Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Tản Đà, người khai mở nền văn chương hiện đại
Cập nhật: 17:18:00 28/10/2010

 

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 29 tháng Tư năm Mậu Tý, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây xưa, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Tổ phụ Tản Đà là Nguyễn Công Thái (1674- 1748) người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Tiến sĩ khoa Ât Mùi 1715, làm quan đến chức Quốc Tử giám Tế tửu. Người con thứ sáu của Nguyễn Công Thái là Nguyễn Huy Túc dời cư lên Khê Thượng, khởi nên dòng họ Nguyễn ở đây, đến đời thứ năm thì có anh em Nguyễn Tái Tích, sau đỗ Phó bảng năm 1895, và Nguyễn Khắc Hiếu, sau thành thành nhà thơ Tản Đà lừng danh.

Thân phụ Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân thời Tự Đức, làm quan đến Án sát Ninh Bình, từng giữ chức Ngự sử trong Kinh. Ông có người vợ bé là Nhữ Thị Nghiêm, một đào hát ở Hàng Thao, Nam Định, nổi tiếng tài sắc, lại giỏi cả văn thơ, đã sinh được Tản Đà. Năm Tản Đà ba tuổi thì bố mất, một năm sau thì người mẹ bỏ nhà ra đi, trở lại làm đào nương. Từ đó, Tản Đà được người anh khác mẹ là Nguyễn Tái Tích chăm nuôi và dạy dỗ theo chương trình cử nghiệp, và từ niên thiếu đã thạo các lối từ chương, thi phú. Do sống với anh, nên Tản Đà cứ phải di chuyển theo tới những nơi người anh nhậm chức, khi ở Nam Định, lúc về Quảng Oai, rồi lên Vĩnh Yên…Năm 1907, theo anh ra Hà Nội, Tản Đà học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Ông viết tác phẩm đầu tay Âu, Á nhị châu hiện thế luận, được đăng trên một tờ báo ở Hương Cảng. Thời gian này, Tản Đà yêu một thiếu nữ họ Đỗ ở phố Hàng Bồ, mối tình đầu của nhà thơ. Năm 1909, ông đi thi Hương ở Nam Định, nhưng hỏng. Lại đi thi khoa Nhâm Tý 1912, cũng trượt, Tản Đà trở về Hà Nội, chứng kiến cảnh người yêu đi lấy chồng. Buồn chán, ông bỏ về Hoà Bình tìm khuây lãng; rồi cùng người bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chuà Tiên Sơn uống rượu, thưởng trăng và làm thơ. Sau đó, lại cùng Bạch Thái Bưởi, người đang làm kinh doanh vận tải đường thuỷ và được mệnh danh là “ông vua đường sông Bắc Kỳ”, về Nam Định. Chính thời gian này, nhờ người bạn giàu có mà Tản Đà được đọc nhiều sách tân thư, sách Âu Tây dịch sang Hán văn, và các báo chí mới của Trung Quốc. Mấy tháng sau, ông lên ấp Cổ Đằng ở Sơn Tây sống theo lối “tịch cốc”, rồi trở lại quê nhà và làm nhiều thơ, trong đó có bài Tự trào, đã bộc lộ cái ngông của một con người có bản lĩnh lớn:

Vùng đất Sơn Tây nảy một ông

Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng

Sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt

Bút thánh câu thần sớm vãi vung.

Lúc này ông đã lấy tên ngọn núi Tản và con sông Đà quê mình làm bút hiệu. Những bài thơ ông viết thời kỳ này, sau đã được in trong các tập Khối tình con. Trong thơ ông, hình ảnh con sông, ngọn núi quê nhà luôn là một nguồn mạch cảm xúc:

Mạch nước sông Đà, tim róc rách

Ngàn mây non Tản, mắt lơ mơ…

Năm 1905, ông xây dựng gia đình, và cũng bắt đầu cho đăng những bài văn đầu tiên trên Đông Dương tạp chí. Đến năm 1916, người anh qua đời, gia đình trở nên túng thiếu, Tản Đà quyết định sống bằng nghề cầm bút, như ông tự trào, Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng. Rồi các tập thơ Khối tình con I, Khối tình con II lần lượt ra đời, ông trở thành một hiện tượng thơ ca mới lạ chưa từng thấy. Tuy vậy, chính tiếng vang của những bài văn xuôi Tản Đà cho đăng trên Đông Dương tạp chí lại khiến Giám đốc Trường hậu bổ đặc cách cho ông vào học tại trường. Nhưng Tản Đà từ chối, và xuống Hải Phòng viết kịch bản tuồng cho rạp Nguyễn Đình Kao. Tiếp đó, ông về hà Nội, viết kịch bản cho các rạp Thắng Ý và Sán Nhiên Đài. Những vở Tây Thi, Người cá, Thiên thai được viết trong thời kỳ này. Sống ở Hà Nội, đọc thêm nhiều sách dịch Tây Âu, tư tưởng Tản Đà có những chuyển biến rất mạnh mẽ. Trong vòng ba năm từ 1917 đến 1919, ông cho in nhiều tập văn xuôi: Tiểu thuyết Giấc mộng con, tập I (1917), sách nghị luận Khối tình, bản chính, bản phụ (1918), sách luân lý đạo đức Đài gương kinh (1918), dịch Đài gương truyện, tức Đàn bà Tàu (1919). Trong đó, rất đặc biệt, là tiểu thuyết giả tưởng Giấc mộng con tập I, kể câu chuyện đi chu du khắp năm châu; và đến năm 1932 ông mới viết xong Giấc mộng con tập II, kể về cuộc viễn du lên thiên đình. Đến đây, đã thấy lối tư duy vô cùng mới lạ và một trí tưởng tượng vô cùng phóng túng của Tản Đà trong sáng tác văn chương. Năm 1920, sau chuyến du lịch Huế, Đà Nẵng, ông viết thiên truyện Thề non nước trong đó có bài thơ Thề non nước nổi tiếng, những câu thơ lục bát đẹp đẽ mà mang tính khái quát thật lớn:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non…

Núi cao những ngóng cùng trông,

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương…

Dù cho sông cạn dá mòn,

Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

Đã dấn thân vào kiếm sống bằng nghề văn bút, Tản Đà cũng nhập cuộc bằng việc làm báo nữa. Năm 1921, ông làm chủ bút Hữu thanh tạp chí. Ông còn đi diễn thuyết về “đời đáng chán hay không đáng chán” nhằm giải thích việc nhập cuộc của mình. Cũng năm này Tản Đà xuất bản một tiểu thuyết giàu tính hiện thực là Thần tiền, và cho in các tập thơ dạy trẻ Lên sáuLên tám. Làm chủ bút Hữu thanh tạp chí được 6 tháng, Tản Đà từ chức, về quê. Năm sau, ông lại ra Hà Nội, lập Tản Đà thư điếm, sau hợp với Nghiêm Hàm ấn quán thành Tản Đà thư cục. Ông lần lượt cho xuất bản: Tập thơ- văn Tản Đà tùng văn, trong đó có truyện Thề non nước (1922), tập thơ-văn Còn chơi (1923), tập Quốc sử huấn mông (1924), tập Trần ai tri kỷ (1924). Năm 1924 ông, cùng Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô, dịch và cho xuất bản những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, như Kinh thi, Đại học…Đến thời gian này, Tản Đà thực sự là một nhà văn chuyên nghiệp, viết rất khoẻ, đặc biệt hơn, ông là tác gia có năng lực sáng tạo rất dồi dào, và có khuynh hướng học thuật cao là điều rất hiếm thấy trong đời sống văn chương mấy chục năm đầu thế kỷ XX!

Năm 1925, nhân việc Phan Bội Châu bị bắt và Phan Chu Trinh về Sài Gòn, phong trào yêu nước dấy lên và lan rộng nhiều nơi trong nước. Tản Đà nhập thế tích cực hơn, năm 1926 ông rất cố găng cho ra mắt An Nam tạp chí, được 10 số, đến tháng 3 năm 1927 thì đình bản. Ông tổ chức một chuyến đi vào Nam. ghé thăm nhiều danh lam thắng cảnh, gặp gỡ Phan Bội Châu ở Huế, được nhà báo Diệp Văn Kỳ giúp đỡ những ngày ở Sài Gòn. Tình cảm yêu nước vơí tâm sự u hoài càng nặng lòng Tẩn Đà hơn sau chuyến đi. Trở về Hà nội, ông được Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Quốc dân đảng tìm gặp để bàn ra lại An Nam tạp chí, nhưng việc không thành. Cuối năm 1927, Tản Đà cùng Ngô Tất Tố vào Sài Gòn giúp Diệp Văn Kỳ làm Đông Pháp thời báo. Nhưng, ông thực sự không phải con người làm báo, dù ông chỉ trợ giúp Diệp Văn Kỳ về phằn văn thơ. Theo hồi ức của nhà văn Thiếu Sơn thì, báo chờ bài của Tản Đà để lên khuôn, toà soạn sai người tới nhà ông ở Xóm Gà để lấy, thì ông đang ngất ngưởng trước ly rượu mà quát rằng: “Làm thơ đâu phải bổ củi mà có ngay được!” Vậy nên tháng 2 năm 1928, ông từ chức, trở ra bắc, có ghé thăm khu mộ anh hùng Nguyễn huệ ở Phú Phong và làm náo động bọn quan lại ở đấy khiến Công sứ Pháp lo sợ phải gọi ông lên chất vấn. Kỳ này Tản Đà về ở Khê Thượng quê nhà, được ít lâu đã lại lên Vĩnh Yên sống một thời gian thì bị quan lại địa phương gây khó dễ nên phải xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1930, ông làm tục bản An Nam tạp chí, nhưng chỉ được 2 số, lại ngừng; rồi 1931 xuống Nam Định làm tục bản An Nam tạp chí lần thứ hai, cũng hỏng…Đến 1933 ông làm trợ bút cho Văn học tạp chí được ít lâu thì lại về quê, như ông viết Công danh sự nghiệp mặc đời/ Bên thời chai rượu, bên thời bài thơ…Cuối năm 1937, ông về ở làng Hà Trì, Hà Đông, dịch thơ Đường đăng đều trên báo Ngày nay, tài thơ của Tản Đà bộc lộ cả trong thơ dịch, như hai câu trong bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ: Lưỡng cá hoàng ly minh thuý liễu/ Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên, ông dich hay xuất thần:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc

Một đàn cò trắng vút trời xanh.

Thời gian ở làng Hà Trì, Tản Đà còn dịch hơn 40 truyện trong Liêu trai chí dị, in làm hai tập, soạn Vương Thuý kiều chú giải tân truyện, giữ mục “Thi đàn” cho Tiểu thuyết tuần san, và viết giúp cho tạp chí Phật học Tiếng chuông sớm. Sau, do bị viên Tổng đốc Hà Đông thù ghét, phải chuyển ra Hà nội, sống rất túng quẫn, đến mức không đủ ăn, và thiếu tiền nhà nên bị chủ nhà tịch thu đồ đạc, đuổi đi. Tản Đà cùng gia đình dọn về nhà 71 phố Cầu Mới, nhuốm bệnh nặng và qua đời ở đấy hồi 1 giờ chiều ngày 7 tháng 6 năm 1939. Cái chết của ông là một tang lớn trong làng văn chương báo chí nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Rất nhiều báo chí ra số đặc biệt về Tản Đà. Báo Tiểu thuyết Thứ năm số 35 đã đứng ra tổ chức lạc quyên để giúp đỡ vợ, con nhà thơ Tản Đà, như lời kêu gọi của chủ bút Lê Tràng kiều: “Trong dịp buồn rầu này, bổn phận chúng ta là phải giúp đỡ bà Hiếu và tám người con còn thơ dại kia…”.Trên Tiểu thuyết Thứ năm số 36, có bài tiểu luận Nhân cái chết của một thi sĩ nghèo, Lê Tràng Kiều viết những dòng mở đầu: “Nghệ thuật đã nhân danh Tổ quốc mà chịu cái tang chung đau đớn này…”; và khép lại bài tiểu luận: “Vương Khải, Thạch Sùng kiếp sau không còn trông thấy tiền bạc của mình nữa. Nhưng một Lý Bạch một Tản Đà, tái sinh vẫn còn được nghe người đời đọc những vần thơ bất hủ của mình làm tự kiếp trước.”

Trên văn đàn Việt Nam hơn ba thập niên đầu thé kỷ XX, Tản Đà nổi lên thành một hiện tượng độc đáo, mới lạ và có sức sáng tạo rất phong phú, mạnh mẽ. Do tính cách và số phận, Tản Đà đã chọn văn chương làm phương tiện sống, chính vì thế, đến ông, đời sống văn chương Việt Năm mới thực sự có “nghề văn”. Ông viết cả kịch, văn chính luận, thời đàm, viết cả tiểu thuyết giả tưởng (Giấc mộng con), cả tiểu thuyết giàu tính hiện thực (Thần tiền), lại dịch những tác phẩm kinh điển Trung Quốc, cả khảo cứu văn sử…tất cả đều viết với bút pháp đại gia. Tuy nhiên, đời coi ông là một thi nhân kiệt xuất. Bài thơ Thăm mả cũ bên đường hết sức mới lạ so với thơ ca đầu thế kỷ XX, mà cũng đạt tới giá trị thơ ca kinh điển. Chơi lâu, nhớ quê về thăm nhà, ông gặp ngôi mả cũ bên đường hoang vắng, và nhà thơ nghĩ tới những phận người: Có thể nằm dưới mả là kẻ cung đao, hám đạn liều tên, quyết mũi đao, kết cục da ngựa bọc thây vùi ở nơi cửa nhà xa cách, vợ con khuất. Nhà thơ lại nghĩ đến phận của loại người ông hiểu nhất:

Hay là thuở trước kẻ văn chương

Chen hội công danh, nhỡ lạc đường

Tài cao, phận thấp, chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương?

Mở đầu mỗi khổ thơ đều bằng hai từ nghi vấn Hay là, nhưng liền đó nhà thơ mô tả một thân phận khá điển hình trong xã hôi: Là khách phong lưu, giàu có đề huề, nhưng nơi lối nhỏ, chốn quan san xa lạ, ma thiêng nước độc, đã thành nấm mả bên đương này; là bậc tài danh, do giận duyên, hờn ân ái, nên Đất khách nhờ chôn một khối tình; là khách hồng nhan tài sắc, mà:

Phong trần xui gặp bước lưu lạc

Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn…

Bên nấm mả cũ mưa dầu, nắng dãi ấy, nhà thơ như thấy lại những phận người trong cái xã hội mà ông từng hiểu thấu, cảm khái và viết thành những câu thơ thật buồn. Nhà thơ cũng hiểu rõ quy luật trong cõi nhân sinh, nên coi nấm mả hoang như là quê hương của con người, rồi khép lại bài thơ bằng hai câu thật điềm tĩnh, mà cũng đầy ý nghĩa nhân văn:

Có tiếng khóc oa thì có thế

Trăm năm ai lại biết ai mà!

Tản Đà có tri thức rất sâu rộng về thơ ca cổ điển phương Đông và thơ ca dân gian nước ta, cùng với tài năng thiên phú, nên ông sử dụng chúng một cách tài tình, phóng túng khác thường. Bởi thế ông đã tạo cho thơ ca Việt Nam ta một thứ thơ trước đây chưa từng có. Những câu thơ trong bài Tống biệt, vần điệu thật mới, tình thơ thật sâu:

Trời đất từ đây xa cách mãi,

Cửa động,

Đầu non,

Con đường cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Chúng tôi mạnh dạn nêu nhận xét rằng, nhạc điệu của thi sĩ Lưu Trọng Lư sau này cũng không hẳn đã mới hơn những câu thơ trên. Và, những câu Tản Đà viết trong bài Gió thu: Trận gió thu phong rụng lá hồng/ Lá bay từ bắc lá sang đông…chúng tôi thấy lối diễn đạt của Nguyễn Bính sau này cũng phảng phất vậy. Trong bài Thăm mả cũ bên đường Tản Đà viết: Tài cao phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương…Những câu thơ có tiết tấu mới, nhanh, đầy khí lực như thế, các nhà thơ mới (1932-1942) khó mà viết hay hơn. Do tiếp thu được nhuần nhuyễn vẻ đẹp giản dị của ca dao cùng với sức sáng tạo phong phú, thơ lục bát của Tản Đà đã đạt đến cái hay mẫu mực, không chỉ các nhà thơ mới, mà cả các nhà thơ trẻ hiện nay vẫn chưa tạo được thơ lục bát mới và mẫu mực hơn. Chính Xuân Diệu, một nhà thơ mới tiêu biểu đã coi “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”.

Như vậy có thể nói, số phận đã sắp đặt Tản Đà làm người khai mở nền văn học Việt Nam hiện đại, và với thiên tài của mình, ông đã xứng đáng với vai trò bắt đầu một thời đại mới của văn chương Việt Nam!


Tin bài mới

1
2
Tin mới