Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Kim Lân - nụ cười còn vương trên thế gian

(Kỉ niệm 4 năm ngày mất của nhà văn Kim Lân)

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - 04-07-2011 09:44:14 AM

VanVN.Net - Lúc tôi viết những dòng này, ông đang nằm dài trong kia, tuyết băng phủ tràn ngập, những nước mắt tiếc thương, những hối hả chuẩn bị cho giờ tốt cõi nhân gian này đưa ông về Trời...

Tôi cứ tưởng tượng gương mặt hóm hỉnh của ông đang cười lặng lẽ, bảo thầm mọi người: có sao đâu, trên này nóng quá, lắm máy móc diệu nghệ, tầng tầng lớp lớp khuếch đại tia xạ mặt trời, tầng tầng lớp lớp hào quang hào sảng, tớ chịu không nổi, đi thôi, lên kia mát hơn.

Thế là ông đi, khoé miệng vương cười một nửa. Nhẹ tênh. Chẳng báo trước. Lòng bảo đi thế là đi thật.

Lúc ấy tôi đang nằm sốt trên giường. Điện thoại bạn bè gọi đến dồn dập: Có phải nhà văn Kim Lân mất cách đây nửa tiếng rồi không? Tôi bảo không biết. Tôi cười nốt cái nụ ông còn bỏ dở trên thế gian. Có biết tôi cũng chẳng báo cái tin ấy. Tôi nằm chỉ mươi phút nữa là mưa. Mưa đổ xối xả khắp bầu trời Hà Nội. Bầu trời nom dữ tợn lắm, vì muốn bão mà không bão nổi. Cứ nức nở.

Thế là tôi đã để lỡ một cuộc hẹn với ông. 

Năm ấy, tôi tìm đến căn nhà trong ngõ Hạ Hồi. Ôi cái ông nhà văn Kim Lân sao mà ăn ở giản dị vậy? Cái ngõ nhỏ. Cái nhà nhỏ. Cái ngăn tiếp khách nhỏ. Con người ông cũng nhỏ với nụ cười thật tươi trên gương mặt hóm hỉnh: Cháu đấy à? Bác nghe danh cháu từ lâu, giờ được gặp vui quá. Tôi bảo với ông: Cháu đến đây để viết về bác bên lĩnh vực điện ảnh là chính, tờ báo của cháu muốn có những bài cháu viết về những cây đa cây đề trong làng. Ông bảo: Thì cứ uống nước nói chuyện đã. Còn cây đa cây đề thì, bác không dám. Bác gái bưng cho tôi một ly nước. Nước ngọt y như ly nước mưa hồi nhỏ đi học sơ tán, xin của dân bên đường.

Tôi đã viết một bài không phải với chủ đề cây đa cây đề gì. Tôi kể Kim Lân đi đóng phim như thế nào.

Người trong làng điện ảnh, nói đến Kim Lân là có thể kể ra vanh vách ông đã vào được 5, 6 vai trong những bộ phim nhựa tên tuổi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Người ta hay nhắc đến ông nhất là vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Cái nét hóm hỉnh của Kim Lân khi vào vai lão Hạc lại trở nên một gương mặt bi sầu đến hút hồn người xem, gương mặt ấy luỵ sang cả vai con chó, khiến cho người xem không phân biệt nổi người ta đã phải dùng đến hai con chó cho một vai. Nhưng người ta còn nhắc đến Kim Lân ngay ở vai đầu tiên mà ông vui chân bước vào làng điện ảnh, đó là vai Pụ Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc và Hoàng Thái. Khi đó ông mới ở rừng về. Anh lính Cụ Hồ mang dáng nét mù sương lam khói, ánh mắt khoé miệng đều quệt một tí nếp nhăn sơn cước. Vào cái vai “bá ác sơn cước” cứ thế mà lè nhè gọi: “Thằng A Phủ kia!”, khiến A Phủ trong phim lẫn người xem rờn rợn. Ông đã bước vào làng điện ảnh nhu nhiên như thế.

Nhưng nếu không nói trước, e tôi chẳng thể viết nổi một bài cho tờ báo điện ảnh của mình. Bởi ông hầu như rất buồn mỗi khi đi đâu, người ta chỉ hay phát hiện ra ông “lão Hạc”, chứ chẳng mấy tay nông dân hay bác thị dân nào biết đấy là cái ông nhà văn đang làm cho lũ con cái họ mướt mồ hôi phân tích các tác phẩm kinh điển đầy kịch tính nông dân của ông.

Ai quen với ông mà chẳng biết ông vốn là một tay thợ đẽo gọt người làng Từ Sơn Bắc Ninh, rồi làm truyền thần, rồi đi kháng chiến. “Tay nghệ” ban đầu của ông chính là vẽ. Chẳng thế mà sau này mấy người con của ông đều rạng danh ở bên hội hoạ: Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Mạnh Đức. Gia đình ông đúng là một gia đình thuần Kinh Bắc. Ông viết những truyện ngắn Làng, Vợ nhặt… viết thì ít mà như những hòn ngọc châu, nhả ra và toả sáng mãi với hậu thế. Hết năm này qua năm khác, các thầy cô giáo cứ phải lấy tác phẩm của ông ra cho lũ trẻ thi, cứ như thể nếu rời tác phẩm của Kim Lân ra, họ trở nên lúng túng.

Cái năm con trai trưởng Thành Chương của ông “lập Phủ”, tôi được đoàn làm phim ngắn của Chương trình Tạp chí Du lịch – VTV2 mời viết kịch bản và lời bình cho bộ phim này. Đúng hơn, đó là lời mời của đạo diễn kiêm quay phim Nguyễn Lê Văn, con trai cố nghệ sĩ nhân dân quay phim Nguyễn Đăng Bảy (người mà tôi cũng vừa mới tiễn đưa đâu như tháng trước, cũng ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, lại là anh vợ của nhà văn Kim Lân). Vợ chồng anh Thành Chương mời cha mình lên đó để cho đoàn quay phim có thêm những hình ảnh sinh động của gia đình. Bác cháu lại gặp nhau. Lần này, tôi không thấy nét hóm hỉnh còn tràn trề trong mắt ông. Thành Chương vừa mới qua một cuộc cách mạng trong gia đình, giờ coi như tạm ổn. Tôi hỏi ông: cháu không định đặt tên phim là “Phủ Thành Chương” như các anh ấy muốn, bác thấy thế nào? Ông cười cười: Cứ làm gì vừa phải thôi cháu ạ. Tôi quyết định đặt tên phim là “Một góc Thành Chương”, đúng với anh ấy và ý nguyện của Kim Lân hơn.

Lúc nắng quá, cả đoàn ăn cơm trưa xong, rủ nhau chui vào biệt phủ. Đó là một cái góc kín dưới tầng hầm của toà nhà được đặt tên là Tường Vân, được phủ toàn bằng thảm nỉ đỏ, lắp điều hoà, đặt cái ti vi to bằng cả cái bảng. Tôi mời ông. Ông lắc đầu: Bác thích đơn sơ nắng gió ngoài sân hơn. Tôi hỏi: Bác có hay lên trên này không? Ông giở võ hóm: Trên này chúng nó có nhiều đồ cổ quá rồi.

Ai cũng nghĩ, con trai trưởng đã gây dựng được một cơ nghiệp như thế này, chắc người cha nhà văn có chốn để đàm đạo bạn bè, viết văn dạo chơi như một chốn non nước tang bồng. Nhưng mời thế nào người cha cũng lắc, cứ ở cái ngõ nhỏ Hạ Hồi, mặc quần áo nâu sồng, mỗi tháng mỗi con biếu cha vài trăm, cho ít thời nhận, nhiều thời lắc. Đủ chi tiêu, đủ để thuê xe ôm lâu lâu về văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam họp: chi bộ, hội nhà văn cao tuổi, dự các lễ kỷ niệm, trao thưởng, kết nạp hội viên…

Mỗi lần gặp, bác cháu lại vui như tết, bác hỏi thăm cháu dạo này viết được những gì? Cháu chỉ dám hỏi thăm bác dạo này sức khoẻ bác có được thường không? Khi nào cháu sẽ lại sang bác, bác cháu ta ngồi đàm đạo về văn chương ngày nay bác nhé, nhất là văn chương mấy con X ấy. Ông cười vui lắm.

Tôi cũng không bao giờ dám hỏi thêm ông về câu chuyện ấy. Câu chuyện mà ông ấp ủ về một ông câm và một con chó (gần đây ai hỏi đến chuyện viết, ông cũng nhắc đến chi tiết này), tôi nghĩ chắc ông không muốn viết ra nữa.

Châu ngọc ông đã nhả ra cho cõi này.

Chắc ông dành lại cho mình một bí ẩn vĩnh viễn để mang đi!     

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...