Eliot (nhà thơ Anh gốc Mỹ): Cái xác anh trồng năm ngoái trong vườn/ Đã bắt đầu nẩy mầm chưa? Thanh Quế: Tôi như thấy những tháng năm đời mình còn lại/ Là những tháng năm vay mượn của các anh/ Những người đã khuất (Nói với một người anh - nhớ Lê Anh Xuân)

   

Khúc giao mùa- niềm hân hoan sáng tạo
Cập nhật: 10:28:00 26/10/2010

 

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà…

Nguyễn Xuân Sanh

Đó là câu thơ để đời của thi sĩ tiền chiến Nguễn Xuân Sanh. Nhìn mùa đi trên đáy đĩa là hình tượng tuyệt đối đúng để chỉ sự chuyển dịch của tứ mùa bát tiết ở xứ sở nhiệt đới nhiều hoa thơm trái ngọt như nước ta. Bạn thử dùng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt để viết lại câu thơ đó trên bàn trà xem. Hẳn sẽ là một chiêm nghiệm thú vị đấy. Người Việt thật hạnh phúc khi được sống trong xứ sở bốn mùa, được hưởng thụ, được lắng nghe sự chuyển dịch thời gian qua những sinh sôi, nảy nở của cỏ hoa, của thời tiết.

Có lẽ vì thế mà các thi sĩ Việt Nam từ xưa tới nay thường rất thành công khi viết về những khoảnh khắc tinh tế khi trời đất giao mùa “ Cỏ non xanh rợn chân trời -Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Nguyễn Du đã viết như vậy về vẻ đẹp đến ngẩn ngơ, rợn ngợp của cảnh sắc mùa xuân. Và , lật thêm vài trang Kiều, chúng ta lại gặp câu “ Dưới trăng quyên đã gọi hè- Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” để nói về những thời khắc đầu tiên khi mùa hè đã đến. Nhà thơ Thế Lữ thì nhắc chúng ta hãy “nghe” tiếng mùa thu đi “ Em có nghe mùa thu- Gió thu đi xào xạc - Con nai vàng ngơ ngác - Đạp trên lá vàng khô.” Thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính lại nhận ra bước đi thời gian trên má những nàng thôn nữ “Đã thấy Xuân về với gió Đông- Với trên màu má gái chưa chồng “. Gần gũi với chúng ta hơn, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã tinh tế chỉ ra những khoẳng khắc giao mùa hiện lên trên bầu trời “Có đám mây mùa hạ -Vắt nửa mình sang thu.”

*

Thi ca đã thể hiện quyền năng tuyệt đối khi ghi nhận cảm xúc của con người Việt Nam trong những thời khắc giao mùa rất tinh diệu của thiên nhiên. Tuy vậy, các loại hình nghệ thuật khác cũng không chịu lùi bước. Trong hội họa dân gian chủ đề “tứ thời bát tiết” luôn hiện diện một cách tinh tế và sinh động. Bộ tứ bình trong dòng tranh Hàng Trống miêu tả sự chuyển động bốn mùa xuân –hạ - thu –đông bằng những loại hoa, loại quả tiêu biểu cho mỗi mùa. Dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng có một bức tranh rất kì lạ. Đó là bức chăn trâu thả diều, miêu tả một chú mục đồng nằm ngửa trên lưng trâu thả lên trời một cánh diều rồi đắc ý say sưa thưởng lãm với một vẻ mặt minh triết. Những tưởng bức tranh chỉ mô tả chuyện chú mục đồng thả diều, ai dè “nhân vật chính” chưa hẳn chỉ là chú mục đồng vì trên bức tranh còn có dòng đề từ “Vũ thu phong nhất tướng” (một hình ảnh gió thu múa.) Thì ra gió thu mới là cái mà các nghệ nhân dân gian muốn “vẽ”. Thứ mà chú mục đồng đang sung sướng ngắm nhìn không phải chỉ là cánh diều mà còn là ngọn gió thu đang múa. Miêu tả sự cảm nhận những chuyển động của thiên nhiên, của trời đất tinh tế vi diệu đến thế là cùng! Đó chính là sự đặc sắc, đồng thời cũng là điều bí ẩn, trầm sâu trong tâm hồn người Việt.

Cũng với cách nhìn như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong kho tàng âm nhạc dân gian còn lưu giữ được không biết bao nhiêu câu hát, bao nhiêu làn điệu dân ca ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa, miêu tả một cách chính xác thứ tình cảm hết sức phức tạp tinh vi nảy sinh trong lòng người trước mỗi độ giao mùa. Tôi đã có may mắn được dự một đêm lửa trại với một nhóm bạn trẻ và thật thú vị khi được chứng kiến họ chơi trò thi hát xoay vòng với chủ đề bốn mùa. Canh hát kéo dài thâu đêm mà vẫn chưa hết những bài hát cổ kim về “tứ thời bát tiết”.bTới đây thì chắc hẳn nhiều bạn trẻ đồng ý với tôi rằng nhạc sĩ trẻ Huy Tuấn cùng với cặp nghệ sĩ Mỹ Linh – Minh Quân đã cực kì thông minh và nhạy cảm khi chọn chủ đề tuyệt vời này làm hình tượng và cảm xúc cho nhạc phẩm “Khúc giao mùa” của họ. Nối tiếp sự thành công của các bậc đàn anh đi trước như Nguyễn Văn Thương với “Đêm Đông”, Trịnh Công Sơn với “Nhớ mùa thu Hà Nội”, nhạc phẩm “Khúc giao mùa” của bộ ba Huy Tuấn –Mỹ Linh - Minh Quân khiến chúng ta càng tin rằng thiên nhiên và mối giao hòa giữa thiên nhiên với con người luôn là niềm cảm hứng bất tận cho tư duy sáng tạo.

Đến đây, chúng ta cũng không thể không nói tới một câu chuyện khác: thiên nhiên kì diệu và tinh tế ở Việt Nam cũng là chủ đề, là niềm cảm hứng sáng tạo cho một loại hình nghệ thuật, một ngành công nghiệp non trẻ ở nước ta, đó là thời trang. Thì đó, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và một vài nhà thiết kế khác trong những năm gần đây chẳng đã cho trình làng những bộ sưu tập thời trang bốn mùa đó sao? Ở xứ sở mà trong một ngày có thể tìm thấy ở đây ở đó những cung bậc thời tiết khác nhau, đại diện cho cả “tứ thời bát tiết” như nước ta thì sớm hay muộn cũng trở thành “thiên đường của thời trang”.

*

Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét
!

Tôi luôn xúc động mỗi khi đọc lại câu thơ giản dị này của thi sĩ Xuân Quỳnh. Đó là sự giản dị của một tấm chân tình. Nó đơn giản như một bản thông báo thời tiết chúng ta nghe mỗi buổi sáng trước khi bước ra đường. Nhưng nó lại có sức nặng như một thông điệp về tình yêu mà chúng ta luôn khao khát được lắng nghe.

Thiết Mộc Lang


Tin bài mới

1
2
Tin mới