Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Bí mật"

Tomasz Jastrun (Ba Lan) - 25-07-2011 04:59:06 PM

VanVN.Net - Nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự tốt nghiệp đại học tại Ba Lan, nguyên cán bộ giảng dạy  Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan. Lê Bá Thự đã có trên 20 đầu sách văn học dịch từ tiếng Ba Lan (không kể sách in chung). Ngoài dịch thuật ông còn sáng tác thơ (với tập thơ Hoa giẻ). Từng nhận giải thưởng Cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (năm 2000); Tặng thưởng dịch thuật của tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm, 2004, 2008); Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam về tiểu thuyết dịch Quà của Chúa (năm 2010). Bí mật là một truyện ngắn của nhà văn nổi tiếng Ba Lan Tomasz Jastrun. Một lát cắt tàn nhẫn của cuộc sống, nhưng qua đó, người ta thấy lấp lánh vẻ đẹp bí ẩn của tâm hồn con người. (L.A.H)

Dịch giả Lê Bá Thự

 

Bí mật

Trong ngày sinh lần thứ bốn mươi của mình gã đã hoàn thành một dự án lớn cho công ty của gã. Như thể ngày sinh năm tròn này, ngày vừa mưa vừa lạnh, là một ngày thành công của gã. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay gã nghỉ phép, tuy nhiên tạm thời gã chưa đi đâu cả. Sau những tháng ngày trăm công ngàn việc, gặp lại chính mình quả là điều thú vị. Buổi sáng chủ nhật đầu tiên của cuộc gặp này bắt đầu.

Apartament gã mua cách đây không lâu trên tầng mười hai của chung cư cao cấp có nhiều ô cửa sổ để ngắm cảnh mùa thu ở Warszawa. Thành phố này mà không có cây cối thì nom chẳng khác gì một bà già khỏa thân. Gã có cảm giác, gã đang nhìn thấy căn hộ bên dưới mái nhà màu xám ở đàng xa là căn hộ hồi trước của gã, nơi nảy sinh nỗi buồn vợ cũ của gã. Gã li dị vợ đã được ba năm. Cuộc chia tay năm đó làm gã đau đến tận bây giờ. Tại phiên tòa, gã nhận toàn bộ tội lỗi về mình, để thấy rằng, sau nhiều năm chung chăn gối vợ gã cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề như gã do sự đổ vỡ này.

Mới rồi, gã nhìn vào gương và bất thình lình gã nói với hình mình trong gương: - ta là một thằng giàu! Lâu nay gã không có thời gian để nhận ra điều này. Công ty Mỹ, nơi gã làm việc, đòi hỏi rất cao và trả lương cũng rất cao. Đứng bên cửa sổ ở sau lưng gã, gã đang thưởng ngoạn căn hộ còn thơm mùi nhà mới, rộng thênh thang của gã, được một nhà thiết kế nội thất thân quen sắp đặt và bài trí. Bên dưới là mái của hàng loạt ngôi nhà, xa hơn nữa là sông Wisla nom như một sợi chỉ, còn theo gã, như một mạch máu. Gã ngồi xuống chiếc ghế xa lông của mình. Gã cảm nhận, nỗi lo của gã đang biến dần, thay vào đó là sự trống rỗng vì nhàn rỗi.

Cuộc sống nào cũng bị sự trống rỗng đe dọa, cho nên ta mới hăng say nhét đầy cuộc sống trăm công ngàn việc, muôn ngàn ảo ảnh, cả đống những chuyện ngu xuẩn, mà ta cứ tưởng rằng đó toàn là những thứ quan trọng. Tựa hồ chúng ta chẳng chịu lo liệu gì cho tương lai, chúng ta chẳng khác gì những con nhện thông minh, nhưng mù quáng. Cũng có những thời điểm, trong ánh chớp, nhìn thấy mỗi người chúng ta chỉ là một cục thịt nhỏ được ban đôi mắt và bộ óc, đặt trên sợi chỉ mảnh mai chẳng treo vào đâu cả. Gã cảm nhận gã đang như vậy, gã đang lửng lơ treo, vừa thấp mà lại vừa cao, tựa hồ đỉnh là cái chóp lộn ngược vậy.

Mỗi khi con tim gã giá lạnh, hóa thành nhũ băng, gã thường tìm cách sưởi ấm bằng việc hồi tưởng những cuộc tình. Nhưng lúc này gã chẳng thể tập trung, cùng lúc gã nghĩ về mấy người đàn bà liền, họ xuất hiện, họ biến mất cùng với những “cái ấy”, những cặp đùi và những đôi môi của mình, những cuộc tình chẳng ăn nhập gì với nhau. Rốt cuộc gã nghĩ về Krystyna, liệu gã có còn thích nàng nữa hay không? Nàng đi xa mấy ngày nay, họ sống cùng nhau, tuy nhiên càng ngày họ càng cách biệt. Khi người ta ở trong những khu nhà xa cách bởi thiếu thời gian, tình dục trở thành thứ xa hoa vô vị.

Gã sốt ruột đi đi lại lại quanh phòng, rồi gã lại ngồi xuống ghế xa lông, châm tẩu. Gã thèm nói chuyện với một người nào đó. Gã giở sổ tay, ngay lập tức gã nhằm trúng mấy người đã qua đời. Trong sổ tay của gã, những người quá cố chẳng khác gì những người đang sống. Gã không nỡ xóa tên những người đã ra đi, sợ rằng, biết đâu họ vẫn còn thoi thóp. Gã đứng dậy, mở hộp thư điện tử, gã phát hoảng khi có cả đống thư gã phải hồi âm. Gã tắt máy vi tính.

Gã xem tờ báo “Cộng hòa” – gã không còn ham đọc, hồi trước gã là con mọt sách, bây giờ gã chỉ xem báo, lướt nhanh qua các chương trình tivi. Gã phát ớn mỗi khi đọc các tiêu đề những bài viết về chính trị.

Gã gõ tàn thuốc ra khỏi tẩu, đứng dậy, ngó nghiêng như thể một khán giả trong đám đông chen lấn sau cuộc biểu diễn đang tìm đường tốt nhất để thoát ra ngoài rạp. Gã mặc vào người chiếc áo ấm thể thao, bước ra khỏi nhà gã đi về phía thang máy.

Gã cuốc bộ, người bảo vệ chung cư cảnh giác nhìn theo gã, ra khỏi tường rào là gã đã bước sang thế giới khác rồi. Dân ở trong ngôi nhà này, một hòn đảo ngâm mình trong khu dân cư không phải là yên bình nhất thành phố, hiếm khi rời khỏi pháo đài sang trọng của mình mà không ngồi trong xe ô tô. Tại cổng ngôi nhà gần đó, một ngôi nhà tường loang lổ như da người bị ghẻ, gã thấy một toán người say rượu. Có mấy người gã quen mặt, những gương mặt càng ngày nom càng phù nề và đỏ lựng. Trong thành phố này, dân say rượu tạo thành những bày đàn nhỏ, giống như những đàn thú dữ mà rượu đã làm nanh chúng mềm nhũn, vuốt chúng rụng rời, không còn hung dữ, họ nói thứ giọng khàn khác lạ. Gã nghĩ – những người Ba Lan này họ có một chút siêu hình trong người, những nốt thắt ngổn ngang  trong tâm hồn và những mảnh thủy tinh các mầu của những cái chai dân tộc bị vỡ. Họ đã kiệt sức, nhưng vẫn ráng sống, lắm khi gã phát ghen với họ, khi họ vui vầy, gắn bó bày đàn với nhau.

Mấy lần gã dừng lại như là gã đang dắt con chó bằng dây xích vô hình. Gã chẳng biết, gã muốn đi tiếp hay quay về? Gã nghĩ – mình đang làm việc cực nhọc vì cái thế giới không còn là của mình nũa.

Trên đường về, ngay sát cổng ra vào, gã gặp một cô gái. Nom cô nàng có vẻ như cô gái thất tình. Khi người bảo vệ mở cửa, cô gái điềm nhiên bước vào bên trong như đã ở đây từ lâu. Chỉ có điều gã không nhớ mặt cô nàng. Cô gái chừng hai mươi tuổi. Gã thuộc hạng đàn ông có thói quen, hễ gặp đàn bà là bình phẩm ngay lập tức: đep, xấu, cân đối…Cô gái không thuộc tiêu chí định nghĩa này. Tuy nhiên, cái gã cho là một khiếm khuyết nho nhỏ… có lẽ là dấu vết của nước mắt?

Gã bước vào thang máy… sau giây lát chần chừ cô gái bước theo gã. Gã nghĩ – thời thế gì mà trong thang máy của ngôi nhà sang trọng như thế này một cô gái lại đi sợ một người đàn ông có khuôn mặt hiền khô.

Cô gái có thân hình mảnh mai và cân đối – gã thích những cô gái như vậy. Thân hình mảnh mai của cô gái ẩn chứa nhiều căng thẳng, có cả dây cung và mũi tên mà con tim gã cảm nhận được. Bám theo sau cô gái là bóng dáng của nỗi buồn, nó gợi trí tò mò của gã. Khi gã ấn nút thang máy tầng của mình, cô gái, sau giây lát do dự, ấn nút tầng tiếp theo. Tại tầng trên cùng này chỉ có một số văn phòng, nhưng ngày hôm đó đóng cửa. Bây giờ thì gã đã biết chắc, cô gái không ở trong chung cư này.

Thang máy làm xáo trộn khoảng không gian riêng của chúng ta, khi trong thang máy chỉ có hai người không quen biết nhau, thì vấn đề: làm gì với đôi mắt, thường là điều rất khó xử. Người ta thường chỉ liếc nhìn vào mặt, tránh nhìn thẳng vào mắt nhau – chỉ đôi khi, ra bộ tình cờ, mới dám nhìn trực diện như vậy. Cô gái có đôi mắt đẹp và mái tóc màu hạt dẻ mà gã cho là màu tự nhiên.

Gã bước ra khỏi thang máy, miệng nói, cảm ơn – cô gái đáp lại bằng sự im lặng. Gã đứng một lúc trước cửa nhà mình, như thể không biết có định vào nhà hay không? Gã không thể xoay chìa khóa, nghĩa là gã lại vô tình để cửa mở.

Gã đi pha trà, cho nước vào ấm điện, tuy nhiên ý nghĩ về cô gái không quen biết nọ chẳng để cho gã được yên. Bây giờ thì gã đã dám chắc, chỉ nhờ có gã cô nàng mới vào ngôi nhà này được, gã đã vô tình mời cô ta vào đây, cô gái bị rối trí, đang đau khổ. Gã không biết tại sao, nhưng gã cảm thấy gã có trách nhiệm với cô nàng…

Gã nhìn ra hành lang, cô gái đứng bên cửa sổ, dang rộng hai tay, như thể muốn ôm lấy cảnh vật bên ngoài. Cảm thấy gã đang nhìn mình, cô gái đưa mắt nhìn ra chung quanh. Gã không kịp trốn…hơi bị ngượng mặt, gã lên tiếng:

- Tôi cũng thích cảnh vật chỗ này, nó có nhiều hi vọng hơn cảnh vật nhìn từ các ô cửa sổ nhà tôi.

- Em chẳng thấy một chút hi vọng nào ở đây cả, có lẽ phải đến mùa hè chăng? – nàng nói nhỏ nhẹ, nhưng rành rọt.

- Nói như vậy thì là vấn đề tâm trạng mất rồi. Tôi ngờ rằng chị là một người đa sầu.

- Có thể như vậy, - nàng nói, có phần hơi thô lỗ, như thể muốn kết thúc câu chuyện.

- Bây giờ không phải mùa đẹp trong năm, trong tháng mười một này, người yêu đời nhất cũng có những lúc buồn…

Cả hai im lặng, một sự im lặng nhanh chóng hóa thành sự vụng về. Và cả sự im lặng này nữa gã cũng thấy là tại gã.

- Tôi có món trà lạc quan, được gọi là “niềm vui của cuộc sống”, chị uống thử chăng? Tôi hiểu… chúng ta chẳng quen biết gì nhau, bây giờ đang là cái thời mà những cuộc quen biết tình cờ lắm khi gây lo ngại, cho dù nhân danh niềm vui của cuộc sống, thế nhưng vì thế có khi chúng ta lại càng cần phải…

Cô gái lặng im. Gã thấy mình như thằng hề trong rạp xiếc đang làm hỏng tiết mục.

- OK, - nàng nói, như ném cục đá xuống giếng vậy.

Nàng bước vào nhà, vẻ thiếu tự tin – như một con mèo đang thăm dò căn phòng mới. Cô gái ngồi xuống ghế xa lông, chính chiếc ghế gã thích ngồi. Gã thấy hơi bất tiện vì chuyện này.

Gã đặt ấm đun trà, chiếc ấm nhanh chóng sôi sùng sục.

- Ở đây hơi lạnh, - cô gái nói, quan sát tường nhà, lấy tay ôm đầu. Gã tưởng nàng nói về các bức tranh treo trên tường.

- Ở đây có treo chân dung một số họa sĩ hàng đầu của Ba Lan, - gã giải thích.

- Chắc họ bị lạnh, khi họ vẽ, - nàng nhận xét một cách hài hước.

Gã chấp nhận câu nói của nàng dễ dàng đến không ngờ, gã vốn kiêu hãnh với bộ sưu tập của mình cơ mà.

- Thế nhưng…tất thảy những chuyện đó chẳng quan trọng gì, - nàng nói tiếp như có vẻ hối hận.

Gã đưa cốc trà cho cô gái. Nàng uống trà, tay nàng cầm tai cốc nom giống hệt người yêu đầu đời của gã. Có thể cử chỉ giống hệt, gây xúc động này, đã khiến gã mở lòng với cô gái.

Gã kể cho cô nàng nghe chuyện gã mua nhà, chuyện li dị của gã, thậm chí cả về công việc của gã nữa. Thường thì gã là người chẳng cởi mở cho lắm, nhưng lúc này gã cảm thấy gã rất muốn được trút một mảnh đời của mình vào cặp đùi đang áp vào nhau của cô nàng không quen biết. Gã làm quen với nàng, chiều nàng, thậm chí thương cảm – ngày hôm đó gã rất cần tình thân.

Nàng nghe, như thu mình lại, bất thình lình nàng sửa lại mái tóc, đôi mắt nâu của nàng bừng sáng. Tuy nhiên, toàn thân nàng vẫn toát lên nỗi buồn. Điều này đã mở toang cánh cửa cho gã thổ lộ tâm tình. Những người bất hạnh là những kẻ hèn yếu, xem ra họ không đáng ngại đối với sự bất lực của chúng ta.

- Có một điều lạ là… chưa bao giờ tôi có cuộc sống vật chất khá giả, tôi cảm thấy mình đang nghèo túng khủng khiếp hơn lúc nào hết.

- Thế tại sao em lại được mời vào nhà? – nàng hỏi nhẹ nhàng .

- Đúng, - gã nói sau giây lát chần chừ, - tôi linh cảm chị đang cô đơn. Hai kẻ cuồng si không thể chịu đựng nhau, hai kẻ loạn thần kinh lại càng như vậy, còn những khó khăn… đúng.

Cô gái không phủ định. Tuy nhiên gã có cảm giác, nàng bỡ ngỡ, không thể chấp nhận sự gần gũi, bất chấp ý nàng, giữa hai người. Gã cho nàng xem một con voi nhỏ làm bằng ngà gã mang về từ châu Phi, một bản khắc gỗ cổ, một số mảnh men trang trí từ Hà Lan, thời Vermeer, bức điêu khắc lõa thể từ Thái Lan… và cả một con mèo đen, ngồi cong lưng, đồ chơi từ hồi gã còn bé. Gã kể, hồi thiết quân luật gã đã làm tờ báo sinh viên bí mật như thế nào, vì thế mà gã đã bị đuổi khỏi trường đại học, phải mấy năm sau gã mới tốt nghiệp.

- Hồi đó chúng tôi biết đấu tranh nhằm mục đích gì, - gã nói đầy kiêu hãnh, đoạn im bặt, tựa hồ gã muốn nghe cô gái nói điều tuổi trẻ bây giờ thường nói  –  chúng tôi chẳng còn cần phải đấu tranh mà làm gì nữa rồi, cùng lắm là vì tiền.

Cô gái không nói vậy. Nàng khép chặt lòng mình đến nỗi sẽ chẳng bao giờ nàng chịu mở ra nữa rồi. Không cần hỏi, gã rót thêm trà cho nàng, cô gái uống trà trong sự im lặng tập trung.

Cô gái đứng dậy, rón rén bước lại chỗ dây thường xuân treo lủng lẳng, thứ không thể làm cô nàng bực mình được nữa, sau đó nàng mạnh dạn ngắm mấy chậu hoa; thấy rõ, càng ngày chúng càng không chịu nổi sự chăm sóc không đúng cách, hoặc thiếu hoặc thừa nước. Nàng vặt mấy lá si héo, đổ nước tưới tất cả các cây thân leo, không thèm hỏi chủ nhân, phải làm gì để cứu vớt những cây héo úa. Gã xúc động, đến nỗi rớm nước mắt. Cô gái ngồi thu mình trong ghế xa lông, như muốn ngủ một giấc trong đôi cánh tay da của chiếc ghế. Lúc đó gã đinh ninh, cô gái đang mang trong mình một bí mật, bí mật đang bao quanh cô nàng. Cô gái nhắm mắt lại một trong chốc lát rồi lại mở ra để kiểm tra xem, thế giới chung quanh có phải là thật. Bây giờ gã mới có cảm giác, lần đầu tiên nàng ngắm gã, kín đáo và chăm chú, sau đó nàng liếc mắt nhìn ra phía cửa, như để canh chừng, nàng ngầm đo trong đầu khoảng cách và vạch đường trốn chạy.

Gã chìm nghỉm trong ghế xa lông. Cái im lặng đang bao trùm lên cả hai thoạt tiên gây khó chịu, sau đó bất thình lình mang sắc thái khác và có vẻ như ở đúng chỗ của mình. Nàng nhắm mắt, gã cũng cảm thấy gã rất buồn ngủ.

Gã sắp thiu thiu thì hai chân của họ chạm vào nhau để rồi hốt hoảng rụt lại ngay lập tức. Sau chốc lát, gã không mở mắt, đặt bàn tay mình lên bàn tay nàng. Nàng run rẩy như con bướm năm ngón bị tóm. Tuy nhiên nàng không vùng vẫy như một con bướm hoảng sợ. Tay gã lúc nào cũng nóng ấm. Sau mấy phút gã cảm nhận, bàn tay nàng đang tan chảy. Khi tay nàng cũng nóng như tay gã, gã nhẹ nhàng nâng lên, tách riêng từng ngón. Các ngón tay nàng cưỡng lại yếu ớt để rồi hoàn toàn phục tùng.

- Anh thích em, - gã nói, nhưng không phải vậy. Gã chỉ tò mò về nàng mà thôi.

- Em có thể làm cái đó bằng tay, - cô gái nói thật.

Cô gái cởi khuy quần của gã. Nàng vuốt ve gã một cách thuần thục, như thể ở nơi công cộng, nơi phải vội vàng. Khi gã đạt cực khoái, nàng nắm tay rồi lại mở tay ra một cách khéo léo. Nàng vét hết tinh dịch vào hai bàn tay, nhẹ nhàng đứng dậy, trút vào chậu hoa, nơi đất khô đã hóa xám sau khi cây chết cách đây không lâu.

Gã rất muốn ôm chặt lấy nàng, nhưng nàng đã đi rửa tay. Gã cảm thấy gã bị bỏ rơi, thậm chí bị lợi dụng. Cài xong khuy quần gã lết vào nhà tắm thứ hai. Trong tiếng nước chảy gã nghe thấy cô nàng đã quay trở lại phòng và đang nói chuyện điện thoại. Gã ngồi trên mép bồn tắm, đợi cho nàng nói chuyện xong, gã không muốn cản trở nàng. Vả lại, gã cũng cần có một phút cô đơn, có thể là để xem xét, sao lúc này gã cảm thấy mình vụng về đến như vậy?

Khi vào phòng gã thấy ống nghe của máy điện thoại không dây nằm lăn lóc trên thảm, như một vật bị ném đi trong cơn hốt hoảng. Gã ngó vào phòng ngủ. Trống không và câm lặng. Ngoài hành lang sáng đèn. Tại sao cửa ra ban công lại mở?

Gã thò đầu qua cửa sổ, nhìn xuống dưới. Lũ kiến và con người hành xử như nhau khi có một con côn trùng hay một lá cây từ trên cao rơi xuống đất – họ  ùa chạy tới chỗ có kẻ vừa rơi xuống. Gã không dám nhìn xuống dưới đó lần hai, gã nhắm nghiền hai mắt và gã nhìn thấy sự im lặng.

Gã ngã vật xuống ghế xa lông. Gã cố gắng không nghĩ ngợi, mắt, tay, tóc nàng bây giờ nom ra sao… Chiếc ống nghe nhìn gã. Gã rón rén cầm lên tay, như cầm một công cụ giết người. Gã đặt ngón tay lên nốt “redial”(1), sau giây lát do dự …gã ấn ngón tay.

- Bây giờ sao đây!? – giọng một chàng trai nghe không dịu dàng chút nào. Bằng sự lặng im của mình gã đáp lại anh chàng miệng không ngớt - a lô!? Đồ khốn nạn, em đừng có dọa anh… em nên nhớ rằng, anh không thích có người dọa anh đâu nhé, anh không chịu được, - người con trai quát tháo – em hãy nói đi, thôi được, em không nói gì cũng chẳng sao, đồ khốn nạn, anh không sợ đâu…nếu em muốn thì em cứ làm như vậy đi, em cứ làm đi, nào làm đi… Dorotka, em có ở đó không…

- Không có đâu. Cô ta đã làm như vậy rồi, - gã nói một cách điềm tĩnh. Gã tắt máy, quăng mạnh ống nghe vào góc phòng. Nó là kẻ tòng phạm chứ còn gì, cô nàng cũng vậy.

Gã bước lại chỗ chậu hoa. Trên chỗ đất khô vô sinh khí thấy có một vết ướt như thể có mầm mống của sự sống mới trên đất cằn. Vẫn còn một ảo tưởng nữa, - gã nghĩ. Và gã khóc nức nở. Nước mắt gã chảy thành suối, sau đó thành sông, để rồi đổ ra biển.

                                                                                       Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan

---------------------------------------

 (1) Gọi lại – ND.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...