời học trò vào hạng học sinh cá biệt. Hết bậc phổ thông thi trường nào cũng không chịu đỗ. Là con một. Bố cán bộ cỡ tỉnh. Mẹ giáo viên cấp tiểu học. Thi không đỗ trường nào nhưng Viên vẫn được ưu tiên tuyển tắt vào cơ quan nhà nước. Chạy hết ngành hải quan lại sang cán bộ thuế. Rồi cán bộ kiểm lâm. Cũng khó giải thích vì sao Viên chuyển nơi làm việc nhiều thế. Làm cán bộ nhà nước rồi mà nói năng vẫn chả khác mấy cái thời học trò.

Gặp tôi ở bệnh viện, Viên bảo thầy giáo có nhận ra em không? Tôi bảo có! Viên điều trị bệnh gì? Viên nở toác miệng cười. Kiểu cười như pha nứa. Em điều trị bệnh linh tinh ấy mà! Còn thầy vẫn bệnh đau dạ dày à? Bệnh tật nó khổ thế. Cám ơn Viên vẫn còn nhớ đến thầy giáo. Em nằm điều trị ở phòng nào? Em mới nhập viện. Phòng B, giường 11! Vậy à? Thế thì cùng phòng với mình đấy. Thêm người chuyện trò cho vui. Mấy ngày rồi, nằm viện quá buồn.

Có người quen nói chuyện thoải mái. Em nói thật với thầy đời này cái gì cũng vừa vừa thôi. Có bệnh mới phải vào viện. Có mỗi cái thẻ bảo hiểm mà em bị vặn vẹo mãi, ai điêu hớt làm gì. Nhân viên bảo hiểm viết sai có một tí. Nguyễn Vạn Viên họ viết Nguyễn Văn Viên. Bố em là Nguyễn Vạn Hòn, sinh ra Nguyễn Vạn Viên, vùng này ai chả biết. Bảo hiểm thì nghĩ trên đời chỉ có Nguyễn Văn chứ không có Nguyễn Vạn. Nên ấn ngay chữ Văn vào. Còn bệnh viện thì nguyên tắc các giấy tờ đã có dấu đỏ son là đáng tin cậy. Giấy tờ đã không khớp thì về làm lại mới được nhập viện. Lằng nhằng mãi, rồi vẫn phải về xin bảo hiểm viết lại cái tên lót Văn thành Vạn mới được nhập viện. Em mắng cho cô nhân viên làm thủ tục giấy tờ mặt khinh khỉnh coi người như rác một trận. Đồ thối thây, nhân viên của tôi mà làm ăn lôi thôi thế này, tôi đuổi liền. Cô ta gân cổ lên cãi đấy là nguyên tắc! Có mà nguyên tắc rởm!  May là bệnh em cũng vừa vừa thôi thầy ạ, chứ bệnh nặng mà chờ giải quyết xong giấy tờ thủ tục có mà ngủ với giun rồi.

Quãng đời tuổi học trò của Viên được lôi ra quán nước cạnh bệnh viện để giãi bày. Quán nước được phát triển từ quán trà cóc năm xu ngày trước. Mấy cái ghế cóc cạnh xưa được thay bằng những chiếc ghế nhựa cho hợp với cung cách phục vụ mới. Nếu nói mức độ đàng hoàng lịch sự thì thua xa mấy tiệm cà phê máy lạnh. Bù lại, ngồi ở đây nhiều tiện lợi. Tầm mắt quan sát xa hút tận cuối đường, tha hồ ngắm thiên hạ. Thoáng khí dễ thở. Đỡ cảm giác thuốc men bệnh tật tràn ngập trong phòng điều trị. Chủ quán dễ tính, muốn ngồi bao lâu cũng được. Và tiện nhất là nói năng ồn ào không phải giữ ý. Cứ cái điện thoại di động trong tay lúc lúc lại có chuông réo. Hồi học phổ thông em cãi thầy về câu thơ “chết như sống anh hùng vĩ đại”, thầy giảng đấy là chất anh hùng ca, người chết rồi mà sự nghiệp vẫn sống. Em thì trả lời thầy, câu thơ ấy không hiện thực, chết là chết. Như câu thơ em đọc của ai đó chết là hết, hết đau hết khổ, hết vầng trăng sáng trên đầu, mới đúng! Rồi thầy mắng em: cậu chỉ nói linh tinh. Câu thơ "chết như sống" biểu lộ ý chí của thời đại. Phải hiểu nghĩa bóng chứ nghĩ thô thiển như cậu thì còn gì là thơ nữa. A lô a lô, Viên đây, mình đang ngồi ở quán nước cạnh bệnh viện. A, sớm nào cũng trốn viện dăm chục phút, bệnh nhân cá biệt mà. Này, chớ cho cánh phóng viên nó biết con đường tắt tuồn gỗ giấu sau trạm mình đấy. Nó mà biết là phiền phức lắm. Tốt hơn hết là giúi cho nó mấy đồng, thật thân ái, rồi lừa nó biến! 

Chuyện thường ngày ở cơ quan ý mà thầy. Đừng chấp chúng em. Bây giờ nó thế. Đối với chúng em tất cả là tiền. Mà tiền thì có người đổ mồ hôi sôi nước mắt, có người thì hái như lá rừng. Bọn em làm cái nghề kiểm lâm phải dựa vào rừng mà sống. Không có rừng thì lấy đâu ra gỗ. Không có gỗ thì lấy ai buôn gỗ? Không có người buôn gỗ thì bắt ai? Mà thưa thầy, bọn em cho ai lọt thì được lọt, không cho ai lọt thì một mẩu gỗ cũng không thoát. Chúng em phải nhờ vào đám thợ to. Mà thợ to thì có ô có lọng. Mình giả vờ cho nó thoát, nó phải biết điều với mình. Nó nuôi mình, mình nuôi nó. Có người bảo bọn em ăn bẩn. Nhưng khối người còn ăn bẩn hơn chúng em. Tội gì phải gìn giữ để mốc meo mồm. Hôm trên lớp em cãi thầy chắc thầy giận lắm? Em nhớ, thầy cho em điểm 1 vì trả lời không đúng lời thầy giảng. Đến bây giờ em vẫn nghĩ làm sao chết như sống được, phải không thầy? Viên lại ngửa cổ cười như pha nứa. Cũng vừa vừa thôi thầy nhỉ. Thầy dạy văn chúng em, mà văn thì nói thế nào chẳng được. Thầy còn nhớ hồi ở chỗ sơ tán không, chính em bắt trộm vịt của hợp tác xã. Ông chủ nhiệm cất công rình mà chả bắt được ai. Có ý ám chỉ em, nhưng ông chủ nhiệm ngại, vì bố em làm thương nghiệp, sợ gây khó dễ khi phân phối hàng cung cấp. Nhà em chả đến nỗi thiếu thốn, nhưng tính em ngỗ ngược. Em rủ mấy đứa vào tận trong rừng lấy củi nướng thịt vịt ăn. Nhưng có chuyện này hôm nay em mới nói với thầy. Hôm đến chỗ thầy ở, thấy thầy ăn cơm với muối ớt tội quá, em đã lén đem biếu vắng mặt thầy miếng thịt vịt để vào trạn bát của thầy, không ngờ thầy bị eo sèo. Em biết thầy không ăn miếng thịt ấy, nhưng em không dám lộ diện ăn cắp. Em sợ trường kỉ luật. Em hại thầy. Em ân hận suốt. Kìa, đến giờ uống thuốc, về  thầy nhỉ!

Tôi nghĩ: cậu Viên này có cá tính mạnh!

Bà hàng nước nói: cậu này liều lĩnh nhưng biết điều!

Cũng vẫn như sáng hôm trước, Viên lại rủ tôi ra quán nước. Ngồi giam mình trong phòng khác gì tù hình. Ra ngoài nó phóng khoáng thầy ạ. Có đến viện mới càng thấy đủ các kiểu dạng người. Một xã hội thu nhỏ. Chỉ cần nhìn những gương mặt bệnh nhân và người nhà của họ đủ phân biệt giàu nghèo sang hèn khinh trọng, tử tế không tử tế. Ông già mặt hốc hác kia đi chăm con gái hàng tháng trời rồi. Nó bị lừa bán sang Trung Quốc, thân tàn ma dại mới lần mò về, chắc còn lâu mới hết nằm viện. Cái bà mặt tai tái kia bị chồng hồi trẻ ruồng bỏ để đi theo gái, giờ ông ấy ốm quặt quẹo mới mò về để vợ chăm sóc. Cái nhà chị kia đi chăm chồng bị bệnh ung thư mà ăn quà như mỏ khoét. Cái cậu bảnh trai đó đưa mẹ vào viện, đi mua nước mà mặc cả từng đồng. Cô con gái hơ hớ kia đi trông người ốm mà quần áo hở được chỗ nào là tranh thủ hở bằng hết. Còn cái nhà cô tiểu thư đài các mặt cứ vếch lên trời đó, đưa tình nhân là xếp vào viện cưỡi xe bóng láng lượn đi lượn lại mỗi ngày hàng chục lần. Cái cô người Bản San kia, nghe đâu chồng bị "hát i vê", khó mà qua nổi. Thì ra bà chủ quán chỉ ngồi đấy mà chuyện gỉ chuyện gì cũng biết. Di động réo. Được rồi được rồi! Thanh tra hả? Thanh tra thanh bố thanh dì. Nếu có phong bì thì sẽ thank you! Cứ phương châm giải quyết như thế nhé. Không sợ đâu! Bao giờ ra viện tính sau. Viên đóng máy di động, lẩm bẩm: phiền hà, bao giờ cho hết phiền hà! 

Gần trưa thì có đến hai đám ma đi qua. Đám trước có hẳn mấy ô tô chở hoa. Người nhà đồ tang đen, xe đưa ma rất sang, rất nhiều xe nối theo nhau, xe tang bị những bức trướng che khuất không nhìn rõ quan tài, không mấy người khóc. Chắc người chết vào hàng sang trọng. Đám sau ít hoa hơn, nhìn rõ ảnh chân dung người chết. Chiếc áo quan được thợ bọc nỉ có dây tua riêm rúa chuyển động theo xe, gió đưa lất phất. Đám con cháu đồ tang trắng. Khóc gào thảm thiết. Viên kéo tay tôi chỉ: thầy có biết cái hòm gỗ kia được gọi là gì không? Gọi là quan tài. Hay còn gọi là áo quan nữa! Lạ thật, lúc sống thì làm dân mà lúc chết lại được mặc áo quan! Thành ma rồi mới được làm quan. Em nghĩ dân mình thích đùa đáo để. Có người giải thích ngày xưa có anh khát vọng làm quan quá, chạy chọt mãi mới được vua ban cho chức quan coi nghĩa địa. Anh ta mừng quá vỡ tim mà chết tươi. Người nhà đóng hòm xác gọi là áo quan để thoả lòng người chết. Từ ấy mọi người quen mồm gọi áo quan, thành ra ai chết cũng được mặc áo quan. Những chiếc áo quan là gỗ cả đấy. Mà gỗ thì liên quan đến nghề của chúng em. Cánh đầu nậu có giấy phép buôn gỗ đóng áo quan, nhưng lợi dụng thuê dân vào rừng hạ sát bao nhiêu gỗ quí. Gỗ áo quan nhiều đến thế thì lấy đâu ra người chết để chôn? Cánh đầu nậu cãi: không chôn người chết thì chôn người sống. Khối nhà lịa gỗ kín mít khác gì nằm trong quan tài. Không biết mai sau triệt hết rừng thì tìm đâu ra gỗ làm áo quan?

Tôi nghĩ: lời lẽ cậu Viên này có cả tính ma cả tính người.

Bà hàng nước nói: cậu này nói khó nghe nhưng hơi bị đúng. 

Thầy giáo bảo em chỉ có mấy năm mà chuyển nhiều cơ quan thế là sao? Cũng như thầy đang dạy học lại chuyển sang nghề viết báo vậy thôi. Mình nói rồi, không gọi mình là thầy nữa cơ mà. Mình "mất dạy" sang làm báo có lý do của nó. Nhưng thầy ơi, các cụ bảo: nhất tự vi sư, hồi thầy dạy văn, em học biết bao nhiêu là chữ của thầy. Nhưng chữ thầy giả lại thầy từ lâu rồi.

Em nghĩ nghề nào cũng có cái hay cũng có cái dở. Hay, là mình được làm đúng sở trường của mình, đúng nghề của mình. Mà dở là học một đàng làm một đàng, lộn tùng phèo. Thầy có thấy không, đầy người được sắp xếp trái khoáy, ối chỗ ngồi nhầm ghế, có người học ngành chăn nuôi gia súc lại đi làm sinh đẻ có kế hoạch, có người học xây dựng lại ra chỉ đạo nông nghiệp, có người học bách khoa lại ra làm bảo tàng, có người kĩ sư nông nghiệp lại đi coi kho, người học văn làm bảo vệ cơ quan, người học sử đi làm địa chính. Chỉ có lái ô tô không học không lái được. Ngành y không học không thể là bác sĩ. Ngành sư phạm không học không ai cho lên bục giảng bài cho học trò. Em tính chỉ có mấy ngành phải học hành tử tế. Còn em chẳng học ngành gì nên ngành gì em cũng làm được. Thày xem, có ông học hành vá víu mà cũng còn thăng tiến thì em cứ vào cơ quan rồi đi học sau cũng chả muộn.

Hồi bố em xin cho vào hải quan. Chuyên môn chả biết cái mù tịt gì, họ xếp cho chân chạy loong toong điếu đóm. Chán. Bữa ăn họ rủ ra quán. Mà bọn họ sành ăn lắm, toàn gọi những thứ đặc sản. Em chi tiền. Họ bảo bố em quan to thiếu gì tiền. Chi ra trả học phí ngu. Chi ra để mà tồn tại. Không chịu được bị coi thường, em bỏ liền. Nhưng bố em còn làm việc, vẫn xin cho em được vào ngành thuế. Hồi em ở thuế, có thằng nhập nhèm, thu thuế một đằng ghi sổ một đằng. Thằng này ăn vụng nhiều lần rồi. Em nói bỗ vào mặt nó, nó lại bảo em là vô học. Thì nó cũng học kiếm được cái bằng rởm, bằng gia công, hơn em mấy đâu mà đã vội khinh em. Bất ngờ em đấm cho nó một quả. Nổ đom đóm mắt. Em bỏ làm luôn. Không thèm ở với quân đểu cáng.

Giờ thì em làm cán bộ kiểm lâm. Qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Nghề bắt bớ với kiểm tra rừng, ai chả làm được. Nhưng không có nó giữ trật tự ở chốn đầy lục lâm thảo khấu thì cũng loạn. Em được phân công về trạm kiểm lâm Dốc Lim. Mấy lần bắt gỗ lậu được thưởng, rồi được phân công phụ trách trạm. Phất phơ ca la điêng mà sẵn tiền ra phết thầy ạ. Cữ em được đến đâu hay đến đấy. Cũng vừa vừa thôi, thầy ạ. Còn thầy có là tấm gương thì em cũng biết. Để em trọng, chứ lương ba cọc ba đồng, không noi theo được. Thầy thông cảm, bọn em thực dụng. Không đủ tiền tiêu là xẹp.

Nhưng mà tham lam quá cũng chả để làm gì. Chết có mang theo đi được đâu. Bố em khi còn làm việc, không mấy ngày là không có người thậm thụt mang quà đến. Có người bảo muốn được cất nhắc cứ gặp mẹ em. Quà mẹ em không dùng hết lại tuồn ra chợ. Có lần người ta mang quà đến biếu, mẹ em nhận ra liền chai rượu ngoại, mẹ em mới gửi bán hôm trước. Tiền của mấy rồi cũng hết. Bố em rất sợ cô độc. Bố em bảo lúc còn làm việc vun đắp cho mấy người thành đạt mà bây giờ chả thấy mặt ai. Em bảo ở đời nó thế. Phù thịnh, ai phù suy. Bố em khuyên giờ phải đi bằng chính đôi chân của mình. Em bảo may cho bố nghỉ thế là vừa đẹp, còn làm nữa người ta lợi dụng bố, bố lợi dụng người ta, làm hỏng khối người, tham lam chỉ tổ dân chửi, rồi chết chẳng nhắm được mắt. Em mừng là sau đó bố em thanh thản. Chứ như ông Thành Cát đấy, cũng do bố em giúp đỡ cất nhắc, lúc đương chức bao nhiêu đất đai, bao nhiêu tiền của, đùng một cái, bị tai nạn giao thông, chết tươi. Tham quá trời phạt  đấy.

Tôi lặng im.

Bà hàng nước góp lời: người ta ai không phải qua vòng sinh tử. 

Tôi chợt nhớ cái ông Thành Cát. Lúc làm anh cán bộ phường cũng đã lắm chuyện. Cái cơ quan phường bé teo teo mà nhét mấy người nhà vào làm. Bao nhiêu đất đai ngon lành họ hàng ông ta đều có phần. Đã có lần đến phường xin đóng dấu hồ sơ cho con đi học, thấy ông ấy vòi tiền dân về chuyện bán đất. Rồi bao chuyện ngang tai trái mắt tôi đã gặp nơi này nơi kia, kẻ nịnh người tham, kẻ mua danh, người hợm hĩnh, đủ cả. Tôi định bụng bỏ nghề dạy học sang làm báo để có điều kiện viết những bài cảnh tỉnh những người cửa quyền nhũng nhiễu, không vì dân. Hơn nữa, ở trường tôi lúc ấy đang có cảnh chia bè kéo cánh. Tôi không muốn đứng về phe nào nên đã bỏ nghề dạy học xin đi làm báo. Viết những bài nhàng nhàng thì dễ in. Nhưng viết sự thật gai góc thì khó lọt qua Tổng biên tập. Tôi đành viết tiểu phẩm nói xa nói xôi. Một lần tôi viết tiểu phẩm về ông nghiện đất, cứ nơi nào mở đường mới trong thành phố là ông ta có mấy suất đất làm nhà, để rồi ông bán, ông còn chiếm lô đất lớn trong nghĩa trang, người ta bảo ông ăn đất người sống, ăn cả đất của người chết. Ông Thành Cát đọc ở đâu đó bài tiểu phẩm, liền đến tận toà soạn phản đối. Tôi bảo đấy là tiểu phẩm, có nêu tên ông đâu. Còn nếu đấy là chuyện của ông thì tôi sẵn sàng điền tên ông vào bài báo. Ông ấy đỏ mặt bảo thôi. Đến khi ông ấy giữ chức vụ cao hơn, vẫn có ý thâm thù, yêu cầu báo bãi bỏ ngay cái mục tiểu phẩm, không cho in những tiểu phẩm tôi viết. 

Viên nói: trời cho mỗi người cốc nước, ai uống nhanh thì chóng hết. Nên cái gì cũng vừa vừa thôi thầy nhỉ. Cái chết của ông Thành Cát thương tâm lắm. Vừa mua được chiếc xe camry, ông ấy tự lái về quê ra oai với dân làng. Ai ngờ tránh con trâu, đâm ngay xe xuống ruộng. Ông ấy mở cửa xe lao ra, đầu cắm xuống bùn, chết sặc. Người độc miệng bảo lúc sống ông ấy tham ăn nhiều đất nên chết cũng được ăn đất.

Tôi nghĩ: cậu Viên này cũng thấm lẽ đời.

Bà hàng nước nói: chuyện cậu Viên nghe ghê ghê.

Kết thúc những ngày nằm viện, Viên lại kéo tôi ra quán nước để chia tay. Viên bảo em vào viện sau lại ra trước thầy. Bà hàng nước bảo thời buổi khó khăn này mà nằm viện lâu như thầy giáo đây thì cũng khổ. Khám, người ta bảo bệnh gì? Tôi nói bệnh suy nhược cả thể xác lẫn thần kinh, chỉ thấy người càng ngày càng teo tóp, chắc còn phải ở viện ít ngày nữa. Viên bảo ở trong viện có bác sĩ giỏi, bệnh tật gì vẫn khám ra, chứ ở ngoài đời khối thứ bệnh chả ai có thể khám nổi. Thế đấy! Mà nghề giáo trọng vọng, từ dân đen tới các loại sếp đều phải gọi thầy, thầy lại bỏ, bây giờ đi viết báo. Ai sợ gì báo mà viết. Khi nào thầy ra viện, em sẽ mang xe đón thầy đến cơ quan em, không phải để viết báo, mà để em đãi thầy một bữa đặc sản. Để biết thế nào là Nguyễn Vạn Viên, học sinh cũ của thầy. Viên cười như pha nứa. Phải bổ dưỡng vào thầy ạ, để có sức khỏe mà ngắm hết sự đời. Làm sao mà ngắm hết sự đời? Viên lại cười như pha nứa. Cũng vừa vừa thôi, thày giáo nhỉ. 

 

30-10-2008

 

DI ẢNH THỜI CHIẾN TRANH

 

Thật ra khi được điều động về làm cán bộ chuyên trách chính sách của Tỉnh đội, Quân đã cất công đi tìm Tuyên nhiều lần mà không biết anh đã trôi dạt đi tận đâu. Không biết còn sống hay đã chết? Tìm về quê cũ Thổ Sơn, những người trẻ tuổi bảo rằng họ chẳng thấy có ai tên là Tuyên đóng gạch, người lớn tuổi thì bảo có nghe mang máng đâu đó, nhưng hình như ông ấy dạt đi đâu không biết từ lâu lắm rồi. Từ đấy, Quân cứ lần mò hỏi thăm mà chẳng biết ông bạn Tuyên đóng gạch tội nghiệp đã mất hút tận phương trời nào. 

Kể từ ngày miễn cưỡng chia tay âm thầm ở ven rừng bản Thúc Xà Lời hồi cuối Mậu Thân, Quân chưa gặp lại Tuyên. Mò mẫm về tận quê Thổ Sơn, chỉ nghe kể về Tuyên trong cảnh tình quá thương tâm.

Bốn mươi mốt năm trước.

Sau trận đánh Làng Vây lịch sử, đơn vị chuyển ra bắc đường số Chín để đối mặt ngày đêm với lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Hầu hết các điểm cao đều bị phi pháo Mỹ xới đào phát quang, rồi chúng đổ quân chốt giữ. Thời gian ấy Quân và Tuyên ở cùng trung đội bộ binh chiến đấu. Đứa trung du, đứa đồng bằng mà rất thân nhau. Có đêm mắc tăng võng nằm kề, Tuyên kể ở quê có nghề đóng gạch nổi tiếng khắp vùng. Gạch quê Tuyên ngày xưa các cụ già bảo còn được chở thuyền theo sông Hồng về Hà Nội xây thành phố. Hàng ngày cảnh đóng gạch đốt gạch vất vả và chuyên cần, mỗi khi ra gạch bụi mù cả một vùng. Trước khi vào bộ đội Tuyên đã là anh chủ nhiệm hợp tác đóng gạch rất cừ khôi. Tuyên chỉ thương mẹ già với vợ và đứa con gái nhỏ mới sinh được vài tháng. Quân bảo nhà Quân nghèo lắm. Nhà tranh vách nứa sơ sài, khi mùa đông gió lùa bốn bề, rét thấu xương.Tuyên bảo Quân bao giờ hết chiến tranh, Tuyên sẽ đóng cho Quân vài vạn gạch, chỉ việc đến chở về mà xây nhà. 

Trong những ngày ác liệt ấy, đơn vị được giao đánh chiếm các vị trí quân Mỹ đồn trú. Lính Mỹ với hệ thống hầm hào bao cát phòng thủ khá chắc chắn. Trực thăng cẩu dây thép gai và những bao cát từ ngoài bãi biển vào bao giờ thoả mãn việc làm công sự mới thôi. Chúng ỷ vào hoả lực mạnh với hệ thống cứ điểm liên hoàn có thể chi viện và ứng cứu cho nhau bất cứ lúc nào. Đánh chúng không dễ dàng. Pháo và phi cơ Mỹ suốt ngày quần phá, đồi núi như đưa võng. Có điểm cao lính ta và lính Mỹ giành giật từng khoảnh đất. Ta đánh bật chúng khỏi điểm chốt, chúng lại dùng bom pháo đánh hất ta ra. Nhiều điểm chốt ta hy sinh không ai sống sót. Bấy giờ Tuyên đã là trung đội phó, Quân mới là tiểu đội trưởng. Cứ mỗi trận lại lên một chức. Người trước hy sinh, người sau thay ngay vị trí. 

Sau khi chiếm được điểm chốt của Mỹ, Tuyên cho mọi người tận dụng bao cát, hàng rào thép gai của Mỹ, củng cố trận địa, chuẩn bị đối phó với những đợt phản công mới của địch. Đây là trận chiến đấu giữ chốt tiêu biểu khẳng định sức chịu đựng dẻo dai của quân ta. Sau đợt phi pháo, quân Mỹ tiếp tục mở đợt tấn công bằng bộ binh chiếm chốt. Thấy phía ta không bắn trả, lính Mỹ ào ào xông lên. Lúc ấy Tuyên mới cho giật mìn định hướng. Riêng quả mìn DH10 của Tuyên đã quét đúng vào hướng chính của đội quân Mỹ. Nhẩm tính có vài chục đứa chết. Quân cũng giật được năm quả mìn định hướng. Cả trung đội đánh lui nhiều đợt tấn công của Mỹ. Mỗi khi quân Mỹ lui, Tuyên lại cho chuẩn bị đợt chiến đấu mới, phán đoán hướng tấn công và thủ đoạn của địch. Lựu đạn được mở sẵn giây nụ xoè, găm vào cọc cắm chặt xuống đất. Khi Mỹ đến gần cứ việc giật ném bằng cả hai tay. Đấy được coi là một sáng kiến, bởi khi địch tới gần chỉ cách đó là ném được nhanh và nhiều lựu đạn nhất. Lựu đạn nổ trùm lên đầu kẻ địch. Cầm cự chiến đấu suốt ba ngày, quân Mỹ không chiếm được trận địa ta, đành phải lui quân, tạo thời cơ cho ta hoàn toàn làm chủ tình thế những trận đánh trên toàn mặt trận. Bí quyết của chiến thắng là quân ta luôn bám sát địch, làm cho phi pháo địch không phát huy được tác dụng. Chúng sợ bắn nhầm vào đội hình của chúng. Cấp trên khẳng định lính Mỹ thua là thua ý chí ngoan cường của quân ta. 

Trung đội được lệnh trở ra nơi an toàn rút kinh nghiệm chiến đấu, bình xét chiến công. Tuyên được mọi người vinh danh là dũng sĩ diệt Mỹ, mưu trí dũng cảm, là lá cờ của trung đội, xứng đáng tặng thưởng Huân chương Chiến công. Toàn trung đội được tuyên dương chiến đấu anh dũng, diệt được nhiều lính Mỹ, thực hiện tốt ý đồ tác chiến của mặt trận. 

Giãn một thời gian nghỉ ngơi, cả đơn vị trở ra bản Thúc Xà Lời chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới. Ai từng là lính trung đoàn Sơn Thuỷ như Quân và Tuyên ở mặt trận Đường Chín đều nhớ trận đói ghê gớm cuối năm 1968. Cả đơn vị thiếu gạo ăn, đói dài đói dạc. Đói phải tìm môn thục nấu cháo để ăn. Ngứa rát họng. Nhưng không ăn thì chết. Nhiều người chết lả trên lối mòn về hậu cứ. Đói đến nỗi có vị chỉ huy tiểu đoàn dùng K54 tự sát vì chỉ huy bất lực trước tình cảnh quá cùng cực của cả đơn vị. Tình huống ấy thật không ngờ. Cả trung đội đã phải ăn cháo môn thục tới ngày thứ baỷ. Vài lon gạo phải ưu tiên nấu cháo cầm hơi cho người thật ốm yếu. Mai táng cho bạn chết vì đói xong lại mai táng cho người chết vì trúng phải mìn do máy bay Mỹ thả khắp rừng. 

Trong một đêm mắc tăng võng bên bờ suối, đang nằm thiu thiu ngủ, Quân nghe tiếng Tuyên thì thầm vào tai: "Quân ơi, trốn đi! Mình chuẩn bị kỹ rồi, cả mấy đứa nữa cùng trốn".  Quân bàng hoàng vì quá bất ngờ, bảo với Tuyên rằng chết vinh hơn sống nhục, làm thế mất danh dự, ảnh hưởng tới truyền thống của đơn vị. Tuyên thở dài. Nghe tiếng thở dài trong đêm thật rõ, thật não lòng. Lặng đi khá lâu, giọng Tuyên như dao khứa:  " Cuộc chiến còn ác liệt lắm. Sức người chịu đựng có hạn thôi, Quân không trốn thì đừng tố giác mình nhé! Mong đừng làm tổn thương tình bạn. Sau này may mắn còn sống sẽ tìm nhau". Tuyên ôm lấy Quân, tiếng nói đứt quãng trong tiếng gió rừng: "Mình biết làm như thế là hèn, nhưng mình còn mẹ già, con nhỏ". Quân bảo Tuyên: " Mình can đấy, làm như vậy không nên". Nước mắt Tuyên thấm vào bên vai Quân, khiến Quân cũng không cầm được nước mắt.  Tuyên bảo: " Thôi, cứ biết thế nhé!". Cả đêm đó Quân trằn trọc, cứ nghĩ mông lung, sao bỗng chốc Tuyên lại có hành động lạ lùng vậy. Khuya lắm, Quân nghe rõ tiếng bước chân lần về chỗ để mấy lon gạo. Hình như Tuyên đổ gạo vào bao ruột tượng. Rồi lại nghe tiếng trút gạo trả lại chỗ cũ. Mệt quá, Quân ngủ thiếp đi. Mãi tới khi sáng bạch, Đại đội trưởng lay gọi, hỏi Tuyên và mấy anh em đâu, Quân mới giật mình bừng dậy. Mấy chiếc võng buông màn như có người đang ngủ, nhưng lật ra chẳng còn ai. Tuyên cùng mấy người đào ngũ đã mang theo hai chiếc xoong và ít muối, mì chính. Gạo còn nguyên.  Quân làm vẻ ngơ ngác như không biết, rồi theo lệnh Đại đội cũng đi lùng sục. Nhưng trong bụng Quân nghĩ cánh Tuyên đã đi xa lắm. Không để lại bất cứ dấu vết gì. Đại đội trưởng gặng hỏi: Đồng chí Quân có biết hiện thượng đồng chí Tuyên trốn không? Tuyên trả lời rằng không! 

Mặt trận đánh giá cao tinh thần chiến đấu giữ chốt của đơn vị và yêu cầu nêu gương chiến đấu, chọn người xứng đáng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn mặt trận để đi dự Đại hội Quyết thắng toàn quân. Dù có chuyện không hay xảy ra trong đơn vị, nhưng trận đánh giữ chốt có ý nghĩa quan trọng trong ý đồ chiến thuật của mặt trận, nên rất cần người đã trực tiếp chiến đấu đi ra Bắc báo cáo. Người xứng đáng được đi báo cáo thành tích chiến đấu trong trận đánh ấy là Tuyên thì đã đào ngũ. Vì thế Quân là người thế chân, với danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn mặt trận, Dũng sĩ diệt Mỹ, được cử về tận Hà Nội dự Đại hội Quyết thắng và thăm hậu phương. 

Khi được lên bục báo cáo về thành tích diệt Mỹ, Quân luôn như thấy hình ảnh Tuyên đôn đáo anh em trên trận địa giữ chốt. Bóng Tuyên chuyển động nhập nhoè trong ánh chớp đạn. Cả tiếng la hét chỉ huy. Nhiều lúc đợi địch thật gần chỉ cách dăm mét mới cho nổ súng, để địch bất ngờ không kịp trở tay. Những tên lính Mỹ cao lênh khênh đổ sập ngay trước muĩ súng của lính ta. Công lao chỉ huy trận đánh phải là Tuyên. Vậy mà vinh quang thì Quân đang được hưởng. Cả hội trường vỗ tay rầm rầm khi Quân kể cái lúc trận địa đồng loạt giật mìn định hướng. Xác lính Mỹ chồng lên nhau. 

Sau Đại hội Quyết thắng, Quân đã được bố trí đi nói chuyện chiến đấu bao địa phương, bao đơn vị huấn luyện quân chuẩn bị bổ sung cho chiến trường. Câu chuyện chiến đấu với lính Mỹ hấp dẫn đã khích lệ bao thanh niên xung phong đi bộ đội, bao đơn vị hăng hái ra chiến trường. Tất nhiên, những chuyện hy sinh gian khổ, những tình huống nghiệt ngã của chiến tranh không bao giờ Quân đề cập tới. 

Ba năm sau, Quân được cấp trên cho về thăm nhà. Lúc này Quân đã là cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn. Quân đã giành phần lớn thời gian để đi tìm Tuyên. Từ xa đã có thể nhận ra làng Thổ Sơn đóng gạch của Tuyên. Những lò gạch cũ đổ nát ngổn ngang gạch vụn. Vẫn còn thấy câu cổ động: "Ra đi mang nặng lời thề. Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương"  kẻ bằng vôi trắng đã loang lổ vì mưa nắng. Thời chiến không còn ai xây nhà, khu lò gạch bỏ hoang tàn. Hỏi thăm trẻ chăn trâu nhà Tuyên ở đâu? Chúng hỏi lại: có phải Tuyên đóng gạch đào ngũ không? Rồi chúng mới chỉ nhà. Một ngôi nhà ba gian gần sông vắng hoe. Không tiếng gà tiếng chó. Nhà hoang. Mấy chiếc rổ rách vứt chỏng chơ cạnh bếp gio than nguội lạnh. Đang loay hoay tìm người hỏi thăm thì gặp một bà già. Bà hỏi: anh tìm ai? Quân thưa đi tìm Tuyên. Bà già thở dài bảo cám cảnh lắm bác ơi. Nhà này không còn ai ở nữa. Tan tác cả rồi. Quân nghe bà già kể:

- Khổ lắm, năm kia ở trong nam về đến nhà, lúc đầu mọi người tưởng cậu Tuyên được về phép. Ai dè lại là đào ngũ. Cô vợ là xã đội trưởng dân quân làm ầm ỹ lên. Anh cam tâm đào ngũ bôi gio trát trấu vào mặt tôi. Tôi còn uy tín đâu để làm việc. Anh có biết đang thực hiện khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược không? Hèn hạ quá! Tôi còn nói ai được đây? Anh là giống người gì? Giống người gì? Bà mẹ cậu Tuyên chỉ thốt lên được câu: nhục, nhục quá! Rồi ngã vật ra bất tỉnh. Tuyên kêu "trời đất ơi, tôi giết mẹ tôi rồi!". Vợ Tuyên than thở "khổ thân tôi quá, biết làm sao bây giờ?". Y sĩ xem bệnh bảo bà bị xốc đột ngột. Vỡ mạch máu não. Cấm khẩu luôn. Hai ngày sau thì qua đời. 

Trong những ngày tang mẹ, xã yêu cầu Tuyên lên xã tập trung cải tạo lao động, cùng với mấy anh chàng đào ngũ khác xới cỏ cho uỷ ban. Chị xã đội trưởng được giao trực tiếp chỉ huy lính đào ngũ đem trả đơn vị thu dung đóng quân ngay tại xã. Hàng ngày Tuyên phải tập hợp trước trụ sở uỷ ban xã cùng với những người đào ngũ đồng thanh hô: "Ai cũng như tôi, lấy ai đi đánh Mỹ !". Rồi cán bộ đơn vị thu dung bắt đeo biển bằng bìa các tông, chữ mực tím "ai cũng như tôi thì mất nước" trước ngực, đi rong trong làng cho trẻ con rồng rắn bâu theo hò hét ê xì. Không dám ngẩng lên nhìn ai. 

Bốn mươi chín ngày cho mẹ xong, cô xã đội trưởng dân quân bế con về nhà cha mẹ đẻ vì xấu hổ có chồng đào ngũ. Cậu Tuyên không chịu được nhục đã bỏ làng đi đâu mất tăm mất dạng luôn từ đó. 

Thắp hương mộ bà mẹ Tuyên xong, Quân hỏi thăm bà già đường đến nhà vợ Tuyên. Cuộc gặp mặt với vợ và con Tuyên càng làm cho Quân xót thương thân phận bạn. Vợ Tuyên đang chuẩn bị đi họp xã, như miễn cưỡng tiếp Quân. Đứa con gái bốn tuổi đầu ngây thơ ngồi trong lòng mẹ ngước đôi mắt tròn xoe nói với Quân: bố cháu bị đào ngũ. Vợ Tuyên kể rằng xã đang được công nhận là xã anh hùng nên quyết tâm không để bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến danh tiếng của xã, nên việc anh Tuyên đào ngũ là một vết nhơ không thể tha thứ được nên đã trả Tuyên về đơn vị thu dung quản lý. Quân nói: nhưng cách giải quyết quá căng cứng, xỉ nhục con người, đẩy Tuyên đến đường cùng. Sao lại xử sự với Tuyên quá đáng vậy? Vợ Tuyên bảo, vì phải chấp hành lệnh trên. Đối với Tuyên, chị không thể thiên vị người nhà được. 

Vợ Tuyên nói với Quân, trước khi bỏ làng ra đi, Tuyên còn để lại mảnh giấy này. Chị lục trong mớ sổ sách một mảnh giấy pơ luya chữ viết nguệch ngoạc: "Trời ơi! Hận lắm! Nhục lắm! Đau đớn lắm! Ta phải đi khỏi làng để rửa mối hận, mối nhục này! " 

Nhớ hồi mới vào mặt trận, trung đoàn trưởng nói rằng ai vượt được Trường Sơn vào chiến trường đã xứng đáng đề nghị nhà nước thưởng Huân chương. Câu nói tuy chỉ là động viên chiến sỹ, nhưng thực sự đánh giá đúng công lao của những ai đã vượt Trường Sơn. Khi làm cán bộ chuyên trách chính sách, Quân luôn nghĩ đến Tuyên. Làm sao để Tuyên được hưởng một chút chính sách, bù đắp những gì Tuyên đã cống hiến thời ở mặt trận. Nhưng mọi tìm kiếm đều vô vọng. Việc không biết Tuyên giờ sống chết ra sao cứ dằn vặt Quân mãi.

Giờ Quân đã về hưu, cấp hàm Đại tá. Huân chương đeo kín ngực. Mái tóc bạc bồng bềnh trong gió. Chỉ một nỗi vẫn chạnh buồn là chất độc da cam Mỹ đã làm cho vợ chồng Quân vô sinh. Nuôi được đứa con gái nuôi thì đã gả chồng. Công tác xa nên thỉnh thoảng mới đáo về thăm bố mẹ. Lắm lúc nhớ thời chiến tranh. Nhớ bạn chiến đấu, Quân lại thập thững chống gậy đi tìm bạn chiến đấu xưa. Hình ảnh Tuyên lại hiện về ám ảnh. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Nhiều lúc thẫn thờ như mất hồn, vợ Quân hỏi làm sao anh cứ thừ người ra thế? Quân nói ý định với vợ bố trí trở lại Thổ Sơn lần nữa xem sao. Đất nước yên hàn rồi, biết đâu Tuyên đã trở về quê. 

Thổ Sơn giờ thật khác. Đường bê tông về tận xóm. Đồng lúa mướt xanh. Khu lò gạch thủ công xưa đã là nhà máy gạch hiện đại. Xuống bến xe Thổ Sơn, Quân vẫn nhớ đường về ngôi nhà Tuyên xưa. Trên nền ngôi nhà cũ gần mé sông đã mọc lên ngôi nhà xây mới. Không thể nhận ra vợ Tuyên xưa. Cô xã đội trưởng ngày ấy đã thành bà già quắt queo. Vẫn một mình chống chọi với muôn mặt đời sống mấy chục năm trời. Dạc dày tàn tạ vì ân hận. Con gái cũng đã đi lấy chồng, giờ công tác trên huyện. Rót nước mời Quân, thỉnh thoảng vợ Tuyên lại lấy khăn thấm nước mắt. Hết chiến tranh, vợ Tuyên cũng cất công đi tìm chồng. Hễ thấy ai đồn về Tuyên đang ở đâu là vợ Tuyên cùng với con gái dù tốn kém thế nào cũng khăn gói đi ngay. Quân đã được nghe vợ Tuyên kể những ngày cơ cực phải gánh chịu sau ngày Tuyên bỏ làng, bỏ vợ con đi mất tích. 

Bao tin đồn, bao giả thiết quanh việc Tuyên bỏ làng ra đi.

Người ta đồn, do uất quá Tuyên đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn. Tin đồn này không có căn cứ, bởi thời gian Tuyên bỏ nhà ra đi, dọc sông Hồng không thấy xác ai chết trôi.

 

Người ta suy diễn từ câu Tuyên viết khi đi khỏi làng, để "rửa hận, rửa nhục", chắc Tuyên đã trở lại chiến trường tìm đơn vị cũ, chẳng may đi giữa đường bị bom Mỹ, chết tan xác. Nhiều người lính ở mặt trận về lại cả quyết rằng đã gặp Tuyên trở lại chiến trường miền nam, chiến đấu anh dũng và đã hi sinh đâu đó ngoài mặt trận.

 

Lại cũng có người kể rằng: rời khỏi làng Tuyên đã lên một tỉnh thượng du, mở lò đốt gạch, đang ăn nên làm ra thì xảy ra cuộc chiến tranh năm 1979. Quân đội bên kia đã phá nát khu lò gạch bởi người chủ nhân của nó cùng một số người dân địa phương đã dựa vào lò gạch chống trả quyết liệt. Chúng bắt được chủ lò gạch rồi dùng lưỡi lê chọc mù đôi mắt anh ta. Với đôi mắt mù, anh phải lang thang xin ăn khắp Cao Bằng Lạng Sơn. Vợ Tuyên cùng con gái đã lặn lội tàu xe tới tận nơi, nhưng chỉ là tin đồn.

 

Quân chia sẻ tất cả với những nỗi niềm của người vợ bạn nhiều khuất khúc đắng cay và hối hận, đã không tiếc công đi tìm chồng. Chỉ còn hy vọng những ngày tới liệu có tìm được Tuyên trong chương trình " như chưa hề có cuộc chia ly", hoặc sẽ tìm thấy tên anh trên tấm bia Liệt sỹ ở một nghĩa trang nào đó, dọc con đường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước oanh liệt.

 

11- 7- 2009

 

LÀNG QUÊ ĐA SỰ

 

Không phải để tâm tới nhà Vanh "sùi" ấy làm cóc khô gì. Việc mình mình làm việc họ họ làm. Anh em huyết thống mấy đời đấy nhưng từ lâu nhà mình nhà họ coi nhau còn hơn ao bèo nước lã. Nó cậy nó là cán bộ thoát ly, coi anh em làng xóm bằng nửa con mắt. Mình chả có gì bì được với nhà nó. Bây giờ về hưu, cũng là dân chứ tranh bá đồ vương nước mẹ gì. Cứ hình dung mấy chục năm trước nó có coi nhà mình ra cái thá gì đâu. Lúc nào cũng cong cớn vì cả nhà nó hưởng tem phiếu không phải lo lắng bợn cợn một chút nào về nỗi vật lộn cơm áo vất vả ngược xuôi. Vợ nó trắng phây phây. Khi ở quê thì tứ thời chân đất không biết tới cái mầu guốc dép là gì. Quần áo vá chằng vá đụp. Không có chiếc nón lành để đi chợ. Nói thì ngọng líu ngọng lô. Thế mà thằng chồng thoát ly, làm ở ngành kinh tế kinh teo gì đó, làm sao một lúc kéo được cả đàn vợ con láo nháo sung vào hưởng chế độ cơ quan nhà nước với năm miệng ăn theo, hàng tháng phiếu gạo phiếu thịt sẵn không phải nắng mưa đồng áng tối tăm mặt mày. Gặp người làng mặt cứ vênh lên lườm giời. Cái ngữ ấy tưởng không dám vác mặt về làng. Thế mà giờ mặt dày mày dạn nhơn nhơn không biết xấu hổ. Lại còn ra vẻ người hàng tỉnh về. Chẳng qua là thất thế, không trụ lại được ở cái nơi người đông đất chật sớm bảnh mắt đã sặc mùi xăng ô tô xe máy, còi rú đinh tai nhức óc. Cái thằng cha đỡ đầu cho nó tếch về Hà Nội rồi, chẳng còn chỗ dựa nữa, nên mới tìm cách dò về quê, chứ bộ dạng gì.

- Gớm, kệ người ta. Miệng ông ăn phải dáy chắc? Thừa hơi nói tới quân mặt dơi mắt trắng môi thâm ấy.    

- Thì cũng nói cho thằng quí tử nhà mình nó biết. Liệu mà tránh quân ấy ra. Ngày trước nó khinh mình thì bây giờ mình cũng có quyền khinh lại nó.

- Thôi thôi, tôi đã bảo ông thôi mà. Chẳng qua người ta đánh hơi thấy đất quê đang được đền bồi quy hoạch lên giá nên mới dò về quê đấy. Thính mũi lắm. Nghe nhà ấy đâm đơn ủy ban xã đòi chia đất hương hoả với thằng anh vốn ốm dặt ốm dẹo, trước nó có nhòm nhỏ gì đâu, ma đất nó ám thôi. Mà cũng chẳng liên quan liên tỉnh gì đến mình, chuyện anh em nhà họ kệ họ.

- Chả kệ họ thì sao? Nhưng phải biết để mà hành xử. Tôi nhắc là nhắc cái thằng Xước nhà mình, bà phải cảnh giác với nó, đừng thấy cái con La nhà ấy ngực có khe quần không che hết rốn mà ve ve vãn vãn là không được. Họ hàng cũng là họ hàng xa. Bây giờ chúng nó có coi là gì!

Ngồi ngất ngưởng vắt chân trên chiếc sa lon gỗ nghiến sang trọng mới sắm, thỉnh thoảng mới quơ tay vớ ấm nước trên chiếc bàn lót tấm kính dày cộp, rót đầy chén nước trà, tợp luôn một hơi, rồi rít một điếu thuốc lào, ngửa cổ phả từng cuộn khói từ trong miệng trong mũi ra. Luật "hói" chuyện với vợ trong làn khói thuốc mịt mờ. Cốt là để cho thằng Xước quí tử đang nằm trong buồng nghe được. Đã sáng bảnh mắt nó còn oằn oại trong chăn chưa chịu dậy.

- Mấy ngày nay nghe thiên hạ nói, nó với con La nhà Vanh "sùi" cứ xoắn lấy nhau. Không được phép! Nhà ấy với nhà mình khác nhau xa. Bây giờ mình cũng chả kém cạnh gì. Nhờ có con đường nhà nước đánh qua làng, đất nhà mình xưa có rao rách miệng chẳng ai thèm mua. Vậy mà chỉ có một vạch trên bản đồ quy hoạch làm đường cao tốc qua là có bạc tỷ đút túi. Thật, hơn cả nằm mơ. Có tiền là có nhà, có tiện nghi. Cơ ngơi này kém gì nhà Vanh "sùi" trên tỉnh. Nó thì lợi dụng chức tước mới có. Còn mình là do đất đai ông cha để lại. Bây giờ nó thấy ở làng đất đai được nhà nước đền bồi, không phải mồ hôi nước mắt gì mà cầm hàng đống tiền. Ngốt quá nên mới tìm về đòi chia đất hương hoả với anh nó. Đấy, thử so mà xem, nó kiếm được của nhà nước, bị người đời khinh thường, chứ còn mình là do đất đai tổ tiên để lại, ai nói vào đâu được? Có móc ngoặc với thằng cha làm dự án tính thêm chút đỉnh cũng vẫn còn trong sạch chán. Giời cho còn khoẻ còn khối thời gian để mà hưởng lộc.

- Ông cứ lẩm nhẩm mãi làm gì? Bảo đi ra trụ sở gặp Ban quản lý dự án đòi nốt tiền mà chưa đi, cứ cà kê mãi.

- Nhà nước người ta làm việc có giờ giấc. Bây giờ mới bảy giờ mười lăm, còn những mười lăm phút nữa kia mà. Đây ra đấy mươi phút chứ mấy!

- Mình đến sớm vẫn hơn!

- Thì đi!

Luật "hói" khật khưỡng ra khỏi nhà, còn nói với lại, bảo thằng Xước nó dậy đi, có chạy rốt đa cái xe thì phải cẩn thận, cái xe mới mua một đống tiền đấy, đừng có để va quệt. À mà hôm nay bà đi chùa à? Thế thì bảo nó trông nhà. Cẩn thận kẻo trộm.

Xước uể oải tung chăn ngồi dậy. Ngáp mấy ngáp rõ dài.

Luật "hói" vừa đi vừa huýt sáo. Giai điệu lẩm nhẩm trong đầu bằng lời ca đã được xuyên tạc đến méo mó. Khi có tiền liền đánh bạc, mà đánh bạc sợ gì thua, dù mưa nắng sớm trưa, ta ngồi chơi xới bạc, xoá sạch hết ưu phiền, tiền ta sẵn ta chơi... Vợ Luật kêu hát gì mà nhố nhăng vậy? - Cả đời nghèo túng, giờ một lúc được nhà nước đền bồi hàng cục tiền, tội gì mà không chơi. Nhà xây rồi. Xe sắm rồi. Ruộng vườn chẳng còn gì, lấy đâu ra việc làm, thì chơi có gì là lạ? Cả làng cả xóm chơi chứ riêng gì mình. Nói là ra trụ sở gặp Ban quản lý dự án mà chân Luật lại ngoắt về phía đầu làng nơi mấy con bạc đang chờ.

- Bảo dậy mà vẫn còn ngáp à? Mày đã nghe thấy bố mày dặn gì chưa? Chiếc xe là cả một bịch tiền ném vào đấy. Đừng có để sứt sát gì.

- Nghe thấy rồi! Nói lắm, sốt ruột.

- Còn chuyện con La nữa. Cấm! Nhà mình với nhà nó không có hợp nhau. Bố nó thất thế trên tỉnh. Đã giàu có còn về quê đòi đất hương hoả của thằng anh nghèo kiết xác.

- Mẹ lắm chuyện. Không phải việc nhà mình!

- Thì thiên hạ người ta đồn ầm lên đấy. Rõ dơ!

- Mẹ tắt cái đài rè của mẹ đi. Thiên hạ thế nào mặc kệ người ta.

- Ơ cái thằng này, láo nhỉ, dám chặn họng mẹ thế à?

- Láo, lúc nào cũng láo láo!

- Mày đừng có chẹn họng mẹ mày. Nhớ ở nhà trông nhà để mẹ đi lễ chùa.

- Mai đi không được à?

- Nhưng mẹ sắm lễ rồi. Hôm nay mới là ngày đi chùa.

- Vẽ vời. Mẹ đi rồi về nhanh đấy!

- Xong mẹ về. Nhớ trông nhà cẩn thận đấy. Thời buổi trộm cắp như rươi.

- Mẹ đi cho nhanh đi! Về để con còn đi chạy rốt đa xe.

- Cẩn thận đấy nhé! Đợi mẹ về mới được đi đấy!

- Mẹ cứ yên trí.

Nói vậy nhưng nữ chủ nhà còn phải vôi ve cái mặt, kẻ lông mày vút con chỉ, tô mắt tô môi một lúc lâu mới ra khỏi nhà. Vợ Luật khệ nệ túi vàng hương. Thời buổi đền chùa đình đám lên ngôi. Không biết đi đền chùa là thiệt thòi lớn. Có phải người ta bỏ tiền tấn ra tu bổ, xây đền xây chùa là vô cớ đâu? Có chuyện cả đấy. Không thế lấy đâu chỗ để cho vợ con các ông lớn đi cầu tài cầu lộc cầu quyền cầu chức, cho chóng thăng quan thăng tiến, đứng trên thiên hạ, vơ vét thật nhiều, anh em họ mạc được kéo đàn kéo lũ nắm giữ những vị trí ngon bở trong các cơ quan đoàn thể. Cứ theo các bà mệnh phụ của các quan chức thì cầu cúng hiệu nghiệm lắm. Nhỏ thì hầu đồng, lớn thì lễ hội. Không linh ứng thì nơi nơi bỏ tiền tỷ ra tổ chức lễ hội làm gì? Cầu được ước thấy mà. Như lời các bà kể thì trần sao âm vậy. Bên kia họ cũng cần nhiều tiền nhiều vàng, cũng có chuyện phải cầu cạnh. Họ cũng cần tiện nghi, nên mới phải sắm đô la, sắm ô tô xe máy, ti vi, láp tốp, hoá cho họ dùng. Lễ to thì lộc lớn. Cúng tiến nhiều thì thánh thần thương! Nhưng cũng có người bảo làm vậy vô tích sự, bởi bên kia họ linh thiêng liêm chính lắm, đốt tiền giả, đốt ti vi tủ lạnh ô tô xe máy giả, để người trần ngửi khói thôi. Họ đâu có cần. Thật chẳng biết nghe ai. Thôi thì cứ lễ. Biết đâu chẳng được phù trợ. Vợ Luật nghĩ vậy. Tốt nhất là gửi cho các cụ khoản đô la âm. Bây giờ giao thương toàn cầu, các cụ sử dụng cho tiện.

Thằng Xước một mình ở nhà tha hồ quậy. Không ai xét nét nó vào lúc này. Nó vớ chiếc Nokia đắt tiền, gọi:

- Em à? Sang với anh đi.

- Em sợ bố mẹ anh lắm!

- Sợ gì? Tếch cả rồi! Bây giờ ở nhà có mỗi mình anh làm chủ cả thế giới.

- Chút nữa được không cưng?

- Sang ngay! Rồi anh cho đi tập lái xe.

Chưa đầy mươi phút, chiếc xe Vespa láng coóng lướt nhẹ nhàng vào nhà Luật "hói". Một cô gái ăn mặc sành điệu, váy thậm ngắn, áo hai dây, treo sơ sài bộ ngực rất chi vâm váp.  Xước chạy ra đon đả dắt xe vào sân.

- Em nhanh thế?

- Anh bảo sang ngay còn gì?

- Vào nhà đi, vào nhà đi!

Chỉ một loáng sau hai đứa đã xoắn vào nhau trên chiếc sa lon gỗ nghiến mới trước đó bố thằng Xước vừa ngồi.

- Này, bố mẹ anh vẫn không đồng ý chuyện chúng mình à?

- Không đồng ý rồi cũng phải đồng ý.

- Liều thế, tránh vào chỗ khuất hơn rồi hẵng…được không?

- Nhà mình, việc gì phải tránh?

Hai tay Xước sục sạo không thương tiếc vào những vùng kín đáo của La. Cô gái rên ư ử như mắc chứng động kinh. Không chịu được nữa La níu vật Xước xuống. Chỉ còn hai đứa thở và rên, cuống quýt, cuồng nhiệt như giữa đấu trường. Mệt phờ, Xước nằm vật ra. Cô gái bật dậy chạy vào nhà tắm.

Hai đứa mở tủ lạnh lấy sữa chua bón cho nhau. Rõ như hai con chim bồ câu mớm mồi, trông vừa âu yếm vừa tởm tởm. Thằng Xước hỏi:

- Chuyện đất đai nhà em sao rồi?

- Vẫn nhì nhằng vậy. Em có để ý gì đâu. Chuyện ấy là của bố mẹ em.

- Nhưng đất của bác em có vào diện quy hoạch đâu, đòi làm gì cho mất công.

- Bố mẹ em bảo đất hương hoả phải có phần. Chờ đấy biết đâu sau này có giá.

- Các ông bà tính toán ghê thật!

- Mà nghĩ cũng tội ông bác em gầy nhom nhom, bảo với bố mẹ em rằng, xin chú thím nghĩ lại, đất này còn thờ ông bà tổ tiên, cắt cho chú thím một mảnh anh chị không tiếc, nhưng thiên hạ chê cười. Thế mà bố mẹ em cứ khăng khăng đâm đơn lên uỷ ban xã.

- Về đây, bố mẹ em đã mua nhà của hợp tác thanh lý rồi cơ mà?

- Nhưng đất đai là nỗi đam mê vô tận của bố mẹ em. Em thương bác bá em nghèo xơ xác, nhưng mình là trẻ con không làm gì được.

- Thôi kệ chuyện các ông bà già. Bây giờ ta đi chơi. Cất chiếc Vespa của em vào kia. Ta có quyền phóng ô tô đi để dành cho em tập lái.

- Cưng của em thật là tuyệt vời!

Chiếc xe Toyota Camry 2010 mới khựng từ từ lăn bánh ra khỏi ga ra, thẳng tiến về phía cánh đồng đầy bụi phủ.  Đường sá ở đây đang xây dựng, khói bụi nghẹt thở. Đám thanh niên không coi tính mạng mình là gì vẫn phóng xe máy như điên. Khủng khiếp nhất là mùa hè. Mặt ai cũng kín trong khẩu trang. Đã nóng nực càng thêm bức bối. Ấy vậy mà cô cậu ngồi trong xe máy lạnh, mát lẹm. Cảnh tượng thật tương phản. Đúng, ở đời này may hơn khôn. Nếu không có vài tỷ đền bồi đất đai thì bao giờ cái kiếp nhà Xước mới được ngồi xe sang trọng từng này? Được tiền không mua sắm ngay là mất giá. Đồng tiền xuống giá như có ai ăn cướp. Đầu năm có thể mua được căn hộ, cuối năm chỉ đủ mua gạch.

- Sao bố mẹ anh chiều anh vậy? Xe mới coong mà dám đưa đi tập.

- Ấy đã một đời xe rồi đấy. Xe trước là chiếc cà tàng, cốt cho anh sử dụng thông thạo, bán đi, rồi mới mua xe mới. Xe này là chiếc thứ hai đấy.

Còn La ở thành thị, bố mẹ có máu mặt, đi xe sang như cơm bữa. Nhà Vanh "sùi" nổi tiếng kiếm tiền dự án, giờ nghỉ hưu không còn kiếm chác được gì. Về quê là để đổi gió. Giá như chịu khó học hành thì bây giờ La đang ngồi ở ghế một trường Đại học nào đó. Nhưng trời ban cho đức tính lười học, cho nên còn chờ cơ hội học tiếp chuyên tu hay tại chức gì cũng được. Về quê rất hợp với tính phóng khoáng của La. La cũng vui vì gặp Xước là đứa ga lăng nhà quê sẵn sàng không tiếc tiêu tiền của bố mẹ. Lại còn được rủ đi tập lái xe. Ở thành phố làm gì phóng khoáng như vậy.

- Em về quê thấy thế nào?

- Rất thích, rất phù hợp với cá tính của em. Đi chơi trên đồng làng rất thoải mái. Em định sẽ làm một phòng văn ở chỗ bố mẹ em được thanh lý ý, để lúc cao hứng ngồi viết sách.

- Em lãng mạn quá. Bây giờ viết sách có mấy ai đọc?

- Kệ họ, em viết cho em. Khối đứa tuổi em nó viết truyện sếch hay lắm.

- Truyện thế nào?

- Như khi nãy em với anh ở nhà ấy. Truyện đó viết ra bảo đảm đắt như vàng.

Xe vòng vào bãi đất bằng bỏ trống đang của một dự án nào đó, cỏ đã mọc xanh rì. Nơi này tha hồ tập cho xe vòng vèo tiến lùi thoả sức. Xước trao tay lái cho La. Thế thế, phải biết kết hợp nhịp nhàng. Quan sát, xử lý các tình huống. Đúng rồi đúng rồi, em thông minh lắm, kiểu này chỉ mấy hôm là có thể lăn bánh xe ra đường. Em run lắm. Không lo gì. Con gái lái xe trông dáng rất đẹp. Anh chỉ khéo nịnh.

Cũng phải về thôi, về muộn gặp bố mẹ anh, em sợ lắm!

 

Luật "hói" chắc vớ bẫm trong chiếu bạc nên khi trở về nhà miệng hát oang oang. Khi có tiền liền đánh bạc, mà đánh bạc thật hay, tiền lập tức trao tay, nơi thằng thua phải chịu, đánh cho hết cơn nghiền, tiền cứ đến liên miên. Ngày tìm nhau liên tiếp, đánh cho quên tháng ngày, rồi cùng nhau vui chơi, đến khi nao nhẵn túi...Tiếng hát chỉ được dừng lại khi thấy vợ Luật hớt hơ hớt hải quát gọi:

- Ông về ngay, nhà mình có chuyện rồi.

- Chuyện gì?

- Chuyện...chuyện...

- Gì mà cuống lên thế?

- Thằng Xước nhà mình bị tai nạn ô tô.

- Ai bảo?

- Người ngoài đồng về báo.

- Ô tô nào?

- Ô tô nhà mình.

- Tôi đã nói rồi mà, không được để sứt sát.         

Vợ chồng Luật "hói" chạy hộc tốc ra phía cánh đồng. Từ xa đã thấy đám đông xúm đông xúm đỏ. Người ta đang tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi xe. Không còn phải ngạc nhiên. Đó chính là chiếc xe của Luật "hói".

Thằng Xước máu me khắp người. Mắt lồi ra. Kéo được thằng Xước ra khỏi xe, nó chỉ kịp nói thều thào "bố" rồi lịm đi. Vợ Luật nhìn thấy con, ngất sỉu luôn.

Sau mới rõ, trên đường về nhà, Xước trao tay lái cho La, ngồi kèm cho La lái. Loạng quạng đâm vào đít chiếc xe công nông đỗ cạnh đường. Đầu chiếc Camry bẹp dúm. Chiếc đèn pha vỡ tan tành.

La cũng bị thương. Nhà Vanh "sùi" nghe tin con gái bị tai nạn, vội vàng có mặt tại hiện trường, rồi cấp tốc chở con gái đi cấp cứu. Mặc cho những con mắt không mấy thiện chí nhìn theo.

Kết cục bi thảm. Dân làng nói không tiền cũng khổ mà nhiều tiền cũng khổ! Vào khoảng trăm ngày cho Xước, Luật "hói" gặp Vanh "sùi" trên đoạn cổng làng, đã lâu lắm họ mới lại gật đầu chào nhau. Cô La bụng chửa hơn ba tháng, tới nghĩa địa làng cắm hoa lên mộ người xấu số. Cô xin được đến thắp cho người yêu nén nhang.

 

           5-2010

 

SỢ GÌ MƯA GIÓ     

 

Câu chuyện này của một người đàn bà ở một tỉnh trung du thời chống Mĩ. Sau khi để lại bức thư lạ lùng cô ta đã đi đâu biệt tăm. Có người bảo trong đêm mưa bão bùng cô đã ra cầu Giang Hà nhảy xuống sông. Nhưng không thấy xác nổi lên ở đâu. Cũng có người bảo cô đã lên núi xa lánh đồng loại. Nhưng người nhà đi tìm không thấy. Ngay cả những người làm nghề sơn tràng, đã đốn phá bao nhiêu cây rừng cũng bảo không thấy tăm tích cô ở bất cứ khu rừng nào. Bức thư được tìm thấy dưới bát hương bàn thờ nhà cô.

 

Đực thô tháp lấm láp của đời em!

Nếu cuộc đời người ta cứ xuôn xẻ thì chẳng cần phải bận lòng với những chuyện đâu đâu làm gì. Nhưng đời người dài lắm. Đời càng dài càng lắm nỗi vân vi. Không nói điều này với anh, Trầm như thấy có lỗi vậy. Mà có lẽ cũng chỉ có anh mới thấu hiểu, chỉ có anh mới có thể san sẻ được những nỗi sâu kín trong lòng Trầm. Chứ còn biết nói với ai? Đành rằng bây giờ vật chất đối với Trầm không có gì phải băn khoăn. Nhưng càng đầy đủ bao nhiêu Trầm càng xót xa. Nhớ quay quắt cái ngày chúng mình thơ dại. Cơm độn sắn khoai. Làm lụng huỳnh huỵch. Không kể sớm trưa cày bừa cấy hái. Thế mà còn bao nhiêu thời gian dành để cho nhau. Có lần Đực dúi Trầm vào bụi tre. Gai cào thướm máu. Thế mà thành vợ chồng. Có lần chuẩn bị dọn cơm rồi. Mặt mũi còn đầy bụi tro bếp, Đực bảo kệ chưa ăn vội, làm cái đã. Đực kéo vào buồng. Cái giường gỗ xoan rung bần bật. Đực vâm váp. Đực hết mình. Đực hết mình yêu em. Ngày ấy nghèo mà sao khoẻ thế. Rồi chiến tranh. Đực có giấy gọi nhập ngũ, hành quân miết vào chiến trường. Có đêm nhớ Đực, Trầm cứ ghì riết tấm aó nâu từng thấm mùi mồ hôi của Đực  vào lòng. Nước mắt đầm lên gối. 

Đực thô tháp lấm láp của đời em!

Người ta bảo rằng em xinh giòn. Xinh đậm đà chứ không phải xinh kiểu hời hợt do phấn son tỉa tót. Em cũng nghĩ rằng họ nói vậy là thực. Cứ thấy da thịt hồng mịn rừng rực. Liếc vào gương tự thấy mắt ướt long lanh, má lúc nào cũng ửng chín. Khổ thân em, cứ phải gắng làm việc thật lực để tiêu hao sức lực. Ban ngày đồng áng hợp tác. Ban đêm trực chiến dân quân. Vất vả vậy mà chẳng thấy ốm đau gì. Dạo ấy Mỹ đánh phá cả ban đêm. Lũ con gái thay phiên nhau lên đồi Cây Đa luyện tập bắn máy bay tầm thấp bằng súng 12 ly 7. Thức đêm đến mọng mắt. Mệt quá thì ngủ gà ngủ gật. Đêm đen đồng loã với những trò ma xui quỷ khiến. Cái Mơ đắm đuối với anh chàng huyện đội huấn luyện bắn súng. Cái Mận thì phải bả ông xã đội. Họ đều có vợ, nhưng thèm gái trẻ. Họ vật nhau phờ phạc cả đêm. Còn em không ngoài tầm ngắm của chàng xã đoàn bảnh trai. Anh lạ gì tay ấy. Kiểu sát gái, có ông chú làm trên tỉnh. Bao nhiêu đợt nhập ngũ, Kiểu đều đứng ngoài danh sách tuyển quân. Kiểu theo em nhằng nhẵng. Trong lòng em khinh bởi trai thời loạn mà sợ chết. Biết em coi thường nhưng Kiểu bám em như đỉa. Cái Mơ cái Mận mải theo người tình. Còn em một mình ngồi ngáp bên cỗ súng. Kiểu đến lúc nào em không biết. Em bị vật ngay ra đám cỏ. Đôi tay Kiểu sành sỏi và thô bạo. Cực kỳ thô bạo. Em run bắn. Mê mẩn khắp người. Tim đập giần giật. Tưởng không cưỡng nổi. Nhưng đột nhiên em co cẳng đạp Kiểu một cái thật mạnh. Mạnh lắm. Đạp gần trúng chỗ hiểm. Vì danh dự, vì tự vệ hay vì gì em cũng không biết nữa. Kiểu kêu ối. Một lúc sau mới ngồi dậy được. Kiểu van em đừng làm lộ chuyện bởi sắp được cấp trên cho đi học lớp gì ấy để cất nhắc lên huyện. Em được yên thân để nghĩ đến anh. Để được tự hào cho đến lúc này còn gìn vàng giữ ngọc không hổ thẹn với anh. Thư anh về, em đọc nghiến ngấu trong nước mắt. Bức thư sau Mậu Thân 1968 anh bảo em thắng lợi tới nơi rồi, Mỹ nguỵ thua đau lắm, đơn vị anh mừng chiến thắng được mặt trận thưởng ba tạ gạo, không lo đói. Anh dặn em chờ đợi. Thì em vẫn chờ. Thắt ruột mà chờ. Nhưng có ngờ đâu, như lời người xưa “ cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” lại không trừ anh. Giấy báo tử đến trước bức thư cuối cùng anh gửi cho em mấy tháng trời. Trần Đực đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía nam. Em khóc cạn nước mắt. Em khóc nhoè hết trang thư. Em khóc nhoè hết trang giấy báo tử. Ngoài hai mươi tuổi đầu em thành vợ liệt sĩ.

Đực thô tháp lấm láp của đời em! 

Chính vì là vợ liệt sĩ mà em được ưu tiên điều lên huyện làm nhân viên huyện đoàn. Thời ấy quan trọng lắm. Cán bộ nhà nước được hưởng tem phiếu. Khụng phải lo vật lộn với miếng ăn, cỏi mặc. Thoát cảnh chân lấm tay bùn vất vả. Ai cũng muốn chả cứ gì em. Một cô gái nhà quê vụng về bỗng thành cán bộ hàng huyện. Được tiếng là xinh giòn, em mừng ít lo nhiều. Bao con mắt đàn ông cứ hau háu chĩa vào da thịt em. Lại có người còn rình trộm em tắm. Nhà tắm che vài phên liếp sơ sài trăng dọi xuống mồn một. Em phải che thêm lá cọ. Công việc hằng ngày của em là đun mấy ấm nước cho cả cơ quan, nhận và phát công văn thư từ cho mọi người. Em làm việc dưới quyền chánh văn phòng huyện đoàn. Nhàn tênh. Thực ra  cũng chỉ là những việc sai vặt. Chánh văn phòng tít mắt vì em. Em biết chứ. Những cái va chạm cố tình. Những ánh nhìn cố ý. Như cố soi qua quần áo em. Những lúc ấy em tìm cách lảng hoặc vờ như không biết. Những câu nói ỡm ờ cau quá lứa mạ quá thì em như không nghe. Những cử chỉ gợi tình em vờ không thấy. Không biết không nghe không thấy, làm cho anh ta có vẻ mất cả kiên nhẫn. Cả cái ông kỹ thuật bên phòng nông lâm, chẳng có công việc gì liên quan tới huyện đoàn cũng lân la mượn cớ sang hút thuốc lào với chánh văn phòng, nhưng là để tán tỉnh em. Trưa hôm ấy thấy chánh văn phòng lẳng lặng đập tan chiếc điếu . Em cười thầm trong bụng. Nhưng còn một người mà nói ra Đực không ngạc nhiên. Kiểu sau thời gian đi học trở về được bổ nhiệm lãnh đạo huyện đoàn. Lúc ấy em mới biết vì sao em được điều lên làm nhân viên huyện đoàn dễ dàng thế. Kiểu vẫn không buông tha em. Dù rằng Kiểu vừa kết hôn với cháu chủ tịch huyện.

Đêm ở nơi sơ tán lạnh vắng vô cùng. Rừng cây âm u. Mấy lùm nứa khum che mái lán lọt thỏm trong tiếng côn trùng rấm rứt. Tiếng con chim đêm “chót bóp” nghe thật thảm. Ngày xưa có cậu thanh niên đêm thường rình gái để bóp vú. Bóp nhầm phải vú chị gái, xấu hổ quá, chết biến thành con chim “chót bóp” thật khuya mới dám than vãn. Em phải ở lại trực cơ quan. Thời chiến, không lơ là được. Trực lãnh đạo lại là Kiểu. Mưa rả rích cả đêm. Những lá mục nhay nháy ánh lân tinh như mắt ma. Em nghe như có tiếng beo gầm. Em sợ ma. Em sợ cả beo. Em trùm chăn kín đầu. Ngạt thở. Lúc ấy Kiểu lần đến. Ân cần như lãnh đạo chăm sóc nhân viên. Em cực kỳ bối rối. Kiểu bảo vẫn nhớ đời cú đạp ngày dân quân trực chiến. Nhưng vì em hấp dẫn quá làm Kiểu không đừng được. Hơn nữa Đực đã hy sinh rồi, chờ đợi vô vọng làm gì cho tội nghiệp, Kiểu nói vậy. Giữa chốn rừng xanh núi đỏ em biết lấy gì tự vệ? Trong lúc em vô cùng lúng túng, Kiểu đã ghì chặt lấy em. Từ đấy mỗi tháng cũng vài lần phiên trực của em trùng với Kiểu. Giống như người giữa đường gặp mưa, đã ướt đành kệ ướt luôn. Em và Kiểu không còn giữ gìn gì nữa. Dù em vẫn coi khinh Kiểu, lắm lúc muốn giết KIểu, nhưng thân gái làm gì được. Đực ơi, chắc anh buồn lắm. Nhưng nếu còn sống chắc là anh tha thứ cho Trầm chứ? Vào hoàn cảnh của Trầm biết sử lý thế nào khỏi mắc tội hả anh?

Đời người mới tai ác làm sao. Chuyện dây dưa đàn ông đàn bà làm sao qua mắt được mọi người. Điều khủng khiếp ấy đã ập đến. Chánh văn phòng huyện đoàn nổi máu đố kỵ đã ngầm nói với cháu gái chủ tịch huyện. Sự đố kỵ và sự ghen tuông đã liên kết với nhau. Họ đã báo công an rình bắt quả tang Kiểu với em “quan hệ” với nhau trong đêm trực. Kiểu đang ghì chặt em thì một ánh đèn pin dọi vào mặt. Mấy anh công an đã xông vào trói nghiến em với Kiểu lại rồi lập biên bản. Lúc ấy vợ Kiểu mới xuất hiện. Chị ta xông tới định tát em thì chánh văn phòng huyện đoàn can. Chuyện trắng phớ rồi việc gì phải tốn sức. Anh ta cười đắc thắng. Kiểu bị kỷ luật cảnh cáo sơ sơ. Nghe nói ông chủ tịch huyện sợ kỷ luật quá tay Kiểu bỏ cháu gái mình thì khốn. Lại cũng nể ông chú Kiểu ở trên tỉnh nữa. Nhờ thế mà em cũng chỉ bị cảnh cáo rồi điều xuống bộ phận nhà bếp nấu cơm, làm tạp vụ.

Đực thô tháp lấm láp của đời em! 

Con người ta có những bước ngoặt rất lạ. Em cũng không thể tin được bước ngoặt ấy lại rơi vào chính em. Hôm đó hội nghị mừng công của huyện, em được điều lên bộ phận tiếp tân. Pha trà rót nước mời các đại biểu. Quần áo phải tinh tươm gọn gàng. Em mặc quần phíp, áo phin nõn. Đối với em thế là diện rồi. Không ngờ em lọt vào tầm ngắm của ông cán bộ đến dự hội nghị. Ông ấy nói là Tổng biên tập tờ báo “Hương sở”. Ông ấy rủ em về làm việc ở báo. Em bảo em có biết viết lách gì đâu. Ông ấy bảo không biết viết thì về làm hành chính. Quen rồi học sẽ làm được tất. Cái gì chẳng phải học. Thế là chỉ có tháng sau em nhận quyết định về toà soạn báo “Hương sở”. Công việc làm hành chính của em không lâu. Em được Tổng biên tập kèm cặp viết tin. Rồi viết bài dài dài. Tất nhiên là Tổng biên tập nhuận sắc bài viết. Em lấy bút danh Thanh Trầm. Tên em xuất hiện đều đều trên mặt báo. Đực ơi, nếu anh sống lại thì hẳn ngạc nhiên lắm phải không? Nhưng trên đời này có điều gì không xảy ra? Kiểu sau cái đận cảnh cáo có long đong một chút rồi vẫn được huyện cử đi nghiên cứu sinh, sắp làm ông phó tiến sĩ rồi kia kìa. Hôm Kiểu xuất hiện tại cơ quan em có vẻ hãnh diện lắm. Cả xã mình nay mới có người đỗ đạt cao! Toàn bằng con đường bổ túc. Ai cũng khen Kiểu là người có trí. Nghe nói làm xong cái luận án về kinh tế nông thôn mới, sẽ lên công tác ở tỉnh. Em thấy Kiểu và Tổng biên tập rì rầm nói chuyện với nhau rất lâu rồi cười có vẻ tâm đắc. Thỉnh thoảng lại liếc nhìn em. Còn em vừa có nghề vừa có danh. Thủ trưởng cấp cho em máy ảnh. Thời ấy máy ảnh nhiệm màu lắm. Hội nghị nào lãnh đạo chẳng muốn có hình mình trên mặt báo. Em được khắp các địa phương mời, lãnh đạo các nông lâm trường mời. Em cao giá lắm. Có ông giám đốc lâm trường mua cả xe đạp loại tốt cho em dùng. Thời khó khăn xe đạp là nửa tài sản đấy. Đến lâm trường, phòng Giám đốc coi như phòng em. Muốn đi về ăn ở tắm táp thế nào tuỳ ý. Đực ơi, anh làm sao hiểu cái cảm giác được thiên hạ săn đón cưng chiều. Mà em cũng quá quắt lắm cơ. Cái tính này đốc chứng từ khi đi làm nhà nước. Tội gì mà không quá quắt khi người ta tự biến thành con lừa phụng sự em. Có lần trời mưa, em cố tình bắt ông giám đốc lâm trường cõng em qua suối trước bao con mắt ngạc nhiên của thuộc hạ ông ấy. Khổ vì nhan sắc lại cũng khổ vì đam mê nhan sắc. Họ bảo em hành ông ấy. Em bảo ông ấy tự hành ông ấy đấy chứ. Em và giám đốc lâm trường đã tiến xa chuyện kết nghĩa. Tiếng đồn em và ông giám đốc lâm trường được chắp cánh bay khắp nơi. Làm sao tránh được đồn đại cơ chứ. Rồi bỗng một hôm, em được vợ giám đốc lâm trường mời cơm. Bà vẫn bênh em chằm chặp. Ai nói sao bà cũng gạt đi. Bà bảo chồng bà và cô Trầm là chỗ anh em kết nghĩa không có chuyện ấy. Ai nói giám đốc lâm trường với em lằng nhằng là đặt điều. Là vu khống. Ai cố tình nói chuyện giám đốc lâm trường quan hệ bất chính với cô nhà báo, bà sẽ bảo chồng bà đuổi việc. Họ sợ bị đuổi việc nên chả còn ai dám ho he. Bữa cơm chỉ có ba người ăn. Vui vẻ cười nói suốt bữa. Ăn xong dọn dẹp đâu đấy, vào bàn uống nước chị chị em em đàng hoàng. Bỗng bà ta đứng dậy đóng kín cửa, quay ngoắt lại đến trước mặt em, giang thẳng cánh tay tát em nổ đom đóm mắt, giọng rít qua kẽ răng: đồ đĩ, tao bảo vệ chồng tao thôi, chứ mày là cái thá gì, từ nay cấm con đĩ. Rồi bà ta lại ra ngoài cười nói như không. Nhớ lại gương mặt bà ta lúc ấy mà thấy ghê ghê. Chuyện ấy chỉ có ba người biết. Thời gian sau, Giám đốc lâm trường đã không bị lỡ thời cơ chuyển công tác lên Bộ, tận Hà Nội. 

Lại chuyện nữa với em không kém đa đoan. Cơ quan vừa có cậu nhà báo trẻ tên là Phàm được chuyển từ quân đội sang, khoẻ mạnh, đẹp mã, xông xáo. Cậu ta kiếm cớ đi công tác cơ sở cùng em. Sau một ngày đi săn tìm tài liệu viết bài, về nghỉ ở nhà khách huyện. Nhà khách vắng. Chỉ còn hai chị em. Cậu ta lân la sang phòng em nói chuyện. Cậu ta bảo chị đáng yêu thật đấy. Em bảo cậu đừng nói bậy. Bậy là bậy thế nào. Cậu ta vừa nói vừa ôm xoắn lấy em. Đã khuya, cậu ta hùng hục như trâu. Cậu nói hổn hển, bõ những ngày thèm khát thời lính. Em cũng thương hại cậu ta. Đực ơi, anh biết không, ở huyện người ta hay để ý lắm, chuyện trai gái ở những nơi chỉ biết phục tùng lề luật răm rắp là không có được. Ông bảo vệ cơ quan đã xuất hiện đúng lúc cao trào. Em và cậu nhà báo trẻ bị đuổi đi ngay trong đêm và có giấy báo về cơ quan xử lý.

Đực thô tháp lấm láp của đời em!

Em nói chuyện này sau cùng. Em chịu ơn Tổng biên tập đã giúp em có nghề lại còn có danh. Em đã đền đáp đúng theo nghĩa đen của sự đền đáp. Thì cũng vẫn sử dụng vốn ông cha để lại. Trong những lần chỉ có em với Tổng biên tập, ông ấy nhắc đi nhắc lại: em đẹp mê hồn, anh đã phát hiện điều đó ngay từ buổi gặp đầu tiên, không có em đời anh chán ngắt. Trời cho anh mà! Nhanh nào, anh điên lên đây này! Em luôn là nỗi thèm khát của anh. Quan hệ của em với Tổng biên tập luôn được giữ kín. Ông ấy không bao giờ đi công tác lại kéo em cùng đi. Ngoài mặt tảng lờ nhưng bên trong nồng cháy. Sành điệu và tế nhị từ mỗi cử chỉ. Ông ấy luôn nhắc nhở mọi người trong cơ quan phải giữ quan hệ trong sáng lâu bền. Mọi người rất nể ông ấy. Phải, rất nể bởi ông lúc nào cũng tỏ vẻ đàng hoàng. Với em ông ấy vừa cuồng nhiệt vừa hết sức âu yếm nhẹ nhàng. Ông ấy không hứa hẹn điều gì. Chỉ bảo em không cần có con. Ông ấy nhắc em phải giữ cho cả hai người. Lộ ra là mất sổ gạo chứ không bỡn. Chỉ một cái nháy mắt, biết ý là đến chỗ hẹn. Ông ta hào hoa lịch lãm với em. Chỉ có điều phải giấu vợ con. Họ biết chuyện sao tránh khỏi phiền hà.

Thế mà bây giờ ông ấy phải xử lý em và tay nhà báo trẻ. Buộc phải xử lý bởi nếu nhu nhược thì còn gì là phép nước nữa. Toà soạn đông đủ. Rất ít cuộc họp có đông đủ mặt nhà báo như lần này. Hẳn có người cười thầm trong bụng xem con Trầm ăn nói ra sao. Người không ưa em thì có dịp thì rỉ tai nhau cho đáng đời con phù thuỷ. Ai bảo nó hút hồn bọn đàn ông. Phải e hèm đến mấy lần Tổng biên tập mới cất được giọng. Liếc thấy ông ấy tội nghiệp quá. Mặt đỏ gay. Khó nhọc mãi ông mới phát âm nổi: hôm nay cơ quan họp kiểm điểm hai đồng chí “quan hệ bất chính”. Đồng chí Trầm và đồng chí Phàm trong đợt công tác vừa rồi đã có hành vi “quan hệ” tại lâm trường. Mời hai người đọc bản kiểm điểm. Em đã đứng phắt dậy. Nói gọn lỏn: Không cần phải kiểm điểm đồng chí Phàm. Hãy kiểm điểm tôi và đồng chí Tổng biên tập. Vì tôi và đồng chí “quan hệ” rất nhiều lần. Tôi nói sự thật đấy! Ngay ở đây còn mấy người khác tôi chưa nói. Tất cả ngơ ngác. Người há hốc mồm. Người trố mắt. Người cười hô hố. Lặng đi một lát. Tổng biên tập tuyên bố giải tán cuộc họp. 

Đực thô tháp lấm láp của đời em! 

Tại sao trời hành em nhiều vậy? Đàn ông quây lấy em khen em hấp dẫn rồi tìm cách chiếm đoạt em, chứ em có làm gì mà bảo hút hồn họ. Chả lẽ nhan sắc là có tội? Vì sao lại bất công vậy? Sao mình em bị qui tội? Lắm lúc em nghĩ nếu Đực còn sống thì đời em sẽ ra sao? Đực ơi! Em buồn quá. Như vậy có phải là tội? Em phân vân không biết chọn cách nào. Xuống tóc đi tu hay là đi đâu thật xa. Đi tu liệu có được giải thoát? Làm sao hết kiếp? Đi xa là đi đâu? Trời mưa dữ quá. Mưa tràn qua đường. Mưa thành dòng thành lũ. Đực ơi em đi, viết xong thư này cho anh là em đi. Sợ gì mưa gió.

 

Những ngày mưa lũ 8-2008

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...